Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » In Plain Sight » Từ Hán tự đến Quốc ngữ, soi lại văn đàn Việt tại Bảo tàng Văn học bị lãng quên ở Hà Nội

Từ Hán tự đến Quốc ngữ, soi lại văn đàn Việt tại Bảo tàng Văn học bị lãng quên ở Hà Nội

Tôi từ từ bẻ lái, rẽ vào con ngõ 275 đường Âu Cơ.

Ở cuối ngõ chính là một tòa nhà mà tôi đang tìm. Tôi có để ý xem đầu ngõ có biển báo gì không, nhưng chẳng thấy tên địa điểm của mình đâu cả. Ngay cả con ngõ cũng bị khuất dưới vai đường đê. Có vẻ những người xây tòa nhà này cũng chả tha thiết người khác có biết đến nó hay không.

Cổng chính của tòa nhà thì đóng, và tôi vẫn không thấy cái biển tên nào. Vào gửi xe rồi tôi mới nhận ra rằng tòa nhà có hai nơi gắn biển “Bảo tàng Văn học Việt Nam” — cái thì bị khuất sau cổng phụ, cái thì nhìn thẳng vào lưng dãy nhà hàng xóm. Cơ hội để người đi đường bắt gặp nơi đây gần như là không. Tôi chỉ biết về cái bảo tàng này vì có một người bạn ngoại quốc ngày xưa từng sống gần đây và từng nhìn thấy chỗ này qua cửa sổ.

Cả bảo tàng có ba tầng. Bước qua cửa chính vào tầng một, tôi thấy một tảng đá to đùng giữa phòng. Tảng đá, chắc cũng giống tôi, không biết nó đang làm gì ở đây. Xung quanh nó không có chú thích gì cả. Dường như tảng đá chỉ có một nhiệm vụ là che khuất ba dòng chữ trên tường.

“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài!” — Ba dòng đọc chỉ một câu thơ Kiều. Ý nghĩa của trưng bày này thì tôi hiểu. Một bạn nhân viên giải thích rằng ba dòng này thể hiện lịch sử chữ viết Việt Nam, từ chữ Hán, đến Nôm, rồi Quốc ngữ. 

Phải đứng chênh chếch thì mới đọc được câu thơ.

Tầng một là nơi tái hiện khung cảnh văn học Việt Nam thời Cổ-Trung đại. Ở đây trưng bày di vật của những văn nhân như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương — những cái tên từ thiên niên kỷ trước mà vẫn đang sống mãi qua các con phố và trong lòng người. 

Thời các vị múa bút làm chấn động nền thi văn nước Việt đang lệ thuộc vào Đường luật, tính đến nay, ngót nghét đã qua bao cải cách. Ấy mà bảo tàng đã phần nào tái hiện bối cảnh xã hội phong kiến để hiểu thêm về hành trình của một văn sĩ đương thời.

Gian trưng bày về Nguyễn Trãi.

Ở tầng này, cả chặng đường học hành và thi cử ngày xưa như được trải ra trước mắt. Trong buổi thi, mỗi thí sinh trước khi làm bài lại phải tự dựng lều chõng. Các vị giám khảo thì ngồi trên những chiếc ghế như cứu hộ bể bơi, đăm chiêu trông nom bọn sĩ tử ở dưới. Những người đỗ đạt cao thì được dự yến tiệc ở cung đình rồi vinh quy bái tổ. Thế mới biết cái nỗi trọng thi cử ở Việt Nam đã là truyền thống cả ngàn năm rồi.

Trái: Ảnh chụp hội đồng giám khảo coi thi năm 1897 được trưng bày. Phải: Mô hình tái hiện cảnh sĩ tử đi thi.

Tầng hai là nơi trưng bày về các nhà văn đã đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh. Ở đây cũng đầy ắp các cái tên quen thuộc như Văn Cao, Xuân Diệu, Vũ Trọng Phụng, v.v. Bên cạnh tiểu sử của mỗi người là những bức tượng bán thân cùng các hiện vật như chiếc xe đạp của Tú Mỡ, cây batoong của Nguyễn Tuân, hay bộ ấm chén của Xuân Diệu.

Không gian trưng bày tầng hai.

Không chỉ giới thiệu về tác giả, tầng hai cũng trưng bày một số nhân vật của những câu chuyện bất hủ. Người xem có thể nhận ra chú dế mèn của Tô Hoài, lão thầy bói trong Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng, rồi cả bát cháo hành mà Thị Nở nấu cho Chí Phèo. Những mô hình ấy cũng giúp khách tham quan hiểu hơn về đề tài và cảm hứng của các tác giả, nhất là khi họ đã sống trong thời điểm có sự khác biệt to lớn giữa hai miền Nam, Bắc.

Trái: Tú Mỡ có tiêu chuẩn đi ô tô khi làm đại biểu Quốc hội, nhưng hàng ngày ông vẫn đi xe đạp đi họp.
Phải: Dàn máy đánh chữ của các tác giả hiến tặng bảo tàng

Lên đến tầng ba, nơi trưng bày các nhà văn đoạt giải thưởng Nhà nước, tôi nhận ra hai điều. Thứ nhất, từ tầng một đi lên là đi theo tiến trình của thời gian, từ lúc chữ Quốc ngữ hình thành, qua giai đoạn chiến tranh, rồi đến các tác giả hiện đại. Điều thứ hai, càng lên tầng cao thì số lượng các cái tên quen thuộc càng ít đi. Trong số mấy chục người viết ở tầng ba, tôi nhận ra chỉ có một: Trần Đăng Khoa.

Các hiện vật được trình bày theo tiến trình của thời gian, từ lúc chữ Quốc ngữ hình thành,
qua giai đoạn chiến tranh, rồi đến các tác giả hiện đại.

Rời khỏi bảo tàng tôi vẫn băn khoăn mãi vì sao mình chẳng biết gì về những tác giả thời nay. Có thể chỉ vì cá nhân tôi ít đọc văn học Việt Nam, nhưng khi đi hỏi bạn bè, người thân, thì đa số cũng không nhận ra những cái tên ở tầng ba. Phải chăng là vì hiện giờ văn hóa đọc của nước nhà đang suy thoái? Hay là vì chưa đủ thời gian trôi qua để những cái tên này đi vào lòng người? Chẳng nhẽ thời đại hoàng kim của văn học Việt đã trôi qua rồi sao?

Nhưng có lẽ nói vậy cũng bất công, nếu không muốn nói là thiển cận. Vì giờ vẫn còn những người đang miệt mài sáng tác, như những mẩu truyện của Nguyễn Ngọc Tư, những vần thơ của Nhược Lạc. Khi còn có người viết thì văn sản Việt Nam vẫn còn được làm giàu. Và biết đâu, đến thời con cháu tôi, những cái tên kia sẽ lại được vinh danh trong Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Bảo tàng Văn học Việt Nam tọa lạc tại số 275 Âu Cơ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Bài viết liên quan

in In Plain Sight

Bảo tàng gốm Bát Tràng: độc đáo, tinh xảo, nhưng thiếu thông tin

Ở Bảo tàng gốm Bát Tràng, những di sản văn hóa của ngôi làng nghề trăm năm được lưu giữ và giới thiệu qua các tác phẩm đặc sắc của các nghệ nhân từ xưa đến nay.

in In Plain Sight

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, điểm đến mê hoặc cho những tâm hồn thích tìm tòi

Nếu có dịp đi sâu vào khuôn viên của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, khách thập phương sẽ bất ngờ khi bất thình lình bắt gặp một mô hình khủng long khổng lồ. Chú khủng long T-Rex ấy đang ...

Khôi Phạm

in Quãng 8

Limebócx, bộ đôi Hà Nội đọc thơ Nguyễn Khuyến trên nền nhạc điện tử

Bò gặm cỏ rau ráu, đôi uyên ương rối tung tăng trên nước, ván bài tam cúc ma mị, nàng thơ ngổ ngáo mặc áo tứ thân đi giày bata, mâm cơm đạm bạc. Đây chỉ là một vài hình ảnh lập lòe trong tâm trí khán ...

in In Plain Sight

Nghệ thuật tránh bị 'chém' khi săn đồ ở Chợ đồ cũ Vạn Phúc

Hôm trước có một người bạn mách tôi ra chợ đồ cũ Vạn Phúc.

in Trích or Triết

Triết lý phồn thực và tiếng nói phản kháng trong thơ Hồ Xuân Hương

“Cái tên Xuân Hương cứ gợi lên trong trí óc ta một người còn trẻ, ta cảm thấy gọi ‘bà’ là không ổn; trong ý niệm của ta, Xuân Hương không bao giờ già; ta thích gọi bằng ‘nàng’ bằng ‘cô’; đẹp hơn hết, ...

in Loạt Soạt

Am Mây Ngủ: Cuộc hòa thân đầy toan tính của Huyền Trân công chúa dưới góc nhìn của Thích Nhất Hạnh

"Nàng thấy sự sống của người dân Chàm không khác gì sự sống của người dân Việt, cả hai dân tộc cùng đau những nỗi đau như nhau, cùng buồn những nỗi buồn như nhau, cùng ao ước những nỗi ao ước như nhau...