Sài·gòn·eer

BackĂn & Uống » Ănthology » Câu chuyện về Minh Tsai, người sáng lập thương hiệu đậu hũ danh tiếng nhất nước Mỹ

Chỉ mới 20 năm về trước, thị trường tiêu dùng nước Mỹ vẫn còn xem đậu hũ là một loại thực phẩm nhạt nhẽo, vô vị, chỉ phù hợp để làm nguyên liệu chay thay thế thịt. Có người còn tin rằng món ăn này rất nguy hiểm cho sức khỏe vì đã qua chế biến nhiều, đàn ông ăn vào sẽ phát triển ngực, còn phụ nữ sẽ bị ung thư ngực (tuy nhiên các nghiên cứu khoa học đã chứng minh điều ngược lại). Đúng lúc này, một người Mỹ gốc Việt đã quyết định thay đổi cái nhìn của phương Tây về món ăn truyền thống của quê hương.

Chuyện bắt đầu từ một con hẻm ở Sài Gòn

Đây là câu chuyện về Minh Tsai và nỗi nhớ da diết hương vị đậu hũ của những ngày thơ bé sống ở quận 10, Sài Gòn. Qua điện thoại, anh vui vẻ kể với Saigoneer về quãng thời gian ở cùng ông bà mình:

“Tôi sinh ra vào thời chiến nên ba mẹ thường không thể ở nhà lo cho tôi, thời đó ai cũng vậy. Thế nên tôi ở với ông bà. Cuộc sống hằng ngày chủ yếu xoay quanh chuyện ăn uống. Mỗi buổi sáng tôi được ông dắt đi mua xôi ăn." Là một người Việt Kiều, anh Minh nói chuyện bằng tiếng Anh xen kẽ với tiếng Việt, vì có những từ chỉ có tiếng mẹ đẻ mới truyền tải được.

“Thỉnh thoảng hai ông cháu sẽ đi mua sữa đậu nành mới nấu trong một con hẻm nhỏ. Người ta nói mùi hương là ký ức chúng ta nhớ lâu nhất, nên đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ hương thơm đó. Tôi có thể ngửi thấy mùi sữa đậu nành thơm nức từ cách mấy cây số. Chỗ bán sữa đậu nành cũng bán đậu hũ, nên hai ông cháu hay mua một miếng to về cho bà nấu cơm. Hồi đó người ta bỏ đậu hũ vào bịch nilon có nước, lúc xách về giống như cầm túi cá cảnh vậy.”

Anh miên man hồi tưởng những ngày cùng bà đi chợ, học cách chọn rau củ, cá tươi, thịt ngon. “Những kỷ niệm đó đã góp phần đưa tôi đến con đường kinh doanh thực phẩm sau này. Mà có lẽ là trong thâm tâm tôi đã muốn làm điều đó từ lâu? Tôi yêu thích ẩm thực, nên chọn luôn ẩm thực làm công việc.”

“Những kỷ niệm đó đã góp phần đưa tôi đến con đường kinh doanh thực phẩm sau này. Mà có lẽ là trong thâm tâm tôi đã muốn làm điều đó từ lâu? Tôi yêu thích ẩm thực, nên chọn luôn ẩm thực làm công việc.”

Năm 1980, cha mẹ anh nói rằng cả nhà sẽ đi chơi xa. Nhưng một khi đã lên thuyền rồi, họ mới tiết lộ sự thật là cả gia đình đang rời Việt Nam. “Thật sự là chỉ trong một đêm, chúng tôi dọn đồ rồi... đi thẳng luôn. Tôi còn chẳng kịp tạm biết mấy người bạn.”

Gia đình anh đến một trong những trại tị nạn lớn nhất ở Malaysia trên đảo Pulau Bidong. Theo hình dung của tôi, cuộc sống ở trại tị nạn chắc hẳn phải rất tồi tàn — các gia đình đói khổ và sợ hãi neo tựa nhau trong những chiếc lều cũ xác xơ dựng bên trong hàng rào kẽm gai.

Thế nhưng, khi Urbanist hỏi anh Minh về cuộc sống ở Pulau Bidong, anh lại hào hứng kể rằng: “Năm đó tôi 11 tuổi. Đó là chuyến đi vui nhất trong đời. Tôi được đi câu cá, hái trộm dừa, gọt vỏ dừa, và thỏa thích tắm sông. Được vui chơi vòng quanh hòn đảo thật tuyệt vời.” Anh Minh đã viết hẳn một quyển tự truyện mang tên “Huckleberry Minh” để kể cho hai người con trai của mình về quãng thời gian đầy niềm vui ở... trại tị nạn.

Cuộc sống mới ở Hoa Kỳ

Từ Pulau Bidong, gia đình anh Minh được tài trợ để đến sống ở bang Maryland, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khu vực này không có cộng đồng người châu Á lớn nào, nên bố anh cảm thấy rất lo ngại. Anh quyết định chuyển đến San Francisco, nơi có khu phố người Hoa lớn nhất nước Mỹ, để tìm việc, sau đó đưa gia đình đến đây sinh sống. “Chúng tôi đi từ Maryland đến San Francisco bằng xe buýt. Chuyến đi kéo dài tận ba ngày, nhưng rất tuyệt vời. Số lần tôi ăn McDonald’s trên chuyến đi đó còn nhiều cả đời cộng lại,” anh tiếp tục kể lại, niềm vui thích thể hiện rõ qua giọng nói.

Sau khi trải qua tuổi thiếu niên ở khu vực Bay Area, anh Minh quyết định bay đến bờ Đông để theo học ngành Khoa học Chính trị và Châu Á học tại Columbia University, New York, rồi tiếp tục lấy bằng thạc sĩ ngành Phát triển Kinh tế và Kinh tế vi mô. Tuy có hai tấm bằng từ một trường đại học thuộc khối Ivy League, nhưng anh vẫn "phân bua" rằng: “Cha mẹ tôi đã kỳ vọng rất nhiều, nhưng tôi lại không thích theo mấy môn khoa học tí nào, có lẽ là vì tôi không gặp được giáo viên nào giỏi cả. Thế nên lên đại học, tôi cứ chọn học những ngành mà tôi thích thôi."

Ban đầu, nguyện vọng của anh là được làm việc trong môi trường quốc tế như Liên Hợp Quốc, nhưng “rốt cuộc lại trở thành nhân viên ngân hàng đầu tư,” lời kể của anh pha chút tiếc nuối. Sau khi chứng kiến hai đợt cắt giảm nhân sự vào đầu những năm 2000, anh Minh thấy rằng mình cần dứt áo ra đi: “Tôi quyết định nghỉ việc vì cảm thấy môi trường này không công bằng. Những đồng nghiệp năng lực không tốt lắm thì được giữ lại, còn rất nhiều người tài giỏi thì bị cho thôi việc.” Anh cảm thấy bất mãn với bộ máy doanh nghiệp: “Nước Mỹ không trọng nhân tài như tôi từng nghĩ. Nếu muốn thăng tiến, người ta không cần chuyên môn tốt, mà là cần quan hệ rộng.”

Sự ra đời của Đậu hũ Hodo

“Vì từng học và làm trong ngành tài chính, tôi hiểu được nguy cơ suy thoái kinh tế ở nước Mỹ thời đó. Tôi muốn kinh doanh thứ gì đó ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái. Và thực phẩm là mặt hàng miễn nhiễm với suy thoái. Vì ai cũng cần phải ăn.” Vào lúc đó, khoảng 20 năm về trước, phong trào ủng hộ nông sản "cây nhà lá vườn" bùng lên rất mạnh mẽ ở khu vực Bay Area. Người tiêu dùng bắt đầu tin dùng các loại thực phẩm hữu cơ “nhà làm” như phô mai, sôcôla, cà phê và tương ớt. Nhưng khi ấy, chưa có một một ai sản xuất đậu hũ.

Nhà máy đậu hũ Hodo.

Vì thất vọng với loại đậu hũ vừa khô cứng vừa úng nước trong siêu thị, và loại đậu hũ làm từ đậu nành biến đổi gen ở các cửa hàng của người Hoa và người Việt tại San Francisco và San Jose, năm 2004, anh Minh đã tự làm đậu hũ và bán ở chợ nông sản địa phương. Đậu hũ do anh làm từ hạt đậu nành hữu cơ tươi sạch được chứng nhận bởi Bộ Nông nghiệp Mỹ, và chế biến theo phương pháp truyền thống châu Á.

Một số bước trong quy trình chế biến đậu hũ. Nguồn ảnh: Hodofood.com.

“Tôi muốn người tiêu dùng, nhất là những ai không phải người gốc Á, biết rằng đậu hũ là một món rất ngon nếu được chế biến đúng cách. Tôi muốn chứng minh rằng người Mỹ chưa thực sự biết thế nào là đậu hũ ngon, và tôi sẽ cho họ nếm thử đậu hũ ngon đúng điệu."

Từ một quầy nhỏ ở chợ, bán cho những người dân San Francisco theo đuổi lối sống xanh, lành mạnh, Đậu hũ Hodo đã dần dần “phủ sóng” khắp nước Mỹ, có mặt tại tại các nhà hàng đạt sao Michelin đến chuỗi thức ăn nhanh Chipotle. Giờ đây thương hiệu Hodo đã có mặt tại hơn 3.500 nhà hàng và 7.500 cửa hàng bán lẻ, trong đó có Whole Foods, một trong những chuỗi siêu thị "sang" nhất nước Mỹ. 

Thành công này mang một ý nghĩa đặc biệt, vì từ thập niên 1930, các loại thực phẩm có lịch sử và văn hóa không đến từ cộng đồng người da trắng hay da đen đều bị đưa vào một gian hàng riêng trong siêu thị gọi là “ethnic food" (tạm dịch: thực phẩm "dân tộc").

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Washington Post, Krishnendu Ray, tác giả quyển sách The Ethnic Restaurateur, nói rằng: “Khi gọi một loại thực phẩm là ‘ethnic food,’ chúng ta đang ám chỉ rằng loại thực phẩm này không chỉ khác biệt, mà còn thấp kém hơn những gì chúng ta hay ăn. Cứ nghĩ mà xem, có ai gọi ẩm thực Pháp là 'ethnic food' đâu. Ai lại bỏ nhiều tiền ra mua thức ăn bị gán mác 'ethnic food' bao giờ."

Nhưng bất chấp những định kiến và khó khăn khi tiếp cận thị trường, vị doanh nhân gốc Việt đã biến Đậu hũ Hodo thành thương hiệu đậu hũ đắt giá nhất Whole Foods. Phải nói thêm là, chuỗi bán lẻ này có giá thành trung bình rất cao tới mức người tiêu dùng thường hay gọi nó là “Whole Paycheck” (tạm dịch: Tiêu sạch ví).

Sản phẩm của thương hiệu Hodo. Nguồn ảnh: Hodofood.com

“Một trong những thành tựu mà tôi tự hào nhất là thay đổi được nhận thức của phương Tây về đậu hũ, từ một loại thực phẩm giá rẻ thành món ăn thơm ngon bổ dưỡng. Chúng tôi phá vỡ được quan niệm rằng 'ethnic food' phải có giá rẻ mạt. Hodo là thương hiệu đậu hũ đắt nhất nước Mỹ, và tôi hết sự tự hào về điều đó. Sản phẩm của chúng tôi được các nhà hàng đạt sao Michelin chọn mua nhiều nhất, và tôi cũng rất tự hào về điều đó.”

Giờ đây, doanh thu và mạng lưới phân phối của Hodo có thể khiến nhiều hãng thực phẩm phải trầm trồ, nhưng anh Minh nhớ lại: “Khi cha mẹ tôi mới đến Mỹ, tôi cảm thấy như họ bị những người nhập cư khác lợi dụng. Tôi ức lắm. Vậy nên bây giờ tôi rất vui vì thấy mình có thể mang lại một môi trường làm việc thật tốt cho người nhập cư khi đến Mỹ. Tôi tưởng tượng ba mẹ mình làm việc trong nhà máy của tôi và cảm thấy an ủi phần nào. Tôi không hay chia sẻ về các nhân viên và nhà máy của Hodo, nhưng trong thâm tâm những điều này làm tôi còn hạnh phúc hơn doanh số bán hàng 'khủng' nữa."

Các nhân viên tại nhà máy Hodo. Nguồn ảnh: Hodofood.com

Bước tiếp theo của Đậu hũ Hodo?

Urbanist hỏi anh Minh về định hướng lâu dài của Hodo, và nhận được câu trả lời rất bất ngờ: “Tôi nghĩ là thương hiệu Hodo sẽ tự quyết định tương lai của mình, giống như một đứa trẻ giờ đã trưởng thành và tự lập vậy. Công việc của tôi sẽ ngày càng ít đi. Tôi không còn là người dẫn dắt doanh nghiệp nữa. Tôi muốn dành thời gian đọc sách, viết lách, tập thể dục, nấu ăn, và ở bên hai con trai.”

Anh cũng ấp ủ ước mơ trở thành một nhà tư vấn cho các nhãn hàng thực phẩm đóng gói sẵn ở Việt Nam. Anh sẽ lấy những kinh nghiệm gây dựng Hodo để làm cuốn "bí kíp" cho các doanh nghiệp tham khảo.

“Ở Mỹ người ta có câu nói ‘Nếu bạn thành công ở New York bạn có thể thành công ở bất cứ đâu.’ Tôi thì hay nói đùa rằng 'Nếu tôi có thể bán đậu hũ thì cũng có thể bán bất kỳ thứ gì. Tôi có thể bán tủ lạnh cho người ở Bắc Cực nữa kìa!'” Nhưng sau những lời đùa, anh cũng thể hiện sự khiêm tốn của mình: “Thành công của Hodo là nhờ người tiêu dùng chứ không phải nhờ tôi.”

Và biết đâu, một ngày nào đó chúng ta sẽ bắt gặp anh Minh ở Sài Gòn. “Tôi nghĩ là vài năm nữa, khi công việc của tôi ở Hodo nhẹ dần đi, tôi sẽ về Việt Nam mở một quán bar phục vụ rượu vang và đồ ăn nhẹ.”

Đồ hoạ: Phan Nhi, Hannah Hoàng, Hải Anh, và Lê Quan Thuận.
Minh hoạ: Hải Anh và Hannah Hoàng.
Ảnh động: Phan Nhi.
Ảnh: Minh Tsai.

Bài viết liên quan

in Ănthology

Từ Sài Gòn đến Texas: Nhà hàng BBQ di động mang hương vị châu Á đến thế giới ẩm thực Texas

Nếu chú rùa Crush từ series phim Finding Nemo bước ra ngoài đời sống dưới hình dáng một chàng trai người Việt tuổi đôi mươi, cậu ấy nghe sẽ rất giống Andrew Ho, nhà đồng sáng lập và chủ sở hữu củ...

in Ănthology

Ba người đàn ông, hai con đường, một ước mơ nâng tầm rượu Việt

Lần đầu tiên tôi mua rượu là từ hướng dẫn viên Giàng Thị Lang khi đi du lịch Sa Pa. Khi đó chúng tôi đang ở trong một bản người Dao Đỏ, nơi có truyền thống nấu rượu gạo nổi tiếng. Đêm đó tôi nhận được...

in Ănthology

Món bún đậu 'cách tân' ở Singapore mang hương vị của cả ba miền đất Việt

Khu phố Joo Chiat phía đông Singapore là một nơi ai đã đi qua sẽ không thể nào quên được.

in Ănthology

Những người Việt trẻ khởi tạo xu hướng ẩm thực mới ở Praha

Khi chúng tôi gặp Giang Ta, một chàng đầu bếp người Czech gốc Việt, anh đã mở lời bằng một câu chuyện như thế này về gia đình mình: “Bố mẹ mình gặp nhau ở Cộng hòa Czech vào năm 1983. Họ đến đây theo ...

in Màn Ảnh

Nữ diễn viên gốc Việt thủ vai chính trong series spin-off của 'How I Met Your Mother'

Tien Tran, một nữ diễn viên người Mỹ gốc Việt, sẽ góp mặt trong dàn diễn viên chính của series How I Met Your Father, phần tiếp theo của bộ sitcom kéo dài 9 mùa How I Met Your Mother.

in Ănthology

Quán cafe Massachusetts giữ hồn ẩm thực Việt qua những món ăn 'không-phải-fusion'

“Anh không thích dùng từ ‘fusion’ [tạm dịch: ẩm thực kết hợp],” Vinh Lê, bếp trưởng ở Cicada Coffee Bar, nói với tôi. “Khi di cư từ Việt Nam sang Mỹ, anh nhất thiết phải thích ứng. Thích ứng với môi t...