Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Trích or Triết » Triết lý phồn thực và tiếng nói phản kháng trong thơ Hồ Xuân Hương

Triết lý phồn thực và tiếng nói phản kháng trong thơ Hồ Xuân Hương

“Cái tên Xuân Hương cứ gợi lên trong trí óc ta một người còn trẻ, ta cảm thấy gọi ‘bà’ là không ổn; trong ý niệm của ta, Xuân Hương không bao giờ già; ta thích gọi bằng ‘nàng’ bằng ‘cô’; đẹp hơn hết, ta muốn gọi bằng hai tiếng Xuân Hương.” — Xuân Diệu

Từ cuối thế kỉ 18 đến nửa đầu thế kỉ 19 là một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử nước nhà: triều Lê suy tàn, Tây Sơn trỗi dậy, nhà Nguyễn thành lập và sơn hà được nối lại sau trăm năm chia cắt. Các trung tâm kinh tế như Kẻ Chợ, Phố Hiến, Hội An xuất hiện với sự lớn mạnh của tầng lớp thị dân có cách nghĩ và lối sống cởi mở.

Tranh minh hoạ Hồ Xuân Hương của Camelia Phạm.

Giữa bối cảnh triều đình đang nỗ lực níu kéo địa vị của nhà nước phong kiến và tư tưởng Nho giáo trong không gian văn hóa và đời sống của người dân, trong giới văn nghệ bắt đầu xuất hiện một tầng lớp thi sĩ tài tử mang tư tưởng tự do, ít chịu khép mình trong lễ giáo và mạnh dạn khẳng định tài năng cá nhân.

Trong số đó, đặc biệt hơn cả là nữ sĩ Hồ Xuân Hương với những vần thơ phóng khoáng mà các nhà Nho đương thời xem là “thi trung hữu quỷ” (“quỷ” nghĩa là cái khác thường, lệch chuẩn).

"Thi trung hữu quỷ"

Trong bốn kỳ nữ của văn học trung đại Việt Nam bao gồm Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan và Sương Nguyệt Anh, Xuân Hương là người duy nhất mà xuất thân và cuộc đời không được ghi lại trong bất kỳ tài liệu chính thống nào. Tất cả những gì chúng ta biết về Xuân Hương đều là những mảnh giai thoại chắp vá.

Chiếu theo Giai Nhân Di Mặc của Nguyễn Hữu Tiến, Hồ Xuân Hương xuất thân từ một gia đình “thường thường bậc trung” tại Thăng Long (Hà Nội), là con gái của sinh đồ Hồ Phi Diễn, người gốc Nghệ An, và người vợ lẽ quê Bắc Ninh. Tuy vậy, Xuân Hương phải là người sống gần gũi với nhân dân lao động, không bị ảnh hưởng bởi lễ giáo nơi “cửa Khổng sân Trình,” mới có thể viết ra những vần thơ dân dã như vậy.

Bìa tác phẩm Giai Nhân Di Mặc, tiểu sử Hồ Xuân Hương
viết bởi nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Tiến.

Đến khi lấy chồng, Xuân Hương cũng làm lẽ, chẳng những một mà còn đến hai lần và cả hai lần đều ngắn ngủi, không hạnh phúc. Cuộc đời riêng lận đận giữa một xã hội rối ren và suy đồi là nguồn động lực và cảm hứng để Hồ Xuân Hương họa nên cuộc đời chung của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến bằng những vần thơ vừa trữ tình duyên dáng, vừa trào phúng chua cay lại mang đậm nét nổi loạn, phong lưu. Đó là tiếng lòng phản kháng đối với xã hội đầy khuôn phép đã kìm hãm cái tôi cá nhân, nhất là đối với phụ nữ.

“Tiếng gà xao xác gáy trên vòm,
Oán hận trông ra khắp mọi chòm.
Mõ thảm không khua mà cũng cốc,
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om.
Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ,
Sau hận vì duyên để mõm mòm.
Tài tử văn nhân ai đó tá,
Thân này đâu đã chịu già tom.”
(Tự tình 1)

Để cho thấy địa vị thơ Hồ Xuân Hương trong lòng nhân dân không hề thấp, Nguyễn Khuyến đã so sánh thơ Hồ Xuân Hương với thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ qua 4 câu thơ chữ Hán, được tạm dịch như sau:

“Thi thánh thi tiên thế hữu truyền
Tung hoành thi quỷ thị hy nhiên
Thế nhân tuổi thánh xung tiên mỹ
Thi quỷ thùy tri ức thánh tiên”

“Thơ tiên thơ thánh đời có truyền
Ít thấy thơ ma lẽ hiển nhiên
Người đời ngưỡng mộ thánh tiên đẹp
Ai biết thơ ma át thánh tiên”

Những người yêu truyện Kiều của Nguyễn Du không ai là không biết đến lời khấn quen thuộc của trò bói Kiều: “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều.” Nếu nàng Kiều của Nguyễn Du trong con mắt của một số nhà Nho đương thời là “Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm” (Nguyễn Công Trứ) mà vẫn được dân gian trân trọng gọi là “tiên” trong thì cái “thơ ma” của Xuân Hương đã sống dưới sự bảo bọc của tầng lớp bình dân, được cất giữ trong trí nhớ và truyền tụng mãi từ đó về sau.

Những suy tư, tình cảm được Xuân Hương giải phóng trong thơ cũng là những thứ hiện diện ngấm ngầm trong tâm tưởng nhân dân. Nguyễn Tuân gọi những thứ được phản ánh trong thơ Xuân Hương là “cái hiện thực đa âm đa dương,” tiệm cận với chủ nghĩa nhân văn và ý thức nữ tính hiện đại.

Phồn thực — "Ăn" được "ngủ" được là tiên

“Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc,
Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm.”
(Hang Cắc Cớ)

Trong tập sách Các Nhà Thơ Cổ Điển Việt Nam, Xuân Diệu gọi thơ Hồ Xuân Hương là thứ thơ “muốn lặn thật sâu vào những đáy kín thẳm của tâm tư.” Để “lặn sâu vào những đáy kín thẳm” ấy, Hồ Xuân Hương đã tìm về một trong những hệ thống biểu tượng lâu đời, xuất hiện từ những buổi đầu của nền văn minh, đó là tín ngưỡng phồn thực. Nho giáo là hệ tư tưởng giúp các triều đại phong kiến đạt đến cường thịnh về văn hóa, kinh tế, v.v Và nó cũng kìm hãm tư tưởng và văn hóa dân gian bản địa.

Từ đó, những nhu cầu và niềm tin từ xa xưa của người Việt cũng ẩn mình và rơi vào quên lãng. Vào đầu thế kỉ 19, sự xuất hiện của tầng lớp thị dân mang tư tưởng tự do và những nhà Nho thị tài khơi dậy nền văn hóa dân gian, “mảnh đất tốt ươm mầm cho những hoài niệm phồn thực.” Văn hóa phồn thực gợi nhắc trong ta những nhu cầu cơ bản tưởng đã bị lãng quên.

Chạm khắc 'Tiên cưỡi rồng'mang yếu tố phồn thực
tại đình Thắng, Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Những biểu tượng phồn thực là nỗi ám ảnh của Xuân Hương, xuất hiện toàn diện, đa dạng và phong phú, có thể được phân loại thành nhiều kiểu: biểu tượng liên quan đến cơ quan sinh sản (hang, động, giếng, lỗ, cái quạt, miệng túi; quả cau, sừng, cán cân, dùi trống, cọc, hòn đá, v.v.); hành vi tính giao (đánh đu, dệt cửi, đánh trống, húc, trèo, nứt làm đôi, chen chân xọc, cúi lom khom, v.v.); thân thể phụ nữ (bánh trôi, quả mít, mặt trăng, bồng đảo, v.v.); thời điểm nhân học (dậy thì, lấy chồng, có chửa, chồng chết, v.v.)

“Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc,
Ðốt đèn lên đánh cuộc cờ người.
Hẹn rằng đấu trí mà chơi,
Cấm ngoại thuỷ không ai được biết.”
(Đánh cờ)

Tác giả Đỗ Lai Thúy trong khảo cứu “Hồ Xuân Hương, hoài niệm phồn thực” nhận định thơ Hồ Xuân Hương không dừng lại ở những ý nghĩa phồn thực thể hiện qua các biểu tượng mà còn thể hiện mong muốn trân trọng vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ và lắng nghe tiếng nói thẳm sâu kêu đòi cho quyền sống cá nhân.

Nếu thân thể nàng Kiều được Tố Như miêu tả một cách tổng quát là “Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” trong phân đoạn tắm dưới ánh trăng thì trong ‘Vịnh nằm ngủ’ (hay ‘Thiếu nữ ngủ ngày'), Xuân Hương đã họa nên vẻ đẹp thanh tân, hài hòa của người con gái đương độ xuân thì một cách rõ ràng hơn cả.

“Mùa hè hây hẩy gió nồm đông,
Tiên nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Lược trúc biếng cài trên mái tóc,
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.
Ðôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm,
Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông.
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,
Ði thì cũng dở ở sao xong.”
(Vịnh nằm ngủ)

Xiêm y phổ biến của phụ nữ Bắc Bộ thế kỷ 19–20 là váy và áo yếm. Nguồn ảnh: tài khoản Flickr manhhai.

Sự phô bày thân thể một cách vô ý và tự nhiên, nửa kín nửa hở nhưng không hề lõa lồ mà có phần tinh nghịch, duyên dáng. “Lược trúc biếng cài,” “yếm đào trễ xuống” làm lộ ra “gò Bồng Đảo,” “lạch Đào Nguyên” khiến người quân tử chẳng màng lời dạy của Nho gia, cứ “dùng dằng” ngắm mãi cái đẹp trời cho này.

Xuân Hương biết rằng cái đẹp, nhất là cái đẹp thân thể của phụ nữ, rất mỏng manh và thoáng chốc nên đã đặt cái hữu hạn đó cạnh bên những gì vĩnh cửu, trường tồn để ngợi ca vẻ đẹp của con người, đồng thời thể hiện nỗi băn khoăn khi đối diện với thế giới. Trong thơ Xuân Hương, thân thể và số phận của người phụ nữ thường gắn với thiên nhiên và vũ trụ, phổ biến hơn cả là vầng trăng.

“Trải mấy thu nay vẫn hãy còn,
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn?
Hỏi con Bạch Thố đà bao tuổi?
Hỏi chị Hằng Nga đã mấy con?
Đêm tối cớ sao soi gác tía?
Ngày xanh còn thẹn mấy vầng tròn
Năm canh lơ lửng chờ ai đó?
Hay có tình riêng mấy nước non?”
(Vấn nguyệt)

Càng ca ngợi những gì là tự nhiên như thân thể, tính dục, hạnh phúc cá nhân thì càng phải chống lại những gì là phản tự nhiên. Hồ Xuân Hương nói lên tiếng nói phản kháng, thiết tha với cuộc sống trong xã hội áp bức, áp đặt vào phụ nữ nhiều cấm đoán. Đầu tiên, Hồ Xuân Hương trách móc sự vô tình của tạo hóa, tiếp đó là sự phản tự nhiên do xã hội, đạo đức áp đặt lên con người.

Trong ‘Vịnh vô âm nữ,’ Xuân Hương chế giễu tự nhiên sinh ra một sản phẩm bất toàn: hình hài con người không có sinh thực khí. Trong truyền thuyết Á Đông, Ngọc Hoàng Thượng Đế đã giao nhiệm vụ đó nặn nên con người từ chất tinh túy của vạn vật cho mười hai bà mụ.

Với tất cả sự tinh túy ấy, mười hai bà lại “ghét nhau” đến nỗi nặn ra một con người khiếm khuyết. Ẩn sau lời chế giễu, trách móc “sự tắc trách” của thần linh, của tạo hóa là niềm ủi an, cảm thông cho người phụ nữ trong xã hội bất bình đẳng và đòi quyền sống theo lẽ tự nhiên.

“Mười hai bà mụ ghét gì nhau,
Đem cái xuân tình cắm ở đâu.
Rúc rích thây cha con chuột nhắt,
Vo ve mặc mẹ cái ong bầu.
Nào ai biết được vông hay chóc,
Nọ kẻ chia ra cuống mấy đầu.
Thôi thế thời thôi thôi cũng rảnh,
Trăm năm càng khỏi tiếng làm dâu.”
(Vịnh vô âm nữ)

Triết học tự nhiên của Hồ Xuân Hương đặt trọng tâm vào tín ngưỡng phồn thực, đề cao sự sinh sôi nảy nở, đề cao sức sống, sự trường tồn. Theo triết lý tự nhiên, con người phát triển theo thiên hướng riêng nhưng không tách rời khỏi thiên nhiên, cộng đồng. Và triết lý phồn thực là cách hiểu triết lý tự nhiên của Hồ Xuân Hương.

“Nhắn nhủ ai về thương đến mấy,
Thịt da ai cũng thế mà thôi.”
(Vịnh trống thủng)

Không phải ai mến mộ nữ thi sĩ cũng lĩnh ngộ rõ được triết lý này của bà. Triển lãm tranh “Cõi Hồ Xuân Hương” của đạo diễn Nguyễn Nghiêm Nhan và họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng diễn ra tại Hà Nội phải đóng cửa sớm sáu ngày trước những chỉ trích “dung tục và phản cảm” từ giới chuyên môn và khán giả.

Và đây không phải lần đầu tiên Hồ Xuân Hương và những vần thơ phóng khoáng của bà được diễn họa. Họa sĩ Bùi Xuân Phái lựa chọn chất liệu và phong cách mộc mạc để thể hiện cái hồn dân gian của Hồ Xuân Hương, còn họa sĩ Lê Lam từng sử dụng những nét vẽ thanh thoát, hiện đại để thể hiện tính cách mạng trong tư tưởng của bà. Nhưng ngược lại, hình dung của các cố hoạ sĩ về nhà thơ lại được đón nhận bởi giới mộ điệu vì sự tôn vinh nét đẹp không vẩn đục.

Tranh Bùi Xuân Phái minh họa cho bài thơ 'Tự tình' (trái) và 'Giếng nước' (phải) của Hồ Xuân Hương.

Những phản hồi tiêu cực dành cho “Cõi Hồ Xuân Hương” đến từ việc tác giả chỉ mô tả cái phồn thực như một biểu hiện bề ngoài mà không truyền tải được cái triết lý phồn thực và tiếng lòng phản kháng trong thơ của Hồ Xuân Hương, dẫn đến việc lựa chọn hướng khai thác và chất liệu không phù hợp.

"Lại đây chị dạy làm thơ"

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy chòm
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình son trẻ tí con con.”
(Tự tình 2)

Đầu thế kỷ 19, sơn hà được nối liền sau hơn trăm năm chia cắt. Triều đình ra sức củng cố quyền hành bằng cách áp dụng Nho học và văn hóa Hán trong mọi mặt của đời sống nhân dân nhằm thiết lập bộ máy quản lý vững chắc trên toàn vùng lãnh thổ rộng lớn từ Bắc chí Nam. Trong khi đó, sự lớn mạnh của tầng lớp thị dân tạo điều kiện cho chủ nghĩa cá nhân nở rộ trong giới văn nghệ sĩ và sự trỗi dậy của văn hóa dân tộc.

Để thể hiện tiếng nói của nhân dân, khẳng định sức sống của văn hóa dân gian bản địa, Hồ Xuân Hương đã “dân tộc hóa” một thể thơ bác học ngoại lai, đại diện cho phép tắc, khuôn mực. Thể Đường luật một thời bị xem là gò bó, ảnh hưởng đến sáng tạo, là mục tiêu phê phán của phong trào Thơ Mới. Vậy mà Xuân Hương đã thực hiện nghiêm chỉnh quy định phức tạp về luật-niêm-vần-đối, cùng quy tắc bố cục đề-thực-luận-kết chặt chẽ, mà vẫn biến hóa đa dạng.

Thơ của Hồ Xuân Hương viết bằng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ
trong ấn phẩm Xuân Hương thi tập, phụ danh gia ca vịnh.

Thơ Hồ Xuân Hương, với hệ thống từ láy thuần Việt, khẩu ngữ, ngữ pháp văn nói, ca dao, tục ngữ nhặt nhạnh từ đời sống thôn dã và văn học dân gian (lom khom, nhấp nhổm, chém cha, hay chăng chớ, này nhỉ, thôi đành, vậy xong, v.v.) đã mang lại sự sinh động, gần gũi với tâm tư người Việt.

Nếu thơ Đường sử dụng hình tượng thiên nhiên rộng lớn, thể hiện những quy luật mang tính phổ quát thì thơ Hồ Xuân Hương họa nên muôn mặt sinh động chi tiết và sinh động của đời sống: từ sự vật tầm thường (miếng trầu, trống thủng, bánh trôi) với sinh hoạt dân gian thường nhật (tát nước, dệt cửi, đánh đu) cho đến nhân vật đa dạng (thiếu nữ, người đàn bà khóc chồng, ông sư, quan thị). Hồ Xuân Hương hoàn thành quá trình cải cách thơ Đường luật của các thi sĩ thế hệ trước, biến thơ Đường luật thành thể thơ Nôm Đường luật thuần Việt.

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng,
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.
Năm chừng mười hoạ hay chăng chớ,
Một tháng đôi lần có cũng không.
Cố đấm ăn xôi xôi lại hỏng,
Cầm bằng làm mướn mướn không công.
Nỗi này ví biết dường này nhỉ,
Thời trước thôi đành ở vậy xong.”
(Lấy chồng chung)

Xuân Hương dành hơn nửa số sáng tác của mình để nói về thân phận người phụ nữ: những uẩn khúc của thân phận làm lẽ bị chà đạp, đối xử bất công (‘Lấy chồng chung’); tìm kiếm sự bình đẳng nam nữ trong tình yêu và hôn nhân (‘Ốc nhồi’); khuyến khích người phụ nữ vươn tới tự do, tự chủ trong các quan hệ ngoài khuê phòng (‘Họa Sơn phủ chi tác’).

Xuân Hương còn thể hiện thái độ miệt thị với thói hư tật xấu của những kẻ lộng quyền mà xã hội phong kiến đang che đậy như công tử nhà quan nhiều tiền nhưng ít chữ (‘Lỡm học trò’), dáng vẻ khoa trương của bọn quan võ (‘Ông cử võ’), cả nhà sư (‘Chế sư’) hay vua chúa cũng chẳng kiêng dè (‘Vịnh cái quạt’).

“Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ,
Lại đây chị dạy lối làm thơ.
Bướm non ngứa lợi châm hoa rữa,
Dê bé buồn sừng húc giậu thưa.”
(Lỡm học trò)

“Bác mẹ sinh ra vốn chẳng hèn
Tối tuy không mắt sáng hơn đèn.
Đầu đội nón da loe chóp đỏ
Lưng mang bị đạn rủ thao đen.”
(Ông cử võ)

‘Miếu Sầm thái thú’ (‘Đề đền Sầm Nghi Đống’) là một minh chứng cụ thể cho tiếng nói phản kháng trước sự cưỡng bức văn hóa, cảnh mục nát của chế độ phong kiến, cái bất công của xã hội phụ quyền trong thơ Hồ Xuân Hương. Thái thú Sầm Nghi Đống, tùy tướng của Tôn Sĩ Nghị trong cuộc chiến xâm lược nước ta của Đại Thanh, đã thắt cổ tự tử khi bị quân đội Tây Sơn đánh bại. Sau này, để giữ mối quan hệ bang giao hai nước, Quang Trung cho người Hoa lập miếu thờ.

“Ghé mắt trông lên thấy bảng treo,
Kìa đền Thái thú đứng cheo leo.
Ví đây đổi phận làm trai được,
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu.”
(Miếu Sầm thái thú)

Trước cái “bảng treo” và ngôi đền “cheo leo” chẳng hề uy nghi, Xuân Hương “ghé mắt” nhìn, rồi thốt lên bất ngờ “Kìa đền Thái thú” khi nhận ra sự thật hài hước rằng một tên giặc cướp nước, đã hèn nhát treo cổ khi bại trận cũng được hậu thế lập đền thờ cúng. Dù miệng gọi “thái thú” nhưng lại xưng “đây” như đối thoại với một người bằng vai phải lứa Hồ Xuân Hương trực tiếp chê bai sự nghiệp như này thì không xứng với một đấng nam nhi.

Vậy, ta thấy gì trong bốn câu thơ gãy gọn ấy? Đó là thái độ dè bỉu tính thỏa hiệp với văn hóa ngoại lai, bất phục tùng “thần linh” của nhà nước thế quyền, thách thức “sự nghiệp anh hùng” của nam nhi và nói lên khát vọng về một sự nghiệp vẻ vang của riêng người phụ nữ.

Một tiếng nói “phục hưng”

Bài thơ 'Khóc chồng làm thuốc' qua diễn hoạ đương đại trong tuyển tập Reckless Spring.

Hồ Xuân Hương đã góp một “tiếng nói phục hưng” vào thi đàn Việt đầu thế kỉ 19: tiếng lòng phản kháng của dân tộc trước sự cưỡng bức của văn hóa Hán, sự suy đồi của đạo đức phong kiến và hơn hết là sự phản kháng của người phụ nữ trước sự bất bình đẳng trong xã hội đương thời, xoáy vào những thói hư tật xấu của tầng lớp quý tộc, quan lại bằng giọng điệu mỉa mai, lấp lửng.

Triết lý phồn thực và chất liệu văn hóa dân gian được sử dụng để nói lên quan điểm bình đẳng trong tình yêu và hôn nhân, quyền tự chủ trong các mối quan hệ và tự do thể hiện tài năng cá nhân — một ý thức nữ tính tiệm cận với tư tưởng hiện đại. Hiểu về triết lý phồn thực của Hồ Xuân Hương để thấy được trọn vẹn tâm tư mà Xuân Hương muốn gửi gắm, không chỉ dừng lại ở những hình ảnh “dung tục” của hậu thế.

Bài viết liên quan

in Trích or Triết

Đọc Nguyễn Tuân để chiêm nghiệm cách sống giữa một thế giới bất định

"Bầu trời khô sáng và nền trời xanh gắt mầu biếc cánh chả kia muốn biến tôi hóa làm con chim bằng. Nó thúc giục tôi đừng đứng im. Muốn dời đi đâu thì đi, miễn là đừng ở mãi chốn này. Phải thay đổi."

in Trích or Triết

Mối tương tư da diết, nức nở, bất chấp định kiến trong áng thơ Xuân Diệu

“Dịu dàng, âu yếm, Xuân Diệu cầm cổ tay tôi, nắm chặt rồi vuốt lên vuốt xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối… Xuân Diệu yêu tôi.” 

in Trích or Triết

Nỗi đau và khát vọng hạnh phúc qua ngòi bút Nam Cao

Một nhà văn trẻ thời thuộc địa muốn nói gì về xã hội, đau khổ và hạnh phúc với người trẻ thế kỷ 21? 

in Trích or Triết

Xuân Quỳnh: Từ cảm quan tính nữ đến vẻ đẹp riêng tư

Trong mỗi giai đoạn phát triển của địa hạt thơ ca Việt Nam, những nhà thơ nữ luôn có những đóng góp tiêu biểu riêng và xác lập được một vị thế rõ ràng trong lòng độc giả. Sau Cách mạng tháng Tám ...

in Trích or Triết

Dục vọng, ngoại tình, và hôn nhân qua lăng kính của Hồ Biểu Chánh

“Ái tình về hình thức mỏng mảnh lắm, phải ái tình về tinh thần kìa, mới bền chặt” — Hồ Biểu Chánh.

in Trích or Triết

Tình dục, giáo dục giới tính và mại dâm qua giọng văn thẳng-mà-thật của Vũ Trọng Phụng

“Vấn đề nam-nữ giao-hợp phải đem ra giảng cho tuổi trẻ.”— Vũ Trọng Phụng