Văn Hóa - Sài·gòn·eer https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture Sat, 07 Sep 2024 14:11:00 +0700 Joomla! - Open Source Content Management vi-vn Làng chổi đót 'núp hẻm' cuối cùng tại Sài Gòn https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17293-làng-chổi-đót-núp-hẻm-cuối-cùng-tại-sài-gòn https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17293-làng-chổi-đót-núp-hẻm-cuối-cùng-tại-sài-gòn

Nằm trong con hẻm nhỏ tại đường Phạm Phú Thứ ở quận 6 là “làng” chổi đót cuối cùng của Sài Gòn.

Đi sâu vào con hẻm 180 Phạm Phú Thứ của quận 6, bạn sẽ thấy cả một đoạn đường được áo lên một màu vàng của cây đót. Tiếng lạo xạo của những bó đót va đập, tiếng búa đập và tiếng kéo sợi cước tạo nên một không gian lạ lẫm mà ngay cả người sống ở Sài Gòn lâu như tôi cũng chưa từng thấy.

Những đôi tay thoăn thoắt liên tục làm việc của các thợ làm chổi.

Theo lời kể, “ngôi làng” được những người di dân từ Quảng Ngãi thành lập từ nửa thế kỷ trước và phát triển đến ngày nay. Họ nhập cây đót, một loại cây cỏ hay mọc trên các triền núi và lưng đồi vùng cao, từ Quảng Ngãi hoặc Gia Lai, thường là thu mua từ những người dân tộc trên các bản làng.

Thời điểm đó, chổi đót rất thịnh hành vì tính tiện lợi và nhu cầu sử dụng cao. Những nhân công ở đây chia sẻ rằng họ thường nhận được các đơn đặt hàng xuất khẩu chổi tới nhiều quốc gia, tiêu biểu như Singapore và Mỹ.

Sự phát triển của công nghệ đã vô tình đẩy cuộc sống của những người làm chổi đót rơi vào cảnh bấp bênh. Giờ đây, việc mua một chiếc máy hút bụi không còn quá khó khăn, lại còn được bảo hành trong trường hợp hư hỏng. Nghề làm chổi vì vậy mà ngày càng thất thu trong khi giá một cây chổi chỉ vỏn vẹn 20.000–50.000VND một cây.

Một nhân công đang tước sợi đót, bụi đót rơi ám vàng cả con hẻm.

Để sản xuất ra một cây chổi cần rất nhiều công sức và giai đoạn. Đầu tiên, thợ phải chọn các bông đót chất lượng nhất để tước và cột thành từng bó nhỏ. Mỗi bó nhỏ này sẽ có một vài bông có cuống dài hơn, nhô ra hẳn để làm cán chổi.

Những người phụ nữ khéo tay sẽ đảm nhận công đoạn tước bông và cột lại thành bó.

Bàn chân lẫn đầy bụi đót và bụi đường của những thợ làm chổi.

Sau đó, tầm 20 bó nhỏ sẽ được quấn lại với nhau để tạo thành bó lớn, gọi là bó chổi thô. Những công đoạn sau sẽ là quấn băng quanh cán chổi để tạo thành tay cầm chắc chắn; dùng búa đập để các sợ đót dẹt; tề (cắt gọt) lại cho chổi có độ xòe đều.

Cô Trần Thị Thu Hồng, chủ xưởng chổi lớn nhất tại đây chia sẻ: “Có nhiều người cũng nghiên cứu các loại máy móc để dây chuyền hóa làm chổi nhưng mà cái đặc thù của công việc này là phải làm thủ công, mình cầm vào bó chổi mới biết nó chắc hay mỏng, chỗ nào nhiều chỗ nào ít, quấn chặt hay không chặt.”

Bên trái: Những người đàn ông có sức hơn sẽ được phân công đoạn tề chổi. Bên phải: Công đoạn quấn dây kẽm vào các bó chổi nhỏ.

Công đoạn đan từng bó chổi nhỏ lại với nhau vừa cần kỹ thuật và sự nhanh nhẹn để các bó buộc thật chặt.

Vì đặc tính thủ công của toàn bộ quy trình, công việc làm chổi rất cực và gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhìn vào đôi tay nhuộm vàng cả móng cùng những vết chai chằn chéo hẳn ai cũng đoán được thâm niên của họ trong nghề. Một người thợ chia sẻ rằng: “Bụi vàng của đót bám vào móng tay lâu ngày kể cả khi cắt móng, móng mới vẫn còn ám váng.” Với các thợ phụ trách bện kẽm, đôi tay họ chi chít các vết hằn của sợi kẽm, ngón tay thậm chí bị nhiều thương tật.

Để làm ra những chiếc chổi chắc, đẹp, vàng ươm mắt là cả một quá trình cực khổ và đầy bụi bẩn của các thợ chổi.

Các chiếc chổi thành phẩm được cột thành bó, sẵn sàng đến tay người mua.

Các thợ ở đây tâm sự với tôi rằng vì cái cực cũng như cái nghèo này mà họ không muốn truyền nghề lại cho con cháu. Tôi hy vọng những tấm hình này sẽ lưu giữ được một phần ký về làng chổi đót cuối cùng tại Sài Gòn trước khi nó biến mất. Mách những bạn có dự định tìm đến những hộ làm chổi, hãy hỏi đường các cô chú trên đường do các hẻm trong khu này thông với nhau.

]]>
info@saigoneer.com (Tuyết Nhi. Photos by Tuyết Nhi.) Văn Hóa Mon, 26 Aug 2024 12:54:00 +0700
Gia đình 3 thế hệ giữ hồn nghề làm đầu lân truyền thống xứ Huế https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17724-gia-đình-3-thế-hệ-giữ-hồn-nghề-làm-đầu-lân-truyền-thống-xứ-huế https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17724-gia-đình-3-thế-hệ-giữ-hồn-nghề-làm-đầu-lân-truyền-thống-xứ-huế

Nằm ở miền Trung, mảnh đất cố đô Huế là cái nôi của nhiều sản phẩm thủ công truyền thống. Ẩn hiện trong từng sản phẩm là những đường nét mộc mạc, thanh thoát mang đậm dấu ấn tâm hồn người nơi đây. Trong số đó, những chiếc đầu lân làm ra từ đôi tay người dân Huế cũng mang những nét đặc trưng riêng.

 

Một cửa hàng bán đầu lân và đồ Trung Thu trên đường Trần Hưng Đạo, Huế.

Múa lân là môn nghệ thuật không thể thiếu vào dịp Trung Thu cũng như các dịp lễ Tết. Lân tượng trưng cho sức mạnh, uy quyền, sự may mắn và phát đạt. Đi cùng với môn nghệ thuật này, nghề làm đầu lân cũng được giữ gìn tại một số địa phương trên dải đất hình chữ S. Ở Huế, từ xa xưa, đầu lân đơn giản là món đồ người lớn làm cho trẻ con trong xóm vui Trung Thu. Sau này, khi nhu cầu tăng lên, một số hộ gia đình đã tiếp nối và mở rộng nghề làm đầu lân để kinh doanh. Từ đó, đầu lân Huế cũng được khoác lên mình những diện mạo mới, đa dạng màu sắc, mẫu mã.

Đầu lân đựợc họa lên những chi tiết bắt mắt.

Tôi đến Huế những ngày đầu tháng 8 âm lịch, khi Huế sắp vào thu nhưng nắng vẫn rát da thịt. Dòng sông Hương lững lờ trôi tựa mảnh lụa vắt ngang thành phố thơ mộng. Những hàng cây im lìm giữa trưa hè. Con đường Trần Hưng Đạo dọc theo bờ Bắc sông Hương trở nên rực rỡ hơn bất kỳ thời điểm nào trong năm. Dọc vỉa hè, đầu lân và đồ trang trí Trung Thu được bày bán. Người lớn ngồi trông quầy hàng còn thanh niên hí hoáy gia công sản phẩm.

Con kiệt dẫn vào xưởng đầu lân nhà anh Trương Như Rem.

Bóng nắng đổ lên những vách tường cũ ở một con kiệt nhỏ. Từ đầu đến cuối ngõ treo đầu lân chật kín trên trần, đường đi, sắc màu xanh, đỏ, vàng lấp la lấp lánh. Đây là xưởng sản xuất đầu lân của gia đình anh Trương Như Rem. Trong cái nóng hầm hập, ai nấy đều đang chạy đua với thời gian, mồ hôi ướt đẫm từ đầu đến chân. Thế nhưng không vì sự gấp rút mà những người thợ mất đi sự tỉ mỉ. Những đôi tay cẩn thận trong từng nét vẽ, đường kim mũi chỉ. Họ ngụp lặn trong vải, giấy, màu. Càng cận kề Trung Thu, không khí càng khẩn trương, tất bật.

“Làm không ngơi tay, có ngày làm trắng đêm mới kịp đáp ứng các đơn hàng sỉ đã đặt. Nhiều người mua lẻ ở xa đến tận nơi để tìm được con lân ưng ý,” anh Rem nói.

Anh Trương Như Rem là thế hệ thứ ba trong gia đình duy trì nghề làm đầu lân.

“Mình làm lân cũng hơn 30 năm rồi. Ngày mô cũng làm từ sáng đến tối muộn. Cái nghề ni vất vả như rứa,” anh Rem chia sẻ. Mỗi năm, cơ sở của anh Rem cung ứng ra thị trường khoảng 500 chiếc đầu lân, nếu tính cả các loại phụ kiện Trung Thu khác như múa lân, trống, mặt nạ, quạt… thì con số lên đến 10.000. Cũng như nhiều gia đình khác, xưởng anh Rem phải bắt tay vào làm từ trước rằm tháng 8 nhiều tháng mới kịp đáp ứng các đơn hàng đã đặt sớm. “Có những năm Trung Thu xong chỉ nghỉ một tháng là phải bắt đầu làm trở lại để phục vụ cho Trung Thu năm sau,” anh Rem chia sẻ.

Khuôn sườn đầu lân làm từ tre và giấy.

Nói về quy trình, anh Rem cho hay, mỗi chiếc đầu lân mất 5 đến 6 ngày để hoàn thiện trong điều kiện trời nắng. Các công đoạn cơ bản bao gồm: làm khuôn, dán vải, trang trí, may đuôi lân. Đầu lân là một sản phẩm mang tính nghệ thuật, yêu cầu sự phối hợp hài hòa về màu sắc, cân đối về cấu trúc và đa dạng về chất liệu. Mỗi tác phẩm là độc bản, không con lân nào giống con nào vì được tạo ra hoàn toàn thủ công và là nơi gửi gắm cảm xúc, ý tưởng của người thợ. Đầu lân đa dạng từ mẫu mã, màu sắc, kích thước để phục vụ các nhu cầu khác nhau.

Đầu lân được vẽ họa tiết và đính các chi tiết trang trí.

Họa tiết trang trí trên đầu lân chủ yếu là hình ngọn lửa.

Đầu lân phối hợp nhiều chất liệu, yêu cầu tính sáng tạo và sự tỉ mỉ từ người thợ.

Có hai cách làm khung đầu lân: cách truyền thống là bồi giấy lên khuôn và cách thứ hai là làm bằng khung sườn từ mây tre. Sau khi có khuôn sườn, người thợ đắp các lớp vải và giấy lên rồi phơi khô. Các lớp giấy phải được dán cẩn thận để bề mặt phẳng, nhẵn mịn. Sau khi có khuôn lân hoàn chỉnh, người thợ bắt đầu trang trí lân bằng màu vẽ. Họa tiết được dùng chủ yếu là ngọn lửa. Cuối cùng, đầu lân được hoàn thiện các chi tiết, gắn lông. Mắt là chi tiết quan trọng nhất quyết định thần thái của con lân.

Lân Huế luôn toát lên sự uy dũng, mạnh mẽ. Để đáp ứng thị hiếu ngày càng đa dạng, người thợ luôn tìm tòi, sáng tạo những hoa văn mới bên cạnh những màu sắc và chi tiết truyền thống. Các bộ phận trên đầu lân từ những chi tiết nhỏ nhất như lưỡi, tai, mắt… được gia công cẩn thận để giữ được độ bền chặt khi tham gia vào những màn múa lân sôi động.

Ngoài đầu lân, gia đình anh Rem còn sản xuất trang phục múa lân, trống, mặt nạ…

Anh Trương Như Rem là thế hệ thứ ba trong gia đình duy trì nghề làm đầu lân. Lớn lên với những chiếc đầu lân đầy màu sắc, anh Rem được ba chỉ dạy kỹ thuật và bắt đầu làm lân từ năm 12 tuổi. Anh cho hay, người làm lân phải có niềm đam mê, sự kiên trì bởi tính chất cầu kỳ, công phu, quy trình đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, thời gian. Những yếu tố ấy được anh nuôi dưỡng từ thuở bé bởi truyền thống gia đình. Vì công việc này mang tính chất thời vụ nên nhà anh Rem nằm trong số ít gia đình ở Huế còn giữ được.

Đầu lân và sản phẩm trang trí Trung Thu được bày bán nhiều ở đường Trần Hưng Đạo.

Cứ thế, hàng chục năm qua, những đôi bàn tay cần mẫn của người thợ Huế đã góp phần mang những chiếc lân đi khắp mọi miền đất nước, góp niềm vui cho trẻ thơ trong hội trăng rằm.

]]>
info@saigoneer.com (Xuân Phương. Ảnh: Xuân Phương.) Văn Hóa Thu, 22 Aug 2024 11:00:00 +0700
Luận về vàng mã: Khi những thể chế chính trị, xã hội đối lập va chạm nhau trong tàn lửa https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17347-luận-về-vàng-mã-khi-những-thể-chế-chính-trị,-xã-hội-đối-lập-va-chạm-nhau-trong-tàn-lửa https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17347-luận-về-vàng-mã-khi-những-thể-chế-chính-trị,-xã-hội-đối-lập-va-chạm-nhau-trong-tàn-lửa

Hình ảnh vàng mã, đồ cúng đã ăn sâu vào tâm trí của tôi từ trước khi tôi biết chúng là gì. Mỗi dịp đám giỗ ông ngoại, mẹ tôi lại dựng một bát hương to trước sân nhà, và chuẩn bị sẵn một xấp tiền âm phủ để đốt. Tôi cứ nhớ mãi cảnh tượng từng mảnh giấy lần lượt hóa thành tro khói, biến mất vào thinh không như chưa từng tồn tại.

Từ lâu, đốt vàng mã đã là một phần quen thuộc trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, cũng như người dân các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản. Tập tục này xuất phát từ niềm tin cổ xưa rằng người đã khuất có thể có một “cuộc sống” sung túc hơn ở cõi âm khi được cúng các loại tiền, vật dụng đã “hóa vàng.”

Đến thời nay, tần suất xuất hiện của tập tục này cũng không thuyên giảm. Dạo qua bất kỳ khu chợ nào ở Sài Gòn, chợ nhỏ lẻ tự phát, hay chợ đầu mối sầm uất như Bình Tây, ta cũng sẽ bắt gặp ít nhất một hàng chuyên bán nhang và vàng mã. 

Ở Việt Nam, việc đốt vàng mà thường được thực hiện vào những dịp như đám giỗ, lễ Tết, v.v. và đặc biệt là vào tháng cô hồn, mùa Vu Lan. Khi ấy, người dân không chỉ đốt tiền và vật phẩm giấy, mà còn soạn hoa quả, mía, kẹo và nhang để cúng dường cho những linh hồn còn lang thang ở trần gian. May mắn hơn vàng mã phải kết thúc số phận trong lò lửa, quà và bánh cúng được theo túi trẻ em về nhà sau những buổi giật cô hồn chớp nhoáng.

Trong quá trình hiểu thêm về câu chuyện đằng sau thói quen đốt vàng mã của người Việt, tôi đã gặp và nhận được sự tư vấn nhiệt tình từ một cô bán hàng ở chợ Phú Nhuận: “Con phải đốt làm sao để nó cháy hết, tại như vậy thì [ông bà] mới nhận được.” Cô không nói thực hành tâm linh này đến từ nguồn gốc triết học hay đạo giáo nào, mà dường như chỉ từ niềm tin vô hình trung của người dân rằng “trên sao thì dưới vậy.”

Mâm đồ cúng, bát nhang và vàng mã là "combo" thường được đặt trước cửa các hộ gia đình và hộ kinh doanh vào tháng cô hồn.

Tuy nhiên, nhà nhân học Heonik Kwon lại cho rằng tập tục này có thể bắt nguồn từ một quan niệm ở Trung Quốc cổ đại — rằng kiếp nhân sinh thực chất là một dạng “vay mượn” nguồn sống từ “ngân hàng địa phủ.” Khi một một người chết đi, con cháu của họ có nhiệm vụ phải trả khoản nợ mà tổ tiên đã mượn.

Một số nghiên cứu khác cũng cho rằng niềm tin này gắn liền với triết lý Nho giáo về đức tính hiếu thảo; nghĩa vụ của con cháu là phải “trả báo” cho tổ tiên — tức giải gánh nặng luân lý từ những điều ác mà họ phạm trong kiếp trước. Và vì có một “ngân hàng” ở thế giới bên kia, con cháu còn sống có thể gửi tiền bạc, vật chất đến tổ tiên đã khuất để trả các khoản nợ ân oán.

Khó có thể xác định được người Việt bắt đầu thực hành tập tục này từ khi nào. Nhưng nhận định chung từ các nhà nghiên cứu là vàng mã du nhập vào Việt Nam dưới ách đô hộ của Trung Quốc, vì tục cúng tiền mã đã xuất hiện ở nước này từ thời phong kiến xa xưa.

Tập tục đốt vàng mã có thể bắt nguồn từ niềm tin cổ xưa rằng khi một một người chết đi, con cháu của họ có nhiệm vụ phải trả khoản nợ mà tổ tiên đã mượn.

Nhắc đến vàng mã truyền thống, chúng ta có thể kể đến những xấp tiền âm phủ được làm từ giấy tre thô màu trắng, có viền mỏng màu vàng hoặc bạc; hoặc hình nộm ngựa, quần áo, giày dép, v.v. Và để đáp ứng với nhu cầu cúng viếng của thế kỷ 21, người ta còn làm ra những loại vàng mã lấy cảm hứng từ đời sống hiện đại, từ trong và ngoài nước.

Trong sách Burning Money, tác giả C. Fred Blake đưa ra dẫn chứng về quá trình “tiến hóa” của vàng mã qua thời gian, trong đó có hai thay đổi rõ rệt nhất: sự xuất hiện của các loại ngoại tệ như dollar và euro; và các sản phẩm hiện đại như điện thoại, xe máy.

Dạo một vòng quanh chợ Tân Định, có thể thấy đô la âm phủ là sản phẩm thống lĩnh các sạp hàng, nhưng những chiếc iPad, iPhone giấy cũng được ưa chuộng kém cạnh. Trong khi đó ở chợ Bình Tây, tôi bắt gặp những tòa lâu đài nguy nga và những bộ quần áo hàng hiệu cao cấp chồng chất. Một mặt hàng được săn lùng khác nữa là combo tất cả những vật dụng mà một người có thu nhập trung lưu thường sở hữu: quần áo hiện đại, điện thoại thông minh, nước hoa, thẻ tín dụng và đồng hồ.

Không chỉ tiền, mà tất tần tật các vật phẩm của thế kỉ 21 như iPhone, xe SH, túi LV và nhà lầu đều được "vàng mã hoá."

Tuy gắn liền với một truyền thống có từ thời phong kiến, việc đốt vàng mã chỉ mới phổ biến trở lại vào cuối thập niên 1980. Tập tục này từng bị nghiêm cấm vào những năm 1970, lấy lý do là “gây lãng phí” và “đi ngược với chủ trương của chính phủ trong việc xây dựng xã hội chủ nghĩa.” Tuy nhiên, khi Việt Nam từ bỏ nền kinh tế bao cấp để theo để theo đuổi nền kinh tế thị trường, tư bản chủ nghĩa, vàng mã cũng mau chóng trở về từ cõi âm. Sau chiến dịch Đổi mới, việc đốt vàng mã cùng những lễ nghi đi kèm lại được hợp pháp hóa. 

Theo nhà sử học Hồ Tài Huệ Tâm, bước đi này là một phần của “cơn sốt tưởng niệm” càn quét Việt Nam lúc bấy giờ. Nhà sử học nhận đinh rằng, lúc này, các công trình tưởng niệm, đền đài, di tích lịch sử được dựng lên ào ạt nhằm góp phần tạo nên một “đường hướng” vĩ mô hơn, “lấy quá khứ làm tiền đề để phát triển và xây dựng tương lai."

Một cách nhìn nhận khác về vàng mã trong xã hội hiện đại, theo tác giả Gates, là “hiện thân của sự xâm nhập của nền kinh tế thị trường bằng con đường tâm linh.” Fred Blake cũng đề cập đến khái niệm này khi so sánh sự khác biệt giữa hình thức sản xuất vàng mã truyền thống và hiện đại. Khi được sản xuất thủ công, vàng mã mang đậm tính biểu tượng và ý nghĩa tinh thần là mang đến sự sung túc cho tổ tiên; còn khi được sản xuất hàng loạt, chúng dễ trở thành một bản sao vô tri vô giác, một sản phẩm không có thành ý sâu xa hơn. Bằng chứng là năm 2010, ngân hàng nhà nước còn phải cấm sản xuất tiền âm phủ sao chép thiết kế của các tờ tiền Việt Nam đang lưu hành, vì tập tục này đã bị lợi dụng để làm cớ in ấn tiền giả.

Liệu ngân hàng địa phủ có bộ phận thu đổi ngoại tệ?

Những năm gần đây, đã xuất hiện những luồng ý kiến lên án tập tục đốt vàng mã, cùng những phiên bản dị tướng của nó, là mê tín dị đoan. Việc dư luận “gán tội” cho vàng mã này phơi bày một nghịch lý của xã hội Việt Nam — đang lay hoay trước ngõ cửa của một kỷ nguyên ngày càng hiện đại, khoa học và tách biệt khỏi tín ngưỡng.

Sau phòng trao Đổi mới, chính sách phát triển đất nước được dẫn đầu cùng lúc bởi hai khái niệm đối lập — “hiện đại” và “truyền thống.” Khi Việt Nam bắt đầu theo đuổi nền kinh tế thị trường, “hiện đại hóa” cũng trở nên đồng nghĩa với việc tăng trưởng kinh tế và tái định hình xã hội. Tuy nhiên, chính phủ lo ngại rằng quá trình hiện đại hóa đất nước sẽ kéo theo những hệ luỵ do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Vì vậy, để đối trọng với những ảnh hưởng ngoại lai ấy, chính phủ đã kêu gọi người dân quay lại với văn hóa truyền thống, tức xây dựng cho mình một bản sắc dân tộc vững vàng, không lung lay trước những ảnh hưởng tất yếu từ toàn cầu. Sự trở lại hùng hồn của vàng mã cũng chính là chứng nhân cho thời kỳ chuyển đổi nhiều mâu thuẫn này — khi những thể chế chính trị và xã hội đối lập va chạm nhau trong tàn lửa.

]]>
info@saigoneer.com (Thi Nguyễn. Đồ hoạ: Hannah Hoàng, Phan Nhi và Hương Đỗ.) Văn Hóa Sat, 17 Aug 2024 10:00:00 +0700
Chuẩn bị ngày lễ tháng 7: Hiểu phong tục để biết 'thiếu-đủ' https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/16980-chuẩn-bị-ngày-lễ-tháng-7-hiểu-phong-tục-để-biết-thiếu-đủ https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/16980-chuẩn-bị-ngày-lễ-tháng-7-hiểu-phong-tục-để-biết-thiếu-đủ

Tháng 7 Âm lịch vốn là khoảng thời gian có nhiều ngày lễ truyền thống mang đậm màu sắc tâm linh và triết lý nhân sinh từ nghìn xưa, thể hiện rõ nét văn hóa giàu đẹp của dân tộc.

Hãy cùng Saigoneer điểm lại nguồn gốc và ý nghĩa của các nghi lễ, phong tục diễn ra trong khoảng thời gian vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt: Thất Tịch vào mùng 7, đại lễ Vu Lan báo hiếu vào ngày 15, và Tết Trung Nguyên cũng vào ngày rằm của tháng. Hi vọng qua đó, độc giả có thể tự nhìn nhận về độ "thiếu-đủ" trong sự chuẩn bị bản thân.

Lễ Thất Tịch

Lễ Thất Tịch bắt nguồn từ Trung Quốc và được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 Âm lịch hằng năm, đôi khi được người phương Tây gọi là ngày Valentine Đông Á. Lịch sử về ngày này bắt đầu từ thời nhà Hán và gắn liền với tích truyện Ngưu Lang Chức Nữ với nhiều dị bản được lưu truyền cho đến nay. Tại các quốc gia châu Á khác, ngày lễ Thất Tịch được tổ chức với nhiều nghi thức và hoạt động khác nhau: Hàn Quốc có lễ Chilseok, Nhật Bản tổ chức lễ hội Tanabata, và Việt Nam cũng ăn mừng ngày Thất Tịch.

Chuyện xưa kể rằng, Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng, chàng đem lòng yêu nàng tiên dệt vải Chức Nữ. Cả hai vì đắm chìm trong tình yêu mà không hoàn thành tốt công việc của mình, khiến Ngọc Hoàng tức giận và đày hai người ra hai đầu dải Ngân Hà, mỗi năm chỉ được gặp nhau vào ngày Thất Tịch (7 tháng 7 Âm lịch) trên chiếc cầu Ô Thước do đàn quạ trời tạo nên. Khi tiễn biệt nhau, đôi uyên ương không ngừng khóc than và nước mắt của họ đã rơi xuống trần gian hóa thành cơn mưa.

Chuyện tình bi thương ấy đi vào văn hóa Việt Nam với một tên gọi nữa là Ông Ngâu bà Ngâu và được dùng để giải thích hiện tượng mưa ngâu — những cơn mưa rả rích và liên tiếp xuất hiện vào đầu tháng 7 Âm lịch hàng năm.

Thiên văn học Trung Quốc cũng gọi sao Vega, ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Thiên Cầm (Lyra), là sao Chức Nữ; và gọi sao Altair, ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Thiên Ưng (Aquila), là sao Ngưu Lang. Hai ngôi sao này nằm ở hai đầu con sông Ngân lấp lánh bắc ngang qua bầu trời đêm.

Điểm khác biệt lớn nhất trong ngày lễ Thất Tịch của văn hóa Việt có lẽ bắt đầu vào đời vua Lý Thánh Tông (1023-1072). Lịch sử ghi lại rằng, khi vua ở độ tuổi 42 nhưng vẫn chưa có con để truyền ngôi vị, vì vậy nên đã cầu tự vào ngày 7 tháng 7 ở một ngôi chùa, nhờ đó mà đón tin mừng, sinh ra Thái tử Càn Đức. Cũng bởi lý do này nên hàng năm vào ngày 7 tháng 7  Âm lịch trọng lễ đã được tổ chức ở chùa Hà và trở thành lễ hội cầu tình duyên, con đàn cháu đống, gia đình hạnh phúc.

Người ta tin rằng hai người yêu nhau nếu cùng ngắm sao Ngưu Lang, Chức Nữ trong đêm mồng 7 tháng 7 thì sẽ mãi mãi bên nhau. Ngoài ra, giới trẻ cũng thường truyền miệng nhau rằng ăn chè đậu đỏ sẽ giúp tình yêu đôi lứa thêm bền vững hay người độc thân sẽ tìm sớm được tình duyên cho mình.

Lễ Vu Lan

Lễ Vu Lan (15/7 Âm lịch) là một trong những đại lễ quan trọng của Phật giáo, thường được gọi là lễ Vu Lan Bồn hay lễ Báo hiếu. Đại lễ này bắt nguồn từ một bộ kinh Đại Thừa là kinh Vu Lan Bồn (kinh Ullambana).

Bộ kinh kể về câu chuyện sau: Thời Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, trong số các đệ tử của ngài có một vị tôn giả tên Mục Kiền Liên (Maudgalyayana), sau này đắc quả A La Hán, thoát khỏi nghiệp sinh tử và có pháp lực thần thông cao cường. Sau khi đắc đạo, Mục Kiền Liên dùng thiên nhãn để tìm kiếm song thân đã khuất, ngài nhìn thấy mẹ của mình là bà Thanh Đề đã bị đọa làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở. Mục Kiền Liên vô cùng đau xót bèn cầm một bát thức ăn dùng thần lực mang xuống âm phủ cho mẹ. Tuy nhiên, do đói ăn lâu ngày nên khi ăn bà đã dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành hòn than rực đỏ.

Mục Kiền Liên đành cầu xin Đức Phật giúp đỡ. Đức Phật khuyên rằng đợi đến ngày rằm tháng bảy, ngày chư tăng mãn hạ, thiết lễ và nhờ chư tăng chú nguyện, mới giúp mẹ thoát khỏi cảnh địa ngục. 

Mục Kiền Liên làm theo lời Đức Phật và đã giải thoát được cho mẹ mình. Đức Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng làm theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.

Ngày nay, Vu Lan còn được xem là Ngày của Mẹ ở Việt Nam. Các chùa thường có nghi lễ cài hoa hồng trên áo cho Phật tử tham gia lễ: ai còn mẹ thì đeo bông hồng đỏ, ai không còn mẹ thì đeo bông hồng trắng. Nghi thức này nhắc nhở mọi người phải làm tròn chữ Hiếu. Vu Lan cũng đã trở thành ngày lễ hàng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và các bậc tổ tiên, nhắc nhở mỗi người phải biết trân trọng những gì mình đang có và luôn biết ơn các bậc tiền nhân.

Tết Trung Nguyên

Theo quan niệm dân gian, tháng 7 Âm lịch được gọi là Tháng cô hồn và mang lại nhiều xui xẻo vì đây là khoảng thời gian địa phủ mở cửa cho phép vong linh đến thăm dương thế, vất vưởng khắp nhân gian. Vì thế trong tháng này, người ta sẽ kiêng thực hiện các việc đại sự như ký kết hợp đồng, kinh doanh hay đi đến việc đến bệnh viện, vì lo sợ ma quỷ đến phá. Ngày rằm của tháng là Tết Trung Nguyên hay còn gọi là ngày Xá tội vong nhân với phong tục cúng cô hồn để siêu sinh cho những linh hồn không nơi nương tựa ấy.

Ngày lễ này có nguồn gốc từ Đạo giáo của Trung Quốc, gắn liền với truyền thuyết kể rằng vào ngày 2 đến ngày 14 tháng 7 Âm lịch, Diêm Vương sẽ mở cửa địa ngục để mọi linh hồn đói khát trở về dương thế. Vì thế, các nhà phải cúng thức ăn, thắp nhang và đốt vàng mã ở ngoài sân hay trước cửa nhà để cô hồn không đến quấy nhiễu. Mặt khác, lễ xá tội vong nhân xuất phát từ quan niệm ban phước cho các cô hồn chưa được siêu thoát, vì vậy việc tế lễ không đơn thuần là cầu cúng theo mê tín mà thể hiện tấm lòng của người còn sống với người đã khuất.

Khi nhang vừa hết, chủ nhà mang ra một mâm đồ cúng bao gồm tiền lẻ, bắp rang, khoai lang luộc, cùng các loại bánh kẹo ra đường. Những đứa trẻ trong xóm sẽ chờ đợi để được giật cô hồn, chúng cố gắng giật đồ cúng từ mâm càng nhiều càng tốt. Người ta tin rằng càng nhiều người chia sẻ thức ăn, thì chủ nhà sẽ càng có nhiều may mắn và những đồ cúng ấy ăn vào không bị sao cả. Tuy nhiên, có một điều cần ghi nhớ là món nào khi người khác đã cầm thì ta không nên đụng vào. Và nếu đồ cúng ta giật được lại bị người khác lấy mất thì cũng nên bỏ qua, vì rất có thể đó là do một linh hồn đói khát đang đòi lại thức ăn của mình.

Trong kinh nhà Phật cũng có nói về ngạ quỷ (ma đói) và nghi thức tế lễ bố thí. Đó là câu chuyện về A Nan, một trong mười đại đệ tử và là thị giả của Đức Phật, cùng với một ngạ quỷ tên Diệm Khẩu miệng nhả ra lửa.

Chuyện kể rằng: Một buổi tối, A Nan đang ngồi trong phòng thì thấy một con quỷ tiều tụy với chiếc cổ nhỏ dài và miệng phát ra lửa. Quỷ báo cho A Nan rằng, ba ngày sau A Nan sẽ mất và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ. A Nan hoảng sợ, hỏi nhờ quỷ hướng dẫn tránh khỏi kiếp nạn.

Quỷ nói: "Ngày mai phải thí cho bọn tôi mỗi đứa một chút thức ăn và soạn lễ cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ, còn tôi sẽ được sinh về cõi trên.”

A Nan đem chuyện này báo với Đức Phật. Ngài truyền dạy cho A Nan một bài chú để làm lễ, và tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích trên.

Nói về tháng cô hồn, Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ rằng không có tháng nào gọi là tháng cô hồn trong kinh của Phật giáo. Người Phật tử tu tập để trả lại bốn ơn lớn: ơn cha mẹ sinh thành và thầy cô dạy bảo; ơn quốc gia xã hội; ơn tất cả mọi loại chúng sinh; và ơn Tam bảo — Phật, Pháp và Tăng. Riêng trong tháng 7, Phật giáo nặng về ơn cha mẹ sinh thành nhất, vậy nên dân gian ta mới có câu “cúng cả năm không bằng rằm tháng 7.”

Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, người Việt đã kết hợp phong tục này cùng với lễ báo hiếu. Các Phật tử thường tổ chức nghi lễ thả đèn hoa đăng để cầu bình an cho người thân, thể hiện sự hiếu đễ đối với các bậc sinh thành. Nói thêm về việc cúng rằm tháng 7, Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng đó là để tri ân, báo hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ, trên tinh thần của Phật giáo là yêu thương muôn loài, nên khi cúng người ta cúng cả cho những cô hồn không mồ mả, không con cháu hương hoả.

]]>
info@saigoneer.com (Hoàng Hạnh Phương. Minh họa: Hannah Hoàng.) Văn Hóa Tue, 13 Aug 2024 07:41:00 +0700
Nắng mưa trên xe đẩy trái cây, món ăn vặt lâu đời nhất nhì Sài Gòn https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17697-nắng-mưa-trên-xe-đẩy-trái-cây,-món-ăn-vặt-lâu-đời-nhất-nhì-sài-gòn https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17697-nắng-mưa-trên-xe-đẩy-trái-cây,-món-ăn-vặt-lâu-đời-nhất-nhì-sài-gòn

Thế giới tự nhiên kỳ diệu rất phong phú những cách thu hút ánh nhìn: công đực xòe chiếc đuôi cánh quạt lung linh, từng chiếc lông vũ họa tiết đôi mắt như lúng liếng mời chào công cái; bạch tuộc đốm xanh chẳng cần ca vũ kịch gì cả, chỉ cần tấm áo xanh biếc là đã đủ răn đe lũ thiên địch rằng có độc đấy, ngon thì cắn vào; trên từng cung đường Sài Gòn đầy gió bụi, “môi trường sống” của xe trái cây, những xe đẩy hãnh diện trưng bày cầu vồng đa sắc làm từ những miếng trái cây nhiệt đới cắt sẵn, vừa tươi vừa mọng nước như sơn hào hải vị trên bàn ăn tiến vua, hấp dẫn người đi đường tấp vào mua ăn giải khát.

Xe trái cây là lát cắt nhiệt đới, trưng bày sản vật vừa rẻ vừa ngon của nước ta.

Xe trái cây đã có mặt ở Sài Gòn tự cổ chí kim, tôi đoán rằng trước cả phở, bánh mì, và siêu thị — bao giờ có quả ngọt và bao giờ có con người đến vùng đất mới sinh sinh, lúc đó có xe trái cây để phục vụ. Chưa hết, tôi đồ rằng bán trái cây gọt là một trong những ngành nghề trường tồn nhất trong thời đại bão giá.

Khi kinh tế trì trệ, người ta có thể từ bỏ giấc mơ chạy theo mẫu iPhone mới nhất, bấm bụng chịu ở nhà thay vì bay nhảy du lịch phương xa, hay thay mỹ phẩm đắt tiền bằng phiên bản rẻ hơn — nhưng tuyệt nhiên ít ai chối từ đĩa trái cây gọt sẵn vừa nhiều vừa hợp túi tiền của các cô chú đẩy xe trái cây dạo.

Minh họa: Ngan Nguyen và Trinh Anh / Behance.

Dưa hấu, đu đủ, thơm, xoài, ổi, cóc, mận, sơ ri: đây là những thành viên cộm cán của bất kì xe đẩy nào, vì chúng có giá thành rẻ, có mặt quanh năm, và cũng dễ bảo quản. Hầu hết các loại trái phổ biến cũng dễ ăn, chín cũng được mà non chua lại càng ngon, càng ăn tốn muối, tốn mắm đường, mắm ruốc.

Các loại trái cây chua rất phù hợp để chấm với muối hoặc mắm.

Dù thường được biết đến với cái tên xe trái cây, nhưng thỉnh thoảng, củ sắn và mía cắt khúc cũng rất được ưa chuộng vào mùa nóng — không cần phải là trái cây, miễn là giòn và nhiều nước. Hơn 30 năm là người Sài Gòn, tôi lớn lên bên xe trái cây, ngày nhỏ nít là nơi tụm năm tụm ba cùng lũ bạn sau giờ học, còn bây giờ, là lựa chọn “low carb” cho những ngày nóng ngồi ở văn phòng nhưng thấy buồn miệng. Thật khó tin rằng xe trái cây đã tồn tại lâu thế nhưng hầu như chẳng bị thay đổi bởi nhịp thay đổi chóng mặt của đô thị. Vẫn chiếc kệ kính chất đá tảng, loạt chai hũ đựng me, cóc ngâm, và đống muối đầy vun, đỏ ối màu ớt xay. Dẫu vậy, những năm gần đây, mía ghim và cóc cắt hình hoa bắt đầu khó tìm hơn.

Trước khi ly nhựa, bao nylon ra đời, trái cây được ghim vào que tre, nên mới có cái tên mía ghim.

Có một sự thật bất thành văn rằng ba mẹ Việt rất hiếm khi bày tỏ tình yêu thương bằng lời, nhưng chỉ cần nhìn vào hành động, ta cũng cảm nhận được phần nào tình gia đình ý nhị ấy. Đĩa xoài cắt gọt gọn gàng đặt ngay trên bàn học cũng ngọt ngào không kém tiếng thì thầm “I love you” khi người ta kết thúc cuộc gọi bên trời Tây. Trên đất Sài Gòn này, “I love you” thì ít còn trái cây nhiệt đới thì nhiều, nên nhiều lúc tôi trộm nghĩ, miễn còn trái cây gọt sẵn để trên bàn thì yêu thương vẫn đong đầy.

Xe trái cây vẫn tồn tại đời đời dẫu xã hội có thay đổi.

]]>
info@saigoneer.com (Khôi Phạm. Ảnh: Cao Nhân.) Văn Hóa Tue, 04 Jun 2024 12:00:00 +0700
Saigoneer ăn gì, chơi gì, ghé đâu trong 3 tiếng la cà ở Phú Mỹ Hưng? https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17688-saigoneer-ăn-gì,-chơi-gì,-ghé-đâu-trong-3-tiếng-la-cà-ở-phú-mỹ-hưng https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17688-saigoneer-ăn-gì,-chơi-gì,-ghé-đâu-trong-3-tiếng-la-cà-ở-phú-mỹ-hưng

Có vài người họ hàng của tôi cả đời chỉ sống vui vẻ ở quận 8 và chưa từng biết đến Phố đi bộ Nguyễn Huệ là gì. Nên tôi đoán chắc cũng có nhiều người Sài Gòn khác chả bao giờ bước chân đến Phú Mỹ Hưng. Tôi đã ở quận 8 hơn 30 năm, cũng chưa từng đi Cần Giờ hay quận 12, nhưng nhờ nhà gần quận 7, tôi đã có nhiều dịp đi lòng vòng quanh Phú Mỹ Hưng, một trong những tiểu khu ngăn nắp nhất đất Sài Thành.

Sở dĩ có một bộ phận người Sài Gòn chỉ thích quanh quẩn trong khu phố nhà mình có lẽ là vì các khu dân cư mọc lên quá đầy đủ tiện nghi thiết yếu, và mạng lưới phương tiện công cộng quá nghèo nàn để khuyến khích người ta đi khám phá thế giới quanh mình. Chỉ cần xách xe chạy chừng 10 phút từ nhà, đầy đủ quán ăn ngon, hiệu thuốc, siêu thị, cửa hàng kính, hiệu cắt tóc, rạp chiếu phim, quán nhậu, cà phê lề đường, và bất kì dịch vụ nào khác một con người cần để duy trì cuộc sống, đều có mặt trong tầm với. Đối với nhiều người, như thế là quá đủ, chẳng cần đi đâu xa — đây là một sự thật gây hụt hẫng vì đối với tôi, Sài Gòn là thành phố tràn trề điều mới mẻ.

Phú Mỹ Hưng là khu dân cư rộng rãi ở phía Nam Sài Gòn.

Ý tưởng đầu tiên về Khu đô thị Phú Mỹ Hưng nhen nhóm trong đầu thương gia Đài Loan Lawrence S. Ting vào đầu thập niên 1990, và cho đến nay, vùng đất Nam Sài Gòn này vẫn giữ vững danh hiệu là một trong những biệt khu thành công nhất về mặt phát triển đô thị, biến vùng đất rừng thiêng nước độc này thành những khu phố khang trang, rộng rãi, “30 năm vẫn chạy tốt” đến giờ. Ngày nay, trong tâm trí người Sài Gòn, Phú Mỹ Hưng được biết đến như một tiểu khu Hàn Quốc, ngôi nhà của loạt nhà hàng, quán cà phê, quán bar chất không kém cạnh gì so với ở Hàn. Sẽ là thiếu sót lớn nếu Saigoneer làm chuyên đề về Hàn Quốc — Korea Chapter — mà bỏ qua Phú Mỹ Hưng.

Bên trong Crescent Mall, tâm điểm của Phú Mỹ Hưng.

Để thực hiện bài viết Stroll kì này, team Saigoneer đã lên lịch trình vừa vặn đi bộ khám phá Phú Mỹ Hưng đối với cả “ma cũ” lẫn “ma mới,” ghé thăm những địa điểm tên tuổi như Cầu Ánh Sao và Hồ Bán Nguyệt, và chơi nhiều hoạt động thường chỉ thấy trên phim Hàn. Tôi có thể khẳng định chắc nịch luôn từ giờ rằng jjim jil bang, hay còn được gọi là phòng xông hơi Hàn Quốc, ngoài đời còn vui hơn trên phim.

1. Photo Time

Địa chỉ: Tầng 5, Crescent Mall, 101 Tôn Dật Tiên, Q7

Hình chụp sticker làm mưa làm gió giới trẻ Sài Gòn trong những thập niên gần đây.

Buồng chụp ảnh ra đời hơn một thế kỷ trước tại New York, nhưng các nước Đông Á như Nhật, Hàn, mới chính là cái nôi đưa văn hóa chụp ảnh sticker lên một tầm cao mới. Photo booth chụp hình chớm nở ở Việt Nam vào đầu những năm 2000 từ Hàn Quốc. Ai đã từng ngồi phồng mang trợn má với lũ bạn phổ thông ngày xưa, chắc chắn đã từng ngồi vào một trong những buồng chụp ảnh rất “xì-tin” này. Trạm đầu tiên chúng tôi ghé chính là Crescent Mall để gửi xe, và để tiện tạt qua hiệu ảnh Photo Time trên tầng 5 để làm một (vài) pô ảnh kỷ niệm. Đời sống tinh thần của người Việt ngày càng cắm rễ trên mạng, nên cách thể hiện tình bạn của chúng ta cũng thay đổi theo, từ story mừng sinh nhật Instagram, playlist kỉ niệm trên Spotify, cho đến status Threads. Nhưng nói gì thì nói, không gì đặc biệt hơn được cầm trên tay một tấm hình kỉ niệm, được mân mê lớp giấy in thô ráp, được nhìn ngắm từng đường nét mực in trên từng nụ cười, từng cái ôm vai bá cổ.

Chọn cho mình chiếc băng đô thắm nhất trước khi chụp nhé!

Có gì vui?

  • Hơn 7749 phụ kiện nhắng nhít từ bao tay lông mèo đến băng đô vịt để trang hoàng cho “gương mặt thương hiệu” của người chụp
  • Bàn trang điểm để chải chuốt trước khi chụp
  • Một số lựa chọn filter và khung hình có sẵn nhưng không đáng kể

Giá: 30.000VND một người
Nên:

  • Sau khi chụp, một đường link bao gồm file hình và đoạn video timelapse ngắn quay lại toàn bộ quá trình chụp hình sẽ được cung cấp cho khách. Nhớ tải cả hai về máy vì mã QR sẽ mất hiệu lực trong khoảng thời gian vài ngày.
  • Tải app Photo Time để áp mã giảm giá cho người sử dụng mới

Tha hồ về dán vào lưu bút.

2. Cầu Ánh Sao & Công viên Hồ Bán Nguyệt

Đi bộ giữa trời nắng tháng 4 là cực hình, nên team Saigoneer hẹn lúc 5pm.

Khu vực ngay đằng sau Crescent Mall là hai “di tích” nổi tiếng nhất quận 7: Hồ Bán Nguyệt và Cầu Ánh Sao, đưa khách bộ hành xuyên mặt hồ để sang khu công viên bên kia bờ sông. Bao lần như một, bất kì ai được tôi đưa đến đây lần đầu đều nhận xét rằng cảm giác không giống Việt Nam lắm. Một bên là mặt nước phẳng như gương phản chiếu màn dừa nước rậm rạp và mặt trời đỏ ối đang chầm chậm buông xuống chân trời. Bên kia, bậc tam cấp lát đá men theo đường cong uyển chuyển của các cửa hiệu sáng đèn, ánh sáng dịu nhẹ hắt lên lối đi bát bộ rộng thênh thang. Theo lời của các chuyên gia đô thị đã phác thảo nên Phú Mỹ Hưng, thiết kế nơi đây được lấy cảm hứng từ bến sông ở Singapore.

Cầu Ánh Sao chỉ dành cho người đi bộ, nhưng hình như trượt pa-tanh và xe đạp đều không sao.

Cái tên Cầu Ánh Sao đến từ loạt đèn âm phủ kính trên mặt cầu, chiếu sáng từng bước chân mỗi khi đêm về. Nghe thì cũng có vẻ thơ thơ, sên sến, nhưng kỳ thực khi đi ngang, khách bộ hành dễ bị ánh đèn cao áp làm cho chói mắt, chao đảo nếu không cẩn thận. Nếu bên này cầu là một “cảng Singapore thu nhỏ,” thì bên kia cầu là khung cảnh náo nhiệt rất “cảng Cát Lái”: một hộ kinh doanh rất thức thời đã biến đoạn cụt cuối đường Tôn Dật Tiên thành đường đua xe mini và thiên đường cá viên chiên. Cứ tối tối, nơi đây ngập tràn tiếng bánh xe rít kin kít trên đường nhựa và tiếng reo hò của các cua-rơ đủ độ tuổi, giới tính, phục trang trên xe đua tự chế màu sắc sặc sỡ, thiết kế Elsa, Hello Kitty, Batman, v.v.

Công viên Hồ Bán Nguyệt là nơi lý tưởng để trải thảm picnic.

Có gì vui?

  • Tối cuối tuần, khu vực bên hồ thường có các nghệ sĩ đường phố biểu diễn nhạc sống
  • Nhiều thảm cỏ, đường lát gạch dưới bóng cây để tổ chức picnic hoặc chơi đùa với thú cưng
  • Giải đua xe mini Phú Mỹ Hưng mở rộng

Giá: Miễn phí
Nên: Đem theo snack và giải khát để vừa thưởng thức hoàng hôn vừa hòa mình vào không khí tấp nập của các cư dân nhí nơi đây.

3. Kem Bơ Sầu Bí

Địa chỉ: 1 Đường N, Q7

Quán Thỏ Ngọc Xinh Xinh.

Nhạc trẻ Vinahouse giật lắc, nội thất hơi quê, và nhiều góc check-in phong cách “ố dề” — quán kem kiêm cafe này dễ gây sượng khi mới bước vào, nhưng tôi phải thừa nhận rằng đồ ngọt ở đây làm khá ngon. Dù tên khá sến, Quán Thỏ Ngọc Xinh Xinh là một trong những địa chỉ ở Quận 7 với kem bơ khá ngon, phù hợp để nhâm nhi khi đi bộ vòng quanh khu vực công viên. Xuất xứ từ Đà Lạt, kem bơ là món tráng miệng mát lạnh gồm bơ xay, một viên (thường là) dừa, và dừa sấy khô hoặc đậu phộng rang rắc bên trên. Menu ở đây sáng tạo thêm hai hương vị khác là sầu riêng và bí đỏ. Sau khi tôi vượt qua được định kiến rằng màu vàng nhìn như đồ ăn dặm, thì tôi thấy kem bí đỏ ăn cũng hợp không kém gì bơ, đặc biệt trong bối cảnh mùa nóng hâm hấp ở Sài Gòn.

Tưởng đồ ăn dặm nhưng hóa ra đồ ăn dặm cho người lớn.

Có gì vui?

  • Góc check-in bựa
  • Vinahouse tracks to relax/study to
  • Kem bơ sầu bí ăn lạ miệng, mát lạnh từ trong ra ngoài

Giá: 55.000VND một người
Nên: Mua đem đi rồi ra công viên ngồi nếu vibe quán không hợp.

4. Nhà hàng Tía Tô

Địa chỉ: 161 Tôn Dật Tiên, phường Tân Phong, Q7

Perilla / Tía Tô theo phong cách thực dưỡng, chú trọng đến nguyên liệu nhà làm.

Không thể phủ nhận được sức hấp dẫn của gà rán Hàn Quốc đầy sốt mặn ngọt cay nóng, nhưng đối với tôi, điểm sáng nhất của ẩm thực Hàn Quốc là kho tàng món ăn kèm phong phú, đặc sắc (banchan). Nhà hàng Tía Tô ở quận 7 sở hữu một trong những set banchan dồi dào, tỉ mỉ nhất thành phố. Nếu ăn ở chỗ khác, thường khách chỉ được ăn vài loại kimchi hoặc cùng lắm là cá cơm rim cay, nhưng ở Tía Tô, banchan được thay đổi theo mùa và làm mới mỗi khi hết. Từ khi được một đồng nghiệp người Hàn giới thiệu chỗ này, tôi thường xuyên cắm rễ ở đây chỉ để ăn banchan cho thỏa thích, vì ở đây cho phép gọi thêm thoải mái. Thực đơn khá dày dặn, cũng có những món chủ đạo Hàn như súp tương đậu, thịt nướng K-BBQ, nhưng ngoài ra còn rất rất nhiều đặc sản cây nhà lá vườn khác mà các tiệm ăn Hàn Quốc phong cách teen khác không có. Không gian ấm cúng của Tía Tô đối với tôi là không thể bỏ qua mỗi lần tới Phú Mỹ Hưng, đặc biệt là để chuẩn bị cho chuyến đi spa Hàn vào trạm cuối cùng của Stroll này.

Có gì hay?

  • Cơm bình dân (nhưng giá không bình dân) kiểu Hàn
  • Nước quế tráng miệng mát lạnh
  • Thế giới banchan kì thú

Giá: Khoảng 200.000VND mỗi món, nhưng phần ăn rất to
Nên: Gọi món chính vừa phải, vì banchan khá nhiều và ngon nên thường no ngang trước khi món chính lên bàn.

5. Golden Lotus Healing Spa

Địa chỉ: 139 Tôn Dật Tiên, Q7

Golden Lotus mở cửa từ 7am đến nửa đêm.

Nhắm mắt lại và tưởng tượng nhé: Một gian phòng rộng, với sàn, tường màu gỗ, cô gái nhân vật chính gia cảnh nghèo khó ngồi tụm năm tụm ba cùng các bà cô trong xóm để buôn dưa lê về tình duyên gia đạo. Mọi người mặc đồ bộ đồng phục, đội khăn gấp kiểu “thủy thủ Mặt trăng” trên đầu. Lâu lâu họ cười phá lên, chọc ghẹo nữ chính vì quá si mê nam chính nhà tài phiệt giàu có. Đây chắc chắn là một khung cảnh quen thuộc với bất cứ ai lớn lên trong thập niên vàng của phim Hàn Quốc ở Việt Nam, nhưng ít người Việt nào có cơ hội được trải nghiệm phòng xông hơi kiểu Hàn thế này. Hôm nay đến lượt team Saigoneer.

Đi xông hơi kiểu Hàn thì không thể thiếu khăn tắm trên đầu.

Trong tiếng Hàn, phòng xông hơi được gọi là jjim jil bang, thường bao gồm một khu tắm ướt và một khu khô với nhiều tiện nghi. Thật khó để giới thiệu jjim jil bang một cách khách quan nhất, vì chỉ sau một lần đi, tôi đã trở thành fan trung thành của trải nghiệm này.

Cơm hộp dosirak.

Tổ hợp spa ở Golden Lotus bao gồm nhiều khu vực: rất nhiều hình thức mát-xa, nhưng chúng tôi chưa có dịp thử vì không đủ thời gian; phòng ngâm mình công cộng ở tầng một, với gian riêng biệt cho nam và nữ, vì ai cũng phải khỏa thân; trên tầng một là không gian chung với nhiều phòng đặc dụng, chiếu và ghế để khách ngồi tán gẫu, ăn đồ nhắm uống nước giải khát.

Bữa tối tại Mr. BBQ gồm nhiều món Hàn tiêu biểu như súp tương đậu.

Nếu cảm thấy đói bụng, spa có hẳn một nhà hàng ngay cạnh cửa ra vào, nơi chúng tôi ăn tối trong lúc chờ đến giờ giảm giá. Thức ăn ổn tuy nhiên cũng chỉ bao gồm những món thường gặp trong quán Hàn, nhưng tôi cũng có dịp thử dosirak (cơm hộp thiếc kiểu Hàn) khá vui. Tầng trên bên trong khu vực spa khô cũng có một quầy bán món trứng “nướng” đặc trưng và nước gạo sikhye, bên cạnh vài món ăn nhẹ như mì ly. Đồ ăn ở đây khá đắt (45.000 một ly mì Shin nhỏ), nhưng ai cũng nên thử qua đặc sản trứng nướng và nước gạo bùi bùi.

Trứng jjim jil bang nướng có vị bùi, béo và hơi phảng phất mùi khói.

Ai yêu thích cái nóng hoặc lạnh trong spa sẽ thấy thích khám phá từng phòng đặc dụng ở đây, bao gồm một phòng lạnh (y như ngồi trong tủ kem), phòng ủ nóng (nhiều hơi nước nhưng hơi khó chịu nếu ngồi lâu), phòng ô-xi (rất yên tĩnh nhưng không rõ lượng ô-xi có cao thật không), vài buồng hồng ngoại (ngột ngạt), một bồn massage cá khá nhột, và nhiều tiện nghi khác như buồng cho trẻ nhỏ và máy tập thể dục. Cá nhân tôi cảm thấy bất kì ích lợi nào được quảng cáo ở đây đều không đáng tin, tuy nhiên, điều chắc chắn rằng jjim jil bang mở ra trước mắt tôi một chân trời với vô vàn cách ngồi, nằm, lăn, lộn dưỡng sinh — nhiêu đó thôi đã đủ để tôi cho jjim jil bang 5 sao, vì không có gì tôi thích hơn nằm một chỗ chẳng làm gì.

Có gì vui?

  • 1.001 cách nằm, ngồi, lăn, lộn
  • Nhiều cơ hội việc làm cho cá
  • Đồ bộ xinh và thoải mái
  • Phương thức chế biến trứng mới mẻ

Giá:

  • Trung bình một vé có giá 315.000VND, nhưng sau 7:30pm mỗi vé chỉ còn 150.000VND.
  • Trước khi đến đây, tôi rất ngạc nhiên không hiểu sao spa có đến hàng ngàn đánh giá 5 sao trên Google Maps. Hóa ra, bất kì khách hàng nào đồng ý cho 5 sao sẽ được giảm giá vé xuống 170.000VND trước 7:30pm (sau đó thì không cần).
  • Trải nghiệm thực tế hoàn toàn xứng đáng với rating cao, nhưng khách đến nên đọc review thật thay vì chỉ nhìn vào điểm trung bình.

Nên:

  • Xem video YouTube hướng dẫn cách gấp khăn đội đầu.
  • Hồ massage cá nằm ngoài phòng chính, trên bậc tam cấp gần máy tập thể dục.
]]>
info@saigoneer.com (Khôi Phạm. Ảnh: Cao Nhân. Ảnh bìa: Trường Dĩ.) Văn Hóa Sat, 18 May 2024 08:59:35 +0700
Thuyền thúng: Nét văn hoá lâu đời của các làng chài Việt https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17041-thuyền-thúng-nét-văn-hoá-lâu-đời-của-các-làng-chài-việt https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17041-thuyền-thúng-nét-văn-hoá-lâu-đời-của-các-làng-chài-việt

Nói đến các thành phố tại Việt Nam, một trong những dạng công trình dễ bắt gặp nhất là những ngôi nhà ống. Loại kiến trúc phổ biến này bắt đầu xuất hiện từ thời Hậu Lê — khi mức thuế áp cho dân chúng không căn cứ vào loại hình kinh doanh hoặc doanh số, mà chỉ dựa vào chiều rộng của ngôi nhà. Vì thế, các tiểu thương thường cho xây dựng mặt tiền thật nhỏ, ưu tiên chiều dọc để tiết kiệm chi phí.

Một người phụ nữ đang đan lại chiếc lưới đánh cá.

Cũng trong một hoàn cảnh tương tự, một vật dụng thân thuộc khác của người Việt, thúng chai, hay thuyền thúng đã ra đời. Vào thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân thường đánh thuế rất nặng lên nhiều mặt hàng, trong đó có các loại tàu thuyền. Lúc bấy giờ, người dân nghèo đã nhanh trí đan những chiếc thúng để di chuyển trên sông nước mà không phải nộp thuế vô lý.

Ngư dân trở về sau một đêm đánh cá.

Người dân lúc ấy lí lẽ rằng, thúng chai không thể tính là một chiếc thuyền thực thụ, do đó không thể nào bị đem ra đánh thuế. Nhưng dù có đúng với định nghĩa tàu thuyền hay không, chiếc thúng chai cũng dần trở thành một phương tiện hữu ích, miệt mài phục vụ nhu cầu mưu sinh và đi lại của bà con miền biển qua năm tháng.

Một ngư dân chuẩn bị lưới đánh cá.

Nghề chế tác thuyền thúng luôn đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và kỹ nghệ. Quy trình làm thuyền thống thường bắt đầu bằng việc đan các miếng nan tre, lấy dây cước buộc chặt, đóng vào vành thuyền, sau đó quét một lớp vật liệu chống nước làm từ dầu dừa, dầu hắc ín, hoặc sợi thuỷ tinh. Nếu được bảo dưỡng cẩn thận, độ bền của những chiếc thúng có thể lên đến hàng thập kỷ.

Khung cảnh làng chài vào buổi hoàng hôn.

Để điều khiển thành thạo một chiếc thuyền thúng, người ngư dân phải dành không ít thời gian để rèn luyện tay lái. Bù lại, họ có được sự tự chủ và độc lập về tài chính, thay vì phải làm việc trên những tàu đánh cá lớn ra ngoài khơi xa. 

Một chiếc thuyền thúng vận chuyển hàng hoá từ tàu lớn về bờ.

Thuyền thúng cũng có thể được dùng làm thuyền cứu sinh, hoặc dùng làm thuyền chở hải sản từ tàu lớn về bờ.

Người dân đứng đợi để mua được những mẻ cá tươi nhất.

Cùng Saigoneer xem loạt ảnh dưới đây để hiểu thêm về vai trò của thuyền thúng trong đời sống người dân ven biển Hội An:

Một người phụ nữ đang chỉ dẫn thợ của mình.

Những chiếc thuyền thúng đang rời bến.

Hải sản được chuyển sang thuyền thúng từ tàu lớn.

Một ngư dân lấy cá từ trong lưới.

Thu lưới.

Giăng lưới.

Ngư dân ra khơi vào bình minh.

Thuyền thúng được chèo hoàn toàn bằng tay.

"Cô Ba."

Phân loại mẻ cá.

Darkroom là một series kể chuyện bằng hình ảnh về vẻ đẹp của cảnh vật, con người Việt Nam và châu Á trên những hành trình xê dịch. Bạn là một phó nháy thích đi đây đó? Hãy gửi ý tưởng về cho Saigoneer qua hòm thư contribute@saigoneer.com.

]]>
info@saigoneer.com (Adrien Jean. Ảnh: Adrien Jean.) Văn Hóa Wed, 17 Apr 2024 11:25:00 +0700
Một thoáng Việt Nam thân thuộc giữa Tokyo xa lạ https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17672-một-thoáng-việt-nam-thân-thuộc-giữa-tokyo-xa-lạ https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17672-một-thoáng-việt-nam-thân-thuộc-giữa-tokyo-xa-lạ

Nhìn sang phải, một xe bánh mì đầy ắp thịt nguội. Xa xa bên kia đường, loạt biển hiệu đủ màu đề chữ Bích Karaoke rực góc phố. Mặt tiền cửa hàng bên cạnh chào người qua đường bằng hàng tương ớt Chin-Su và cà phê G7 gói uống liền. Vài bước nữa, ta sẽ bắt gặp quán ăn xinh xinh nghi ngút khói phở nóng bên bàn ghế nhựa thân thương.

Khung cảnh dễ khiến người ta lầm tưởng rằng tôi đang ở Phố cổ Hà Nội, nhưng sự thật là tôi đang rảo bước ngay ngoài Trạm tàu điện ngầm Takadanobaba ở trung tâm Tokyo, “thủ phủ” của văn hóa Việt giữa đất khách. Chỉ với vài con đường, nhưng nơi đây hiện diện nhiều quốc kì Việt Nam đến mức vài người bạn Nhật của tôi đùa rằng đây là khu “Vietnam Town” (Phố Việt Nam) của Takadanobaba. Đùa là một chuyện, nhưng tôi đồ rằng, với tốc độ lan rộng như hiện nay, danh xưng đó chắc sẽ thành hiện thực một ngày không xa.

Trạm Takadanobaba là nút giao của 3 làn metro, và là trạm đông thứ 9 trên toàn hệ thống metro.

Khoảng năm 2020, ngay trước khi đại dịch COVID-19 vừa nổ ra, dân số học sinh Việt sinh sống ở Nhật đạt đỉnh với 73,389 người, chỉ sau Trung Quốc. Con số ấy chững lại đôi chút trong dịch bệnh, nhưng đã quay lại đà tăng tiến gần đây. Đó là chỉ là mới tính du học sinh. Tính cả toàn cộng đồng thường trú nhân, dân số người Việt ở Nhật gia tăng từ khoảng 52,000 người năm 2012 lên hơn 476,000 năm 2022, cũng chỉ sau cộng đồng Hoa Kiều. Với gần nửa triệu người, cộng đồng người Việt ở Nhật hiển nhiên có sức hưởng không nhỏ đến nơi mình sinh sống.

Rất dễ thấy cờ Việt Nam và biển quảng cáo Tiếng Việt trong khu phố.

Liệu sự hiện diện của yếu tố Việt tại nước bạn có khiến dân Nhật thêm tò mò về văn hóa Việt Nam không, trong nghệ thuật, âm nhạc, hay thời trang chẳng hạn? Nhưng trước tiên, có thực mới vực được đạo. Khu Takadanobaba có kha khá tiệm bánh mì, bao gồm Bánh Mì Xin Chào và Bánh Mì Sandwich. Chủ tiệm Bánh Mì Sandwich bảo với tôi rằng chính tiệm mình đã châm ngòi làn sóng ăn bánh mì ở Tokyo. Ngoài ra, nơi đây còn được “trang bị” hai quán karaoke theo kiểu Việt, vài tiệm chả giò nhà làm, và hàng tá hàng quán khác bán đủ thứ từ cao lầu cho đến bún bò Nam Bộ.

Bánh mì xá xíu và cà phê sữa đá ở Takadanobaba.

Anh Bích Khoáng, chủ tiệm tạp hóa trong khu vực, vui vẻ đón tôi vào thăm nhà mình, tiệm đồ nhập khẩu Việt Shop. Tầng trệt tiệm là nơi nhân viên hí hoáy chuẩn bị bento kiểu Việt để bán mang đi, và cả thức ăn cho nhà hàng Nón Lá gần đó, cũng do anh Khoáng làm chủ. Len lỏi lên cầu thang khá hẹp, ta sẽ đến gian phòng bày đầy “quà quê” Việt, như Bia Hà Nội và bánh snack Oishi.

“Ôi, nhiều lắm anh ơi,” Khoang trả lời khi tôi hỏi về hàng quán người Việt ở đây, không giấu được nét tự hào về cộng đồng mình mỗi khi anh kể tôi nghe về từng hộ kinh doanh. Đúng là nhiều thật. Nội lượng cờ đỏ sao vàng lấp ló trong từng góc kẹt cũng có thể khiến ta chóng mặt, nhưng cũng như được tiếp thêm sức mạnh. Ngay tại đây, giữa đô thị khổng lồ xa lạ, có ngôi làng Việt thân thương làm nơi neo đậu văn hóa quê hương cho hàng ngàn người Việt ở Tokyo.

Hàng quán Việt đem lại cảm giác thân thuộc nơi đất khách.

Diệu Linh, sinh viên quan hệ quốc tế đang sinh sống và làm việc ở Tokyo, cũng chia sẻ niềm vui mỗi khi cô đặt chân đến đây: “Đương nhiên em thấy vui chứ, được thấy cờ Việt Nam đầy đường, và khi thấy văn hóa Việt rất được đón nhận tại đây. Nhiều khi đi ở đây mà cứ ngỡ như em đang ở Hà Nội hay gì ấy.”

Được kết nối, dẫu chỉ trong giây lát, với những “đặc sản” văn hóa rất Việt luôn khiến Linh phấn khởi mỗi khi ghé thăm Takadanobaba, nhưng cảm giác tự hào khi thấy người dân sở tại chào đón sản phẩm văn hóa đất nước mình là một điều gì đó rất khó giải thích.

Ka-ra-ô-kê và tương ớt, đặc sản Việt không thể thiếu ở nước ngoài.

“Khi em dẫn các bạn Nhật đi ăn món Việt, hay nghe người Nhật bàn về Việt Nam hay khen đồ ăn ngon, em cảm thấy vui khi đến Takadanobaba, và cả lễ hội Việt Nam thường niên tổ chức ở Công viên Yoyogi,” Linh kể. “Em thấy mình thoải mái hơn khi thấy người ta có thiện chí với cộng đồng mình.”

Tiệm Bánh Mì Sandwich xếp ghế nhựa rất Việt Nam cho khách ngồi.

Chị Meiko Tamura, chuyên viên thiết kế đồ họa tôi gặp ở Takadanobaba, đã sinh sống ở đây hơn 10 năm; chị tin rằng văn hóa Việt rất có tiềm năng tiến xa hơn ở Nhật. “Sao lại không chứ? Người Nhật rất thích ăn món Việt và tìm hiểu về văn hóa Việt,” Tamura nói. “Ở đây cũng có rất nhiều người Việt sinh sống, họ cũng hòa nhập rất nhanh nữa. Chị thấy ở đây có quá trời quốc kì Việt Nam nên cũng coi như ‘Phố Việt’ rồi.”

Tôi không dám chắc liệu quần thể hàng quán, cửa tiệm Việt ở đây sẽ phát triển thành “Phố Việt Nam” như mọi người nói không. Nhưng tôi biết rằng Takadanobaba đã gầy dựng cho mình tiếng tăm đáng kể trong mắt người Nhật, với cương vị là điểm đến không thể bỏ qua khi thèm món Việt ngon, và “đường vào tim em ôi băng giá,” nhưng có tô phở nóng thì như ngắn lại vô chừng.

]]>
info@saigoneer.com (Oliver Newman. Ảnh: Oliver Newman.) Văn Hóa Tue, 16 Apr 2024 17:37:51 +0700
Xông đất — nghệ thuật để 'thơm phức' cả năm https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17649-xông-đất-—-nghệ-thuật-để-thơm-phức-cả-năm https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17649-xông-đất-—-nghệ-thuật-để-thơm-phức-cả-năm

Những ngày này, không khí rộn ràng của dịp Tết Nguyên Đán đang dần tràn khắp phố xá. Và càng đến gần những ngày “mùng,” ta lại càng thấy nhiều bài viết hướng dẫn cách đi xông đất thế nào để được nhiều may mắn.

Xông đất là một niềm tin lâu đời của trong văn hóa Việt, bao gồm một bộ quy luật “chỉ định” người đầu tiên đến thăm và chúc Tết cho nhà bạn sau thời khắc giao thừa sẽ là ai. Theo quan niệm truyền thống, gia chủ sẽ gặp được tài lộc trong suốt cả năm nếu gặp được người xông đất “hợp tuổi.” Việc tính toán xem một người có hợp tuổi với gia chủ hay không sẽ dựa trên một hệ thống phức tạp liên quan tới phong thủy và 12 con giáp. Nếu vô tình để người khắc tuổi bước vào nhà trước, chủ nhà sẽ vận phải phải một năm mới nhiều xui xẻo. 

Tôi biết đến tục xông đất từ khi còn nhỏ, nhưng tới giờ tôi vẫn không ưa hoạt động này lắm, vì tôi cảm thấy chuyện người này hợp hoặc khắc tuổi người kia rất khó tin. Không những thế, hoạt động còn có thêm một số yêu cầu đi kèm mà tôi thấy hơi phiền hà, ví dụ như để là người đầu tiên xông nhà, chắc chắn bạn phải dậy sớm để đi chúc Tết, về quần áo thì phải mặc đồ màu sáng, tránh mặc những bộ có tông trắng hay đen.

Có những người rất nghiêm túc với việc xông đất, đôi khi là nghiêm túc đến cực đoan. Chỉ cần lên mạng tìm tòi một chút là ta sẽ tìm được những câu chuyện về những người sẵn sàng bỏ tiền triệu ra thuê một người hợp tuổi đến xông đất nhà mình. Dần dà, mọi người cũng điều chỉnh việc xông đất để thuận tiện hơn. Đơn cử như một lần khi mẹ tôi biết bố và tôi hợp tuổi với nhau, nên ngay sau đêm giao thừa bà đã kêu tôi đi dạo một vòng quanh khu phố rồi quay về nhà. Khi làm như vậy, thì theo lý thuyết, tôi đã tự xông nhà mình.

Tôi cũng từng tham gia những lần xông đất theo kiểu “cổ điển,” nhưng không nhớ gì về những chi tiết phong thủy cho lắm. Tôi nhớ một lần lúc còn thiếu niên, tôi phải dậy sớm đi xông đất nhà họ hàng trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Khi đến đó, tôi phát hiện ra ông anh họ của mình mới tậu một con PS4, nên cơn buồn ngủ cũng nhanh chóng biến mất. Thuở ấy tôi còn dùng một cái máy vi tính yếu tới nỗi mà chơi Minecraft cũng không được mượt cho lắm, việc được trải nghiệm game hiện đại vào ngày đầu trong năm đối là điều mà tôi không thể nào bỏ lỡ. Buổi xông đất hôm ấy tôi cũng chẳng biết là có mang lại may mắn gì hay không, nhưng tôi chỉ nhớ hôm ấy là một ngày tuyệt vời.

Có lẽ việc không thích xông đất của tôi là do tôi đang hiểu sai, tôi chú trọng quá mức về chuyện hợp tuổi và cho rằng đó là khía cạnh quan trọng nhất của hoạt động này. Nhưng khi tôi đọc một loạt những bài hướng dẫn xông nhà, tôi mới nhận ra là trước khi nhắc đến chuyện hợp tuổi, người ta sẽ nhắc đến quan niệm ngày đầu năm nếu khởi đầu tốt đẹp sẽ tạo tiền đề tốt cho phần còn lại của năm.

Tôi nghĩ cốt lõi của việc xông đất là để chúng ta có lý do chia sẻ niềm vui cho nhau và mở đầu một năm với nhiều cảm xúc tích cực. Và nếu ai đó muốn đặt ra một số điều lệ để họ có thể mở đầu một năm mới trọn vẹn với những người thân, thì tôi nghĩ điều đó cũng không có gì sai. Và dù tôi không thích một số quy tắc của việc xông đất, tôi vẫn sẽ sẵn lòng bỏ qua những bất tiện đó để đổi lấy những kỷ niệm đáng nhớ ngày đầu năm.

]]>
info@saigoneer.com (Khang Nguyễn. Ảnh bìa: Yumi-Kito.) Văn Hóa Tue, 06 Feb 2024 20:11:57 +0700
Nghệ nhân giữ lửa nghệ thuật múa rồng đất Thăng Long https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17646-nghệ-nhân-giữ-lửa-nghệ-thuật-múa-rồng-đất-thăng-long https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17646-nghệ-nhân-giữ-lửa-nghệ-thuật-múa-rồng-đất-thăng-long

Trong những dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên Đán, những màn biểu diễn múa rồng thể hiện khát vọng của người dân về sự may mắn, phát đạt và hanh thông.

Vài nét về nghệ thuật múa rồng 

Rồng là một loài vật không có thật, được linh thiêng hóa và trở thành hình tượng giữ vị trí đặc biệt trong văn hóa, đời sống tâm linh của người Việt từ lâu đời. Đứng đầu trong Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng), rồng tượng trưng cho sức mạnh, uy quyền, sự phồn thịnh và may mắn. Vì thế, ông bà quan niệm, năm Thìn (Rồng) là năm đại cát. Trong tâm thức dân gian, rồng cũng gợi nhắc về nguồn gốc “con Rồng, cháu Tiên” của người Việt. 

Hình tượng rồng biểu trưng cho sự mạnh mẽ, phồn vinh.

Với vai trò và ý nghĩa quan trọng ấy, từ xưa đến nay, hình tượng rồng đã xuất hiện trong nhiều loại hình nghệ thuật: từ kiến trúc, hội họa, điêu khắc cho đến những loại hình biểu diễn dân gian. Múa rồng là một trong số đó. Các màn múa rồng được biểu diễn vào các dịp lễ, Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, hội làng nhằm gửi gắm khát vọng đời sống phồn thịnh.

Có nguồn gốc từ Trung Quốc, nghệ thuật múa rồng nhanh chóng du nhập và lan tỏa tại nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Thăng Long xưa được cho là cái nôi của nghệ thuật múa rồng ở nước ta. Nhiều tài liệu nghiên cứu cho rằng múa rồng trên đất Thăng Long xuất hiện từ thế kỷ thứ 10, thời Lý. Ông cha ta đã tiếp thu, chắt lọc và phát triển điệu múa rồng bằng cách phối hợp với võ cổ truyền dân tộc, múa dân gian để tạo thành một loại hình biểu diễn nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. Tuy tồn tại lâu đời, song đến ngày nay, múa rồng vẫn cho thấy sức sống bền bỉ, phổ biến trong các sinh hoạt cộng đồng từ Bắc vào Nam.

Múa rồng là nghệ thuật biểu diễn dân gian phổ biến từ Bắc vào Nam.

Trong các loại hình, múa rồng vải phổ biến hơn cả. Ở miền Nam, múa rồng vải được cho là xuất hiện lần đầu trong cộng đồng người Hoa từ những năm 1944–1945, cụ thể là từ hãng xà bông Trung Nam ở Sa Đéc của ông Trần Bôi. Một ý kiến khác cho rằng, đội múa rồng vải đầu tiên đã có từ vài năm trước đó tại chùa Ông, Phan Thiết; đầu rồng vẫn được thờ tại chùa này là dấu tích còn lại. Kể từ đó, ở miền Nam, nghệ thuật múa rồng trải qua một giai đoạn trầm lắng cho đến năm 1987, đội múa rồng Phước Kiến được tái lập, lấy chùa Ông Bổn (quận 5) làm trụ sở. Múa rồng ngày càng phổ biến trong các dịp lễ, Tết, hội hè và ngày càng được đầu tư với quy mô hoành tráng, đẹp mắt, đa dạng. 

Giữ lửa múa rồng đất Thăng Long

Trong âm vang nghìn năm của đất Thăng Long xưa, múa rồng ngày nay được duy trì ở nhiều địa phương tại thủ đô Hà Nội, phổ biến hơn cả là tại Chương Mỹ, Thanh Trì, Sơn Tây, v.v. Những điệu trống vang dồn, hình ảnh rồng uyển chuyển uốn lượn ở sân đình mỗi dịp lễ Tết đã trở thành một phần ký ức sâu đậm trong tâm thức của nhiều người dân. Múa rồng ở Hà Nội ngày nay vẫn mang trong mình hơi thở truyền thống, sức sống bền bỉ và luôn có sự chuyển mình để thích ứng với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đương đại. Có ít nhất hơn 30 điệu múa rồng, tiêu biểu là: Bàn long, Thủy ba, Phong đằng, Phong chuyển, Phi long, Chồng tháp, Dao bãi, Thanh long xuất trận, Long quá vũ môn, Hoàng long chúc phúc, Kim long xuất động, Hồng long đảo thủy, Uyên ương dạ quang long, Dạ quang long (con Rồng cháu Tiên), v.v.

Võ sư Bùi Viết Tưởng làm rồng phục vụ Tết Nguyên Đán Giáp Thìn.

Tại xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, nhiều người vẫn nhắc đến một võ sư trẻ ngày đêm miệt mài giữ lửa cho nghệ thuật lân-sư-rồng nói chung và múa rồng nói riêng. Anh là Bùi Viết Tưởng. Những ngày cận kề Tết Nguyên Đán Giáp Thìn, bên cạnh lịch biểu diễn bận rộn, võ sư Bùi Viết Tưởng cùng các học trò phải tăng công suất gấp nhiều lần, làm không ngơi tay mới đáp ứng được nhu cầu đầu lân, rồng trên địa bàn Hà Nội và nhiều địa phương khác. Những đợt rét đậm giữa tháng Chạp Âm lịch dường như không làm giảm nhiệt tại xưởng sản xuất Tưởng Nghĩa Đường. Đây cũng là xưởng sản xuất đầu lân, rồng hiếm hoi tại Hà Nội.

Bắt đầu học võ từ năm 10 tuổi, và sau đó là múa lân sư rồng, trải qua thời gian thi đấu và biểu diễn, võ sư Bùi Viết Tưởng về quê nhà mở lớp võ thuật và thành lập đội múa lân sư rồng Tưởng Nghĩa Đường với mong muốn lan tỏa bộ môn này đến thế hệ trẻ địa phương.

Quy trình làm rồng phục vụ biểu diễn lễ, Tết trải qua nhiều bước.

Tại xưởng, võ sư Bùi Viết Tưởng và các học trò, ai cũng cặm cụi cắt, may, trang trí bằng sự tập trung cao độ. “Quy trình làm rồng múa gồm nhiều công đoạn, đòi hỏi người nghệ nhân phải thật sự kiên trì, tỉ mỉ và yêu nét đẹp truyền thống mới có thể ngồi hàng giờ mỗi ngày để trang trí từng chi tiết, căn chỉnh từng bộ phận cho đến khi rồng thành hình,” anh Tưởng bộc bạch. Bên cạnh đó, rồng trong tiết mục múa đa dạng về kích thước, màu sắc; cho nên tùy mục đích, sẽ có sự sáng tạo và biến tấu phù hợp.

Phổ biến nhất trong nghệ thuật múa rồng là rồng vải, có cấu tạo gồm 3 phần đầu, thân và đuôi, được gắn vào các chân bằng tre. Rồng thường mang màu sắc rực rỡ như đỏ, tượng trưng cho sự may mắn; hoặc vàng, thể hiện sự phồn vinh, sung túc. Mỗi đầu rồng cần 5 đến 6 ngày để hoàn thiện. Trong khi đó, phần thân và các bộ phận khác mất tới 10 ngày để làm. 

Đầu rồng là sự phối hợp giữa các chất liệu tre, mây, vải, giấy decal. Sau khi lên khung, đầu rồng được vẽ trang trí các chi tiết. Anh Bùi Viết Tưởng cho hay, chất liệu làm đầu rồng giúp chống chịu thời tiết nóng, ẩm thay đổi bốn mùa ở miền Bắc. Trong trang trí, từng nét vẽ được chú trọng làm toát lên thần thái dũng mãnh của loài vật thiêng này. Thân rồng làm bằng vải. Vảy được in nhiệt hoặc làm nổi bằng giấy decal. Số lượng vảy lên đến hàng nghìn chiếc, ánh lên lấp lánh vô cùng đẹp mắt.  

Bên cạnh công việc may rồng, để phục vụ biểu diễn, ngay từ trước tết Giáp Thìn hơn một tháng, không khí luyện tập tại câu lạc bộ vô cùng sôi nổi. Càng gần Tết, lịch tập càng tăng cường.

Nghệ sĩ múa rồng cần có nền võ thuật.

“Múa rồng là một loại hình biểu diễn mang tính nghệ thuật cao, đòi hỏi nghệ nhân phải khéo léo trong tạo hình để diễn tả đúng thần thái uy nghiêm, mạnh mẽ của con rồng. Vì thế, sự kết hợp nhịp nhàng giữa sự uyển chuyển và tính dứt khoát là tố chất cần có của một người múa rồng. Ngoài kỹ năng biểu diễn, nền võ thuật là điều kiện vô cùng quan trọng”, anh Tưởng chia sẻ từ kinh nghiệm 15 năm huấn luyện võ thuật cũng như múa rồng.

“Một người muốn tham gia vào tiết mục múa rồng cần phải trải qua một quá trình khổ luyện. Sức khỏe tốt là điều kiện tiên quyết để đáp ứng được yêu cầu vận động thay đổi động tác liên tục. Bên cạnh đó, sự phản xạ linh hoạt, dẻo dai là tố chất quan trọng không kém. Vì thế, một người đã có nền võ thuật, đã thuần thục những thế tấn, thủ sẽ rất mau chóng tiếp cận được với môn này,” anh Tưởng nói. 

Sự phối hợp đồng đội quyết định sự thành công của màn biểu diễn múa rồng.

Ngoài ra, khả năng phối hợp đồng đội cũng quyết định sự thành công của một màn biểu diễn múa rồng. “Làm sao phối hợp ăn ý để có thể biến hóa, tạo hình liên tục mà vẫn có liên kết chặt chẽ giữa các thành viên là điều tôi luôn nhắc nhở học trò,” võ sư Bùi Viết Tưởng nhấn mạnh. Trong một đội múa, số thành viên sẽ tùy thuộc vào kích cỡ rồng. Ở câu lạc bộ Tưởng Nghĩa Đường, một màn biểu diễn thường có 9 người. Mỗi người đều là mắt xích quan trọng, tuy nhiên, vất vả nhất là vị trí đầu, số 5 và đuôi.

Là người điều khiển đầu rồng, anh Đỗ Văn Tới nói: “Để rồng di chuyển, tạo ra những động tác đẹp mắt, người đứng đầu phải luyện tập sự nhạy bén và tinh nhanh; động tác chính xác để các thành viên còn lại tạo hình theo. Đồng thời, vị trí này cũng đóng vai trò xử lý các tình huống khi màn biểu diễn bị chệch hướng.”  

Anh Đỗ Văn Tới – người cầm đầu rồng.

Mỗi dịp Tết đến, xuân về, tiếng trống lại vang dồn, giục giã trong những hội làng. Trước sân đình cổ kính, những thân rồng uốn lượn mạnh mẽ, hừng hực khí thế là minh chứng cho thấy nghệ thuật truyền thống này vẫn đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Việt. Những màn múa rồng không chỉ là ký ức tuổi thơ đẹp đẽ, mà còn là ước nguyện về sự may mắn, phát đạt và khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Chừng nào còn những người trẻ tuổi tiếp nối bộ môn nghệ thuật truyền thống này, chúng ta còn có cơ sở tin tưởng, nét đẹp ấy sẽ còn bền bỉ với thời gian.

]]>
info@saigoneer.com (Xuân Phương. Ảnh: Xuân Phương.) Văn Hóa Mon, 05 Feb 2024 13:00:00 +0700
Một số kiểu chơi bài Tây thống lĩnh 'ngày mùng' miền Bắc-Nam cho người mới nhập môn https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17182-một-số-kiểu-chơi-bài-tây-thống-lĩnh-ngày-mùng-miền-bắc-nam-cho-người-mới-nhập-môn https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17182-một-số-kiểu-chơi-bài-tây-thống-lĩnh-ngày-mùng-miền-bắc-nam-cho-người-mới-nhập-môn

Bên cạnh những tập tục quan trọng và ý nghĩa như thăm chúc họ hàng, viếng chùa chiền và trao nhau những bao lì xì đỏ, một hoạt động được người Việt yêu thích trong dịp đầu năm là gặp gỡ bạn bè để chơi những trò chơi kinh điển như Lô tô hay Cá ngựa. Trong đó, các ván bài tây là được ưa chuộng nhất vì mang lại nhiều sự thích thú, phấn khích cùng khả năng gây chia rẽ cực cao, có thể khiến hội bạn thân phải tương tàn, tình chị em phải rạn nứt vì những lần sát phạt “không nương tay.”

Lời từ ban biên tập: Saigoneer không khuyến khích các lối chơi bài thiếu lành mạnh. Bài viết khai thác luật chơi đơn thuần của các ván bài giao lưu đầu năm.

Nhân dịp Tết lại gần kề, Saigoneer xin điểm qua những kiểu chơi bài phổ biến nhất hai miền Nam-Bắc trong cẩm nang rút gọn sau đây. Dù là người mới nhập môn cần ôn tập cấp tốc, hay lão tướng thượng thừa cân hết cả team, chúng tôi mong độc giả nào cũng sẽ biết thêm điều gì đó hay ho về thú vui quốc dân này cho những ngày mùng sắp tới.

1. Tiến lên Miền Bắc

Thật khó để viết về những trò chơi bài Tây phổ biến dịp đầu xuân với cách tiếp cận “trong sáng” nhất, mà không đả động tới các vấn đề “trong tối.” Dù biết vậy, người viết vẫn muốn khởi đầu với tinh thần vô tư nhất và giới thiệu một trò chơi được cả người lớn lẫn trẻ nhỏ yêu thích những ngày Tết này: Tiến lên. 

Nếu thường chơi theo luật Tiến lên miền Bắc, bạn có thể bỏ qua phần sơ lược luật chơi; nếu đã quen với cách chơi miền Nam, có lẽ bạn chỉ cần lướt mắt qua một chút; còn nếu chưa nghe tới Tiến lên bao giờ, nội dung sau đây nên được chụp lại và cài đặt làm hình nền điện thoại vì nó sẽ giúp bạn kết thân bạn mới dễ dàng hơn, cải thiện vận may (và biết đâu cả tài chính) trong những buổi giao lưu đầu xuân, vì không sòng nào là không có Tiến lên. 

Tiến lên miền Bắc có luật chơi gần giống trò tú lơ khơ President của phương Tây. Số người chơi thường là bốn hoặc đông hơn; nếu có bốn người tham gia, toàn bộ bộ bài được chia đều hết, mỗi người nhận 13 lá. Người đánh sau chặn người đánh trước bằng những lá bài có số lớn hơn hoặc mạnh hơn. Ai đánh hết bài trước dành chiến thắng.

So với Tá lả hay Phỏm, một kiểu chơi cũng rất phổ biến ở miền Bắc, luật đánh của Tiến lên đơn giản hơn rất nhiều, có thể ví như đại số Trung học cơ sở và đại số Trung học phổ thông. 

Về cơ bản, chỉ có hai luật chính: thứ tự số và quy luật chặt. Trước hết là thứ tự số: nếu cùng chất, bộ số tiến từ thấp đến cao sẽ là:  3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, J, Q, K, A, 2.

Luật thứ hai, cũng là điểm khác biệt lớn nhất so với Tiến lên miền Nam, là khi muốn “chặt” bài người đánh trước, người chơi cần ra lá có số lớn hơn có cùng màu, cùng chất. Ví dụ, khi muốn chặt cây ♠9, bạn không thể đánh ♥10, mà cần đánh lá  có số lớn hơn như ♠10.

Quy luật này cũng áp dụng với các bộ đôi cùng số (chỉ có đôi ♦5 ♥5, hay ♠5 ♣5, mà không có ♦5 ♣5) và bộ dây số tiến (chỉ có ♦5 ♦6 ♦7 mà không có ♦5 ♦6 ♣7). Với quân 2 (hay được gọi là heo) quyền lực, bạn cần bộ tứ quý (bốn cây cùng số bất kỳ), hoặc dùng lá 2 lớn hơn (>> ♣ > ♠) để đánh bại.

Bạn đọc đến từ các tỉnh thành miền Nam sẽ thấy cách tôi mô tả luật chơi có phần chân chất khi nói “bộ đôi,” “dây tiến” mà không dùng từ chuyên ngành nào. Đây cũng là điểm khác biệt thú vị khác. Dù luật chơi chặt hơn so với kiểu chơi miền Nam, nhưng cách gọi trong Tiến lên miền Bắc bỗ bã hơn nhiều và ít tiếng lóng: không nói “sám cô,” “đôi thông” hay “sảnh.”

Chính nhờ luật chơi đơn giản, kiểu chơi này phổ biến ở mọi “chiếu” trong dịp Tết — cả “chiếu” trẻ em lẫn “chiếu” người lớn. So với các bạn nhỏ bây giờ, một trong những kỹ năng mà tôi tự tin mình giỏi hơn là khả năng chơi bài, đặc biệt là Tiến lên. Hồi nhỏ, mỗi lần về quê ngoại ăn Tết, niềm vui lớn nhất của chị em bốn đứa chúng tôi là  được dịp đua tài với hơn 20 anh chị em họ khác ở mọi mặt trận. Những đứa không thích kiểu đánh nhanh thắng nhanh của Tôm, Cua, Cá hay ủ ê quá lâu với Cá ngựa thì sẽ đều tụ lại để chơi Tiến lên. Có những ván “trong sáng” thì đặt cược những cái búng tai, tẹt mũi, đánh tay; nhưng cũng có ván “trong tối,” khi chúng tôi đặt cọc những tờ tiền lì xì 200, 500 đồng mới kính coong vừa nhận được. 

 Ngay cả ở thời điểm hiện tại, Tiến lên vẫn là kiểu chơi yêu thích của người viết. Phần vì thời gian chơi không quá lâu, dễ chơi với nhiều người, nhưng chủ yếu vẫn là do khả năng tính toán “trên chiếu trẻ em, dưới chiếu người lớn” của tôi. Do vậy, trong các kiểu chơi dành cho cao nhân như tá lả được trình bày ngay sau đây, tôi chủ động đóng vai khán giả.  

2. Tá lả

Đây là kiểu chơi bài thống lĩnh trong các dịp gặp mặt đầu xuân ở miền Bắc. Khi ai đó rủ: “Chơi bài đi!” nếu không nói cụ thể thêm, kiểu chơi bài ở đây mặc định là Tá lả. 

Với thời lượng chơi mỗi ván lý tưởng khoảng 5–7 phút cùng những luật chơi đòi hỏi khả năng quan sát, tính toán và kinh nghiệm “đọc vị” người chơi, Tá lả là một trong những kiểu chơi trí tuệ (và may rủi) cho người chơi cảm giác phấn khích làm chủ vận mệnh và sự nơm nớp trước những sự chuẩn bị bí mật của đối thủ. 

Sơ lược luật chơi

Tá lả thú vị nhất khi có 4 người chơi, ăn thua hơn khi có cặp đôi ngồi ở vị trí “chéo cánh” — họ có thể kìm kẹp người ngồi kế bên để đồng đội của mình có nhiều cơ hội hơn.

Mỗi người sẽ được chia 9 lá, riêng người đi đầu bốc thêm một lá ở “nọc,” tức xấp bài dư để giữa bàn. Mục đích cuối cùng của người chơi là kết hợp các lá bài, tạo bộ số đẹp hay gọi là “phỏm,” rồi hạ phỏm để bài ít điểm nhất có thể. 

Phải nói luôn rằng, tôi không kỳ vọng bạn đọc có thể nằm lòng quy tắc chơi Tá lả thông qua phần viết này. Các video hướng dẫn có lẽ sẽ trực quan hơn và quan trọng hơn cả vẫn là kinh nghiệm thực chiến như người ta vẫn hay đùa: “Cứ thua là hiểu ngay.” Hi vọng rằng, phần sơ lược luật chơi Tá lả sau sẽ giúp người đọc hứng thú để tìm hiểu thêm.

 

Một vài thuật ngữ cơ bản trong Tá lả

  • Phỏm: Bộ ít nhất 3 lá bài cùng số, hoặc dây tiến cùng chất
  • Cạ: Bộ hai lá bài, “suýt” đủ để tạo phỏm
  • Ù tròn: Toàn bộ bài tạo phỏm. Người chơi hạ bài và chiến thắng ngay lập tức
  • Móm: Không tạo được phỏm nào

Một vòng chơi diễn ra như sau:

  1. Người chơi đầu tiên cầm 10 lá, đánh một lá bài rác xuống. Người kế tiếp có quyền ăn nếu thấy có cơ hội tạo phỏm. Nếu không, bốc một lá bài ở nọc và tiếp tục bỏ một lá bài rác xuống cho người tiếp theo.
  2. Tiếp tục như vậy cho đến khi hết bài ở nọc hoặc có người ù. 
  3. Hạ phỏm và tính điểm. Không tính điểm phỏm chỉ tính tổng điểm bài rác. Người thắng là người có điểm ít nhất. 

Thực ra luật chơi không quá phức tạp, nhưng làm thế nào để “dụ” đối phương nhả đúng các lá bài mình thiếu thì cần một tay chơi lão luyện. Ngoài ra, với Tá lả, cái phức tạp nhất, cũng là điều khiến người ta mê say nó nhất lại là quy ước phạt. Tùy từng vùng miền và thống nhất của người chơi, các mức phạt-thưởng cho người thua, hớ, thắng khác nhau, nhưng có những cấm địa chính sau mà không ai muốn sa phải. Trong đó, phổ biến nhất là “đền”: Nếu vô tình nối giáo cho giặc bằng cách thả ba lá bài rác liên tiếp giúp người kế bên ăn, tạo phỏm và ù, bạn sẽ phải thay cả làng nộp phạt cho người ù (người  thắng). 

 

3. Tiến Lên miền Nam

 

Ở miền Nam, Tiến lên có thể được xem là “vua của mọi loại bài” vì độ phổ biến rộng rãi cũng như tính cạnh tranh cao của trò chơi. Về quy luật, Tiến lên miền Nam không có quá nhiều khác biệt so với phiên bản miền Bắc, nhưng cũng có những đặc điểm riêng để làm thay đổi cục diện thế trận.

Đầu tiên, Tiến lên miền Nam có phần dễ thở hơn khi cho phép người chơi đáp trả bằng những cây bài không đồng chất hoặc đồng màu. Nói cách khác, bạn có thể thỏa thích “mix and match” những cây bài tréo ngoe như bộ ba ♥5 ♠5 ♣5 hoặc sảnh ♠8 ♥9 ♥10 ♦J. Điều này tạo lợi thế lớn cho người chơi, vì không phải từng ngừng xé lẻ những cặp bài ăn ý hay cố thủ đến hết trận.

Tiếp theo, biến thể miền Nam có sự góp mặt của một “vũ khí hạng nặng” để “diệt” heo là đôi thông. Đây là tên gọi của tổ hợp ba đôi liên tiếp trở lên, như ♥5 ♠5 ♣6 ♥6 ♠7 ♥7 (ba đôi thông) hay ♣6 ♠6 ♣7 ♥7 ♠8 ♥8 ♦9 ♠9 (bốn đôi thông). Đôi thông càng lớn thì công lực càng mạnh. Chẳng hạn, ba đôi thông có thể chặt được một heo, nhưng phải đến bốn đôi thông thì mới hạ gục được đôi heo. 

Ngoài ra, ván bài có thể diễn ra chóng vánh và kết thúc ngay sau khi chia bài, gọi là “tới trắng,” nếu người chơi sở hữu một đội hình “quyền lực.” Có rất nhiều cây bài có khả năng làm điều này, nhưng một số tổ hợp thường được bắt gặp là:

  • Tứ quý heo: ♥2 ♦2 ♣2 ♠2
  • Sảnh rồng (12 lá bài liên tiếp nhau): ♠3 ♦4 ♥5 ♣6 ♥7 ♦8 ♦9 ♠10 ♥J ♠Q ♣K ♣A
  • Năm đôi thông: ♥4 ♠4 ♥5 ♦5 ♦6 ♣6 ♥7 ♣7 ♥8 ♦8
  • Sáu đôi: 4 ♥4 ♦5 ♥5 ♠6 ♥6 ♣7 ♥7 ♠J ♦J ♠K ♣K
  • Hai tứ quý: ♥4 ♦4 ♣4 ♠4 ♥9 ♦9 ♣9 ♠9

 

4. Xì dách

Bắt nguồn từ bài Blackjack, Xì dách được người chơi yêu thích nhờ sự gây cấn, cùng những khoảnh khắc khiến cả hội “ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa” khi những lá bài nghiệt ngã được tiết lộ.

Để bắt đầu một ván Xì dách, chúng ta cần có ít nhất hai người chơi. Một người sẽ đảm nhận vai trò nhà cái, những người còn lại sẽ vào vai nhà con. Nhà cái là nhân vật cao tay nhất khi có quyền kiểm bài của tất cả người chơi. Ngược lại, các nhà con có thể hợp tác và tiết lộ bài cho nhau để chống lại thế lực này.

Trong mỗi ván, nhà cái sẽ lần lượt chia cho mình và nhà con mỗi người hai lá. Sau khi chia, tất cả người chơi sẽ cùng xem bài, tùy vào điểm số của mỗi người mà chọn bốc thêm bài hay không, nhưng nhà cái luôn người bốc sau cùng. Mục tiêu của người chơi là không để tổng điểm (của tất cả các lá bài trên tay) vượt quá 21. 

Trong Xì dách, các lá bài được tính điểm như sau: 

  • Các lá từ 2 đến 10 có giá trị tương ứng với số ghi trên bài. Chẳng hạn, nếu bốc phải lá 5, bạn sẽ có nhận được 5 điểm.
  • Các lá J, Q, K được tính là 10 điểm.
  • Lá A (Át/Xì) được tính là 1, 10, hoặc 11 tùy vào trường hợp.

Sau khi chia bài, nếu nhà cái hoặc nhà con sở hữu tổ hợp nào sau đây, người đó sẽ lập tức thắng cuộc:

  • Xì bàn: Hai lá A (20/21 điểm)
  • Xì dách: Một lá A và một lá 10, J, Q hoặc K (21 điểm)

 

Trong trường hợp không ai có xì bàn hoặc xì dách, người chơi có quyền bốc thêm bài để đạt điểm số mong muốn, hoặc chấp nhận kết quả số phận đã an bài (hành động này gọi là “dằn”). 

Tuy nhiên, bất kỳ lúc nào, nhà cái cũng có quyền lật bài nhà con nếu bản thân đã có đủ 16 điểm (đủ tuổi). Nếu nhà con chưa có đủ 16 điểm (chưa đủ tuổi) khi bị kiểm bài, họ sẽ bị xử thua ngay lúc đó. 

Khi tiến hành rút thêm bài, một số trường hợp đặc biệt như sau có thể xảy ra:

  • Ngũ Linh: Khi người chơi đạt dưới hoặc bằng 21 điểm với năm lá bài trên tay. Lúc này, họ sẽ là người thắng cuộc. Trong trường hợp có hai hay nhiều người chơi đạt Ngũ Linh, ai có ít điểm hơn sẽ là người chiến thắng. 
  • Quắc, chuyện xui rủi không ai muốn của xì dách: Khi người chơi có sổ điểm vượt quá 21. Người chơi bị quắc sẽ tự động thua cuộc và không được bốc tiếp.

5. Bài cào

Trong các loại bài phổ biến, bài cào có lẽ là trò chơi có quy luật đơn giản nhất, rất phù hợp cho những ai “gà mờ” nhưng vẫn muốn bon chen vào các cuộc vui Tết. Mỗi ván bài cào có thể ngã ngũ trong chưa đến vài phút, để lại nhiều ngẩn ngơ cho kẻ thua cuộc.

Không đòi hỏi chiến thuật cân não như Tiến lên, hay khả năng diễn xuất thần thánh như Xì dách, Bài cào thực sự là bài test nhân phẩm cho người chơi vì phụ thuộc hoàn toàn vào may mắn.

Mỗi người chơi sẽ được phát ba lá bài và dựa vào đó để tính tổng điểm (hay còn gọi là nút). Điểm trong Bài cào được tính trong khoảng 0 đến 9 — với 0 là nhỏ nhất và 9 là lớn nhất. Người chơi với số điểm bằng 9 hoặc gần 9 nhất sẽ là người chiến thắng. 

Cách tính điểm của Bài cào có một số tương đồng với Xì dách, trong đó:

  • Các lá từ 2 đến10 có giá trị tương ứng với số ghi trên bài. 
  • Các lá  J, Q, K, được tính là 10 điểm.
  • Lá A (Át/Xì) được tính là 1 điểm.

Tuy nhiên, trong Bài cào, tổng điểm chỉ được lấy từ hàng đơn vị. Chẳng hạn, nếu bạn rút được ba lá 8, 5, và 4, khi cộng lại là 17, tổng điểm của bạn sẽ là 7 điểm/nút. 

Trong một số trường hợp đặc biệt, dù không có số nút cao nhất, người chơi vẫn có thể vinh quang chiến thắng nếu sở hữu những combo đặc biệt như sau:

  • Sáp: Khi người chơi có ba lá bài giống nhau, như ♦3 ♣3 ♠3 hay ♥9 ♦9 ♣9. Trong trường hợp nhiều người chơi cùng có sáp, sáp của ai lớn hơn người đó sẽ thắng. Trong Bài cào, A là sáp có giá trị lớn nhất, và 2 là sáp có giá trị nhỏ nhất.
  • Liêng: Khi người chơi có ba quân bài liên tiếp nhau như ♦3 ♣4 ♠5. Trong trường hợp nhiều người chơi cùng có liêng, liêng của ai lớn hơn người đó sẽ thắng. Trong Bài cào, QKA là liêng có giá trị lớn nhất, còn A23 là liêng có giá trị nhỏ nhất.
  • Ba tây: Khi người chơi có ba lá mặt người JQK. Trong trường hợp nhiều người chơi cùng có ba tây, người chơi có thể phân định thắng thua bằng cách so chất của các lá bài theo thứ tự (> > ♣ > ♠).

Nhân dịp Tết lại gần kề, Urbanist xin điểm qua những kiểu chơi bài phổ biến nhất hai miền Nam-Bắc trong cẩm nang rút gọn sau đây. Dù là người mới nhập môn cần ôn tập cấp tốc, hay lão tướng thượng thừa cân hết cả team, chúng tôi mong độc giả nào cũng sẽ biết thêm điều gì đó hay ho về thú vui quốc dân này cho những ngày mùng sắp tới.



]]>
info@saigoneer.com (Diệu Anh và Uyên Đỗ. Graphic: Phan Nhi và Hannah Hoàng. Ảnh: Lê Thái Hoàng Nguyên. ) Văn Hóa Mon, 05 Feb 2024 12:49:00 +0700
Tự chọn áo dài Tết, tôi tìm thấy mình trong hình ảnh nữ tính 'không truyền thống' https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17644-tự-chọn-áo-dài-tết,-tôi-tìm-thấy-mình-trong-hình-ảnh-nữ-tính-không-truyền-thống https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17644-tự-chọn-áo-dài-tết,-tôi-tìm-thấy-mình-trong-hình-ảnh-nữ-tính-không-truyền-thống

Trung học có lẽ là giai đoạn ẩm ương đối với hầu hết chúng ta, như những mô típ kinh điển trong các bộ phim tuổi mới lớn. Sinh ra và lớn lên tại Việt Nam và đã trải qua khoảng thời gian mài đũng quần ở đây, nét văn hóa từng làm tôi vô cùng chật vật chính là quy định mặc áo dài mỗi sáng thứ 2 chỉ áp dụng riêng cho học sinh nữ.

Quy định này là lý do duy nhất khiến tôi bị mời phụ huynh, vì hàng tuần liền tôi đã cố gắng lách luật. Thông thường, các bạn nữ dù có khó chịu với việc mặc áo dài cũng sẽ ngậm đắng nuốt cay tuân theo vì cố ý vi phạm chỉ gây phiền toái. Hành động cố ý không mặc đồng phục áo dài của tôi trong mắt thầy cô tôi như cái vẫy vùng để gây chú ý. Trên thực tế, việc tôi kiên trì “cúp” mặc áo dài không phải vì tôi ghét bỏ gì bộ trang phục, nó đến từ việc giáo viên liên tục cố gắng “đóng khung” chúng tôi vào hình ảnh nữ tính mà họ muốn khi chúng tôi mặc áo dài.

 

Tháng Giêng

2024

 
Áo dài truyền thống. Nguồn ảnh: Thanh Niên.
 

Tháng Giêng

2024

 
Tuy có nhiều phiên bản áo dài khác nhau nhưng các cơ sở trường học tại Việt Nam chỉ chấp nhận loại áo dài trắng, ôm sát cơ thể làm đồng phục cho nữ sinh.

Ngày nay áo dài được thiết kế và may dưới nhiều kiểu dáng và phong cách khác nhau, ngoài áo dài truyền thống, chúng ta còn có áo dài dáng suông, và cả áo dài cách tân với đủ màu sắc và loại vải. Tuy nhiên trong môi trường học đường, áo dài truyền thống vẫn luôn là dáng áo duy nhất được chấp nhận. Áo dài truyền thống bấy lâu nay vẫn luôn là dáng áo dài phổ biến nhất, nhưng form ôm sát của loại áo dài không thật sự dành cho tất cả mọi người. Cách áo ôm sát cơ thể, làm cho việc xoay sở hoạt động thường nhật khó khăn, cách áo thắt eo cũng gây nhiều khó khắn cho các bạn gái tuổi teen chưa có hình thể lý tưởng hay sự tự tin.

 

Tháng Giêng

2024

 
Áo dài dáng suông thể hiện sự diệu dàng nhưng vẫn mang giữ được kiểu dáng thoái mái. Nguồn ảnh: Thể thao và Văn hóa.

Lúc ấy tôi đang tuổi mới lớn, còn khổ sở với vấn đề cân nặng và cách nhìn nhận bản thân, tôi cảm thấy như mọi sự lo âu và khuyết điểm cơ thể mình đều bị phô bày cho cả thế giới thấy khi mặc áo dài đồng phục. Nhưng điều bực mình hơn cả có lẽ là những khuôn phép giáo điều mà giáo viên lúc ấy muốn áp đặt lên chúng tôi khi mặc áo dài. Các bạn nữ được dạy là phải ra vẻ e lệ và thanh nhã, đi đứng ăn nói nhỏ nhẹ và cố gắng tươi tỉnh xinh xắn nhất có thể khi mặc áo dài, hãy luôn tươi cười dù cảm thấy không thoải mái, bởi vì bài học ở đây là phụ nữ thì phải ưu tiên việc nhìn sao cho đẹp hơn là cảm thấy thoải mái với chính bản thân mình. Lúc ấy trong mắt tôi, áo dài chỉ là một công cụ dùng để áp đặt hình ảnh nữ tính truyền thống mà giáo viên cho rằng là lý tưởng lên chúng tôi, một cùm gông đặt ngoại hình của phụ nữ quan trọng hơn tất cả mọi phẩm chất khác.

Mùa xuân năm 2023, tôi cũng đã sắp 23 tuổi, một người bạn trong nhóm gợi ý cả bọn thuê áo dài mặc Tết năm ấy. Tôi ngạc nhiên vì trong nhóm chúng tôi chả có ai từng mặn mà với việc mặc áo dài. Tôi cũng hơi e ngại vì cứ nghĩ đến kỷ niệm không mấy tốt đẹp với áo dài ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng lần này, tôi tự nhủ, đã không còn giáo viên nào cố gắng bắt ép tôi đi đứng hay cư xử ra sao, tôi quyết định thử xem sao. Tốn một chút thời gian nhưng cuối cùng tôi cũng tìm được một bộ áo dài dáng suông màu xanh ngọc. Lúc khoác bộ áo dài lên người, tôi bất ngờ vì nó hợp tôi đến vậy. Thoải mái mà vẫn vui vẻ là hai tâm trạng mà trước đó tôi không nghĩ mặc áo dài có thể mang lại. Khoảnh khắc ấy khiến tôi thật sự hạnh phúc được mặc một bộ trang phục mà tôi từng cho rằng tượng trưng cho cái tính nữ học đường đầy bó buộc mà tôi chưa bao giờ thấy hợp với mình.

Suy cho cùng, có lẽ hành trình học yêu lại tà áo dài cũng là một phần của hành trình tìm kiếm danh tính — từ việc chật vật vì không thấy chính mình trong hình ảnh nữ tính truyền thống, tôi đã học cách trân trọng một nét văn hóa mặc áo dài mà không đánh mất bản thân.

]]>
info@saigoneer.com (Ngọc Hân. Ảnh: Yumi-kito.) Văn Hóa Fri, 02 Feb 2024 17:54:21 +0700
Về đâu cuốn lịch bloc trong thời đại smartphone? https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17639-về-đâu-cuốn-lịch-bloc-trong-thời-đại-smartphone https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17639-về-đâu-cuốn-lịch-bloc-trong-thời-đại-smartphone

Sống trên đời đã hơn 20 cái nồi bánh chưng, nhưng tôi chưa bao giờ phải mua một cuốn lịch bloc (hay còn gọi là lịch xé) cho bản thân dùng. Trong tâm trí của tôi, lịch là một thứ để mình mua tặng cho người khác, và ngược lại, cứ mỗi lúc gần Tết, kiểu gì cũng sẽ có người biếu gia đình tôi một vài cuốn lịch xé để làm quà.

Lịch xé là vật dụng phổ biến trong ngôi nhà của người Việt Nam, việc xé lịch hằng ngày là một hoạt động rất đỗi quen thuộc với tất cả chúng ta. Quen thuộc tới nỗi mà ngày nay chúng ta hay dùng từ lóng “bóc lịch” để nói đến việc ai đó bị giam giữ, ngụ ý rằng người đó sẽ phải xé lịch qua năm tháng để chờ đến ngày được trả tự do. Mối liên hệ giữa cuốn lịch và người Việt cũng đã tồn tại từ rất lâu. Mộc bản triều Nguyễn có ghi chép lại một số tư liệu về quá trình khảo cứu và thiết kế nên những cuốn lịch Tết để gửi gắm cho dân làng mỗi dịp sang năm.

Lịch bloc được bày bán vào dịp Tết trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5).

Những năm gần đây, tôi đọc được một số bài báo đưa tin về doanh số giảm sút của lịch Tết, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này kể ra cũng không ít — thiết kế theo lối cũ bị nhàm chán, nhiều người không chủ động mua vì chờ người khác tặng lịch, hay đơn giản vì có thể mở điện thoại ra xem ngày tháng; việc mua một cuốn lịch treo tường chẳng còn quá cần thiết nữa. Là một người lớn lên trong ngôi nhà luôn có một khoảng trống trên bức tường dùng để treo lịch Tết, tôi cũng tự hỏi vì sao món đồ này đang chật vật đến vậy.

Suy đoán đầu tiên của tôi là khi nhận quà Tết, người ta sẽ ưa chuộng những sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao như giỏ quà, hộp bánh, cần được tạo một không gian nhỏ để bày biện, mang cảm giác tươi mới cho căn nhà. Còn những cuốn lịch bloc thì khó mà cho ta những cảm xúc tương tự. Sau khi giựt đi cả chục tờ, cuốn lịch dần hòa vào phông nền và trở thành một món đồ bình thường như những vật dụng khác trong nhà của chúng ta.

Lịch bloc đủ kiểu và đủ cỡ.

Nhưng tôi nghĩ sẽ không công bằng với lịch bloc nếu chỉ xét giá trị của nó dựa trên công năng chính. Nếu tính cả công dụng bên lề, tôi thấy lịch bloc đã gắn bó với cuộc sống của chúng ta một cách rất thầm lặng. Tôi nhớ được những sáng sớm mẹ tôi sử dụng các trang lịch xé để viết danh sách đi chợ. Gia đình tôi cũng dùng lịch để bọc trái cây, thực phẩm hoặc làm giấy đựng xương cá khi chúng tôi quây quần trong mâm cơm gia đình.

Tờ lịch sau khi bị xé được đem để bỏ xương cá hoặc làm giấy nháp cho con nít vẽ.

Kí ức rõ rệt nhất của tôi với cuốn lịch là vào lúc tôi còn là một đứa nhóc 5 tuổi. Hồi ấy, tôi rất mê vẽ, mê vẽ bậy thì đúng hơn, cứ nơi nào có khoảng trống là tôi sẽ muốn đi vài nét lên đó, và tường nhà là nơi tôi hay triển lãm các tác phẩm của mình. Được một thời gian, bố mẹ tôi cấm tiệt, không cho tôi lấy bút màu để trang trí nhà nữa. Nhưng họ cho tôi mấy tờ lịch xé để thỏa thích múa bút, và rồi cứ sang một ngày mới là tôi lại hào hứng chạy vào bếp để xé thêm một trang lịch.

Cho nên, dù những cuốn lịch bloc đã dần mất đi chức năng chính của nó, thì những trang lịch xé vẫn một phần nào đó làm cho cuộc sống chúng ta thuận tiện hơn một chút. Chúng có thể không đặc sắc bằng những giỏ quà bánh, nhưng tôi đồ rằng những cuốn lịch có một đặc điểm hay ho hơn những loại quà Tết khác: là khi ngày Tết đã qua đi, những món đồ trang trí được tháo gỡ, quà Tết trong giỏ cũng không còn, khi chúng ta quay trở lại cuộc sống bình thường, thì vẫn còn đó cuốn lịch mang sắc đỏ ngày Tết được treo trên tường nhà, như giữ lại cho ta một chút năng lượng hân hoan trong suốt một năm dài.

]]>
info@saigoneer.com (Khang Nguyễn. Ảnh: Cao Nhân.) Văn Hóa Tue, 30 Jan 2024 14:40:03 +0700
Viết cho giai đoạn ẩm ương khi mọi vấn đề đều được hóa giải bằng câu 'Tết mà' https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17638-viết-cho-giai-đoạn-ẩm-ương-khi-mọi-vấn-đề-đều-được-hóa-giải-bằng-câu-tết-mà https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17638-viết-cho-giai-đoạn-ẩm-ương-khi-mọi-vấn-đề-đều-được-hóa-giải-bằng-câu-tết-mà

Tôi không ưa các thể loại lý do lý trấu.

Dối mình không tốt, dối người còn tệ hơn. Viện cớ bận bịu để từ chối kèo hay đổ thừa kẹt xe để đi trễ — cốt lõi của mọi sự biện minh là một lời nói dối.

Dẫu vậy, trong lòng tôi, chỉ có một lý do đủ sức mạnh để đánh bại tất cả: Tết mà. Cứ đến tháng Giêng, tháng Chạp, Tết Nguyên Đán mặc định trở thành nguồn cơn cho mọi trắc trở trong công việc lẫn đời sống của người Việt. Chị kế toán đi đẻ? Email “seen không rep”? Lô cốt xây hoài không xong? Săn sale cháy túi? 10 giờ sáng đã rượu chè? Trời ơi đang Tết Nhất mà em, du di cái nha! (ngoài ra còn có Trời ơi sắp Tết tới nơi rồi mà em! Trời ơi mới nghỉ Tết xong mà em!). Lỡ có làm phật ý ai? Lôi ngay Tết ra làm kim bài miễn tử. 

Tất nhiên, đằng sau cái hân hoan ngày Tết cũng có những hệ lụy trầm trọng hơn, như các loại tệ nạn xã hội, cờ bạc, chạy chọt, vân vân và mây mây, không thể cứ ỉ i “chuyện cũ mình bỏ qua, Tết này cùng cười lên ha ha” hết được. Nhưng trừ những trường hợp đó ra, sự hữu hiệu của “Tết mà” gần như dành cho mọi người. Trong khoảng một tháng, Tết giúp ta thoát khỏi sự kỳ vọng và nỗi thất vọng của thế gian. Thôi Tết rồi là đường cùng của kẻ đuối lý, mong đối phương “lòng từ bi bất ngờ” mà tha thứ cho lỗi lầm của mình.

Trong bối cảnh hiện đại, cái an yên ngày Tết ngày càng mất đi khi nhiều hàng quán mở cửa xuyên dịp lễ, người dân trong nước cũng ưa chuộng những chuyến đi du lịch nước ngoài thay vì ăn Tết tại nhà; mâm cỗ Tết truyền thống, đủ đầy dần bị thay thế bởi những món ngon nấu sẵn tiện lợi ngoài tiệm. Mỗi năm, người ta cứ nói với nhau “Tết giờ hết vui như xưa rồi,” nhưng tôi biết, Tết chỉ thực sự biến mất nếu một ngày tôi dùng lý do “Tết mà” chỉ để nhận lại phản hồi dửng dưng: “Thì sao?”

]]>
info@saigoneer.com (Paul Christiansen. Ảnh: Alberto Prieto.) Văn Hóa Fri, 26 Jan 2024 15:54:44 +0700
Xem Hollywood, nghe bé Xuân Mai, nhớ một thời chinh chiến cùng băng đĩa lậu https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17636-xem-hollywood,-nghe-bé-xuân-mai,-nhớ-một-thời-chinh-chiến-cùng-băng-đĩa-lậu https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17636-xem-hollywood,-nghe-bé-xuân-mai,-nhớ-một-thời-chinh-chiến-cùng-băng-đĩa-lậu

Ở Hà Nội, đã từng có một thời thị trường trao đổi, mua bán băng đĩa lậu diễn ra vô cùng công khai và sôi động. Nhưng ngày nay, khi nhìn vào những cửa hàng băng đĩa lậu trên phố Hàng Bài, người ta chỉ còn bắt gặp danh mục mặt hàng từ thời “tiền sử”: CD Taylor Swift từ thời còn làm “công chúa nhạc đồng quê,” tuyển tập Now That’s What I Call Music 54, phim Dawn of The Planet of the Apes, và soundtrack nhạc kịch Cats. Thời gian ở đây dường như đã đóng băng từ cách đây vài năm, không gian vắng lặng chẳng có người bán lẫn người mua. Giữa phố xá nhộn nhịp, nơi từng được xem là “Thủ phủ băng đĩa lậu của Hà Nội” giờ đây chỉ còn lặng lẽ nép mình trước cửa một khu ký túc xá.

Nếu như ở thập niên 1980, 1990, các thiết bị như máy quay, đầu đọc CD, và ti-vi vẫn thuộc hàng đáng mơ ước với thế hệ bố mẹ tôi, thì đến lứa chúng tôi, chúng đã bị thất sủng. Ngày đây, người ta không còn cần đến những công nghệ cũ để xem các sản phẩm giải trí. Nếu bạn hỏi bừa ai đó trên đường về băng đĩa lậu, có lẽ họ vẫn sẽ biết đấy là gì, nhưng rất ít người có thể chỉ ra được xem CD còn bán ở đâu hay mua như thế nào.

Thời gian cận Tết này, tôi bỗng nhớ về những bài viết trên báo đài tôi đọc được lúc nhỏ, kịch liệt lên án nạn băng đĩa giả và lậu. Công an thường triệt phá các đường dây CD lậu những ngày trước Tết, vì các chương trình hài kịch mừng xuân bấy giờ không được nhà đài chiếu lại, nếu muốn xem lại lần nữa, chỉ có nước mua băng đĩa chép lậu. Theo luận điểm của phần lớn cánh báo chí thời này, đây là những loại văn hóa phẩm không lành mạnh, góp phần bóp chết tính sáng tạo và vùi dập các hãng đĩa chính chuyên.

Nhưng là người lớn lên với băng đĩa lậu, tôi không cho rằng loại hình giải trí này là lỗi thời hay độc hại như người ta vẫn nói. Thay vào đó, tôi nghĩ việc mua băng đĩa lậu cũng có nét hay ho riêng biệt mà chỉ có người từng trải nghiệm mới hiểu được.

Thủ phủ băng đĩa lậu giữa lòng thủ đô

Những năm đầu thập niên 2000 là thời kỳ hoàng kim của băng đĩa lậu tại Hà Nội. Các gian hàng DVD lậu tập trung tại chợ Giời và chợ Đồng Xuân, hoặc nằm rải rác trước các chung cư trên Phố Thợ Nhuộm hay Hàng Bài.

Buôn bán băng đĩa lậu từng là một nghề siêu lợi nhuận. Năm 2007, một bài viết trên Quân Đội Nhân Dân ghi nhận giá thành CD nhạc chính hãng dao động từ 28.000 đến 35.000VND, còn đĩa chép lậu rẻ hơn rất nhiều, từ 6.000 đến 8.000VND. Máy ghi chép CD là công nghệ phổ biến nhất được dùng để truyền dữ liệu qua đĩa trắng, và mỗi đĩa trắng chỉ tốn 4.000VND, theo giá thị trường những năm 2000. Người ta chỉ tìm đến các cửa hàng DVD chính hãng khi có nhu cầu mua hàng hiếm, như phim Hollywood cổ, hoặc các ấn phẩm nghệ thuật hàn lâm.

Một cửa hàng đồ điện tử và DVD ở Huế. Nguồn ảnh: Hue Tourism.

Được săn đón nhất có lẽ là show ca hát tạp kỹ của người Việt hải ngoại — Paris by Night. Băng đĩa chính hãng của Paris by Night thường rất đắt và khó tìm trong lãnh thổ Việt Nam. Và vì quá yêu thích chương trình, nhiều người đành tìm đến hàng băng đĩa lậu. Ngoài băng đĩa Paris by Night, video thu lại live show của những tên tuổi lớn như Mỹ Tâm, Bằng Kiều, Lệ Quyên cũng phổ biến không kém cạnh. Các bạn tuổi teen và người trẻ những năm cuối thập niên 2010 thì mê mẩn những bộ phim nước ngoài. Poster của những bộ phim như The Mummy ReturnsMission ImpossibleHarry Potter và các bộ phim bom tấn Hollywood khác được dán đầy trong hàng DVD để thu hút người qua đường.

Cuối cùng, không thể không kể đến đĩa nhạc của ABBA và Boney M, được tiêu thụ chủ yếu bởi thế hệ lớn tuổi không quen sử dụng internet. Đến đến ngày nay, số ít chủ cửa hàng DVD còn sót lại trên phố Hàng Bài vẫn giữ đĩa của hai huyền thoại âm nhạc Châu Âu này làm mặt hàng chính.

Kỉ niệm ‘đào vàng’ ở tiệm bán đĩa

Mua DVD làm ta hồi tưởng về cái thời mà các trang nghe nhạc và tải nhạc trực tuyến còn chưa ra đời. Ở những tiệm băng đĩa Hà Nội, người ta thường tụ tập trên mấy cái ghế nhựa nhỏ, giống kiểu tụ tập trà đá vỉa hè — vừa tạm bợ vừa xôm. Về ngoại hình, những chiếc CD này thường rất “ô dề.” Bìa CD như đấm vào thị giác người nhìn, nhồi nhét gương mặt của tất tần tật các nghệ sĩ xuất hiện trong đó. Thiết kế thường trộn lẫn giữa font chữ tiếng Việt và các bảng màu bắt mắt như xanh lá cây hay cam hoàng hôn, nhìn rất “dị có chủ đích,” có thể dùng làm tư liệu nghiên cứu các xu hướng thẩm mỹ ở Việt Nam những năm 2000.

Do bán hàng giả nên người bán hàng thường trông rõ chán nản, không có chút hứng thú gì với sản phẩm của mình. Thật khác với những “chuyên gia” bán đĩa phim DVD chính hãng — vì kinh tế là phụ, vì đam mê là chính — mà tôi gặp được ở Hà Nội, anh sẽ luôn cập nhật cho khách hàng mình tuyển tập phim của Marilyn Monroe mà anh vừa mua được ở Amazon, trong khi nhân viên ở mấy cửa hàng băng đĩa lậu không hề quan tâm đến nội dung DVD mà khách họ tìm kiếm.

Do lượng khách cuối năm thường rất lớn, các cửa hàng băng đĩa lậu thường thuê thanh niên tuổi đôi mươi bán hàng, đa số là con cháu trong gia đình của người chủ. Khách hàng khi hỏi mua một loại đĩa cụ thể nào đó sẽ nhận được một cọc đĩa cùng thể loại cột lại với nhau, kèm theo một lời hướng dẫn không mấy mặn mà như: “Chắc nó trong đống này đó, bóc đại một cái đi.” Chọn DVD cũng phải “có căn,” ai cao tay sẽ may mắn đào được một món hàng hiếm.

Từng phủ sóng khắp mọi nơi, các cửa hàng băng đĩa giờ đây đứng trước bờ vực đóng cửa vì YouTube, Netflix, v.v. Nguồn ảnh: Hue Tourism.

Độ phủ sóng của băng đĩa lậu thể hiện một lối tư duy của nhiều người Hà Nội mà tôi quen biết. Ở cái thời mà các lựa chọn giải trí quá đỗi eo hẹp, người ta thường xem một DVD hay nghe một CD lặp đi lặp lại. Chính thói quen ấy đã tạo nên một cảm giác gắn bó kỳ lạ đối với chiếc đĩa — cảm giác quý trọng những gì ít ỏi mà mình có — khiến cho trải nghiệm mua băng đĩa lậu gây thương nhớ đến vậy.

Khi hồi tưởng về những ngày xưa cũ, người ta thường có xu hướng tô vẽ màu hồng kỉ niệm của mình, chuyện mua băng đĩa lậu cũng không là ngoại lệ. Thành thật mà nói, chất lượng của băng đĩa lậu ngày xưa tệ không bàn cãi, tệ đến mức có thể gây hại đến đầu máy DVD vì chất lượng ghi thông tin. Có lúc tôi nghe âm thanh như cào thét, giọng nói lồng tiếng chồng lên âm thanh gốc trong phim thiếu nhi, hay từng mua phải đĩa chỉ có phụ đề tiếng Bồ Đào Nha (khá kỳ cục là chuyện này đã từng xảy ra với tôi tận hai lần). Tuy vậy, những sơ sót kỳ lạ này lại là nét độc đáo của trải nghiệm băng đĩa lậu, góp phần vào nét hay ho của nó. Người mua băng đĩa lậu thường biết mà chấp nhận những khuyết điểm này.

Nhưng điều buồn cười nhất về việc xem băng đĩa lậu có lẽ là chất lượng lồng tiếng. Âm thanh thường không khớp với thoại, thậm chí rè đến mức hầu như hiểu được gì. Bất cứ ai, dù nói tiếng Anh hay không, cũng đều thấy được ngay. Nhưng dẫu có nhiều điểm trừ như thế nào, một chiếc đĩa phim mới vẫn là một cái cớ tốt để mời bạn bè sang nhà nhau chơi.

Băng đĩa lậu tốt hay xấu?

Bài viết này không ra đời với mục đích bảo vệ chuyện sao chép lậu, hoặc lý luận vì sao việc sao chép lậu là một phần của văn hóa Việt Nam. Không thể phủ nhận rằng DVD lậu thời đó đã đem lại cơ hội giải trí cho những người thiếu điều kiện mua băng đĩa chính hãng, nhưng chúng cũng dẫn đến hệ quả xấu với người làm sáng tạo. Trong quá khứ, nhiều nhà làm phim và nhạc sĩ không thu được chút lợi nhuận nào từ sản phẩm trí tuệ của mình, sao chép lậu trên mạng vẫn còn gây khó dễ với nghệ sĩ ngày nay. Vấn đề này dấy lên câu hỏi: chúng ta nên nghĩ về băng đĩa lậu như thế nào?

Trong suy nghĩ của tôi, băng đĩa lậu chiếm một vị trí về ký ức văn hóa độc đáo mà chẳng lãng mạn hay đạo đức gì. Nếu có ai mà còn thích cái vẻ ngoài “ô dề” của băng đĩa lậu ngày nay, thì chỉ có thể là mấy người cuồng CD đến độ theo học ngành phim, hoặc là người cao tuổi không theo kịp với công nghệ. Sau tất cả, bàn luận về băng đĩa lậu không phải để dung túng cho nó mà để nhớ về nó như một hiện tượng theo thời gian, biểu tượng của một thời kỳ mà loại hình giải trí rẻ tiền như CD cũng có cái nét riêng về mặt thẩm mỹ và cái gì đó hay ho — một thời đáng nhớ của thanh xuân chúng ta.

]]>
info@saigoneer.com (Thùy Trang. Ảnh bìa: Yumi-Kito.) Văn Hóa Tue, 23 Jan 2024 13:00:00 +0700
Tìm dư vị Hà Nội những ngày xưa cũ trong tiếng rao 'rươi' https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17631-tìm-dư-vị-hà-nội-những-ngày-xưa-cũ-trong-tiếng-rao-rươi https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17631-tìm-dư-vị-hà-nội-những-ngày-xưa-cũ-trong-tiếng-rao-rươi

Trong tiếng rao của người bán rươi vang vọng lời mời gọi của mùa thu, khi những hương vị từ khắp Việt Nam hòa quyện trên bàn ăn.

Cũng như loài rươi, tiếng rao của những người bán rươi chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn vào mùa thu, từ tháng 9 đến tháng 11 Âm lịch, khi “trời treo trên cao, rươi ngoe nguẩy ở dưới,” như bác Hưng Thịnh, chủ một cửa hàng chả rươi nổi tiếng ở Hà Nội, đã miêu tả. Con rươi là cái tên mà người Việt đặt cho giun palolo, một loài hải trùng dài vỏn vẹn 5 cm, không may bị tạo hóa ban cho hình thù xấu xí. Rươi là thành phần chính của món chả rươi, một món đặc sản làm từ thịt rươi, vỏ quýt, rau thơm, và thịt lợn bằm nhuyễn.

Văn đàn Việt ưu ái dành nhiều tác phẩm viết về sự tồn tại của thức quà mùa se lạnh. Trong tựa sách Miếng Ngon Hà Nội, bác Vũ Bằng đã nhắc đến tiếng rao của người bán rươi trong một chương được ông dành riêng cho chả rươi.

Đương ngồi ở trong nhà bỗng nghe thấy những người đàn bà lanh lảnh rao: “Ai mua rươi. Ai mua rươi ra mua!” người ta bỗng nghe thấy lòng tưng bừng như có muôn đoá hoa hé cánh và người ta vội vàng chạy ra cửa gọi mua: “Rươi! Rươi!”

Qua lời văn của Vũ Bằng, người đọc có thể mường tượng được sự phong phú của nền ẩm thực Hà Nội xưa. Nếp sống ngày ấy giản dị biết bao, chỉ cần bước chân khỏi nhà là đã mua được vài lạng rươi núc ních, tươi rói. Nhưng tất cả giờ chỉ còn là kí ức xa xôi: tiếng rao rươi lảnh lót, cao vút lan tỏa khắp phố phường dường như đã biến mất.

Rươi sống bán ở chợ. Nguồn ảnh: AFamily.

Một chiều thứ Bảy, tôi dành vài giờ lang thang qua chợ Thanh Hà, Ô Quan Chưởng và chợ Đồng Xuân để lần theo tiếng gọi của những người bán rươi, để tìm xem tiếng rao rươi đã đi đâu. Trước khi lên đường, tôi đã thầm mong con rươi sẽ mang dáng hình na ná loài giun cát trong tiểu thuyết của Frank Herbert — Dune. Thế nhưng, chúng bé nhỏ, phẳng phiu dưới đôi bàn tay nhanh nhẹn của các cô bán hàng. Con rươi xấu số khi vòng đời chỉ quanh quẩn thùng xốp và chảo chiên. Đã thế lại phải chịu ngoại hình trêu ngươi.

Trong chiếc hộp bìa cứng quấn băng dính xanh da trời, những con rươi nằm xen kẽ nhau, xoăn xoắn những thân mềm chỉ dài vài cm. Rươi mang màu của lá bàng — đỏ rực tô điểm bởi những mảng xanh thẫm, toàn thân lởm chởm lông tơ như quả chôm chôm.

Con rươi là sinh vật rất không ăn ảnh, nhưng các cô chú bán chả và bán rươi đều đon đả mời tôi chụp thật nhiều pô. Người thu ngân tại Hưng Thịnh chỉ cho tôi thùng rươi của cửa hàng, nhờ tôi chụp rươi làm sao cho tươi và núc ních, chụp “đẹp để mà còn lên báo.” Nhiều cô chú trong chợ tự hào khoe với tôi rằng nhiều người trẻ cũng hay ra đây chụp hình rươi. Một số còn tưởng tôi đang đi quay nội dung đăng TikTok.

Khi được hỏi, những người mà tôi gặp đưa ra ý kiến khác nhau về việc liệu những người bán rươi như trong văn Vũ Bằng có còn lang thang trên các phố phường Hà Nội hay không. Người đầu tiên mà tôi trò chuyện, một cô bán hàng ở chợ Thanh Hà, không nhớ lần cuối mình nghe tiếng rao rươi là khi nào: “Bây giờ, người ta chỉ bán rươi trong cửa hàng thôi. Hiếm khi thấy ai bán rươi dạo lắm.” Cô ngại ngùng chắp tay sau lưng khi tôi nhờ cô bắt chước tiếng rao của người bán rươi trong ký ức mình, nhưng sau đó cô mỉm cười và vui vẻ ngâm nga: “Ai mua rươi ra-à mùa.”

Nghe thanh điệu ngân nga như vậy, nhỡ như người bán rươi cũng là người ngâm thơ. Tiếng rao sử dụng phép lặp âm và hòa âm — “m” trong mua, mùa, và “r" trong “rươi,” “ra" — để tạo nên vần điệu nhịp nhàng. Bằng cách chơi đùa với trọng âm và điều chỉnh nhấn nhá với “ra" và “mua,” cô ấy thổi hồn âm nhạc vào lời rao của mình. Một hiệu ứng đơn giản nhưng chất chứa bao nhiêu lớp nghĩa — tiếng rao rươi nổi bật giữa quan cảnh âm thanh đa dạng của Hà Nội.

Tôi vui cười khi lần đầu được nghe tiếng rao rươi, rồi bỗng tự hỏi vì sao thứ âm thanh từng len lỏi phố phường Hà Nội ấy lại dần tắt đi. Cô bán hàng bảo có thể nhu cầu mua rươi tươi không còn cao như trước. Ngày xưa, sau khi các phiên chợ kết thúc, người bán rươi thường mang gánh đi khắp ngõ để bán rươi cho người dân, đặc biệt là các bà nội trợ, muốn mua nguyên liệu tươi sống nấu bữa tối. Thật khó để tìm lại cảnh tượng như vậy trong bối cảnh xã hội Hà Nội ngày nay.

Chiều hôm đó, tôi đến Hưng Thịnh, một điểm bán chả rươi nổi tiếng tại Hà Nội. Ở đây, 75.000VND có thể mua được miếng chả rươi đầy ắp thịt rươi đến lộm cộm cả lên trên bề mặt, còn lựa chọn phải chăng hơn, 45.000VND, thì không khác gì một lát cốt lết bình thường. Cô bán hàng vừa gắp ra từ chảo dầu nóng những miếng chả rươi ngon lành, thì tôi liền hỏi chuyện về tung tích của tiếng rao rươi. “Không phải là người ta hết bán rươi và rao rươi,” cô nói. “Mà bây giờ họ chủ yếu bán ở mấy con đường gần Khu Phố Cổ, ở đấy khách người ta thích mua rươi tươi rồi sơ chế luôn.”

Khi đi qua Chợ Đồng Xuân, tôi đi ngang qua một người bán rươi rong, đòn gánh nặng trĩu trên bờ vai mảnh mai. Nhưng cô đi qua mà không buông lời rao nào. Xung quanh tôi, chỉ có tiếng máy khoan và xe máy ầm ĩ.

Từ hành trình đi tìm những tiếng rao rươi cuối cùng, tôi bỗng nghiệm ra số phận của những tiếng rao không chỉ của Hà Nội, mà còn ở Sài Gòn và những thành phố lớn khác ở Việt Nam — luôn giằng co giữa tàn tích quá khứ và nhà chọc trời hiện đại. Giữa những âm thanh thành thị, tiếng ồn buồn tẻ, vô vị, nỗi nhớ nhung về tiếng rao xưa đưa người ta về những ngày cũ, về quê nhà bình dị và êm đềm hơn bây giờ rất nhiều.

]]>
info@saigoneer.com (Thùy Trang. Ảnh bìa: Monbu Mai.) Văn Hóa Fri, 12 Jan 2024 15:14:57 +0700
Chuyện đời cụ Huỳnh Văn Ba, cha đẻ của đèn lồng gấp gọn Hội An https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17630-chuyện-đời-cụ-huỳnh-văn-ba,-cha-đẻ-của-đèn-lồng-gấp-gọn-hội-an https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17630-chuyện-đời-cụ-huỳnh-văn-ba,-cha-đẻ-của-đèn-lồng-gấp-gọn-hội-an

Ở tuổi 90, cụ ông tóc đã bạc phơ, thế mà khi nói về những chiếc đèn lồng, giọng vẫn hào sảng và mắt sáng rực hy vọng. Nhờ công thức đèn lồng gấp gọn của cụ Huỳnh Văn Ba, món đồ thủ công mang đậm hơi thở Hội An này dễ dàng theo chân khách quốc tế đến nhiều nơi trên thế giới.

Một hiên nhà nhỏ ở Cẩm Hà, Hội An chất đầy nan tre. Bên trên lủng lẳng vài chiếc đèn lồng màu vàng. Khoảng sân có hàng cau và vài cây mẫu đơn trổ hoa. Đó là nhà ở của cụ ông Huỳnh Văn Ba. Ở tuổi 91, vì một chấn thương ở chân, ông không thể thường xuyên lên xưởng lồng đèn trên phố như trước. Nhớ không gian xưởng nhỏ ngập tràn ánh đèn vàng, ở nhà, ông vẫn vót nan, làm khung lồng đèn cho vui tay.

Tại Hội An, ông Huỳnh Văn Ba được công nhận rộng rãi là người đầu tiên nghĩ ra công thức làm đèn lồng gấp gọn lại được. Sáng tạo của ông hàng chục năm trước đã giúp đèn lồng Hội An trở nên dễ dàng bỏ vào vali những vị khách quốc tế đi khắp thế giới. Đèn lồng Hội An, từ một vật dụng trang trí phục vụ đời sống, trở thành một sản phẩm du lịch, một thương hiệu nổi tiếng gần xa. Đây là minh chứng cho sự thích ứng của nghề thủ công truyền thống với những bước chuyển mình của du lịch nơi đô thị cổ.

Ông Huỳnh Văn Ba (90 tuổi) là người đầu tiên nghĩ ra công thức gấp gọn đèn lồng Hội An.

Cả thời trẻ của ông Ba gắn với những chiếc đèn lồng. Chẻ tre, vót nan, cắt vải với ông đã thành thói quen. Âm thanh lách cách và màu sắc rực rỡ lấp đầy ký ức. Những hồi ức năm xưa được ông gói ghém một cách thân thương. Sống gần một thế kỷ, chứng kiến bao đổi thay của mảnh đất, nhiều điều bị lãng quên, vậy mà kỷ niệm trong nghề đèn lồng được ông nhắc lại vanh vách như thể chuyện mới hôm qua.

Ông Huỳnh Văn Ba vốn là người Thăng Bình (Quảng Nam). Chuyển đến Hội An sinh sống từ lâu, ông yêu mảnh đất này như quê hương. Tại Hội An, ông vốn là thợ đan lát cho một hợp tác xã mành trúc lớn, cho ra đời những chiếc mành, lọ hoa, giỏ tre.. đẹp có tiếng trong vùng.

Khoảng những năm 1990, sau khi mở cửa đón khách quốc tế, Hội An được thổi vào luồng không khí mới. Đô thị cổ tấp nập hơn xưa. Du khách rảo bước qua những con phố rủ hoa giấy đỏ hồng rực rỡ, thấy nhà nào cũng treo đèn lồng trước hiên, lấy làm thích thú.

“Hồi đó, nhiều khách nước ngoài muốn mua lồng đèn về làm quà lưu niệm lắm,” ông Ba cười làm lộ rõ những nếp nhăn hằn trên trán,“Thấy được nhu cầu này của khách, lúc rảnh rỗi, ông làm thêm đèn lồng để bán, rồi ngày càng chế tác đèn lồng nhiều hơn,” ông nói về suy nghĩ thôi thúc ông bén duyên với lồng đèn.

Xưởng đèn lồng của ông Huỳnh Văn Ba tại Hội An.

Bỗng ngày nọ, một vị khách Úc tìm đến, ôn tồn bảo muốn mua một chiếc đèn lồng mang về nước. Khổ nỗi, đèn lồng to quá không thể cho vào hành lý, nếu gấp gọn lại được thì giá cao cỡ nào khách cũng lấy mang đi. Lời ngỏ ấy đã gõ cửa một ý tưởng sắp thành hình trong ông Ba.

Hôm đó về nhà, ông lấy nan tre ra, đục đục, khoan khoan. Tối nào ngủ, ông cũng vắt tay lên trán suy nghĩ. Loé lên trong đầu ông là hình ảnh cái quạt giấy, cái ô che mưa, những vật dụng có thể xếp vào mở ra, bung lên gập xuống dễ dàng. Ông dành cả tâm và trí, ngày và đêm cho ý muốn chế tạo bộ khung lồng đèn dựa trên nguyên tắc gập của chiếc dù. Nửa năm trời trôi qua, sau hàng trăm thử nghiệm thất bại, “quả ngọt” cuối cùng cũng đơm trái. Chiếc đèn lồng gấp gọn đầu tiên thành hình dưới đôi bàn tay của người nghệ nhân Hội An.

“Đó là lồng đèn hình tròn, khung sườn cũng làm từ những nan tre như đèn lồng kiểu cũ, chỉ khác là, các nan được đục lỗ hai đầu, gắn vào hai chuôi gập mở dễ dàng, có thể xếp gọn vào hành lý, lúc treo thì bung ra,” ông vừa mô tả vừa cười lớn như thể niềm phấn khích lúc ấy vẫn còn nguyên vẹn sau hàng chục năm, “Chu choa. Lúc cái đèn thành hình, ông mừng lắm. Đúng là bõ công 6 tháng mày mò.” Từ đó, kỹ thuật chế tác lồng đèn gấp gọn của ông Ba được nhân rộng khắp Hội An.

Nghệ nhân Huỳnh Văn Trung – con trai nghệ nhân Huỳnh Văn Ba.

Điều làm người nghệ nhân 90 tuổi tự hào nhất là việc thành công truyền nghề cho con trai và nhiều học trò ở Hội An. Tại xưởng đèn lồng rực rỡ màu sắc nằm trên đường Phan Đình Phùng, nguyên vật liệu như nan tre, chui đèn, vải, mảnh vụn trải kín từ lối ra vào cho đến tận trong nhà.

Trong không gian rộng chừng hơn 10m2, anh Huỳnh Văn Trung (con trai ông Huỳnh Văn Ba) ngồi tập trung đăm từng nan tre vào quai thép để tạo khung. “Đèn lồng Hội An có nhiều hình dáng, kích cỡ, từ hình bầu dục, quả trám, củ tỏi, bánh ú, quả bí. Đa dạng kiểu dáng nhưng nguyên liệu và quy trình làm các loại đèn lồng nhìn chung tương đồng. Hai chất liệu chủ đạo là tre và vải lụa. Tính một cách chi tiết, có đến 10 thao tác để ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Các thao tác ấy có thể chia thành 2 công đoạn chính là làm khung sườn và dán vải,” anh Trung chia sẻ.

Nghệ nhân đang làm khung sườn đèn lồng.

Công việc làm đèn lồng thoạt đầu nhìn đơn giản, nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ.

Hai đầu lồng đèn được gia công từ gỗ.

Khung sườn đèn lồng có thể gập vào và bung ra dễ dàng.

Các nan được liên kết lại với nhau bằng dây nhựa mảnh.

Làm đèn lồng thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng đòi hỏi ở người nghệ nhân sự tỉ mỉ, khéo léo và kiên nhẫn. Trước tiên, người thợ chọn loại tre đủ già, mang đi nấu rồi ngâm trong nước muối từ 10 đến 15 ngày nhằm tăng độ bền, chống mối mọt, sau đó phơi khô rồi chẻ thành nan. Chui đèn được gia công từ gỗ. Trong khi đó, vải bọc là vải lụa hoa văn chìm lấy từ làng nghề Hà Đông.

Theo anh Trung, thao tác quan trọng nhất quyết định thẩm mỹ của đèn lồng là vót nan. Các nan vót đạt độ nhẵn, đều sẽ cho ra những chiếc đèn lồng đạt chuẩn. Tùy vào kích thước lồng đèn, số lượng và độ dài nan tre khác nhau. Đèn càng to, nan càng nhiều và dài. Các nan xử lý xong được chặt độ dài bằng nhau và khoan lỗ ở hai đầu để lắp ráp với hai vòng gỗ và định hình khung.

Vải được dán vào khung tre bằng keo.

Vải được dán vào khung tre bằng keo.

Người thợ cắt bỏ các phần vải thừa, chuốt các chi tiết, trang trí để ra thành phẩm.

Sau khi đã có khung sườn, nghệ nhân tiến hành dán vải lên khung đã bôi keo. Các mảnh vải được cắt phù hợp với kích thước khung sườn để khi căng lên, đèn lồng không bị nhún, chùng. Sau khi dán, các chi tiết thừa được cắt bỏ. Người thợ chuốt các chi tiết, trang trí chuôi là có được chiếc đèn lồng thành phẩm. Ngoài các loại đèn lồng đơn giản, ngày nay, để đáp ứng các xu hướng thẩm mỹ hiện đại, đèn lồng Hội An còn được khoác lên những kiểu dáng mới, chất vải mới, trang trí hoa văn mang tính mỹ thuật cao.

Đèn lồng Hội An có nhiều kích cỡ và kiểu dáng.

Sau khi chia sẻ về quy trình làm lồng đèn, anh Trung nhớ lại thời điểm 20 năm trước. Khi đang sống ở Sài Gòn, anh vốn chẳng giữ ý định theo nghề của cha. Bước ngoặt là khi có gia đình, sinh con, anh quyết định trở về quê.

“Hồi ấy cha đã lớn tuổi. Hiểu cha mong muốn và đau đáu chuyện lưu giữ nghề truyền thống, hai vợ chồng bắt đầu học. Lúc đầu, mình không hứng thú, nhưng cha động viên, chỉ dẫn từng tí một. Khi đi đường, thấy lồng đèn được treo khắp nơi, mình lại vui vì góp một phần nhỏ để Hội An đẹp thêm. Thế là mình tiếp tục, đến nay đã 20 năm,” anh Trung bồi hồi nhớ lại.

Những con phố lung linh đèn lồng là ấn tượng khó phai đối với nhiều du khách khi đến Hội An.

Đến Hội An, bạn hãy bước thật chậm trên những con phố vào một buổi sáng sớm, lúc không gian tĩnh mịch, chỉ văng vẳng tiếng rao vọng từ những hẻm sâu hun hút, rồi đắm chìm vào không khí trong trẻo khi tia nắng đầu tiên rẽ ngang màn sương mỏng.

Điểm lên trên diện mạo vừa rực rỡ lại vừa mộc mạc này có những chiếc đèn lồng rực rỡ. Và đằng sau đó, thấp thoáng bóng dáng của nhiều thế hệ nghệ nhân cần mẫn duy trì truyền thống hàng trăm năm. Trong đó, có gia đình cụ Huỳnh Văn Ba.

]]>
info@saigoneer.com (Xuân Phương. Ảnh: Xuân Phương.) Văn Hóa Tue, 09 Jan 2024 10:00:00 +0700
Về đâu tiếng rao hàng rong trong ồn ã và lặng yên? https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17017-về-đâu-tiếng-rao-hàng-rong-trong-ồn-ã-và-lặng-yên https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17017-về-đâu-tiếng-rao-hàng-rong-trong-ồn-ã-và-lặng-yên

Trong cuộc sống ồn ã thường nhật, có thể thấy nhiều thanh âm của nếp sống cũ đã dần thu nhỏ lại và thưa vắng dần theo thời gian. Tiếng rao trên đường phố là một trong số đó. Nhưng sẽ rất khó để ai đó xóa đi những ký ức tuổi thơ gắn liền với thứ âm thanh bình dân này. Lâu lâu dạo bước trên thành phố bận bịu, nghe được tiếng rao từ gánh hàng rong lại cảm thấy như một luồng gió mát lại thổi về.

Tôi sinh ra tại Sài Gòn và sống tại đây cho đến lúc vào tiểu học thì chuyển đến một thành phố khác ở miền Trung do tính chất công việc của gia đình. Với một đứa trẻ lớp 1, việc nhớ mọi thứ về nơi mình từng sinh ra là một điều không thể. Và tâm trí tôi đã dần lấp đầy với những gì đang xảy ra ở môi trường mới. 

Rồi bỗng một ngày, tôi vô tình bắt gặp tiếng rao: "Bánh chưng bánh giò, chưng gai bánh giò…" cùng tiếng xe máy xình xịch ngang qua cửa. Tôi chợt nhớ ra những ngày cũ, hồi mà sau mỗi bữa cơm tối đều như vắt tranh, có một chú bán bánh giò chạy ngang qua một khu phố nhỏ ở quận Tân Bình, và đôi khi mẹ sẽ mua cho tôi một chiếc ăn dằn bụng. Và tiếng rao ấy như một người quen cũ, gợi lại cho tôi nhiều kỷ niệm bồi hồi về những món quà tuổi thơ, về những lần mấy đứa con nít chúng tôi vây quanh gánh hàng rong đề chờ một phần bò bía rồi cả đám chia nhau. 

Lý giải cho khả năng gợi nhắc kỷ niệm của tiếng rao, ai đó có thể đứng trên phương diện marketing và nói về khả năng âm thanh tác động đến hành vi của người tiêu dùng bằng cách học hỏi phản xạ vô điều kiện. Theo cuốn sách Hành vi người tiêu dùng của nhóm biên soạn gồm TS. Nguyễn Xuân Lân, TS. Phạm Thị Lan Hương và TS. Đường Thị Liên Hà đã lý giải về phản xạ không điều kiện của người mua như sau: "Việc lặp lại một thông điệp đơn giản khiến người xem có thể thuộc nội dung cốt yếu. Thông qua học hỏi phản xạ vô điều kiện, người tiêu dùng có thể thiết lập niềm tin về đặc điểm hay thuộc tính của sản phẩm mà không nhận thức về nguồn thông tin."

Áp dụng điều này vào người bán hàng rong, họ luôn xuất hiện đều đặn cùng tiếng rao rất đúng giờ vào một thời điểm trong ngày, chẳng hạn như lúc đến buổi xế chiều hoặc sau buổi ăn tối, tạo ra thông điệp đơn giản ăn sâu vào tiềm thức người nghe — những người đã ở nhà đông đủ tại thời điểm đó.

Nếu gọi tiếng rao là âm thanh thương mại thì cũng không có gì là sai vì chúng vốn để mời mua hoặc trao đổi hàng hóa, tuy nhiên thương mại đó, ra rả đó mà chẳng mấy ai thấy phiền toái cả. Bởi nếu như sự lặp đi lặp lại của những quảng cáo thương mại là lời đọc vô tri vô giác, có thể phát lại một cách dễ dàng, thì những tiếng rao là âm thanh của con người bất kể đêm-ngày, nắng-mưa.

Đằng sau tiếng rao có thể là bất kì ai, từ em bé đến cụ già, đàn ông, phụ nữ, người ở miền trong, miền ngoài, nhưng đặc điểm chung của họ đều là những người lao động nghèo, chịu thương chịu khó dãi nắng dầm mưa để bán hàng rong, chắt chiu từng đồng cho cái ăn, cái mặc của gia đình, và cả cái học để thoát nghèo cho con cháu của họ. Nhà thơ Tố Hữu từng xót thương cho những khúc hát thân phận đó trong 'Một tiếng rao đêm':

Ai ăn bánh bột lọc không?
Tiếng rao sao mà ướt lạnh tê lòng!
Không phải giọng của một hầu đứng tuổi
Cao thánh thót hay rồ khan gió bụi
Đây âm thanh của một cổ non tơ
Mà giây ngân còn vương vấn dại khờ
Trên môi mỏng hãy thơm mùi sữa mẹ.

Tiếng rao còn là một trong những thanh âm bền bỉ, đã sống qua khói lửa chiến tranh, thời bao cấp và cả thời kì kinh tế mới. Trong thời Pháp thuộc, thầy giáo F. Fénis đã bị xúc động trước những gánh hàng rong và cho ra đời cuốn sách Les marchands ambulants et les cris de la rue à Hanoi (Hàng rong và tiếng rao hàng Hà Nội), mô tả các loại hàng rong và tiếng rao ở Hà Nội lúc bấy giờ bằng hình vẽ minh họa và phổ tiếng rao bằng khuông nhạc. 15 sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương đã tham gia vẽ minh họa, trong đó có cái tên nổi bật là Tô Ngọc Vân, một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất của nền mỹ thuật Việt Nam đương đại. Vào năm 2019, một triển lãm về cuốn sách này đã được trưng bày tại Viện Pháp ở Huế, phần âm thanh tiếng rao đã được Đàm Quang Minh và các nghệ sỹ Đông Kinh Cổ Nhạc tái hiện lại.

Kể về kỷ niệm với những gánh hành rong thời bao cấp, tác giả Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ với báo Hà Nội Mới: “[...]Thời bao cấp không còn phở, cháo thịt bạc nhạc hay cà phê xe đẩy. Phố xá đông đúc, những người bán tạp hóa lỉnh kỉnh các món đồ thì ông bán thuốc mới ló ra từ các ngõ nhỏ. Ngay cả khi không lực Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc và Hà Nội, dân phải sơ tán về các vùng quê thì tại bến tàu điện ở phố Đinh Tiên Hoàng, Cầu Giấy, Vọng hay chợ Mơ... bến ô tô Kim Liên, Kim Mã, Bến Nứa... vẫn đầy ắp tiếng rao. Họ tràn lên tàu điện, xông vào các phố có dân không chịu đi sơ tán để bán hàng mong kiếm chút lãi nuôi con”.

Đến nay, nền kinh tế phát triển hơn, giao thương đã khoác lên mình một diện mạo mới, tiếng rao dù thưa thớt đấy nhưng còn giữ cho mình một sự tồn tại tách biệt. Tại phố cổ Hội An, một lượng người vẫn chọn cách bán hàng rong để mưu sinh, vừa cải thiện kinh tế qua du lịch, vừa gìn giữ di sản của văn hóa đường phố. 

Việc bán hàng rong không phải là chuyện hiếm đối với các nước phương Tây, điển hình như Anh. Với họ, đây là một nghề nghiệp cần có giấy phép để hành nghề. Nhưng có lẽ chỉ ở Việt Nam, hàng rong đường phố mới phổ biến với nhiều mặt hàng đến thế, rong ruổi sâu rộng tới từng ngõ hẻm trên các loại phương tiện khác nhau: xe đạp, xe máy, cuốc bộ, v.v. và đặc biệt là luôn đi cùng với tiếng rao. 

Những tiếng rao đã len lỏi vào đời sống của người Việt Nam như thế. Thậm chí vào năm 2011, tựa game Hàng Rong lấy cảm hứng từ nền văn hóa đường phố được VNG phát hành đã trở thành một hiện tượng trong cộng đồng game lúc bấy giờ. Hiện tại, có thể chúng ta thừa sức mua được những loại kem vài nghìn đến hàng trăm nghìn, nhưng với các đứa trẻ từng đi thu gom dép nhựa, đồng nát để đợi tiếng kèn "bíp bíp" từ con xe đạp Thống Nhất và giọng rao lanh lảnh: “Kem đây kem đây! Đổi dép, rổ, nhôm nhựa đê ê ê ê...” thì khó có thể tìm lại được hương vị cà-rem ngày đó.

Hàng Rong đã trở thành một hiện tượng trong cộng đồng game vào thời điểm ra mắt năm 2011. Ảnh: Diễn dàn Hunter.

Thời đại dần thay đổi, tiếng rao miệng ngày nào nay càng yếu ớt dần trước ánh đèn và thứ nhạc xập xình nơi phố thị. Nhà cửa kín cổng cao tường nên chẳng mấy ai có thể nghe thấy “Đồng nát sắt vụn đây,” hay “Mua TV, tủ lạnh, mua bàn ủi, máy vi tính” nữa. Cũng chẳng ai đủ kiên nhẫn để chờ đợi người bánh giò chạy ngang qua, với sự xuất hiện của các dịch vụ vận chuyển đồ ăn công nghệ, cho họ nhiều sự lựa chọn và linh hoạt hơn gấp chục lần.

Và rồi khi đại dịch COVID-19 ập đến, tiếng rao lại càng nhỏ hơn cho đến khi lịm hẳn đi trong các đợt giãn cách xã hội. Tại khu phố tôi ở, giờ đây âm thanh duy nhất ngoài đường có thể nghe là tiếng cô tổ trưởng gọi đại diện nhà đi xét nghiệm lấy mẫu. Điều này đã làm tôi nhớ tới bài thơ từng được học ở trung học 'Ánh trăng' của Nguyễn Duy: chợt giật mình, nuối tiếc những gì đã qua, và hơn hết là thương cảm cho những con người từng rong ruổi ngoài kia. Họ dẻo dai, chịu nắng chịu mưa, nhưng liệu có đủ dẻo dai để đi qua giai đoạn khó khăn này hay không? Tôi không muốn có câu trả lời.

]]>
info@saigoneer.com (Như Quỳnh. Đồ họa: Hannah Hoàng và Phan Nhi. ) Văn Hóa Mon, 11 Dec 2023 11:00:00 +0700
Văn hóa châu thổ Bắc Bộ qua lễ hội chùa Keo Hành Thiện https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17615-văn-hóa-châu-thổ-bắc-bộ-qua-lễ-hội-chùa-keo-hành-thiện https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17615-văn-hóa-châu-thổ-bắc-bộ-qua-lễ-hội-chùa-keo-hành-thiện

Với những lễ tục, sinh hoạt dân gian đậm nét văn hóa vùng nông nghiệp trồng lúa nước, lễ hội chùa Keo Hành Thiện là dịp người dân tưởng nhớ, tri ân Đức Thánh Tổ — thiền sư Dương Không Lộ vì những công trạng cứu dân, độ thế của ngài.

Trung tuần tháng 9 Âm lịch hàng năm, làng Hành Thiện (Nam Định) lại tổ chức lễ hội chùa Keo. Truyền thống này có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng và ăn sâu trong tâm thức mỗi người dân Hành Thiện:

“Dù ai ngang dọc Tây Đông,
Ngày Rằm tháng chín hội Ông nhớ về.
Dù ai bận rộn trăm nghề,
Ngày Rằm tháng Chín nhớ về hội Ông.”

Mặt trước chùa Thần Quang Tự (chùa Keo trong làng Hành Thiện).

Hành Thiện — ngôi làng hình cá chép giàu truyền thống hiếu học

Làng Hành Thiện tọa lạc tại xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định. Nằm ở ngã ba giao giữa sông Hồng và sông Ninh Cơ, làng mang đậm dấu ấn đặc trưng làng quê Bắc Bộ. Những ngày cuối thu, từng vạt nắng vờn nhẹ kẽ lá, chạm lên những mái đình rêu phong nơi ngôi làng nhỏ. Dọc triền đê, cỏ lau trắng lác đác, gió từ sông Ninh Cơ thổi vào mát rượi. Đặt chân lên đất Hành Thiện, tôi nghe hơi thở trăm năm từ quá khứ vọng về trên từng mái đình, góc chợ, cây đa bến nước.

Là một địa danh cổ xuất hiện từ lâu đời, nhưng chỉ đến 200 năm trước, làng mới được đặt tên là Hành Thiện bởi vua Minh Mạng. Trong suốt chiều dài lịch sử từ khi lập làng đến nay, Hành Thiện nổi tiếng là vùng đất hiếu học, trọng tài. Câu ngạn ngữ “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện” được lưu truyền để ca ngợi truyền thống ấy. Làng cũng là cái nôi của nhiều tục lệ văn minh, phong tục nhân văn, từng được vua Tự Đức ban tặng 4 chữ “mỹ tục khả phong” (đạo sắc của vua phong tặng cho vùng đất có phong tục tốt đẹp).

Làng Hành Thiện nằm trên mảnh đất hình cá chép, có truyền thống hiếu học, trọng tài.

Ngoài truyền thống, giá trị tinh thần tốt đẹp, di sản tổ tiên để lại trên đất Hành Thiện còn là những di tích mang ý nghĩa lớn lao về mặt lịch sử, văn hóa. Chùa Keo là một trong số đó. Chùa được cấu thành bởi chùa Keo trong (Thần Quang Tự — xây dựng năm Nhâm Tý 1612) và chùa Keo ngoài (Đĩnh Lan Tự — xây dựng năm Đinh Mùi 1788).

Theo tư liệu lịch sử, thiền sư Dương Không Lộ dựng chùa Nghiêm Quang vào năm Tân Sửu (1061) trên đất Giao Thủy, phủ Hải Thanh, sau đổi tên là Thần Quang. Chùa còn được gọi là chùa Keo vì “Giao” có âm Nôm là “Keo.” Chùa ban đầu khá bề thế, từng là trung tâm Phật giáo của vùng phía Nam châu thổ sông Hồng. Đến năm Mậu Tý (1588) và Tân Hợi (1611), ngôi chùa hơn 500 năm tuổi đã bị càn quét bởi những trận lũ lụt do đê sông Hồng vỡ. Nhân dân trong vùng phải rời quê, di tản đến hai bờ sông Hồng dựng làng mới. Phía tả ngạn là làng Dũng Nhuệ. Còn phía hữu ngạn, các cụ tổ làng chọn một khu đất có hình con cá chép đuôi hướng Bắc, đầu hướng Nam để dựng làng Hành Cung (sau này là Hành Thiện). Hình dáng cá chép là sự kết hợp giữa thế đất tự nhiên và mong muốn con người, gửi gắm ước vọng “cá vượt vũ môn” của những người đầu tiên khai sinh ngôi làng.

Dân làng hai bên đều cho dựng chùa mới và cùng lấy tên cũ là chùa Keo, thờ tự theo nghi thức “tiền Phật, hậu thánh.” Ngoài thờ Phật như các ngôi chùa khác, chùa Keo Hành Thiện còn thờ Đức Thánh Tổ, thiền sư Dương Không Lộ để tưởng nhớ công đức của ngài. Dương Không Lộ là vị quốc sư có công dựng chùa, giúp dân, độ thế, có nhiều công lao với triều đình nhà Lý và nước Đại Việt, được người dân Hành Thiện suy tôn thành vị Thành Hoàng làng. Ngoài công trạng trị thủy cứu dân, thiền sư Dương Không Lộ còn sáng tạo ra các giá trị văn hóa, khai sinh ra các nghề thủ công truyền thống của vùng châu thổ Bắc Bộ, chỉ dạy người dân nghề chài lưới, làm thuốc, đúc đồng, đan lát.

Lễ hội chùa Keo mang đậm dấu ấn văn hóa vùng nông nghiệp lúa nước

Theo thông lệ, cứ dịp tháng 2 và tháng 9 âm lịch hàng năm, làng Hành Thiện lại tổ chức lễ hội chùa Keo. Trong đó, hội rằm tháng 9 được gọi là hội thu diễn ra ở chùa Keo ngoài (Thần Quang Tự). Lễ hội có quy mô hoành tráng, diễn ra nhiều ngày, bảo tồn nhiều nghi lễ, sinh hoạt dân gian mang đậm bản sắc cộng đồng cư dân vùng đồng bằng sông Hồng. Người Hành Thiện, dù bận rộn thế nào, cũng về làng dịp này:

“Dù ai muôn nẻo xa quê
Đến Hội tháng Chín cùng về chung vui
Mười người một trải đua bơi,
Nước sông cuộn sống, vang trời hò reo.”

Là một lễ hội quan trọng và có quy mô lớn, khâu chuẩn bị được tiến hành ngay từ đầu tháng 9. Khuôn viên chùa, khu vực thờ tự được vệ sinh, trang hoàng. Làng trên xóm dưới, ai nấy đều nô nức trang trí, sắm sửa, háo hức chờ đến chính hội. Từ chùa ra đầu làng, cờ hội được treo rực rỡ, bay phấp phới.

Chủ hội (giữa) được cả làng tín nhiệm, quyết những vấn đề quan trọng của lễ hội.

Một bậc cao niên uy tín, đức độ được cả làng bầu chọn làm chủ hội. Dưới thời phong kiến, chủ hội còn phải là quan viên bậc nhất. Tiêu chí chọn chủ hội phải khắt khe bởi nhân vật này được cả làng tin tưởng để quyết những vấn đề hệ trọng của lễ hội. Ngày nhậm chức, chủ hội được rước lên chùa một cách trang trọng và ở đến chùa cho đến hết lễ hội. Làng quy định chủ hội làm không quá một nhiệm kỳ.

Lễ hội chính thức bắt đầu bằng vài hồi trống, chuông, khánh đánh vang dội trong ngày nhập tích mở cửa hội. Các ngày kế tiếp diễn ra nhiều nghi lễ như phụng nghinh (rước thánh), dựng phướn, v.v. cùng nhiều sinh hoạt cộng đồng, hội thao, trò chơi dân gian như thi bơi trải, rước đèn, kéo co, múa rối…

Sáng 12 và 15 Âm lịch, nghi thức phụng nghinh diễn ra quanh chùa. Người lớn tuổi trong làng kể, trước đây, phụng nghinh được thực hiện rất hoàng tráng, đoàn lễ đi quanh làng, qua tất cả các xóm, kiệu đi đến đâu, người dân đều bày mâm lễ bái vọng Đức Thánh. Ngày nay, quãng đường phụng nghinh rút ngắn còn 3 vòng quanh di tích. Đoàn phụng nghinh gồm 300 người gọi chung là phù giá mặc trang phục đẹp khiêng kiệu, sắc, cầm cờ, lọng diễu hành quanh hồ nước trước gác chuông. Đoàn xếp hàng dài hàng cây số, đi đến đâu cờ lọng rực rỡ, âm nhạc trang nghiêm, vang dồn đến đấy. Khi đoàn phụng nghinh di chuyển trên bờ thì dưới hồ nước trước chùa, thuyền cò cốc bơi theo. Trên thuyền là 10 em nhỏ ngồi thành hai hàng dọc đối xứng, một em lái, một em gõ mõ phất cờ và hò giữ nhịp.

Nghi thức phụng nghinh, rước kiệu 3 vòng chùa được thực hiện vào sáng 12 và 15 Âm lịch.

Đoàn phụng nghinh gồm 300 người, trang phục đẹp, khiêng kiệu, cầm cờ, lọng, v.v. được gọi chung là phù giá.

Hòa tấu gồm trống cơm, kèn tàu, hồ, nhị, níu, đàn tứ, đàn nguyệt trong đoàn phụng nghinh.

Kiệu sắc rước sắc phong ban cho Đức Thánh Tổ.

Thuyền cò cốc bơi dưới hồ khi đoàn phụng nghinh di chuyển trên bờ.

Người dân cầu may mắn khi đoàn kiệu đi ngang qua.

Chùa Keo không có sư trụ trì, do vậy, tất cả các công việc tế, lễ và thực hiện các nghi thức tôn giáo đều do các thầy chùa đảm nhiệm (còn gọi là ông Thống).

Người dân Hành Thiện, từ người già đến trẻ con, từ làng trên đến xóm dưới đều háo hức xem hội.

Bên cạnh phụng nghinh, lễ hội chùa Keo còn có nhiều nghi thức cúng tế trang trọng khác như phục miều y, thánh đản, lễ tiễn đàn. Trong lễ hội chùa Keo Hành Thiện, ngoài lễ vật thông thường như hương, đèn, hoa quả, trà, còn có lễ vật đặc trưng là bánh giầy, một món bánh truyền thống của người dân nơi đây.

Ngoài phụng nghinh, trong lễ hội chùa Keo còn có các nghi thức cúng tế khác.

Nghi thức dựng phướn.

Lá phướn là một dải lụa dài khoảng 10m, rộng khoảng 50m, màu đỏ, viền xanh.

Cột phướn gắn liền với câu chuyện ngụ ngôn kể về sức mạnh cảm hoá của Phật đạo đại từ, đại bi, răn dạy chúng sinh cải tà quy chính.

Trong phần hội, náo nhiệt và đặc sắc nhất là cuộc thi bơi trải truyền thống của 10 xóm diễn ra vào 12 và 15. Bơi trải gợi nhắc về thuở hàn vi làm nghề chài lưới của Đức Thánh Tổ, đồng thời, thể hiện đặc trưng rõ nét văn hóa vùng đồng bằng Hồng.

Mỗi trải gồm 10 người, phân biệt bằng màu trang phục.

Thuyền tham gia bơi trải được làm bằng gỗ nhẹ, hình con thoi, có 5 khoang, được sơn, đánh bóng và trang trí đẹp mắt. Đội hình bơi của mỗi thuyền gồm 10 người, trong đó có 9 chân chèo và 1 ông lái. “Trai xuống trải, gái quay tơ” — đối với trai làng Hành Thiện, được tham gia đội hình bơi trải là một vinh dự lớn lao. Người tham gia đều là những thanh niên trai tráng, khỏe mạnh. Trong đó, ông lái phải giàu kinh nghiệm, thạo chiến thuật, bố trí đội hình, biết cách tận dụng hướng gió, hướng sóng để điều khiến thuyền đi nhanh khi xuôi dòng và hạn chế lực cản khi ngược dòng. Mỗi đội mặc đồng phục có màu sắc khác nhau.

Người bơi trải giữ tư thế đứng suốt đường đua.

Tại vị trí xuất phát ở đoạn kênh gần chùa Keo, các thuyền được neo ở các cây nêu dựng dọc bờ. Lệnh xuất phát vang lên bằng ba hồi trống cái. Các thuyền di chuyển theo dòng kênh rồi rẽ ra sông Ninh Cơ. Trên sông, các trải phải bơi 3 vòng rồi quay về theo hướng cũ để trình diện tại địa điểm xuất phát ban đầu. Không giống nhiều loại hình đua thuyền khác, khi bơi trải, người chèo thuyền giữ tư thế đứng thay vì ngồi suốt chặng đua. Chân sau duỗi, chân trước co làm trụ ngả người về phía trước khi chèo. Các thuyền trong màu áo xanh, đỏ, tím, vàng đuổi bám nhau gay cấn. Những mái chèo đều tăm tắp rẽ nước băng băng trên sông. Nước tung bọt trắng xóa. Trên đường đua, các phao là mốc mà các trải buộc phải đi qua. Phao là cây tre ngả ngọn ra, có túm lá, khi đến đây, trải phải chạm vào túm lá. Nếu không, trải bị tính là trượt phao sẽ bị tụt vài thứ hạng.

Người dân cổ vũ cho các đội trải.

Thanh niên các xóm bơi xuống sông để cổ vũ.

Người dân từ các xóm đổ về, tập trung đông đúc dọc bờ sông Ninh Cơ để cổ vũ cho đội mình. Dòng người chen chúc, kéo dài hơn cả cây số. Tiếng hò hét, vỗ tay, tiếng kèn, tiếng trống inh ỏi vang một góc trời. Những thanh niên khỏe mạnh của các xóm còn bơi xuống sông để cổ vũ, tạt nước các thuyền ngang qua. Không khí vừa kịch tính lại vừa náo nhiệt. Sau 3 tiếng đồng hồ, các trải bắt đầu tiến về vị trí xuất phát ban đầu để trình diện. Trong nghi thức về đích, các trải đâm vào gốc nêu theo số thứ tự ngược lúc xuất phát trong tiếng vỗ tay, reo hò của dân làng đứng kín dọc hai bờ kênh.

]]>
info@saigoneer.com (Xuân Phương. Ảnh: Xuân Phương.) Văn Hóa Wed, 29 Nov 2023 12:00:00 +0700
Những bài học cuộc sống từ văn hóa bến nước của người Ê-đê https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17587-những-bài-học-cuộc-sống-từ-bến-nước-của-người-ê-đê https://saigoneer.com/vn/vietnam-culture/17587-những-bài-học-cuộc-sống-từ-bến-nước-của-người-ê-đê

Từ thưở xa xưa, người Ê-đê đã xem nguồn nước như một thứ tài sản quý của cộng đồng. Nước là nguồn sống, mang đến cho buôn làng những vụ mùa tươi tốt, ấm no.

Trong văn hóa Ê-đê, bến nước (pin êa) là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong làng. Nguồn nước phần lớn đến từ sông, suối, mạch nước ngầm từ khu vực lân cận, đôi khi là một cánh rừng già. Ở những bến nước truyền thống, nước thường được dẫn bằng các ống tre to nhỏ, trong khi bến nước tại các buôn làng hiện đại, ống tre được thay thế bằng ống sắt hoặc ống nhựa.

Trong chuyến điền dã đến Đắk Lắk, tôi có dịp được nghe kể về nét văn hóa đặc biệt này, từ đó có cơ hội cởi bỏ những điều mà mình cứ nghĩ đã biết để học lại từ đầu. Tôi đến xã Ea Tul vào giữa trưa, và sau màn chào hỏi với công an khu vực, tôi được Si Pha, phó công an xã, và cũng là một người Ê-đê am hiểu văn hoá dân tộc mình, dẫn đi “chào” cái bến nước đầu tiên.

Bài học đầu tiên: Không lãng phí nước

“Trước khi lập buôn, người Ê-đê chúng tôi thường kiếm nguồn nước trước. Vì vậy mà bến nước có trước cả tất cả dân làng ở đây,” anh Si Pha kể. Có lẽ vì vậy mà anh dắt chúng tôi đến bến nước trước như một quy tắc hiển nhiên: vào nhà đầu tiên phải kính chào người lớn.

Bước xuống từng bậc thang đá bám rêu, trước mắt chúng tôi hiện ra một bến nước nguyên sơ với những ống tre ngắn dài dẫn mạch nước ngầm từ lòng đất trào ra. Phía bên dưới là các hòn đá nhẵn nhụi do “nước chảy đá mòn.”

Lối dẫn xuống bến nước là con đường đất được cây bao quanh.

Khi dân làng đến lấy nước, họ sẽ tái sử dụng các chai nhựa và đặt trong gùi, sau đó để xe máy phía trên và đi bộ xuống bến nước. Phần nước họ lấy sẽ phục vụ cho việc nấu ăn và nước uống. Tuỳ thuộc vào số lượng thành viên trong gia đình, trung bình mỗi hộ sẽ gùi nước từ 2 đến 3 lần trong một tuần.

Tôi ngạc nhiên hỏi anh Si Pha rằng không có van khóa, vậy nước cứ chảy liên tục như thế liệu có phải là sự lãng phí? Anh liền chỉ tay ra cánh đồng đằng sau, “nước sẽ chảy xuống và tưới cho rẫy của bà con, không một giọt nào bị phí cả.” Tôi thấy được một vòng tuần hoàn của tạo hoá ngay trước mắt, đầy sinh động và diệu kỳ.

Một bến nước buôn Sah (Ea Tul, Đắk Lắk) là bến nước hiếm hoi còn sử dụng các ống tre để dẫn nước thay vì ống nhựa hiện đại.

Người dân tái sử dụng các chai, can nhựa để đựng nước.

Bài học thứ nhì: Bảo vệ nước là bảo vệ cộng đồng

Phần lớn người Ê-đê nói riêng và các dân tộc bản địa tại Tây Nguyên nói chung sống dựa vào thiên nhiên nên đất, rừng, nước là những yếu tố thiết yếu cho sự phồn vinh của bản làng. Vì vậy, họ luôn ý thức việc phải giữ nguồn nước sạch từ nguồn, từ những cánh rừng, đồng ruộng phía trên. Trách nhiệm bảo vệ nguồn nước thuộc về mỗi dân làng, và “sứ mệnh này được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.”

Điển hình tại xã Ea Tul nơi tôi nghiên cứu, người dân nơi đây khá cẩn trọng với những loại cây họ trồng gần bến nước. Những cây cần phun thuốc trừ sâu nhiều như sầu riêng sẽ được hạn chế trồng do thuốc sẽ ngấm vào đất, ảnh hưởng đến chất lượng nước ở hạ nguồn.

Hình ảnh tư liệu bến nước truyền thống do Jean-Marie Duchange chụp trong khoảng 1952–1955.

Nhà nghiên cứu Anne de Hauteclocque-Howe, trong thời gian sống cùng người Ê-đê tại khu vực Buôn Pôk, đã ghi nhận niềm tin rằng sự phì nhiêu của con sông, con suối nói riêng và đất đai nói chung gắn liền với cách xử sự của những người mà nó nuôi sống. Những hành vi gây ô nhiễm, ô uế nghiêm trọng các tài nguyên thiên nhiên (cũng là nơi trú ngụ của thần) cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự bình an và thịnh vượng của cộng đồng trong làng.

Theo Ede yarns dịch: “Điều 231 của luật tục Ê-đê cũng quy định: đất đai, sông suối, cây rừng là cái nong, cái nia, cái lưng của ông bà. Ông bà là người giữ cái hang, trông coi rừng, trông coi cây K’tơng, cây Kdjar” và “Nếu để nguồn nước bẩn / Cây lúa không ra bông / Cây kê không có hạt / Con người sẽ mang bệnh / Tội này xử rất nặng.” Những ai dám xâm phạm đến thiên nhiên, phá hoại nguồn nước cũng là đang làm hại đến chính cộng đồng mình và sẽ được căn cứ theo luật tục mà xử phạt.

Ảnh người phụ nữ bên bến nước của nhà nghiên cứu Georges Condominas chụp vào năm 1947–1949.

Nước đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân Ê-đê nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Ảnh: Georges Condominas.

Bài học thứ ba: Tôn trọng nguồn nước

Vì người Ê-đê ở đây quan niệm bến nước còn là nơi trú ngụ của thần nước, yang êa, do đó việc giữ cho nước và cảnh quan xung quanh bên sạch sẽ cũng là gìn giữ “ngôi nhà” của thần, tránh để thần nổi giận mà giáng tai ương xuống dân làng.

Mỗi năm, sau mùa vụ, khi cây pơ-lang ở đầu làng chuyển màu xanh biếc, chuẩn bị cho mùa trổ bông, Pô lăn, người đứng đầu buôn, và Pô pin êa, người chủ bến nước sẽ nhắc nhở mọi người trong làng làm vệ sinh, dọn sạch các con đường trong buôn, đặc biệt là con đường xuống bến nước, để chuẩn bị cho lễ cúng bến nước.

Lễ cúng bến nước hiện đại. Nguồn: Báo Đắk Lắk.

Theo Bảo tàng Đắk Lắk, dựa vào truyền thống xưa, trong ngày đầu tiên, dân làng tiến hành việc dọn đường và sửa bến nước. Cộng đồng tham gia được chia thành hai nhóm chính. Nhóm đầu tiên, cùng với thầy cúng, thực hiện lễ cúng ở giữa đường từ đầu buôn làng đến bến nước. Trong khi đó, nhóm thứ hai tiến hành lễ cúng tại bến nước.

Lễ cúng này bao gồm việc dâng lễ vật như 1, 2 con heo tuỳ địa phương — một con đực đen dành cho lễ cúng bến nước và một con dành cho ông bà tổ tiên — và 9 chén rượu. Thầy cúng thực hiện việc đổ rượu lên ống nước và bắt đầu lời cầu để xin nguồn nước nguồn không bao giờ cạn khô.

Ơ thần! (Yang)
Tôi gọi thần hướng đông, tôi gọi thần hướng Tây,
Tôi gọi các vị thần phía trên, các vị thần ở dưới,
Các vị thần bổn mệnh, cầu mong các thần ban mưa dầm vừa vừa,
Mưa rào cho đủ, mưa dầm cho tốt,
Mưa rào cho đẹp, cho vừa.”
(Trích lời cúng thần nước, nguồn: Ede yarns)

Khấn xong thầy cúng cầm bình rượu có pha tiết heo đổ vào các máng nước và coi mỗi máng nước là nơi trú ngụ của vị thần giữ nước. Sau đó, thầy cúng lại đến cúng từng bến nước, máng nước ở khu vực địa phương mình và lân cận cũng như tại nhà của chủ bến.

Ngày thứ hai của lễ cúng là ngày cấm buôn, trong đó việc dâng lễ bao gồm một con gà trống trắng, một chén rượu, sợi chỉ bông và gạo. Các nghi lễ diễn ra tại cổng buôn trong khi những hoạt động hàng ngày như làm rẫy, săn bắt, và hái lượm đều phải tạm dừng lại trong thời gian này.

Ngày thứ ba, khi cổng buôn được mở trở lại, mọi sinh hoạt lại được diễn ra như thường, mọi người có thể quay lại bến để lấy nước hoặc tắm. Mạch nước này không chỉ gắn kết người và thần mà thông qua đó, người dân trong làng cũng có dịp hội tụ lại, cùng nhau chuẩn bị và sẻ chia thức ăn sau khi cúng. Tuy nhiên, hiện nay đa số các buôn chỉ duy trì việc cúng trong một ngày và chủ yếu kết hợp du lịch vì điều kiện kinh tế, tính chất công việc và cả những thay đổi về xã hội.

Thầy cúng đang chia thức ăn cho dân làng. Ảnh: Báo Tin Tức.

Không chỉ diễn ra vào những ngày lễ, sự kết nối này hiện hữu trong thường nhật. Tại một số buôn, vào mỗi buổi chiều, những người lớn tuổi trong làng sẽ ra bến nước để tắm. Một ống nước tách ra khỏi các ống còn lại sẽ là bến đực, nơi người đàn ông sẽ tắm, trong khi bến cái sẽ là tập hợp gồm nhiều ống nước hơn và dành cho phụ nữ.

Trong lúc tắm, họ sẽ kể nhau nghe những câu chuyện diễn ra trong làng và vui đùa thoải mái dưới làn nước trong. Bến nước từ đây không chỉ là một chốn thiêng mà còn là không gian sinh hoạt cộng đồng gần gũi như “cây đa, sân đình.”

Những ống nước được dựng cao thấp để không chỉ phục vụ mục đích lấy nước sinh hoạt mà còn là “vòi sen" của cộng đồng.

Một bến nước cổ xưa nằm ẩn trong tán cây rừng tại xã Ea Tul.

Nhiều nền văn minh đã bắt đầu bên một dòng chảy và đời sống của họ từ lao động sản xuất đến văn hoá đều ít nhiều có hình bóng của con sông, con suối như một sợi dây vô hình nhưng hữu tình gắn kết con người và tự nhiên mà chỉ đến khi đứng tại bến nước của buôn làng, tôi mới hiểu thấu: hãy sống như nước và (nương) nhờ nước, linh hoạt, dịu dàng và tử tế cho đi.

]]>
info@saigoneer.com (Tuyết Nhi. Ảnh: Tuyết Nhi.) Văn Hóa Wed, 04 Oct 2023 12:00:00 +0700