Thời Trang - Sài·gòn·eer https://saigoneer.com/vn/fashion Sat, 07 Sep 2024 21:11:21 +0700 Joomla! - Open Source Content Management vi-vn Ông hổ, cây cỏ, và sự sáng tạo có 'kỷ luật' trong thế giới của easybadwork https://saigoneer.com/vn/ton-sur-ton/17719-ông-hổ,-cây-cỏ,-và-sự-sáng-tạo-có-kỷ-luật-trong-thế-giới-của-easybadwork https://saigoneer.com/vn/ton-sur-ton/17719-ông-hổ,-cây-cỏ,-và-sự-sáng-tạo-có-kỷ-luật-trong-thế-giới-của-easybadwork

Một chú chim sẻ sà xuống lon Coca-Cola phiên bản đặc biệt, những hình minh họa trên bìa album đoạt giải Grammy của Ngọt, hay thậm chí là hình xăm trên người một người lạ mà bạn gặp trên đường - rất có thể bạn đã từng thấy những thiết kế độc đáo của Khim Đặng, người đứng sau thương hiệu thời trang Sài Gòn easybadwork, mà không hề hay biết.

Từng góp mặt vào không ít dự án thương mại đình đám, Khim Đặng vẫn dành một tình yêu đặc biệt cho thương hiệu và đam mê cá nhân của mình — easybadwork. "Kinh doanh là để mình kiếm tiền, còn đam mê là để mình vui,” anh chia sẻ với Saigoneer.

Sản phẩm của easybadwork tại LÔCÔ Art Market (trái) và triển lãm solo Thả Hổ Về Trời của Khim Đặng năm ngoái. Ảnh: Instagram easybadwork và Instagram Khim Đặng.

Tôi đã nhiều lần bắt gặp các tác phẩm của easybadwork tại LÔCÔ Art Market, OHQUAO và các địa điểm khác trong thành phố. Triển lãm solo 'Thả Hổ Về Trời' năm ngoái càng khiến tôi yêu thích phong cách của Khim Đặng hơn. Tuy nhiên, phải đến khi đến thăm studio của anh ấy, tôi mới thật sự bị ấn tượng bởi góc nhìn của Khim về nghệ thuật, công việc sáng tạo và cuộc sống.

Studio tại nhà của Khim Đặng

5 năm "làm xấu dễ ợt"

Việc tạo ra những sản phẩm chất lượng đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian và công sức. Chính vì vậy, anh đã đặt tên thương hiệu của mình là "easybadwork" — tức “làm xấu dễ ợt” — cùng một số biến thể tinh quái khác như easybadhuman hay easydeadwork, như để tự châm biếm bản thân và giúp mọi thứ ít cứng nhắc hơn. Thương hiệu chuyên về áo thun, khăn bandana và mũ lưỡi trai này đã trải qua 5 năm để đạt được những thành công nhất định. Tháng 7 này, easybadwork sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 5, một dịp đặc biệt để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của thương hiệu.

Ảnh: Instagram easybadwork.

Easybadwork khởi nguồn từ những lần bạn bè Khim Đặng khuyến khích anh vẽ tác phẩm nghệ thuật lên áo thun. Anh đã tặng đi 10 chiếc áo đầu tiên, chỉ giữ lại một chiếc cho riêng mình, một thói quen vẫn được anh duy trì đến nay như một cách lưu trữ tác phẩm. Áo thun, theo Khim Đặng, là lựa chọn hiển nhiên cho bất kỳ thương hiệu thời trang nào, nhưng khăn bandana lại mang đến sự độc đáo hơn. Anh chia sẻ rằng, thiết kế đối xứng phù hợp với hình dáng vuông của chiếc khăn. Trong khi giấy dễ bị nhàu nát và hư hỏng, vải lại giúp bảo quản tác phẩm tốt hơn, đồng thời tạo điều kiện để thể hiện những thiết kế phức tạp và độc đáo. Ngoài công dụng là phụ kiện thời trang, khăn bandana còn có thể được treo và trưng bày như những tác phẩm nghệ thuật.

Dù easybadwork ngày càng được yêu thích, Khim Đặng vẫn giữ nguyên số lượng sản phẩm mỗi lần phát hành ở mức 100 chiếc, bao gồm cả một chiếc anh giữ lại cho bộ sưu tập cá nhân. Khi hết hàng là hết, không có chuyện tái bản hay phát hành lại dù sản phẩm đó có hot đến đâu. Thêm vào đó, mỗi tháng, anh đều ra mắt một thiết kế mới để duy trì cảm hứng sáng tạo. Quyết định này phản ánh rõ ràng định hướng của easybadwork: "Mục tiêu của mình không phải là tạo ra sản phẩm bán chạy nhất, mà là sống cuộc đời được sáng tạo," Khim Đặng chia sẻ.

Một sự thiếu phong cách vô cùng phong cách

Mặc dù tự nhận mình thiếu phong cách, nhưng những tác phẩm của Khim Đặng lại vô cùng nổi bật. Hình ảnh những con hổ thân dài, thậm chí có thêm chi, những con thỏ nhảy qua vòng lửa, hay những con rồng uốn lượn, voi lạc trong rừng xanh… cho thấy dù không bị giới hạn bởi một chủ đề cụ thể, easybadwork vẫn thường xuyên xuất hiện một số chủ đề và hình ảnh, đặc biệt là về động thực vật Việt Nam.

“Mình yêu và tôn trọng thiên nhiên, nhưng mình không thể làm gì để cứu môi trường và thiên nhiên ở Việt Nam hay trên thế giới; mình quá nhỏ bé. Vì vậy, công việc của mình là giữ thiên nhiên trong tâm trí, cho bản thân và cho những người mua tác phẩm của mình,” Khim Đặng giải thích.

Ảnh: Instagram Khim Đặng.

Sự tôn kính dành cho động vật hoang dã và sự xuất hiện nổi bật của chúng trong các tác phẩm nghệ thuật phần nào được nuôi dưỡng từ chuyến đi cùng người thầy Tuấn Andrew Nguyễn. Trong một dự án của vị nghệ sĩ nổi tiếng này, họ đã cùng nhau đến thăm một số vườn quốc gia ở Việt Nam để quan sát tương tác giữa con người và động vật. Khim Đặng ngạc nhiên khi thấy rằng những người dẫn đầu các nỗ lực bảo vệ rừng chủ yếu là người nước ngoài, điều này cho thấy cần nâng cao nhận thức và tình yêu thiên nhiên trong cộng đồng người Việt. Nghệ thuật giúp anh chuyển hóa niềm đam mê thành mục tiêu thiết thực. Thường được khắc họa như những vị thần tối cao, các loài động vật trong các tác phẩm của easybadwork mang mục đích khơi dậy lòng tự hào, sự ngưỡng mộ và tôn trọng thiên nhiên. Anh hy vọng điều này sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn thế giới tự nhiên.

Khi nói về nguồn cảm hứng, Khim Đặng nhắc đến truyện cổ tích Grimm. Anh tự hỏi, nếu những câu chuyện cổ tích Đức có thể trở thành sách, phim, hoạt hình nổi tiếng thế giới, tại sao những câu chuyện Việt Nam lại không? Điều này thôi thúc anh đưa yếu tố văn hóa Việt như thần thoại, truyện cổ, thành ngữ vào tác phẩm của mình, đặc biệt là dành cho khán giả Việt Nam, nhưng không chỉ giới hạn ở đó.

Những chiếc đĩa ra đời từ dự án hợp tác với một nghệ nhân gốm sứ trong nước.

Tôi hỏi Khim Đặng về sự thay đổi phong cách của anh trong 5 năm qua, nhưng anh phủ nhận tiền đề của câu hỏi, khẳng định rằng anh không có phong cách cụ thể nào. Thay vào đó, tác phẩm của anh là sự kết hợp của tất cả những nhân vật có sức ảnh hưởng đến anh: những nghệ sĩ mà anh quen ở Việt Nam, cũng như những nghệ sĩ ở nước ngoài mà anh quen biết thông qua mạng xã hội.

Khi làm việc cho Tuấn Andrew Nguyễn, Khim Đặng học thiết kế studio, phim và sản xuất, điêu khắc và chế tạo, bổ sung vào vốn kỹ năng tự học của mình. Anh có thể chỉ ra những yếu tố cụ thể trong tác phẩm của mình được học hỏi từ người khác, nhưng nhìn chung, tác phẩm của anh là sự kết hợp và biến đổi phong cách của rất nhiều nghệ sĩ mà anh ngưỡng mộ. Anh hy vọng truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ trẻ bằng cách khuyến khích họ học hỏi từ tác phẩm của mình như một bước khởi đầu để phát triển phong cách riêng.

Làm việc kỷ luật, sáng tạo táo bạo 

Với cách làm của Khim Đặng, việc kiếm lời dường như không phải là ưu tiên hàng đầu. Anh chia sẻ rằng sau khi trừ đi chi phí nguyên vật liệu, với nguyên tắc luôn đối xử tốt với nhà cung cấp bằng cách thanh toán đúng hạn và không mặc cả, cùng với việc thuê một không gian làm việc chung tại một căn nhà ống ở quận 10, anh chưa bao giờ có lãi và cũng không quan tâm đến điều đó. Bên cạnh đó, anh còn có một vài dự án kinh doanh nhỏ mang lại thu nhập ổn định và cũng nhận làm thiết kế cho các thương hiệu, nhưng việc đề cao lý tưởng cá nhân đã khiến anh bị xem là một nghệ sĩ "khó tính." “Mình thực sự không quan tâm quá nhiều đến việc phát triển thương hiệu, mình chỉ làm vì bản thân và cố gắng hết sức,” anh chia sẻ. Có vẻ như cách tiếp cận này đã giúp anh thu hút được những khách hàng là fan hâm mộ tác phẩm của mình, những người sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để anh thoải mái sáng tạo.

Một số dự án thương mại gần đây.

Khim Đặng rất kỹ tính trong việc lựa chọn nguyên liệu. Áo phải được làm từ vải nhập khẩu chất lượng cao, mềm mại nhưng  bền chắc, có lẽ là một trong những loại vải tốt nhất mà tôi từng thấy. Còn nói về in ấn, anh chia sẻ rằng việc in lụa các thiết kế của mình gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tạo nên sự chuyển màu và bóng đổ chỉ với bốn màu mực. May mắn thay, người thợ in chính là bạn thân của anh từ năm 2013, trước khi cả hai bước vào con đường hiện tại. Gặp lại nhau sau nhiều năm, họ phát hiện ra tài năng của mình và người kia hết sức "hợp cạ." Anh tự hào khoe chi tiết in ấn và dành lời khen cho bạn, đồng thời khẳng định không muốn học in lụa. Với anh, việc hiểu biết và tôn trọng các ngành nghề sáng tạo là đủ, không cần thiết phải tự mình làm tất cả.

Ý tưởng này xuất hiện xuyên suốt cuộc trò chuyện của chúng tôi. Khim Đặng thích thiết kế album cho nhạc sĩ và đương nhiên yêu thích âm nhạc nhưng không có ý định tự sáng tác. Tương tự, anh dành 4 năm giúp các nghệ sĩ xăm hình nâng cao kỹ năng vẽ minh họa nhưng không hề muốn học xăm. Việc đóng góp các mẫu thiết kế và hỗ trợ tìm kiếm không gian cùng nhà tài trợ là đủ với anh. Gần đây, anh hợp tác với bạn mình, Saigon Gold Signs, tạo ra một bộ ba chữ viết tay bằng vàng ấn tượng, nhưng Khim Đặng không có ý định theo đuổi thiết kế chữ.

Những mẫu thiết kế xăm flash (hình xăm được thiết kế sẵn) được Khiêm lưu trữ trong bộ sưu tập cá nhân.

'Mình bắt đầu từ underground, mình thích underground', anh chia sẻ về lối sống tự lập, tự kết nối với cộng đồng những nhà sáng tạo độc lập. Anh tự mình đảm nhận mọi khâu marketing và quảng bá, đồng thời tỏ ra khá thận trọng với các phòng tranh tư nhân, đặc biệt là những nơi chỉ muốn lợi dụng nghệ thuật để kiếm lời. "Điều này thể hiện rõ tinh thần tự do và sáng tạo, một đặc trưng của "giới" underground. Không gian làm việc của anh, với đầy đủ dụng cụ và khu vườn cây ráy xanh tươi, càng làm nổi bật lối sống này. Tự học hỏi từ internet và những người yêu cây trồng tại Sài Gòn, anh đã dần xây dựng nên một trong mười bộ sưu tập cây ráy lớn nhất thành phố. Và khi cây phát triển cao lớn, anh sẽ chia sẻ cành giâm cho bạn bè. Tất cả những yếu tố trên đã tạo nên một phong cách sống đậm chất “punk.”

Mặc dù yêu thích các thiết kế của anh ấy, điều tôi ngưỡng mộ nhất ở Khim Đặng chính là tinh thần punk này. Anh ấy sáng tạo với sự tự tin vào gu thẩm mỹ và tầm nhìn cá nhân mà không bị ảnh hưởng bởi yếu tố thương mại. Tuy nhiên, anh ấy lại có một lịch trình làm việc vô cùng kỷ luật, trái ngược hoàn toàn với hình ảnh một nghệ sĩ sống tự do mà chúng ta thường thấy. Việc anh ấy trả lời email ngay trong giờ đầu tiên cho thấy sự chuyên nghiệp và khả năng tổ chức tốt. Mỗi sáng, anh đều có thói quen dậy sớm, ăn sáng và làm việc tại không gian riêng của mình, một bộ bàn gỗ do chính tay anh thiết kế. Anh tập trung làm việc đến 5 giờ chiều mới dành thời gian cho bạn bè và gia đình. Điều này khiến tôi nhớ đến nhà văn Gustave Flaubert, người khuyên: "Hãy sống một cuộc sống bình thường, ngăn nắp để có thể sáng tạo một cách táo bạo trong công việc."

Trước khi thành lập easybadwork, Khim Đặng đã trải qua thời gian hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh cho rằng điều này đã giúp anh hình thành tính kỷ luật.  Dù thừa nhận những trải nghiệm tuổi trẻ đã góp phần định hình gióc nhìn của mình, anh hiểu rằng sự bốc đồng ngày ấy đã có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp tương lai nếu anh không chịu thay đổi. Sự trưởng thành và khả năng tự lập đã thuyết phục gia đình ủng hộ con đường nghệ thuật của anh. Xuất thân từ một gia đình kinh doanh, anh từng gặp phải sự phản đối khi chia sẻ ước mơ trở thành nghệ sĩ. Phải mất nhiều năm, anh mới dần dần được gia đình chấp nhận.

Khim Đặng, với những hình xăm đầy cá tính, lối sống hàng ngày vô cùng kỷ luật, cùng tình yêu thiên niên âm ỉ tạo nên một tổ hợp mâu thuẫn nhưng đầy thú vị. Tuy nhiên, điều khiến tôi ấn tượng nhất chính là sự khiêm tốn của anh. Anh từng chia sẻ: "Mình không muốn nổi tiếng, không cần ai biết đến mình. Mình chỉ muốn làm những gì mình thấy đúng, tạo ra những sản phẩm ý nghĩa cho mọi người, và để lại một di sản nào đó cho bản thân."

]]>
info@saigoneer.com (Paul Christiansen. Ảnh: Cao Nhân.) Ton-sur-Ton Wed, 07 Aug 2024 17:13:16 +0700
Sẽ thế nào nếu thời trang Pháp được trình diễn trên xe 'Wave Tàu'? https://saigoneer.com/vn/fashion/17669-sẽ-thế-nào-nếu-thời-trang-pháp-được-trình-diễn-trên-yên-xe-việt-nam https://saigoneer.com/vn/fashion/17669-sẽ-thế-nào-nếu-thời-trang-pháp-được-trình-diễn-trên-yên-xe-việt-nam

Từ những nhà thiết kế Paris, một bộ sưu tập thời trang thực sự có thể “phang” thời tiết.

Giữa thế trận “phố giăng mắc cửi,” “đường quanh bàn cờ” như ở Việt Nam, xe máy chính là phương tiện giao thông tiện lợi nhất để dịch chuyển. Xe máy gắn liền với đời sống của người thành thị từ mọi hoàn cảnh, độ tuổi, và cả phong cách ăn mặc, từ các chị Ninja lead trùm kín từ đầu tới chân, đến các người mẫu trong bộ sưu tập mới nhất của thương hiệu thời trang Pháp — Lemaire.

Trong bộ sưu tập Xuân/Hè 2024 của mình, nhãn hàng Pháp sáng lập bởi Christophe Lemaire và Sarah-Linh Tran đã cho ra mắt chiến dịch sáng tạo biến đường phố Việt Nam thành sàn catwalk, với các bộ trang phục được người mẫu trình diễn khi đang điều khiển xe máy lượn quanh Sài Gòn và Hà Nội.

Được chụp bởi nhiếp ảnh gia Osma Harvilahti, chiến dịch hướng đến việc truyền tải tính nghệ thuật và thực tiễn của bộ sưu tập, thể hiện triết lý của thương hiệu trong việc thiết kế các trang phục tinh giản và phù hợp với điều kiện thời tiết.

Theo Vogue, các nhà thiết kế được truyền cảm hứng trong một chuyến thăm Việt Nam để tìm kiếm mối liên hệ giữa phục trang và cách ta du ngoạn. “Chúng tôi muốn tạo ra những thiết kế thực tế. Cũng như mọi người, chúng tôi cũng đang phải trải qua những tác động của biến đổi khí hậu, do đó cần nhiều hơn những chất liệu mỏng nhẹ, quần áo thoáng mát, các phụ kiện bảo hộ — và chúng tôi cố gắng kết hợp những yếu tố thiết thực này vào các sản phẩm của mình.”

Việc cần đảm bảo tính tiện lợi và thoải mái trong quá trình di chuyển đã tạo ra những sản phẩm có “chất liệu vải thoáng khí như cotton và lụa; các kiểu dáng linh hoạt và tiện ích, từ áo choàng đến áo gile; các tính năng như dây rút; và tất nhiên, các loại áo khoác chống nước.”

Chiến dịch đầu tiên, chụp vào năm 2023, có tựa đề là “trên yên xe.” Và đúng như tên gọi, chiếc xe máy chính là chủ thể của mỗi khung hình, song song với đó là những phụ kiện “thời trang đường phố” như khẩu trang, găng tay, và váy chống nắng. Các nhà sáng tạo cũng đã thêm thắt một chút yếu tố “đời” bằng cách để một số người mẫu không đội mũ bảo hiểm.

Các hình ảnh từ chiến dịch cũng được trưng bày ở triển lãm « a sense of place, a sense of time, a sense of tune » (tạm dịch: ý niệm về nơi chốn, ý niệm về thời gian, ý niệm về giai điệu) tại cửa hàng flagship của Lemaire tại Paris.

[Ảnh: trang Instagram của @lemaire_official]

]]>
info@saigoneer.com (Saigoneer) Thời Trang Wed, 10 Apr 2024 12:00:00 +0700
Biến hóa 'quần què' thành 'quần lành' có một không hai nhờ ngẫu hứng https://saigoneer.com/vn/ton-sur-ton/17545-biến-hóa-quần-què-thành-quần-lành-có-một-không-hai-nhờ-ngẫu-hứng https://saigoneer.com/vn/ton-sur-ton/17545-biến-hóa-quần-què-thành-quần-lành-có-một-không-hai-nhờ-ngẫu-hứng

Chiecquanque (Chiếc quần què) là một thương hiệu thời trang độc lập với sản phẩm là những mẫu quần áo, balo và túi được may thủ công hoàn toàn. Mỗi món đồ của thương hiệu non trẻ này là một thiết kế riêng biệt, không trùng lặp và gần như chỉ có một mẫu duy nhất.

Tôi đến thăm không gian của Chiecquanque tại một khu tập thể cũ ở thủ đô Hà Nội. Căn nhà nép bên ngách nhỏ cạnh phố Kim Mã, như thể đang giấu mình khỏi phố xá xô bồ. Đây là nơi làm việc của Nguyễn Trung, chàng trai trẻ đứng đằng sau thương hiệu Chiecquanque.

Gian hàng đã chuyển về đây gần một năm, trước đó Chiecquanque được đặt trong căn nhà gỗ trên cây với không gian rộng rãi, thoáng mát trên con phố Thái Hà. “Mình từng tự hào là Chiecquanque có cửa hàng đẹp nhất Hà Nội. Nhưng chị chủ lại có việc cần đến căn nhà, thế là không thuê được nữa,” Trung cười với vẻ tiếc nuối.

Mỗi chiếc quần, áo, balo và túi là một thiết kế riêng biệt, được may thủ công hoàn toàn.

Bắt đầu từ một lần “nghịch dại”

Ý tưởng thành lập thương hiệu đến với Trung từ một sự cố trong chuyến đi Đà Lạt. “Mình đã chơi dại khi trượt một cái ván dài để đổ đèo. Thế rồi mình ngã, lăn liền mấy vòng và rách hết quần áo. Trong đó có một cái quần mình rất thích, mình không muốn vứt đi nên vá lại, vá lại thấy đẹp nên mình cứ mặc. Thế là mình nghĩ ra Chiecquanque.”

Ý tưởng về Chienquanque bắt đầu từ một... chiếc quần què.

Sản phẩm đầu tiên của Trung dưới cái tên Chiecquanque là một chiếc túi nhỏ đựng USB, ra đời một cách ngẫu hứng. Anh chụp hình lại và đăng bức ảnh trên tài khoản Instagram, khi ấy vẫn để cài đặt tài khoản là “Nhà khởi nghiệp.” Thế nhưng anh không ngờ rằng chiếc túi “làm cho vui” ấy lại nhận được lời khen và thậm chí còn có người đặt làm, từ đó Trung quyết định đổi tài khoản Instagram thành “Nhà thiết kế” và đầu tư nghiêm túc vào Chiecquanque.

Bộ dụng cụ của Trung.

Trong những ngày đầu lập nghiệp, Trung gặp không ít khó khăn, đặc biệt là vấn đề tài chính. Đối với các nhà thiết kế độc lập, nguồn vốn luôn là một bài toán khó mà nếu không giải được, giấc mơ khởi nghiệp sẽ buộc phải dừng lại. Để giải quyết vấn đề, Trung làm việc với những chất liệu mình có sẵn, sau đó bán sản phẩm và xoay vòng vốn. “Chỉ có khó khăn về tài chính thôi. Còn ý tưởng thì lúc đấy thực ra hứng lên thì mình làm. Nhưng bây giờ thì phải đốc thúc, cơm áo gạo tiền mà,” anh chàng bồi hồi.

Chỉn chu từ những điều nhỏ nhất

Ban đầu, Trung may các sản phẩm bằng vải jeans cũ, sau đó mở rộng sang các chất liệu khác như đồ da cũ hay vải chàm. Thậm chí, anh còn tận dụng cả những miếng vải vụn lấy được từ một người chị thân quen làm nghề may.

Trung không có tiêu chuẩn cụ thể nào với các vật liệu mình có được, mà anh sẽ biến hóa các thiết kế của mình theo hiện trạng của từng tấm vải. Nếu tấm vải có vết sờn rách, anh chàng sẽ giữ lại nguyên vẹn, hoặc đôi khi sẽ mài thêm ra nếu “chưa hợp mắt.”

Một chiếc áo khoác đang được cắt ghép. 

Để ghép các miếng vải với nhau, Trung sử dụng kỹ thuật thêu sashiko và kỹ thuật ghép vải boro của Nhật Bản. “Ngày xưa, khi quần áo ở nhà của người chồng bị rách thì người vợ sẽ vá lại, nhiều lần vá thì nó sẽ thành như này. Trông như bầu trời, nhìn rất đẹp,” anh chàng giải thích lý do chọn phong cách ghép boro trong khi vân vê tấm vải đang khâu.

Lựa chọn chất liệu, thêu hay ghép vải là một phần trong quá trình tạo ra từng sản phẩm, mà theo Trung thì mất rất nhiều thời gian bởi anh luôn muốn mọi thứ mình làm ra thật chỉn chu. Thông thường, anh sẽ làm ra sản phẩm mẫu để thử nghiệm, sau đó khắc phục những lỗi nhỏ nhặt trước khi đăng tải cho khách đặt hàng. “Mình phải bỏ hết tâm huyết vào sản phẩm mình làm, như mình đang làm cho mình dùng chứ không phải làm cho xong. Kể cả có làm đến lần thứ mấy thì cũng phải coi như lần đầu tiên.”

Đôi giày Thượng Đình “quốc dân” được Chiecquanque biến tấu.

Có lẽ vì luôn tâm huyết với những gì mình làm mà đối với Trung, tất cả sản phẩm mang tên Chiecquanque đều vô cùng đáng nhớ. “Thiết kế mình nhớ nhất có lẽ là giày Thượng Đình. Đợt đó nó nổi lên vì rapper Hieuthuhai đi mẫu giày gần giống.” Đôi giày từng là “lựa chọn quốc dân” đã được Trung biến tấu với các mảnh vải jeans và họa tiết ngẫu hứng. Nó trở thành sản phẩm bán chạy nhất của Chiecquanque, đến mức có ngày trên bàn may chỉ toàn những đôi giày sọc nằm la liệt.

“Không có gì gọi là thời trang bền vững”

Nếu dạo một vòng trên thị trường thời trang thủ công ở Việt Nam, không khó để bắt gặp những thương hiệu theo đuổi triết lý “thời trang bền vững.” Tuy nhiên với Trung, khái niệm đó không tồn tại và nhiều người đang hiểu sai về thời trang bền vững. Theo Trung, dù các sản phẩm thời trang được tạo ra từ nguyên liệu có thể tái chế thì các khâu sản xuất khác cũng ít nhiều tác động tới môi trường. Hơn nữa, các mẫu mã quần áo thay đổi chóng mặt tính theo ngày, vì vậy lượng quần áo cũ bị thải bỏ cũng tăng lên. 

“Có thể trong tương lai khái niệm ‘thời trang bền vững’ sẽ đúng khi khoa học phát triển cao hơn. Nhưng hiện tại thì ‘thời trang bền vững’ là không có, hoặc đơn giản là mỗi người sử dụng những sản phẩm thời trang như trong phim hoạt hình. Ngày nào cũng một bộ quần áo, phụ kiện giống nhau,” chàng trai trẻ giải thích.

Từ chiếc quần què đến đôi bốt què và quyển sổ què.

Với Trung, Chiecquanque không theo đuổi định hướng thời trang bền vững, và những sản phẩm thủ công cũng không nhất thiết phải như vậy. Khi tôi hỏi về điểm khác biệt của Chiecquanque so với các thương hiệu khác, anh cho biết sự khác nhau nằm ở màu sắc và họa tiết của từng món đồ, nhưng về mặt kỹ thuật thì tương tự nhau. “Cá nhân mình thấy không có gì đặc biệt cả, mọi người cứ phải đặt nặng chuyện thương hiệu tôi có gì khác biệt.”

“À! Nhưng khác biệt thì chắc là về giá. Mọi người hay chọn mình vì mình bán rẻ hơn,” Trung bật cười sau một hồi ngẫm nghĩ về câu hỏi của tôi.

Rẻ hơn nhưng không kém tỉ mỉ.

Nói về những dự định tương lai, nhà thiết kế trẻ tuổi cho biết anh sẽ vẫn duy trì Chiecquanque như hiện tại. Không chỉ tập trung sáng tạo, Trung còn chia sẻ kinh nghiệm cho những ai yêu thích thời trang thủ công. Với anh, đó là tri thức và nên được chia sẻ rộng rãi, thậm chí là miễn phí. Lúc đó tôi hiểu rằng, những gì Trung chia sẻ không chỉ là hiểu biết mà còn là cái tâm làm nghề hiện hữu trong từng đường kim, mũi chỉ của anh.

[Ảnh trong bài được cung cấp bởi nhân vật.]

]]>
info@saigoneer.com (Đồng Thanh Thủy. Ảnh bìa: Tú Võ.) Ton-sur-Ton Tue, 11 Jul 2023 12:00:00 +0700
Great Vietnam: 'Cổ phục Việt đâu phải chỉ để người đã khuất mặc!' https://saigoneer.com/vn/ton-sur-ton/17352-great-vietnam-cổ-phục-việt-đâu-phải-chỉ-để-người-đã-khuất-mặc https://saigoneer.com/vn/ton-sur-ton/17352-great-vietnam-cổ-phục-việt-đâu-phải-chỉ-để-người-đã-khuất-mặc

Trong vòng bốn đến năm năm trở lại đây, việc phục dựng các trang phục của người Việt xưa đang trở thành một xu hướng được đông đảo người trẻ hưởng ứng. Đây là thành quả từ nỗ lực bảo tồn, quảng bá cổ phục Việt của các nhà thiết kế, thương hiệu, và tập thể mong muốn lưu giữ những giá trị lịch sử, truyền thống của nước ta.

Great Vietnam cũng chính là “kết tinh” của những nỗ lực như thế. Được thành lập vào năm 2019 và chính thức đi vào hoạt động năm 2020, nhóm đã và đang tập trung nghiên cứu, phục dựng y trang của người Việt từ hàng trăm năm trước. Một số trang phục do nhóm tái hiện đã được giới thiệu trong chương trình nghệ thuật “Tinh Hoa Việt Nam” tại Grand World Phú Quốc (2021); dự án ảnh video “Người Việt Xa Lạ” (2021) kết hợp cùng Vietnam Centre; và triển lãm “The Resplendent Vestiges” tại Sydney, Úc (2019).

Cổ phục do Great Vietnam thiết kế xuất hiện trong dự án “Người Việt Xa Lạ” của Vietnam Centre.

Tìm về cổ phục, mở lại chương lịch sử đã qua của đất nước

Great Vietnam được vận hành bởi những bạn trẻ yêu thích văn hóa, sáng tạo; cùng theo đuổi một hoài bão là tái hiện vẻ đẹp của cổ phục Việt một cách chuẩn xác nhất có thể. Ba thành viên nòng cốt của nhóm là Vũ Đức (28 tuổi) và Trương Tuấn Anh (33 tuổi) — phụ trách mảng thiết kế trang phục; và Đoàn Thành Lộc (36 tuổi), hiện đang là nhà nghiên cứu văn hóa Trung-Việt. Anh đảm nhiệm việc cung cấp kiến thức chuyên môn, đảm bảo tính chuẩn xác của trang phục, cũng như tiếp nhận phản hồi từ khách hàng.

Theo đuổi từ những chuyên ngành có vẻ “không liên quan” lắm đến thời trang như khoa học chính trị và công nghệ vũ trụ, nhưng Đức và Tuấn Anh đều chia sẻ niềm đam mê với cổ phục Việt. Đây chính là xuất phát điểm để cả hai chung bước thành lập Great Vietnam vào năm 2019.

Bên trong phòng trưng bày của Great Vietnam tại Hà Nội. Tại thời điểm bài viết được đăng tải, phòng trưng bày đã ngừng hoạt động.

Trước khi gặp nhau, cả hai đều đã tự mày mò để nghiên cứu và quảng bá những kiến thức mình học được về cổ phục: Tuấn Anh tự tìm hiểu, tự thiết kế và may vá những hoa văn truyền thống, cũng như tham gia dự án Hoa Văn Đại Việt; còn Đức thì minh họa và đăng tải các nhân vật hoạt hình mặc trang phục cung đình trên trang cộng đồng Anh Hoàng.

Vũ Đức chia sẻ với Saigoneer: “Hành trình tự tìm hiểu cổ phục của mỗi đứa đứa đều có những khó khăn riêng. Chúng mình phát hiện ra rằng có những nguồn thông tin chính thống còn cung cấp những kiến thức sai lệch về các loại trang phục. Chúng mình quyết định rằng, à, phải có ai sửa cái sai đó. Great Vietnam ra đời cũng là từ đây [...]."

Áo phụng bào dựa trên phiên bản mà Hoàng thái hậu Từ Cung, mẹ của Hoàng đế Bảo Đại, từng mặc. Trong hình là mũ phục dựng bởi Phượng Điển. Ảnh: Bạch Như.

Nhóm cho biết nhiều người Việt dù quan tâm đến các loại phục trang xưa, nhưng vẫn nhầm lẫn các sản phẩm sao chép trôi nổi trên thị trường với thiết kế “chính chủ.” Sự nhầm lẫn kiến thức này xảy ra với áo dài (được xem là quốc phục của Việt Nam từ triều đại Nguyễn), áo tấc (áo ngũ thân có ống tay thụng, được mặc vào những dịp quan trọng), áo nhật bình (y phục đặc biệt dành cho phụ nữ có địa vị cao dưới triều Nguyễn), và áo bào (áo choàng có cổ tròn của các quan lại thời phong kiến). 

Các bạn trẻ mặc cổ phục Việt khi tham gia sự kiện diễu hành Bách Hoa Bộ Hành. Buổi diễu hành có sự tham gia của nhiều tập thể và cá nhân yêu thích lịch sử, bao gồm Đông Phong, Great Vietnam, Hoa Niên, Thủy Trung Nguyệt, Quê cực và Đại Nam Chân Ảnh. Ảnh chụp bởi Ann Anh, chỉnh sửa bởi Bạch Như.

“Phong trào cổ phục Việt do người trẻ khởi xướng năm năm trước tới nay vẫn chưa có gì thay đổi," Đức chia sẻ. “Đây là lý do chúng mình ấp ủ hoài bão phục dựng các trang phục lịch sử, biến Great Vietnam thành một trong những đơn vị chính trong việc thay đổi nhận thức về cổ phục Việt.”

Sau khi tiếp xúc với Đức, Lộc cũng đã quyết định tham gia cùng nhóm. “Lý do mình quyết định hợp tác là vì tầm nhìn mà Great Vietnam theo đuổi, đó là tái hiện lại những hoa văn họa tiết, chất liệu chuẩn xác với lịch sử nhất có thể,” Lộc nói. Là một học giả với hơn 10 năm học tập và nghiên cứu về văn hóa Trung-Việt, Lộc có thể tiếp cận các văn bản nguồn được viết bằng tiếng Trung từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, và Nhật Bản.

Trang phục của các cận vệ triều Nguyễn được tái hiện bởi Great Vietnam. Bên phải là hình ảnh tham chiếu được chụp bởi W. Robert Moore vào năm 1931.

“Nhiều người cho rằng các tài liệu về Việt Nam từ Trung Quốc đều sai lệch, đây là quan điểm mà mình cực lực phê phán,” anh nói. “Không phải cứ người Trung Quốc viết về Việt Nam thì không chính xác, nhất là khi các văn kiện thế này đã được viết trăm năm về trước.”

Lộc phải dựa vào những tài liệu trong và ngoài nước để xác định diện mạo của những bộ trang phục ngày xưa. Anh chia sẻ: “Phải là [từ] hai hướng, nội sinh và ngoại sinh. [Chúng mình tìm] những tư liệu từ sách, văn kiện lịch sử, từ tượng trong chùa, đền, đình, từ những gia phả và sách viết tay của các cụ xưa... Rồi từ đó mình chúng mình đem đối chiếu với những nguồn ở nước ngoài. Đây chính là phương thức [nghiên cứu] chính thức đang được chúng mình sử dụng. Chúng mình không bao giờ hoàn toàn chỉ dựa vào một nguồn.”

Một đoạn video giới thiệu hình áo mãng lan, loại áo dài thường được mặc bởi các cận vệ triều đình hoặc vệ binh quân đội của nhà Nguyễn.

Mặc cổ phục như một cách quảng bá văn hóa-lịch sử Việt Nam

Trong tương lai, Great Vietnam muốn cộng tác cùng những nhà sáng tạo và thực hành nghệ thuật, bởi lẽ nhóm tin rằng, nghệ thuật là phương tiện hiệu quả nhất để quảng bá rộng văn hóa Việt Nam cũng như cổ phục Việt.

Một số loại trang phục dành cho phụ nữ trong cung đình.

“Đối tượng khách hàng của chúng mình là những người đang thực hiện các dự án nghệ thuật và văn hóa quy mô lớn, như biểu diễn sân khấu, phim ảnh hoặc lễ hội vì họ có nhu cầu sử dụng trang phục lễ nghi cao. Những hoạt động của họ có khả năng lan rộng văn hóa truyền thống hơn,” Đức cho biết. “Mặc dù các đối tượng như trên khá ‘khan hiếm’ ở Việt Nam, nhưng thông qua các hoạt động như thế, Great Vietnam hy vọng có thể truyền cảm hứng cho những người khác 'dấn thân' thực hiện những dự án tương tự."

Nhóm cũng đang sản xuất và cung cấp trang phục cho đối tượng khách hàng tư nhân. Nhóm tự mình thực hiện tất cả các công đoạn, từ khâu thiết kế và tạo mẫu đến quá trình đo và cắt vải.

Một cặp đôi trẻ mặc cổ phục (áo tấc, áo nhật bình) trong lễ vu quy. Dù chưa quá phổ biến với công chúng, nhưng các loại phục trang truyền thống như thế này đang được nhiều người Việt yêu văn hóa chọn lựa trong dịp quan trọng của đời mình. Ảnh: Jamex Production.

“Rất khó để tìm được các đối tác có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Vì vậy, chúng mình luôn phải chủ động nghiên cứu, suy nghĩ và học hỏi từ đầu,” Đức nói. “Về vật liệu, Great Vietnam tìm đến các nguồn hiện đại lẫn truyền thống. Ngoại trừ những công đoạn yêu cầu các vật liệu hiện đại như thiết kế, in ấn, may vá,... thì có những kỹ thuật như thêu thùa, chạm khắc, dệt vải, chúng mình bắt buộc phải tìm sự trợ giúp từ những làng nghề, đặc biệt trong quá trình tạo ra các trang phục lụa.

Vạn Phúc, La Khê, Bưởi, Nha Xá, Nam Cao, Mã Châu và Tân Châu là những làng nghề truyền thống mà Great Vietnam thường "chọn mặt gửi vàng." Quy trình sản xuất một bộ trang phục ngày xưa cũng không khác mấy với bất kỳ loại trang phục khác, Đức nói. Anh đảm nhiệm vai trò thiết kế các họa tiết, cón Tuấn Anh sẽ chủ yếu phụ trách phác thảo mẫu may.

Áo nhật bình do Great Vietnam chế tác dựa trên phiên bản của công chúa Mỹ Lương trong ảnh chụp năm 1931.

“Trước hết chúng mình sẽ phải ngồi lại với nhau và quyết định xem trang phục có nên để họa tiết hay không, những họa tiết này nên được thêu hay in." Sau đó nhóm sẽ tạo ra mẫu may và gửi đến xưởng may. Từng đường cắt và may đều làm theo hướng dẫn trong mẫu này để cho ra một bộ cổ phục.

Hình ảnh sản phẩm của nhóm cũng như phản hồi từ khách hàng sẽ được đăng trên trang Facebook của Great Vietnam 大越南. Mỗi bài đăng thường mô tả chi tiết trang phục, kèm theo các tài liệu tham khảo để “phổ cập” ý nghĩa của từng trang phục và phụ kiện. Đằng sau sự trình bày tâm huyết này là rất nhiều nỗ lực sưu tầm cũng như nắm được nội dung của những tài liệu mang tính xác thực cao.

Ba nguyên mẫu áo nhật bình khác được phục dựng bởi Great Vietnam.

“Hiện vật trong nước thường bị bảo quản kém, hoặc khó để tiếp cận do quy chế quản lý. Chúng mình hy vọng sẽ tìm thêm được những hiện vật khác từ ngoài nước nữa, nhưng chúng cũng khá khan hiếm và rải rác,” Đức chia sẻ. “Chính vì vấn đề này, công việc của chúng mình trong ba năm trở lại đây gặp rất nhiều khó khăn do luôn phải chật vật tìm sự hỗ trợ, thậm chí còn không được hỗ trợ, những khó khăn mà chúng mình nghĩ rằng sẽ không bao giờ phải đối diện. Nhưng cũng vì thế mà chúng mình đã quen với việc tự tìm ra giải pháp thay vì phụ thuộc vào các bên không đáng tin cậy, ảnh hưởng đến quyết tâm nghiên cứu và học hỏi của chúng mình.”

Mãng lan được mặc bởi các quan lại triều đình. "Mãng" là một con rồng bốn móng thường xuất hiện trang phục cho các quan chức triều đình. Mãng có vai vế thấp hơn "Long" — một con rồng năm móng, là cấp độ cao nhất và chỉ được sử dụng trên trang phục của nhà vua.

Luôn xem trọng vai trò của các cơ quan chính quyền trong việc bảo tồn các nền văn hoá, Lộc và Tuấn Anh cho rằng cần có sự hợp tác giữa chính phủ và các đơn vị tư nhân để quảng bá rộng rãi hình ảnh cổ phục đến công chúng. Lộc nói, “Cả hai bên nên tìm một tiếng nói chung và đồng ý hợp tác với nhau. Chính phủ có lợi thế về tính chính chủ và luật pháp, còn đơn vị tư nhân thì có đội ngũ nhiều kinh nghiệm và kiến thức.”

“Bản thân mình hy vọng các nhà nghiên cứu lịch sử và chính phủ sẽ dành nhiều sự quan tâm hơn về việc bảo tồn trang phục và văn hoá truyền thống. Đó cũng là điều mà chúng ta thực sự cần hướng đến ở thời điểm hiện tại.”

"Cổ phục không chỉ để người đã khuất mặc. Có thể mặc đi bar, đi pub!"

Mặc dù chỉ mới đi vào hoạt động trong vài năm, Great Vietnam rất nghiêm túc trong hoạt động phục dựng của mình — từ đơn giản đến tinh vi, từ triều đại gần đây nhất đến những triều đại cổ xưa nhất — từ đó lấp đầy “khoảng trống” trong những tài liệu cũng như kiến thức về dạng trang phục này. Nhóm cũng hy vọng rằng những trang phục mang tính lịch sử từ đó sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, tôn trọng hơn; và giúp những thế hệ tiếp theo quan tâm và thích thú với văn hóa lịch sử nhiều hơn.

Mãng bào, thường được mặc bởi các quan lại triều đình. 

Đức cho hay: “Ở Việt Nam, quá trình phục dựng cổ phục ‘ngốn’ rất nhiều thời gian và thường không được chú ý. Nhưng những nơi khác trên thế giới thì không gặp vấn đề như vậy. Các tác phẩm nghệ thuật truyền thống của họ như tranh vẽ, chạm khắc và thêu đều đã ăn sâu vào văn hóa địa phương. Còn nếu người Việt mình cứ tiếp tục dửng dưng, thì không sớm thì muộn sẽ mất đi cái nguồn cội văn hóa ấy.”

Lộc có một cách nhìn nhận khá “độc” về việc phục dựng cổ phục: “Mình hy vọng mọi người sẽ mặc những trang phục này đến các quán bar, quán pub, các sự kiện quốc tế trang trọng, thậm chí lên cả máy bay. Ừ thì có hơi rộng, hơi thùng thình, vướng víu một tí. Nhưng mà đâu phải vì gọi nó là đồ 'cổ' mà chỉ người đã khuất mới mặc được đúng không. Cho nên đừng bao giờ nghĩ chỉ mặc nó để vào đình chùa, vào Quốc Tử Giám, vào Khuê Văn Các, Đại Nội Huế..."

“Tên của nó là cổ phục nhưng nó không hề cổ. [Mọi người] cứ coi nó như là một cái phong cách thời trang hàng ngày thôi. Chỉ có như vậy thì nó mới có thể ‘sống’ và hiện diện trong đời sống. Chứ nếu chỉ mặc khi đến đình chùa, đi lễ thôi thì nó không bao giờ có thể chuyển mình và phát triển được.” 

]]>
info@saigoneer.com (Bảo Hoa. Ảnh: Great Vietnam.) Ton-sur-Ton Wed, 17 Aug 2022 16:37:22 +0700
Dự án tái hiện trang phục các nhóm dân tộc H’Mông xưa và nay của nhà sưu tầm trẻ https://saigoneer.com/vn/fashion/17321-dự-án-tái-hiện-trang-phục-các-nhóm-dân-tộc-h’mông-xưa-và-nay-của-nhà-sưu-tầm-trẻ https://saigoneer.com/vn/fashion/17321-dự-án-tái-hiện-trang-phục-các-nhóm-dân-tộc-h’mông-xưa-và-nay-của-nhà-sưu-tầm-trẻ

Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, Hnubflower và ekip đã cho ra đời dự án tái hiện trang phục của những cộng đồng người H’Mông ở các tỉnh.

Tái hiện trang phục H’Mông truyền thống là dự án giới thiệu đến người xem phục trang của người H’Mông Hoa (Bắc Hà, Lào Cai), H’Mông Lềnh (Mù Cang Chải, Yên Bái), cũng như hòa phối phụ kiện, trang phục của các cộng đồng người H’Mông khác nhau. Đi kèm với y phục là ảnh tư liệu nhiều thời kỳ, giúp người xem có thể nhìn thấy được sự thay đổi của trang phục người H’Mông qua sự tương phản giữa “Ngày ấy... bây giờ.”

Ở bộ trang phục H’Mông Hoa, Hnubflower sử dụng váy và áo có chi tiết hoa văn được làm thủ công trên chất vải xưa, có tuổi đời khoảng 35 năm. Điểm nhấn trên trang phục là phụ kiện kiềng và vòng tay của người H’Mông ở Sapa, phần tóc được bện từ tóc thật kết hợp với len của người H’Mông Hoa ở Lai Châu. Còn với người H’Mông Lềnh, Yên Bái, phần trang phục được lấy hoàn toàn từ bản nguyên mẫu với chất liệu lanh thô dệt thủ công với các họa tiết hoa văn đều được làm bằng tay, đã tồn tại gần 100 năm.

Từ trên xuống, từ trái sang phải: trang phục H’Mông Hoa (Bắc Hà, Lào Cai) năm 1920 Audrey Hepburn mặc trang phục H'Mông khi thăm tỉnh Hoàng Liên Sơn năm 1990; và hình ảnh được tái hiện (trang phục thứ nhất).

Hình ảnh tư liệu và hình ảnh tái hiện của trang phục H’Mông Lềnh (Mù Cang Chải, Yên Bái). (Trang phục thứ hai).

Đặc biệt hơn cả là bộ trang phục thứ ba, là một sự tổng hòa chất liệu của nhiều sắc tộc H’Mông. Trong đó, ta có thể kể đến áo khoác của người H'Mông ở Sapa, chân váy và phụ kiện bạc của người Miêu, yếm được lấy cảm hứng từ nhiều nhóm người H’Mông và bộ móng được lên ý tưởng từ một số hoa văn của người H’Mông Trắng, H’Mông Xanh ở Lào, Thái Lan.

Bộ trang phục thứ ba là sự kết hợp của nhiều phụ kiện và trang phục các nhóm dân tộc H’Mông.

Khi bộ trang phục thứ ba ra mắt, nhiều người vẫn không khỏi thắc mắc, tại sao làm về dân tộc H’Mông nhưng lại sử dụng phụ kiện và cảm hứng từ trang phục của người Miêu, vốn sinh sống chủ yếu Trung Quốc. Đó là vì người H’Mông ở Việt Nam và người Miêu là hai dân tộc cùng hệ, có nguồn gốc từ dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực phía Nam Trung Quốc, nên có sự tương quan về trang phục.

Để tạo nên một dự án vừa có sự đầu tư về hình ảnh và tư liệu, Hnub đã trao dồi kiến thức cho bản thân từ nhiều nguồn khác nhau. Phần vì chính cô cũng là người H'Mông sinh ra và lớn lên ở Lào Cai, được tiếp thu văn hóa từ nhỏ trong những nhịp sống, sinh hoạt hằng ngày. Phần là cô tự tìm hiểu kiến thức trên Google với thông tin từ trong lẫn ngoài nước. Bên cạnh đó, Hnub còn chủ động kết nối với những người dân ở địa phương, để hiểu hơn về dân tộc đó thông qua sự chia sẻ của “người trong cuộc.”

Người bắt đầu dự án, Hnub, hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh, với công việc chính là vẽ trên áo dài. Theo lời cô kể, "hnub" trong tiếng H'Mông có nghĩa là "mặt trời," và cái tên Hnubflower mang ý nghĩa một loài hoa luôn hướng về mặt trời. Tiếp xúc lâu với trang phục truyền thống dân tộc Việt Nam đã nung nấu trong Hnub ý tưởng quảng bá trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số. Cô vẫn luôn đặt cho mình câu hỏi: “Tại sao mình làm về trang phục truyền thống của Việt Nam mà không làm về trang phục của dân tộc mình hay mở rộng ra là trang phục của các dân tộc anh em khác?” Chính câu hỏi đó đã thôi thúc và tạo động lực cho cô đi sưu tầm và quảng bá trang phục của 53 dân tộc đồng bào, với trọng tâm là trang phục dân tộc H’Mông.

Tiếp xúc lâu với trang phục truyền thống dân tộc Việt Nam đã nung nấu trong Hnub ý tưởng quảng bá trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số.

Nhìn chung, một bộ trang phục của người H’Mông gồm những phần sau: xà cạp quấn chân, chân váy, yếm (tà trước và tà sau), đai (có một vài nhóm dân tộc không có), áo, mũ. H’Mông là một dân tộc gồm nhiều nhóm nhỏ, sinh sống trải dài từ Trung du miền núi Bắc Bộ đến Tây Nguyên. Và ở mỗi khu vực, trang phục của họ sẽ có những điểm riêng biệt nhất định.

Chẳng hạn, trang phục H’Mông Hoa ở Bắc Hà, Lào Cai khác với trang phục của đa phần người H’Mông ở phần cổ áo và hai tà yếm trước sau. Thay vì cổ áo đứng chữ V như H’Mông Trắng, H’Mông Đỏ, thì H’Mông Hoa ở Lào Cai có cổ áo chéo như Mãn phục thời nhà Thanh, Trung Quốc. Do nguồn gốc người H’Mông là ở Trung Quốc, sau này di dân xuống phía Nam và các nước ở Đông Nam Á nên người dân H’Mông ở những khu vực này chịu ảnh hưởng ít nhiều từ Mãn phục và Hán phục. Thêm một cách để nhận biết trang phục của người H’Mông Hoa, Lào Cai là hai tà yếm được may với chiều dài đồng nhất, khi mặc, họ sẽ để tà trước dài hơn và tà sau ngắn hơn.

Trang phục H’Mông nổi bật trong mắt người đối diện không chỉ nhờ sự cầu kỳ, màu sắc bắt mắt, mà còn nằm ở họa tiết, đặc biệt là họa tiết sáp ong. Với các mảng hoa văn sáp ong, người H'Mông thường sử dụng các họa tiết riềm ngoài nhỏ li ti, họa tiết chính ở giữa có khổ lớn. Công đoạn chính để tạo nên họa tiết này là vẽ sáp. Khi vẽ, người thợ sẽ chấm bút vào sáp ong nóng, khéo léo kẻ những đường thẳng trên vải. Quá trình này đòi hỏi sáp phải chảy đều, không bị loang lổ.

Họa tiết sáp ong được vẽ trên vải của người H’Mông. Ảnh: Báo Hà Giang.

Yếu tố quan trọng nhất để tạo nên họa tiết hoàn hảo chính là sự tỉ mỉ và kinh nghiệm của người nghệ nhân. Cũng vì sự tỉ mỉ, chăm chút đó mà thường phải mất cả tuần, cả tháng hay vài tháng mới hoàn thành xong một chiếc váy in hoa văn đủ sắc.

Chiếc mũ với phong cách của một số đồng bào miền Bắc những năm 1920, trong đó có người H'Mông.

Bên cạnh sự cầu kỳ về họa tiết, để tạo nên một bộ trang phục hoàn chỉnh của người H’Mông, không thể bỏ qua trang sức bạc. Với họ, bạc không chỉ là phụ kiện làm đẹp mà còn là một vật tín ngưỡng, xuất hiện trong nhiều dịp lễ, Tết quan trọng như đám hỏi, đám cưới, làm của hồi môn. Họ cho rằng bạc có tác dụng xua đuổi tà khí, giúp giải và chống độc phong.

Có người đeo bạc đến tuổi trưởng thành, và cũng có người đeo bạc suốt cuộc đời và coi đó như tấm bùa hộ mệnh cho mình. Và với mỗi nhóm sắc tộc H’Mông, người dân cũng có một vài quan niệm khác nhau về bạc. Như với người H’Mông Đen, người phụ nữ đeo hoa tai bạc càng to thì càng khỏe.

]]>
info@saigoneer.com (Hải Yến. Ảnh: Hnubflower.) Thời Trang Thu, 14 Jul 2022 15:00:00 +0700
Có một 'tiểu yến tử' ở Seattle ngày ngày đem chất queer thổi hồn vào trang sức https://saigoneer.com/vn/ton-sur-ton/17310-có-một-tiểu-yến-tử-ở-seattle-ngày-ngày-đem-chất-queer-thổi-hồn-vào-trang-sức https://saigoneer.com/vn/ton-sur-ton/17310-có-một-tiểu-yến-tử-ở-seattle-ngày-ngày-đem-chất-queer-thổi-hồn-vào-trang-sức

Phụ kiện “lồng lộn,” phá cách với chút tinh nghịch và “huyền bí” là cách mà Đinh Nguyễn Song Khanh và bạn đời, Meiyin, mang sắc màu riêng vào văn hóa thời trang queer tại Mỹ — nơi cả hai đang sinh sống, làm việc và theo đuổi ước mơ cùng đại gia đình mèo múp míp.

Khanh (trái) và Meiyin (phải).

Tôi biết đến Đinh Nguyễn Song Khanh (nhân xưng they/them) khi học chung từ thời cấp ba. Khanh là sinh viên trao đổi tại Trường Đại học Washington, hiện đang hoàn thành chương trình thạc sỹ Truyền thông Kỹ thuật số và cũng hoạt động trong lĩnh vực quay dựng video. Meiyin (nhân xưng they/them), là người Mỹ gốc Hoa, tốt nghiệp ngành marketing, và hiện vừa làm barista vừa theo đuổi đam mê thiết kế trang sức.

Ngoài việc làm “phụ huynh” toàn thời gian của các bé mèo, Khanh và Meiyin còn là đồng sở hữu của XYZ Style Co, một thương hiệu trang sức thủ công do chính cả hai chế tác. Khách hàng ưa thích các sản phẩm của bộ đôi có thể tìm mua qua website của XYZ hay chợ phiên tháng trên khắp Seattle.

Bắt đầu từ một chuyện tình

Cái duyên thành lập XYZ đến từ chính trang sức mà Meiyin làm tặng cho bản thân. Chiếc hoa tai được Meiyin thiết kế với phong cách riêng ngay lập tức thu hút lời khen từ bạn bè: “Mấy cái hoa tai này nhìn hay hay! Cậu thử bán xem!”

Lúc này, vào khoảng đầu năm 2020, mối quan hệ giữa Meyin và Khanh mới chỉ dừng ở mức bạn bè. Meiyin đã ngỏ lời mời Khanh cùng thiết kế hoa tai với mình, và đến cuối năm, XYZ chính thức được ra đời.

Khanh nói: “[Sau đó một thời gian thì], chúng mình yêu nhau và bắt đầu hẹn hò [...] XYZ đồng hành cùng chúng mình từ lúc còn là bạn cho đến khi chính thức quen nhau. Nên có thể nói rằng tính queer cũng chính là cốt lõi của thương hiệu XYZ.”

Nghe có vẻ đơn giản, nhưng cái tên XYZ là một cách chơi chữ thông minh dựa trên tên thật của Meiyin, có chứa Hán tự "yến," loài chim quen thuộc trong văn hóa Á châu và Việt Nam. Meiyin nói: “Đây là loài chim yêu thích của mình. Trong tiếng Trung, người ta gọi chúng là xiaoyanzi [小燕子, tức ‘tiểu yến tử’ trong tiếng Việt], và XYZ chính là một sự cách điệu từ xiaoyanzi.” Đây cũng là cái tên quen thuộc với thế hệ người Việt lớn lên cùng nhân vật Tiểu Yến Tử trong phim truyền hình “quốc dân” Hoàn Châu Cách Cách.

To, đẹp, lạ

Cộp mác của XYZ là các phụ kiện bản lớn, mang phong cách táo bạo, dung hòa vẻ “sang trọng” và “lập dị” để đem lại một thẩm mỹ tổng thể gọi là “nhìn vui vui.” Hiện tại, các sản phẩm mà Khanh và Meiyin thực hiện dao động từ dây đeo khẩu trang, vòng cổ đến hoa tai, cũng là những vật phẩm được khách hàng yêu thích nhất.

Hầu hết hoa tai của XYZ là dạng dangle (lủng lẳng), thường được chế tác bằng cách đính đá quý vào dây bạc. Các thiết kế cũng thường có hạt và mảnh pha lê đính khung kim loại, hoặc thạch anh pha lê và các loại đá bán quý khác quấn dây. Đôi khi, sự sáng tạo cặp đôi lại được thể hiện qua các sản phẩm có hình thù kỳ lạ.

“Meiyin có một đôi bông tai hình chai xì dầu. Và lâu lâu, chúng mình còn gắn thêm mấy trái ớt nhỏ nhỏ, chỉ cần đính chúng vào dây bạc là có ngay hoa tai xúng xính,” Khanh chia sẻ về một số trang sức “nhìn vui vui” hơn của XYZ. Vào những dịp Tết, Khanh cũng mang không khí lễ hội vào các sản phẩm qua những màu sắc đặc trưng của Tết, như đỏ và vàng, như một cách để mang hơi thở Việt Nam đến Seattle.

Quy trình sáng tạo của Khanh và Meiyin vô cùng đơn giản: bày tất cả các vật liệu ra trước mặt và đợi cảm hứng “gọi tên.” Thỉnh thoảng, bộ đôi sẽ chủ động phác họa trước để xem thiết kế có phù hợp hay không, “nhưng đa phần thì chúng mình toàn ‘tùy cơ ứng biến,’” Khanh cho biết.

Video từ XYZ Style Co.

Khi chọn chất liệu, XYZ đề cao tính bền vững và ưu tiên hợp tác với các doanh nghiệp nhỏ tại Seattle, hoặc các cửa hàng độc lập trên các trang như Etsy. Phần vì không muốn phụ thuộc vào các “ông lớn,” và phần vì muốn hỗ trợ cộng đồng địa phương. Các loại đá mà XYZ sử dụng cũng được mua tại Gem Faire — một hội chợ đá quý và khoáng sản tại Mỹ — như một cách để ủng hộ trực tiếp những tiểu thương, start-up nhỏ có hoàn cảnh tương tự.

Giai đoạn mới chập chững, Khanh và Meiyin, như nhiều người khác, chỉ có thể bày bán các sản phẩm của mình qua mạng xã hội. Nhưng khi đã đi cùng nhau một chặng đường, cả hai quyết định mở rộng “địa bàn” bằng cách tham dự các phiên chợ địa phương, cũng như tìm kiếm sự trợ giúp từ VietQ — một tổ chức với sứ mệnh kết nối và hỗ trợ LGBTQ+ người Việt tại Seattle.

“Mạng lưới VietQ chuyên tổ chức các phiên chợ pop-up dành cho các nhà sáng tạo queer và chuyển giới. Đây là một trong những địa điểm đầu tiên mà chúng mình đến khi đi bán ở các phiên chợ,” Khanh kể.

Thông qua các phiên chợ, Khanh đã có cơ hội gặp gỡ nhiều khách hàng người Việt. Còn bên ngoài sân chơi của VietQ, nhóm khách hàng này gần như vắng bóng. Tuy nhiên, dù gặp ở đâu thì những vị khách mà Khanh từng tiếp xúc dường như đều có chung một thị hiếu. “Theo quan sát của chúng mình thì người Việt thường chọn những thiết kế trang nhã, đơn giản hơn,” Khanh chia sẻ.

Meiyin và Khanh có đồng minh là các cư dân queer khác tại Seattle, nhưng khác biệt trong văn hóa vẫn là một trở ngại lớn. Theo Khanh, đó là vì cộng đồng người Việt, cộng đồng queer, và cộng đồng người Việt queer là ba tập hợp chẳng mấy khi giao thoa nhau.

“Người queer có rào cản riêng của người queer. Người Việt Nam có rào cản riêng của người Việt Nam. Nếu bạn là cả hai thì bạn sẽ phải leo qua rất nhiều cái rào chồng chất lên nhau,” Khanh chia sẻ. “Queer vẫn là khái niệm gì đấy rất lạ lẫm với cộng đồng người Việt ở đây, tiếng Việt còn là ngôn ngữ phân biệt giới [gendered language] rạch ròi nên chuyện giao tiếp lại càng phức tạp hơn.”

Qua XYZ, Meiyin và Khanh có cơ hội để thấu hiểu và kết nối những cộng đồng tách biệt này. Khanh chia sẻ: "Chúng mình có một người bạn gặp qua phiên chợ của VietQ. Bạn này cũng tên là Khanh và là một vị ‘khách sộp.’ Từ đó tụi mình đã trở thành bạn tốt của nhau. Chúng mình rất vui vì đã có thêm được những người bạn mới nhờ XYZ."

Việc vận hành XYZ không phải lúc nào cũng thuận buồm xui gió. Ngoài việc “bí ý tưởng,” những lần “xu cà na” cũng cản trở quá trình sáng tạo của Meiyin và Khanh. “Có một lần chúng mình đóng gói sẵn năm hộp hàng, trong đó là các sản phẩm và đơn hàng làm theo đơn đặt chuẩn bị đem đi gửi khách. Chúng mình bỏ vào hòm thư trước nhà, rốt cuộc là cả năm hộp đều bị trộm ‘xu’ hết. Giờ thì chúng mình rút kinh nghiệm và ra thẳng UPS hoặc bưu điện để gửi luôn,” Khanh kể lại một sự cố đáng tiếc.

"Ngổ ngáo và ma mị"

Không ai có thể nói chính xác “phong cách queer” là gì, bởi mỗi người và mỗi nền văn hóa lại có những định nghĩa khác nhau. Đối với tôi, đó là quần jean xắn gấu và thêm thắt thật nhiều phụ kiện linh tinh. Đối với Khanh và Meiyin, đó là “thời trang đượm chất ngổ ngáo, ma mị, và phụ kiện bản to, tinh quái, thậm chí gắn cả xương.” Đây cũng chính là đặc tính của phần lớn các sản phẩm của XYZ.

Đá pha lê là một vật liệu thường xuất hiện trong văn hóa queer, kéo theo đó là thời trang queer. Khanh và tôi cùng nhận thấy rằng, người queer, dù ở đâu trên thế giới, cũng thường có sự thích thú nhất định với loại đá quý này. Song song với đó, họ cũng theo đuổi những sở thích và phong cách thuộc phạm trù thần bí như bài tarot, ma thuật và đá phong thủy.

Tôi đặt ra câu hỏi: vì sao cộng đồng queer lại quan tâm đến các thực hành tâm linh ở trên? Và Khanh kể về những trải nghiệm mà chính tôi cũng liên hệ được với bản thân.

“Tâm linh là một phần rất lớn trong văn hóa chúng mình,” Khanh nhận định về cả cộng đồng queer ở Seattle và ở các nền văn hóa khác. “Chẳng hạn, có nhiều người rất thích Wiccan, tức là niềm tin về phù thủy và ma thuật. Mà mọi người thì hay thể hiện bản thân qua thời trang, và họ mang niềm tin ấy vào cách họ ăn mặc… nên khi bán các sản phẩm có liên quan đến đá quý và pha lê, Meiyin và mình sẽ giới thiệu luôn về ‘năng lượng chữa lành’ của loại đá đó, vì chúng mình nghĩ khách hàng sẽ quan tâm đến những đặc tính này.”

"Bán những gì làm được, thay vì làm những gì bán được"

Vì Khanh hiện vẫn đang hoàn thành chương trình cao học, Meiyin phải gánh vác nhiều khâu trong việc vận hành XYZ, nên quá trình phát triển thương hiệu không tránh khỏi những bấp bênh. “Mình là sinh viên toàn thời gian, thành ra Meiyin gánh nhiều trách nhiệm [từ công việc còn lại]. Chúng mình không thể tham gia các phiên chợ hàng tuần, nhưng luôn cố gắng ‘góp vui’ ít nhất mỗi tháng một lần,” Khanh cho biết.

Sau khi tốt nghiệp cao học, Khanh hy vọng rằng mình có thể dành nhiều thời gian hơn để hỗ trợ Meiyin phát triển XYZ. Bộ đôi còn tham vọng lấn sân sang các loại sản phẩm khác, chẳng hạn như vòng tay, sơn nghệ thuật cho cơ thể; cũng như đóng góp cho các tổ chức từ thiện, đặc biệt là những tổ chức giúp đỡ người châu Á và người queer. Đây là hoạt động mà Khanh và Meiyin từng tham gia tích cực, nhưng phải dừng lại gần đây do những khó khăn trong công việc và tài chính.

"Bán những gì làm được, thay vì làm những gì bán được" là triết lý mà bộ đôi trung thành để có thể “cháy” hết mình với đam mê. Trước đó, XYZ từng cho phép khách hàng điều chỉnh thiết kế, nhưng giờ đã từ bỏ dịch vụ này “vì chúng mình muốn được tự do sáng tạo bất cứ thứ gì chúng mình muốn. Chúng mình chủ trương nghe theo tiếng gọi của cảm hứng. Khi người ta ‘cảm’ được cái sáng tạo trong đó, họ thấy thích thì sẽ tự nhiên muốn mua thôi.”

]]>
info@saigoneer.com (Khóa Fa. Ảnh: XYZ Style Co. Ảnh bìa: Hannah Hoàng.) Ton-sur-Ton Fri, 01 Jul 2022 10:33:39 +0700
Re.socks: Hành trình 'hô biến' rác thải nhựa thành những đôi tất êm ái https://saigoneer.com/vn/ton-sur-ton/16999-re-socks-hành-trình-hô-biến-rác-thải-nhựa-thành-những-đôi https://saigoneer.com/vn/ton-sur-ton/16999-re-socks-hành-trình-hô-biến-rác-thải-nhựa-thành-những-đôi

Bạn chọn tất dựa trên những tiêu chí nào?

Với nhiều người, tất chỉ là tất, đơn giản là để bảo vệ và giữ ấm cho đôi chân; và dù thỉnh thoảng ta cảm thấy khó chịu khi bỗng mất đâu một chiếc, nhưng cũng đến thế thôi. Những với một số người khác, tất là một món đồ rất quan trọng, quan trọng từ màu sắc đến mẫu mã, kiểu dáng. Và sẽ không sai khi nói rằng những bạn trẻ của Re.socks cũng thuộc nhóm những người như vậy.

Dự án startup với 8 thành viên này đã bắt đầu hoạt động vào tháng 9 năm ngoái. Họ theo đuổi một mô hình đang ngày càng phổ biến trong bối cảnh khủng hoảng rác thải nhựa trên phạm vi toàn cầu. Đó là tái chế rác thải để tạo ra các sản phẩm có giá trị, mà cụ thể ở đây là tái chế chai nhựa thành những đôi tất.

Re.socks và sản phẩm của nhóm. Ảnh chụp bởi Bình Minh trên báo Tuổi Trẻ.

“Bọn mình đều quan tâm đến môi trường và thời trang bền vững,” Quách Kiến Lân, người đứng đầu dự án cho biết. "Rác thải nhựa là một vấn đề lớn trên toàn cầu, nhưng thật ra, rác thải cũng có thể là một nguồn tài nguyên nếu chúng ta biết cách tái chế chúng thành những sản phẩm hữu ích."

Nhóm cho biết Polyethylene terephthalate (PET), loại nhựa được sử dụng để sản xuất chai nước, có thể được xử lý và làm thành sợi vải. Quy trình tái chế PET bao gồm việc thu thập nhựa đã qua sử dụng, nung chảy thành các hạt nhựa, ép đùn hạt nhựa thành sợi nhựa, sau đó dệt thành vải polyester, và cuối cùng là dùng loại vải này để may tất.

Quá trình sản xuất tất từ rác thải nhựa. Ảnh được cung cấp bởi Re.socks.

“Nhà máy sợi sẽ thu gom chai nhựa, sau đó làm sạch, lọc tạp chất và xử lý chúng để tạo ra hạt nhựa,” Lân giải thích về bước đầu tiên trong quy trình.

Dù mô hình này còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng đã được thực hiện rất thành công ở các thị trường phát triển hơn như Hoa Kỳ. Theo Financial Times, một doanh nghiệp sản xuất của Mỹ là Unifi đã tung ra thị trường loại sợi polyester tái chế vào năm 2007, và hai thương hiệu thời trang outdoors Patagonia và Polartec đã tiên phong sử dụng nó.

Tính đến hiện tại, đã có khoảng 800 thương hiệu thời trang sử dụng chất liệu này trong khâu sản xuất sản phẩm, trong đó có những cái tên đình đám như Nike và Adidas hay những thương hiệu thời trang cao cấp như Prada.

Tuy nhiên, việc thu gom và tái chế rác thải ở Việt Nam thường mang tính tự phát, không có tiêu chuẩn rõ ràng, tức là hầu hết rác thải không được phân loại và không đáp ứng được các tiêu chuẩn tái chế. Vì vậy Re.socks phải nhập khẩu hầu hết lượng sợi nhựa họ cần sử dụng, cũng có nghĩa là dự án này tạm thời chưa thể góp phần cải thiện vấn đề rác thải của Việt Nam.

Vải được dệt từ sợi nhựa để sản xuất tất. Ảnh được cung cấp bởi Re.socks.

Trên thực tế, đây vẫn là một vấn đề toàn cầu. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, tỷ lệ tái chế nhựa trung bình trên thế giới hiện chỉ ở mức 14–18%. Do đó, loại PET chất lượng cao có thể tái sử dụng luôn được các hãng dệt may ưa chuộng và tìm mua, chưa tính đến nhu cầu từ nền công nghiệp tái chế; và điều này đã đẩy giá PET lên cao.

Ý thức được thực trạng này, đội ngũ Re.socks hy vọng dự án của họ có thể góp phần thúc đẩy và tạo ra sự thay đổi cần thiết trong việc tái chế rác thải tại Việt Nam, để đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết cho việc tạo ra sản phẩm mới. “Bọn mình hy vọng rằng câu chuyện của Re.socks sẽ truyền cảm hứng cho mọi người phân loại rác thải, và mong là trong 5 năm tới, dự án sẽ đạt được mục tiêu xây dựng quy trình thu gom, xử lý và dệt sợi tại Việt Nam,” Lân chia sẻ.

Nhưng tại sao lại là tất? Có lẽ nhiều người sẽ không nghĩ tới món đồ này đầu tiên khi muốn thực hiện các dự án tái chế.

Sản phẩm cuối cùng là những đôi tất mềm mại. Ảnh được cung cấp bởi Re.socks.

“Sản phẩm đầu tiên là tất vì bọn mình muốn truyền tải câu chuyện về những ‘bước chân xanh' được làm từ vật liệu tái chế trên một hành trình bền vững," Lân nói. "Bên cạnh đó, tất là một sản phẩm rất gần gũi mà hầu như ai cũng cần dùng đến. Một đôi tất dù nhỏ bé cũng sẽ giúp mọi người thấy được việc tái chế có khả năng tạo ra các sản phẩm hữu ích cho đời sống của chúng ta."

Mỗi đôi tất sẽ tái chế được ba chai nhựa và mỗi hộp sẽ có ba đôi tất với ba màu: đen, xám đậm và xám nhạt. Dự án tái chế rác thải nhựa này không chỉ giúp làm giảm số lượng chai nhựa vốn chỉ để mang đi chôn lấp mà còn loại bỏ được lượng khí thải nhà kính thường được tạo ra từ quá trình xử lý polyester. Trong tương lai, khi Re.socks hoàn thiện quy trình của mình và hợp tác với nhiều công ty hơn, họ sẽ bắt đầu thử nghiệm với các vật liệu khác và cả các sản phẩm khác nữa.

"Bọn mình vẫn tiếp tục làm việc để mang đến nhiều mẫu thiết kế bắt mắt hơn trong thời gian tới, cũng như cải thiện chất lượng sản phẩm, và sử dụng các loại sợi kết hợp như sợi cà phê hoặc sợi nấm để thu hút được sự chú ý trong một thị trường lớn vốn có nhiều sản phẩm giá rẻ," Lân cho biết.

Cho đến nay, khách hàng của Re.socks chủ yếu là những người quan tâm đến môi trường và phát triển bền vững, cùng một vài cửa hàng ở nước ngoài như Mỹ và Anh. Đội ngũ Re.socks mong muốn tập trung nhiều hơn vào giới trẻ Việt để nâng cao nhận thức của họ về môi trường.

Bao bì sản phẩm được tái chế từ giấy. Ảnh được cung cấp bởi Re.socks.

Lân cho biết thêm: “Trong tương lai, bọn mình sẽ sản xuất thêm nhiều sản phẩm như áo, ví, mũ, không chỉ làm từ chất liệu nhựa tái chế mà còn bằng nhiều chất liệu bền vững khác nữa.”

Ton-sur-Ton (Tông Xuyệt Tông) là series bài viết về câu chuyện đằng sau các local brand với cảm hứng thời trang thú vị và khác biệt. Bạn là một tín đồ thời trang? Hãy gửi ý tưởng về cho Saigoneer qua hòm thư contribute@saigoneer.com.

]]>
info@saigoneer.com (Michael Tatarski. Đồ họa: Phan Nhi.) Ton-sur-Ton Wed, 12 Jan 2022 12:36:00 +0700
Trang phục dân tộc của Thùy Tiên tại Miss Grand International lấy cảm hứng từ lực lượng tuyến đầu https://saigoneer.com/vn/fashion/17113-trang-phục-dân-tộc-của-thùy-tiên-tại-miss-grand-international-lấy-cảm-hứng-từ-lực-lượng-tuyến-đầu https://saigoneer.com/vn/fashion/17113-trang-phục-dân-tộc-của-thùy-tiên-tại-miss-grand-international-lấy-cảm-hứng-từ-lực-lượng-tuyến-đầu

Người đẹp Thùy Tiên, đại diện của Việt Nam tại cuộc thi Miss Grand International 2021, vừa hé lộ những hình ảnh đầu tiên về bộ trang phục dân tộc mà cô sẽ mang đến đấu trường sắc đẹp quốc tế.

Trong bài viết đăng tải trên trang cá nhân, Thuỳ Tiên cho biết thiết kế cô và ê-kíp lựa chọn có tên “Blue Angel” hay “Thiên Thần Áo Xanh,” lấy cảm hứng từ lực lượng chống dịch COVID-19 ở tuyến đầu. 

Thiết kế có màu chủ đạo là xanh dương, gợi nhớ tới hình ảnh trang phục bảo hộ của các nhân viên y tế. Chiếc đầm tôn dáng lấy cảm hứng từ tà áo dài truyền thống, được làm bằng chất liệu da bóng và điểm thêm các hoạ tiết ánh bạc bắt sáng. Chiếc mũ mấn kim loại cũng mang lại hơi thở hiện đại cho tổng thể thiết kế.

Phần sau của trang phục là một đôi rắn mạ vàng quấn quanh ống tiêm vắc-xin, một hình ảnh được cách điệu từ biểu tượng của ngành y. Tuy nhiên thay vì sử dụng hình ảnh chiếc gậy Asclepius với một con rắn cuốn quanh (phổ biến ở Việt Nam), ê-kíp đã mang vào thiết kế hình ảnh chiếc gậy Caduceus với hai con rắn. Bên cạnh đó, đôi cánh có cơ chế mở rộng để Thùy Tiên có thể tự tin “sải cánh” khi trình diễn.

“Cha đẻ” của bộ cánh ấn tượng này là nhà thiết kế Thái Trung Tín, người từng sáng tạo nhiều mẫu trang phục dân tộc như “Tiên Dung” hay “Nàng Mây” cho đại diện của Việt Nam trong các cuộc thi hoa hậu thế giới.

Thông qua trang phục này, Thùy Tiên và đội ngũ thiết kế mong muốn gửi lời tri ân đến các y bác sĩ và toàn thể lực lượng chống dịch tuyến đầu, vì những nỗ lực không ngừng trong giai đoạn chống dịch khó khăn vừa qua.

Với thông điệp vô cùng ý nghĩa, chúng ta hãy hy vọng “Thiên Thần Áo Xanh” sẽ để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng giám khảo và bạn bè quốc tế khi ra mắt chính thức vào tối ngày 30/11. 

Cùng Saigoneer xem cận cảnh thiết kế của bộ cánh qua video sau đây:

[Nguồn ảnh: Trang Facebook của Nguyễn Trúc Thuỳ Tiên]

]]>
info@saigoneer.com (Saigoneer.) Thời Trang Tue, 30 Nov 2021 17:00:00 +0700
Thảo Vũ, nhà sáng lập Kilomet109: 'Trang phục là một ngôn ngữ có thể dùng để viết' https://saigoneer.com/vn/ton-sur-ton/17097-thảo-vũ,-nhà-sáng-lập-kilomet109-trang-phục-là-một-ngôn-ngữ-có-thể-dùng-để-viết https://saigoneer.com/vn/ton-sur-ton/17097-thảo-vũ,-nhà-sáng-lập-kilomet109-trang-phục-là-một-ngôn-ngữ-có-thể-dùng-để-viết

Saigoneer đã có dịp gặp gỡ nhà thiết kế Thảo Vũ và lắng nghe chia sẻ về sự khởi đầu bỡ ngỡ của chị với thời trang và tâm sự của chị trên hành trình phát triển một thương hiệu định hướng bền vững. 

Saigoneer được biết hành trình thời trang của chị có khởi đầu không mấy "thơ mộng." Chị có thể chia sẻ tại sao lại không muốn theo ngành may mặc khi còn bé không?

Khi còn nhỏ mình là một cô bé tomboy và chỉ thích chơi chung với đám con trai. Chúng mình thường đi câu cá với nhau và vui chơi ngoài trời. Mình thích như thế hơn là mấy việc khâu vá đan móc mà chị, mẹ và bà thường làm.

Bố mẹ mua cho mình một chiếc máy may vào sinh nhật 17 tuổi. Họ đã đặt nhiều mong đợi vào mình, vì thời đó máy may gia đình vẫn còn rất đắt, nhưng mình thì cảm thấy khó chịu. Mình không hiểu tại sao bố mẹ lại tặng mình cái máy may đó nên đã lấy chăn trùm máy suốt mấy tháng liền. Đối với mình, chiếc máy ấy đại diện cho sự nữ tính và lối sống an phận ở nhà, mỗi ngày phải làm đi làm lại những việc mà người khác làm.

Nhưng khi lên đại học, mình muốn tự may quần áo cho mình. Mình luôn ăn mặc khác thường và không muốn mặc quần áo bán đổ đống ngoài đường. Khi sống xa nhà và phải tự xoay xở tiền bạc, mình luôn rơi vào cảnh cháy túi, vì vậy việc may quần áo giúp mình kiếm thêm thu nhập. Đến bây giờ mình vẫn không chắc mình có thực sự thích may vá không, nhưng mình biết rằng việc tự tay làm quần áo đã thay đổi cái nhìn của mình về chiếc máy may.

Là một người đã chứng kiến nhiều thay đổi lớn trong ngành thời trang Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua, theo chị, vào thời điểm nào thời trang đã thực sự thành một ngành công nghiệp?

Khi mình vào đại học năm 1996, khái niệm “thời trang” chỉ mới bắt đầu xuất hiện. Trước đó mọi người chỉ dùng từ “quần áo” mà thôi. Sau đó, vào khoảng năm 2000, người ta bắt đầu nói đến “thiết kế.” Trước những năm 1990, may mặc là một nghề thủ công và thợ may chỉ làm theo những gì được học chứ không chú tâm tạo ra cái mới. Dần dần, mọi người quan tâm đến khía cạnh sáng tạo của từ “thiết kế,” không chỉ nói riêng ngành may mặc.

Nhờ có chính sách hội nhập quốc tế, người Hà Nội bắt đầu ăn mặc kiểu mới, để kiểu tóc mới và đeo kính mắt mới nữa. Đó là một giai đoạn rất thú vị! Thế hệ của mình được nhìn thấy những thứ mình chưa được thấy bao giờ, khiến mình nhận ra ngành may mặc trong nước bị tụt hậu quá lâu. Chúng mình nhìn thấy được thế giới rộng lớn như thế nào và bản thân đã khám phá ra một lĩnh vực khổng lồ!

Có thể nói là đến năm 2000, Việt Nam đã có một vốn từ vựng mới về ngành thời trang, có tuần lễ thời trang và sàn diễn thời trang, mọi thứ dần có cấu trúc hơn. Chúng ta đã có đủ từ vựng để miêu tả những gì mình đang làm thay vì chỉ có thể nói là mình may quần áo.

Khi định hướng phát triển cho Kilomet109, chị đã nghiên cứu sâu về trang phục của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Chị có thể mô tả quá trình này?

Mình không chỉ luôn yêu thích trang phục dân tộc mà còn yêu thích trang phục cổ điển nữa. Mình mua rất nhiều trang phục như thế và vẫn thường xuyên mặc chúng. Mình thích nhiều kiểu dáng, loại vải, đường cắt, màu sắc, hoa văn, hình in trang trí, và họa tiết. Mình cảm thấy trang phục dân tộc và trang phục cổ điển đặc biệt như thế vì chúng có lịch sử lâu đời.

Khi mình làm nhà báo và cộng tác với một số tạp chí thời trang, mình đã viết rất nhiều về các làng nghề, nghệ nhân và truyền thống may mặc ở Việt Nam, nhờ đó có một nền tảng kiến thức về ngành này. Mình càng yêu thích các trang phục ấy hơn khi đi học về thời trang. Mình lấy cảm hứng thiết kế từ quan điểm thẩm mỹ của các dân tộc thiểu số, và sử dụng các yếu tố và kỹ thuật truyền thống của họ như chần bông hoặc may ghép (patchwork). Những kinh nghiệm quý giá đó đã giúp mình rất nhiều trong việc học, từ đó mình nhận ra hướng đi mình muốn theo đuổi: Mình muốn làm việc với các thợ may, nghệ nhân và cộng đồng địa phương để phát huy những giá trị truyền thống đặc sắc của họ.

Chị đã kết nối với các cộng đồng dân tộc thiểu số như thế nào khi bắt đầu làm việc cùng nhau?

Thời gian đầu, hầu hết mọi người đều bối rối và ngại hợp tác với mình. Họ thấy mình còn xa lạ, vì họ ít tiếp xúc với các nền văn hóa và nguồn thông tin khác trong cuộc sống hàng ngày. Họ biết mình hoàn toàn không phải là người địa phương và mình không có kỹ năng của họ.

Chúng mình cũng phải đối mặt với những định kiến. Là một người Kinh, mình luôn nhắc nhở bản thân phải hết sức cẩn thận, luôn luôn phát ngôn chừng mực và thể hiện lòng tôn trọng trong từng lời nói. Trong giao tiếp, chúng mình vẫn gặp nhiều bất đồng về văn hóa cũng như quan điểm thiết kế. Khi mới tiếp xúc, mình chỉ biết chung chung về cộng đồng của họ chứ không biết từng cá nhân. Chúng mình hoạt động không khác gì đối tác kinh doanh, và đó là cái sai của mình.

Lần đầu thử nghiệm thuốc nhuộm chàm, mình đã cố gắng tạo ra nhiều màu có sắc độ khác nhau. Có những màu mình thấy đẹp như họ lại thấy xấu. Cứ như thế, chúng mình thường có cách nhìn khác nhau về cùng một đối tượng. Khi làm thử trên mảnh vải nhỏ thì dễ kiểm soát, nhưng khi mình không có mặt ở đó, họ không đủ tự tin vào công việc, thế là thảm họa xảy ra! Mình đã đặt mua hàng trăm mét vải và khi hàng về đến Hà Nội thì mọi thứ đều không như ý. Mình choáng quá đến mức phải bỏ đống vải vào một góc.

Đó là một bước ngoặt đối với mình. Sau tám tháng, mình nhận ra vấn đề nằm ở mình. Mình là người đến tìm họ, vì vậy ít nhất mình phải dành thời gian để hiểu họ rõ hơn. Trong lần trở lại, mình đã dành thời gian tìm hiểu cộng đồng và từng người dân ở đó. Mình quan sát họ, nấu ăn cùng họ và đơn giản là sống cùng họ. Trải nghiệm đó giúp mình nhận ra trước đây mình đã thiếu hiểu biết như thế nào, đồng thời mình cũng phát hiện một số điểm yếu trong cách họ làm việc mà mình có thể cải thiện — lượt bỏ vài bước không cần thiết trong quy trình dệt vải, hoặc tìm phương pháp kéo sợi mỏng nhưng bền hơn.

Khi bạn hoàn toàn hòa nhập vào một cộng đồng, bạn có thể nhìn thấy điểm mạnh và điểm yếu của cộng đồng ấy, cũng như tay nghề của từng nghệ nhân, biết được ai giỏi dệt ai giỏi nhuộm. Quãng thời gian ấy thực sự là một bước ngoặt đối với mình.

Kilomet109 không chỉ hoạt động về thời trang mà còn tham gia bảo tồn các kỹ thuật may mặc truyền thống, cũng như ủng hộ việc sản xuất bền vững trong ngành công nghiệp thời trang. Đâu là thước đo để chị đánh giá sự thành công của thương hiệu?

Mình đánh giá thành công của thương hiệu thông qua hai thước đo chính. Thương hiệu của mình đại diện cho các nghệ nhân và thẩm mỹ thiết kế. Thứ nhất, các nghệ nhân có công việc, có thu nhập và có thể giữ được truyền thống của họ hay không? Họ có thể mua thêm công cụ làm nông, thêm trâu, lợn, mở rộng đồng ruộng hay không? Họ có thể chu cấp cho gia đình và lo cho con cái đi học được không?

Khi mình bắt đầu làm việc cùng các cộng động thiểu số, có nhiều gia đình không có điều kiện cho con đi học, nhưng bây giờ, có nhiều em đã vào học đại học. Đấy là thước đo thành công của mình: nếu các nghệ nhân có thể sống ổn định với những gì họ tạo ra bằng tay nghề của mình, mình biết rằng thương hiệu của mình đã đi đúng hướng. Điều này rất quan trọng đối với mình, có thể nói là điều quan trọng nhất.

Thứ hai là thiết kế, mình đánh giá sự thành công thông qua các thiết kế mà chúng mình tạo ra: chúng có độc đáo và thể hiện được văn hóa của các cộng đồng bản địa và truyền thống của họ hay không? Tất nhiên chúng mình có sáng tạo nhưng vẫn phải giữ được bản sắc vốn có. Bạn không thể tìm được những sản phẩm này ở nơi khác, mức độ thủ công của sản phẩm rất cao, từ khâu trồng trọt đến dệt vải đến nhuộm và tất nhiên là cả thiết kế. Vì vậy, ngay cả khi không xét đến tác động xã hội của thương hiệu thì chúng mình vẫn là một hãng thời trang có phong cách độc đáo và dễ nhận biết. Điều đó rất quan trọng đối với mình.

Mình muốn sản phẩm đi khắp Việt Nam và vươn ra thế giới với thiết kế hiện đại, phù hợp với nhiều cách mặc, đồng thời có chất liệu tốt và bền. Chúng mình không làm trang phục dân tộc thiểu số với những màu sắc quá quen thuộc, hay đồ tập yoga và quần áo free size. Sản phẩm đẹp mắt và vừa vặn, khách hàng có thể mặc theo bốn hoặc năm cách khác nhau. Mỗi item đều hiện đại, thời trang, và tiện dụng.

“Miên,” một bộ sưu tập gần đây của chị có gì khác so với các thiết kế trước đó?

Bộ sưu tập này có sự tham gia của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số nhất trong các dự án của chúng mình. Chúng mình đã làm việc cùng với năm cộng đồng sinh sống ở nhiều vùng trải khắp Việt Nam, từ Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai đến Bảo Lộc và đồng bằng sông Cửu Long. Chúng mình thường mất khoảng một năm để thực hiện một bộ sưu tập nhưng bộ này kéo dài hơn hai năm. Các thiết kế lấy cảm hứng từ cả bốn mùa trong năm cho nên chúng không hẳn dành riêng cho một mùa nào. Xét theo thời gian thực hiện, số lượng nghệ nhân và trình độ kỹ thuật thì đây là bộ sưu tập lớn nhất mà mình từng làm!

Chị có thể mô tả quá trình thực hiện một sản phẩm trong bộ sưu tập không?

Bộ đồ mình đang mặc được làm từ lụa Tussah dệt tay của một gia đình nghệ nhân người Khmer ở ​​Đồng bằng sông Cửu Long. Người cha là một bậc thầy về lụa và nhuộm mặc nưa. Loại chất nhuộm màu đen làm từ quả mặc nưa là một trong những thuốc nhuộm quý hiếm nhất Đông Nam Á, chỉ có ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thái Lan và Campuchia. Nhưng kỹ thuật nhuộm mặc nưa ở Chiang Mai hay Campuchia không bằng Việt Nam, thuốc nhuộm của mình có màu đen sẫm và dùng để nhuộm lụa trong khi các nước khác chỉ dùng để nhuộm vải cotton.

Kỹ thuật này rất độc đáo và khó làm. Vải được nhúng vào thuốc nhuộm liên tục 40 lần, hai lần một ngày, suốt hai tuần không ngừng, rồi được chôn trong bùn để giữ màu. Sau đó, nghệ nhân giã vải để thuốc nhuộm thấm vào sợi vải và giúp sợi vải mềm hơn. Thành phẩm khi chạm vào có cảm giác như được phủ sáp và rất mịn, gần giống như da thuộc, không thấm nước và chống ố, siêu ấm nhưng thoáng khí.

Khi chôn vải ở sông Mekong, các nghệ nhân phải thức dậy từ 3 giờ sáng, vì thuốc nhuộm bị oxy hóa dưới ánh mặt trời nên phải chôn vải từ rất sớm. Mình rất thích đi xem cảnh tượng đó. Khi trời tờ mờ sáng, tiếng giã vải, tiếng nước chảy, tiếng bùn văng lên và tiếng thở dồn dập của người lao động trong khung cảnh sông nước mênh mông... tất cả đều thật kỳ diệu. Thời điểm tuyệt vời nhất để đến thăm làng nghề đó là mùa nhuộm vải. Nhìn từ xa toàn bộ ngôi làng phủ một màu đen huyền, lấp lánh dưới ánh nắng phương Nam như một dòng suối chảy qua vùng thôn quê.

Kilomet109 có ý nghĩa như thế nào đối với gia đình chị?

Rất tiếc là bố mẹ mình không biết mình sẽ chọn đi theo nghề này. Khi họ còn sống, mình vẫn đang làm việc cho các tạp chí nên họ không biết mình sẽ làm thiết kế thời trang. Nhưng đôi khi mình nghĩ là trong thâm tâm bố mẹ đã biết từ lâu, ít nhất là nhiều người bảo mình như thế, vì bố mẹ đã mua chiếc máy may đầu tiên cho mình. Và có lẽ ở thế giới bên kia, họ đang dõi theo và nói “Bố mẹ nói với con rồi mà!”

Chị có lời khuyên nào dành cho những nhà thiết kế trẻ của Việt Nam?

Có. Mình nghĩ các nhà thiết kế trẻ không nên chỉ tập trung vào khía cạnh thương mại. Ngành may mặc rộng lớn hơn rất nhiều so với việc thiết kế thời trang, các bạn có thể tham gia một phong trào có quy mô toàn cầu, hay tạo ảnh hưởng đến bối cảnh chính trị, bảo vệ truyền thống văn hóa, hay đơn giản là làm việc với một nghệ nhân để tạo ra những sản phẩm thực sự độc đáo.

Vai trò của một nhà thiết kế thời trang sâu rộng hơn những gì người ta gán cho ngành này, và sinh viên thời trang nên thử thách bản thân, mở rộng khả năng của mình. Chúng ta đã mắc kẹt quá lâu trong suy nghĩ rằng thiết kế là có một bản phác thảo đẹp, được lên sàn diễn, được lên trang bìa của tạp chí. Không, bạn nên ở phía sau hậu trường, làm việc trực tiếp với nghệ nhân. Bạn cũng cần phải biết các công đoạn làm ra một sản phẩm. Điều đó sẽ thay đổi cách bạn nhìn nhận sự nghiệp của mình và quý trọng ý nghĩa của việc mình làm hơn là chỉ may quần áo để bán.

Đối với mình, trang phục là một ngôn ngữ mà bạn có thể dùng để viết nên những gì mình muốn truyền tải. Bạn có thể viết về bất cứ điều gì, không chỉ về hình ảnh "cool ngầu" trong mắt bao người. Hãy là một nhà hoạt động, một nhà văn, là một đại sứ văn hóa, bạn có thể tạo dựng sự nghiệp theo hướng đi riêng nếu bạn sẵn sàng dốc lòng vào công việc. Thế giới hiện đang thay đổi rất nhanh và ngành công nghiệp thời trang đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề với nền kinh tế và giai đoạn hậu COVID-19. Trong thế giới mới ấy, các nhà thiết kế hãy thay đổi luật chơi thay vì chỉ cố gắng tạo ra những sản phẩm đẹp mắt.

Bài phỏng vấn đã được biên tập và rút gọn để làm rõ một số ý của nhân vật.

]]>
info@saigoneer.com (Elise Luong. Ảnh: Albert Prieto.) Ton-sur-Ton Fri, 19 Nov 2021 15:06:01 +0700
Nhà thiết trẻ mang sắc màu thổ cẩm vào thiết kế trang sức hiện đại https://saigoneer.com/vn/ton-sur-ton/17071-nhà-thiết-trẻ-mang-sắc-màu-thổ-cẩm-vào-thiết-kế-trang-sức-hiện-đại https://saigoneer.com/vn/ton-sur-ton/17071-nhà-thiết-trẻ-mang-sắc-màu-thổ-cẩm-vào-thiết-kế-trang-sức-hiện-đại

Mối duyên với thời trang của cô gái trẻ Vũ Thị Thanh Vân bắt đầu từ một nhu cầu đơn giản: mua một sản phẩm mỹ nghệ họa tiết thổ cẩm chất lượng dành tặng bạn bè mà không phải là những món đồ đại trà trong tủ quà lưu niệm cho dân du lịch.

Lồng ghép các hoa văn thổ cẩm vào thời trang không phải là một ý tưởng đột phá, nhưng ứng dụng vào thiết kế trang sức thì có thể coi là một hướng đi khá mới mẻ. theMay, một local brand mới thành lập vào năm 2018 tại Sài Gòn, là minh chứng cho ý tưởng thổ cẩm là có thể sánh đôi với nhiều chất liệu, mẫu mã và sản phẩm khác nhau, không chỉ giới hạn ở quần áo.

Khi bước vào gian hàng nhỏ của theMay trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, cách bài trí sử dụng nhiều gỗ, nhánh cây rừng tự nhiên và ánh sáng dịu nhẹ sẽ làm ta có cảm giác đây làm một không gian triển lãm nghệ thuật hơn là một cửa hàng trang sức. Ở đó, mọi phụ kiện từ bông tai, vòng tay, vòng cổ tới túi xách đều lấy cảm hứng từ họa tiết thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số.

Bông tai Bamboo (trái) và Ashes (phải).

Trước khi gặp Vân, tôi hình dung về một câu chuyện khởi nghiệp của một cô gái được sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn, nhưng thực tế thì ý tưởng cho ra đời theMay lại hình thành từ sự va đập với những nền văn hóa nước ngoài của một cô gái trẻ năng động. Vân sinh năm 1993, tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế đối ngoại, làm việc tại một tập đoàn hóa chất tại Nhật Bản với mức lương khá cao. Vân từng có cuộc sống mà nhiều người trẻ mơ ước. Thế nhưng, câu nói "Đi xa là để trở về" lại đúng với cô.

Chứng kiến nước bạn đưa di sản văn hóa vào thời trang đương đại, Vân bắt đầu suy ngẫm về những nét văn hoá đặc sắc của cộng đồng dân tộc thiểu số tại chính quê hương mình — Gia Lai. Từ đấy, cô dần dần ấp ủ một giấc mơ khởi nghiệp. Sau khoảng hai năm tự nghiên cứu thị trường, vào giữa năm 2019, cô từ bỏ công việc tại Nhật và về nước tìm gặp đội ngũ gây dựng theMay trước sự phản đối của gia đình.  

Vũ Thị Thanh Vân, nhà sáng lập của theMay.

Vân chia sẻ: “Với cơ hội được đi nhiều nơi, mình nhận thấy các nước trong khu vực như Thái Lan hay Campuchia, họ làm về chất liệu hay họa tiết truyền thống khá nhiều và quảng bá nó rất tốt. Còn nhắc đến Việt Nam, nhiều người chỉ nghĩ đến áo dài, nón lá. Trong khi đó, chúng ta có 53 dân tộc khác, bản sắc văn hóa của cộng đồng này vẫn chưa được khai thác đúng tầm, mà đây lại là điểm cộng rất lớn về mặt sáng tạo nghệ thuật. Họa tiết thổ cẩm là nơi các dân tộc kể nên câu chuyện của họ. Và mình muốn đưa những câu chuyện đó đến với nhiều người hơn."

Đến thời điểm hiện tại, theMay đã làm việc với các nghệ nhân từ làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp của người Chăm ở Ninh Thuận và người Ba Na ở Gia Lai để đưa các mẫu hoa văn đặc trưng nhất của họ vào thiết kế. Trong đó, có thể kể đến họa tiết mắt gà, chân chó của người Chăm và họa tiết rau dớn, lập thể hay còn gọi là Juji của người Ba Na. Ngoài ra, Vân còn làm việc với nghệ nhân người Chăm tới từ làng gốm Bàu Trúc, Ninh Thuận để tạo ra các họa tiết trang trí đi kèm. Cô cũng cho biết thêm rằng kim loại dùng làm chi tiết xỏ qua tai và một số hạt đá được nhập từ Nhật Bản để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho người đeo.

Rau dớn của người Ba Na là một trong số họa tiết được theMay sử dụng nhiều trong các thiết kế. Trong hoa văn này, nghệ nhân sử dụng chỉ vàng để mô phỏng lại hình ảnh của những chiếc lá rau dớn non vươn thẳng và uốn cong phần đầu. Đây là một hình ảnh không chỉ xuất hiện trên vải thổ cẩm mà còn được tái hiện trong kiến trúc và nghệ thuật tạo hình của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung và người Ba Na nói riêng.

Hiểu được các trách nhiệm xã hội đi kèm khi đưa yếu tố văn hóa dân tộc thiểu số vào thời trang, Vân tâm niệm không được hời hợt trong nghiên cứu văn hóa. Những chuyến đi về buôn làng và cuộc trò chuyện với nghệ nhân không chỉ cho cô kiến thức về trang phục địa phương mà còn cả nếp sống đằng sau đường kim mũi chỉ. Những câu chuyện này đều được cô chia sẻ lại trên mạng xã hội để mọi người "không chỉ thấy nó đẹp mà còn hiểu về nó." Việc Vân nhập vải trực tiếp từ các nghệ nhân trong làng cũng giúp những người phụ nữ dân tộc cải thiện thu nhập và có thêm động lực tiếp tục duy trì nghề truyền thống. 

Thời gian đầu thành lập, theMay cũng gặp không ít khó khăn trong việc đưa sản phẩm đến tay khách hàng. Vân kể lại: "Trong những ngày đầu thành lập, lượng khách hàng của theMay không nhiều, phải mất đến 3-4 tháng mới có một vài sản phẩm được bán ra." Một phần lý do là những thiết kế ban đầu có kết cấu phức tạp và màu sắc tối, chưa thực sự phù hợp để phối với trang phục hiện đại. 

"Do mình là một trong những người đầu tiên nên không có một cái gì đấy để bám theo. Đội ngũ luôn phải tự sản xuất, tự kiểm tra, tự thiết kế, tự kiểm nghiệm và tự rút ra bài học," Vân chia sẻ về khó khăn ngày đầu. "Văn hóa luôn là sự giao thoa, thay đổi và cải tiến" và cô rút ra được rằng để một sản phẩm mang họa tiết thổ cẩm đến với người tiêu dùng nhiều hơn thì sản phẩm đó cũng cần mang hơi thở của đương đại. Và cho đến nay việc đưa sắc màu dân tộc đến với người dùng trẻ vẫn là một trong những thách thức lớn nhất của toàn thể đội ngũ. 

Bộ sưu tập mini Sóng Biển. 

Tư duy này được thể hiện rõ trong các bộ sưu tập gần đây như Cát, Sóng Biển và Đại Dương — màu sắc tươi sáng, chú trọng tới tạo hình, có tính ứng cao, nhưng vẫn lấy họa tiết thổ cẩm làm trung tâm của thiết kế. Với màu sắc của từng bộ lấy cảm hứng từ biển cả tương ứng với tên gọi, điểm xuyến với ngọc trai, các mẫu cho thấy khả năng tạo hình đa dạng của những mảnh vải thổ cẩm thường bị hiểu nhầm là thô cứng. Trong đó, để tạo ra các đường gấp khúc zic-zac mô phỏng hình dáng ngôi sao cho vòng cổ Cát, đội ngũ thiết kế đã thử nghiệm cả năm trời để có thể ghép cạnh các cuộn vải nhỏ mang họa tiết Chăm, đính ngọc trai ở đỉnh và cố định dáng. Vân cũng cho biết trong tương lai sẽ cho ra mắt nhiều hơn các sản phẩm được ứng dụng kỹ thuật tạo hình đặc trưng.

Nhóm thiết kế muốn thay đổi nhận định về sự thô cứng, khó tạo hình của vải thổ cẩm. Hình ảnh: Vòng cổ với tạo hình zic-zac mô phỏng cánh ngôi sao trong bộ sưu tập mini Cát. 

Khi được hỏi về bài học muốn chia sẻ với các nhà thiết kế và thương hiệu có cùng định hướng, Vân đưa ra một lời khuyên muôn thuở mà vẫn hợp thời về tương quan giữa thông điệp (nội dung) và mẫu mã sản phẩm (hình thức): "Khách hàng yêu nét đẹp thẩm mỹ của sản phẩm trước khi họ tìm hiểu câu chuyện đằng sau nó." Đồng thời, cô cũng nhận định đây là một thị trường ngách. Tuy đã có một số nhà thiết kế nổi tiếng trong nước giúp khơi dậy niềm yêu thích của người dùng với họa tiết thổ cẩm, nhưng đây chưa thể gọi là một xu hướng thời trang phổ biến. Vì vậy, người thiết kế cần nắm bắt được xu hướng thịnh hành của năm, từ đó xác định được xu hướng nào là phù hợp phong cách và chất liệu riêng của mình để hòa phối bản sắc riêng.

Cuối cùng, "cân bằng giữa lợi nhuận và trách nhiệm xã hội" là điều quan trọng nhất cần lưu tâm. Với riêng Vân, điều tự hào hơn cả sau hơn hai năm lèo lái thương hiệu riêng không chỉ là tìm được những vị khách yêu thích phong cách của mình, mà còn là được gặp gỡ và làm việc với nhóm những nghệ nhân có hiểu biết và có tâm với nghề dệt may truyền thống. 

[Hình ảnh trong bài do nhân vật cung cấp.]

Ton-sur-Ton (Tông Xuyệt Tông) là series bài viết về câu chuyện đằng sau các local brand với cảm hứng thời trang thú vị và khác biệt. Bạn là một tín đồ thời trang? Hãy gửi ý tưởng về cho Saigoneer qua hòm thư contribute@saigoneer.com.

]]>
info@saigoneer.com (Hải Yến.) Ton-sur-Ton Fri, 29 Oct 2021 16:00:00 +0700
Local brand ở Hà Nội lấy cảm hứng thời trang từ những điều 'giản đơn' nhất https://saigoneer.com/vn/ton-sur-ton/16909-local-brand-ở-hà-nội-lấy-cảm-hứng-thời-trang-từ-những-điều-giản-đơn-nhất https://saigoneer.com/vn/ton-sur-ton/16909-local-brand-ở-hà-nội-lấy-cảm-hứng-thời-trang-từ-những-điều-giản-đơn-nhất

Với Giáp Diệu, Gian Don (Giản Đơn) không hẳn là một cửa hàng quần áo, mà là một "cửa tiệm gia đình," nơi cô dành mỗi ngày để dệt nên câu chuyện "thời trang thân thiện." Đồng hành cùng cô là hai chú chó nhỏ xuất sắc trong vai trò "nhân viên bán hàng." Tôi đến thăm Gian Don vào một buổi sáng thứ Hai yên bình và được tiếp đón nồng nhiệt bởi Diệu và các nhân viên bốn chân: Susu và Spot.

"Cửa tiệm gia đình" này nằm trên con phố Yên Hòa, một con phố yên tĩnh, rợp bóng cây xanh hướng ra Hồ Tây. Bên trong cửa hàng, các mặt hàng quần áo và phụ kiện được sắp xếp gọn gàng trên các giá treo bằng gỗ. Một số tác phẩm nghệ thuật được bày bán cũng được treo ngay ngắn trên bờ tường. Đúng như tên gọi, Gian Don được trang trí khá đơn giản, không cầu kỳ.

Giáp Diệu từng theo học ngành du lịch và làm việc 6 năm tại một công ty thiết kế trước khi thành lập Gian Don vào tháng 4/2018. Cửa hàng hiện là một “gia đình” với 10 thành viên, tập trung vào hai mảng là bán lẻ và tổ chức workshop.

“Ban đầu, Gian Don chỉ là một tiệm nhỏ xíu,” Diệu kể lại. "Nửa thì để bày quần áo, nửa còn lại là không gian làm việc. Mọi thứ lúc nào cũng lộn xộn hết." Cô gái nhỏ nhắn hay cười này xây dựng Gian Don không vì tham vọng to lớn gì. Với Diệu, Gian Don chỉ đơn giản là để thỏa mãn hai mục tiêu mà cô đề ra."Đầu tiên là để làm điều mình yêu thích dù có khó khăn. Thứ hai là để tự sản xuất quần áo cho bản thân. Lúc trước, mình thấy rất khó để tìm mua quần áo phù hợp với phong cách cá nhân, nên mình quyết định sẽ tự làm đồ để mặc luôn."

“Phương châm sống của mình là: tận hưởng những điều bình dị. Mình không cần quá nhiều thứ và chọn tìm kiếm hạnh phúc từ những điều giản đơn nhất trong cuộc sống." Điều mà Diệu tâm niệm trong kinh doanh là luôn biết thế nào là đủ và khi nào là đủ. “Gian Don phát triển rất chậm rãi, và mình hy vọng cửa tiệm có thể học hỏi và trưởng thành nhiều hơn trong những chặng đường sắp tới. Bản thân mình cũng đã không ngừng học hỏi và trưởng thành từ những ngày đầu mở cửa,” Diệu chia sẻ.

Phong cách chủ đạo của Gian Don là những thiết kế tối giản và mang tính ứng dụng cao. Các sản phẩm của cửa hàng rất đa dạng, từ những bộ trang phục hằng ngày cho đến các thiết kế công sở. Trên những chiếc giá ngay ngắn là váy mùa hè, áo ba lỗ, váy midi, áo cài cúc và quần dài có thiết kế đơn giản, thường là màu trung tính, trơn nhẵn chứ không tua viền, bèo nhún hay kim sa lấp lánh. Bên cạnh đó, Gian Don cũng thường chọn dùng vải linen để may sản phẩm vì sự nhẹ nhàng và thoải mái của chất liệu.

Khi được hỏi liệu Gian Don có phải là một thương hiệu bền vững hay không, Diệu liền lắc đầu: “Bền vững vẫn là một thuật ngữ gây tranh cãi. Mình không khẳng định thương hiệu của mình là bền vững vì nó là một khái niệm còn khá mơ hồ mà cộng đồng vẫn đang cố gắng thấu hiểu và nắm bắt."

Theo Diệu, ở Việt Nam mọi người phần nhiều vẫn ưa chuộng những cửa hàng với mặt tiền hào nhoáng, bán các sản phẩm không thể dùng được lâu. Xu hướng tối giản vẫn chưa được lan truyền rộng rãi. “Gian Don đang cố gắng hết sức mình, không phải để đạt được cái danh xưng ‘bền vững’ mà chỉ đơn giản là mang những giá trị mà chúng mình trân trọng đến với cộng đồng. Chúng mình không cần một tên nhất định nào cả,” Diệu khẳng định.

Một điều đặc biệt ở đây là cửa tiệm không mua vải theo lô lớn như hầu hết các thương hiệu khác. Thay vào đó, Diệu tự mình chọn vải từ nguồn vải thừa ở các nhà máy. Diệu cho biết: “Những xưởng này sản xuất hàng xuất khẩu, nên vải ở đây có chất lượng tốt và mẫu mã khá độc đáo, chứ không giống loại vải sản xuất đại trà trên thị trường. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà nguồn cung ở đây không ổn định và ít sự lựa chọn. Mình thường chỉ may được 3-4 món từ cùng một cuộn vải.”

Gian Don cũng áp dụng một kỹ thuật may rất đặc biệt. “Mình dùng một phương pháp may cổ điển,” Diệu vừa nói vừa lấy một món đồ làm ví dụ. Đường may gồm hai đường thẳng song song gọn gàng và phẳng phiu chứ không phải vạt vắt sổ như chiếc áo người viết đang mặc.

“Đường may như vậy sẽ gọn gàng, chắc chắn hơn. Không tạo vạt vải bên trong, có chỉ thừa hay bị tuột chỉ. Theo cách như vậy thì thời gian và công may cũng tốn gấp ba lần so với việc sử dụng máy vắt sổ như ở các xưởng sản xuất hay làm. Nhưng cũng vì thế mà chất lượng áo tốt hơn nhiều. Form quần áo cũng không bị thay đổi sau nhiều năm mặc và giặt. Mình đảm bảo rằng không có sợi chỉ nào bị tuột hay bung ra. Thêm nữa là, nếp may phẳng phiu sẽ tạo cảm giác dễ chịu hơn cho người mặc. Mình luôn cố gắng để sản phẩm của mình hoàn hảo nhất."

“Đây là phương pháp may quần áo rất xưa, một kỹ thuật mà con người sử dụng từ trước máy vắt sổ được phát minh. Vậy nên, không phải cứ ứng dụng kỹ thuật mới thì lúc nào cũng tốt hơn.”

Diệu cười và nói thêm: “Ai cũng có thể làm ra một sản phẩm tốt, nhưng điều quan trọng là bạn có mang nó ra thị trường được không? Bạn có thể thu được lợi nhuận từ nó không? Thách thức lớn nhất đối với mọi doanh nghiệp và đối với Gian Don cũng là làm thế nào để cân bằng giữa yếu tố sáng tạo, tính bền vững và giá trị thương mại. Để tồn tại được thì phải cân bằng cả ba thật tốt. Nó giống như chiếc kiềng ba chân vậy, nếu một chân bị gãy thì hai chân kia cũng không đứng vững được."

Để mô tả thương hiệu của mình trong ba từ, Diệu đã chọn đơn giản, thân thiện và giá cả phải chăng; nhưng đặc biệt nhấn mạnh vào sự thân thiện. “Khi đến Gian Don, khách hàng sẽ không cảm thấy như mình đang đi mua sắm. Chúng mình luôn chào đón họ như những người bạn. Nhiều người trong số đó cũng đã thực sự trở thành bạn của cửa hàng. Mình muốn xây dựng một mối quan hệ có ý nghĩa hơn, không chỉ là người bán và người mua. Đó là động lực để mình tiếp tục.”

Với Diệu, Gian Don là một gia đình; cô xem trọng sự minh bạch và trung thực hơn doanh thu hay số liệu bán hàng. Đối với doanh nghiệp bán lẻ, năm qua là một năm không mấy dễ dàng, nhưng cô may mắn có được sự đồng hành của những người nhân viên cũng như khách hàng của mình, “Dù có áp lực đến đâu, miễn là chúng mình có những người hỗ trợ và tiếp sức, thì mọi khó khăn cũng sẽ qua đi dễ dàng hơn.”

Trò chuyện cùng nhau thật lâu, Diệu mở lòng với Saigoneer về một góc khác của shop mà không nhiều người biết đến: “Mình thường không nói ra điều này, chỉ những khách hàng và bạn bè thân thiết nhất mới biết vì mình không lấy nó ra làm chiêu trò quảng cáo. Đó là đội thợ may của mình đều là phụ nữ khuyết tật. Mình và mọi người đã cùng sát cánh bên nhau từ lúc bắt đầu và cùng nhau trải qua nhiều thời điểm có vui có buồn. Lúc đầu, mọi người gặp nhiều khó khăn khi làm việc vì chưa hiểu cách để giao tiếp với nhau. Nhưng các chị là những người chăm chỉ và mạnh mẽ nhất mà mình từng biết, và mình không mong gì hơn ngoài sự đồng hành của các chị."

Điều mà Gian Don đã thực hiện từ những ngày đầu là truyền tải câu chuyện về sản phẩm của mình đến với khách hàng, bắt đầu từ người làm ra chúng. Đối với Diệu, khách hàng sẽ trân trọng các mặt hàng quần áo hơn nếu họ hiểu được câu chuyện và giá trị đằng sau mỗi sản phẩm. Để làm được điều này, Diệu mở các buổi workshop hàng tuần cho những ai muốn học những kiến thức cơ bản về may vá. Qua đó, cô muốn khuyến khích người tham gia tái chế quần áo cũ của mình và tạo ra câu chuyện của riêng họ thông qua trang phục tự tay làm.

Kết thúc cuộc trò chuyện, Diệu suy ngẫm về tương lai của xu hướng tối giản ở Việt Nam: “Mình bắt đầu thấy nhiều cửa hàng sản xuất quần áo tối giản và bền vững hơn, và mình thấy rất vui về điều đó! Càng đông càng vui mà đúng không? Càng có nhiều người bán thì nhiều người càng quan tâm đến xu hướng này. Đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội."

]]>
info@saigoneer.com (Phương Phạm. Ảnh: Việt Hứa. Đồ hoạ: Jessie Trần.) Ton-sur-Ton Thu, 08 Jul 2021 15:00:45 +0700
Nhà thiết kế trẻ cho denim cũ một kiếp sống mới phong trần https://saigoneer.com/vn/ton-sur-ton/16816-nhà-thiết-kế-trẻ-cho-denim-cũ-một-kiếp-sống-mới-phong-trần https://saigoneer.com/vn/ton-sur-ton/16816-nhà-thiết-kế-trẻ-cho-denim-cũ-một-kiếp-sống-mới-phong-trần

Lựa chọn thời trang tuần hoàn để khởi nghiệp, chàng trai Dương Hoàng Hảo — nhà sáng lập thương hiệu thời trang trẻ Perfect Vintage Stuff — xác định sẽ bước trên một con đường nhiều khó khăn nhưng cũng đầy đam mê và cơ hội để tạo nên dấu ấn riêng biệt. Những mẫu thiết kế được làm hoàn toàn từ vải denim cũ của anh chàng đã mang đến một làn gió tươi mới cho cộng đồng thời trang xanh ở Việt Nam.

Kẻ tôn thờ thời trang bền vững

Perfect Vintage Stuff là thương hiệu thời trang mới được thành lập khoảng hai năm, tiếp cận khách hàng chủ yếu qua các nền tảng mạng xã hội. Những sản phẩm chính của Perfect Vintage Stuff là quần áo và phụ kiện thời trang denim, được chính anh chủ tiệm thêu tay, xuất phát từ tình yêu với họa tiết lính cũ. 

Hoàng Hảo chia sẻ về lý do lựa chọn loại chất liệu denim cũ: "Vì đồ cũ thường sẽ có vết tích do thời gian để lại nên không thể tránh khỏi việc rách, sờn, tua chỉ nhưng chính điều đó lại khiến cho mỗi món đồ đều độc nhất vô nhị. Mình muốn tận dụng nét đẹp tự nhiên đó một cách tốt nhất nên đã áp dụng nhiều kỹ thuật như sashiko, patchwork, và boro... Không có cái nào trùng lặp."

Mong muốn đưa tinh thần bền vững vào từng đường kim mũi chỉ, Hoàng Hảo dùng chỉ cotton 100% để thêu: "Những loại chỉ được bán nhiều ở chợ là loại pha nhựa, đốt sẽ ra mủ nhựa, đã là ‘bền vững’ thì nói không với nhựa và vật liệu mới nhằm đi đúng cái đích đến mà thời trang bền vững hướng tới."

Cũ không đồng nghĩa với rẻ mạt. Các loại vải được Hoàng Hảo lượm lặt cũng mang giá trị riêng; anh ưu ái dùng vải lanh, chàm, đồ lính cũ... đến từ nhiều nơi trên thế giới. "Giá thành của các loại vải này không hề rẻ, vì đó là vải vintage thật, tuy có một số vải không thực sự đúng tiêu chí này, nhưng cũng là vải cũ vì mình rất xem trọng ý nghĩa của thời trang bền vững," anh chàng nói thêm.

Nhà thiết kế trẻ Hoàng Hảo.

Có lẽ vì vậy mà giá thành của các thiết kế cũng nằm ở phân khúc trung cấp với tệp khách hàng khá kén chọn. Hoàng Hảo nhớ lại thời gian đầu khi khách hàng chưa hiểu và đón nhận những sản phẩm mình làm ra: "Những sản phẩm đầu tay hầu như không ai mua và để ý, lúc đó khó khăn với mình lắm, bị hụt vốn rất nhiều. Nhưng mình luôn cảm thấy hạnh phúc với điều mình làm." Có lẽ, để đưa triết lý thời trang tuần hoàn và bền vững đến gần hơn với khách hàng mục tiêu, đó là một hành trình dài và chông chênh mà anh chàng mới khởi đầu những bước đầu tiên. 

"Bền vững" trên từng đường khâu

Nhà thiết kế trẻ chọn phong cách thêu sashiko của Nhật cho phần lớn các sản phẩm của mình. Kể về lý do lựa chọn kỹ thuật này, Hoàng Hảo nói: "Ý nghĩa của nó sát với định hướng thời trang bền vững mà mình mong muốn theo."

Sashiko mang ý nghĩa "mũi khâu nhỏ" trong tiếng Nhật, được chạy trên lớp vải chàm cứng cáp để tạo nên các hoạ tiết chi tiết và tinh xảo. Kỹ thuật này đòi hỏi sự tập trung cao để tuân thủ các nguyên tắc kỹ thuật chặt chẽ. Chẳng hạn như mũi khâu nổi luôn phải dài hơn mũi khâu chìm, chiều dài các mũi khâu phải bằng nhau v.v.

Các mẫu ví Hoàng Hảo thêu tay một dự án hợp tác với thương hiệu đồ da thủ công. 

Những nông dân nghèo khổ của Nhật Bản ngày trước từng dùng phương pháp thêu này để gia cố, may vá lại những chỗ sờn cũ, mòn rách trên áo quần. Không chỉ là một kỹ thuật thêu thùa, đó còn là quan niệm sống đáng quý của người Nhật: Không lãng phí và sử dụng những món đồ cũ với lòng biết ơn. 

Dù các sản phẩm được chế tác từ những khổ vải với màu sắc và chất liệu khác nhau, nhưng dễ nhận ra hai tông màu chủ đạo xuyên suốt các bộ sưu tập: họa tiết lính và màu xanh chàm. Trong đó, Hoàng Hảo mong muốn khách hàng sẽ nhớ về thương hiệu của mình với màu xanh chàm (indigo). Theo nhà thiết kế, màu sắc này mang nhiều giá trị đặc biệt hơn cả bởi nó nối kết nhiều nền văn hoá và di sản của người Á Đông. Đồng thời sắc xanh chàm biểu trưng cho sự quay trở về điều nguyên sơ nhất của con người, nơi không có sự xuất hiện của hoá chất, phẩm màu, không nhà máy và chất thải. 

Sau thời gian hai năm kinh doanh online, Hoàng Hảo đang bận rộn chuẩn bị cho cửa hàng đầu tiên của mình ở Sóc Trăng. Việc không có cơ sở ở thành phố lớn để tiếp cận khách hàng tiềm năng cũng đem lại một số khó khăn nhất định, nhưng nhà thiết kế trẻ vẫn từng ngày vun vén ước mơ xanh. Càng ngày, Hoàng Hảo càng vững tin hơn với định hướng của mình: "Mình thấy được sự phát triển của cộng đồng thời trang xanh cũng như vấn đề môi trường ngày càng được quan tâm ở Việt Nam." Vì vậy, chậm mà chắc, tôi tin chắc chắn Perfect Vintage Stuff sẽ không đi một mình.

]]>
info@saigoneer.com (Tuyết Nhi. Ảnh: Perfect Vintage Stuff.) Ton-sur-Ton Thu, 22 Apr 2021 15:00:00 +0700
Kimono Ơi: Mang đường kim mũi chỉ Việt vào thiết kế kimono đương đại https://saigoneer.com/vn/ton-sur-ton/16790-kimono-ơi-mang-đường-kim-mũi-chỉ-việt-vào-thiết-kế-kimono-đương-đại https://saigoneer.com/vn/ton-sur-ton/16790-kimono-ơi-mang-đường-kim-mũi-chỉ-việt-vào-thiết-kế-kimono-đương-đại

Biết đâu hình ảnh một cô gái đầu đội nón bảo hiểm, người mặc áo kimono phối quần jean mài, vi vu lượn quanh các con đường ở Sài Gòn sẽ sớm trở nên thịnh hành trong thời gian tới. 

Kimono từ lâu đã trở thành một trong những biểu tượng đặc trưng khi nói đến văn hóa Nhật Bản. Sức hút của bộ trang phục nổi tiếng này không chỉ nằm ở lịch sử lâu đời trên 1200 năm hay sự đa dạng của các họa tiết, mà hơn cả chính sự công phu và tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ trong từng công đoạn sáng tạo đã khiến người dân xứ sở hoa anh đào luôn tự hào khi khoác lên mình bộ y phục ấy.

 Cũng bởi sự kỳ công trong thiết kế, kể từ khi trang phục phương Tây với phong cách đơn giản và hiện đại du nhập, bắt đầu dưới thời Minh Trị, Kimono đã dần dần bị thay thế trong đời sống hàng ngày và chỉ còn được diện vào các dịp lễ hội hay sự kiện quan trọng. Với các nhà thiết kế trẻ yêu mến văn hóa Nhật Bản trên toàn thế giới, đây là một thách thức không hề nhỏ: làm thế nào để đưa hơi thở đương đại vào thiết kế ngàn đời của kimono truyền thống, đưa văn hóa Nhật Bản tới gần hơn với bạn bè quốc tế?

 Được gợi cảm hứng trước câu hỏi này, Kimono Ơi — một thương hiệu thời trang mới của Sài Gòn — đã chính thức ra mắt vào tháng 12 vừa qua với tham vọng vượt qua các thách thức về văn hóa và điều kiện thời tiết để mang bộ trang phục truyền thống của xứ sở hoa anh đào tới gần hơn với người dân Sài Gòn.

Thiết kế Indigo Crop Kimono đến từ Kimono Ơi.

Lilly Wong và Tom Scrimgeour — hai nhà sáng lập đứng đằng sau những mẫu thiết kế Kimono Ơi — đều có nhiều kinh nghiệm làm việc trong môi trường sáng tạo. Lilly là một nghệ sĩ thị giác nhuần nhuyễn ngôn ngữ của thời trang và nhiếp ảnh; Tom từng là đầu bếp tại nhiều quốc gia cũng dễ dàng bắt nhịp với công thức và nguyên lý nhuộm chàm thủ công được áp dụng cho các sản phẩm. Cùng chia sẻ tình yêu dành cho tà áo kimono nói riêng và văn hóa độc đáo của đất nước mặt trời mọc nói chung, sau khi gắn bó với mảnh đất Sài Gòn hơn bốn năm cả hai đã hợp tác cho ra mắt những thiết kế đương đại nhưng vẫn giữ được giá trị cũng như nét đẹp cổ điển của bộ trang phục truyền thống này. 

Biến tấu từ phiên bản gốc với nhiều chi tiết và nguyên tắc mặc cầu kỳ, các thiết kế của thương hiệu trẻ này lược bỏ đi vạt dưới của áo và tối giản hóa phần dây thắt lưng bằng cách may liền với thân áo, tạo thành kiểu cột vạt chéo cùng ống tay rộng thoải mái. Lilly chia sẻ: “Khi thiết kế, chúng tôi luôn cân nhắc đến đối tượng sẽ mặc trang phục đó. Nhu cầu của người mặc, thẩm mỹ, tính ứng dụng của trang phục là những điều chúng tôi cân nhắc khi cách tân trang phục truyền thống. Ví dụ như với các mẫu Haori, chúng tôi dùng những chất liệu nhẹ và thoáng mát như linen để phù hợp với khí hậu nắng nóng của Sài Gòn, hay tích hợp thêm túi áo rộng để người dùng cất giữ đồ đạc trên người một cách thuận tiện.” 

Các thiết kế của Kimono Ơi có tính ứng dụng cao cho cả đối tượng người mặc là nam lẫn nữ. 

Kimono Ơi hiện có hai dòng sản phẩm chính là POP và Indigo. Lấy cảm hứng từ xu hướng Pop Art ra đời vào giữa thế kỷ thứ 20, dòng sản phẩm POP bao gồm những thiết kế đương đại, hướng đến sự thân thiện với người dùng đại chúng khi dễ dàng phối hợp và sử dụng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau mà vẫn nổi bật nhờ những lựa chọn màu sắc và họa tiết rực rỡ. 

Dòng Pop có thiết kế thân thiện với đại chúng và các gam màu tươi dễ phối.

Riêng với dòng sản phẩm thứ hai mang tên Indigo (Chàm), Lilly và Tom đặc biệt chú trọng đến tinh thần thủ công và tính sáng tạo trong quá trình mang sản phẩm đến với người dùng. Hành trình của màu chàm — từ lúc lá chàm được chiết xuất thành cao chàm, nhuộm xanh những thớ vải và đến khi hóa mình vào trong những bộ trang phục — là một hành trình công phu kéo dài đến hàng tháng trời. Có thể nói, việc tạo ra một sản phẩm nhuộm chàm hoàn chỉnh đòi hỏi sự tận tâm tuyệt đối mà chỉ có những tâm hồn yêu màu chàm mới có thể theo đuổi.

Tom tự tay thực hiện các công đoạn nhuộm chàm tại studio ở Quận 2, Tp.HCM. 

Tom nhận định: “Công việc nhuộm chàm theo cách nào đó cũng giống như chế biến thức ăn vậy. Người thực hiện phải thực sự chú tâm và ‘lắng nghe’ nguyên liệu của mình để không ‘quá tay’ trong bất cứ công đoạn nào.” Anh tiếp tục: “Có một điều ít người biết đó là xanh dương là màu hiếm có nhất trong tự nhiên; chỉ có duy nhất một cách để tạo ra màu xanh hữu cơ trên vải đó là thực hiện nhuộm thủ công bằng nguyên liệu có nguồn gốc thực vật. Vải được nhuộm chàm tự nhiên thường có nồng độ màu cao hơn nhiều so với khi nhuộm tổng hợp. Cũng như khi chụp ảnh phim, vải được nhuộm sẽ ‘ăn’ màu theo những cách khác nhau, do đó tạo ra những sản phẩm không thể trùng lặp.” 

Lilly sáng tạo các họa tiết cho một thiết kế màu chàm. 

Lilly và Tom cho biết vì Việt Nam cũng có các làng nghề nhuộm chàm thủ công của riêng mình, cả hai không gặp quá nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu: “Chúng tôi dành rất nhiều thời gian tìm hiểu về cách màu chàm được sử dụng trong văn hóa truyền thống của Việt Nam, cũng như các nguyên liệu có sẵn tại đây. Thay vì nhập từ nước ngoài, chúng tôi tận dụng các giống cây tự nhiên được trồng trong nước. Hiện nay không còn nhiều quốc gia sản xuất và sử dụng chàm tự nhiên nên chúng tôi cảm thấy rất may mắn khi vẫn có những cộng đồng yêu và sử dụng màu chàm tự nhiên ở Việt Nam.” Lilly cho biết thêm: “Các ngành thủ công truyền thống đang dần biến mất, vì vậy chúng tôi cố gắng hợp tác với các nghệ nhân và những người làm việc trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ nhiều nhất có thể.” 

Ứng dụng kỹ thuật nhuộm chàm thủ công của người Việt vào các mẫu thiết kế Kimono đương đại, Lilly hy vọng khi người Việt khoác lên mình các bộ trang phục này sẽ hiểu và trân trọng hơn những câu chuyện của cả hai nền văn hóa. 

]]>
info@saigoneer.com (Nhật Anh. Ảnh: Kimono Ơi.) Ton-sur-Ton Wed, 14 Apr 2021 13:00:00 +0700
Kiếp trước là phông bạt đón nắng mưa, kiếp này hóa túi xách thời trang https://saigoneer.com/vn/ton-sur-ton/16620-kiếp-trước-là-phông-bạt-đón-nắng-mưa,-kiếp-này-hóa-túi-xách-thời-trang-dòng-dòng-sài-gòn https://saigoneer.com/vn/ton-sur-ton/16620-kiếp-trước-là-phông-bạt-đón-nắng-mưa,-kiếp-này-hóa-túi-xách-thời-trang-dòng-dòng-sài-gòn

Với tình yêu môi trường và khối óc dư dả sáng tạo, ba cô gái Kiều Anh, Trang và Tú Quân đã tạo nên thương hiệu túi xách riêng mang tên Dòng Dòng Sài Gòn. Những món đồ thời trang làm bằng bạt tái chế, gánh trên mình những nắng, những mưa, chứa tình người và cả thông điệp của người trẻ: “Mình cứ đi, cứ thử, cứ làm, nếu không ổn thì quẹo lại thôi."

Dù mới "chào sân" trong thời gian ngắn khoảng nửa năm trở lại đây, Dòng Dòng Sài Gòn đã được lòng nhiều đối tượng khách hàng ở độ tuổi khác nhau. Để bước đầu tạo dựng sự tin yêu của khách hàng với thương hiệu, bộ ba sáng lập Kiều Anh, Trang và Tú Quân đã phải đi một hành trình khá nhiêu khê.

Vào một ngày mưa tháng 10 năm ngoái, khi đang ngồi nhâm nhi ly cà phê, ánh mắt Kiều Anh và Trang bất chợt bắt gặp một tấm bạt sự kiện nằm chỏng chơ trong thùng rác cùng vài cái áo mưa mỏng và ô dù rách. “Tấm bạt còn tốt và mới, chắc chỉ bị rách hoặc không còn tác dụng vì đã hết sự kiện nhưng chắc chắn sẽ chẳng có ai đem nó tái chế hay tái sử dụng cả. Hai đứa mình nói qua nói về rồi quyết định thử làm xem sao," Kiều Anh — chị cả của nhóm — kể lại về khởi đầu của hành trình.

Những tấm bạt mái hiên cũ được Dòng Dòng hô biến thành những mẫu vật dụng có một không hai. Ảnh: Alberto Prieto.

Rất nhanh chóng, cả hai lao vào thực hành, cắt may ngay vài món đồ đơn giản bằng bạt hiflex, chuyên dùng cho sự kiện, với sự phụ giúp của gia đình. Chất liệu này dễ tìm vì nhóm quen biết nhiều bạn bè làm ở các công ty truyền thông, quảng cáo và luôn sẵn có bạt sự kiện. Tuy nhiên, có một vấn đề lớn: bạt dễ gãy rách. Sau cả gần trăm lần đổi mẫu, đổi cả cách may, thử đi thử lại mà vẫn không có tiến triển gì, hai cô gái trẻ đã cảm thấy khá nản lòng, thất thần mất vài ngày vì nghĩ rằng ý tưởng này “toang” rồi.

“Lúc đó, tụi mình nhìn vào trong góc thì thấy bạt mái hiên bị quăng quật bao lâu mà vẫn có vẻ chắc chắn nên mới lôi ra thử thêm lần nữa và thấy ổn. Khi ấy, nhận thấy nhân sự hai người là không đủ vì cùng làm ngành thiết kế, tính tình lại không được nhanh nhạy. Vì thế, tụi mình đã tìm tới Tú Quân, một cô bạn thân làm marketing,” Kiều Anh chia sẻ. Vào tháng 3 năm 2020, Dòng Dòng Sài Gòn chính thức ra mắt.

Những mẫu balo năng động, bắt mắt được may bằng bạt mái hiên. 

Cái tên Dòng Dòng chính là từ “vòng vòng” theo cách nói của người miền Nam. Ba cô gái rất thường xuyên phải đi lòng vòng Sài Gòn, thậm chí là tới những tỉnh lân cận để tìm nguồn nguyên liệu phù hợp cho thương hiệu của mình, khi thì ra đường Lý Thường Kiệt, Chợ Lớn, lúc lại ghé qua các quán cà phê sân vườn hay lặn lội tới tận Đồng Nai. Lăn lộn mọi nơi, thử nghiệm với nhiều loại chất liệu, cuối cùng bộ ba quyết định sẽ dùng bạt che mái hiên làm balo, túi tote, ví tiền, hộp đựng bút, còn bạt hiflex được nhóm biến tấu thành túi giao hàng.

Hiện tại, Dòng Dòng Sài Gòn chưa có cửa tiệm chính thức mà chỉ có một căn xưởng nhỏ ở trong một con hẻm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, Quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Ba cô gái thường ký gửi hàng ở những cửa hàng khác và tập trung thiết kế cũng như lên các ý tưởng khác cho từng sản phẩm tại xưởng.

Cả nhóm hì hục cùng nhau tháo gỡ những tấm phông bạt sự kiện cũ.

Trong xưởng có hai thợ may toàn thời gian và hai thợ phụ giúp. Đây là nơi diễn ra toàn bộ quá trình tái chế, “đổi đời” cho những tấm bạt mái hiên, bạt xe tải thành những chiếc ba lô độc đáo mà mọi người thấy. Quá trình này gồm việc chà rửa, phơi bạt, phân loại, cắt bạt theo rập, may và vệ sinh thành phẩm.

Phía ngoài cùng của xưởng là khoảng sân nhỏ để chà bạt. Những tấm bạt được rửa bằng nước và enzyme hữu cơ để tránh gây hại cho môi trường. Bạt chà xong được phơi khô và gấp gọn theo màu ở kệ bạt ngay bên cạnh sân. Sau đó, tùy vào kế hoạch may mà các tấm bạt sẽ được lựa ra để cắt thành miếng theo rập, mỗi miếng ứng với một bộ phận trên sản phẩm.

“Bàn cắt rập được để bên trong xưởng. Trước đây mới đóng thì bàn láng mịn nhưng sau thời gian thì đã có rất nhiều vết cắt chằng chịt, nhìn vào mới thấy chặng đường tụi mình đi đã được một quãng kha khá,” Tú Quân nói. “Bạt sau khi cắt xong sẽ được đem vào phòng may để các chị thợ may ở Dòng Dòng ráp nối lại với nhau. Dù dùng máy may nhưng họ vẫn phải gồng sức rất nhiều do chất liệu bạt khá cứng. Khi sản phẩm được may xong, Dòng Dòng sẽ vệ sinh sạch sẽ thêm một lần nữa và đem trưng bày ở phòng sản phẩm ngay kế bên”.

Không có nhiều nhân lực, sản phẩm làm 100% thủ công, ấy vậy mà những món đồ của Dòng Dòng gần như chẳng cái nào giống cái nào, không mang tính sản xuất hàng loạt, đại trà. Lướt qua trang web được thiết kế đẹp mắt, tôi bật cười trước những cái tên ngộ nghĩnh, đồng thời cũng tò mò về ý nghĩa của chúng. Hỏi ra thì biết có kha khá cái tên ra đời vì bị “bể kèo” do dịch COVID-19 bùng nổ như Quần Trôi, Kem Chảy, Biển Động, v.v. Những tưởng có một mùa xuân hè tung tăng đi biển vui đùa, ai ngờ gặp phải đại dịch nên tất cả đều tan chảy, trôi tuột đi mất! Hay tên Ông Tám, Ông Chín, Ông Mười dựa trên bộ quần áo mà các cụ già thường mặc.

Túi xách "Chơi cam đoan" (trái) và ba lô "Quần trôi" (phải).

Khi được hỏi về những giá trị mà Dòng Dòng theo đuổi, Kiều Anh chia sẻ: "Mỗi sản phẩm như một đứa con mình [rứt] ruột sinh ra. Đứa nào cũng có đặc điểm nhận dạng, tên tuổi riêng và cá tính riêng. Điểm chung lớn nhất hẳn là chúng cõng trên mình nắng mưa, rong ruổi khắp mọi miền, che chở cho những thứ được cất giữ bên trong, cõng cả lý tưởng bảo vệ môi trường sống. Tất cả các sản phẩm Dòng Dòng đều hướng tới ba giá trị cốt lõi gồm công năng, bền vững và độc đáo."

Clutch "Tri Ca Pu" (trái) và "Tri Ô Lét" (phải).

Xuất hiện ngay giữa tâm dịch, bộ ba “mẹ đẻ” của Dòng Dòng Sài Gòn vẫn lạc quan, tươi cười cho biết: “Chúng mình luôn giữ tinh thần tích cực nhất có thể, làm ra những sản phẩm chất lượng, có tâm và chỉn chu. Dòng Dòng còn nhỏ nhưng không đồng nghĩa với việc thiếu chuyên nghiệp. Thực ra chúng mình vẫn may mắn vì được nhiều người chú ý khi thành công cho ra đời những thứ đồ làm bằng bạt tái chế. Còn cái gì tới rồi sẽ tới thôi.”

Kết thúc cuộc trò chuyện, Tú Quân, cô gái nhỏ tuổi nhất, nói một câu khiến tôi rất thích rằng “Mình còn trẻ mà, cứ thử hết đi. Không được thì mình quẹo lại” bằng chất giọng sang sảng, đậm chất Sài Gòn đầy sức sống.

Ton-sur-Ton (Tông Xuyệt Tông) là series bài viết về câu chuyện đằng sau các local brand với cảm hứng thời trang thú vị và khác biệt. Bạn là một tín đồ thời trang? Hãy gửi ý tưởng về cho Saigoneer qua hòm thư contribute@saigoneer.com.

]]>
info@saigoneer.com (Mầm. Ảnh: Dòng Dòng.) Ton-sur-Ton Fri, 23 Oct 2020 11:00:00 +0700
Gặp gỡ Kim Berhanu, người lãnh đạo 'vương triều' Dynasty the Label https://saigoneer.com/vn/ton-sur-ton/16572-gặp-gỡ-kim-berhanu,-người-lãnh-đạo-“vương-triều”-dynasty-the-label https://saigoneer.com/vn/ton-sur-ton/16572-gặp-gỡ-kim-berhanu,-người-lãnh-đạo-“vương-triều”-dynasty-the-label

“Mình còn trẻ nên vẫn mơ lớn lắm” là cách mà Kim Berhanu bắt đầu cuộc nói chuyện với tôi vào một ngày đầu tháng 9. Dù mới ở tuổi 23, Kim đã là CEO và Giám đốc sáng tạo của thương hiệu thời trang Dynasty the Label. Và đó mới chỉ là khởi đầu của cô gái gốc Việt này.

Sinh ra tại Úc trong một gia đình có mẹ người Việt và bố người Ethiopia, Kim hiểu rõ thế nào là sự khác biệt. Chính sự khác biệt ấy đã nuôi dưỡng ước mơ du hành thế giới của Kim để trải nghiệm sự đa dạng văn hóa. “Sau khi tiết kiệm đủ tiền từ công việc làm thêm hồi cấp 3, mình quyết định đi Pháp vì rất thích văn hóa và nghệ thuật nơi này,” Kim hào hứng kể lại. “Lúc quay về, mình quyết tâm khám phá thật nhiều nơi hơn vì Úc đã trở thành “vùng an toàn” của mình rồi.”

Tràn đầy hy vọng và nhiệt huyết, Kim quyết định quay về Việt Nam vào năm 2018. Với cô, Việt Nam là một miền đất hứa và Kim ấp ủ nhiều dự định cho riêng mình. Kim chia sẻ về những cô hội cô có được từ ngày đặt chân về tới Việt Nam: “Chỉ cần có ý tưởng là bạn sẽ nhanh chóng tìm được những người cùng chí hướng để thực hiện.”

Xây dựng và phát triển Dynasty the Label

Những ngày đầu ở Sài Gòn, Kim trang trải bằng cách dạy tiếng Anh, vừa tìm hiểu văn hóa, thị trường, vừa học hỏi thêm về ngành may mặc. Mặc dù có nhiều hoài bão với ngành thời trang, cô không nghĩ rằng sẽ có ngày cô sở hữu một thương hiệu thời trang riêng. Kim chia sẻ: “Từ bé, mình hay đọc các tạp chí thời trang lắm. Lớn lên, mình thích thử nghiệm nhiều phong cách ăn mặc để xem mình hợp với kiểu gì nhất. Mình cũng bắt đầu tự thiết kế vài bộ trang phục, được bạn bè khen nhưng mình không nghĩ có thể theo đuổi ngành này. Hơn nữa, ở Việt Nam có rất nhiều người theo đuổi lĩnh vực thời trang nên để tìm ra một mảng giúp mình nổi bật khá khó khăn.”

Thế rồi, nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của bạn bè và người thân, đặc biệt là từ bạn trai, Kim đã bắt đầu Dynasty the Label với một trang web đơn giản. Đây là nơi trưng bày các thiết kế, cũng như giúp Kim có được một cái nhìn tổng thể về những sản phẩm cô làm ra. Một điểm rất dễ nhận ra ở các sản phẩm của Kim đó là sự sáng tạo trên những chất liệu truyền thống, họa tiết cung đình. Đến với Dynasty, bạn sẽ thấy sự lộng lẫy của những chiếc áo khoác, kimono, váy và khẩu trang được thêu cầu kỳ. Mỗi sản phẩm của Dynasty đều độc nhất, vì Kim mong muốn truyền tải chất riêng vào thương hiệu của mình.

Trang phục của Dynasty là sự giao thoa giữa nét văn hóa Á Đông và Châu Phi.

Để làm được như vậy, Kim rất tỉ mỉ trong việc chọn những tấm vải có nét Á Đông cho đến việc lấy cảm hứng cho các đường may từ thời trang Châu Phi. Sự chi tiết của những bộ trang phục được người dân Châu Phi mặc luôn làm cô hào hứng. “Không những mặc đẹp, họ [người dân châu Phi] còn rất tự tin khi khoác lên mình những bộ quần áo ấy. Mình cũng muốn khách hàng của mình được tự tin khi mặc đồ mình làm ra.”

Mặc dù vẫn chỉ kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử nhưng Dynasty the Label đang ngày một lớn dần. Có lúc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Kim chỉ thu được ba đơn hàng. Nhưng từ tháng 5 đến nay, Kim đã có được một lượng khách hàng trung thành, doanh thu cũng rất ổn định. Giờ đây, mỗi ngày làm việc là một ngày Kim tích lũy những ký ức vui vẻ, từ học kỹ năng kinh doanh đến cảm giác hạnh phúc khi có người nhận ra cô trên đường. Kim nói: “Nếu mình vẫn còn ở Úc thì mình sẽ không được trải qua những cảm xúc như bây giờ, nên mình biết ơn Việt Nam lắm.”

Kim Berhanu cá tính trong bộ Phoenix Rising Reversible Bomber. Phong cách khỏe khoắn có họa tiết phượng hoàng trên nền trang phục đỏ gợi nhớ về các thiết kế truyền thống kinh điển.

Những ngày đầu chập chững làm thời trang, Kim cũng gặp phải nhiều khó khăn. Cô bồi hồi nhớ lại: “Qua Facebook, mình may mắn tìm được một chị thợ may nhiều kinh nghiệm. Chị ấy còn đưa ra lời khuyên cho mình về cách thiết kế cũng như quản lý thương hiệu, nên mình nhận chị ấy liền. Thế nhưng, sau vài tuần làm việc, chị ấy bắt đầu làm chậm tiến độ. Chị còn thỉnh thoảng làm sai nữa. Nghiêm trọng nhất là chị ấy đã không thể hoàn thành một đơn hàng lớn mà mình đã dự định sang Úc và vận chuyển tận tay.”

Kim coi khởi đầu gian nan này là một bài học lớn về tuyển chọn đồng đội Nếu không có sự trắc trở ấy thì Kim cũng sẽ không tìm được hai người thợ may trong mơ. Họ là một cặp vợ chồng với 20 năm kinh nghiệm và đang giúp Kim hiện thực hóa đam mê.

Một trong những sản phẩm bán chạy nhất của Dynasty the Label: Heavens Gate 2 Sided Bomber với họa tiết rồng cá tính.

“Thời trang không chỉ có đẹp, độc mà còn cần bền vững”

Dynasty the Label mang trên mình một sứ mệnh quan trọng — trở thành một nhãn hàng thời trang có đạo đức (ethical fashion). Nếu Dynasty phát triển nhưng lại gây ảnh hưởng tới môi trường hay cuộc sống của những người xung quanh thì sẽ đi ngược lại quan điểm ấy. Vì vậy, Kim cùng đội ngũ thợ may tập trung sản xuất với số lượng nhỏ nhưng lại chăm chút chất lượng.

Bên cạnh đó, Kim cũng trả cho thợ may nhiều hơn 30% hoặc thậm chí 60% so với các nhà thiết kế khác. Kim tâm sự: “Nhiều người nói rằng mình đang trả thợ may nhiều quá (cười). Nhưng mình rất trân trọng nỗ lực của họ, nên mình muốn họ được tiếp tục cống hiến và giúp mình phát triển.”

Mới đây, Dynasty the Label cho ra mắt bộ sưu tập khẩu trang. Điều đặc biệt là chúng được tận dụng từ những mảnh vải thừa sau khi thiết kế các sản phẩm khác. Mỗi chiếc khẩu trang độc đáo là một bước nhỏ đến hành trình không xả rác (zero waste) trong công cuộc làm thời trang của Kim. Với Kim, thời trang không chỉ đẹp, độc mà còn cần bền vững.

Con đường phía trước của Dynasty the Label

Năm 2020 mang đến nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ, nhưng với Kim, cô sẽ luôn trân trọng những thành công hiện tại. Cô sẽ tiếp tục thiết kế và sẽ không ngừng cập nhật về những điều đáng nhớ mà mình học hỏi được trong cuộc sống thường ngày.“Mình cũng chỉ là một con người bình thường thôi mà, nên mình rất muốn cho mọi người thấy nhiều khía cạnh của bản thân”, Kim nói.

 alt=

Một chiếc khẩu trang cầu kỳ của Dynasty với lớp ngoài được ép foil nhũ, lớp bên trong là vải cotton mềm mịn.

Kim Berhanu biết cách sử dụng nguồn lực, tìm được những người đồng đội tuyệt vời và làm mọi thứ với cái “tâm.” Đến được vị trí của Kim bây giờ không phải là một việc dễ dàng, nhưng Kim vẫn đang cố gắng sáng tạo để cải thiện chất lượng sản phẩm. Cô cũng ước mong thương hiệu của mình sẽ được nhiều người biết đến ở Việt Nam và xa hơn là thế giới. Trước hoài bão lớn này, Kim tâm niệm rất chân thành về hành trình sáng tạo của mình: “Không có khái niệm “hoàn hảo” trong lĩnh vực sáng tạo. Chúng ta đều đang học hỏi, nên nếu bạn cần sự giúp đỡ thì điều đó hoàn toàn ổn thôi.”

]]>
info@saigoneer.com (Diệu Linh. Hình Ảnh: Lê Việt Dũng.) Ton-sur-Ton Thu, 17 Sep 2020 14:00:00 +0700