Khám phá Việt nam và hơn thế nữa - Sài·gòn·eer https://saigoneer.com/vn/component/content/?view=featured Sat, 21 Dec 2024 21:14:20 +0700 Joomla! - Open Source Content Management vi-vn Về Mỹ Tho qua vị ngọt bùi của ly nước mía đậu phộng https://saigoneer.com/vn/snack-attack/17796-về-mỹ-tho-qua-vị-ngọt-bùi-của-ly-nước-mía-đậu-phộng https://saigoneer.com/vn/snack-attack/17796-về-mỹ-tho-qua-vị-ngọt-bùi-của-ly-nước-mía-đậu-phộng

Trong Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, khi nhân vật chính nếm một miếng bánh madeleine nhúng vào trà, mùi vị ấy đã lập tức đưa anh trở về những ký ức tuổi thơ đầy cảm xúc, dù chúng đã bị chôn vùi từ lâu. Đây là hiệu ứng Proust mà người ta thường dùng để nói về những mảnh ký ức không tình nguyện, tình cờ trở về nhờ khứu giác và vị giác, điều mà các giác quan còn lại không thể làm được.

“Ngay khi chất lỏng ấm áp hòa cùng những mẩu bánh vụn chạm vào vòm miệng tôi, một cơn rùng mình chạy khắp cơ thể và tôi dừng lại, tập trung vào điều kỳ diệu đang diễn ra. Một niềm khoái cảm tuyệt vời đã xâm chiếm các giác quan của tôi, một thứ gì đó tách biệt, cô lập, không chút gợi ý nào về nguồn gốc của nó.” (Đi tìm thời gian đã mất — Marcel Proust)

Đôi khi, tôi hay ghen tỵ với một người bạn có trí nhớ cực kỳ chi tiết về thời thơ ấu của nó, vì ký ức của tôi về những câu chuyện trước năm 6 tuổi thường rất mơ hồ, đôi khi tôi còn hoài nghi liệu mình có tự tưởng tượng ra những năm tháng trước đó không.

Tuổi thơ của tôi (bên trái) gắn liền với sân nhà nội, và xe nước mía đối diện đó.

Thế nhưng nếu phải đem một điều gì đó để khoe mẽ với bạn bè về tuổi thơ của mình, tôi sẽ chọn hương vị của ly nước mía đậu phộng tại quê hương của ba — tỉnh Tiền Giang, hương vị mà tôi nhớ rõ nhất, hơn cả những câu chuyện.

Mía vốn là loài cây trọng điểm của Việt Nam trong ngành công nghiệp đường và mang lại nhiều giá trị kinh tế “từ gốc đến ngọn.” Từ khi những nhà máy đường đầu tiên được đầu tư bởi người Pháp từ những năm 1870, người ta đã sử dụng những cây mía tại chỗ để sản xuất. Ở tỉnh Tiền Giang, mía cũng là người bạn đồng hành của người nông dân từ lâu. Không chỉ là sản phẩm chủ chốt trong nông nghiệp, mía còn là món quà chiều ngọt mát được tỉ mỉ gọt vỏ, bổ nhỏ thành miếng vừa nhai; hay có nơi còn trưng dụng bã mía làm chất đốt hay giấy. Nước mía gắn liền với cơn khát của người Việt đã lâu.

Nước mía gắn liền với cơn khát của người Việt đã lâu.

Trước khi hết Tiểu học, một phần lớn của tuổi thơ tôi gắn liền với Tiền Giang, nhất là những mùa hè ve kêu inh ỏi sau vườn, với cái cầu tõm khiến tôi sợ hãi khi phải đi qua mỗi tối, hay đàn gà nhút nhát cạnh cây mai của ông nội. Và tuổi thơ ấy có lẽ không thể trọn vẹn nếu thiếu đi món nước nước mía Mỹ Tho: chỉ đơn giản là nước mía cùng… đậu phộng, lại khiến tôi xao xuyến mỗi khi nhớ về quê hương.

Với tôi, nước mía gắn liền với hình ảnh của ly nước màu vàng óng ánh đựng trong trong chiếc ly nhựa trắng đục, cùng bọt mía được đánh sóng sánh trên mặt mà những người sành ăn thường lấy làm tiêu chuẩn đánh giá một ly mía ngon. Nhưng quan trọng nhất, để hoàn thành một ly “nước mía Mỹ Tho chính hiệu,” một nắm tay đầy đậu phộng rang còn nguyên vỏ phải được rắc lên trên để dùng cùng nước mía.

Một ly mía ngon phải có thật nhiều bọt.

Khi kể với bạn bè về món nước này, để xoa dịu những hoài nghi về sự kết hợp có phần lạ lùng, tôi thường phải so sánh nó với trà sữa trân châu: “Thay vì uống trà pha với sữa và nhai trân châu, người Mỹ Tho tụi tui hút nước mía và nhai đậu phộng rộp rộp.” Không có nhiều thông tin về xuất xứ của món nước này, tôi không biết liệu họ có vô tình làm rơi mẻ đậu phộng mới rang vào ly nước mía của mình, hay họ thèm cảm giác giòn rộp khi thưởng thức một thức uống giải khát, hay chỉ đơn giản là kết hợp cả ăn và uống để tiết kiệm thời gian?

Nước mía Mỹ Tho bao gồm đậu phộng rang, mít, và rau câu.

Dù xuất xứ như thế nào, món nước này đã trở thành tượng đài của những món ăn-chơi và là một phần quan trọng trong sinh hoạt của người Mỹ Tho những ngày nắng nóng dừng chân nghỉ mát bên Giếng Nước.

Đây là một cái hồ rộng nằm giữa lòng thành phố, gắn liền với lịch sử hình thành của vùng đất này, vốn là hào bảo thành Định Tường dài hơn 1km, được Vua Minh Mạng cho đào năm 1826. Nếu như Hà Nội có trà đá bờ hồ, Đà Lạt có sữa đậu nành nóng khu Hòa Bình, thì tại Mỹ Tho chúng tôi cũng có món nước mía đậu phộng để nhâm nhi những tối oi bức nhưng vẫn muốn rôm rả bên Giếng Nước.

Nước mía Mỹ Tho ngon nhất ở hồ Giếng Nước. Ảnh: Hồng Lê qua báo Ấp Bắc.

Phiên bản nước mía Mỹ Tho mà tuổi thơ tôi gắn liền chỉ gồm có đậu phộng uống cùng nước mía, không như một số biến thể khác của nước mía như mía ép cùng dâu, cam hay thơm: Nước mía Mỹ Tho vẫn giữ nguyên hương vị ngọt dịu nguyên bản của cây mía, thoang thoảng mùi đậu phộng rang, chút cảm giác béo bùi khi cắn vào hạt đậu phộng giòn tan và cảm giác hơi chan chát của vỏ đậu phộng trên đầu lưỡi.

Thế nhưng nếu chỉ đơn giản như thế thì cũng có phần coi thường sức sáng tạo và khẩu vị hảo ngọt — dù là món chính hay món phụ đều phải “ngọt như chè” của bà con miền Tây: một số quầy nước mía khác còn xay mía cùng cơm dừa và tắc, tạo thêm vị béo ngậy cho ly nước mía thông thường, ăn cùng tả bí lù nguyên liệu khác ngoài đậu phộng, có thể là mít, rau câu, hay mứt chùm ruột.

Hương vị gần nhất với nước mía Mỹ Tho mà tôi có thể tìm được ở Sài Gòn.

Ở Sài Gòn, hương vị gần nhất với nước mía Mỹ Tho mà tôi có thể tìm được là của một quầy nước mía mix, tọa lạc tại số 388 Lê Văn Lương, Phường Tân Hưng, Quận 7. Không biết có phải vì chiều lòng đam mê topping của người Sài Gòn, nước mía Mỹ Tho ở đây là nước mía uống cùng sầu riêng, thạch củ năng, mít, và tất nhiên là đậu phộng.

Vị ngọt thanh và mát lạnh của nước mía cùng cái bùi bùi của đậu phộng như đã gợi nhớ cho tôi về những ngày hè ở Tiền Giang, đúng như cách mà chiếc bánh madeleine nhúng trà thơm lừng đã dẫn dắt nhân vật của Marcel Proust mở ra tuổi thơ đã bỏ quên từ lâu của mình.

[Ảnh bìa qua ZNews.]

Nước mía mix Mỹ Tho

388 Lê Văn Lương, Phường Tân Hưng, Quận 7, TP. HCM

]]>
info@saigoneer.com (Phương Nghi. Ảnh: Ben Nguyễn.) Đặc biệt Snack Attack Ăn & Uống Sat, 21 Dec 2024 17:34:43 +0700
Trăm năm lịch sử Việt Nam kể qua câu chuyện xổ số kiến thiết https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17795-trăm-năm-lịch-sử-việt-nam-kể-qua-câu-chuyện-xổ-số-kiến-thiết https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17795-trăm-năm-lịch-sử-việt-nam-kể-qua-câu-chuyện-xổ-số-kiến-thiết

Trải qua gần một thế kỷ tồn tại, những mẫu giấy và dãy số may rủi vẫn đóng một vai trò đặc biệt trong đời sống người Việt: vừa là chiếc phao níu giữ ước mơ “đổi vận” của người dân, vừa là tấm gương phản ánh thực tế xã hội đương thời.

“Cô ơi, cậu ơi, ủng hộ giúp tôi một tờ.”

Vang lên từ thành thị đến miền quê, từ trong con hẻm đến quán nhỏ bên hiên chợ, lời rao đơn giản ấy từ lâu trở thành thứ trải nghiệm gắn liền với những sinh hoạt đường phố. Chẳng khó để bắt gặp cảnh người lao động vừa ngồi nhâm nhi cà phê sáng, vừa lựa vài tấm vé số ưng ý để “dằn túi” tựa một thói quen bắt đầu ngày mới; hay cảnh người đi đường háo hức tụ tập trước cửa đại lý để chờ xem kết quả xổ số giờ tan tầm.

Nguồn ảnh: Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô.

Dù tỉ lệ trúng thưởng độc đắc nhỏ chỉ là một trên hàng triệu, xổ số kiến thiết vẫn mang sức hút khó cưỡng với một bộ phận lớn người dân. Mỗi ngày, doanh số bán vé mang về cho nền kinh tế nước nhà đến hàng trăm tỷ đồng, vượt cả những ngành hàng xa xỉ. Có lẽ vì xổ số là cuộc chơi nơi “chúng sinh bình đẳng” — không phân biệt người mua giàu, nghèo, cùng lời hứa hẹn “sang trang cuộc đời” mà người ta lại lan truyền những câu cửa miệng như “không cần trình độ, chỉ cần trời độ” hay “kiếm tiền tỷ không khó, năm giờ chiều là có” mỗi độ chiều chiều.

Nhân dịp những ngày Tết cận kề, tay vừa mua một tờ vé số cầu may, tôi viết bài viết này để nhìn lại hành trình của xổ số tại Việt Nam, cũng như mối quan hệ đầy “hỷ nổ ái ố” của nó với người Việt trong những thập kỷ qua.

Lịch sử xổ số Việt Nam 

Khái niệm về xổ số hiện đại lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Khi đó, các tổ chức như trường học hay nhà thờ cần xin phép chính quyền để phát hành các đợt vé xổ số nhỏ lẻ nhằm gây quỹ cho hoạt động của mình.

Quảng cáo xổ số của viện Đông Dương học xá trên báo Hà thành Ngọ báo (1933)
Nguồn ảnh: Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Chẳng hạn, trong quá trình trùng tu nhà thờ lớn Hà Nội bằng gạch, Tổng Giám mục đã đề nghị chính quyền bảo hộ Pháp cho phép tổ chức xổ số để huy động kinh phí. Sau hai lần bị từ chối, ông mới được chấp thuận và lần lượt mở hai đợt xổ số vào các năm 1883 và 1886, thu về khoảng 30.000 franc Pháp.

Đến năm 1902, tại Hội đấu xảo Hà Nội được tổ chức ở Cung đấu xảo, ban tổ chức lần đầu thử nghiệm hình thức xổ số vui chơi có thưởng. Kể từ đó, trong các kỳ đấu xảo những năm sau, việc phát hành xổ số trở thành hoạt động thường kỳ, số tiền thu được được sử dụng cho các mục đích xã hội.

Quảng cáo xổ số Đông Dương ở Hà Nội. Nguồn ảnh: trang Facebook France Indochine.

Xổ số chỉ thực sự được tổ chức trên quy mô lớn từ năm 1935 với sự ra đời của Loterie Indochinoise (vé số Đông Dương) do chính quyền Pháp phát hành trên ba lãnh thổ: Việt Nam, Campuchia và Lào. Là thủ đô của Liên bang Đông Dương, Hà Nội được chọn làm nơi quay số mở thưởng. Ban đầu, xổ số được tổ chức hạn chế, mỗi năm chỉ diễn ra một lần, với giá vé là 1 đồng bạc Đông Dương. Giải thưởng cao nhất lên đến 1 vạn đồng bạc, một số tiền rất lớn vào thời điểm đó, cùng với các giải phụ dành cho những người trúng thưởng.

Xổ số Đông Dương. Nguồn ảnh: trang Facebook France Indochine.

Do được phát hành trên phạm vi xuyên biên giới, thông tin trên vé được trình bày bằng nhiều ngôn ngữ, bao gồm tiếng Pháp, tiếng Việt, tiếng Hoa và tiếng Khmer. Thiết kế trên vé thường mang hình ảnh các công trình kiến trúc đặc trưng hoặc nhân vật văn hóa tiêu biểu của các nước thuộc địa. Nhờ sức mua gia tăng đáng kể, tần suất phát hành sau đó được nâng lên bốn lần mỗi năm, cho đến khi chấm dứt vào năm 1944 do bối cảnh chính trị bất ổn dưới thời phát xít Nhật.

Mặt sau của một tờ vé số Đông Dương. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô.

Sau năm 1945, đất nước bị chia cắt thành hai miền với hai thể chế chính trị, nhưng xổ số vẫn tồn tại như một điểm giao thoa kỳ lạ. Dù cơ cấu giải thưởng và cách thức tổ chức khác nhau, cả miền Nam và miền Bắc đều sử dụng vé số như một công cụ để đáp ứng nhu cầu phát triển trong những bối cảnh kinh tế, xã hội riêng biệt. Cũng chính từ đây mà khái niệm “xổ số kiến thiết,” tức xổ số nhằm mục đích phục vụ lợi ích cộng đồng, ra đời.

Thư từ dưới thời Quốc trưởng Bảo Đại được đóng dấu kêu gọi mua xổ số. Nguồn ảnh: Society of Indo-China Philatelists.

Tại miền Nam, vé số xuất hiện trở lại vào năm 1951, dưới thời Quốc trưởng Bảo Đại. Ban đầu, loại hình này phục vụ chủ yếu cho tầng lớp thượng lưu. Vé được phát hành mỗi quý một lần với giá 10 đồng, giải thưởng độc đắc lên đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, đến thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, xổ số trở nên phổ biến hơn, không còn giới hạn trong một nhóm nhỏ mà mở rộng ra các tầng lớp khác.

Xổ sổ miền Nam dưới thời Ngô Đình Diệm. Nguồn ảnh: chuyenxua.net

Để khuyến khích người dân tham gia, chính quyền miền Nam đã áp dụng nhiều biện pháp từ sáng tác nhạc cổ động, đến cho phép dùng vé số để thay tiền phạt hành chính. Mỗi tuần, sự kiện quay số còn được tổ chức trang trọng tại rạp hát Norodom, có các tiết mục tân nhạc và sự góp mặt của những ca sĩ nổi tiếng.

Ca khúc "Xổ số kiến thiết quốc gia" của nghệ sĩ Trần Văn Trạch.

Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, xổ số phải cạnh tranh với những trò chơi cá cược như số đề — vốn thu hút người nghèo nhờ mức đặt cược thấp, chỉ từ 1-2 đồng, và thời gian biết kết quả nhanh chóng.

Đến năm 1955, khi hai tụ điểm cá cược lớn là sòng bạc Kim Chung và Đại Thế Giới bị đóng cửa, người dân không còn lựa chọn khác để tìm vận may. Từ đó, vé số bán chạy đến mức xuất hiện tình trạng đầu cơ, buôn bán chợ đen. Một tờ vé số chính thức có giá 10 đồng, nhưng trong những năm khan hiếm như 1963, người dân đã phải mua với giá chợ đen lên tới 13 đồng. Ngoài ra, vé số Tombola — do các trường học, tổ chức tôn giáo và tư nhân phát hành — cũng khá phổ biến với giải thưởng thường là hiện vật như xe đạp, máy may, hoặc nhu yếu phẩm thiết thực.

Nguồn ảnh: trang Facebook Lớp Học Vui Vẻ.

Trái ngược với mô hình xen lẫn tính giải trí như ở miền Nam, xổ số miền Bắc ra đời năm 1962 với chủ trương rất rõ ràng từ trung ương: xây dựng cơ sở hạ tầng miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Giá vé ở mức 2 hào với các giải thưởng có giá trị cao như xe máy Simson hay xe đạp Phượng Hoàng — những tài sản đáng mơ ước với người dân thời “bao cấp.”

Bố cục của vé số miền Bắc ở giai đoạn này chịu ảnh hưởng của vé số Liên Xô. Nguồn ảnh: Báo Tiền Phong.

Hoạt động phân phối vé số ở miền Bắc không dựa vào thị trường tự do, mà được tổ chức theo cách thức tập trung hơn. Vé được bán tại quầy đại lý và còn được phân phối trực tiếp đến các cơ quan, xí nghiệp để cán bộ, công nhân viên mua. Công tác quay thưởng diễn ra tại câu lạc bộ Đoàn Kết dưới sự giám sát của cả cơ quan chức năng.

Một cựu binh chia sẻ về cơn sốt vé số ở thủ đô lúc bấy giờ: “Đầu tiên là việc đi nhặt xổ số mỗi buổi chiều, nơi quay xổ số ngày ấy ở gần nhà hát lớn Hà Nội, độc đắc đâu thì không thấy, chỉ thấy vé số không trúng thưởng bay đầy vỉa hè tựa như lá sấu chiều mưa. Và chúng tôi thi nhau nhặt, mỗi ngày mỗi đứa cũng nhặt được chừng vài trăm tờ. Khi lượng vé số đã lên tới vài cân thì cũng vào khoảng gần ngày ông Táo về trời [...]” Dân chúng cuồng xổ số đến mức những ai không có tiền mua cũng ra nhặt vé như một biểu hiện của “hội chứng sợ bỏ lỡ.”

Bộ phim Người Cầu May châm biến thực trạng "nghiện" vé số lúc bấy giờ.

Triển khai nghiêm ngặt nhưng hệ thống xổ số miền Bắc cũng kéo theo một số hệ lụy tiêu cực như ở miền Nam. Trong bối cảnh kinh tế trình trệ, mọi mặt hàng đều được kiểm soát chặt chẽ bằng tem phiếu, xổ số nổi lên như một trong số ít loại hình tiêu dùng tự do — sự tự do ấy khiến một bộ phận người dân xem đây là "tấm vé" thoát nghèo và biến nhiều người con bạc bất đắc dĩ.

Bộ phim Người Cầu May của đạo diễn Tự Huy châm biếm hiện thực này qua nhân vật Khiển, một cán bộ về hưu mơ ước trúng xổ số độc đắc. Càng chơi, ông càng thua lỗ, nhưng vẫn không ngừng ám ảnh với những con số, đến mức đuổi theo đoàn xe đám ma để tìm cho đúng con số trời cho.

Xổ số nói gì về xã hội chúng ta?

Hậu thống nhất, hệ thống xổ số kiến thiết cả nước cũng được gộp chung lại thành một, với ba đơn vị chính đại diện cho ba miền Bắc-Trung-Nam. Từ đó đến nay, cục diện xổ số Việt Nam đã có nhiều thay đổi để đồng hành với những biến chuyển của xã hội.

Hãy thử quay về thập niên 80, khi ảnh hưởng từ giai đoạn cấm vận khiến việc mua sắm hàng hóa nhập khẩu là một điều vô cùng xa xỉ. Do đó, các đơn vị xổ số đã tạo thêm điều khoản “đặc quyền” dành cho ai trúng giải đặc biệt: họ được mua các mặt hàng ngoại nhập như tivi cát-sét, tủ lạnh,... với giá ưu đãi thấp hơn giá thị trường. Một giải thưởng cực kỳ được săn đón ngày ấy là chiếc xe Honda Super Cub 90, có giá trị lên đến 10 cây vàng, tương đương một căn hộ tập thể rộng 24m² ở Hà Nội thời bấy giờ. Được in lên các tờ vé số để thu hút người mua, chiếc xe này từ đó được toàn dân gọi là xe Honda DD, tức Honda “độc đắc.”

Xổ số với giải thưởng là hàng ngoại nhập (1987). Nguồn ảnh: Báo Giao Thông.

Thật khó có thể tượng tưởng một cơ cấu giải thưởng như vậy trong bối cảnh thương mại hiện tại, bởi chiếc xe máy cao cấp nhất cũng không thể nào so bì được với giá tiền của một căn hộ phố. Bây giờ, vé số được phát hành nhiều hơn, thường xuyên hơn, giải thưởng được ấn định bằng giá trị tiền mặt, người ta cũng không cần phải ngồi canh tivi, loa đài mà có thể dễ dàng lướt điện thoại để biết kết quả xổ sổ bất cứ lúc nào.

Nhìn lại, có lẽ thứ duy nhất chẳng thay đổi mấy là chính là mối quan hệ phức tạp của người Việt với xổ số. Thời nào cũng vậy, những tấm vé nhỏ bé là con dao hai lưỡi — không ít trường hợp dành dụm cả gia sản mua vé sổ để rồi lâm vào cảnh nợ nần, gia đình tan nát; song chúng cũng mang theo hy vọng, niềm tin về một tương lai tương sáng hơn cho cả người bán lẫn người mua.

Một tờ vé số đặc biệt được in vài ngày trước ngày thống nhất đất nước.
Kỳ xổ số này không bao giờ được quay mở. Nguồn ảnh: Báo Tuổi Trẻ.

Nhưng lớn hơn cả vận mệnh của mỗi cá nhân, tôi cho rằng vai trò bất ngờ nhất của xổ số chính là trở thành một phương tiện ghi dấu dòng chảy lịch sử đất nước — một lát cắt của đời sống, một hơi thở của thời đại, gói ghém vừa vặn trong một mảnh giấy, gói ghém vừa vặn trong một mảnh giấy giờ đây gấp gọn trong túi áo mỗi người.

]]>
info@saigoneer.com (Uyên Đỗ. Ảnh bìa: Ngọc Tạ.) Đặc biệt Văn Hóa Văn Nghệ Fri, 20 Dec 2024 16:35:36 +0700
Hẻm Gems: Xocoati và hương vị cacao ấm áp cho những ngày Sài Gòn chuyển lạnh https://saigoneer.com/vn/drink/17788-hẻm-gems-xocoati-và-hương-vị-cacao-ấm-áp-cho-những-ngày-sài-gòn-chuyển-lạnh https://saigoneer.com/vn/drink/17788-hẻm-gems-xocoati-và-hương-vị-cacao-ấm-áp-cho-những-ngày-sài-gòn-chuyển-lạnh

Giữa cái nóng gay gắt quanh năm ở Sài Gòn, tôi vẫn luôn kiếm tìm cho mình một chút hơi ấm — thứ cảm giác quen thuộc mỗi khi được cuộn mình trong chăn dày vào mùa đông Hà Nội. Đang lướt tìm những địa điểm mang chút không khí “mùa đông” ấy, tôi tình cờ đọc được một bài đánh giá đặc biệt gây tò mò vì nhắc đến điều mà tôi nghĩ là sự kết hợp tuyệt vời nhất: cacao và Harry Potter. Với tâm thế háo hức, tôi đã len lỏi qua những con đường đông đúc quen thuộc của Sài Gòn để tìm đến một con hẻm nhỏ dẫn đến một khu chung cư rộng đến bất ngờ.

Xocoati nằm gọn trên tầng hai và tầng ba của một căn chung cư cũ. Vừa bước vào, tôi đã bị thu hút bởi bức tường treo đầy tranh vẽ, ảnh chụp Hollywood cổ điển, và tấm bảng tên quán ghép từ những mảnh ghép sặc sỡ. Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên, không gian ở đây mang lại cảm giác hoài niệm. Khi kéo cửa gỗ để bước vào, tôi lập tức cảm nhận được mùi cacao lan tỏa trong không khí, những bức tường đỏ đậm như màu rượu vang, và một góc nhỏ bày đầy những chiếc cốc gốm đủ màu sắc. Điểm nhấn nổi bật của thực đơn chính là các món cacao, và tôi đã không ngần ngại gọi liền ba loại: Mayan — cacao nguyên chất không pha sữa; Parisian — cacao cổ điển với lớp kem tươi béo ngậy; và Butter Beer, món đồ uống quen thuộc trong thế giới Harry Potter. Điều thú vị là tôi còn được tự tay chọn chiếc cốc yêu thích từ bộ sưu tập cốc đa dạng của quán.

Không gian Xocoati được trang trí với rất nhiều tác phẩm tranh ghép mosaic.

Khai trương thử nghiệm vào mùa xuân và chính thức đón khách vào mùa hè năm 2023, Xocoati là giấc mơ từ thời cấp ba của mình, Vinh, người sáng lập quán chia sẻ. “Cảm hứng ban đầu đến từ tình yêu của mình với cacao. Mình luôn thích vị của nó, đã thử cacao ở khắp Sài Gòn nhưng vẫn chưa tìm được chỗ nào đúng gu,” Vinh nói. “Mình để ý thấy nhiều quán cà phê chỉ tập trung vào cà phê, và tự hỏi tại sao cacao – một thứ cũng ngon không kém – lại không được chú ý như vậy.”

Coziness is a key quality one might find at Xocoati.

Để thực sự làm nổi bật cacao, Vinh đã tự sáng tạo ra những công thức đặc trưng của Xocoati, không dựa trên bất kỳ khuôn mẫu nào. Chẳng hạn, món Mayan được lấy cảm hứng từ công thức truyền thống của người Maya, nhưng đã được biến tấu với chút đường để giảm độ gắt, vẫn giữ nguyên hương vị đặc trưng của cacao.Tôi vẫn nhớ khi gọi món này, bạn pha chế đã hỏi kỹ về "trình" ăn cay của tôi, vì sự kết hợp giữa vị đắng và cay nồng của Mayan là cả một thử thách vị giác. Nhưng chính sự “lạ lùng” này đã khiến nó trở nên đặc biệt. Với Vinh, cacao không chỉ đơn thuần là một hương vị mà còn là một thứ gì đó ý nghĩa hơn rất nhiều.

"Tách cacao là phép ẩn dụ cho cuộc sống."

“Mình thích nghĩ việc pha tách cacao là phép ẩn dụ cho cuộc sống,” Vinh cười và xin lỗi vì đưa ra phép ví von hơi sến súa. “Bạn phải đổ cacao vào ly trước khi thêm sữa. Tương tự, trong cuộc sống, ai cũng phải trải qua vị đắng của khó khăn trước khi cảm nhận được sự ngọt ngào đến sau. Mỗi khi uống một tách cacao, vị đầu tiên có thể cay và đắng, nhưng dư vị cuối cùng lại rất ngọt.” Lấy cảm hứng từ triết lý này, Xocoati mang đến cacao ở dạng nguyên bản nhất, chỉ điều chỉnh chút ít. Hương vị có thể hơi đậm với một số người, nhưng đó chính là điều mà quán muốn gửi gắm.

Những món đồ trang trí đầy sắc màu.

Nhưng cacao ngon chỉ là một phần trong trải nghiệm mà Xocoati mang lại. Bao quanh bởi những bức tường đỏ, các kệ sách treo đầy tranh khảm, bàn cờ gốm, và những ô cửa sổ lớn đón ánh sáng vàng rực rỡ của một buổi chiều Sài Gòn, cả hai tầng của Xocoati tràn ngập những món đồ thú vị. Hai bức tranh vua và hoàng hậu, miêu tả vua Justinian và vợ ông, càng tạo thêm nét cổ điển đậm chất "Trung cổ." Và thật tình cờ, thời kỳ trị vì của Justinian lại trùng với thời điểm người Maya phát hiện ra cacao. Nhờ hợp tác với Toong Teng — một xưởng gốm nay đã chuyển hướng sang nghệ thuật khảm — phong cách nghệ thuật của quán được thể hiện rõ nét.

Bạn có nhận ra ai trong tranh không?

“Mình mong khách đến đây sẽ cảm nhận được trải nghiệm đủ cả năm giác quan. Mình muốn tạo ra một không gian vừa dễ chịu vừa ấm cúng qua âm thanh và mùi hương. Còn về thị giác và xúc giác, mình mong họ cảm nhận được bầu không khí hoài cổ,” Vinh chia sẻ. “Điều mình mong nhất là mọi người có thể ngồi đây, nhâm nhi một tách cacao nóng trong không gian yên bình, như thể họ được đưa về một thời đại khác, có thể là thế kỷ 17 hoặc 18.” Quan sát những vị khách khác trong chuyến ghé thăm, tôi nghĩ rằng sứ mệnh của Xocoati phần nào đã được hoàn thành: một cặp đôi khe khẽ thì thầm bên góc nhỏ êm dịu; hai nhóm bạn rôm rả trò chuyện; và một vị khách lặng lẽ ngồi đọc sách dưới ánh chiều vàng dịu gần hoàng hôn.

Một buổi chiều ở Xocoati.

Tuy nhiên, quán không trang trí theo phong cách Harry Potter như tôi đã  kỳ vọng qua các bài đánh giá trên TikTok. Ngay cả món Butter Beer, vốn được khách hàng yêu thích, cũng chỉ là một “ý tưởng bất chợt.” Vinh chia sẻ rằng món uống này ban đầu được tạo ra như một sản phẩm đặc biệt cho mùa Halloween 2023. Anh thẳng thắn bày tỏ, dù danh tiếng trên mạng mang lại nguồn thu ổn định, anh thật sự mong rằng nếu Xocoati có "viral" thì đó phải là nhờ vào chính chất lượng đồ uống, đặc biệt là cacao.

Không nổi tiếng như cà phê nhưng cacao Việt Nam cũng được các chuyên gia đánh giá cao.

“Mở Xocoati rồi mình mới biết cacao Việt Nam thực ra được người nước ngoài đánh giá rất cao. Nhiều thương hiệu quốc tế còn bất ngờ trước chất lượng vượt trội của cacao trồng ở các khu vực như Tây Nguyên,” Vinh giải thích thêm về sự đặc biệt của cacao Việt. “Cacao Việt Nam tùy vùng trồng mà có hương vị riêng biệt. Cacao ở Vũng Tàu thường có chút vị mặn thoang thoảng của gió biển, còn cacao ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, như Bến Tre, đôi khi lại phảng phất cả hương dừa.”

Khách đến quán còn có thể tự chọn chiếc cốc yêu thích để thưởng thức món uống của mình.

Chính những nét đặc trưng vùng miền này đã thúc đẩy ước mơ của Vinh về việc mở một trang trại cacao để hiện thực hóa mô hình “từ nông trại đến ly.” “Mình đang cố gắng học hỏi thêm về nông nghiệp, cách canh tác và kiểm soát chất lượng,” anh chia sẻ về mục tiêu tự cung tự cấp nguồn cacao và đưa Xocoati phát triển thành một chuỗi cà phê chuyên nghiệp với nhiều chi nhánh hơn. Tuy nhiên, dù bận rộn với những kế hoạch kinh doanh dài hạn, ưu tiên hàng đầu của Vinh vẫn là giữ vững tinh thần của Xocoati. Không muốn đánh đổi trải nghiệm chân thực để đổi lấy lượng khách đông hơn hay lợi nhuận cao hơn, Vinh tâm sự: “Mình nghĩ ai hợp với quán thì sẽ gắn bó. Trong 100 người, nếu chỉ 50 người đồng cảm với tầm nhìn của Xocoati, mình sẵn sàng chấp nhận mất 50 người còn lại để giữ những người hiểu mình.”

Phần lớn đồ gốm sứ ở quán đều là hàng thủ công.

Nhấp một ngụm cacao nóng, tôi nhận ra mình cứ nán lại lâu hơn dự định. Không khí nơi đây chưa hoàn toàn tái hiện lại được cái cảm giác ấm áp đặc trưng của mùa đông Hà Nội, nhưng với tiết trời 38 độ ở Sài Gòn thì tôi tạm hài lòng. Dù sao thì Xocoati cũng đã bù đắp lại bằng những món cacao độc đáo và một góc nhỏ đầy nghệ thuật. Giờ đây, trên bản đồ Google Maps của tôi, Xocoati đã được đánh dấu đỏ, dành riêng cho những khi cần một chút không khí Hà Nội hay đơn giản là cơn thèm cacao bất chợt.

Xocoati Coffee mở cửa 1h chiều–10h30 tối trong tuần, và 10h sáng–10h30 tối vào cuối tuần.

Đánh giá:

Hương vị: 4/5
Giá cả: 3/5 — trung bình 70,000VND một món
Không gian: 5/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 3.5/5 —  khá khó để tìm chỗ gửi xe máy và phải đi theo chỉ dẫn của quán để tìm đúng chỗ.

Thái An là người thích hành lá đỏ, mê cà phê robusta rang đậm, và là một "đài phát thanh" chính hiệu đến từ Hà Nội.

Xocoati

33/11 Lý Văn Phức, Phường Tân Định, Quận 1, TP. HCM

]]>
info@saigoneer.com (Thái An. Ảnh: Ben Nguyễn và Jimmy Art Devier.) Đặc biệt Uống Ăn & Uống Sun, 15 Dec 2024 18:20:53 +0700
Hành trình đi tìm danh tính của phim kinh dị Việt trên màn ảnh lớn https://saigoneer.com/vn/film-tv/17787-hành-trình-đi-tìm-danh-tính-của-phim-kinh-dị-việt-trên-màn-ảnh-lớn https://saigoneer.com/vn/film-tv/17787-hành-trình-đi-tìm-danh-tính-của-phim-kinh-dị-việt-trên-màn-ảnh-lớn

Xuất hiện ở nền điện ảnh Việt Nam từ sớm, chặng đường phát triển của dòng phim kinh dị đã gặp ít nhiều chông gai. Nhiều tác phẩm kinh dị được thực hiện với kinh phí eo hẹp, với quá trình sản xuất diễn ra một cách gấp rút để có thể nhanh chóng thu lợi nhuận. Song song với đó, những chi tiết rùng rợn trong phim thường gặp trở ngại về vấn đề kiểm duyệt, giới hạn độ tuổi, và phải chỉnh sửa vào phút chót để được cấp phép phát hành. Vì vậy, dòng phim kinh dị Việt Nam nhìn chung thường vấp phải những đánh giá trái chiều từ phía khán giả.

Lúc bắt đầu thực hiện bài viết này, tôi cũng có một cái nhìn tương tự về dòng phim kinh dị nội địa. Ban đầu, tôi định thực hiện một danh sách đơn giản kiểu “top 10 phim kinh dị Việt Nam hay nhất,” rồi chắt lọc ra những cuốn phim nổi bật từ một loạt phim kinh dị mà tôi nghĩ sẽ không mấy ấn tượng. Nhưng sau khi đào sâu một chút về lịch sử của điện ảnh kinh dị Việt Nam, thì thay vì lựa chọn ra những bộ phim xuất sắc, tôi lại bị cuốn hút bởi sự chuyển mình của thể loại này qua từng giai đoạn.

Nên thay vì tuyển chọn "những phim hay nhất," tôi muốn lập một danh sách những bộ phim kinh dị Việt Nam tiêu biểu của từng thập niên, để phần nào đó minh họa sự phát triển của dòng phim này qua các thời kỳ. Các tác phẩm được nêu tên có thể không phải là những phim xuất sắc, nhưng những đặc điểm, tính chất của chúng phản ánh được xu hướng và phong cách điện ảnh của những bộ phim kinh dị cùng thời. Hy vọng rằng, khi xem qua những bộ phim này, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về những ưu nhược điểm và sự lột xác của dòng phim kinh dị Việt Nam.

Phim kinh dị Việt Nam trước thể kỉ 21

Áp phích phim Lệ Đá (1971).

Cánh Đồng Ma (1938) là một trong những thử nghiệm đầu tiên của thể loại phim kinh dị Việt Nam. Được chấp bút bởi Đàm Quang Thiện, một nhà văn kiêm bác sĩ, kịch bản phim xoay quanh một chuỗi án mạng bí ẩn xảy ra gần hồ Bảy Mẫu, Hà Nội. Phim được rót kinh phí và đồng sản xuất bởi một nhà đầu tư người Tàu, các cảnh quay đều được thực hiện tại Hồng Kông với toàn bộ diễn viên là người Việt.

Quảng cáo phim Con Ma Nhà Họ Hứa (1973) trên báo. Ảnh: Nhạc Xưa.

Quá trình làm ra bộ phim gặp nhiều trục trặc khi bên đầu tư muốn đẩy nhanh tiến độ sản xuất. Không những thế, kịch bản còn bị chỉnh sửa nặng nề mà không có sự đồng ý của Đàm Quang Thiện, khiến cho câu chuyện trở thành thành một tác phẩm mang yếu tố trinh thám, bạo lực và trụy lạc. Cánh Đồng Ma chính thức ra mắt vào năm 1938 và không ngoài dự đoán, bộ phim bị giới mộ điệu, các nhà phê bình và thậm chí cả các diễn viên tham gia chỉ trích nặng nề.

Sau Cánh Đồng Ma, có những bộ phim kinh dị khác ra mắt như Cô Nga Dạo Thị Thành (1939) và Khúc Khải Hoàn (1940). Tuy nhiên, do phát hành từ rất lâu nên thông tin về chúng rất hạn chế, cũng không có cách nào để xem các tác phẩm này, nên rất khó để đưa ra đánh giá chuẩn xác.

Mãi đến thập niên 70, phim kinh dị Việt Nam mới dần được định hình rõ nét hơn. Một cột mốc quan trọng trong thời kỳ này chính là sự ra đời của phim Lệ Đá vào năm 1971.

Lệ Đá (1971) | Xem Lệ Đá tại đây.

Lệ Đá kể về câu chuyện của cặp đôi Kỳ và Trang. Một ngày nọ, Trang không may qua đời trong một tai nạn ở công trường, nhưng cô vẫn chưa rời bỏ trần gian. Năm năm sau, linh hồn cô nhập vào thân xác của một người đàn ông bị sát hại ngay chính nơi cô đã mất. Và giờ đây, Trang, mắc kẹt trong thân xác của một ông lão, lại đi tìm cách để tái ngộ với Kỳ để nối lại mối tình xưa.

Phim Lệ Đá được đăng tải trên YouTube.

Bộ phim được đạo diễn bởi Võ Hoàng Châu, với sự góp mặt của dàn diễn viên hoàn toàn là người Việt. Phim gặt hái được thành công ở phòng vé, phần lớn nhờ vào việc lồng ghép tốt các yếu tố siêu nhiên, tận dụng các khung cảnh phủ sương đặc trưng của Đà Lạt để tạo nên các cảnh quay u ám. Đồng thời, tên phim Lệ Đá cũng được đặt theo tựa của một ca khúc cùng tên rất nổi tiếng lúc bấy giờ.

Một tác phẩm kinh dị khác cũng đạt được thành công lớn không kém ở thập niên 70 là Con Ma Nhà Họ Hứa (1973). Bộ phim dựa trên truyền thuyết đô thị về một gia đình khá giả ở Chợ Lớn và cũng thu hút được rất nhiều người mua vé đến xem. Nhưng đáng tiếc là cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có 10 phút đầu của bộ phim được công khai đến khán giả đại chúng.

Ngôi Nhà Oan Khốc (1992).

Sau năm 1975, dòng phim kinh dị vắng bóng một thời gian dài do Việt Nam tập trung sản xuất các bộ phim về đề tài chiến tranh và lòng yêu nước. Mãi đến thời kỳ phim thương mại của thập niên 90 thì phim kinh dị mới trở lại với Ngôi Nhà Oan KhốcChiếc Mặt Nạ Da Người. Cả 2 phim đều ra mắt vào năm 1992 và đạt được thành công về mặt lợi nhuận, nhưng bản số hóa đầy đủ của hai bộ phim này chưa được phát hành cho khán giả.

Quan sát các bộ phim kinh dị trước thế kỷ 21, ta có thể thấy một số mô-típ của những phim thời kỳ này đã được các thế hệ làm phim sau kế thừa và phát triển. Chẳng hạn như việc khai thác chủ đề về cái chết và thế giới bên kia trong phim Lệ Đá, hay các phim như Ngôi Nhà Oan KhốcCon Ma Nhà Họ Hứa lấy bối cảnh là căn nhà bị ma ám. Đà Lạt cũng trở thành địa điểm lý tưởng cho các bộ phim kinh dị nhờ vào khung cảnh núi đồi phủ sương và các biệt thự cổ kiểu Pháp, đây là một xu hướng kéo dài đến hai thập kỷ sau.

Thập niên 2000 - thời kỳ "học hỏi" từ điện ảnh nước ngoài

Sau thập niên 90, thể loại kinh dị lại một lần nữa vắng mặt thời gian dài trên màn ảnh rộng, có lẽ là do sự lên ngôi của phim hài và chính kịch khiến cho dòng phim này không nhận được nhiều sự chú ý. Nhưng cuối cùng, phim kinh dị cũng trở lại với hai tác phẩm ra mắt vào năm 2007 là MườiNgôi Nhà Bí Ẩn - Suối Oan Hồn. Có một điểm chung thú vị giữa hai bộ phim này: chúng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ điện ảnh quốc tế trên nhiều phương diện.

Mười: Truyền thuyết về bức chân dung (2007) | Xem Mười tại đây.

Mười kể về Yoon-hee, một tác giả người Hàn Quốc đang tìm kiếm cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết tiếp theo của mình. Cô được người bạn cũ Seo-yeon giới thiệu về truyền thuyết đô thị Mười, về một cô gái sống một cuộc đời bi kịch và trở thành một oan hồn sau khi chết đi. Yoon-hee vì tò mò nên đã chuyển đến Việt Nam và ở lại tại biệt thự của Seo-yeon ở Đà Lạt để nghiên cứu về chủ đề này. Tại đây, cô không chỉ khám phá ra nhiều bí ẩn về Mười, mà cô còn tìm ra những bí mật liên quan đến người bạn Seo-yeon của cô.

Mười (2007).

Đây là dự án hợp tác giữa Hãng Phim Phước Sang của Việt Nam và CJ Entertainment của Hàn Quốc, đánh dấu bước đầu tiên trong mối quan hệ hợp tác điện ảnh giữa hai quốc gia. Vào thời điểm bộ phim ra mắt, khán giả Việt Nam không quá xa lạ với điện ảnh Hàn Quốc nhờ sự phổ biến của các bộ phim dài tập (K-drama) trên truyền hình, nên việc hợp tác giữa hai nước trở thành điểm thu hút sự chú ý lớn từ truyền thông. Nhờ đó, Mười đạt doanh thu ấn tượng với con số 158 tỷ VND.

Nhưng sự hợp tác Việt-Hàn cũng là nguồn cơn dẫn đến phê bình của khán giả và báo chí về nội dung phim. Việc các diễn biến chính đều xoay quanh các nhân vật người Hàn Quốc, cộng với sự hiện diện ít ỏi và mờ nhạt của các nhân vật người Việt, khiến cho bộ phim giống như một tác phẩm của Hàn Quốc lấy bối cảnh tại Việt Nam hơn là một sự hợp tác thực sự giữa hai quốc gia. 

Ngôi Nhà Bí Ẩn-Suối Oan Hồn (2007) | Xem Ngôi Nhà Bí Ẩn-Suối Oan Hồn tại đây.

Được đạo diễn bởi Nguyễn Chánh Tín, về lý thuyết, đây vốn dị không phải là một bộ phim làm theo định dạng phim lẻ chiếu rạp, mà là hai tập đầu tiên của loạt phim truyền hình kinh dị dài 52 tập. Việc phát hành trên màn ảnh rộng nhằm mục đích huy động kinh phí cho các tập tiếp theo và tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng cho loạt phim này.

Tập phim Ngôi Nhà Bí Ẩn xoay quanh một nữ đạo diễn muốn quyết tâm thực hiện bộ phim tài liệu nhằm bác bỏ sự tồn tại của ma quỷ. Để làm được điều đó, cô đưa đoàn làm phim của mình đến một ngôi nhà được đồn đại là có ma ám. Và rồi niềm tin của cô dần bị lung lay khi lần lượt các hiện tượng lạ bắt đầu xảy ra.

Tập Suối Oan Hồn là một câu chuyện mang thể loại kinh dị-giật gân lấy bối cảnh tại một vùng đất hoang vu chỉ có ba gia đình sinh sống. Cuộc sống của họ bỗng dưng bị xáo trộn khi họ nghe được tiếng hú kỳ lạ của động vật inh ỏi vang lên hằng đêm. Chẳng bao lâu sau, từng người trong mỗi gia đình bắt đầu gặp những ảo giác kinh hoàng và đẫm máu khiến cho họ dần trở nên điên loạn.

Trong khâu quảng bá của dự án phim này, đoàn làm phim đã nói rằng họ lấy cảm hứng từ tác phẩm kinh điển Psycho (1960) của Alfred Hitchcock. Điều này được thể hiện khá rõ ràng khi phim có áp dụng nhiều kỹ thuật đặc trưng của Hitchcock, như các cảnh quay kéo dài, hoặc các phân đoạn chuyển cảnh linh hoạt nhằm lột tả biểu cảm nhân vật và góc nhìn của họ.

Ngôi Nhà Bí Ẩn-Suối Oan Hồn (2007).

Thế nhưng phim cũng bị chỉ trích vì phô bày quá rõ ràng những ảnh hưởng từ Hitchcock. Việc áp dụng những kỹ thuật này một cách đơn điệu và không có nhiều sự sáng tạo khiến cho phim trở nên cũ kỹ và thiếu điểm nhấn riêng, đặc biệt là đối với những khán giả đã quen thuộc với phim kinh dị nước ngoài.

Nhìn lại thập niên 2000, có thể thấy đây là giai đoạn các nhà làm phim Việt Nam học hỏi nhiều từ các nền điện ảnh quốc tế. Ngôi Nhà Bí Ẩn-Suối Oan Hồn thì chịu ảnh hưởng về các kỹ thuật làm phim từ Hollywood, còn Mười là sản phẩm hợp tác trực tiếp với một nền công nghiệp điện ảnh phát triển hơn. Cả hai phim đều đạt doanh thu phòng vé tương đối khả quan, và nếu xét về thời điểm ra mắt, thì có lẽ nó cũng đã góp phần giới thiệu dòng phim kinh dị Việt Nam đến thế hệ trẻ hiện nay.

Tuy nhiên vẫn còn đó những hạn chế đáng chú ý về chất lượng sản xuất, như kịch bản, cách triển khai các yếu tố kinh dị, và quan trọng nhất là sự hiện diện chưa rõ nét của bản sắc Việt Nam trên màn ảnh rộng. Và trong hai thập kỷ tiếp theo, ta sẽ thấy những khiếm khuyết này được dần cải thiện.

Thập niên 2010 — thời kỳ thương mại hóa của phim kinh dị

Bước vào thập niên 2010, thể loại kinh dị có nhiều dấu hiệu khởi sắc với hàng loạt tác phẩm được đánh giá cao về chất lượng sản xuất, trong đó một số phim còn đạt doanh thu lớn. Một điểm sáng của thời kỳ này là Quả Tim Máu, bộ phim kinh dị Việt Nam có doanh thu cao nhất vào thời điểm ra mắt, và thành công vang dội của nó đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dòng phim kinh dị tại Việt Nam.

Quả Tim Máu (2014) | Xem Quả Tim Máu tại đây.

Quả Tim Máu theo chân nhân vật Linh, một người được cứu sống khi được hiến một quả tim. Nhưng sau ca phẫu thuật, Linh bắt đầu gặp nhiều ác mộng và ảo giác kỳ lạ. Và rồi trong một cơn mơ, Linh bị mộng du và đi bộ đến thẳng ngôi mộ của Phương, người đã hiến tim cho Linh. Tại đây, Linh được gặp gia đình của Phương và dần khám phá ra được những bí ẩn đằng sau cái chết đột ngột của Phương.

Quả Tim Máu (2014).

Bộ phim sử dụng các mô típ quen thuộc từ phim kinh dị Việt Nam, như việc lấy bối cảnh trong một ngôi một biệt thự ở Đà Lạt và xây dựng cốt truyện xoay quanh những chủ đề về oan hồn cùng cái chết bí ẩn. Phim gây ấn tượng với khán giả do thể hiện tốt những yếu tố này lên màn ảnh thông qua việc trau chuốt kịch bản, kỹ thuật quay và kỹ xảo. Nhờ đó, phim đạt được 24 tỷ VND sau ba ngày ra mắt, vượt qua được doanh thu của các bộ phim Hollywood được trình chiếu tại Việt Nam vào thời điểm đó.

Vào thời điểm Quả Tim Máu ra mắt, một số tác phẩm kinh dị khác như Lời Nguyền Huyết Ngải (2012) và Ngôi Nhà Trong Hẻm (2012) cũng nhận được nhiều lời khen ngợi về chất lượng. Nhưng điều đặc biệt ở Quả Tim Máu là việc đạo diễn quyết định trao vai chính cho Thái Hòa, một diễn viên hài, để mang lại những khoảnh khắc hài hước nhẹ nhàng, làm xoa dịu sự căng thẳng trong không khí rùng rợn của phim. Cách tiếp cận cũng trở thành một trào lưu mới, dọn đường cho một loạt các bộ phim kinh dị kết hợp yếu tố hài được ra mắt sau đó.

Quả Tim Máu (2014).

Phim kinh dị bắt đầu trở nên phổ biến hơn và được thương mại hóa nhiều hơn vào thời kỳ này. Tuy nhiên, việc này dẫn đến sự xuất hiện của nhiều bộ phim kinh dị hài cố gắng sao chép thành công của Quả Tim Máu mà không thực sự hiểu rõ những yếu tố cốt lõi tạo nên sự hấp dẫn của nó. Những bộ phim này không cân bằng được giữa tính kinh dị và hài hước, với những cảnh rùng rợn kém chất lượng, còn các nhân vật thì quăng miếng hài một cách quá dư thừa.

Nhưng xu hướng phim kinh dị này cũng nhanh chóng chuyển sang hướng mới. Khi các bộ phim ra mắt vào cuối thập niên 2010 bắt đầu khắc phục một điểm yếu nổi bật điện ảnh kinh dị Việt Nam, đó là sự thiếu hụt những câu chuyện rùng rợn mang tính bản sắc, gần gũi với người Việt. Phim Bắc Kim Thang là một ví dụ điển hình, và sự ra mắt của bộ phim này cũng báo hiệu xu hướng điện ảnh kinh dị Việt Nam trong thập niên tiếp theo.

Bắc Kim Thang (2019) | Xem Bắc Kim Thang ở đây.

Bộ phim theo chân Thiện Tâm, một chàng trai trở về quê ở Đồng bằng Sông Cửu Long sau một thời gian dài điều trị bệnh ở thành phố. Khi trở về, anh phát hiện ra rằng ông nội anh đang ngày càng bệnh nặng, và em gái anh đã mất tích. Nhưng điều kỳ lạ là những thành viên còn lại trong gia đình dường như tỏ ra thờ ơ và chẳng để tâm đến sự việc này.

Bắc Kim Thang (2019). 

Theo một đánh giá về bộ phim, dù cốt truyện của Bắc Kim Thang cần phải cải thiện ở một số điểm, bộ phim vẫn đáng khen ngợi vì tính chân thật trong cách xây dựng nhân vật và bối cảnh. Cốt truyện lấy mốc thời gian vào thập niên 90 và đề cập đến vấn đề trọng nam khinh nữ, các cảnh quay miền quê sông nước, bữa ăn gia đình nhằm phản ánh cuộc sống nông thôn ở miền Tây Nam Bộ.

Bộ phim nhận được thành công về doanh thu và còn được trình chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Busan, một trong những liên hoan phim lớn nhất của châu Á. Dù không phải là một bộ phim xuất sắc, nhưng nó được đánh giá cao nhờ khám phá các chủ đề gần gũi với người Việt, và có một số nhận xét còn cho rằng hướng đi này có thể trở thành tiền đề cho các sản phẩm điện ảnh trong tương lai.

Không có lời lý giải chính xác nào về việc các nhà làm phim kinh dị bắt đầu thay đổi hướng đi, nhưng có thể đưa ra một số phỏng đoán dựa trên tình hình điện ảnh Việt Nam vào thời điểm đó. Một báo cáo năm 2019 đã cho thấy rằng thập niên 2010 là một giai đoạn rất nhộn nhịp của điện ảnh quốc tế, dẫn đến việc các rạp chiếu bóng ở Việt Nam bị chi phối bởi các bộ phim nước ngoài. Hằng năm, có khoảng 40 phim nội địa được phát hành so với 200 phim quốc tế, một chênh lệch khá lớn. Có lẽ, việc phim nước ngoài được chiếu tràn ngập ở rạp chiếu đã thôi thúc khán giả và các nhà làm phim tìm đến những tác phẩm điện ảnh mang tính địa phương hơn, gần gũi hơn.

Thập niên 2020, khi phim kinh dị Việt đi tìm bản sắc Việt

Sau một thời gian gián đoạn vì đại dịch COVID-19, ta dần thấy được định hướng của phim Bắc Kim Thang được đón nhận và tiếp nối trong các tác phẩm ra mắt vào thời kỳ này. Không những thế, khán giả cũng chào đón nồng nhiệt với sự lột xác này, một bài báo từ tháng 9 năm 2024 đã chỉ ra rằng phim kinh dị đang ngày càng trở nên phổ biến, với một số cái tên đạt được thành công lớn về mặt thương mại. Hai bộ phim hình mẫu cho việc đưa các yếu tố văn hóa, bản sắc Việt Nam lên màn ảnh một cách hiệu quả là Kẻ Ăn HồnQuỷ Cẩu.

Kẻ Ăn Hồn (2023) | Xem Kẻ Ăn Hồn ở đây.

Câu chuyện diễn ra tại một ngôi làng bị nguyền rủa và không ai có thể rời đi. Một nhân vật bí ẩn trong làng đang âm thầm luyện Rượu Sọ Người, một loại cổ thuật yêu cầu phải thu hoạch máu và bộ phận cơ thể người để thực hiện. Khi một loạt các vụ ám sát xảy ra, những người dân trong làng phải cố tìm ra thủ phạm trước khi chính họ trở thành nạn nhân tiếp theo.

Kẻ Ăn Hồn (2023).

Kẻ Ăn Hồn thu hút sự chú ý nhờ vào phần chỉ đạo nghệ thuật. Đoàn làm phim sử dụng cổ phục và trau chuốt trong thiết kế bối cảnh để phục dựng lại một ngôi làng ở thế kỷ 16-17. Phim cũng không sử dụng các yếu tố hù dọa giật gân thường thấy trong các bộ phim trước, thay vào đó là các cảnh quay núi rừng âm u để tạo nên không khí hẻo lánh, bí ẩn của ngôi làng. Các yếu tố văn hóa được đưa vào phim như nhạc cụ truyền thống được sử dụng cho phần nhạc nền, câu chuyện xoay quanh các bài hát dân gian, các món đồ chơi truyền thống như búp bê giấy, tạo ra một trải nghiệm kinh dị đặc biệt gần gũi với người Việt.

Kẻ Ăn Hồn (2023).

Dù ra mắt trong thời điểm nhiều phim Việt gặp khó khăn về doanh thu, Kẻ Ăn Hồn bất ngờ gặt hái được thành công lớn tại phòng vé. Phim vượt qua Quả Tim Máu để trở thành tác phẩm kinh dị Việt có doanh thu cao nhất trong lịch sử tính đến tháng 12 năm 2023, đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của thể loại kinh dị này trong thời đại mới. Tuy nhiên, kỷ lục của Kẻ Ăn Hồn lại nhanh chóng bị phá vỡ bởi Quỷ Cẩu, bộ phim tiếp theo trong danh sách này.

Quỷ Cẩu (2023) | Xem Quỷ Cẩu tại đây.

Quỷ Cẩu xoay quanh một gia đình làm nghề buôn bán thịt chó. Người cha không may qua đời trong một vụ tai nạn khi đang giao thịt chó. Nam, người con trai cả sống xa nhà và không tham gia vào công việc gia đình, phải trở về để lo tang lễ cho cha. Sau khi về họp mặt với gia đình, Nam bắt đầu có những cơn ác mộng rùng rợn về việc cả gia đình mình bị sát hại, và không lâu sau đó, những cơn ác mộng dần dần trở thành sự thật.

Quỷ Cẩu lấy cảm hứng từ truyền thuyết đô thị ở miền Bắc về "chó đội nón mê" — một loài quỷ có hình hài giống chó có thể đứng hai chân, đội nón lá và chống gậy. Sự xuất hiện của nó như một điềm xui, báo hiệu tai ương cho những ai nhìn thấy nó. Bộ phim này cũng kết hợp các yếu tố văn hóa vào cốt truyện, nhưng điểm đặc biệt là Quỷ Cẩu tái hiện truyền thuyết này trong bối cảnh hiện đại và liên hệ đến vấn đề tiêu thụ thịt chó trong xã hội Việt Nam.

Quỷ Cẩu (2023).

Phim có cố gắng xây dựng một hình tượng quái vật đúng nghĩa, nhưng nhận được đánh giá trái chiều do chưa tốt về mặt kỹ xảo, khiến cho loài sinh vật này trông ngớ ngẩn hơn là đáng sợ. Dù vậy, đây cũng có thể xem là nỗ lực của các nhà làm phim trong việc đổi mới các yếu tố kinh dị thay vì đi theo lối mòn. Nhờ vào cách kể chuyện sáng tạo và chủ đề đương đại, bộ phim đã nhanh chóng gia nhập hàng ngũ các bộ phim Việt Nam đạt doanh thu trên 100 tỷ VND, một cột mốc mới trong thể loại kinh dị Việt.

Kết

Điện ảnh kinh dị Việt Nam đã đi một chặng đường dài. Từ thời kỳ học hỏi các bộ phim nước ngoài, thể loại đang dần tạo dựng được bản sắc riêng. Ta có thể thấy nhiều dấu hiệu tích cực trong những năm 2020, khi các nhà làm phim bắt đầu thử nghiệm và sáng tạo nhiều hơn, để các bộ phim kinh dị không chỉ dừng lại ở mức hù dọa, mà còn truyền tải những yếu tố kinh dị qua những câu chuyện mang căn tính Việt.

Qua việc quan sát cách những bom tấn phòng vé đang dẫn thay áo mới để trở thành những tác phẩm chất lượng, tôi tin rằng chúng có thể xây dựng nền tảng vững chắc cho tương lai của điện ảnh kinh dị Việt Nam. Và dù dòng phim này vẫn sẽ gặp phải những sai lầm và thách thức mới trong tương lai, tôi vẫn tin rằng các nhà làm phim sẽ tiếp tục học hỏi từ chúng và cải thiện thể loại này hơn nữa.

]]>
info@saigoneer.com (Khang Nguyễn. Ảnh bìa: Dương Trương.) Đặc biệt Màn Ảnh Văn Nghệ Fri, 13 Dec 2024 17:25:31 +0700
Thứ Hai không đi học, thứ Hai đi trượt ván https://saigoneer.com/vn/parks-and-rec/17785-trượt-ván-saigon-skatepark-skateboard https://saigoneer.com/vn/parks-and-rec/17785-trượt-ván-saigon-skatepark-skateboard

Những chủ đề ít phổ biến thường mắc phải nhiều “tin đồn” không chính xác hay những định kiến, và trượt ván cũng vậy. Tôi cũng không thể loại trừ bản thân khỏi những mặc định phiến diện đó.

Tôi từng âm thầm nghĩ rằng trượt ván là bộ môn đường phố, gắn với văn hóa hip-hop, và chỉ dành cho những đứa con trai cởi trần nhễ nhại mồ hôi ngoài phố đi bộ Nguyễn Huệ và hay chửi thề. Cũng như những nhân vật đầy định kiến ở trên phim, tôi cũng bị “luật-hoa-quả” thử thách sau một lần cùng bạn đến tham dự một workshop dạy trượt ván vào mùa hè. Dù tôi không phải là con trai, không “phố” và chẳng biết gì về hip-hop, tôi đã hoàn toàn bị thu hút bởi lượng dopamine mà bộ môn này mang lại.

Một trong những mục tiêu cho năm 2024 của tôi là được trải nghiệm một môn thể thao mới. Trong đầu tôi đã mường tượng về những môn thể thao chính thống hơn, như cầu lông hay chạy bộ, nhưng không ngờ môn thể thao tôi mê mẩn lại là trượt ván (skateboarding). Nhưng ngay cả ở thành phố sôi nổi như Sài Gòn, bộ môn trượt ván này lại không hề phổ biến, bạn tôi còn thường nhầm lẫn rằng tôi chơi “lướt” ván chứ không phải trượt ván, mặc cho tôi có giải thích biết bao nhiêu lần.

Cầu lông, chạy bộ, hay bơi? Tôi chọn trượt ván.

Tìm hiểu sâu hơn về bộ môn này, tôi biết được rằng dù cùng du nhập vào Việt Nam từ những năm 2000, trượt ván lại không được phổ biến hơn so với người anh em cùng có bánh xe và cũng đòi hỏi thăng bằng là trượt patin, vốn có một cộng đồng đông đảo và nhiều cơ sở sân trượt hơn. Dù sân trượt giới hạn, các skater (người chơi trượt ván) vẫn giữ tinh thần lạc quan với môn thể thao này, họ tụ tập ở những địa điểm như công viên Gia Định, Khánh Hội, chân cầu Ba Son, trước chợ Bến Thành. Thế nhưng, những địa điểm này thường tiềm tàng rủi ro về giao thông, người đi bộ hay trật tự nơi công cộng, những rủi ro này khiến một người  chơi nhút nhát như tôi có phần e dè, vậy nên tôi thường lui đến Saigon Skatepark, một sân trượt ván trong nhà tại Quận 7, mỗi 6 giờ tối thứ Hai hằng tuần.

Sân trượt ván trong nhà duy nhất

Saigon Skatepark là sân trượt ván trong nhà duy nhất tại Việt Nam, được thành lập bởi hai anh em cùng đam mê trượt ván, sau khi họ đã có gần 10 năm mở Saigon Skateshop — một cửa hàng phân phối ván trượt và phụ kiện. Hiện nay, Saigon Skatepark là tụ điểm cho cộng đồng skater của Sài Gòn và cả những skater đến từ nhiều quốc gia khác cùng kết nối. Khung giờ mà tôi chọn đến Saigon Skatepark là từ 6 giờ tối thứ Hai hằng tuần, không phải vì tôi rảnh vào khung giờ này, mà đây là khung giờ dành riêng cho những người chơi mới bắt đầu, đặc biệt là các bạn skater nữ.

Không gian trong nhà thoáng đãng của Saigon Skatepark.

Khi đến Saigon Skatepark lần đầu, bạn có lẽ sẽ hơi choáng ngợp bởi không khí sôi nổi của các skater trượt trên các địa hình có vẻ gai góc (dốc, rail, bậc thang, ramp v.v.) hay thực hiện các trick không phụ thuộc vào địa hình. Khi đến đây lần đầu tiên, tôi đã tưởng mọi người biết bay trên ván, chỉ khác Aladdin trên thảm thần, các skater sẽ nhễ nhại mồ hôi và khuôn mặt có phần căng thẳng. Nếu không quan sát bằng mắt, bạn cũng có thể cảm nhận sự chuyên tâm của mọi người đối với tấm ván qua những tiếng vang ầm ầm, âm thanh lách cách của tấm ván gỗ va đập vào các loại chất liệu khác nhau như kim loại hay bê tông, tùy thuộc vào địa hình và động tác mà skater đang thực hiện.

Cá tính của skater nằm ở thiết kế và hoa văn của griptape (miếng dán ở mặt trên ván).

Trò chuyện với anh Thông — đồng sáng lập và cũng là quản lý của Saigon Skatepark — tôi được biết rằng ý tưởng về ngày thứ Hai dành riêng cho những người chơi còn cập rập như tôi vốn không có từ ban đầu khi mới hoạt động sân, vì những người thành lập lúc bấy giờ đều là những người chơi lâu năm như anh Thông, đã gắn bó với trượt ván gần hai thập kỷ từ khi trượt ván mới du nhập về Việt Nam. 

“Nếu cứ mãi đứng ở góc nhìn của những người chơi lâu năm, chắc chắn tụi anh sẽ không thể quan sát và nhận ra được tâm lý chung của những bạn mới chơi, thường các bạn rất dễ xấu hổ và ngại ngùng khi phải trượt trước mặt những người đã có kinh nghiệm hơn. Ngoài ra trượt với những bạn pro hơn cũng sẽ gây nguy hiểm cho người mới bắt đầu vì tốc độ và cường độ trượt khác nhau,” anh nói.

Chất lượng của một ván trượt đến từ từng bộ phận: mặt ván, trục, bánh xe, v.v.

Sau vài lần tự mình tham gia buổi trượt vào ngày thứ Hai, tôi nhận thấy mình có đủ “tư cách” của một người mới bắt đầu để nhận xét rằng đây là môi trường lý tưởng dành cho những ai mới tập trượt ván. Nơi này đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cần thiết.

Về độ an toàn, không gian trong nhà được thiết kế rất thân thiện với người mới chơi. Ở đây có dịch vụ cho thuê đồ bảo hộ như nón bảo hiểm, đai bảo vệ khớp gối, khuỷu tay và cổ tay, và luôn có nhân viên túc trực sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp nếu có. Về chi phí, chỉ với “một đĩa cơm tấm” tương đương 50.000 đồng, bạn đã có thể sở hữu một tấm vé trượt không giới hạn thời gian trong ngày tại Saigon Skatepark, và bạn có thể trượt đến khi đốt hết lượng calorie của “đĩa cơm tấm” đó. Cuối cùng, tiêu chí này có lẽ là quan trọng nhất đối với tôi: không mắc cỡ. Ở đây, ai cũng như bạn — đều là người mới bắt đầu, nên cảm giác ngại ngùng gần như không tồn tại.

Đồ bảo hộ bao gồm mũ bảo hiểm, đệm gối, đệm khuỷu tay và cổ tay.

Ai cũng từng là “ma mới”

Có một điều mà tôi đã không thể nhận ra sớm hơn: trượt ván cũng được công nhận là một môn thể thao. Bộ môn này là một hạng mục được săn đón trong đại hội thể thao Olympics và còn từng xuất hiện tại SEA Games 30 (dù chỉ xuất hiện một lần duy nhất), và như mọi môn thể thao khác, trượt ván sẽ vui hơn nếu ta gắn bó với một cộng đồng. Có lẽ tôi đã sớm bỏ cuộc nếu không có những người bạn và đặc biệt là một không gian thân thiện như Saigon Skatepark.

Các skater ở Saigon Skatepark khởi động trước khi trượt.

Bạn Nguyễn Phương Thảo (Quận Gò Vấp), một cạ cứng trên sân trượt của tôi, chia sẻ rằng: “Ở đây, chỉ cần bạn mạnh dạn hỏi, dù là những câu hỏi cực kỳ ngớ ngẩn, thì các bạn skater khác đặc biệt là team @chiemskateclub của các bạn skater nữ sẽ nhiệt tình hỗ trợ và kèm cặp bạn tập luyện.” 

Điều khiến tôi đặc biệt cảm động về cộng đồng trượt ván là nếu bạn đã dành rất nhiều thời gian để tập một trick (kỹ thuật) nào đó và cuối cùng đã thực hiện được động tác đó, bất kỳ ai trong sân cũng sẽ cổ vũ cho bạn một cách chân thành, la hét và vỗ tay kể cả khi họ còn không kịp tận mắt nhìn thấy bạn thực hiện động tác đó.

Chỉ cần bạn hỏi, nhất định sẽ có người hỗ trợ bạn.

Một mục tiêu nữa của năm 2024 mà tôi đã hoàn thành được, là nhờ vào mục tiêu thể thao ban đầu của mình: tôi được kết bạn với nhiều người hơn. Không nhất thiết phải đi trượt ván, bất kỳ môn thể thao nào cũng có thể kết nối con người với nhau, chỉ cần một cuộc hẹn định kỳ hàng tuần để duy trì cả thể thao và tình bạn, không cần quá nhiều ràng buộc và nỗ lực. Một người bạn trượt ván của tôi đã tự hứa rằng sẽ phải thực hiện được động tác ollie (dùng chân đạp mạnh xuống đuôi ván để tạo lực bật ván lên khỏi mặt đất) trước khi chị ấy đi lấy chồng, và chúng tôi cũng hứa với chị ấy rằng sẽ luyện tập để ollie được trong đám cưới của chị. Có lẽ động lực để tập thể thao cũng chỉ cần đơn giản thế thôi.

Trong trượt ván, té ngã là chuyện đương nhiên.

Trượt ván cũng như tất cả những môn thể thao khác, ta đều cần dành thời gian để tập luyện và phát triển. “Dù đã trượt ván chuyên nghiệp nhiều năm, nhưng nếu bây giờ bọn anh bước vào một sân cầu lông, bọn anh vẫn có thể cảm thấy xấu hổ và cần nhiều thời gian luyện tập. Đối với anh, việc land được một trick [thực hiện một động tác] trong trượt ván chỉ là vấn đề về thời gian, mình sẽ thực hiện được nó sau 50, 100 hay 1000 lần thực hiện,” anh Thông chia sẻ.

Cốt lõi của việc chơi thể thao vẫn là niềm vui và tinh thần cộng đồng nó mang lại, việc rủ rê bạn bè “Ê, hôm nay đi trượt không?” vẫn quan trọng với tôi hơn việc áp lực bản thân phải bằng mọi giá thực hiện được một động tác như đặt ra KPI. 

Saigon Skatepark có khung giờ mở cửa thay đổi theo từng ngày, bạn có thể tham khảo fanpage hoặc tài khoản Instagram của sân để biết thêm chi tiết.

]]>
info@saigoneer.com (Phương Nghi. Ảnh: Ben Nguyễn.) Đặc biệt Parks & Rec Đời Sống Thu, 12 Dec 2024 10:00:00 +0700
Thăm thế giới ẩm thực Bắc Bộ gói gọn trong khu chợ Việt sầm uất nhất Praha https://saigoneer.com/vn/society/17784-thăm-thế-giới-ẩm-thực-bắc-bộ-gói-gọn-trong-khu-chợ-người-việt-sầm-uất-nhất-praha https://saigoneer.com/vn/society/17784-thăm-thế-giới-ẩm-thực-bắc-bộ-gói-gọn-trong-khu-chợ-người-việt-sầm-uất-nhất-praha

Vòng quanh những vùng lãnh thổ nói tiếng Anh như Mỹ, Anh hay Úc, cộng đồng người Việt xa xứ vẫn hiện hữu trong những khu dân cư khắng khít với cái tên “Little Saigon” (Tiểu khu Sài Gòn), gầy dựng chợ người Việt, buôn bán giao thương cùng nhau, và đem phong vị Việt như gỏi cuốn và bánh mì đến với thực khách Tây. Ở châu Âu, người Việt lại thường quây quần trong phạm vi những “Little Hanoi,” do tầng lớp người Việt định cư đầu tiên thường có gốc gác từ những tỉnh thành miền Bắc. Nhiều khu Little Hanoi, như ở Praha, Cộng hòa Séc, phát triển lâu đời và sung túc tới mức chẳng khác gì một thành phố thu nhỏ ngay lòng thủ đô, với đủ dịch vụ hành chính, trường học, và nhà ở riêng.

Chợ Sapa, khu dân cư gốc Á lớn nhất và trái tim của Little Hanoi, chỉ cách trung tâm Praha 15 cây số.

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Cộng hòa Séc bắt đầu nhen nhóm vào cuối thập niên 40, đầu thập niên 50, khi Séc vẫn còn là một nửa Tiệp Khắc, đất nước thuộc Khối Xô Viết, dưới ảnh hưởng của xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế kế hoạch hóa. Trên nền tảng chia sẻ, cùng phát triển đi lên giữa hai nước, Tiệp Khắc đã tiếp nhận du học sinh Việt Nam sang học tập để nâng cao tay nghề, về giúp đồng bào nước mình.

Quán ăn ở Little Hanoi như ngưng đọng giữa dòng chảy thời gian.

Năm 1955, lớp thanh niên ưu tú đầu tiên đặt chân đến Tiệp Khắc, tổng cộng 16 người, theo lời kể của cụ Nguyễn Thị Bảng, nữ sinh Việt đầu tiên trong khóa. Họ đến từ đủ mọi nơi khắp miền Bắc, như Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Nghệ An, v.v. Ngoài Tiệp Khắc, chương trình trao đổi cũng gửi học sinh đến các nước láng giềng khác trong khối, như Liên Xô và Ba Lan, mang theo hy vọng rằng lớp trẻ sẽ tiếp thu kiến thức châu Âu rồi về đóng góp cho Việt Nam. Rất nhiều cựu sinh viên đã trở về, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đất nước, nhưng cũng nhiều người chọn ở lại châu Âu lập nghiệp.

Bún chả là món “vơ-đét” ở chợ, minh chứng rõ ràng nhất cho ảnh hưởng Bắc Bộ lên khu phố người Việt ở đây.

Chương trình trao đổi học sinh diễn ra khá suôn sẻ trong suốt vài thập kỉ sau đó, cho đến khi Liên Xô tan rã. Tuy thế, cộng đồng người Việt ở châu Âu, qua bao năm, đã mở rộng hòa nhập vào xã hội địa phương, hình thành nên những khu Little Hanoi sầm uất. Ngày nay, người Việt vẫn là nhóm dân nhập cư không thuộc châu Âu đông đảo nhất tại Cộng hòa Séc và Ba Lan, với dân số lên đến hàng chục ngàn người. Các thế hệ con cháu gốc Việt sinh ra ở đây, dù mang dòng máu Việt, thường nói rành rọt tiếng Séc và Ba Lan và cảm thấy gần gũi với văn hóa châu Âu hơn đất mẹ.

Biển hiệu toàn tiếng Việt có mặt ở khắp nơi trong Little Hanoi.

Khi đặt chân đến Little Hanoi ở Praha, với cái tên chính thức trên bản đồ là Sapa Market, cảm giác lạ lẫm xen lẫn bất ngờ dâng lên trong lòng chúng tôi, vì tiếng Việt ở khắp mọi ngóc ngách, từ xa đến gần. Cổng chào còn được viết song ngữ, và đây đó cũng điểm xuyết vài dòng tiếng Séc, nhưng phần lớn nội dung quảng cáo chỉ toàn tiếng Việt, giới thiệu đủ mọi sản phẩm từ bún cá, dịch vụ cắt uốn tóc, đồ da, pha lê Séc nổi tiếng, và hàng hàng lớp lớp đồ Việt mà thoạt nhiên ta cứ ngỡ sẽ khó tìm, ở nơi cách Việt Nam hàng nghìn cây số.

Các cộng đồng người Việt hải ngoại thường mọc lên quanh khu chợ trung tâm.

Theo bài viết của báo chí địa phương Séc, Chợ Sapa gần như tự quản, có cả một lực lượng “hình cảnh” đi tuần tra đường phố để giữ trật tự. Ngoài ra, còn có cả nhà trẻ giữ con nít từ 1 tuổi để cho phụ huynh an tâm đi làm ngay trong nội khu, thường là buôn bán hoặc làm dịch vụ chuyển tiền về nước. Tuy vậy, vai trò “cộm cán” nhất của Chợ Sapa chính là cái nôi ẩm thực, vỗ về những tâm hồn ăn uống xa xứ trong những lúc đã quá ngán ngẩm cái đơn điệu của đồ ăn Đông Âu. Những vị cứu tinh như trái cây nhiệt đới, bún nước nóng hổi chắc chắn sẽ cứu rỗi bất kì ai đang cảm thấy bị bội thực phô mai, bánh mì.

Trái bí này nấu được mấy nồi canh?

Dạo quanh các quầy hàng, nước mắm, bánh tráng khô, trà và cà phê đều đầy ắp, nhưng cái làm chúng tôi vui khó tả trong ngày trời ảm đạm là loạt rau củ quả tươi từ quê hương: rau thơm, thanh long, măng cụt, và chôm chôm râu còn tươi rói, dù cách xa nhà nửa vòng Trái Đất. Nếu hôm đó khách không có tâm trạng mua nhu yếu phẩm, thì có lẽ một ly nước mía ép ngay tại chỗ, vừa ngọt vừa mát sẽ là vị thuốc lý tưởng giúp họ chữa cơn nhớ nhà, dù tôi cũng tiếc là trên xe không có hình vẽ cô Mía quen thuộc.

Trái cây nhiệt đới ê hề.

Rảo bước quanh trung tâm Praha, không khó để bắt gặp nhiều nhà hàng chỉn chu bán món Việt, do chủ và đầu bếp thuộc thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba vận hành, thường nấu các món Việt đa vùng miền như gỏi cuốn, bò bún, bánh mì, bánh xèo, v.v. Trái lại, tại chợ Sapa, thực đơn lại mang đậm chất Bắc Bộ. Điều này cũng khá dễ hiểu vì các hàng quán đều rất lâu đời, được gầy dựng nên bởi lớp dân nhập cư từ các tỉnh phía Bắc thời Liên Xô, nhưng cái hay là sự phong phú của ẩm thực miền Bắc ở đây có khi còn hơn cả Sài Gòn.

Nhiều món đặc sản miền Bắc ít gặp, như bún cá Hải Dương và ngan nướng, đều có mặt trong menu ở đây.

Bún cá miền Bắc nói chung và bún cá Hải Dương nói riêng khá khó tìm ở Sài Gòn, còn ngan cũng ít thấy so với vịt, gà và cút. Cả hai đều hiện diện trong nhiều món ngon ở Chợ Sapa. Ngoài ra, ai đã quen với phong cách đặt tên nhà hàng ở Hà Nội, theo công thức tên chủ quán cộng đặc điểm ngoại hình, sẽ không khỏi bật cười khi thấy biển hiệu Chè Tuyết Béo.

Mỗi cộng đồng Việt Kiều đều có những đặc điểm, bất cập, vấn đề riêng của mình, điều mà tôi tin chắc người Việt nào từng học tập, sinh sống ở nước ngoài đều đã từng trải qua. Áp lực để tồn tại, hòa nhập, thành công đôi khi sẽ phơi bày nhiều góc khuất trong cách con người ta đối xử với nhau. Dẫu thế, dù ta có yêu quý hay thấy mất niềm tin với Little Hanoi hay Little Saigon nơi thành phố mình ở, tôi cũng tự thấy yên tâm rằng ít nhất phở ở đó chắc chắn sẽ ngon. Nếu không tin được con người, hãy tin phở, luôn luôn và mãi mãi.

]]>
info@saigoneer.com (Khôi Phạm. Ảnh: Alberto Prieto.) Đặc biệt Đời Sống Wed, 11 Dec 2024 11:15:24 +0700
Về thăm Làng Cựu để nhớ lại thời hoàng kim của làng thợ may đệ nhất Hà Thành https://saigoneer.com/vn/heritage/17412-về-thăm-làng-cựu-để-nhớ-lại-thời-hoàng-kim-của-làng-thợ-may-đệ-nhất-hà-thành https://saigoneer.com/vn/heritage/17412-về-thăm-làng-cựu-để-nhớ-lại-thời-hoàng-kim-của-làng-thợ-may-đệ-nhất-hà-thành

Nằm cách trung tâm Hà Nội 40km về phía Nam, Làng Cựu có gần 50 ngôi biệt thự được xây dựng từ đầu thế kỷ 20 với thiết kế độc đáo, pha lẫn kiến trúc Việt cổ và kiến trúc Pháp. Cơ ngơi ấy thuộc về những người con của ngôi làng từng được mệnh danh là nhà của “những thợ may đệ nhất Hà Thành” vào thời Pháp thuộc.

 

Những ngôi biệt thự ở Làng Cựu cho thấy đời sống khá giả trước đây. Nguồn ảnh: Lao Động.

Thoạt nhìn, ngôi làng yên bình ở phía nam thủ đô này không khác gì những ngôi làng truyền thống trên khắp Việt Nam, với dáng vẻ lặng lẽ tách biệt hẳn với phố thị ồn ã. Nhưng khi quan sát kỹ hơn, sự khác biệt dần hiện rõ. Nơi đây tọa lạc nhiều ngôi biệt thự cả trăm năm tuổi, có mái nhà và cột nhà được xây dựng cầu kỳ tráng lệ trông giống như những góc phố cổ xưa nổi tiếng ở Hà Nội.

Những ngôi biệt thự Làng Cựu còn trụ vững theo thời gian. Nguồn ảnh: Người Đô Thị và Lao Động.

Những công trình này là thắng cảnh trong mắt du khách phương xa nhưng là bản sắc và niềm tự hào của người dân trong làng. Chúng là di sản của thế hệ cha ông từng là những người thợ may khéo tay và vương giả nhất miền Bắc.

Xuất thân khiêm tốn

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1921.

Các thợ may Làng Cựu đang làm việc. Nguồn ảnh: Vietnamnet.

Sau nhiều năm đói kém vì mất mùa, trận hỏa hoạn năm 1921 càng khiến cuộc sống ở Làng Cựu trở nên khốn quẫn. Không chịu cảnh ngồi không bó gối, hai anh em Phúc Mỹ và Phúc Hưng đã rời làng ra Hà Nội tìm kế sinh nhai. Họ bỏ nghề cày cuốc và tham gia ngành may mặc Âu phục đang ăn nên làm ra thời bấy giờ. Khởi đầu với hai bàn tay trắng, hai anh em thường xuyên lui đến các tiệm may của người Pháp và dần trở thành nhà thầu vải được các thợ may tín nhiệm. Tuy nhiên, Phúc Mỹ và Phúc Hưng còn say mê công việc đo may quần áo, nên đã xin được học nghề. Ban đầu, người ta cho rằng bàn tay chuyên cày cuốc thì không đủ khéo léo để cắt may Âu phục, nhưng các thợ may vẫn đồng ý dạy nghề cho hai nhà buôn vải có uy tín này. Từ đó, Phúc Mỹ và Phúc Hưng đã nhanh chóng thể hiện đam mê và khả năng của mình.

Đến giữa những năm 1920, tên tuổi Phúc Mỹ và Phúc Hưng đã trở nên quen thuộc trong giới may mặc cao cấp đương thời, họ bắt đầu thu hút sự chú ý của giới thượng lưu, những người luôn ưu tiên việc ăn diện và muốn sở hữu những bộ Âu phục do hai thợ may An Nam này tạo nên. Từ hai tiểu thương tay trắng bôn ba xứ người, hai anh em đã trở thành thợ may cho những nhân vật quan trọng nhất Hà Nội bấy giờ. Họ dần dần mở chi nhánh trên những con phố lớn và đưa thương hiệu của mình lên tầm “quốc dân,” thậm chí còn có kế hoạch mở rộng kinh doanh xuống Nam Kỳ.

Mẩu tin quảng cáo cho các nhà may có tên mang chữ Phúc hoặc Phú. Nguồn ảnh: Style Republik.

Học theo thành công của hai anh em, nhiều người dân Làng Cựu bỏ nghề cày cái cuốc để theo đuổi công việc may vá. Đến những năm 1930, nhiều vùng xuất hiện các nhà may nổi tiếng như Phúc Duyên, Phúc Thành và Phú Long — đa số đều đặt tên có chữ Phúc hoặc Phú theo tên những người tiên phong Phúc Mỹ và Phúc Hưng để biểu thị xuất thân từ Làng Cựu. Từ đó, một “thời kỳ hoàng kim” của nghề may mặc cao cấp được mở ra tại ngôi làng. Nhiều dân làng đã di cư đến thành phố lớn, nhưng cũng có người chọn quay về làng cùng của cải kiếm được để tái hiện hào quang thủ đô tại chính quê nhà.

Những chi tiết trang trí tinh xảo và cột nhà trạm trổ cầu kỳ này hẳn là trông còn tráng lệ hơn nữa vào thời hoàng kim. Nguồn ảnh: Lao Động.

Nhiều căn chòi gỗ đơn sơ trong làng lần lượt biến thành biệt thự bê-tông được trang hoàng theo phong cách Tân cổ điển. Thế nhưng, chủ nhà vẫn sử dụng các yếu tố kiến trúc Á Đông và vận dụng quy tắc phong thủy truyền thống. Điều này tạo nên sự pha trộn hài hòa và độc đáo giữa phong cách phương Đông và phương Tây. Trầm trồ trước diện mạo mới của Làng Cựu, người dân ở các vùng lân cận đặt biệt danh cho nơi đây là “làng Tây” — ngôi làng đẹp nhất vùng đồng bằng sông Hồng.

Phong cách kiến trúc nửa Tây nửa Ta đặc trưng của Làng Cựu. Nguồn ảnh: Lao Động.

Dĩ vãng vàng son

Cuộc sống vương giả đã giúp Làng Cựu phát triển dân số trong những năm sau đó. Nhưng khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 đi đến hồi kết, thời vận của ngôi làng cũng suy giảm. Nước Pháp dù thuộc phe chiến thắng nhưng phải gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề, dẫn đến hệ lụy là nền kinh tế Đông Dương cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hơn nữa, khi ấy phong trào cộng sản đang phát triển ở các vùng nông thôn Bắc bộ. Người nào tích trữ nhiều tài sản sẽ bị xem là đóng góp cho chế độ của Pháp. Trong tình cảnh đó, nhiều thợ may phải một lần rời bỏ ngôi làng để tiếp tục nghề nghiệp ở thành phố và tránh bị tác động. Chỉ có một vài gia đình vẫn còn người ở lại Làng Cựu để giữ mối liên kết với nơi chôn nhau cắt rốn. Cứ thế, chưa tới năm năm, ngôi “làng của người giàu” thuở nào đã trở về cảnh hoang vắng nguyên sơ.

Hình ảnh Làng Cựu năm 2017. Nguồn ảnh: Người Đô Thị.

Sau cuộc di cư ồ ạt vào những năm 1940 ấy, Làng Cựu chẳng còn bao nhiêu cư dân và vẫn vắng vẻ như thế cho đến ngày nay. Hiện tại, trong làng có khoảng 500 người sinh sống, hầu hết họ đều làm nghề nông truyền thống. Vẫn có một số ít cư dân làm thợ may công nghiệp tại một nhà máy gần đó, nhưng thu nhập chỉ đủ để trang trải cuộc sống. Những căn biệt thự còn sót lại vẫn mang nhiều giá trị lịch sử đối với Làng Cựu nói riêng và Hà Nội nói chung. Vì thế, từ đầu những năm 2000, dân làng đã nỗ lực bảo tồn các công trình cổ này. Một nhóm kiến trúc sư gồm cả người Việt và người nước ngoài đã đề xuất kế hoạch trùng tu Làng Cựu vào năm 2020. Nhưng đã hai năm trôi qua vẫn không có thông tin gì về tiến trình của dự án.

Cánh cổng luôn khóa kín để giữ riêng những mảnh ký ức vàng son. Nguồn ảnh: Lao Động.

Chuyến thăm đến Làng Cựu sẽ là một hành trình thăng trầm của cảm xúc. Phong cảnh thanh bình và nên thơ của ngôi làng như đưa du khách xuyên không vào những mẩu truyện cổ tích đất Việt. Nhưng càng đi sâu vào mạch đường chính, bước chân sẽ dần dần mang nặng nỗi buồn, vì khi đứng trước những ngôi biệt thự xa hoa nhất đồng bằng Bắc Bộ, chúng ta thấy rõ sự tàn phá của thời gian và quên lãng. Những dãy nhà nguy nga năm xưa giờ đây đổ nát và bị phá dỡ để xây nhà ở theo kiến trúc hiện đại. Chỉ còn khoảng 50 công trình vẫn trụ vững qua thời gian, nhưng chúng ta chỉ có thể ngắm nhìn qua những cánh cổng đã khóa chặt mà sẽ chẳng có ai trở về để mở chúng ra.

[Ảnh bìa: Lao Động]

]]>
info@saigoneer.com (Marc Dinh.) Đặc biệt Di Sản Tue, 10 Dec 2024 10:53:00 +0700
Severine Phương Trần đưa người xem vào thế giới 'Sắc màu' qua triển lãm cá nhân đầu tiên https://saigoneer.com/vn/vietnam-music-art/17783-severine-phương-trần-đưa-người-xem-vào-thế-giới-sắc-màu-qua-triển-lãm-cá-nhân-đầu-tiên https://saigoneer.com/vn/vietnam-music-art/17783-severine-phương-trần-đưa-người-xem-vào-thế-giới-sắc-màu-qua-triển-lãm-cá-nhân-đầu-tiên

Bước vào triển lãm đầu tiên tại Sài Gòn của Severine Phương Trần, người xem được khám phá thế giới tràn ngập màu sắc và cảm xúc của họa sĩ. Để tận hưởng tác phẩm, cách hay nhất là để đứa trẻ bên trong tâm hồn và trí tưởng tượng của ta được tự do, để dòng chảy của màu sắc và phong cảnh đưa ta đến hành trình của sự sáng tạo, tìm kiếm bản thân, và sự chuyển biến nghệ thuật cá nhân.

“Sắc màu” là triển lãm cá nhân của Severine Phương Trần tại 22 Gallery, giới thiệu các tác phẩm sơn dầu mới nhất cùng bản in từ tranh vẽ kỹ thuật số. Từng có một thời gian dài tránh xa việc sử dụng màu sắc trong sáng tác, Severine khi đó chỉ tập trung vào những bức tranh đơn sắc. Tuy nhiên, theo lời giới thiệu tại triển lãm, mọi thứ đã thay đổi sau chuyến đi đến Málaga, Tây Ban Nha. Tại đây, cô được truyền cảm hứng từ cảnh sắc tuyệt đẹp, cùng sự ấm áp và thân thiện của người dân địa phương, điều làm thay đổi hoàn toàn cách cô tiếp cận và thể hiện nghệ thuật. Triển lãm lần này mời người xem khám phá thế giới rực rỡ sắc màu trong giai đoạn sáng tác hiện tại của cô: vẻ đẹp của hoa, tinh thần của người phụ nữ, sự ngây thơ của trẻ nhỏ, và sự kỳ diệu của thiên nhiên.

Loạt tranh in kỹ thuật số về các cửa hiệu tại Paris có thể được xem là điểm khởi đầu cho triển lãm này. Chúng thể hiện tình yêu của Severine với thời trang và đánh dấu bước đầu trong hành trình sáng tạo của cô. “Khi tôi vẽ, tôi là chính mình. Việc đó đưa tôi trở về với đứa trẻ trong tôi, trở lại thời kỳ mà sáng tạo là cả thế giới của tôi,” Severine chia sẻ. Cô cũng kể rằng tuổi thơ của mình ngập tràn những bức vẽ, và chủ đề yêu thích của cô là các cô gái trong những chiếc váy hoa. Giờ đây, với nền tảng về thời trang và hơn 10 năm sống tại Sài Gòn, Florence và Paris, cô đã kết hợp gu thẩm mỹ của mình vào tranh vẽ kỹ thuật số, đồng thời mang nhiều màu sắc hơn vào các tác phẩm của mình.

Bản in kỹ thuật số tranh ký họa các cửa hiệu thời trang tại Paris (2021 - 2023).

Sau thời gian sáng tác tranh kỹ thuật số khám phá những chủ đề mà mình đam mê — thời trang, những cửa hiệu, và các khoảnh khắc đời thường, Severine bắt đầu mở rộng hiểu biết với nhiều chất liệu nghệ thuật khác nhau: từ màu nước, acrylic, bột màu cho đến phấn màu. Cuối cùng, cô tìm thấy tiếng gọi đích thực của mình ở sơn dầu. Cô tin rằng chất liệu này có thể giúp cho cô thể hiện được ý tưởng của mình và truyền đạt cảm xúc một cách tốt nhất.

Trong những bức tranh phong cảnh mang nét trừu tượng, hai tác phẩm nổi bật của triển lãm là ‘Chim và cá, biển cả và bầu trời’ (2024) và ‘Núi, đồi và mây’ (2024). Tại đây, Severine khám phá vẻ đẹp sống động của màu sắc và sự phong phú trong sắc độ qua từng bức tranh. Với bố cục độc đáo, hai tác phẩm đưa người xem vào trong thế giới quan của họa sĩ, mời họ đắm chìm vào sự hòa quyện cảm xúc giữa con người và thiên nhiên.

'Chim và cá, biển cả và bầu trời,’ 2024. Sơn dầu trên canvas.

Núi, đồi và mây,’ 2024.  Sơn dầu trên canvas.

Điểm nhấn khác của triển lãm còn nằm ở những tác phẩm hoa và chân dung, với những màu sắc tương phản trong từng tác phẩm. Trong tác phẩm ‘Hoa trà’ (2024), họa sĩ dùng nét chì để tạo ra ranh giới giữa các màu trong hoa. Còn những tác phẩm chân dung tập trung vào hình ảnh phụ nữ và trẻ em, phản ánh những chuyến đi của cô qua nhiều nền văn hoá khác nhau, và gợi lại cho người xem niềm vui thuần túy của việc sáng tạo nghệ thuật.

‘Hoa trà,’ 2024. Sơn dầu trên canvas.

'Cô gái với đôi hoa tai ngọc lục bảo,' 2024. Sơn dầu trên canvas.

Khi được hỏi về những dự định sắp tới sau triển lãm cá nhân đầu tay, Severine chia sẻ: “Sáng tạo thật sự không có giới hạn. Tôi tin rằng, khi tiếp tục hành trình hội họa, mình sẽ luôn tìm kiếm và thử nghiệm những điều mới mẻ.” Thế giới màu sắc không chỉ thay đổi cách họa sĩ nhìn nhận nghệ thuật, và mà kể cả cách cô cảm nhận cuộc sống.

Không gian triển lãm “Sắc màu” tại 22 Gallery

Triển lãm “Sắc màu” bởi Severine Phương Trần hiện đang được trưng bày tại 22 Gallery đến ngày 15/12/2024. Thông tin về triển lãm và đặt lịch hẹn có thể được tìm thấy qua trang  Facebook tại đây.

]]>
info@saigoneer.com (An Tran. Ảnh cung cấp bởi 22 Gallery.) Đặc biệt Âm Nhạc & Nghệ Thuật Văn Nghệ Mon, 09 Dec 2024 14:12:43 +0700
Tìm về di sản thiên nhiên bên hàng sao cổ thụ tại ao Bà Om https://saigoneer.com/vn/vietnam-travel/17782-tìm-về-di-sản-thiên-nhiên-bên-hàng-sao-cổ-thụ-tại-ao-bà-om https://saigoneer.com/vn/vietnam-travel/17782-tìm-về-di-sản-thiên-nhiên-bên-hàng-sao-cổ-thụ-tại-ao-bà-om

Mỗi lần nhắc đến chò nâu và người họ hàng gần gũi của nó — cây sao — tôi lại dừng lại để ngẫm nghĩ. Những thân cây đồ sộ, trơ trụi vươn cành cao lên trời trước khi bung tán lá rộng lớn vốn có nguồn gốc từ vùng cao nguyên. Vào thế kỷ 19, người Pháp đã đưa chúng về Thảo Cầm Viên Sài Gòn, nơi chúng được chăm bón, rồi từ đó nhân rộng ra khắp các khu vực thuộc địa, bao gồm cả Trà Vinh. Ngày nay, những cây sao không chỉ mang lại bóng mát, vẻ đẹp mà còn khơi gợi những suy tư về di sản, về vai trò của thiên nhiên trong sự áp bức lẫn tự quyết của loài người.

Ảnh: VnExpress.

Thoạt nhìn, hàng cây sao bao quanh ao Bà Om khiến người ta liên tưởng đến tường thành của một lâu đài kiên cố. Nhưng thực tế, những hàng cây uy nghi này chỉ đơn thuần được trồng để làm đẹp cảnh quan, theo thẩm mỹ mà người Pháp đã hình dung.

Thế nhưng, ao nước nhân tạo này đã có từ rất lâu trước khi những cây sao xuất hiện hay người Pháp đặt chân tới đây. Theo truyền thuyết Khmer, Ao Bà Om là thành quả của một nhóm phụ nữ trong cuộc thi với đàn ông để quyết định tục lệ cưới xin. Câu chuyện này, vốn ca ngợi sự chăm chỉ của phái nữ, kể rằng các chị em đã hoàn thành công việc nhờ nỗ lực bền bỉ, trong khi các anh chỉ biết chè chén say sưa hoài phí tháng ngày.

Ảnh: Paul Christiansen.

Dù vẫn còn nhiều người Khmer sinh sống trong khu vực, vùng đất này hiện thuộc lãnh thổ Việt Nam. Dĩ nhiên, những cây sao ở đây chẳng hề hay biết điều đó, cũng như chúng không nhận thức được rằng miền Tây không phải là nơi “thiết kế” dành riêng cho mình. Những bộ rễ ngoằn ngoèo, trồi lên khỏi mặt đất — thứ khiến chúng trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội — thực chất chứng tỏ rằng chúng không tiến hóa để phù hợp với môi trường này. Ở nơi quê hương nguyên bản, kiểu rễ này sẽ khiến cây dễ bị quật ngã bởi những cơn bão lớn.

Thế nhưng, cây sao vẫn phát triển mạnh mẽ tại Trà Vinh, đóng góp giá trị to lớn cho thành phố, đồng thời trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Tầm quan trọng của chúng được thể hiện qua việc chính quyền đang trồng thêm cây mới để thay thế những cây già cỗi dần chết. Những cây non mảnh khảnh, được chống đỡ bằng dây và cọc gỗ tạm bợ, giờ đây giờ đây đang lớn lên bên cạnh những thân cây sao cổ thụ.

Ảnh: Paul Christiansen.

Tuần trước, khi ghé thăm nơi này, tôi bắt gặp một nhóm người Khmer đang tổ chức dã ngoại dưới bóng những cây sao cổ thụ, một khung cảnh mà có lẽ con cháu họ cũng sẽ được tận hưởng, nhờ vào những cây sao mới đang lớn dần. Quốc tịch của những người đã gieo trồng hàng cây sao ấy lẽ ra không nên ảnh hưởng đến cảm giác an yên mà bóng mát của chúng mang lại. Tôi tự hỏi liệu người Việt dưới thời Pháp thuộc có từng thư thái tận hưởng bóng cây sao như vậy hay không. Có lẽ, chỉ khi đã chiến thắng những kẻ áp bức mình, ta mới có thể cảm nhận nghệ thuật của họ mà không còn vướng bận tội lỗi hay giận dữ. Dẫu vậy, nghệ thuật mà thiên nhiên kiến tạo luôn vượt xa những gì con người có thể tạo ra.

[Ảnh bìa: Báo Lao Động]

]]>
info@saigoneer.com (Paul Christiansen.) Đặc biệt Ao Ta Xê Dịch Sun, 08 Dec 2024 18:47:06 +0700
Tản mạn về vườn nhà — những khoảng đầy nắng kể chuyện kiến trúc xưa https://saigoneer.com/vn/vietnam-architecture/17781-tản-mạn-về-vườn-nhà-—-những-khoảng-đầy-nắng-kể-chuyện-kiến-trúc-xưa https://saigoneer.com/vn/vietnam-architecture/17781-tản-mạn-về-vườn-nhà-—-những-khoảng-đầy-nắng-kể-chuyện-kiến-trúc-xưa

Độ này, cây giáng hương trước vườn ngoại chắc đã đơm những chùm bông “tơi giòn” vàng mỡ gà. Và cũng ít lâu nữa, mấy đứa nhỏ xóm trên xóm dưới lại tụ tập, nhặt từng cánh hoa rơi đem xâu thành cườm cổ, vòng tay.

Vườn nhà ngoại khi lắng đọng, lúc sum vầy, cứ thế mà thênh thang nằm đó bất kể tháng rộng năm dài. Với những gia đình người Việt xưa, thì vườn luôn là một phần gì đó không thể thiếu. Trong kiến trúc nhà truyền thống, nó hiện hữu không phải chỉ để nhìn ngắm, mà gần như là một phần mở rộng của ngôi nhà, nơi các thành viên sinh hoạt, tăng gia và trải qua đủ điều hỉ nộ ái ố. Mảnh đất ở trước hay bên hông nhà ấy, từ bao giờ đã được nâng lên thành không gian tinh thần gần gũi, níu giữ những tâm hồn ngày xưa trong trẻo, ngẩn ngơ.

Vườn nhà của họa sĩ Mộng Bích ở vùng quê Kinh Bắc (Bắc Ninh). Ảnh: Happynest.

Trong cuốn sách Văn minh vật chất người Việt, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đã so sánh: “[Ở] làng Vân Nam (Trung Quốc), các ngôi nhà bằng đất xây sát vào nhau như một cái thành lớn. Nhà trong làng Việt không bao giờ như vậy, mỗi gia đình một nhà nằm trong một khu vườn” — vườn nói chung là một không gian ngoài trời dùng để trồng trọt, trưng bày hay thường thức nét đẹp mộc mạc của tự nhiên. Riêng nước ta, vườn lại được Việt hóa để tạo nên nét riêng và phù hợp với điều kiện thời tiết, đất đai, văn hóa và lịch sử. Chẳng hạn, rất gần gũi với cuộc sống thường nhật ở thôn quê là giếng khơi, lu nước hay lũy tre, hàng rào bằng chè tàu, râm bụt — những loài thực vật mọc dại nhiệt đới điển hình.

Vườn nhà của người Việt là một không gian sinh hoạt nối dài. Ảnh: tài khoản Flickr manhhai.

Biên khảo Tản mạn kiến ​​trúc Nam Bộ cũng chỉ ra rằng vườn nhà xuất hiện không chỉ là cảnh đẹp để ngắm mà còn là nơi sinh hoạt thường nhật. Có đoạn viết: “Vườn sau nhà không chỉ là nơi trồng cây, hoa mà nó còn là một không gian sinh hoạt nối dài. Bên dưới tán cây lá, người ta kê những chiếc lu chứa nước và dùng làm khu tắm rửa. Người Việt tắm gội ở vườn trong trạng thái tự nhiên và thoải mái, và tắm vườn không ít lần được lãng mạn hóa qua các loại hình nghệ thuật thị giác và ngôn từ. Như thế, sinh hoạt của người Việt không kết thúc nơi bức tường khép lại mà mở tràn ra cả thiên nhiên bao quanh.”

Vườn nhà ở mỗi miền lại mang đặc trưng của những kiểu nhà điển hình: nhà ba gian, hai chái Bắc bộ nổi bật với sân gạch, chậu cảnh; nhà rường Huế có bình phong, hồ nước; hoặc chiếc cối xay đá, khung cửi cạnh nhà sàn của dân tộc thiểu số vùng cao. Ở Nam bộ trong vườn thường có thêm những cây cầu khỉ bằng tre vắt vẻo qua các mương nước, thách thức các “khách lạ” đến thăm.

“Những mảnh vườn, nơi tăng gia, sinh hoạt và giao tiếp đã trở thành một phần của nhà, vườn không còn chỉ là một khung cảnh, một bức tranh tĩnh, chỉ để ngắm nhìn.”

Nhớ lại bộ phim Mùi đu đủ xanh (1993) của đạo diễn Trần Anh Hùng, có thể cảm nhận rõ rệt việc vườn và nhà hòa làm một. Cảnh sinh hoạt của các nhân vật gắn liền khu vườn, dường như, không có một ranh giới nào giữa chúng cả. Bà Ty nấu nướng ngoài vườn rồi mang vào trong, cô chủ bước từ gian lớn ra vườn để vào những gian phòng nhỏ. Ngày hè ươm nắng, cậu ba ngồi trước hiên nhà hướng ra vườn nhâm nhi cuốn sách mặc phố xa náo nhiệt bên ngoài. Xung quanh căn nhà cổ đậm nét Á Đông là cây cối xanh mượt, chính lớp hoa lá ấy đã mở rộng sự thoáng đãng cho ngôi nhà, đồng thời bao bọc sự riêng tư và tâm hồn của những phận người không giống nhau.

Mảnh vườn nhỏ luôn hiện diện trong kiến trúc Đông Dương. Ảnh: Phim Mùi đu đủ xanh (1993).

Có một chi tiết thể hiện sâu sắc nhất về sự kết nối giữa vườn và nhà, đó là ô cửa sổ. Thoạt tiên, nó chỉ đánh dấu sự xuất hiện của khu vườn trong mắt người xem. Thế nhưng sau đó, chẳng còn là một bức tranh tĩnh nữa qua loạt hành động — Mùi từ từ ngồi dậy dưới lớp ánh sáng nhẹ chiếu qua bức màn mỏng, trong khi bên ngoài, bà Ty cúi người qua những tán lá, cắt lấy một trái đu đủ xanh. Bà tiến lại gần ô cửa sổ rồi bắt đầu trò chuyện với Mùi. Lúc này, trong và ngoài nhà hòa làm một, cả mùi hương của nhựa đu đủ mới cắt, cũng ngập tràn khắp nơi không va vướng gì.

Nhân vật Mùi lúc nhỏ ngắm nhìn cây đu đủ xanh tỏa hương đầu mùa bên cửa sổ phòng. Ảnh: Phim Phim Mùi đu đủ xanh (1993).

Vườn nhà, rộng đến mức chứa cả những buổi trưa hè nắng đổ xuống, đủ để chia làm năm bảy ô phơi lạc, phơi ngô. Chưa kể hai ba giàn bầu sum suê trái, nơi mà lũ trẻ hồi đó làm chỗ ẩn náu chơi đồ hàng. Cũng ở đó, có những bữa cơm chiều yên ả, hay mấy lần đám giỗ, bà con làng xóm lại tụ tập nấu bánh mứt, xôi chè. Đêm đến, vườn lại góp vào bản giao hưởng từ ếch dế, ríu ríu hòa với tiếng hát ru của ngoại à ơi.

Cứ như thế, vườn nhà đã sống đủ và trọn vẹn trong những tháng năm thiếu thời. Nhiều nơi, khu vườn còn chứa đựng sự tôn kính bề trên. Không chỉ có bàn thờ tổ tiên, người dân làm thêm bàn thờ các vị thần tại vườn. Những dịp đặc biệt như lễ Tết, nhang hương được kính cẩn dâng lên bàn thờ trong gian chính, sau đó là bàn thờ trời đất ở ngoài vườn.

Vườn và nhà, hợp thành thể thống nhất và tương trợ nhau, tạo nên phối cảnh hoàn hảo mà không có cảm giác đứt gãy về thị giác hay cảm quan với thiên nhiên. Vậy nên, rất khó để kể về nếp sống sinh hoạt xưa nếu tách rời con người với khu vườn, giữa không gian nội thất với khuôn viên bên ngoài. Ở đô thị, vẫn có những kiểu vườn nhà như thế, song, nó tạo cho chúng ta một cái cảm giác đó chỉ là nơi để nhìn ngắm thì lấy đâu ra cảnh trẻ con tụ tập chơi đùa.

“Vườn nhà ai ngập trong nắng ấm
Tỏa hương thơm hoa cỏ tràn lan”
(Quốc Hưng Nguyên Cao)

Ngày trước còn ở vườn ngoại, lòng rối rít mơ được đặt chân đến những chân trời mới. Lớn rồi lại thấy, thế giới thu bé lại bằng chính mảnh vườn cỏn con. Nơi mà ngày xuân là đủ thứ hoa nở rực, hạ sang nắng rát đổi lại đủ thứ quả ngọt lành. Thêm một mùa nữa, mùa dành riêng cho con dân xứ đất đỏ là mùa của cà phê. Khi “nồng nàn” mùi phân urê bón bầu cây giống, lúc lại ngào ngạt hạt chín rải ra phơi. Cũng ngay tại đây, có đám bạn vô tư giành giật mà không bao giờ hờn dỗi, hay hai hàng nước mắt lăn dài vì đòn roi và những chiều thẫn thờ ngồi trông ngoại đi chợ về.

Một gian nhà nhỏ xinh ở Vĩnh Long. Ảnh: Bùi Đinh Chương/Tuổi Trẻ.

Đến chuyện cái cây giáng hương vương vãi, cậu lớn tôi bảo chặt đi, nhưng ngoại cương quyết giữ: “Mấy lâu nay ở vẫn đó, chẳng sao! Cũng đủ hiểu rằng, ngoại muốn giữ nó chỉ là một, muốn giữ lại khoảng “hồn” đẹp đẽ mới là mười.

]]>
info@saigoneer.com (Văn Tân. Ảnh bìa: Mai Khanh.) Đặc biệt Kiến Trúc Đời Sống Fri, 06 Dec 2024 16:48:55 +0700
Hẻm Gems: Miến lươn Nghệ An ấm bụng trứ danh Quận 7 https://saigoneer.com/vn/food/17594-hẻm-gems-miến-lươn-nghệ-an-ấm-bụng-trứ-danh-quận-7 https://saigoneer.com/vn/food/17594-hẻm-gems-miến-lươn-nghệ-an-ấm-bụng-trứ-danh-quận-7

Ngày xửa ngày xưa, ở xứ sở xa xôi mang tên Quận 7, có một quán miến lươn.

Quán ăn đã mở cửa nhiều thập kỷ.

Ở đó, sợi miến đậm vị, miếng lươn tươi ngon, chủ quán hiếu khách. Quán ăn thu hút không chỉ người dân xung quanh mà cả những thực khách từ các quận khác tới đây để tận hưởng bát miến thơm ngon. Trớ trêu thay, sự thành công của quán làm dấy lên máu kinh doanh của những chủ quán bên cạnh, và hai hàng miến khác mọc lên ngay cạnh bên. Cả ba nhà hàng âm thầm cạnh tranh trong hòa bình, cho tới một ngày, đại dịch càn quét thành phố. Người dân sống trong cảnh bệnh tật khổ đau, không còn nhiều người dư giả để đi ăn hàng nữa. Ít khách, các quán miến lươn cũng lụi dần, duy chỉ có quán đầu tiên là vẫn trường tồn, vẫn là nơi sum họp cho cả khách quen lẫn kẻ lạ tới ngày hôm nay.

Căn bếp mở. 

Đây rất có thể là huyền sử đằng sau quán Miến Lươn Phạm Gia. Dù nó có thật hay không, thì một điều chắc chắn là COVID-19 đã khiến một trong ba quán miến lươn ở đường số 79 phải đóng cửa. Phạm Gia nằm sâu trong một khu dân cư thuộc phường Tân Quy, Quận 7. Người ta sẽ chẳng thể biết có quán miến lươn ở đây mà tìm đến đến, trừ khi họ sống ở đây, như cậu nhiếp ảnh gia của Saigoneer. Trước đây, cậu đã “chỉ điểm” cho chúng tôi một bánh cuốn Hải Phòng chính hiệu cũng trong khu phố này, nên chúng tôi hoàn toàn tin tưởng khi cậu đề xuất Phạm Gia — một quán ăn gia đình đã vượt qua thử thách của cả thời gian và đại dịch.

Không gian khiêm tốn ở Phạm Gia.

Miến Lươn Phạm Gia thoạt nhìn không khác gì các hàng quán khắp đất Việt: mấy cái ghế nhựa, lọ tương ớt vón cục ở miệng, bảng thực đơn đã được chỉnh sửa nhiều lần vì lạm phát, và một khu bếp mở mà tất cả các công đoạn từ rửa bát đến chan canh đều công khai. Ở đây có hai loại lươn: rán giòn hoặc xào mềm. Người ta có thể ăn lươn với miến hoặc bánh mì. Mỗi suất giá khoảng 70.000VND, hơi đắt cho một món ăn bình dân, nhưng đã thuộc loại rẻ trong các hàng miến lươn ở Sài Gòn.

Thực đơn sau nhiều mùa lạm phát.

Rau thơm và hành tươi.

Dù không phải là một chuyên gia nấu miến lươn, nhưng tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong việc thưởng thức món này. Về cơ bản, đây là một ăn của miền Bắc, là môi trường phân bố tự nhiên của loài lươn nước ngọt. Ít trải nghiệm nào “sưởi ấm” tâm hồn như được húp bát miến lươn nóng hổi trong một buổi sáng lạnh ở Hà Nội, để cho cái vị giòn giòn, đầm đậm thấm vào từng tế bào cơ thể. Quán miến lươn tủ ở Quận 1 của nhà tôi đã tăng giá dần dần cho đến khi tôi không thể quay lại đó nữa. Tôi đã mất một thời gian dài để tìm nơi thay thế. Liệu Miến Lươn Phạm Gia có phải là kẻ thế chân hoàn hảo?

Mỗi suất đi kèm một đĩa lươn đầy ụ. Tôi chỉ cho một hai miếng vào bát để chụp ảnh.

Trình ăn cay khủng của anh thợ ảnh Saigoneer.

Bát miến lươn giòn của tôi được bưng ra với thoang thoảng mùi dầu mè và một lớp dầu nhuốm nghệ trên bề mặt. Chỗ lươn giòn được bày trên đĩa riêng để chúng không bị ỉu. Một vài cọng rău răm và hành lá mang lại màu xanh cho bát miến. Cô bán hàng kể với chúng tôi rằng nhà cô ở Nghệ An, và kiểu nước dùng hơi ánh vàng này đến từ quê cô, khác hẳn với những bát miến lươn không màu tôi đã từng ăn tại Hà Nội. Nhưng tôi vui mừng khôn xiết khi nhận ra về độ ngon thì Miến Lươn Phạm Gia không hề kém cạnh. Nhúng miếng lươn vào nước lèo, gắp miến lên thìa, thêm chút nước dùng, mọi thứ hòa quyện vào nhau như một cái ôm ấm áp.

Miến được xào nhanh trên chảo nóng.

Thịt lươn mềm được xào chung với miến.

Đĩa miến trộn của anh đồng nghiệp tôi đi kèm ít cà rốt thái chỉ và có hương vị tinh tế, nhưng nhìn cách mà anh đổ gần như cả lọ tương ớt lên đĩa, tôi không chắc là do miến bị nhạt hay anh bị mất vị giác. Tôi đoán là khả năng thứ hai. Một người khác trong nhóm chúng tôi thử gọi bánh mì ăn kèm, nhưng hóa ra đây là cách dở nhất để ăn lươn. Sự khô khốc của lươn và bánh mỳ tạo nên một tổ hợp đơn điệu mà phiên bản miến nước tránh được.

Một bát miến lươn chuẩn chỉnh.

Trong thế giới bún miến phở của Việt Nam, miến lươn đặc biệt dễ ăn nhất. Sợi miến dai vừa phải, không dễ bị nhão như sợi phở hay cứng như sợi mì. Bề mặt tương-đối-phẳng của sợi miến cũng giúp nó dễ gắp hơn là dáng tròn của bánh canh. Và hơn hết, với những người Việt ghét nhằn xương như tôi, cắn một miếng lươn giòn tan mà không sợ hóc quả là một món quà trời cho. Và có chăng, đây cũng là lí do giúp miến lươn trở thành món ăn sáng hải sản an toàn cho trẻ em nhất Việt Nam.

Bài viết được đăng tải lần đầu vào năm 2022.

Đánh giá:

Hương vị: 5/5
Giá cả: 4/5
Không gian: 3/5
Độ thân thiện: 3/5
Địa điểm: 4/5

Phạm Gia - Miến Lươn Nghệ An

110-112 Đường 79, Phường Tân Quy, Quận 7, TP. HCM.

]]>
info@saigoneer.com (Khôi Phạm. Ảnh: Đỗ Anh Chương.) Đặc biệt Ăn Ăn & Uống Fri, 06 Dec 2024 12:00:00 +0700