Sài·gòn·eer

BackĐời Sống » Môi Trường » Hy vọng và thách thức từ chiến dịch trồng 1 tỷ cây xanh ở Việt Nam

Hy vọng và thách thức từ chiến dịch trồng 1 tỷ cây xanh ở Việt Nam

Trong tháng 10 và tháng 11/2020, Việt Nam đã phải liên tiếp gánh chịu chín cơn bão nhiệt đới, dẫn đến tình trạng ngập lụt và sạt lở đất nghiêm trọng. Thiên tai đã khiến gần 200 người thiệt mạng và gây thiệt hại lên đến 1.5 tỷ USD.

Phát biểu trước Quốc hội vào ngày 10/11/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động chiến dịch trồng 1 tỷ cây xanh trên toàn quốc trong giai đoạn 2021–2025 với hy vọng tăng độ che phủ rừng, giảm thiểu lũ lụt và sạt lở đất trong tương lai.

Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”  đã trở thành chương trình hành động, đồng thời đặt ra những mục tiêu cụ thể như: bảo vệ hệ sinh thái, cải thiện cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về giống cây, địa điểm trồng, các bên tham gia và nguồn kinh phí vẫn chưa được công bố.

Tuy đề án được đưa ra để ứng phó với tình trạng thiên tai, lũ lụt đang ảnh hưởng nặng nề đến các khu vực miền núi và miền Trung, các công tác chính hiện lại đang diễn ra ở những khu vực khác.

Anh Tô Xuân Phúc, cố vấn cao cấp của tổ chức phi chính phủ Forest Trends, cho biết: “Theo như dự thảo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn [Bộ NN & PTNT], 85% cây xanh được quy hoạch cho các khu đô thị và khu công nghiệp, chỉ để lại 15% cho các vùng miền núi.” Anh nói thêm: "Tất nhiên các khu đô thị và khu công nghiệp cũng quan trọng, nhưng những khu vực ấy không đóng vai trò chủ chốt trong việc phòng chống và giảm thiểu các tác động của lũ lụt và sạt lở đất trong mùa bão."

Chỉ thị 45 của chính phủ nêu rõ sẽ tập trung trồng cây tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất và hành lang giao thông, nhưng không đề cập đến lý do vì sao chọn những địa điểm trên. Phần mở đầu của chỉ thị ghi nhận những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đến cuộc sống người dân, đồng thời nhận định “phát triển rừng quyết liệt hơn vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài”."

Không thể bàn cãi rằng thực trạng thiếu không gian xanh ở các khu đô thị Việt Nam luôn là một vấn đề nhức nhối. Ngay tại thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của cả nước, diện tích cây xanh trên đầu người chỉ đạt 0,55m2, thấp hơn hẳn so với con số 30m2 của Singapore. Trong khuôn khổ của chương trình, chính quyền thành phố đã bắt đầu trồng cây sau nhiều năm chặt hạ cây xanh để phát triển cơ sở hạ tầng.

Anh Phúc cho biết bản thân anh rất ngạc nhiên khi biết đề án chỉ tập trung chủ yếu vào các đô thị. Anh chia sẻ: “Khi nghe con số 1 tỷ cây xanh, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những cánh rừng mới.” Anh nói thêm rằng số lượng cây ấy có thể tạo ra 500.000 hecta rừng mới, nhưng kế hoạch của Bộ NN & PTNT chỉ đặt mục tiêu trồng 80.000 hecta rừng che phủ, số cây còn lại sẽ được đưa vào các khu vực đô thị.

Vào ngày 4/4, các lãnh đạo và tình nguyện viên đã đích thân trồng 23 cây xanh trong một công viên đang được xây dựng bên bờ sông Sài Gòn tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một phần trong kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021–2025. Theo kế hoạch, hầu hết số cây sẽ được trồng trong các khu vực đô thị.

Công tác trồng rừng ở Việt Nam

Các chiến dịch trồng cây dưới sự chỉ đạo của chính phủ ở Việt Nam có lịch sử lâu đời, bắt đầu từ năm 1959 với chiến dịch "Tết trồng cây" do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng.

Theo một báo cáo được thực hiện vào năm 2020 nhưng vẫn chưa được công bố về các chương trình trồng rừng quy mô lớn ở Việt Nam, chính phủ từng triển khai Chương trình 327 vào năm 1992. Đây là một chương trình trồng rừng trên toàn quốc kéo dài 5 năm, có kinh phí lên đến 68 triệu USD. Tuy nhiên, chương trình đã gặp nhiều sự phản đối do chú trọng việc trồng và khai thác các loài cây ngoại lai như bạch đàn và keo hơn việc đảm bảo an ninh lương thực cho người dân.

Năm 1998, chính phủ triển khai Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng hay dự án 661 trong giai đoạn 1998–2010 với kinh phí hơn 1,5 tỷ USD. So với Chương trình 327, chương trình này được nâng cấp đáng kể về quy mô thực hiện. Tuy nhiên, Chương trình đã không đạt được mục tiêu về diện tích trồng rừng. Bên cạnh đó, một số tỉnh đã khuyến khích người dân thay các loại cây bản địa có giá trị kinh tế ổn định bằng các giống cây ngoại lai, thường là cây chi keo, và trồng rừng theo mô hình độc canh. Theo mô hình này, các hộ nông dân nhỏ lẻ sẽ sẽ đốn trọc cả khu đất vào mỗi vụ thu hoạch định kỳ.

Cây keo chiếm phần lớn cảnh quan rừng của huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế.

Anh Nguyễn Quang Hòa chăm sóc cây giống tại nhà ở ngoại ô thành phố Huế. Khu vực này chủ yếu để độc canh cây keo nhưng vẫn trồng các loại cây bản địa xen lẫn với cây chi keo trên đất nhà.

Các hộ canh tác nhỏ đóng vai trò quan trọng trong lâm nghiệp Việt Nam vì chịu trách nhiệm quản lý đến một nửa diện tích rừng trồng của cả nước. Ở những vùng nông thôn của Huế, rừng trồng còn là nguồn thu nhập chính của người dân. Nhìn chung, rừng trồng không mang lại nhiều lợi ích cho môi trường bằng rừng tự nhiên: rừng trồng không phải là môi trường phù hợp cho động vật hoang dã, có khả năng phòng chống bão lũ kém hơn, và lưu trữ được ít carbon hơn.

Dù vẫn còn nhiều bất cập nhưng Chương trình 327 và 661 cũng đã mang lại một số tín hiệu khả quản. Theo thông tin từ báo cáo năm 2020 đã đề cập ở phần trên, độ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng từ 28%, tương đương 9,4 triệu hecta năm 1990, lên 42%, tương đương 14,6 triệu hecta năm 2020. Tổ chức Open Development Mekong cho biết diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng đều tăng lên trong khoảng thời gian này, nhưng diện tích rừng trồng tăng nhanh hơn. Tính đến năm 2016, rừng tự nhiên chiếm khoảng 71% tổng diện tích che phủ; trong số này chỉ có 0,25% là rừng nguyên sinh.

Pamela McElwee, phó giáo sư về Sinh thái Nhân văn tại Đại học Rutgers, New Jersey, Mỹ, đồng tác giả của báo cáo năm 2020, cho biết: “Đúng là độ che phủ rừng đã tăng lên. Nếu lấy đó làm thước đo thì có thể xem là chiến dịch tái trồng rừng đã phần nào thành công. Nhưng độ che phủ thôi vẫn không nói lên được điều gì về chất lượng rừng và tính bền vững của mô hình này.”

PGS. Pamela cũng chia sẻ rằng có sự khác biệt lớn giữa các vùng miền trong việc tái trồng rừng, một phần bởi địa lý Việt Nam vốn có sự phân hóa đa dạng. Trong khi nhiều nơi ở miền Trung hiện nay chủ yếu trồng cây keo, một giống cây ngoại lai, thì một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long đã thành công hơn trong việc mở rộng rừng, hoặc ít nhất là giữ được lớp phủ rừng ngập mặn tự nhiên nhằm bảo vệ các cộng đồng cư dân ven biển.

Cây ngập mặn được trồng mới ở tỉnh Trà Vinh. Đây là một phần trong những nỗ lực phủ xanh Đồng bằng sông Cửu Long không thuộc chương trình 1 tỷ cây xanh của chính phủ. Rừng ngập mặn là lá chắn bảo vệ người dân trước mực nước biển dâng cao và số lượng cơn bão ngày càng gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu.

Độc canh cây keo: lợi bất cập hại

Con đường vào xứ Huế được bao bọc bởi những ngọn đồi phủ rừng kéo dài đến tận đường chân trời. Tuy nhiên, khi quan sát kỹ hơn, ta có thể thấy hiện thực không phải như vậy: đồn điền nối tiếp đồn điền là những hàng cây keo bao phủ cả một vùng từ đất trũng, chân đồi đến đến đường biên giới gập ghềnh sát với Lào.

Cây keo không phải là loài thực vật bản địa của Việt Nam, nhưng đang chiếm một phần lớn diện tích rừng nơi đây. Có hàng nghìn hộ dân trồng cây keo theo chu kỳ thu hoạch bảy năm để dùng cho việc sản xuất giấy và gỗ.

Cần nói thêm rằng lâm nghiệp là ngành có vai trò quan trọng trong kinh tế nước ta. Tổng cục Lâm nghiệp đã đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 14 tỷ USD trong năm nay.

"Cây keo giúp người dân có thu nhập nhưng lại khiến đất trồng bị phân hóa, tạo nên tình thế thế lợi bất cập hại,” PGS. McElwee cho biết. “Những vùng khác [của Việt Nam] có các mô hình trồng rừng có thể duy trì sự đa dạng sinh học cho hệ sinh thái địa phương, ví dụ như mô hình rừng ngập mặn, nhưng với cây keo thì không: keo chỉ phát triển một mình mà không có loài thực vật nào khác sinh trưởng cùng; không thể xem là một khu rừng đúng nghĩa."

Thêm vào đó, thân keo cao và gầy, dễ bị gió lớn quật ngã và bật gốc, khiến cho nguy cơ sạt lở đất tăng cao.

Đường phố ở Thừa Thiên Huế thường xuyên xuất hiện xe tải chở gỗ.

Một rừng keo gần thành phố Huế bị chặt hạ để xây dựng đường cao tốc. Phát triển cơ sở hạ tầng vẫn là nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất rừng giảm cây xanh ở Việt Nam.

Huyện Hương Trà ở ngoại ô thành phố Huế đã chịu ảnh hưởng nặng nề do bão lũ năm ngoái. Khu vực đập thủy điện lân cận cũng liên tiếp xảy ra sạt lở đất khiến 17 công nhân bị mất tích và tử vong. Dù lực lượng cứu hộ và quân đội đã dồn sức đêm ngày nhưng đến nay chỉ mới tìm thấy thi thể của sáu nạn nhân.

Các chương trình trồng rừng trước đây đã tạo ra những vườn keo bạt ngàn chạy men theo những con đường nhỏ lởm chởm đất đá và đổ về thung lũng. Việc thu hoạch lần lượt theo chu kỳ đã tạo ra các khoảng đất trống xen kẽ giữa những vườn keo đang sinh trưởng cao đến 12 mét.

Một người nông dân xin phép giấu tên đã đồng ý chia sẻ với tác giả bài viết về câu chuyện trồng keo của mình.

“Tôi chuyển đến đây vào năm 2002 để trồng keo. Cây thu hoạch để làm giấy thì trồng trong bốn hoặc năm năm, để lấy gỗ thì phải hơn bảy năm. Lợi ích kinh tế thì không nhiều mà đất lại rất khó chăm sóc.”

Ngôi nhà bê tông đơn sơ nằm bên đường là minh chứng cho thu nhập ít ỏi của anh. Theo người nông dân này, nếu trồng 1 hecta keo trong 5 năm, anh có thể thu được khoảng 80 triệu VND tiền lãi, tức là khoảng 1,3 triệu VND/ tháng, và với anh, đó đã là một khoảng tiền kha khá. Anh hiện có khoảng 3 hecta keo, ngoài ra anh còn trồng thêm mít, xoài và chuối xung quanh nhà để có thêm thu nhập, vì đất ở đáy thung lũng màu mỡ hơn ở sườn đồi.

Anh nói: “Cây keo không giữ được nước và đất, nên trời mưa là đất tốt trôi đi hết. Cây nào trồng trên mấy chỗ cao nhất của ngọn đồi thi có khi phải mất mười năm mới cao được bằng một cây sống bảy năm ở chỗ thấp hơn."

Khi được hỏi liệu anh hoặc những người hàng xóm có trồng cây gì khác ngoài cây keo không, anh nói rằng mọi người chỉ biết có vậy: “Nhưng nếu có dự án trồng các loài cây khác thì tôi rất muốn biết.”

Những mảng rừng trọc xen kẽ với rừng keo cạnh hồ chứa nước ở huyện Hương Trà. Những khu vực như thế này vẫn được coi là rừng che phủ mặc dù chúng không mang lại nhiều lợi ích cho môi trường bằng rừng tự nhiên ở mọi khía cạnh: lưu trữ carbon, làm môi trường sống cho động vật hoang dã và chống xói mòn đất.

Trồng rừng hỗn loài

Trên thực tế, đã có nhiều nỗ lực trồng rừng như thế được triển khai trên khắp Việt Nam nhờ vào các tổ chức NGO về bảo tồn thiên nhiên như WWF-Việt Nam và PanNature, cũng như một số hộ nông dân nhỏ lẻ.

“Ở Việt Nam, chúng ta đã tập trung quá nhiều vào các dự án trồng cây với mục tiêu chính là tăng độ che phủ rừng, cứ chỗ nào có nhiều cây thì được coi là rừng. Đã đến lúc chúng ta chú trọng nhiều hơn đến chất lượng và tính bền vững của những dự án như vậy,” chị Nguyễn Hải Vân, phó giám đốc PanNature, chia sẻ. “Nếu như trước đây chúng ta trung thành với việc trồng các loại cây phát triển nhanh như keo, thì bây giờ chúng ta cần đặt câu hỏi về tính bền vững của giải pháp này.

PanNature đang làm việc với nhiều cộng đồng ở Tây Nguyên và miền núi Tây Bắc, đặc biệt là các nhóm dân tộc thiểu số, để phục hồi các phương pháp canh tác rừng truyền thống.

“Chúng tôi cố gắng khôi phục rừng và rất cẩn thận trong việc lựa chọn giống cây để cung cấp cho nông dân địa phương,” Chị Vân nói. “Chúng tôi xem xét các yếu tố như chất lượng đất, đặc điểm khí hậu của khu vực, hay khả năng thích ứng với hệ sinh thái mới của giống cây, và giá trị và lợi ích mà người dân có thể nhận được nếu họ trồng cây đó.”

Anh Nguyễn Đức Tố Lưu, trưởng phòng Quản trị tài nguyên của PanNature, nói rằng tổ chức không chỉ triển khai trồng cây gỗ mà còn trồng xen canh những loài cây bụi, cây thuốc và cây ăn quả. Phương pháp canh tác này giúp những cộng đồng sống dựa vào rừng trồng có nguồn thu nhập đa dạng hơn, đồng thời thoát được thế bị động từ việc trồng rừng độc canh.

Anh Lưu cho biết: “PanNature không hướng đến những khu đồn điền lớn trồng cây công nghiệp, mà thay vào đó là những dự án quy mô nhỏ do người dân địa phương thực hiện; dùng mô hình hỗn loài để trồng nhiều giống cây đa dụng chứ không phải chỉ cây gỗ. Chúng tôi không chỉ cung cấp cây giống; mà còn hướng dẫn người dân từ khâu ươm giống đến thiết kế rừng, rồi đến khâu chọn địa điểm và bảo vệ, chăm sóc rừng. Chúng tôi cố gắng gây dựng một mối quan hệ bền vững với các cộng đồng bảo vệ rừng ở đây.”

Anh Nguyễn Quang Hòa và anh Phan Hữu Tấn ở vườn keo của anh Tấn. Cây keo phía sau họ được trồng vào năm 2014 và được cắt tỉa vào năm 2018.

Còn ở Thừa Thiên-Huế, WWF-Việt Nam đang cộng tác với những nông dân như anh Hòa để xây dựng một phương pháp trồng rừng thay thế có thể làm mô hình mẫu cho chương trình 1 tỷ cây xanh.

Trong cuộc gặp tại nhà anh Hòa cạnh một nghĩa trang trong vùng đất thấp ở ngoại ô thành phố Huế, anh cho hay: “Chúng tôi vẫn trồng lại những cây keo đã khai thác, nhưng đồng thời chúng tôi cũng trồng xen vào những loài thực vật bản địa sống lâu năm hơn. Vì vậy, khi người dân muốn thu hoạch keo thì họ sẽ chặt những cây đó và để lại những cây khác.”

“Ngày xưa, tôi đi đốn cây ở cả Việt Nam và Lào nhiều lắm, bây giờ thì tôi muốn giúp trồng cây bù lại,” anh Tấn nói.

Với sự hỗ trợ từ WWF-Việt Nam, anh đã dành ra 7 hecta để trồng rừng hỗn hợp thay vì độc canh cây keo. Trên từng hecta của khu đất, cứ mỗi 3000 cây keo thì anh lại trồng xen kẽ 500 cây bản địa.

 Các cây bản địa như gụ Ấn Độ và dầu rái mới có một năm tuổi nên đứng lọt thỏm giữa rừng cây keo trưởng thành cao lớn xung quanh. “Tôi sẽ để các cây ấy phát triển đến đời con cháu mình,” anh Tấn nói. “Nhưng tôi không muốn trồng chúng trên quy mô quá lớn vì tôi không thể giám sát mọi thứ và sợ có người sẽ chặt trộm.”

Anh Tấn hy vọng sau này có thể mở rộng diện tích trồng hỗn loài lên 50 hecta, với mục tiêu bổ sung thêm hàng nghìn cây bản địa sống lâu năm vào khu đất nhà mình. Anh Hòa lại thận trọng hơn. Theo anh, nhiều người vẫn còn đặt giá trị kinh tế của cây keo lên trên lợi ích sinh thái mà các khu rừng hỗn loài mang lại.

“Những người có nhiều đất thì có thể tình nguyện dành một ít cho những dự án như thế này, nhưng nếu họ không có nhiều đất thì sẽ không làm đâu, vì họ biết nếu trồng cây bản địa thì đến con cháu họ mới được hưởng lợi,” anh nói. “Trồng keo thì mau sinh lời và họ không muốn mạo hiểm.”

Cây keo ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau trong khu đất của anh Phan Hữu Tấn.

Tương lai của chương trình trồng 1 tỷ cây xanh

Tuy những nỗ lực thoát khỏi tình trạng độc canh cây keo ở miền Trung nước ta đang diễn ra ở quy mô tương đối nhỏ, nhưng đó là xu hướng mà các chuyên gia lâm nghiệp như chị Vân, anh Phúc và PGS. Pamela muốn được nhìn thấy.

“Nếu muốn tạo nên những thay đổi bền vững, sở lâm nghiệp của các tỉnh cần phải nhận ra rằng keo không phải là loài cây thích hợp cho việc trồng rừng,” PGS. Pamela cho biết. “Keo không sống lâu năm hay bám rễ sâu, nhưng chúng ta không thể trông chờ người dân tự thay đổi cây trồng. Họ không có đủ khả năng tài chính để làm điều đó. Nếu chúng ta muốn có những cánh rừng đa dạng hơn để khai thác kinh tế, trước hết chúng ta phải giúp người dân trang trải cuộc sống trong lúc đợi thu hoạch gỗ."

Tuy chưa biết chương trình 1 tỷ cây xanh sẽ trồng loại rừng nào ở các vùng cao, anh Phúc đến từ Forest Trends cho biết việc tìm đất trống để trồng cây mới chính là thách thức lớn nhất.

“Trên thực tế, có rất nhiều đất có thể dùng để trồng rừng nhưng những đất này chủ yếu là do các hộ gia đình quản lý và mình không thể bắt họ trồng theo ý mình được.” Anh nói: “Trên giấy tờ có khoảng 1 triệu hecta do chính quyền địa phương quản lý, nhưng thực ra đất đã được phân hết cho người dân làm canh tác. Việc tìm được đất trống cực kỳ khó khăn và đây cũng là một trong những lý do Dự án 661 thất bại — đơn giản là vì không có đủ đất để trồng cây.”

Anh Phúc cho rằng đây là lý do chính khiến chính phủ dành một phần lớn trong số 1 tỷ cây ấy cho các khu vực đô thị, mặc dù chương trình được đề xuất để ứng phó với thiên tai (sạt lở đất, lũ lụt) đã tàn phá nặng nề nhiều địa phương vùng cao.

Có lẽ, chương trình trồng cây quốc gia sẽ mang lại nhiều lợi ích nhất cho các cư dân của những thành phố đang phát triển. Việc bổ sung các mảng xanh sẽ giúp chống lại tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng và giảm hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị” do sự phát triển ồ ạt gây ra.

Trong lúc đó, các cơn bão hằng năm được dự đoán sẽ trở nên khắc nghiệt hơn nữa do tác động của biến đổi khí hậu. Và những người nông dân như anh Hòa, anh Tấn vẫn sẽ là người chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Cây bản địa một năm tuổi trong đồn điền của anh Phan Hữu Tấn.

Bài viết được thực hiện với sự hỗ trợ từ Quỹ Báo chí Rừng nhiệt đới hợp tác cùng Trung tâm Pulitzer. Phiên bản tiếng Việt được Urbanist dịch lại từ bản gốc tiếng Anh đăng tải trên Mongabay theo giấy phép Creative Commons. Bạn đọc có thể đọc bản gốc tại đây.

Bài viết liên quan

in Môi Trường

Mô hình khôi phục rừng địa phương ở Sơn La giành giải thưởng môi trường trị giá 25.000EUR

Một phương pháp bảo tồn độc đáo tại tỉnh Sơn La được dự đoán có thể trở thành mô hình mẫu cho công tác bảo tồn rừng và đa dạng sinh thái trên khắp Việt Nam.

in Môi Trường

Bộ truyện tranh về bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam sắp được xuất bản tại nước ngoài

Bộ truyện kể về những chuyến phiêu lưu của cô bé Chang, một nhà bảo tồn động vật hoang dã nhỏ tuổi.

in Môi Trường

Bức ảnh san hô Phú Yên của nhiếp ảnh gia Việt đạt giải của Hiệp hội Sinh học Hoàng gia Anh

Gần đây, nhiếp ảnh gia Trương Hoài Vũ đã đạt giải nhì ở hạng mục "Nhiếp ảnh gia của năm" trong cuộc thi nhiếp ảnh do Royal Society of Biology (Hiệp hội Sinh học Hoàng Gia Anh) tổ chức.

Paul Christiansen

in Môi Trường

Có diện kiến hòn đá cổ xưa nhất Việt Nam, mới thấy rằng ôi ta còn trẻ trung chán

Trong lúc tôi đang bồi hồi nhớ lại lần cuối mình gửi bưu thiếp là khi nào, một đồng nghiệp tại Saigoneer buột miệng chia sẻ rằng từ lúc sinh ra, em còn chưa được thấy mặt mũi con tem, chứ đừng nói đến...

in Môi Trường

Gặp gỡ 'biên tập viên Tê Tê' có tài bắn rap siêu mượt trên bản tin về động vật hoang dã

  Một chiến dịch kêu gọi cộng đồng bảo vệ loài tê tê đã tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để lan tỏa thông điệp ý nghĩa đến mọi người.

in Môi Trường

Loài thực vật mới được phát hiện ở khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh Thừa Thiên-Huế

Nếu bạn tìm thấy một loài thực vật mới, bạn sẽ đặt tên nó là gì?