Sài·gòn·eer

BackĂn & Uống » Uống » Hẻm Gems: Cafe Nhà Phạm, tần số âm trầm phát ra giữa phố thị

Hẻm Gems: Cafe Nhà Phạm, tần số âm trầm phát ra giữa phố thị

Trong hành trình khám phá ẩm thực của bản thân ở Sài Gòn, tôi nghiệm thấy những quán xá được truyền miệng luôn có tỷ lệ thành công cao. Những góc nhỏ bình yên, những món ngon lạ miệng và cả những cộng đồng sống theo nhịp điệu thời gian riêng — đó là những điều thú vị mà ta khó có thể tìm được qua các kênh review phổ biến.

 

 

Lời từ ban biên tập: Cafe Nhà Phạm hiện đã đóng cửa tại địa chỉ Lê Văn Duyệt. Quý độc giả có thể viếng thăm Nhà Phạm tại địa chỉ mới qua bài viết này.

Nhà Phạm, quán cà phê tôi biết đến qua lời giới thiệu bâng quơ của người bạn, là một địa điểm kỳ lạ. Và tôi cá là các bạn sẽ đồng cảm với tôi ngay khi mới đến cổng vào. Lạ chẳng phải vì phong cách trang trí retro — một lựa chọn đã rất phố biển của các đơn vị kinh doanh cà phê ở Sài Gòn đến mức tạo nên trong thành phố một bối cảnh ngược dòng thời gian khá hỗn loạn. 

Đến địa chỉ 129 Lê Văn Duyệt (trước là Đinh Tiên Hoàng), Quận Bình Thạnh, ta sẽ thấy một công trình mang dáng dấp của một khu tập thể cũ. Không rõ mục đích ban đầu của khu nhà này là gì, nhưng hiện tại khoảng sân rộng được trưng dụng làm bãi để xe ô tô và các phòng bên trong biến thành nơi cư ngụ của những không gian, cửa hàng có mối liên kết họ hàng xa bắn đại bác không đến như co-working space, kho hàng của một công ty bia, cửa hàng văn phòng phẩm, studio thời trang…  

Dễ nhất, bạn đọc nên tìm tòa nhà D. Sau khi băng qua hai "hàng rào" ô tô đậu phía trước, cuối cùng tôi cũng len vào được một khuôn viên nhỏ chỉ còn vài ba bụi cây cảnh đứng trơ trọi, phần nào làm tăng nét hoang sơ cho không gian tổng thể. Cầu thang phía hai bên dẫn lên Nhà Phạm âm u và ma mị, hứa hẹn là bối cảnh hoàn hảo cho một bộ phim kinh dị Việt Nam. Lúc này, niềm tin duy nhất trong tôi về một không gian thú vị chỉ là khoảng giếng trời rất rộng, mang lại ánh sáng và lưu thông không khí cho cả tòa nhà. 

Và niềm tin ấy đã đúng khi vừa đặt chân lên lầu một, hiện ra trước mắt tôi là một khoảng không-thời gian có khái niệm hoàn toàn khác, khác với bối cảnh xung quanh và khác với nhịp sống hối hả ngoài kia. 

Chiếc quầy cũ thân mật 

Đi qua dãy hành lang dài, tôi tiến vào một căn phòng khá rộng rãi, cũng là không gian chính của quán. Chiếm phần lớn diện tích của căn phòng là quầy pha chế bằng gỗ màu nâu sậm đã sờn vết thời gian. Trên quầy là rất nhiều vật dụng pha chế được bày trí thật ngăn nắp: một kệ treo các hũ đựng cà phê bằng thuỷ tinh, một chiếc máy xay hạt cà phê, một máy pha espresso mini, các phin cà phê bằng giấy, kim loại, bình pha cà phê ủ lạnh, dụng cụ V60 truyền thống, chiếc bình moka pot… Hầu hết là các dụng cụ dùng để pha chế cà phê thủ công. Và trên quầy là một tấm bảng gỗ nhỏ thông báo "món đề xuất" cho hôm đó như nước ép trái cây tuỳ ngày hoặc một loại bánh mới của quán. 

Có thể nói, "3 mặt 1 quầy" là điểm khởi nguồn cho mọi thứ hiện hữu hôm nay. Trọng, anh chủ trẻ tuổi của quán chia sẻ, ý tưởng cho Nhà Phạm bắt đầu khi trước đây, địa điểm này là không gian lớp học của một người thầy dạy may Âu phục. Một lần, Trọng đứng ở phía hành lang đối diện và nhìn qua khung cửa sổ của căn phòng nhỏ, chợt nảy ra khao khát muốn đặt một quầy bar ở đây, để thỏa mãn niềm đam mê pha chế, và để mọi người có thể cùng quây quần bên nhau thân mật, sẻ chia. Và Nhà Phạm khởi sự với chiếc quầy bar, một mặt áp vào khung cửa sổ luôn rộng mở đón nguồn sáng tự nhiên, hai mặt còn lại đặt hai dãy ghế dài để thay lời mời cho những mẩu chuyện nhỏ giữa khách tới quán-Nhà Phạm trong quầy sẵn sàng được cất lên bất cứ lúc nào trong ngày.

Luôn thơm mùi cà phê và những mẻ bánh mới nướng

Dù vắng hay đông khách, mọi chuyển động bên trong quầy vẫn luôn không ngừng tiếp diễn, mỗi người một việc, họ tự tay làm mọi thứ có trong menu.

Nhà Phạm được tạo dựng nên bởi hai anh em. Tài là người kiến tạo điểm nhấn không gian còn Trọng tạo nên cá tính riêng cho quán qua cà phê và các thức uống.

Trọng từng làm việc cho một công ty cà phê ở Đà Lạt. Với vốn hiểu biết và nguồn đam mê dành cho hạt cà phê, nên thuở đầu, anh phát triển thực đơn thức uống tại quán chủ yếu xoay quanh cà phê, bắt đầu từ cà phê truyền thống Việt Nam và các loại thức uống trên nền espresso cổ điển của Ý. Sau này, quán có thêm cold-brew hiện đại, rồi sáng chế khác về mùi vị như kết hợp với quế, chanh, caramel muối đến sữa dừa, hương chuối.

"Sự sáng tạo ở đây không phải chiêu trò, mà nó bắt nguồn từ ý muốn đa dạng hương vị của cà phê để mang tới những trải nghiệm," Trọng chia sẻ.

Sau một thời gian dài hoạt động, nhận ra menu cần đa dạng hơn cho những ngày không muốn nạp caffeine hoặc cho khách không uống được cà phê. Thế là ý tưởng nấu sữa gạo ra đời từ Lý, một thành viên khác của quán quê ở Đà Lạt. Được gợi cảm hứng từ món nước gạo của Hàn Quốc, Lý đã kết hợp thức uống này với sữa thanh trùng Đà Lạt béo ngậy để cho ra món sữa gạo mà bây giờ đã thành món tủ của nhiều bạn hay lui tới nơi đây.

Nếu bạn tới ngay lúc đói, quán có phục vụ năm món trong thực đơn chính bao gồm spaghetti, salad trứng chần, sandwich cá ngừ, bánh waffle được phục vụ kèm trái cây tươi cùng hai viên kem dừa nhỏ, và cả bánh mì chấm sữa cơ bản và quen thuộc.

Muffin chuối có vẻ là một thử nghiệm mới gần đây. Thỉnh thoảng, mùi muffin thơm lừng từ mẻ bánh nướng mới ra lò hay mùi trứng sữa từ waffle hẳn đủ làm lưu luyến bất cứ ai có mặt trong căn phòng.

Giá cả dao động từ 25.000–45.000 đồng cho thức uống và từ 40.000 đồng–60.000 đồng cho món ăn.

Ta bắt gặp rất nhiều đèn loại đèn ở không gian trong nhà, từ đèn sàn cổ điển, đèn pixar rọi từ trên cao cho đến dãy đèn led hình tròn ốp tường và trần tạo ra thứ ánh sáng dễ chịu.

Sự kỳ lạ của Nhà Phạm còn nằm ở lối bài trí — nó không tuân theo phong cách cố định được định nghĩa rõ ràng nào, nhưng lại tạo nên một tổng thể hài hoà. Tới đây, người ta đều mang chung cảm nhận là "nó cũ," nhưng lại không thể gọi tên một thời kỳ hay một văn hoá nào được tái hiện.

Không gian phía ngoài đầy cảm hứng với ánh sáng tự nhiên tràn ngập

Phần không gian bên ngoài được kê những dãy ghế chạy dọc theo khu vực giếng trời rất lớn. Hai căn kế bên đều là cửa hiệu thời trang, cũng đều tươm tất và yên tĩnh. Được biết trước đây, khu nhà D có tên gọi Cộng Sinh, vì từng là tổ hợp của các studio sáng tạo, giải trí và cửa hàng thời trang nhỏ.

Để có những khoảnh khắc tuyệt nhất, bạn nên tới đây vào một buổi sáng sớm khi thành phố còn chưa ồn ào, hoặc một buổi chiều khi nắng ngả nghiêng. Biết đâu sẽ tìm được một giai điệu rất êm vừa đủ để tưới mát tâm hồn mình sau nhiều ngày hối hả, để làm rõ hơn tầm nhìn phía trước và để lại thấy chúng ta là chính chúng ta. Độc lập. Riêng biệt. 

Mặt trực diện của tòa nhà D hướng thẳng ra ngã ba góc đường Lê Văn Duyệt và Phan Đăng Lưu, gần khu chợ Bà Chiểu. Từ đây, ta có thể thấy sự đối lập thú vị giữa hối hả và bình yên khi nhìn dòng xe cộ lướt qua ngay bên dưới hai hàng cây cao, thẳng tắp và xanh ngát. Góc nhìn này bỗng gợi lên trong tôi hai câu thơ tôi rất yêu thích của Lưu Quang Vũ:

Trong thành phố có một vườn cây mát,

Trong triệu người có em của ta.

Quán đóng cửa vào thứ Hai hằng tuần và mở cửa từ 9 giờ sáng đến 7 giờ tối từ thứ Ba đến Chủ Nhật.

Đánh giá:

Hương vị: 5/5

Giá cả: 5/5

Không gian: 6/5 — 3/5 với những người dị ứng khói thuốc vì quán cho hút thuốc trong nhà.

Độ thân thiện: 6/5

Địa điểm: 4/5 — giá giữ xe máy 6.000 đồng/chiếc

Cafe Nhà Phạm

Lầu 1, Block D, 129 Lê Văn Duyệt, Phường 3, Quận Bình Thạnh, TP.HCM

In bài này

Bài viết liên quan

Khôi Phạm

in Uống

Hẻm Gems: Đi nhẹ, nói khẽ thôi, The Hidden Elephant đang đọc sách

Trên bản đồ cà phê độc lạ ở Sài Gòn, có đầy rẫy những thương hiệu "quốc dân" và cả những cái tên vẫn còn lạ lẫm. Cũng có khi, ta nghĩ một quán quen bí mật là địa điểm yêu thích của riêng ta, ấy vậy mà...

in Uống

Hẻm Gems: Cảm giác ấm áp không đổi thay ở cafe Nhà Phạm

Bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu không gian tại nơi chốn ưa thích đột ngột bị đổi hoàn toàn? Bạn sẽ còn yêu mến nó hay không? Đó là những câu hỏi nảy lên trong đầu chúng tôi vào buổi chiều trước khi gh...

in Uống

Hẻm Gems: Vóc dáng Hà Nội thu nhỏ ở quán cafe giữa lòng Sài Gòn

Với tôi, có ba thành phố ở Việt Nam thể hiện rõ tinh thần của miền đất này nhất: Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Trong tâm trí tôi, màu sắc văn hóa đặc trưng của Huế vẫn hiện lên vô cũng sống động, nhưng những ...

in Uống

Hẻm Gems: Trời chợt nắng chợt mưa, ghé cafe Lost & Found tìm nơi trú ẩn

Mở cửa từ giữa năm nay, Lost & Found là một chiếc cafe mới toanh, có người "chị em thất lạc" là Lost & Found Bar tại Nguyễn Thị Minh Khai. Cả hai quán đều theo đuổi phong cách Sài Gòn những năm trước ...

Khôi Phạm

in Uống

Hẻm Gems: Đến Ngàn Cafe để sà vào cái ôm êm ái của đồi núi Đà Lạt

Khi đang dạo bước xuống Đồi Robin giữa rừng thông ngút ngàn, bao quanh là lững thững mây mờ, ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi đập vào tầm mắt là đám cây phong giả cam sặc sỡ. Vườn cây giả này, tuy nhiên...

in Uống

Ngõ Nooks: Không gian hoài niệm cho người trẻ Hà thành tại Căng Tin 109

Ở Hà Nội, thị trường cafe theo phong cách hoài cổ đang có xu hướng bão hòa.