Sài·gòn·eer

BackXê Dịch » Ao Ta » Đi dzòng dzòng Sài Gòn để thấy di sản kiến trúc hiện đại thành phố độc đáo ra sao

Đi dzòng dzòng Sài Gòn để thấy di sản kiến trúc hiện đại thành phố độc đáo ra sao

Để có thể mạnh dạn chê một công trình là lộn xộn hay thầm hiểu một toà nhà là đẹp hay xấu, một người sẽ cần có một nền tảng kiến trúc vững chắc; mà tôi thì không hề có. Cho tới tận vài tuần trước, tôi không hề mảy may có một ý niệm nào về xu hướng kiến trúc hiện đại của Việt Nam. Sau khi trải nghiệm tour tham quan kiến trúc hiện đại cùng Urbanist Travel, tôi đã có một cái nhìn sâu sắc hơn về những mảng ký ức của Sài Gòn mà mình chạy xe qua hằng ngày.

Anh Thắng, trưởng đoàn của chúng tôi. Ảnh: Đỗ Anh Chương.

Sáng hôm ấy, cả đoàn tập trung trước Nhà văn hoá Thanh niên trên đường Phạm Ngọc Thạch dưới cơn mưa lất phất. Dù rất hào hứng, tôi phải thú nhận là có hơi quá sớm để xỏ chân vào đôi giày trekking. Anh Thắng trưởng đoàn bắt đầu bằng việc giải thích lịch trình hôm ấy. Sau đó, anh chia sẻ sơ lược về quá trình hình thành và phát triển của kiến trúc hiện đại tại Việt Nam, một xu hướng xuất hiện vào những năm hậu thuộc địa 1940 và thịnh hành cho đến giữa những năm 1970. Xu hướng này được lấy cảm hứng từ kiến trúc hiện đại ở phương Tây, kết hợp với các yếu tố độc đáo của kiến trúc Việt Nam để chống chọi được với khí hậu nhiệt đới, gắt gỏng quanh năm. Xu hướng này phát triển mạnh mẽ hơn nhờ khối các kiến trúc sư người Việt, những "cây đa cây đề" đã tạo ra nhiều công trình đặc biệt nhất ở Sài Gòn. Trong đó không thể bỏ qua Dinh Độc Lập, Thư viện Khoa học Tổng hợp và toà nhà V.A.R.

Hồ Con Rùa

Theo vài ghi chép, Hồ Con Rùa được xây dựng với cân bằng phong thuỷ cho thành phố. Ảnh: Alberto Prieto.

Với hành trang là chiếc balo, máy ảnh và những kiến thức mới tiếp thu ấy, chúng tôi lên đường đến Hồ Con Rùa. Điều đầu tiên tôi nhận thấy ở Hồ Con Rùa là bông sen khổng lồ bằng bê tông vươn lên từ làn nước xanh rêu. Không ngạc nhiên nếu vô tình bắt gặp công trình này giữa những di tích sâu trong rừng bị bao phủ bởi những loài dây leo và khỉ. Chằng chịt những “cây cầu” bằng đá nhỏ hẹp dẫn vào hồ và bao quanh đài sen như loài rắn rết. Lâu lâu vài chú cá vừa hớp nước vừa nhìn vào đám đông thanh thiếu niên thản nhiên lững thững đi dạo. Những bông sen hồng thắm tụ lại thành từng chùm rực rỡ. Có ai thắc mắc tại sao nơi đây được gọi là Hồ Con Rùa trong khi không có một con rùa nào? Chí ít cũng phải có một con làm bằng bê tông chứ nhỉ?

Đoàn chúng tôi ai cũng tươi, trước khi bị thời tiết Sài Gòn cho "ăn hành." Ảnh: Đỗ Anh Chương.

Anh Thắng cho biết, địa điểm này ban đầu được người Pháp sử dụng làm tháp chứa nước, sau được cải tạo lại thành tượng đài tưởng nhớ binh lính Pháp. Vào năm 1967, công trình được sửa chửa lại thành hồ nước như hiện tại với biểu tượng là một con rùa bằng đồng. Có lời đồn đoán rằng một thầy phong thủy “bắt mạch” thấy một con rồng trong lòng đất Sài Gòn có đầu ở dưới Dinh Độc Lập và đuôi ở dưới Hồ Con Rùa. Ông khuyên nên xây tượng đài để phong ấn cái đuôi, tránh để rồng thức giấc và “quẫy đuôi,” gây tai hoạ cho thành phố. Vì vậy, một hồ hình bát giác — con số tám tượng trưng cho sự thịnh vượng — được xây dựng với tượng đồng một con rùa khổng lồ ngay sát mép nước. Năm 1978, chú rùa “mình đồng da sắt” bị bom làm nổ tan tành, để lại những gì chúng ta biết ngày nay: Hồ Con Rùa không-còn-rùa.

Dinh Độc Lập

Sau khi tham quan Hồ Con Rùa, chúng tôi đi qua Công viên 30/4 về phía Dinh Độc Lập. Tán cây dày bao phủ lên vỉa hè rêu phong và cơn mưa phùn nhẹ trên mặt thoáng chốc đã cuốn chúng tôi khỏi tiếng còi xe. Đến trước dinh, cả đoàn nhìn thấy một “cung điện” sừng sững cùng với một hội du khách chụp ảnh tự sướng lia lịa. Theo anh, dinh thự ban đầu do người Pháp xây dựng đã bị hai phi công kháng chiến đánh bom vào năm 1962. Do cánh trái đã bị phá hủy hoàn toàn, toàn bộ tòa nhà phải bị phá bỏ và cung điện mới được xây dựng ở vị trí của nó.

Tiết học lịch sử cấp tốc trước Dinh Độc Lập. Ảnh: Đỗ Anh Chương.

Công trình được xây dựng vào năm 1966 bởi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người đoạt giải Grand Prix De Rome năm 1955, danh hiệu danh giá nhất do trường Beaux-Arts ở Pháp trao tặng. Anh Thắng liệt kê các điểm đáng chú ý của thiết kế, như mặt tiền trông giống như rặng tre. Anh chia sẻ rằng mặt tiền với mặt đứng hai lớp là một trong những đặc điểm nhận dạng của kiến trúc hiện đại Việt Nam. Đây là giải pháp cho các công trình ở khí hậu nhiệt đới, song cũng là phông giấy trắng để kiến trúc sư thể hiện sức sáng tạo, bằng cách kết hợp hình ảnh Á Đông với các yếu tố phong thủy, hoa văn chạm khắc và xếp lớp xà ngang trang nhã. Tận hưởng bầu không khí yên bình bao quanh thư viện cùng bãi cỏ xanh mướt và nhìn ngắm lá cờ rực rỡ đang tung bay, khó mà tưởng tượng ra những biến cố đã diễn ra ngay tại đây.

Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM

Từ Dinh Độc Lập, chỉ cần đi bộ một đoạn ngắn là đến Thư viện Khoa học Tổng hợp. Được hoàn thành vào năm 1971 bởi kiến trúc sư Bùi Quang Hanh, nơi đây được xây dựng lần đầu để làm nhà tù Khám Lớn Sài Gòn (Maison Centrale), từng được người Pháp sử dụng để giam giữ các tù nhân chính trị, tội phạm và thậm chí cả trẻ em 12 tuổi. Nhà tù luôn trong tình trạng quá tải, bẩn thỉu, và quản lý kém đến mức giới báo chí Pháp ngày ấy không tiếc giấy mực chê bai. Khi vào cửa, bác bảo vệ cau mày làm dấu "X" bằng cánh tay tỏ ý cảnh cáo chúng tôi thư viện đóng cửa vào ngày hôm đó. Anh Thắng nhanh nhảu nói với ông rằng chúng tôi chỉ đến quán trong khuôn viên thư viện để "uống cà phê." Thế mà bác bảo vệ cũng cho chúng tôi vào.

Thư viện Khoa học Tổng hợp ngày nay. Ảnh: Lee Starnes.

Vừa bước chân qua cổng, tôi hiểu ngay lý do đóng cửa hôm đó; có một buổi chụp ảnh thời trang đang diễn ra ở ngay bậc thềm chính. Nhạc sàn V-pop xập xình trước mặt tiền được chạm khắc đẹp mắt của thư viện. Âm lượng vừa đủ để khiến những con rồng được chạm khắc tinh xảo phải bung vảy. Hai người mẫu có khuôn mặt tươi tắn tạo dáng cho dăm ba nhiếp ảnh gia lia máy. Đây hẳn là buổi ra mắt sản phẩm của một thương hiệu local brand, quả nhiên là “Đông Tây kim cổ kết hợp.”

Sau một hai tiếng tản bộ, ai nấy đều đã thấm mệt và thả lưng trên ghế. Khu vườn tươi xanh một cách đáng ngạc nhiên với đa dạng các loài cây và mái nhà nhô ra trang nhã. Bên dưới những vòm cây, vạn vật đều lặng thinh, một nghịch lý khi biết đến lịch sử đầy biến động của công trình. Khu vườn này dường như âm vang năng lượng vượt thời gian. Tôi cảm thấy như hàng ngàn sinh mạng quan trọng đã chết mòn ở đó vuột qua trước mắt, và tự hỏi giây phút tôi đứng ở đây có ý nghĩa gì trong sứ mệnh mà công trình này đang mang. Rồi tôi nghĩ ngay đến Lý Tự Trọng, nhà cách mạng 17 tuổi bị hành quyết tại đây vì đã giết mật thám Pháp để bảo vệ Phan Bội Châu. Giờ đây, tên anh đã được đặt cho đường thư viện toạ lạc — ước chi anh biết được điều này.

Phát hành tem có hình của thư viện. Ảnh: Historic Vietnam.

Khoảng tường loang lổ vết nứt đã tồn tại hàng trăm năm trước giờ đây đã mang một chiếc áo mới, nhưng những ký ức được lưu giữ trong đất vẫn như vừa mới hôm qua. Như thể máu của hàng trăm vụ hành quyết vẫn đang nhuộm đỏ mặt đất, gợi lên tháng ngày đau khổ của những nhà cách mạng lấy sinh mạng để đổi lấy tự do. Tuy nhiên, cảm giác ấy như một cơn gió thoảng qua khi cả đoàn nhâm nhi tách cà phê sáng và trầm trồ trước đàn cá koi sặc sỡ “canh giữ” lối vào thư viện trong chiếc hồ rợp bóng sen.

Dẫu không phải là người đam mê kiến trúc, tôi vẫn có thể thấy kiến trúc sư Quang Hanh có một tầm nhìn chi tiết và phức tạp đến nhường nào. Mặt tiền mang đậm màu sắc Đông phương với những hoạ tiết kỷ hà — minh chứng cho sự ra đời của phong trào kiến trúc thời hậu thuộc địa tại Việt Nam. Thiết kế phức tạp của mặt tiền được cho là lấy cảm hứng từ Hán tự về hạnh phúc và những con rồng tượng trưng cho sự thành công và quyền lực. Hơn nữa, có một bức chạm khắc “phượng hàm thư” đặt trên bức tường bên phải, hổ ở mặt tiền phía sau và một con rùa: bốn linh thú mang lại hạnh phúc, sự hoà hợp và năng lượng tích cực. Có thể thấy rõ trăn trở vị kiến trúc sư khi muốn biến một nơi chất chứa khổ ải và đau đớn thành một nơi đẹp đẽ và đầy sức sống

Nhìn kìa! Toà đó cũng mang kiến trúc hiện đại đó! Ảnh: Đỗ Anh Chương.

Toà nhà V.A.R và nhà "shophouse"

Mặt tiền không lẫn vào đâu của toà nhà V.A.R. Ảnh: Alberto Prieto.

Chúng tôi đi bộ 15 phút qua dòng xe ngược xuôi của trung tâm Quận 1 để đến địa điểm cuối cùng. Trên đường đi, chúng tôi dừng lại để chiêm ngưỡng một số cửa hàng mang những đặc trưng của phong cách kiến trúc hiện đại Việt Nam: ốp đá rửa, phần mái nhô ra, mặt tiền mặt đứng kép với xà ngang dọc và gạch mosaic. Dãy các cửa hàng nơi đây là huyết mạch kinh tế của trung tâm Sài Gòn, giống như nhiều khu dân cư đoàn chúng tôi đi qua. Sau đây là vài hình ảnh dễ thương chúng tôi bắt gặp trong lúc đi bộ: một nhân viên giao hàng đánh một giấc say sưa trên con xe máy như thể đang nằm trên một chiếc giường cỡ đại, hai bác gái mặc đồ bộ hoa so coi cháu ai làm được nhiều tiền hơn, các bác “đầu hai màu tóc” cưng nựng đàn chó mà lông chắc cũng đang thành hai màu, và mấy anh công sở đi giày tây đang nhâm nhi cà phê.

Kiến trúc hiện đại không hiếm thấy ở Việt Nam, chỉ cần để ý một chút là sẽ thấy, nhưng ngày càng nhiều những công trình cũ đang phải nhường chỗ cho những dự án “sang chảnh” sau này. Ảnh: Alberto Prieto.

Tòa nhà V.A.R là một chứng nhân lịch sử từ những năm 1970, toạ lạc ở góc Hồ Tùng Mậu-Nguyễn Công Trứ, quận 1. Mặt tiền của toà nhà là đặc điểm đáng chú ý nhất, tấm bê tông đan chéo nhau khiến tôi liên tưởng đến kiểu hàng rào độc đáo trên ban công của người Sài Gòn. Thật khó để nó không bị lu mờ bởi tòa nhà Bitexco sừng sững bên kia phố. Dù vậy, bức tường kính của Bitexco lại làm nổi bật lên nét cuốn hút của toà nhà V.A.R. Gạch mosaic, đá rửa và bê tông cốt thép chính là tàn tích từ một thời đại khác, những thứ có thể đã là dĩ vãng cùng với lối kiến trúc hiện đại. Ấy mà toà nhà vẫn tồn tại để chứng kiến đường chân trời của Sài Gòn chuyển mình. Ngay sau đó, anh Thắng kết thúc chuyến tham quan và tất cả chúng tôi ùa ngay về nhà để tắm rửa ngủ nghỉ sau một ngày dài.

Ngày lại ngày qua, những công trình kiến trúc dần chìm vào tình trạng xuống cấp hay bị phá bỏ để nhường chỗ cho những toà nhà và văn phòng hiện đại. Kiến trúc hiện đại của Việt Nam là một phần tinh túy của di sản thành phố. Theo dòng phát triển của Việt Nam, một phần ngỡ sẽ sống mãi cùng người Sài Gòn cảm giờ chỉ còn nằm lại ở ký ức tuổi thơ. Những công trình kiến trúc này là lời nhắc nhở về sự khéo léo, niềm hy vọng và tinh thần kiên cường của người Việt Nam qua bao biến động. Một câu hỏi cần được đặt ra: Liệu những tòa nhà mang kiến trúc hiện đại của Sài Gòn có thể sống một cuộc sống mới giữa khung cảnh còn lắm đổi thay, hay chúng sẽ trở thành những tàn tích mục nát của một thời vàng son đã qua? Các điểm tham quan du lịch như Dinh Độc Lập hay Hồ Con Rùa chắc chắn sẽ sống mãi với thành phố, tuy nhiên, loạt cửa hiệu, bệnh viện, trường học và chung cư vô danh đang xuống cấp dường như chỉ đang chờ ngày cáo chung. Tôi cũng thích nhìn ngắm những tòa tháp bằng kính lấp lánh chấm phá mọi con phố ở Sài Gòn, nhưng quả thực sẽ là một ngày buồn khi tòa nhà mang kiến trúc hiện đại cuối cùng bị phá bỏ để nhường chỗ cho một cửa hàng Starbucks mới.

Tour tham quan kiến trúc hiện đại tại Quận 1 được tổ chức bởi Urbanist Travel, "bạn cùng nhà" của Saigoneer. Tìm hiểu thêm thông tin tại website của Urbanist Travel.

Để kỉ niệm 2 năm thành lập của Urbanist Travel, Saigoneer và Urbanist Travel thân mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết ‘2 Years of Memories’ để cùng nhìn lại quãng thời gian đáng nhớ của ngành du lịch Việt Nam qua bao thăng trầm trong đại dịch và giai đoạn phục hồi. Đọc thêm thể lệ cuộc thi ở đây.

Bài viết liên quan

in Văn Hóa

Đi 'Bách Bộ,' lần theo dấu tích lịch sử người Hoa qua các di sản kiến trúc Chợ Lớn

“'Bách Bộ' nghĩa là từ từ bước đi, thong thả ngắm nhìn. Đi như thế là khi thảnh thơi để cảm nhận đời sống. Đi với chủ đích chứ không phải chỉ đến một nơi nào đó. Để hòa vào đường phố và thấu hiểu lớp ...

in Di Sản

Hồ Con Rùa, minh chứng sống động của lịch sử đa tầng Sài Gòn

Khu vực Công trường Quốc tế-Hồ Con Rùa đã trải qua nhiều thay đổi về thiết kế và công năng xuyên suốt dòng lịch sử của vùng đất Sài Gòn. Từ một cổng thành của công trình phòng thủ quân sự thời Ng...

in Xê Dịch

Thân mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết về kỉ niệm du lịch ‘2 Years of Memories’

Để kỉ niệm sinh nhật lần thứ 2 của Urbanist Travel, Saigoneer và Urbanist Travel thân mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết ‘2 Years of Memories’ để cùng nhìn lại quãng thời gian đáng nhớ của ngành du lị...

in Ao Ta

Tôi đi 'phượt' solo ở Sapa — một mình nhưng không cô đơn

Bước sang tuổi 19, một trong những điều trong “bucket list” của tôi chính là được một mình khám phá những vùng đất mới. Ngỡ đâu phải lâu lắm ước nguyện mới hoàn thành, thế mà ngay tháng sinh nhật của ...

in Di Sản

Về thăm Làng Cựu để nhớ lại thời hoàng kim của làng thợ may đệ nhất Hà Thành

Nằm cách trung tâm Hà Nội 40km về phía Nam, Làng Cựu có gần 50 ngôi biệt thự được xây dựng từ đầu thế kỷ 20 với thiết kế độc đáo, pha lẫn kiến trúc Việt cổ và kiến trúc Pháp. Cơ ngơi ấy thuộ...

Khôi Phạm

in Văn Chương

5 tựa sách bỏ túi cho bạn đọc yêu di sản văn hóa Việt Nam

    Trên hành trình thực hiện nội dung cho chuyên trang, Saigoneer đã may mắn được gặp gỡ nhiều cá nhân cùng chia sẻ “duyên nợ” và tình yêu với công cuộc khám phá Việt Nam. Bằng đam mê v...

Đồng Sáng Tạo

in Resort

Eden Bay Villas - Nơi những tiện nghi hiện đại giao hoà với thiên nhiên hoang sơ

Trong tâm thức của con người, Vườn Địa Đàng (Eden) là nơi nhân loại được sống như một nốt nhạc trong bản hoà ca thiên nhiên. Tắm mình giữa bạt ngàn hoa thơm trái ngọt chốn hoang vu hay để những cơn só...

in Ăn & Uống

Hải sản tươi ngon, khung cảnh đẹp và không gian thư thái là tâm điểm tại Saigon Café Buffet

Toạ lạc tại khách sạn Sheraton Saigon Hotel and Towers, nằm trên đường Đồng Khởi nổi tiếng, Saigon Café mang đến những bữa tiệc buffet hải sản thượng hạng, với những nguyên liệu tươi ngon được chế biế...

in Resort

Muôn hình vạn trạng niềm vui ở The Grand Ho Tram

Mỗi khi bước vào một khu nghỉ dưỡng, điều đầu tiên để lại ấn tượng cho du khách chính là cảnh quan thiên nhiên tương phản với vẻ hối hả bên ngoài. Ở những thành phố biển, các khu nghỉ dưỡng không chỉ ...

in Ăn & Uống

Lễ hội Gin Festival Saigon trở lại vào tháng 12 tại The Reverie

Quả nhiên là “Gin” một góc trời!

in Dịch Vụ

Tuborg và hành trình thu nạp “một tỷ năng lượng tích cực” khắp "thành phố không ngủ"

Với mong muốn góp phần đánh thức những góc nhỏ sôi động của Sài Gòn sau thời gian dài giãn cách, Tuborg sẽ đem đến nhiều sự kiện hấp dẫn, tiếp thêm một nguồn năng lượng bất tận cho “thành phố không ng...

in Resort

SONIC Minifest tại Bãi Khem, Phú Quốc: Bữa tiệc âm nhạc và nghệ thuật đúng chất nhiệt đới cho mùa lễ hội cuối năm

Năm 2022, khi bước vào một buổi chơi nhạc tại các quán cà phê, hay một đêm “đi tìm ánh sáng,” chúng ta hẳn sẽ ngạc nhiên với tinh thần mới trong ngôn ngữ sáng tạo của giới trẻ - những bài hát Việt bất...