Rời khỏi Hà Nội, đi khoảng 50 kilomet về hướng Tây men theo dòng sông Hồng, ta sẽ đến được làng cổ Đường Lâm, nơi vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp thanh bình cổ kính của làng quê Việt Nam.

Một nhà thờ nhuốm màu thời gian ở phía xa.
Đường Lâm có những cánh đồng lúa xanh mướt, những con đường lát đá cổ xưa, và nụ cười đen nhánh của các cụ bà ăn trầu. Ngôi làng còn được gọi là “đất hai vua” vì là nơi sinh ra hai vị vua trong lịch sử Việt Nam là Phùng Hưng và Ngô Quyền.
Năm 2006, Đường Lâm chính thức được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, là ngôi làng đầu tiên của Việt Nam được nhận danh hiệu này. Nhiếp ảnh gia Marcus Lacey tình cờ biết đến ngôi làng này từ một người qua đường khi anh đang bán các bản in ảnh chụp của mình ở Tây Hồ. “Tôi đã đi ngay ngày hôm sau,” Lacey chia sẻ. "Ngôi làng thật đẹp. Những con hẻm trải đá và khoảng sân nhỏ khiến tôi nhớ lại thời thơ ấu của mình ở vùng quê nước Anh.”
Dân làng vô cùng thân thiện; có một bác trai đã mời Marcus vào nhà uống trà và vui vẻ để anh chụp hình mình, bác không nói được tiếng Anh nhưng cũng không hề gì. Trong chuyến đi, Marcus còn tìm thấy một cái giếng cổ nước trong văn vắt, bên cạnh là một bia đá có dòng chữ: “Nhất phiến băng tâm” (tấm lòng trong sáng như băng).
Nếu bạn chưa từng đến Đường Lâm, Saigoneer hy vọng loạt ảnh dưới đây có thể truyền cảm hứng cho bạn làm một chuyến đi cuối tuần an toàn và thú vị để khám phá một ngôi làng cổ kính mang đậm hồn quê Việt Nam.

Một ngày mới bắt đầu tại vùng quê yên bình.



Lịch sử và kiến trúc của người Việt xưa được lưu lại qua nhiều hiện vật đã bị bào mòn bởi thời gian.

Nhịp sống bận rộn mỗi buổi sáng.


Con đường trải đá ngày ngày đón bước chân của dân làng và du khách.

Giếng nước trong vắt có tuổi đời hàng chục năm.


Cánh cổng thân quen dẫn vào sân nhà.


Đường Lâm là một trong số ít những nơi ở Việt Nam còn giữ tục nhuộm răng đen.