Sài·gòn·eer

BackXê Dịch » Ao Người » Cuộc sống lênh đênh của cộng đồng người Việt tại làng nổi ở Campuchia

Cuộc sống lênh đênh của cộng đồng người Việt tại làng nổi ở Campuchia

Làng nổi Chong Kneas, cách Siem Reap 15km về phía Nam, là một trong nhiều làng nổi tại Biển Hồ Tonle Sap, thuộc lãnh thổ Campuchia. Ngôi làng đặc biệt này là nơi sinh sống của hàng ngàn hộ dân, mà trong đó, có đến 40% là người gốc Việt cư trú bất hợp pháp.

Lời của ban biên tập: Bài viết được thực hiện trước thời điểm làn sóng Covid-19 thứ tư bùng phát. Bên cạnh đó, vào tháng 6/2021, chính phủ Campuchia đã yêu cầu các cư dân của làng Chong Kneas phải di dời do những quan ngại về bệnh dịch cũng như an ninh khu vực.

Saigoneer đến thăm làng Chong Kneas vào một ngày tháng 3, khi sự mát mẻ của làn nước chẳng thể làm dịu đi cái nắng cháy da cháy thịt. Trên mặt hồ chỉ có vài ghe xuồng nhỏ đi lại, cùng vài chiếc thúng nhựa của những cô cậu bé tinh nghịch.

Muốn đến thăm làng, người ta chỉ có thể di chuyển bằng ghe hoặc thuyền.

Như mọi công trình khác của làng Chong Kneas, trường tiểu học ở đây cũng được xây dựng trên mặt nước. Một số em học sinh vẫn còn đang ngồi học trong lớp, số còn lại thì đứng bên ngoài để chờ bố mẹ đến rước bằng thuyền. Khi chúng tôi lướt qua, nhiều em đang vẫy vùng đùa nghịch trong làn nước, và vẫy gọi chúng tôi mà chẳng có chút e dè. Có lẽ, thiếu nhi ở đây không thấy sợ người lạ, hay sợ những con trăn đang rình rập dưới hồ.

Trẻ em ở làng nổi thường bơi lội để vui chơi và giải nhiệt vào những ngày nắng nóng.

Giờ này đang là mùa khô, nên thời thiết thường hay oi bức, mực nước cũng hạ thấp hơn nhiều so với vài tháng trước đó. Vào thời điểm này, những ngôi nhà nổi bị rút sâu vào vùng nước giữa hồ. Đến mùa mưa mực nước dâng lên thì nhà cửa cũng theo đó trôi ra gần bờ sông Tonle Sap.

Một số cư dân ở đây kiếm sống bằng nghề chở khách du lịch.

Cuộc sống của cư dân tại những ngôi làng nổi này thường vô cùng bấp bênh, đặc biệt là những cư dân là người Việt. Họ sống ở đây vì họ không được phép làm bất cứ điều gì khác: họ không có giấy tờ tùy thân, cũng không có tiền để mua nhà trên bờ, buôn bán nhỏ lẻ hay thậm chí là làm công nhân nhà máy. Hơn nữa, phần lớn dân cư ở đây đều lưu trú bất hợp pháp và có thể bị chính quyền yêu cầu di dời hay trục xuất bất cứ lúc nào. Khả năng bị trục xuất lại còn cao hơn nếu cư dân ấy không phải là người Campuchia.

Quầy cà phê di động của một cô bán hàng rong — một khung cảnh khá quen thuộc ở các chợ nổi ở Việt Nam.

Dẫu vậy, giữa những mâu thuẫn về sắc tộc trên đất nước Campuchia, Chong Kneas vẫn là ngôi làng yên bình nơi người Campuchia, người Việt và cả những người Chăm theo đạo Hồi sống hòa thuận và kết hôn với nhau. Ở đây, ngoài trường tiểu học còn có chợ, chùa chiền và đồn cảnh sát, thậm chí còn có một sân bóng rổ nổi trên mặt nước nữa.

Một khu vườn nổi.

Som Borak, một chàng trai trẻ sống ở Chong Kneas từ nhỏ, giao tiếp được bằng tiếng Anh nhờ học từ khách du lịch: “Chúng tôi cùng nhau sống ở đây, không có vấn đề gì cả. Không có phân biệt người Việt, người Cambodia hay là người Hồi giáo. Một vài người đã chuyển lên sống ở đất liền. Nhưng với nghề đánh cá thì bạn cần sống ở sông hồ. Bởi vì sống trên mặt nước thì không tốn gì."

Hãy cùng chúng tôi ghé thăm ngôi làng qua loạt ảnh dưới đây:

Ngôi chùa của người Việt trong làng.

Ba mẹ con người Việt chèo thuyền đến viếng chùa.

Giá đỡ thuyền bằng gỗ được dựng tách khỏi mặt nước.

Chú khỉ của một hộ dân đang ngâm mình trong nước để làm mát cơ thể giữa cái nắng gay gắt.

 Đàn vịt uống nước từ hồ để giải toả cái nắng.

Tép phơi dưới nắng.

Som Borak sinh ra và lớn lên tại làng Chong Kneas.

Bài viết liên quan

in Đời Sống

'Cờ bay trăm ngọn cờ bay': Một đêm đi bão khó quên của người Hà Nội và Sài Gòn

Như nấm mọc sau mưa rào, "đi bão" đã trở thành một truyền thống bất hủ của người Việt trong mùa bóng đá.

in Ao Ta

Ghé thăm cổ trấn Đường Lâm chỉ cách Hà Nội 50km để thấy hồn quê Việt ngưng đọng

Rời khỏi Hà Nội, đi khoảng 50 kilomet về hướng Tây men theo dòng sông Hồng, ta sẽ đến được làng cổ Đường Lâm, nơi vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp thanh bình cổ kính của làng quê Việt Nam.

in Ao Người

Hành trình 14 ngày lên Everest Base Camp — Trại nền của nóc nhà thế giới

Chúng tôi bắt đầu hành trình trekking Everest Base Camp (EBC) từ thị trấn Lukla trong những ngày đầu hạ. Hai tuần đầu tiên của tháng Năm, dòng người leo núi lũ lượt hội tụ về đây bất chấp cái lạnh khắ...

in Ao Ta

Lênh đênh nghề lái tàu du lịch ở Phú Quốc quanh năm bám biển

Trước khi dịch bùng phát lại và TP. HCM phải tạm dừng mọi hoạt động để giãn cách xã hội, tôi đã có chuyến đi đến thăm Phú Quốc và có dịp lắng nghe các thuyền viên của một tàu du lịch chia sẻ về những ...

in Văn Hóa

Thuyền thúng: Nét văn hoá lâu đời của các làng chài Việt

Nói đến các thành phố tại Việt Nam, một trong những dạng công trình dễ bắt gặp nhất là những ngôi nhà ống. Loại kiến trúc phổ biến này bắt đầu xuất hiện từ thời Hậu Lê — khi mức thuế áp cho dân chúng ...

Chris Humphrey

in Đời Sống

Vẻ đẹp bình dị của làng gạch bên bờ sông Hồng

Ở vùng đất rộng lớn và phong phú như Hà Nội, không khó để tìm thấy những "viên ngọc quý" tại những nơi chốn tưởng chừng đã quen thuộc. Dẫu biết bề dày ấy của thành phố thủ đô, tôi vẫn không khỏi bất n...