Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Trích or Triết » Tình dục, giáo dục giới tính và mại dâm qua giọng văn thẳng-mà-thật của Vũ Trọng Phụng

Tình dục, giáo dục giới tính và mại dâm qua giọng văn thẳng-mà-thật của Vũ Trọng Phụng

“Vấn đề nam-nữ giao-hợp phải đem ra giảng cho tuổi trẻ.”
— Vũ Trọng Phụng

Từ trước đến nay, văn chương của Vũ Trọng Phụng được dạy trong nhà trường như lời chỉ trích nặng nề về xã hội thượng lưu thành thị “giả tạo” và “đồi bại.” Trớ trêu thay, nền giáo dục chính quy đã bỏ qua chủ đề chính mà nhà văn trẻ Vũ Trọng Phụng phê phán một cách xuyên suốt đến mức ám ảnh: tình dục. Đây là đề tài thường bị gắn mác “nhạy cảm” nhưng lại là điều mà con người mọi thời vẫn luôn bàn luận và thực hành.

Như vậy, Vũ Trọng Phụng đã nghĩ gì về tình dục ngay từ những năm 1930 của thế kỷ XX, và ông “khai sáng” gì cho giới trẻ hiện đại về vấn đề khó nói đó?

Vũ Trọng Phụng: cây bút trẻ dám “nổi loạn” với đề tài tình dục

Vũ Trọng Phụng (1912–1939) sinh trưởng ở Hà Nội và dấn thân vào báo chí và văn học từ sớm với nhiều tác phẩm nổi bật. Tuy qua đời khi mới 27 tuổi, Phụng đã dành thời gian ngắn ngủi của mình để chứng kiến một thập niên biến động của Đông Dương thuộc Pháp, khi mà trào lưu mới mẻ của Tây phương va chạm với xã hội nặng lễ giáo khiến các quan niệm đạo đức và văn hóa truyền thống vụn vỡ.

Trong khi các nhà văn trẻ của Tự Lực Văn Đoàn chỉ trích hôn nhân sắp đặt và đưa các quan niệm về tự do luyến ái vào văn học, Vũ Trọng Phụng lại độc hành với chủ đề nổi cộm thuộc hàng cấm kỵ: tình dục và mại dâm. Vì vậy, tác phẩm của ông từng bị kết án là “tổn thương phong hóa” và “suy đồi.”

Trường Bưởi (nay là THPT Chu Văn An) nơi Phụng chỉ kịp theo học một năm trước khi phải đi làm để đỡ đần mẹ. Nguồn: tài khoản Flickr manhhai.

Hàng Bồ, một trong những phố phường ông đã lang thang để lấy cảm hứng cho các tác phẩm văn học hiện thực của mình. Nguồn: Tài khoản Flickr manhhai.

Trong khi các thảo luận sôi nổi về tình dục thách thức các hình mẫu hôn nhân ưu ái phẩm hạnh hơn xác thịt, Vũ Trọng Phụng đã góp một tiếng nói bằng ngòi bút day dứt về một thế hệ khủng hoảng tình dục đầu thế kỷ XX, và thẳng thắn đặt ra ba mối bận tâm cốt lõi của xã hội đương thời: sinh hoạt tình dục, cách giáo dục giới tính, và sự thương mại hóa tình dục (mại dâm).

Tình dục: bản năng, thao túng, và cưỡng ép

Với Vũ Trọng Phụng, tình dục là bản năng và không thể tách rời khỏi tình yêu đôi lứa. “Bởi vậy, có giao cấu, ái tình mới nồng nàn, bằng không ái tình sẽ phai lạt,” ông viết. Tuy vậy, ý nghĩa của tình dục bị méo mó ở các bối cảnh khác nhau. Để làm rõ hơn, Vũ Trọng Phụng chỉ ra rằng tình dục đi cùng với sự ích kỷ trong một xã hội hỗn loạn về thang giá trị đạo đức sẽ dẫn đến các hành vi độc hại. Ông đưa ra hai ví dụ minh họa cho điều này.

Trong Lấy Nhau Vì Tình, Vũ Trọng Phụng kể về chuyện tình giữa chàng tú tài Liêm và Quỳnh, một cô gái đẹp chớm đôi mươi. Lúc mới hẹn hò, Liêm chiều chuộng và dành cho Quỳnh nhiều tình cảm. Tuy vậy, anh từng dùng lời lẽ thao túng cô để quan hệ tình dục, một hành vi “ăn cơm trước kẻng” mà Liêm cho rằng “luật pháp đành phải bao dung nhưng luân lý kết án.” Trớ trêu, Liêm lại nghi ngờ Quỳnh là người dễ dàng trao thân cho kẻ khác chỉ vì thấy cô trò chuyện vui vẻ với nam giới. Điều này dẫn đến rạn nứt sâu sắc trong mối quan hệ của cả hai, thậm chí khiến Quỳnh suýt mất mạng vì tự vẫn.

Hình ảnh người phụ nữ Hà Nội dưới thời thuộc địa. Nguồn: Tài khoản Flickr manhhai.

Một trường hợp khác là Nghị Hách, lão thương gia đầy nham hiểm trong tiểu thuyết Giông Tố. Vũ Trọng Phụng miêu tả ông là kẻ đại diện cho tính nam độc hại và hung hăng với hành vi cướp vợ bạn, cuồng dâm, và hãm hiếp phụ nữ. Chính những điều này đã hủy hoại cả gia đình ông. Cuối cùng, Nghị Hách phát hiện ra Long, tình cũ của Thị Mịch, lại là con trai của ông. Khủng khiếp hơn, Long đã vụng trộm với con gái của chính Nghị Hách, gián tiếp đẩy Long vào mối quan hệ loạn luân. Một vòng xoáy sai lầm và tội lỗi chồng chất lên nhau.

Thông qua những bi kịch này, Vũ Trọng Phụng nhắc nhở rằng hoạt động tình dục chỉ thực sự hữu ích khi nó là kết tinh của sự nhận thức rõ ràng, niềm tin trọn vọn, và sự cam kết tự nguyện. Vì vậy, những hành vi tình dục biểu lộ bằng sự thô bạo hoặc những lời gạ gẫm mang màu sắc thao túng sẽ để lại những suy thoái tinh thần và mục ruỗng tích cách con người. Đây là vấn đề mà con người mọi thời đều đối diện. Trong khi giới trẻ đương đại dần coi trọng sự đồng thuận trong tình dục hơn, những nhân vật như Nghị Hách hoặc Liêm lại dường như bước ra từ trang sách và xuất hiện nhan nhản trên mặt báo khiến độc giả hiện đại không khỏi rùng mình

Ẩn ức tình dục và giáo dục giới tính giữa lằn ranh của “trào lưu Âu hóa” và luân lý truyền thống

Trong xã hội Việt Nam thuộc địa, “tam tòng, tứ đức” vẫn là thước đo chuẩn mực đạo đức. Ở đó, các thảo luận về tình dục thường bị xem là cấm kỵ và bị kiểm soát nghiêm ngặt. Vì vậy, ham muốn tình dục tự nhiên của con người bị đè nén thành các “ẩn ức,” phát lộ qua các hành vi và mộng tưởng tình dục. Khi trào lưu tư tưởng tự do tình dục chảy vào Việt Nam, các cá nhân vốn mang ẩn ức phải thích nghi bằng hai chiếc mặt nạ: sự phục tùng quy chuẩn đạo đức đương thời và sự cuồng nhiệt âm thầm với diễn ngôn giải phóng tình dục.

Vũ Trọng Phụng minh họa cho luận điểm trên bằng các nhân vật trong truyện. Ít ai biết rằng ông chịu ảnh hưởng bởi thuyết phát triển tâm tính dục của Sigmund Freud và dùng nó để phân tích “ẩn ức tình dục” của các nhân vật. Trong Số Đỏ, bà Phó Đoan là người phụ nữ có khát khao tình dục mãnh liệt dù phải sống dưới vỏ bọc “đoan chính.” Thời trẻ, bà từng chịu sang chấn tâm lý sau lần bị hãm hiếp và luôn mơ tưởng đến việc “bị hiếp,” đến mức hai người chồng của bà đều qua đời vì “quá sức.” Vì vậy, khi bị gã trai hư là Xuân Tóc Đỏ cưỡng bức, bà vẫn bao che cho hắn trước mặt cảnh sát, thậm chí có lần mong hắn cưỡng hiếp khi bà đang tắm.

Tranh minh họa tác phẩm Số Đỏ của họa sĩ Thành Phong. Nguồn: Zing.

Bên cạnh đó, Vũ Trọng Phụng mỉa mai những người sử dụng diễn ngôn về giải phóng tình dục để biện minh cho hành vi phản bội vợ chồng. Trong Số Đỏ, cô Hoàng Hôn, vợ của ông Phán “mọc sừng,” thường lập luận rằng “Chứ đàn bà, đời bây giờ, ai cũng nghĩ như thế cả! Có chồng thôi mà không có nhân tình? Thế là hèn, là xấu, là không có đức hạnh gì cả, không có thông minh nhan sắc gì cả, nên chẳng ma nào nó thèm chim!” Trong trường hợp này, Hoàng Hôn sử dụng trào lưu giải phóng tình dục như một tấm khiên cho mối quan hệ vụng trộm của cô.

Những ẩn ức tình dục xảy ra vì sự lảng tránh và thiếu hụt về giáo dục giới tính một cách bài bản trong gia đình và học đường. Chính vì vậy mà cô bé Huyền trong Làm Đĩ mang mặc cảm tội lỗi và dằn vặt. Thời thơ ấu, Quỳnh thắc mắc về chuyện rất bình thường: “Em bé sinh ra ở đâu?” và “Vì sao lại có em bé?” Điều bất ngờ là Huyền nhận được câu trả lời tương đồng với câu cửa miệng của nhiều phụ huynh ngày nay: trẻ sinh ra từ nách, từ bụng, và nhờ ăn no nên mới sinh con được.

Người thân của Huyền không ngờ rằng em phát hiện họ nói dối và không còn tin tưởng vào gia đình mà tự tìm câu trả lời từ bạn bè và sách báo. Thậm chí, một người bạn do thấy Huyền quá khổ sở vì phải đè nén ham muốn nên đã chỉ dẫn Huyền: “Người nhân tình yêu quý nhất đời của ta, trung thành suốt đời với ta, lại không để ta phạm phải mắc tiếng hư hỏng, chỉ là cái bàn tay này!”

Một lớp học về phụ khoa cho các nữ hộ sinh vào thế kỷ 20. Nguồn: Anom.

Qua những trường hợp trên, Vũ Trọng Phụng chỉ trích một xã hội vừa có thành kiến về tình dục, vừa giả dối đến mức dùng diễn ngôn tình dục để bao biện cho tội lỗi của bản thân. Ông không ngần ngại gọi đây là những người “đạo đức giả.” Ông viết thêm: “Người lớn không bao giờ giảng dạy những điều mà trẻ tuổi dậy thì phải biết. Người ta bao phủ chung quanh vấn đề nam nữ giao hợp và cái cơ thể học về sinh thực khí bằng một sự im lặng đáng gọi là thiêng liêng!”

Vì vậy, ông kêu đòi về giáo dục giới tính trong đó giới trẻ được tiếp cận tri thức về tính dục để nhận thức đúng đắn. Ông chất vấn: “Một sự giấu đi mà có hại như thế, thì chi bằng đem nói toang ra để dạy bảo nhau, ngăn cấm nhau?” Và cuối cùng quả quyết rằng “Vấn đề nam-nữ giao-hợp phải đem ra giảng cho tuổi trẻ.”

Mại dâm: Khi tình dục đi cùng thương mại hóa

Năm 2018, dư luận Việt Nam tranh cãi về việc cấm đoán hay hợp pháp hóa mại dâm. Trước đó một thế kỷ, Vũ Trọng Phụng, được mệnh danh là “Ông vua phóng sự đất Bắc,” đã đề cập vấn đề mại dâm qua phóng sự Lục Xì. Ông cho rằng, khi người Pháp kiến thiết nền kinh tế thuộc địa, quá trình thương mại hóa đã tiếp tục biến tình dục thành hàng hóa với sự tràn lan về bệnh truyền nhiễm. Theo giáo sư Shaun K. Marlaney, Vũ Trọng Phụng đã chỉ ra những vấn đề trên là căn nguyên trọng tâm của những thao thức về hiện trạng văn hóa và xã hội ở Hà Nội thuộc địa.

Dựa trên quan sát thực tế, Vũ Trọng Phụng miêu tả hai hệ thống song song về mại dâm. Thứ nhất, những cô gái hành nghề mại dâm làm việc cho các tú bà ở hàng loạt các “nhà thổ” bên trong và ngoại vi Hà Nội. Thứ hai, Phụng trình bày hệ thống kiểm soát mại dâm được thiết lập với hai thứ: đội an ninh chuyên bắt bớ phụ nữ hành nghề và hệ thống nhà “lục xì” nhằm chữa trị bệnh tình dục. Hai hệ thống đan xen này thể hiện sự cạnh tranh giữa sự thương mại hóa tình dục và chương trình về y tế công cộng của chính quyền thuộc địa.

Phòng dược Trường Y Hà Nội năm 1930. Nguồn ảnh: Tài khoản Flickr manhhai.

Sau khi phỏng vấn những bác sĩ và khảo sát các tài liệu, Vũ Trọng Phụng nhận ra đa phần những cô gái hành nghề mại dâm không phải vì tính cách hư hỏng, nhưng vì nghèo khó hoặc đi biệt xứ mà phải làm công việc bị gọi một cách dè bỉu như “đĩ,” “điếm,” “kỹ nữ,” hoặc nhẹ nhàng hơn là “gái giang hồ.” Họ thường xuyên đối mặt với sự đe dọa an toàn thể chất và phải hứng chịu các hành vi tình dục thô bạo.

Quan trọng nhất, những phụ nữ này thiếu hẳn các kiến thức y học để chăm sóc sức khỏe tình dục cá nhân. Thậm chí, nhiều cô ngần ngại khi khám phụ khoa, hoặc cố tình tìm cách giấu bệnh để tiếp tục mưu sinh. Hơn nữa, sự bao che của nam giới thượng lưu với mại dâm càng khiến vấn đề truyền nhiễm bệnh tình dục tràn lan. Vì vậy, sự áp đặt kiểm soát tình dục chỉ lên phụ nữ hành nghề mại dâm với góc nhìn thành kiến lại chẳng hề là chính sách hữu hiệu.

Cảnh khám bệnh trong nhà lục xì dưới thời Pháp. Nguồn: University of Hawaii Press.

Bằng cách miêu tả một Hà Nội “Sodome," thành phố tội lỗi của thập niên 1930, Vũ Trọng Phụng cho rằng cách tiếp cận mại dâm dù là ngó lơ để nó tự do, hay cấm đoán nó, hoặc cố gắng áp chế đều có khiếm khuyết. Điều quan trọng nhất là phổ cập sự giáo dục về sức khỏe tình dục, xây dựng hệ thống y tế công cộng để sàng lọc, và từng bước thắt chặt hoạt động mại dâm với các đạo luật bình đẳng và nhân văn hơn.

Hiện ở Việt Nam, mại dâm vẫn thuộc khu vực kinh tế ngầm, liên đới với các tệ nạn ma túy, môi giới và buôn người. Trong khi đó, các biện pháp ngăn cấm hoặc hợp thức hoá mại dâm cũng đều có khiếm khuyết. Như vậy, thực sự mại dâm là vấn đề hay các thiết chế trục lợi từ mại dâm mới là mấu chốt?

“Dâm hay không dâm?”

Ngay từ khi Vũ Trọng Phụng xuất bản các phóng sự và tiểu thuyết đến tận thập niên 1980, nhiều ngòi bút đã công kích tác phẩm của ông bằng từ “dâm uế” và “suy đồi.” Đặc biệt, một ký giả thuộc Tự Lực Văn Đoàn từng chỉ trích truyện của Vũ Trọng Phụng là “bẩn thỉu, nhơ nhớp, dơ dáy.” Để phản biện lại sự bài xích, Phụng đăng đàn để đáp lời báo Ngày nay: Dâm hay là không dâm? Trong đó, ông chỉ trích “tiêu chuẩn kép” trong xã hội khi lạm dụng thuật ngữ “bình quyền” nam nữ, “giải phóng” nhưng thực tế vẫn giữ những định kiến hẹp hòi.

Dù sử dụng giọng văn châm biếm, thậm chí là lên giọng "dạy đời," Vũ Trọng Phụng đã nói lên một điều: trong một xã hội chuyển mình giữa các nền văn hóa khác biệt, sự khủng hoảng các chuẩn mực đạo đức là điều khó tránh khỏi, đặc biệt trong lĩnh vực tình dục.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tình dục là sai trái. Tình dục là điều tốt đẹp, nhưng việc phớt lờ, ngăn cấm, gán nhãn dơ bẩn cho nó mới dẫn đến sự khủng hoảng tình dục. Kết một lời, tôi mượn lời của học giả Phan Khôi, người từng bảo vệ cho quan điểm của Vũ Trọng Phụng, để gợi lên suy nghĩ cho độc giả: “Chẳng phải chính mình nó [tình dục] là xấu-xa, mà bởi người ta đã nhân nó mà chuốc lấy sự xấu-xa, cho mình.”

Bài viết liên quan

in Trích or Triết

Một thế hệ can đảm trong thế giới khắc nghiệt qua ngòi bút Lan Khai

Ồ, tại sao người ta cứ lẩn thẩn tìm mãi cho đời mình một mục đích? Mục đích của sự sống chẳng phải chính là sống đấy ư? Sống một cách đầy đủ, không bị đè nén, không bị trói buộc, không bị ép uổng dùng...

in Trích or Triết

Triết lý phồn thực và tiếng nói phản kháng trong thơ Hồ Xuân Hương

“Cái tên Xuân Hương cứ gợi lên trong trí óc ta một người còn trẻ, ta cảm thấy gọi ‘bà’ là không ổn; trong ý niệm của ta, Xuân Hương không bao giờ già; ta thích gọi bằng ‘nàng’ bằng ‘cô’; đẹp hơn hết, ...

in Trích or Triết

Đọc Nguyễn Tuân để chiêm nghiệm cách sống giữa một thế giới bất định

"Bầu trời khô sáng và nền trời xanh gắt mầu biếc cánh chả kia muốn biến tôi hóa làm con chim bằng. Nó thúc giục tôi đừng đứng im. Muốn dời đi đâu thì đi, miễn là đừng ở mãi chốn này. Phải thay đổi."

in Văn Chương

Gói ghém kho tàng văn học đồ sộ Việt Nam trong cạc bo góc của Nhã Tự

Bắt nguồn từ văn hóa thần tượng Hàn Quốc, những chiếc “cạc bo góc” (photocard — thẻ in hình nghệ sĩ) được nhiều người trẻ sưu tầm bởi sự nhỏ gọn và xinh xắn của chúng. Nắm bắt được trào lưu này, Nhã T...

in Trích or Triết

Dục vọng, ngoại tình, và hôn nhân qua lăng kính của Hồ Biểu Chánh

“Ái tình về hình thức mỏng mảnh lắm, phải ái tình về tinh thần kìa, mới bền chặt” — Hồ Biểu Chánh.

in Trích or Triết

Nỗi đau và khát vọng hạnh phúc qua ngòi bút Nam Cao

Một nhà văn trẻ thời thuộc địa muốn nói gì về xã hội, đau khổ và hạnh phúc với người trẻ thế kỷ 21? 

Đồng Sáng Tạo

in Giáo Dục

Trường Quốc tế Anh BIS Hà Nội khai mở tiềm năng ở học sinh qua các môn nghệ thuật biểu diễn

Trong một lớp học nhảy, không phải học sinh nào cũng muốn theo đuổi sự nghiệp làm vũ công chuyên nghiệp, nhưng đây là một cơ hội cho các em rèn luyện những kỹ năng phát triển bản thân để sẵn sàng cho ...

in Giáo Dục

Phương pháp giúp trẻ phát triển trí tuệ cảm xúc và kỹ năng xã hội tại Trường Quốc tế Saigon Pearl

Vai trò của trường học là gì? Đầu tiên đó là truyền đạt cho trẻ em kiến thức và những kỹ năng cần thiết để khi trưởng thành, các em có thể tự lập, tự nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng giáo dục khô...

in Giáo Dục

Những ưu tiên quan trọng trong chương trình giáo dục bậc tiểu học tại trường Quốc tế Anh BIS Hà Nội

Có thể nói hai mối quan tâm hàng đầu của đa số phụ huynh đối với việc học của con em là điểm số các kỳ thi và khả năng đậu đại học. Thành tích học tập quả thật rất quan trọng, nhưng không phải là tất ...

in Giáo Dục

Khám phá ngành nhà hàng-khách sạn qua khóa học Junior Academy tại trường EHL, Thụy Sĩ

“Em từng là một người rụt rè... nhưng nhờ EHL, em đã có cơ hội gặp bạn bè đến từ nhiều nơi trên thế giới và có được kinh nghiệm làm việc qua kỳ thực tập. EHL giúp em vươn ra khỏi vùng an toàn và tự ti...