Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Nghệ thuật vĩnh cửu trong tranh của họa sĩ gốc Việt Ann Phong

Nghệ thuật vĩnh cửu trong tranh của họa sĩ gốc Việt Ann Phong

Có hai thứ khiến người Việt lớn tuổi ở Little Saigon bối rối: nghệ thuật và ẩm thực sáng tạo, bởi chúng lạ lẫm đến mức phản cảm. Một sự lạ lẫm vượt ngoài sức chịu đựng của họ. 

Người già thường đắm đuối với quá khứ. Mỗi hoài niệm có thể khiến họ thổn thức, hân hoan, và mơ mộng như thể thời gian đang ngừng trôi. Để xem, nếu là thức ăn Việt Nam: chỉ có cơm, nước mắm, và rau muống mới là những món tinh tuý hảo hạng có thể đưa vị giác và cảm xúc của họ lên chín tầng mây. Mọi sự pha trộn, bất kể sáng tạo đến đâu, đều lạc lõng. Nghệ thuật cũng vậy.

Ann Phong chưa từng muốn trở thành người xa lạ. Nhưng cô phần nào vẫn cảm thấy lạc lõng ở Little Saigon. “Người Việt tị nạn, dù đã trải qua nhiều thế hệ, vẫn chưa mấy thay đổi,” cô chia sẻ. “Thế hệ trước hầu như không muốn vượt ra ngoài vùng an toàn của văn hoá Việt hay trân trọng những loại hình nghệ thuật mang tính sáng tạo.”

'Our Ocean, Your Ocean' (Tạm dịch: Biển Của Tôi, Biển Của Bạn), tranh vẽ acrylic kết hợp cùng một số vật dụng.

Có lẽ Ann Phong đã phải lặng lẽ gặm nhấm muộn phiền trên gác trọ nếu cô không tham gia giảng dạy ở Khoa Mỹ thuật của Đại học Bách khoa California, Pomona. Cô dạy học để sống và nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật của mình. Sống giữa một cộng đồng nơi nghệ thuật bị xem là phù phiếm và nghệ sĩ là những kẻ lông bông, Ann Phong thấy mình như người xa lạ. Nhưng cô không màng. Cô vẽ lên những nỗi đau. Sự trốn chạy là nỗi đau. Tai nạn ô tô ngày nào là một nỗi đau khác. Dường như niềm đau đã trở thành định mệnh đối với Ann Phong, bởi nghệ thuật và cuộc đời cô thăng hoa rực rỡ từ những nỗi đau như thế.

Đối với người Việt tị nạn, đại dương vào những đêm không trăng là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Đó là bóng đêm sâu thẳm mịt mùng mà bất kỳ ánh sáng nào cũng có thể báo hiệu chết chóc. Tranh của Ann Phong ẩn chứa một sự bất trắc, đôi khi khiến ta thảng thốt, u hoài bởi những vang vọng mãi dội về trong tâm tưởng. Cô tái hiện một đại dương giận dữ đang nhấn chìm những con tàu và một biển người đang vẫy vùng trong tuyệt vọng. Có ai muốn sống lại những khoảnh khắc hãi hùng đó? Và những bức tranh như vậy thường sẽ không tìm được chủ nhân mới cho mình, bởi những người sưu tầm tranh hầu như đều không đủ can đảm để tìm về ký ức đầy bão tố của họ thêm một lần nào nữa.

Những nét cọ táo bạo của Ann Phong như ai oán, thở than trước một đại dương đang dần mất đi màu xanh vì ngập ngụa rác rến. Dầu loang, cá chết, chai lọ, những ngọn sóng đỏ ngầu như máu. Nỗi đau của biển. Tranh của cô như một lời oán thán: “Ai đang giết chết đại dương?” 

Nghệ thuật của Ann Phong lên án sự tàn bạo và vô cảm của con người với môi trường sống. “Tôi vẽ về sự xa hoa, bàng quan và ngu muội của con người – những thứ đang huỷ hoại thiên nhiên của chúng ta,” cô bộc bạch. Ann Phong tiếc thương từng sinh vật đã mất đi sự sống, đem xác của chúng làm chất liệu cho những tác phẩm nghệ thuật của mình và tạo ra một không gian vừa chân thật vừa mờ ảo, gieo vào tâm trí người xem một nỗi ám ảnh khôn nguôi ngay cả khi họ đã bước đi và rời mắt khỏi những bức tranh đó.

Sự pha trộn màu sắc và chất liệu thiên nhiên của Ann Phong vô cùng độc đáo, gợi nên một độ sâu quyến rũ hoà quyện với triết lý nghệ thuật của cô trong từng tác phẩm. Đó hoàn toàn không phải là tiểu xảo nghệ thuật của Ann Phong, vì chưa khi nào những người Việt lớn tuổi buồn đoái hoài đến những tác phẩm của cô, bởi họ không tìm thấy ở nghệ thuật của Ann Phong những hoài niệm thân thuộc mang hình bóng quê nhà như ao sen, cô gái bên hoa huệ hoặc chú bé trên lưng trâu. “Sao cô không vẽ những hình ảnh quen thuộc đó? Vẽ thế mới tha hồ hái ra tiền chứ,” một ông lớn tuổi ghé thăm phòng tranh của Ann Phong một ngày nọ, trước khi nhếch mép cười và khinh khỉnh bỏ đi, đã khuyên cô thật lòng như thế. Ann Phong lại lặng lẽ treo từng bức tranh của mình lên, hết bức này đến bức khác, như treo lên những niềm hi vọng.

“Thế hệ trẻ người Mỹ gốc Việt ở Little Saigon đam mê nghệ thuật hơn.” Ann Phong là cựu chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật của người Mỹ gốc Việt (VAALA, 2009-2018). Cô chia sẻ. “VAALA ngày càng thu hút thêm nhiều tình nguyện viên trẻ tuổi. Các bạn không nói được tiếng Việt nên muốn tôi giới thiệu tác phẩm của mình bằng tiếng Anh.” Ann Phong đã làm như thế. Và những cuộc triển lãm tranh của cô đã mê hoặc rất nhiều khách tham quan trẻ tuổi. Ann Phong tự xếp mình vào hàng ngũ những nghệ sĩ cấp tiến, sẵn sàng chào đón những khuynh hướng nghệ thuật mới mẻ; những người am hiểu văn hoá đại chúng của cộng đồng người Mỹ gốc Việt; và những người biết chuyển tải những dấu ấn cá nhân độc đáo vào từng tác phẩm thuật của mình. Trong khi nhóm khác bao gồm những hoạ sĩ có bằng cấp từ Việt Nam, chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hoá Việt và mang theo tất cả những di sản đó đến Mỹ. Nhóm hoạ sĩ này, theo cảm nhận của Ann Phong, thường tự tách biệt mình với những hoạ sĩ người Mỹ gốc Việt nói tiếng Anh, vì nghệ thuật của họ vẫn quyến luyến với dĩ vãng và hình bóng quê nhà, thấm đẫm những hoài niệm quá khứ chưa từng phôi phai theo thời gian.

Những năm tháng đầu tiên ở Mỹ của Ann Phong cũng đầy bất trắc như những tác phẩm của cô – rối bời, chằng chịt những ngã rẽ, những va đập, những con đường đan vào nhau và chồng chéo lên nhau. Vào năm 1981 khi cô đang nếm trải mùa đông rét mướt đầu tiên ở nhà chị gái của mình ở Connecticut. Vừa bước ra khỏi vùng nhiệt đới, ấm áp quanh năm với mặt trời không ngừng chiếu sáng, Ann Phong không thể chịu nổi cái rét tê tái của vùng Đông Bắc Mỹ. Và ngay khi người yêu ngỏ lời rủ cô về chung sống ở bang California, Ann Phong chuyển đi ngay. Vừa phải theo học các lớp tiếng Anh dành cho người mới nhập cư, vừa phải học trường đào tạo về nha khoa, và ban ngày làm bán thời gian ở phòng khám nha khoa chỉnh hình, khiến Ann Phong gần như suy kiệt. “Mỗi ngày tôi uống không biết bao nhiêu cà phê để có thể tỉnh táo và nhanh nhẹn,” cô nhớ lại những tháng ngày vất vả đó.

Tài năng nghệ thuật của cô được chính bác sĩ nha khoa chỉnh hình nơi cô làm việc phát hiện khi ông quan sát Ann khéo léo uốn những cọng khung chỉnh nha cho bệnh nhân; sau đó ông đã khuyến khích cô theo đuổi lĩnh vực nha khoa và hứa sẽ chia sẻ phòng khám với cô khi cô tốt nghiệp. Trong những ngày tháng chông chênh đó, một tai nạn ô tô ập đến khiến Ann Phong phải nhập viện điều trị trong một thời gian dài. Trong chuỗi ngày buồn bã ở bệnh viện, Ann Phong đã suy nghẫm về cuộc sống của mình ở Mỹ. “Giấc mơ của tôi là gì đây?” Ann Phong thổ lộ, “cuối cùng tôi đã vứt bỏ tất cả mọi thứ để theo đuổi ước mơ làm hoạ sĩ của mình.”

Sau khi tốt nghiệp thủ khoa của một trường nghệ thuật, Ann Phong dấn thân vào một đời sống nghệ thuật vô cùng phong phú. “Tôi đã đi triển lãm tranh của mình diễn ra ở Mỹ và các nước châu Á,” cô phấn khởi chia sẻ với nụ cười sáng ngời hạnh phúc.

'Nature in the Polluted Cities' (Tạm dịch: Thiên Nhiên Giữa Những Thành Phố Ô Nhiễm), tranh acrylic cùng hiện vật. 

Nếu Ann Phong dễ dàng thoả hiệp với một cuộc sống vương giả, có lẽ cô đã tạo ra hàng loạt tác phẩm phục vụ những thị hiếu tầm thường, tẻ nhạt, để đổi lấy lợi nhuận kếch xù. “Tôi không vẽ để kiếm sống,” cô thú thật, “vì công việc của tôi là giảng dạy hội hoạ tại trường Đại học Bách khoa California ở Pomona.”

Những lúc rảnh rỗi, Ann Phong lại cầm cọ lên và vẽ. Nghệ thuật của cô tái hiện những xung động mãnh liệt của bản thể, dồn nét trong từng khối màu sắc táo bạo, tạo nên những xô lệnh về không gian trong cuồn cuộn những đường nét và vòng xoáy lập thể. Nghệ thuật của một nội tâm giằng xé. “Tôi cảm nhận được đại dương trong lòng mình,” cô nói, “và tôi vẽ về cộng đồng của mình đang vật lộn giữa lòng biển khơi trong bóng đêm dày đặc.”

Đây là biển không trăng, cô chỉ vào một hố đen sâu thẳm. Biển thẳm. Những xác người trôi lềnh bềnh, đàn cá bơi về phía mặt trời. Những nét cọ của Ann khiến tranh của cô như đang bùng nổ. Cô vẽ phụ nữ Việt như những con tốt trên bàn cờ được đẩy đưa bởi những người đàn ông tha hương mặc cảm vì mất đi thứ quyền lực đàn ông của mình. Những người phụ nữ yếu đuối và câm lặng trước đây đã trở nên hoạt ngôn hơn trên đất Mỹ.

Nghệ thuật của Ann Phong còn chứa đựng những phẫn nộ của cô về thiên nhiên tươi đẹp của Việt Nam đang bị tàn phá đến cùng kiệt bởi những tập đoàn đa quốc gia; hay ẩn chứa những châm biếm hài hước của cô trong những bức vẽ có hình ảnh trống đồng của Việt Nam, ngầm ám chỉ thế hệ người lớn tuổi ở Little Saigon. “Những người lớn tuổi luôn khước từ những thay đổi, tự mình lẻ loi và lạc lõng với giới trẻ,” cô giải thích thêm về những đề tài khác của mình.

Màu sắc thường đánh lừa thị giác. Và Ann Phong có nghệ thuật riêng của mình. Cô vẩy lên tranh của mình những màu sắc tươi vui, sặc sỡ để lôi cuốn người xem, nhưng không phải để mời gọi những cảm xúc nông cạn, phô trương, hời hợt. “Tôi sử dụng những thứ đồ vật, rác thải để khắc hoạ những nỗi đau của thiên nhiên,” cô vừa ôn tồn giải thích về thông điệp trong tác phẩm của mình vừa chỉ tay vào một tác phẩm, “nếu chúng ta không nâng niu môi trường hôm nay, thì chúng ta sẽ tự huỷ diệt chính mình trong tương lai. Nếu con người chiến thắng, thì thiên nhiên phải chết.”

Ẩn sâu dưới những mảng màu rực rỡ trong những tác phẩm nghệ thuật của Ann Phong là bóng tối kinh hoàng. Tại sao chúng ta có thể đòi hỏi hội hoạ phải luôn tươi vui từ một hoạ sĩ có lý do chính đáng nhất để hoang mang và buồn bã? Thế nhưng Ann Phong vẫn miệt mài tìm kiếm một hi vọng mơ hồ trong cuộc đời và hội hoạ.

Càng trải qua nhiều sóng gió, đam mê của Ann Phòng càng cháy bỏng. Mỗi ngày cô đều truyền ngọn lửa đam mê hội hoạ đó cho học trò và cộng đồng qua những bài giảng và tác phẩm của mình. Với sinh viên, Ann căn dặn, “hãy là chính mình (trong nghệ thuật)” nhưng cô không chỉ chia sẻ về tác phẩm của mình mà còn về tất cả những gì thuộc về nghệ thuật của người Mỹ gốc Việt

Đi khắp nơi, cô đều mang theo tác phẩm của mình và lan toả đến mọi người triết lý của cô về nghệ thuật. Ann đã thuyết phục một nhà sưu tầm nghệ thuật người Mỹ gốc Việt tặng tranh của mình cho trường Đại học California, Riverside. “Cô ấy có tên trên bức tranh, còn tôi thì có tác phẩm được trưng bày ở trường đó,” cô phấn khởi chia sẻ.

Ann Phong đã dần học cách yêu chính cộng đồng của mình nơi phần nào vẫn đắp bồi cho nghệ thuật của cô qua truyền thông cộng đồng và báo chí vì họ, dù muốn dù không, vẫn trân trọng đam mê của cô dành cho nghệ thuật. Những tác phẩm hội hoạ của Ann Phong luôn khiến người xem phải trăn trở. Cô từng nói, sự “tĩnh lặng” làm tê liệt nghệ thuật đích thực. Vì người nghệ sĩ, như dòng nham thạch, phải cuồn cuộn cháy bỏng trong từng tác phẩm.

Mọi cuộc cạnh tranh đều khốc liệt, đặc biệt khi công nghệ đang ngày càng cuốn theo nghệ thuật vào vòng xoáy vũ bão của nó. Mỗi hoạ sĩ đều phải vật lộn với cái mới. Ann Phong cũng vậy. Cô bắt đầu chạm đến công nghệ nhờ có anh Huỳnh Thượng Chi, người đã giúp Ann Phong gắn chip vào phía sau của mỗi bức tranh để bất kỳ ai cũng đều có thể nghe thấy câu chuyện đằng sau những bức tranh đó. Là một người chơi Facebook có tiếng, Ann Phong có dịp trưng bày hầu hết những tác phẩm của mình trên nền tảng kỹ thuật số này. Công nghệ không mấy khi mê hoặc được Ann Phong bởi những ngóc ngách phức tạp và bí hiểm của nó, tuy nhiên thi thoảng cô cũng thử khám phá những loại hình nghệ thuật sáng tạo độc đáo và lạ lẫm khác. Khi chúng tôi chia sẻ với cô ấy về một phương cách sáng tạo mới thông qua việc kết hợp với công nghệ để tạo thực tế ảo cho tác phẩm nghệ thuật, gương mặt cô bất chợt hân hoan bừng sáng, cô thốt lên, “Wow!”

"Yesterday's Precious, Today's Trash' (Tạm dịch: Vật Quý Hôm Qua, Rác Rưởi Ngày Mai).

Nếu hình dung tương lai nghệ thuật ở Little Saigon, Ann Phong mơ về một trung tâm văn hoá sang trọng và “đẳng cấp” mà ở đó mọi thế hệ người Mỹ gốc Việt có thể hội tụ và cùng thưởng lãm nghệ thuật. Những cuộc triển lãm, những buổi nói chuyện, những màn trình diễn sẽ khai sáng và đem mọi người đến gần hơn với mọi loại hình nghệ thuật. Những tư duy thiển cận về nghệ sĩ và nghệ thuật sẽ dần trôi vào quên lãng. Bởi đời người, sau tất cả những khát vọng vĩ cuồng, những phù phiếm xa hoa về vật chất, ai rồi cũng khao khát tìm đến một giá trị tinh thần cao quý hơn. Và khi ấy, chỉ có nghệ thuật mới lấp đầy được nỗi trống trải đó. Những gam màu phá cách trong hội hoạ của Ann Phong đã tái hiện những mảng sáng tối trong bức tranh toàn cảnh đa dạng của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Phải chăng đó chính là sự mạo hiểm nghệ thuật độc đáo và lý tưởng, khởi đầu cho một tương lai nghệ thuật mới ở Little Saigon? Bởi kiếp người thì hữu hạn, nhưng nghệ thuật sẽ còn mãi với thời gian.

Võ Hương Quỳnh là tiến sĩ Văn học Mỹ hiện đang giảng dạy tại khoa Văn học Anh-Mỹ thuộc trường Đại học of Hawaiʻi, Mānoa và chương trình cao học về Đông Nam Á (GETSEA) tại đại học Cornell, Mỹ. Cô viết chủ yếu về văn học và toàn cầu hoá, nghiên cứu liên ngành về người Mỹ gốc Á, văn học Mỹ gốc Việt, và chủ nghĩa tân tự do trong văn học Mỹ xuyên quốc gia. Những bài viết của cô đã xuất hiện trên Los Angeles Review of Books, Arttimes, Saigoneer, Journal of Vietnamese Studies, Da Mau, the Peace, Land, Bread, và nhiều nơi khác.

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Gặp Đoàn Quốc, họa sĩ 9X 'mở cửa' cho cộng đồng màu nước Việt Nam

Là một trong số ít những người Việt được trao chứng chỉ International Watercolor Masters từ Hiệp hội Màu nước Quốc tế Anh Quốc, chàng họa sĩ trẻ Đoàn Quốc đã không ngừng nỗ lực nới rộng năng lực sáng ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Nghe lời thì thầm của rừng ngập mặn qua triển lãm nhiếp ảnh nghệ thuật của Chiron Duong

Vượt khỏi khuôn khổ của một sự kiện nghệ thuật đơn thuần, triển lãm “Midnight in the Mangroves -  Đêm Trong Rừng Ngập Mặn” giáo dục người xem về vẻ đẹp và tầm quan trọng của các cánh rừng ngập mặ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Nào mình cùng đi 'Nổ Cái Bùm' — tuần lễ 'marathon nghệ thuật' giữa phố núi Đà Lạt

"Nổ Cái Bùm" là một tuần lễ nghệ thuật đương đại mang tính du hành do Đào Tùng (Nest Studio), Nguyễn Thị Thanh Mai, Trương Thiện, Hoàng Ngọc Tú (Mơ Đơ) và giám tuyển Lê Thiên Bảo (Symbioses) khởi xướn...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

‘Giấc mơ’ Việt Nam thơ mộng và bình dị qua vệt màu của người con xa xứ

Diễn ra tại không gian của Ngõ Art Gallery, triển lãm tranh màu nước “Giấc mơ” là điểm đến của một hành trình mỹ thuật đặc biệt, kéo dài nhiều thập kỷ của người nghệ sĩ với nỗi niềm không dứt hướng về...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

'In Art We Trust,' triển lãm tranh cổ động hướng tới nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới

Tuần vừa rồi, triển lãm tranh cổ động "In Art We Trust" đã diễn ra tại không gian của Viện Goethe Hà Nội. Triển lãm do Heritage Space và Ơ Kìa Hà Nội tổ chức nhằm giới thiệu các tác phẩm tranh cổ động...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Các nền tảng trực tuyến mở ra hướng đi mới cho triển lãm nghệ thuật trong nước giữa đại dịch

Cho đến tháng 2/2020, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) vẫn nhộn nhịp tổ chức các hoạt động triển lãm nghệ thuật của các nghệ sĩ trong và ngoài nước, trong đó có triển lãm "Tỏa 3" do Đỗ Tườ...