Sài·gòn·eer

BackDi Sản » Lịch sử huy hùng của Pháo đài Láng, nơi bắn phát đạn mở đầu Kháng chiến chống Pháp

Lịch sử huy hùng của Pháo đài Láng, nơi bắn phát đạn mở đầu Kháng chiến chống Pháp

Trong lịch sử thế giới, rất nhiều dân tộc đã phải đấu tranh vũ trang để giành lại nền độc lập từ ách đô hộ. Ở nước ta, địa điểm loạt pháo khởi nghĩa đầu tiên nổ ra vẫn còn được lưu giữ, tưởng niệm đến ngày nay.

Tọa lạc cuối một con ngõ hẹp, Pháo đài Láng ẩn dưới bóng một dãy chung cư hiện đại, chẳng còn bóng dáng thành trì che chở, những dấu tích duy nhất còn sót lại là nhà tưởng niệm nhỏ và một khẩu pháo không tên.

Khẩu pháo phòng không, với cự ly 75mm, được đặt trên ụ bê tông giữa trung tâm pháo đài, cạnh bên là bia đá khắc dòng chữ: "Lúc 20:03 ngày 19/12/1946, trận địa Pháo đài Láng được lệnh nổ súng bắn những phát đạn đầu tiên vào quân Pháp tại Thành Hà Nội, mở đầu cho Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là một trong hai khẩu pháo của pháo đài thời kỳ đó, là chứng tích của sự mở đầu của quân và dân Hà Nội quyết tử để tổ quốc quyết sinh."

Khẩu pháo cuối cùng tại Pháo đài Láng. Ảnh: Linh Phạm.

Ngạc nhiên thay, Pháo đài Láng lại là công trình do chính thực dân Pháp xây dựng vào năm 1940. Sau khi chiếm đóng làng Láng Trung (nay là phường Láng Thượng, quận Đống Đa), quân Pháp xây pháo đài để chống lại các cuộc không kích từ quân phát xít Nhật Bản. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Mặt trận Việt Minh đã thu phục được pháo đài này để phục vụ mục đích cách mạng.

Ngày 29/6/1946, trung đội Pháo đài Láng được thành lập, cụ Nguyễn Ứng Gia được chọn làm trung đội trưởng. Cả đơn vị lập tức phải đối mặt với những khó khăn bủa vây do thiếu nguồn vũ khí. Dù là trung đội chuyên về pháo binh tầm xa, các chiến sĩ không có lấy một chiếc ống ngắm, ốm nhòm, hay thậm chí là bộ phát thanh. Cụ Gia đã phải đi khắp nơi để mượn các dụng cụ như sợi dây đo của thợ may và chiếc la bàn của thầy đại lí.

Chiếc la bàn mà Pháo đài đã sử dụng. Ảnh: Linh Phạm.

Vào một dịp nọ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm pháo đài. Vị trung đội trưởng mới báo cáo lại rằng: “Ta không có phương tiện đo đạc tính toán phần tử bắn, anh em khắc phục bằng cách vẽ một vòng tròn, chia độ vào tấm bìa, dùng đặt lên bản đồ để lấy hướng bắn.” Ngài đại tướng đáp lời: “Các đồng chí chú ý nghiên cứu sáng tạo nhiều hơn nữa và khi cần thiết phải hạ nòng pháo xuống, bắn thẳng vào quân địch. Nhưng phải luôn luôn chú ý giữ gìn bảo vệ vũ khí.”

Trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến 1946, quan hệ giữa Việt Nam và Pháp ngày càng suy thoái. Việt Nam muốn được công nhận độc lập, còn Pháp thì muốn bảo vệ lợi ích của mình ở Đông Dương. Căng thẳng leo thang đã kéo theo những sự kiện thảm khốc như vụ thảm sát ở Hải Phòng, khiến 6.000 thường dân người Việt tử nạn. Cuối cùng, tất cả các cuộc đàm phán đều thất bại, không có con đường nào khác cho hai bên ngoài tiến đến chiến tranh.

Vào sáng ngày 19/12/1946, tướng Morlière, chỉ huy quân sự Pháp tại Hà Nội, đã gửi tối hậu thư, lần thứ ba trong vòng hai ngày, yêu cầu lực lượng Việt Nam hạ vũ khí và bàn giao quyền kiểm soát Hà Nội. Việt Nam khước từ những lời đe dọa và quyết định đã đến lúc công khai tuyên chiến. Chiều hôm đó, pháo đài nhận được chỉ thị: "20 giờ tối nay, khi toàn bộ thành phố mất điện, tất cả các pháo đài bắn vào các mục tiêu đã chuẩn bị, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc ở Hà Nội."

Trận địa pháo ở Pháo đài Láng sẵn sàng nhả đạn vào quân Pháp. Ảnh: Linh Phạm.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo An Ninh Thủ Đô, cụ Đỗ Văn Đa, một thành viên của trung đội Pháo đài Láng, hồi tưởng về ngày đầu tiên của cuộc chiến. “Tôi nhớ như in, chiều 19-12-1946, anh Gia nói: ‘Các đồng chí ăn cơm sớm, sau đó, ai ở vị trí nào vào vị trí ấy, chờ lệnh.’ Tối mùa đông rét đậm. Chúng tôi, những trai làng ngoại thành Hà Nội, quen làm ruộng trồng rau hơn cầm súng, đã vào vị trí nhưng rất hồi hộp, không thể hình dung được chiến sự sẽ ra sao. Đúng 20 giờ 3 phút, cả nội thành tối om-điện tắt, anh Gia dõng dạc hô khẩu lệnh: 'Bắn!' Lần đầu tiên, tôi được nghe ông voi gầm dữ dội, tai ù đặc nhưng tôi vẫn không rời tay chuyển đạn lên mâm pháo. Ba loạt, 6 viên đạn pháo liên tiếp lao đi. Rét căm căm mà mồ hôi vã ra như tắm.”

Mục tiêu của pháo đài là trung tâm chỉ huy của quân đội Pháp trong Thành Hà Nội. Nhưng không có radio, họ không biết đạn của mình đến được chỗ hay không. Đến trưa hôm sau, báo cáo mới đến. "Chúng tôi như trẻ nhỏ, sung sướng vui mừng không kể xiết khi trinh sát báo về pháo bắn vào Thành đã trúng đích," cụ Đa nói. “Các mẹ các chị gánh cơm nước lên tiếp tế cho bộ đội cũng rất phấn khởi.”

“Đêm hôm sau, giặc Pháp bắn vào trận địa,” cụ Đa kể tiếp. “Đại bác rơi vào làng, nhà cháy, dân bị chết và bị thương, nhưng đội tiếp tế vẫn gánh cơm lên trận địa. Những rá cơm nghi ngút khói ấm áp tình quân dân […] Ngày 21/12, bằng cách ngắm bắn trực tiếp chúng tôi đã hạ được một chiếc rơi ngay trong nội thành […] Đồng chí Võ Nguyên Giáp gửi thư khen: ‘Gửi lời khen tinh thần của các chiến sĩ Pháo đài.’ Trong chiến công của ông Voi dũng cảm, có công sức đóng góp của tự vệ Láng Trung tiếp tế nuôi quân đảm bảo ăn no đánh thắng, bảo dưỡng pháo.”

Tranh dầu tại hiện khung cảnh nhân dân làn Láng Trung hỗ trợ các chiến sĩ ở Pháo đài Láng. Ảnh: Linh Phạm.

Phát súng của ông Voi đã châm ngòi cho Trận Hà Nội và mở đường cho Cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp. Đây cũng là lần cuối cùng ông Voi được ra trận. Sau 60 ngày chiến đấu, Mặt trận Việt Minh đã rút quân khỏi thành phố để chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài. Vào ngày 11/1/1947, trung đội của cụ Đỗ Văn Đa nhận được lệnh vô hiệu hóa khẩu đại bát và rút lui về Hà Đông.

Hơn 70 năm đã trôi qua kể từ khi những cơn mưa bom đạn và khói lửa bắt rơi xuống bầu trời Hà Nội. Bây giờ, thứ duy nhất còn rơi trên Pháo đài Láng là những chiếc lá vàng mùa thu. Ông Đỗ Đức Thành, người quản lý di tích, chia sẻ với Saigoneer rằng đôi khi ông phải quét dọn tới 40kg lá mỗi ngày. Và trong thời bình, pháo đài đang đối mặt với một mối nguy mới: quy hoạch đô thị. Một kế hoạch xây dựng đường đang đe dọa chia cắt khu di tích lịch sử quốc gia này làm đôi. Tôi chỉ cầu mong ông Voi, một lần nữa, sẽ lại được bình an vô sự.

Bài viết liên quan

in Di Sản

Cầu Long Biên: Từ biểu tượng sức mạnh đế quốc đến chứng nhân lịch sử thủ đô

Trải qua vòng đời hơn trăm năm, không ít dấu tích của thời gian đã phủ đầy cầu Long Biên. Nhưng chiếc cầu sắt qua sông Hồng vẫn giữ một vị trí quan trọng trong kho tàng di sản Hà Nội. Hãy cùng Ti...

in Di Sản

Từ đầm lầy lên biểu tượng: Lược sử Chợ Bến Thành qua các thời kì

Từ những thảo luận đầu tiên vào năm 1868 về một khu chợ mới, mãi đến năm 1914, chợ Bến Thành mới được hoàn thiện. Sự ra đời của chợ Bến Thành tựa như một giấc mơ trở thành sự thật, giấc mơ của gần năm...

in Di Sản

Câu chuyện lịch sử đằng sau 'Nhà Thờ Hồng' của Tân Định

Ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng đã từng nghe danh Nhà thờ Tân Định với màu hồng vô cùng đặc trưng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau vẻ ngoài ấn tượng, công trình là còn là một trong những thánh đường Công...

in Di Sản

Giai thoại lịch sử đằng sau Cung Văn hóa Lao Động và hồ bơi đầu tiên của Sài Gòn

Tọa lạc tại số 55B Nguyễn Thị Minh Khai, Cung Văn hóa Lao Động từng là một chốn giao lưu dành cho tầng lớp thượng lưu của bộ máy thuộc địa.

in Di Sản

Hồ Con Rùa, minh chứng sống động của lịch sử đa tầng Sài Gòn

Khu vực Công trường Quốc tế-Hồ Con Rùa đã trải qua nhiều thay đổi về thiết kế và công năng xuyên suốt dòng lịch sử của vùng đất Sài Gòn. Từ một cổng thành của công trình phòng thủ quân sự thời Ng...

in Di Sản

Những tầng lớp ký ức bị lãng quên ở Hội quán Quảng Đông Hà Nội

Cùng với sự xoay vần của lịch sử, những lát cắt của một đô thị nghìn năm chuyển mình để bao bọc những tầng nghĩa mới.