Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Trích or Triết » Tự Lực Văn Đoàn, hay sống bằng ngòi bút trong kỳ loạn lạc

Tự Lực Văn Đoàn, hay sống bằng ngòi bút trong kỳ loạn lạc

Hồi mới bập bẹ vào nghề viết, tôi tự thấy vốn liếng quốc ngữ của mình còn nhiều khiếm khuyết. Vốn từ tiếng Anh tôi chủ yếu đến từ sách vở, nên để tự trau dồi tiếng Việt, tôi nghĩ cứ phải bắt đầu từ một cuốn sách bất kỳ. Mắt tôi dừng ở quyển Hà Nội Băm Sáu Phố Phường của Thạch Lam. Cuốn này đã ở trên giá sách nhà tôi lâu lắm rồi, hôm nay mới là lần đầu tiên tôi được lướt trên những câu chữ trong đấy.

Còn chưa vào đến câu nào của Thạch Lam, mới đọc lời tựa sách của Khái Hưng thôi, mà nước mắt tôi đã lã chã rơi. Một phần vì giọng văn hay quá, lối viết gãy gọn, gần gũi, mà lại rất đỗi thâm thúy. Phần khác tôi bị xúc động vì họ, những người tôi coi là đồng nghiệp, đã vạch ra một đường hướng văn chương mà tôi có thể theo đuổi suốt cuộc đời.

Logo của nhóm Tự Lực Văn Đoàn.

Thạch Lam và Khái Hưng thuộc Tự Lực Văn Đoàn, một nhóm các cây viết từ thời Pháp thuộc, được thành lập với mục đích “làm giầu thêm văn sản trong nước.” Từ chỗ mê lời văn của các anh, tôi bị cuốn vào câu chuyện của Tự Lực. Một câu chuyện không chỉ về việc viết văn, làm báo, mà còn về vận mệnh của cả một đất nước. Một câu chuyện mà những bi thương trong đó vẫn còn văng vẳng tới tận bây giờ.

“Câu chuyện về Tự Lực Văn Đoàn là cả một cái mâu thuẫn lớn của xã hội Việt Nam,” bác Nguyễn Đình Huynh nói. Nghiên cứu về nhóm Tự Lực đã hơn nửa thế kỷ, bác nhận thấy một kết nối khó tả với ba người đồng hương trong nhóm Tự Lực — ba anh em ruột — Thạch Lam, Hoàng Đạo, và Nhất Linh.

“Khoảng năm 1925,” bác Huynh kể, “văn học Việt Nam bắt đầu chuyển từ bút lông qua bút sắt. Vì hồi đó, tất cả văn bản chính quyền Pháp chuyển đổi bỏ chữ Nho sang chữ Quốc ngữ, nên phong trào văn xuôi cũng chuyển từ Hán Nôm sang Quốc ngữ.”

Các thành viên của nhóm Tự Lực Văn Đoàn.

Chữ Quốc ngữ đã xuất hiện từ thế kỷ 17, nhưng phải đến thời của Tự Lực mới có người viết văn bằng Quốc ngữ. “Ngoài nhóm Tự Lực ra thì cũng có các nhóm văn học khác dùng chữ Quốc ngữ sáng tác. Nhưng các nhóm kia chỉ làm cá thể mà không liên kết. Còn nhóm này là nhóm bảy người, bảy ông xuất sắc nhất của tất cả các môn phái văn học. Ông Nhất Linh sắp đặt, ông này viết tiểu luận, ông này viết văn, ông kia làm thơ… Trong nhóm đủ hết để khi ra một tờ báo thì các ông thống trị hết.”

Mục "Vui Cười" của toà soạn.

Văn chương của Tự Lực đến với độc giả trước hết là qua tờ báo Phong Hóa, tuyển tập trào phúng đầu tiên của Việt Nam. Cầm trên tay một số báo, độc giả đọc hết chương tiểu thuyết của Nhất Linh, rồi sang tiểu luận xã hội của Hoàng Đạo, tò mò với phóng sự cuộc sống ban đêm của Thạch Lam, cười với thơ trào phúng của Tú Mỡ, phê phán những sai trái lố bịch của các báo khác cùng Khái Hưng, rợn tóc gáy với truyện kinh dị của Thế Lữ, và ngâm những vần thơ lãng mạn của Xuân Diệu. Và đúng với cái danh trào phúng, mục “Vui cười” là phần có đông người viết nhất, không chỉ cả tòa soạn cùng chung tay mà còn tiếp nhận thêm đóng góp của quần chúng.

“Tự Lực Văn Đoàn lên ngôi vào thập niên 30,” chị Martina Thục Nhi Nguyễn, phó giáo sư Lịch sử tại trường Baruch thuộc City University of New York, chia sẻ. “Họ là thế hệ đầu tiên hoàn toàn học trong hệ giáo dục Pháp Việt. So với thế hệ trí thức trước đó thì là một cái tách biệt hoàn toàn. Thế hệ trước đó, của Phạm Quỳnh hay Nguyễn Văn Vĩnh, thì nếu muốn học hàn lâm thì phải biết Nho giáo, Khổng giáo. Nhưng ngay thế hệ sau, của Nhất Linh, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng… thì toàn học Tây học hết.”

Trong giáo trình Tây học, họ được tiếp cận với văn học nước ngoài. Chị Martina nói: “Cái đóng góp của Tự Lực Văn Đoàn với nền văn học Việt Nam là áp dụng những thể loại văn học quốc tế để sáng tác bằng chữ Quốc ngữ.”

Tôn chỉ đầu tiên của nhóm Tự Lực là:

Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài, nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi.

Thay vì dịch Những Người Khốn Khổ như Phạm Quỳnh, nhóm Tự Lực đọc ngoại văn, rồi suy ngẫm, và tự viết ra cái của mình, cho dân mình, bằng tiếng Việt. Như Thế Lữ, ông viết một loạt các truyện ngắn về Lê Phong, một phóng viên chuyên tham gia phá các vụ án bí hiểm với phương pháp suy luận của Sherlock Holmes.

Hồi mới khởi đầu, nhóm Tự Lực thuê nhà in khác để in sách, báo của mình. Sau này, họ mua máy móc và mở nhà in Đời Nay để tự xuất bản. Muốn biết sách của Tự Lực được ưa chuộng thế nào, người ta chỉ cần xem qua các con số. Vào những năm 1925–1945, hầu hết mỗi cuốn sách chỉ được in khoảng 1.000–2.000 bản. Riêng sách của Tự Lực thì mỗi tựa đề ít cũng phải in 5.000 cuốn, nhiều thì phải đến khoảng 16.000. Khái Hưng là tác giả được in nhiều nhất với tổng số lượng là 87.000 cuốn.

Bác Huynh nói: “Nếu Tự Lực Văn Đoàn không có sai lầm trong cách mạng, thì giới văn học đã ca ngợi hết lời. Có nhiều người nói Tự Lực Văn Đoàn năm 1942 coi như kết thúc, để tránh nói chuyện sau này.”

Tranh vẽ chân dung Thạch Lam. Nguồn: Hà Nội Mới.

Năm 1942, nhóm Tự Lực mất đi thành viên đầu tiên sau khi Thạch Lam qua đời vì bệnh lao phổi. Lúc ông lâm chung, mấy người anh trong nhóm không thể có mặt. Vì hoạt động chống Pháp nên Hoàng Đạo cùng Khái Hưng bị giam ở Hòa Bình, còn Nhất Linh thì phải sang Trung Quốc.

Lúc bấy giờ, Pháp đang lâm thế yếu trong thế chiến thứ hai, rồi Nhật vào Việt Nam, càng làm chính quyền thực dân bị lung lay. Hàng loạt các tổ chức đảng bộ bí mật được lập ra với mục đích giành độc lập. Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ không hoạt động chính trị nhiều. Có Nhất Linh, Khái Hưng với Hoàng Đạo thì tích cực tham gia đảng phái. Sau này họ về Việt Nam Quốc Dân Đảng, một trong những đảng phái không cộng sản thời đó.

Từ trái qua phải: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo.

Bác Huynh kể: “Thật ra hồi đó cách mạng Việt Nam rất rắc rối. Ông nào mà chả bảo tôi yêu nước, nhưng chúng tôi yêu kiểu của tôi. Tất cả các đảng phái đều muốn đánh đổ thực dân, độc lập, nhưng ông muốn dựng vua, ông muốn có thủ tướng, ông kia muốn quốc trưởng, mỗi ông một cách.”

Từ chỗ khác nhau về lý tưởng, sự chia rẽ của các đảng phái còn sâu đậm đến mức người Việt không chỉ chống Pháp mà còn đánh lẫn nhau. Trong cuốn tiểu thuyết cuối cùng của mình, Giòng Sông Thanh Thủy, Nhất Linh viết về thời kỳ hoạt động cách mạng của mình ở Việt Nam và Trung Hoa những năm 1944–1945, thời mà Việt Quốc và Việt Minh đã vào thế phải diệt nhau bằng cách ám sát, thủ tiêu.

Nguồn: Quán Sách Gia Trinh.

Thời gian này phong trào văn chương của Tự Lực cũng gần như đã suy thoái. Tờ báo Phong Hóa đã đắp chiếu được mấy năm vì tội chế nhạo chính quyền. Ngày Nay, tờ báo “sơ cua” phòng khi Phong Hóa bị đình bản, vốn dĩ viết về các vấn đề trong xã hội, giờ cũng mang sắc thái tuyên truyền cho Việt Quốc. Quãng thời gian viết văn, làm báo tự do của nhóm Tự Lực coi như là kết thúc

Năm 1945, Cách mạng tháng 8 thành công. Các đảng phái tạm thời làm việc với nhau và lập ra Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến do Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Nhớ về thời điểm này, Tú Mỡ từng viết: “[Trong chính phủ mới lập] anh Tam (Nhất Linh) được ghế Bộ trưởng Ngoại giao, anh Long (Hoàng Đạo) Bộ trưởng Kinh tế, tôi khấp khởi mừng Tự Lực Văn Đoàn có cơ hồi phục, tan rồi lại hợp. Nhưng tôi đã mừng hụt. Thế lực nước ngoài chi phối các đảng phái phản động, khiến những kẻ cơ hội xông ra tranh quyền cướp vị, đi tới phản nước hại dân.”

Thật khó để biết hết những gì đã xảy ra. Nhưng ít lâu sau Nhất Linh từ chức và lưu vong sang Trung Quốc. Khái Hưng thì bị Việt Minh bắt và xử tử sau vụ án Ôn Như Hầu. Hoàng Đạo thì trong một chuyến đi Trung Quốc bị đột tử trên tàu hỏa, đến nay người nhà vẫn không rõ anh có bị đầu độc hay không. Về sau thì chính Nhất Linh cũng tự uống thuốc độc và kết liễu đời mình.

Từ trái qua phải: Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu.

Vậy là vì thời thế mà bảy người nhóm Tự Lực thì chỉ có Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu là sống tới già. Những người còn lại bị gán mác là phản quốc, con cháu họ phải di cư, lưu lạc khắp nơi. Cái bi thương của câu chuyện còn văng vẳng tới giờ là thế. Nhưng may thay, cái đáng quý nhất mà Tự Lực Văn Đoàn tạo nên, cái văn sản của họ, vẫn còn được truyền lại.

Trong số bảy người nhóm Tự Lực, chỉ Xuân Diệu là được vinh danh với một con phố ở Hà Nội. Ảnh: Linh Phạm.

Cuốn Hà Nội Băm Sáu Phố Phường vốn chỉ là tổng hợp những bài báo cùng tên của Thạch Lam được in thành sách sau khi ông ra đi. Cuốn sách có 22 chương, thì có 16 là về các món quà ăn thức uống của Hà thành. Nhưng Thạch Lam không chỉ kể về món ăn, ông còn tả cái âu yếm mà người "nghiện" dành cho miếng giò, cái sung sướng của bác kéo xe nhấp chén rượu, hay cái cách mà các cô đầu ngõ ăn bún ốc: “Nước ốc chua làm nhăn các nét mặt tàn phấn và mệt lả, miếng ớt cay làm xoa xuýt những cặp môi héo hắt, và khiến đôi khi rỏ những giọt lệ thật thà hơn cả giọt lệ tình.”

Qua câu chuyện về món ăn mà Thạch Lam ghi lại cuộc sống bình dị của người Việt. Trong lời tựa cuốn sách, Khái Hưng nói thế này:

Lịch sử Thăng Long phải đâu chỉ là những lớp sóng phế hưng dồn dập từ đời vua này sang đời vua khác… Nó còn là cuộc sinh hoạt hàng ngày của dân thành thị, với tất cả những phong tục, tập quán, với tất cả những nhân vật kỳ khôi, với tất cả những cái vui, cái buồn nho nhỏ và thoáng qua của những tâm hồn nho nhỏ sống trong xó tối, không tên, không tuổi, không tiếng tăm lưu lại đời sau.

Khi Thạch Lam kể về “những tâm hồn nho nhỏ trong xó tối,” anh đã đóng góp vào cái mà Khái Hưng gọi là dã sử — lịch sử do người dân viết. Chính chỗ này làm tôi rơi nước mắt. Tôi bước vào nghề viết cũng chỉ vì muốn ghi lại những gì tai nghe, mắt thấy. Và từ sâu trong tâm hồn, tôi cảm được cái mong mỏi muốn tiếp bước các anh.

Tòa soạn của nhóm Tự Lực ở 80 Quán Thánh trước được làm nhà mặt phố, giờ bị khuất sau các cửa hàng, cửa hiệu.

Cả chị Martina và bác Huynh đều hỏi tại sao tôi lại quan tâm đến nhóm Tự Lực. Lúc đó câu trả lời của tôi chưa được tròn trịa lắm, nhưng viết đến dòng này thì đã rõ hơn. Tôi kể chuyện Tự Lực để bày tỏ lòng kính trọng với những người khai sáng nền văn chương quốc ngữ, những người đã truyền cho tôi cái tha thiết để đóng góp vào bộ dã sử của đất nước này.

Bài viết liên quan

Paul Christiansen

in Loạt Soạt

'Time Is a Mother' – Những dấu chấm hỏi đặt giữa cuộc đời

Phải chăng danh tiếng khó là bạn đồng hành cùng người làm thơ?

in Trích or Triết

Dục vọng, ngoại tình, và hôn nhân qua lăng kính của Hồ Biểu Chánh

“Ái tình về hình thức mỏng mảnh lắm, phải ái tình về tinh thần kìa, mới bền chặt” — Hồ Biểu Chánh.

in Trích or Triết

Mối tương tư da diết, nức nở, bất chấp định kiến trong áng thơ Xuân Diệu

“Dịu dàng, âu yếm, Xuân Diệu cầm cổ tay tôi, nắm chặt rồi vuốt lên vuốt xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối… Xuân Diệu yêu tôi.” 

in Trích or Triết

Nỗi đau và khát vọng hạnh phúc qua ngòi bút Nam Cao

Một nhà văn trẻ thời thuộc địa muốn nói gì về xã hội, đau khổ và hạnh phúc với người trẻ thế kỷ 21? 

in Trích or Triết

Xuân Quỳnh: Từ cảm quan tính nữ đến vẻ đẹp riêng tư

Trong mỗi giai đoạn phát triển của địa hạt thơ ca Việt Nam, những nhà thơ nữ luôn có những đóng góp tiêu biểu riêng và xác lập được một vị thế rõ ràng trong lòng độc giả. Sau Cách mạng tháng Tám ...

Chris Humphrey

in Ao Ta

'Mùa vàng' mênh mang trên những cánh đồng ở Mù Cang Chải

Tháng 9 hằng năm, những cánh đồng lúa Mù Cang Chải lại chín vàng, trông tựa những thước lụa óng ánh uốn lượn theo triền đồi, báo hiệu một vụ mùa lại về trên bản làng.

Đồng Sáng Tạo

in Resort

Eden Bay Villas - Nơi những tiện nghi hiện đại giao hoà với thiên nhiên hoang sơ

Trong tâm thức của con người, Vườn Địa Đàng (Eden) là nơi nhân loại được sống như một nốt nhạc trong bản hoà ca thiên nhiên. Tắm mình giữa bạt ngàn hoa thơm trái ngọt chốn hoang vu hay để những cơn só...

in Ăn & Uống

Hải sản tươi ngon, khung cảnh đẹp và không gian thư thái là tâm điểm tại Saigon Café Buffet

Toạ lạc tại khách sạn Sheraton Saigon Hotel and Towers, nằm trên đường Đồng Khởi nổi tiếng, Saigon Café mang đến những bữa tiệc buffet hải sản thượng hạng, với những nguyên liệu tươi ngon được chế biế...

in Resort

Muôn hình vạn trạng niềm vui ở The Grand Ho Tram

Mỗi khi bước vào một khu nghỉ dưỡng, điều đầu tiên để lại ấn tượng cho du khách chính là cảnh quan thiên nhiên tương phản với vẻ hối hả bên ngoài. Ở những thành phố biển, các khu nghỉ dưỡng không chỉ ...

in Ăn & Uống

Lễ hội Gin Festival Saigon trở lại vào tháng 12 tại The Reverie

Quả nhiên là “Gin” một góc trời!

in Dịch Vụ

Tuborg và hành trình thu nạp “một tỷ năng lượng tích cực” khắp "thành phố không ngủ"

Với mong muốn góp phần đánh thức những góc nhỏ sôi động của Sài Gòn sau thời gian dài giãn cách, Tuborg sẽ đem đến nhiều sự kiện hấp dẫn, tiếp thêm một nguồn năng lượng bất tận cho “thành phố không ng...

in Resort

SONIC Minifest tại Bãi Khem, Phú Quốc: Bữa tiệc âm nhạc và nghệ thuật đúng chất nhiệt đới cho mùa lễ hội cuối năm

Năm 2022, khi bước vào một buổi chơi nhạc tại các quán cà phê, hay một đêm “đi tìm ánh sáng,” chúng ta hẳn sẽ ngạc nhiên với tinh thần mới trong ngôn ngữ sáng tạo của giới trẻ - những bài hát Việt bất...