“Tôi từng không biết đam mê của mình là gì và đã mãi đi tìm nó cho đến khi nhận ra rằng điều làm tôi hạnh phúc nhất chính là mày mò sáng tạo và nhìn thấy sản phẩm của mình được người khác đón nhận.”
Một cô gái trẻ tuổi có bằng kinh doanh và tài chính sẽ định hướng sự nghiệp như thế nào? Đối với Lê Na, quyết định mang tính bước ngoặt trong đời là khi cô tạo cho mình một khởi đầu mới và tìm thấy niềm đam mê trong ngành dinh dưỡng, từ đó không ngừng học hỏi và sáng tạo cho đến khi trở thành chủ của một cửa hàng phô mai thuần chay làm từ hạt điều.
Lê Na tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội chuyên ngành Kinh doanh và Tài chính Quốc tế. Sau đó, cô chọn học cao học theo hình thức đào tạo từ xa qua mạng. Quyết định này đã mở ra một con đường hoàn toàn mới cho cô gái trẻ.
Trong thời gian học trực tuyến, cô nhận được sự hướng dẫn từ một vị giáo sư không chỉ tâm huyết với công việc giảng dạy mà còn có quan niệm sống rất hay. Người thầy ấy đã truyền cảm hứng cho Lê Na đi tìm đam mê của riêng mình.
“Tôi cảm thấy trống rỗng, tôi muốn tìm ra điều gì đó có thể lấp đầy khoảng trống trong lòng. Nỗi khát khao ấy mang tính bản năng và rất khó diễn tả.” Khi rời ghế nhà trường, cô nhận ra rằng mình đã bỏ bê sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân suốt bao lâu nay. “Tôi chẳng biết mình thích gì. Tôi không có cảm giác được là chính mình dù còn khá trẻ. Tôi cảm thấy bản thân là một bức tranh xếp hình mà mỗi mảnh ghép đều vay mượn từ người khác — từ cuộc sống và ước mơ của gia đình, bạn bè và thần tượng.”
Lê Na muốn khám phá bản thân, nhưng thật khó để tìm ra cá tính riêng trong một cuộc sống gắn liền với các thiết bị công nghệ. Vì vậy, cô quyết định tắt chúng đi, cất tấm bằng đại học, bước ra thế giới rộng lớn và tạo cho mình một khởi đầu mới.
“Chắc tôi không cần phải giải thích về lối sống của một sinh viên đại học. Giống như bao người, thời ấy tôi thường ăn thức ăn nhanh và các món ăn đường phố.”
Phô mai hạt điều vị nghệ và thì là. Hình ảnh: Michael Tatarski.
Nỗ lực đầu tiên của Lê Na trong hành trình làm mới bản thân là dành nhiều thời gian hơn cho chế độ dinh dưỡng của mình, điều mà trước đây cô không chú ý đến.
Tuy nhiên, chính niềm yêu thích các chương trình nấu ăn như Masterchef đã thu hút cô đến những cửa hàng như Phương Nam và An Nam Gourmet để khám phá vô số hương vị từ khắp nơi trên thế giới. Lê Na kể rằng khi thử các hương vị và món ăn khác nhau, cô cảm thấy ấn tượng nhất với phiên bản thuần chay của các món ăn mặn thông thường. Cô bắt đầu tập nấu món thuần chay bằng các loại thực phẩm tươi sẵn có tại Việt Nam — như làm bơ từ hạt dẻ có xuất xứ ở các tỉnh miền Bắc và làm sữa chua từ nước cốt dừa.
Nhờ tìm hiểu, Lê Na biết được rằng nhiều nhà sản xuất phô mai thuần chay nước ngoài đều mua hạt điều từ Việt Nam, tuy nhiên, chưa có ai trong nước phát triển ngành này. Là dân kinh tế, cô nhìn ra ngay cơ hội và quyết định tự mình lấp đầy khoảng trống đó trong thị trường.
Sau khi thuần thục các kĩ thuật ủ phô mai, Lê Na bắt đầu thử nghiệm với các loại gia vị, thảo mộc để tạo ra các hương vị khác nhau. Hình ảnh: Michael Tatarski.
Cô mất hơn nửa năm để làm ra mẻ phô mai hạt điều đầu tiên, và sau gần một năm “khổ luyện” trong căn bếp của dì mình, cô đã thành thạo kỹ thuật này. Nhưng đó chưa phải là điểm dừng. Càng làm càng say mê, cô quyết định tiếp tục làm phô mai ủ chín với nhiều hương vị khác nhau, cũng như học thêm kỹ thuật làm phô mai tươi và phô mai kem.
“Tôi thử ủ phô mai trong hơn một năm, nhưng kết quả là nó cứng như đá.”
Sau một năm tập ủ phô mai, cô phát hiện rằng thời gian ủ hoàn hảo là khoảng ba tuần, ngắn hơn nhiều so với thời gian ủ phô mai làm từ sữa động vật.
Phô mai kem của Kashew Cheese (Kream Cheese) và hai loại phô mai tươi (Mozzarella và Ricotta). hình ảnh: Michael Tatarski.
“Vì hạt điều được trồng ngay trong nước, nên hạt điều Việt Nam phải có chất lượng tốt nhất”.
Phiên bản thuần chay của một món mặn có thể được làm từ các nguyên liệu khác nhau, phô mai thuần chay cũng vậy. Lê Na tiết lộ rằng trước đây cô đã thử sử dụng các nguyên liệu khác để làm phô mai, tuy nhiên không có loại nào ngon bằng phô mai hạt điều.
“Hạt macadamia không tạo ra kết cấu mịn như hạt điều. Đậu nành chứa nhiều protein hơn hạt điều, nhưng không ngọt và vì vậy làm phô mai không ngon bằng. Còn chao thì mang lại hương vị đặc biệt cho phô mai, nhưng lại khó kết hợp với các loại gia vị và nguyên liệu khác."
Qua thử nghiệm, Lê Na nhận thấy hương vị của hạt điều Việt Nam thơm ngon hơn hạt điều nước ngoài. Điều đáng ngạc nhiên là Việt Nam xuất khẩu phần lớn hạt điều trong nước rồi mua hạt điều nước ngoài để chế biến và bán ra thị trường, do đó hầu hết các loại hạt bán ngoài chợ đều có nguồn gốc từ nước ngoài. Vì thế, Lê Na hợp tác với nông dân địa phương để đảm bảo sản phẩm của mình có chất lượng tốt nhất, đồng thời góp phần quảng bá loại nông sản có hương vị thơm nức béo ngậy này đến với cộng đồng.
Phô mai hạt điều có thể được biến tấu với nhiều hương vị khác nhau, nhờ đó Lê Na được thỏa sức sáng tạo với đa dạng các loại nguyên liệu. Trong vài năm qua, cô đã có nhiều chuyến đi thực tế để khám phá thế giới của hương vị, đáng nhớ nhất là chuyến đi đến các trang trại trồng tiêu trên khắp cả nước.
Lê Na trong chuyến đi đến một trang trại hạt điều. Hình ảnh: Kashew Cheese
Đến nay, Lê Na đã tạo ra 5 loại phô mai ủ chín vị tiêu khác nhau, bao gồm tiêu đen rừng Phú Quốc, tiêu Tứ Xuyên từ Hà Giang, tiêu đen Lào Cai và Kon Tum, tiêu đỏ Phú Quốc, và loại tiêu đen thường thấy trong bếp Việt được trồng ở Sơn La, Lào Cai và Kon Tum.
Năm loại phô mai vị tiêu đen của Kashew Cheese, sản phẩm hợp tác với The Hồ Tiêu. Hình ảnh: Kashew Cheese
Lê Na cũng rất thích ăn ớt, và rất tự hào về loại phô mai ủ chín vị ớt của mình. Cô khoe rằng mình dùng loại ớt hảo hạng với vị cay nồng và đậm đà từ miền Trung.
Giờ đây, Lê Na là chủ sở hữu của Kashew Cheese, một cửa hàng nhỏ bán phô mai hạt điều ở Saigon Concept, một khu tổ hợp rất "chill" ở Quận 2 với nhiều cửa hàng thời trang và gian hàng thủ công.
Nguyên liệu chính để làm phô mai là hạt điều, nước và muối. Hương vị của hạt điều thay đổi theo mùa nên cách duy nhất để giữ hương vị của phô mai là điều chỉnh số lượng nguyên liệu theo kinh nghiệm. Đây là lý do tại sao cô vẫn cùng chồng giám sát chất lượng phô mai của cửa hàng.
Lê Na và chồng, anh Tobias. Ảnh: Michael Tatarski.
Tuy nhiên, vào đêm ngày 15 tháng 9, một đám cháy lớn xảy ra ở quán Kashew Cheese, nguyên nhân được cho là do sự cố điện. Cũng may là đám cháy không lan rộng qua các cửa hàng khác trong khu Saigon Concept và không ai bị thương. Tuy nhiên, toàn bộ thiết bị và phô mai bên trong quán thì cháy rụi. Bao nhiêu công sức mà Lê Na đã bỏ ra đều tiêu tan. Thế nhưng, cô vẫn rất bình tĩnh và quyết định tiếp tục bán phô mai trực tuyến từ căn bếp của mình ở gần cửa hàng.
Chồng của Lê Na chia sẻ: "Tôi vô cùng tự hào về vợ. Mặc dù đám cháy đã tàn phá bao nỗ lực của Lê Na trong những năm qua, nhưng chúng tôi sẽ tạo một khởi đầu mới và trở lại mạnh mẽ hơn nữa."
Lê Na nỗ lực xây dựng lại quán Kashew Cheese. Hình ảnh: Kashew Cheese.
Nhờ sự ủng hộ của bạn bè, gia đình và khách hàng, quán Kashew Cheese đã có thể mở cửa trở lại vào ngày 29 tháng 10. Như được viết trên tấm bảng trước cửa hàng, Lê Na đã thực sự "vươn lên từ đống tro tàn."
Cửa hàng sau khi được xây lại. Hình ảnh: Michael Tatarski.