Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Quãng 8 » Ly Mí Cường, nghệ sĩ H'Mông đưa tiếng sáo từ bản làng đến sân khấu quốc tế

Ly Mí Cường, nghệ sĩ H'Mông đưa tiếng sáo từ bản làng đến sân khấu quốc tế

Ly Mí Cường (sinh năm 2005) hai lần mang cây sáo truyền thống H’Mông tham gia cuộc thi âm nhạc quốc tế và đều giành vị trí quán quân. Điểm tựa của Cường là văn hóa H’Mông, cội nguồn đã nuôi dưỡng tinh thần chàng nghệ sĩ chưa tròn 20 tuổi.

Nơi Cường sinh ra và lớn lên, xã Lũng Phìn, nằm giữa cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang. Giữa lưng chừng núi, 6 ngày một phiên chợ, mùa xuân đào nở, mùa hạ ngô xanh. Tôi đến Lũng Phìn lúc vụ thu hoạch ngô năm nay vừa qua để lại lác đác cây khô vàng sạm chen đá xám.

Quê hương Ly Mí Cường là xã Lũng Phìn thuộc huyện Đồng Văn, Hà Giang.

Đường từ UBND xã Lũng Phìn vào nhà Cường dài tầm 4km, nhìn xa như một sợi chỉ uốn mình luồn lách qua những vầng mây trắng chờn vờn trên sườn núi. Xe máy băng qua những khúc cua gấp xóc này không làm gián đoạn những câu chuyện của Cường. “Những ngày về nhà, em thường phụ giúp bà nội và bố mẹ, mùa ngô thì bẻ ngô, mùa chè thì hái chè, sao chè,” Cường kể. Cường chỉ tay về phía xa, “Chị thấy đấy, nhà người H'Mông thường cheo veo hun hút sâu trên núi. Có câu: Không có ngọn núi nào cao hơn đầu gối của người H'Mông. Ý niệm này xuất phát từ lịch sử thiên di và định cư của tổ tiên người H’Mông.”

Cường hay xem ảnh hàng chục năm trước về nơi mình sống, với những nếp nhà trình tường, những mái ngói âm dương và hàng rào đá. Ngày hội, thanh niên thổi khèn, thổi sáo giao duyên. “Em tưởng tượng nếu em sinh ra sớm hơn, sống trong không gian ấy có lẽ em càng có thể cảm nhận được những thực hành văn hóa còn nguyên vẹn,” giọng Cường bỗng chùng xuống, hoài niệm về quá khứ mà mình chưa từng trải qua.

Gia đình Cường có truyền thống làm trà shan tuyết Lũng Phìn. Trong ảnh là Cường và bà nội.

Băng qua con đường bê tông nhỏ, nhà Cường hiện lên, nép mình giữa xanh tươi rặng trúc. Thềm nhà lủng lẳng những bắp ngô vàng óng. Buổi chiều, ánh nắng đâm qua những tán cây vẽ một vệt dài trên tường. Ngôi nhà này là nơi đã ươm lên những ước mơ thuở bé của Cường. Trong ước mơ ấy, Cường thấy mình khi 22 tuổi sẽ là một chiến sĩ công an. Đây cũng là điều mà người bố Ly Mí Pó, một cán bộ nhà nước, gửi gắm ở cậu con trai. Thế nhưng, những trải nghiệm tuổi thơ đã ươm lên trong Cường một giấc mơ khác, một giấc mơ dặt dìu tiếng sáo, tiếng khèn.

Cậu bé H'Mông 15 tuổi xuống thủ đô học những nốt nhạc đầu tiên

Ngày bé, Cường hay theo bố gặp các nghệ nhân sáo ở Hà Giang. Hôm nọ, Cường mang một cây sáo về thổi chơi. Cứ thế, tình yêu với âm hưởng khắc khoải của nhạc cụ dân tộc nảy nở trong cậu bé H'Mông từ lúc nào không hay. Cường suốt ngày theo chú Ly Mí Kịa, một nghệ nhân ở xã Sủng Trái, đi tìm trúc để làm sáo. Hễ có thời gian rảnh, Cường mua dụng cụ hí hoáy chế tác.

Cuối tháng 3 âm lịch năm 2018, đến hẹn lại lên, chợ tình Khau Vai mỗi năm lại họp một lần. Chú Kịa rủ Cường đi thổi sáo ở lễ hội. Trời mưa như trút nước, đường từ Lũng Phìn qua Khau Vai lầy lội. Bốn ngày sau, trở về nhà, Cường lon ton chạy đến khoe với bố, mắt long lanh: “Con làm sáo được rồi, con bán được một triệu rồi, đây là tiền tự con làm ra nhé.” Số tiền tuy nhỏ nhưng với Cường là động lực rất lớn, vì giúp cậu bé nhận ra thổi sáo cũng là một nghề kiếm sống được.

Khèn là nhạc cụ linh thiêng của người H’Mông.

Lần đầu Cường có cảm giác mình khác biệt giữa đám đông khi lọt thỏm trong vòng tròn người vây quanh với bao ánh mắt tò mò. “Em tưởng tượng đó là sân khấu của mình. Tự dưng, một cách vô hình, trong em nhen nhóm ước mơ một ngày nào đó sẽ được đứng trên sân khấu lớn,” Cường nhớ như in. Cường dành 500 nghìn từ số tiền bán sáo mua cho mình một cây sáo mới. “Chỉ là cây nứa sao đắt thế?” là suy nghĩ vô tư của cậu bé 12 tuổi. Chẳng ngờ được, chính điều ấy thôi thúc Cường phải kiếm được nhiều tiền hơn để sở hữu nhũng cây sáo chất lượng hơn.

Thời gian trôi qua, đam mê trong Cường với nhạc cụ dân tộc lớn dần. Ước mơ của cậu đã đến lúc cần một vùng đất rộng lớn vẫy vùng và một đôi cánh cứng cáp để bay lên. Một đêm nọ, trong ánh đèn vàng của ngôi nhà nhỏ, ngoài trời mưa lộp độp, người bố hỏi cậu con trai: “Con có muốn xuống Hà Nội học không?” Cường chưa hình dung được cuộc sống xa nhà sẽ như thế nào. Một khoảng lặng đột nhiên xuất hiện giữa hai bố con.

Con rất yêu cây sáo H’Mông. Được thổi sáo, mỗi ngày con cảm thấy “được sống” chứ không phải “bị sống.”

Bố Cường khẽ khàng nói tiếp: “Bố nghĩ, không nhất thiết ai cũng phải đi học để làm cán bộ đâu con! Con cứ theo điều con thật sự muốn, bởi mỗi ngành đều đóng góp cho xã hội chứ không có sự hơn kém. Nếu đã theo đuổi, bố nghĩ con cần học âm nhạc chuyên nghiệp để đi đường dài. Chuyên ngành sáo trúc tại Học viện âm nhạc quốc gia khá gần với đam mê của con.”

Tuy vậy, người bố vẫn còn đó bao trăn trở: “Nếu con học ngành khác, con chỉ học khoảng hơn 4 năm là xong đại học. Nếu con chọn ngành sáo, con sẽ mất 6 năm để hoàn thành bậc trung cấp. Chưa kể, phải vừa học văn hoá, vừa học nghệ thuật, con phải cân nhắc kỹ”

Cường đáp lời: “Con rất yêu cây sáo H’Mông. Được thổi sáo, mỗi ngày con cảm thấy ‘được sống’ chứ không phải ‘bị sống.’ Nếu buộc phải học ngành khác ngoài âm nhạc, chắc con không thể theo được.”

Người bố, dẫu còn bao nỗi lo cơm áo gạo tiền nếu con theo ngành nghệ thuật với thời gian học dài và tốn kém, nhưng sau khi nghe Cường giãi bày, đã không hề nao núng: “Chỉ có học mới giúp con thay đổi cuộc đời. Nếu con muốn học, bố sẵn sàng đầu tư. Cuộc đời của con, con phải tự vẽ nên. Bố mẹ chỉ lát những viên gạch đầu tiên cho con đường đi của con.”

Anh Ly Mí Pó, bố của Ly Mí Cường, luôn ủng hộ con trai theo đam mê, mặc dù, trước đó định hướng cho con trở thành cán bộ nhà nước.

Những lời của bố tiếp thêm động lực cho cậu con trai. Sau những cuộc trò chuyện như hai người bạn với bố, chàng trai 15 tuổi một mình khăn gói xuống Hà Nội luyện thi. “Từ nhỏ đến lớn, thế giới của em là những con đường quanh co dẫn đến ngôi trường lưng chừng núi. Em chỉ học ở bản, không qua huyện, tỉnh, hoàn toàn không tưởng tượng được xuống Hà Nội học sẽ như thế nào?”

Chuyến xe đêm đưa Cường lần đầu tiên xuống thủ đô, mang bao hình dung của chàng trai H’Mông về cuộc sống đô thị. Chỉ một giấc ngủ trên xe, mở mắt ra đã là một thế giới hoàn toàn xa lạ, ngập tràn âm thanh ồn ào của xe cộ khiến cậu “sốc” và choáng ngợp. Cậu nhớ nhà, nhớ bà, bố mẹ, nhớ những nương ngô, những hàng sa mộc, nhớ tiếng gió, tiếng chim, nhớ lũ trẻ nô đùa trước sân.

Thực tế, con đường từ bản xuống thủ đô tầm sư học đạo rất gian nan. Thi ngành sáo trúc, kinh nghiệm của Cường về nhạc cụ này hầu như bằng 0. Thế là, Cường dành 15 ngày vừa làm quen vừa liên tục tập quên ăn quên ngủ. Bõ công luyện tập, Cường nhận thông báo đỗ nhạc viện.

Cường luôn ấp ủ mong muốn lan tỏa tình yêu nhạc cụ truyền thống cho thế hệ trẻ H’Mông tại quê nhà.

Chưa kịp quen với nhịp sống mới, Cường đã vấp phải những rào cản chuyên môn. Tiếp xúc với âm nhạc chuyên nghiệp muộn hơn với bạn bè đồng trang lứa, Cường cảm giác như bị bỏ lại phía sau. “Nhìn khuôn nhạc, em không biết tên nốt nhạc. Việc phá những nốt nhạc tạo thành bài hát lại càng khó hơn. Tiến độ của em luôn chậm,” Cường cười. Càng về sau, kiến thức càng phức tạp và chồng chất, từ nhạc lý đến cách lấy hơi, giữ nhịp… có lúc khiến Cường vô cùng nản lòng.

Lúc ấy, không ai thay Cường đi con đường của mình cả, nhưng may mắn, bên cạnh Cường luôn có người đồng hành tiếp lửa. Cường có một người thầy luôn sẵn sàng nói: “Con không biết chỗ nào, ngoài giờ học cứ đến gặp thầy, thầy chỉnh sửa con sẽ nhanh tiến bộ hơn là tự dò đường.” Thầy là Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Anh, hay động viên học trò: “Con yên tâm. Con chỉ cần tập nhiều hơn, tiếp xúc nhiều hơn là sẽ thành thạo.”

Vừa học văn hóa, vừa học nhạc, chàng sinh viên H'Mông phải đầu tư gấp đôi thời gian, không nghỉ cả cuối tuần, ngày lễ. Sự kiên trì ấy xuất phát từ ý nghĩ rằng có nhiều yếu tố quyết định sự thành công của người nghệ sĩ, bao gồm: tài năng, năng khiếu và sự cố gắng; dù mình có năng khiếu bẩm sinh hay không, đều phải nỗ lực rèn giũa từ những việc nhỏ nhất.

Khởi đầu chật vật, nhưng những lý thuyết âm nhạc tích lũy được từ trường, sự dìu dắt của người thầy và sự nỗ lực không ngừng của bản thân đã khiến Cường trở nên vững vàng hơn. Đó là nền tảng giúp Cường đưa tiếng sáo, tiếng khèn lên những sân khấu âm nhạc lớn nhỏ.

Muốn đi xa trước hết phải biết mình đến từ đâu

Dù là sân khấu biểu diễn hay các cuộc thi, Cường luôn xuất hiện trong trang phục truyền thống với chiếc khèn, chiếc sáo H’Mông. Lý giải điều này, Cường nói: “Muốn đi xa cần phải biết mình là ai, mình đến từ đâu.” Cường luôn xem văn hóa H'Mông là gốc rễ hình thành nên bản thân mình hiện tại. Trong đó, nhạc cụ dân tộc là mạch nguồn nuôi dưỡng tinh thần, cảm xúc và cảm hứng cho các tác phẩm.

Ly Mí Cường luôn tự hào mỗi lần tiếng khèn, tiếng sáo vang lên dù ở không gian nào.

Người H'Mông khi buồn thường tìm đến những loại hình dân ca, giao duyên. Cây sáo là nơi họ gửi gắm tâm sự, giãi bày tiếng lòng với thiên nhiên, với con người, với cuộc đời. Do đó, tiếng sáo H’Mông thường mang đậm cái tôi. Trong khi đó, cây khèn được xem là nhạc cụ linh thiêng, mang trong mình linh hồn của cộng đồng H’Mông.

“Không gian ảnh hưởng rất nhiều đến cảm xúc của người thực hành nghệ thuật. Trước đây, em đứng giữa núi rừng thổi sáo, thổi khèn. Khi đi học, em bắt đầu mang tiếng khèn, tiếng sáo xuống phố, dưới ánh đèn sân khấu. Sự thay đổi không gian mang đến cho em những cảm giác khác nhau, nhưng dù ở đâu, mỗi khi âm thanh truyền thống cất lên, em cảm giác như thể có một sợi dây nối thực tại với quá khứ. Em hình dung ra chiều dài của thời gian, bề rộng của không gian và sự đồ sộ của di sản nghệ thuật mà thế hệ cha ông người H'Mông đã kiến tạo. Điều đó làm em tự hào,” Cường bày tỏ.

Người H’Mông thường thổi sáo để giãi bày lòng mình.

Sự tự hào ấy thổi bùng khao khát được giới thiệu nhạc cụ truyền thống H'Mông đến nhiều người hơn. Đó là động lực để Cường mạnh dạn ghi danh các cuộc thi âm nhạc trong nước và quốc tế. Sau lần đạt giải nhất cuộc thi tài năng âm nhạc ở Tp. HCM năm 2022, Cường tiếp tục đưa tiếng sáo vút bay ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Ước mơ càng lớn, thử thách càng nhiều. Chi phí cho các cuộc thi này đôi khi khiến Cường và gia đình chùn bước. Lần tham gia cuộc thi tại Singapore, vượt qua vòng loại, Cường hỏi ý bố: “Có nên đi tiếp không bố ạ?” Người bố chỉ cười nói: “Con cứ báo kinh phí, nếu bố thấy khả năng có thể lo được thì cứ đi thôi. Bố luôn ủng hộ con. Bố có 2–3 tạ chè dành dụm cho con rồi.”

Ly Mí Cường tặng mẹ chiếc cúp quán quân cuộc thi tài năng âm nhạc quốc tế tại Trung Quốc.

Bắt đầu lên máy bay sang Singapore, nước mắt Cường cứ chực trào khi nghĩ đến gia đình. “Cuộc thi quốc tế đầu tiên với em trôi qua như một giấc mơ. Vượt qua vòng sơ tuyển, em còn tự hỏi: ‘Được đi nước ngoài rồi sao?’ Đến khi cầm trên tay chiếc cúp quán quân, em lại hỏi ‘Được giải thật sao?’” Và việc đầu tiên sau khi đoạt giải Cường làm là gọi cho bố để khoe: “Con được giải nhất rồi nè” trong sự sung sướng vỡ òa cả hai bên của màn hình điện thoại.

Không dừng lại, mới đây, Cường tiếp tục giành giải nhất bảng nhạc cụ dân tộc tại cuộc thi âm nhạc quốc tế ở Trung Quốc. Dù là quán quân ở hai cuộc thi quốc tế liên tiếp, Cường bộc bạch: “Em rất trân trọng những thành công nhỏ nhoi, nhưng em không xem giải nhất là cái đỉnh. Em còn phải học nhiều nữa.” Cường chỉ thấy mình may mắn và “lãi” quá nhiều, từ trải nghiệm, sự học hỏi đến các mối quan hệ xã hội. Điều khiến Cường hài lòng nhất, là với tiết mục ‘Tiếng rừng’ (sáng tác của thầy Ngọc Trung), ngoài kỹ thuật khó, chàng nghệ sĩ đã mang đến cuộc thi này một nhạc cụ chưa từng có trong tiền lệ là sáo H’Mông, khiến bạn bè quốc tế tò mò.

Ly Mí Cường gửi gắm sự tự hào và biết ơn di sản đồ sộ mà tổ tiên người H’Mông đã kiến tạo nên.

Đằng sau sự may mắn, Cường còn cho rằng điểm tựa vững chắc nhất của mình là cội nguồn văn hoá H’Mông. “Yêu đất nước hay yêu văn hóa là những khái niệm quá trừu tượng. Em đơn giản là yêu những gì thuộc về cộng đồng H'Mông, em yêu đồng bào, từng nếp nhà, từng điệu khèn, tiếng sáo. Cho nên, trong tác phẩm của mình, em muốn nói lên tình yêu ấy. Em hâm mộ ý chí của người H'Mông đã sinh tồn ở điều kiện khắc nghiệt và tự hào về sự đồ sộ của di sản mà ông bà đã kiến tạo. Tác phẩm của em luôn kể những câu chuyện đấy, toát lên âm hưởng ấy,” Cường chia sẻ.

Tinh thần đó được Cường gửi gắm trong sáng tác mới nhất là ‘Núi Đêm.’ Tác phẩm ra đời trong một đêm sương giăng ở vùng núi Tà Xùa (Yên Bái) hoang vu. Lấy cảm hứng từ một bài dân ca của người H'Mông ở Đồng Văn, ‘Núi Đêm’ là bài sáo H’Mông trên nền nhạc phối hiện đại. Với âm điệu thay đổi lúc trầm buồn, man mác, lúc dồn dập, vui tươi, ‘Núi Đêm’ là nơi Cường gửi gắm sự biết ơn với tinh thần mạnh mẽ của người H'Mông.

“Những ngọn núi trăm ngàn năm vẫn sừng sững, người H'Mông vẫn tiếp tục sinh tồn, vững vàng như núi,” Cường nói về thông điệp của tác phẩm. Thông qua ‘Núi đêm,’ Cường kể câu chuyện về quá trình di cư, an cư lạc nghiệp, đời sống lao động sản xuất, đời sống văn hoá, văn nghệ của đồng bào. “Sáng tác này em cho mình tự do vượt qua những rào cản của những lý thuyết âm nhạc chuyên nghiệp,” Cường bật mí.

Thổi gió mới cho âm nhạc truyền thống để hòa vào dòng chảy nghệ thuật đương đại

Chọn âm nhạc truyền thống là đồng nghĩa đối mặt nhiều thử thách. Văn hóa bản địa nói chung và nghệ thuật truyền thống nói riêng luôn đứng trước những thách thức của thời đại khi nhiều dòng chảy văn hoá, nhiều trào lưu mới xuất hiện. Liệu sau khi học âm nhạc chuyên nghiệp, Cường sẽ bị mất đi cái chân chất, mộc mạc từ trong bản năng? Nói về điều này, Cường chẳng những không lo lắng mà còn trăn trở làm sao phải biến âm nhạc chuyên nghiệp thành bệ phóng cho dòng nhạc dân gian mà mình theo đuổi. “Âm nhạc dân gian vốn không có rào cản, nó là hơi thở, là máu thịt của em làm sao mà mất đi được? Em không muốn âm nhạc bị bó hẹp trong một tiêu chuẩn mà người ta định ra từ trước.”

Tư duy ấy giúp Cường tự do trong sáng tạo nghệ thuật của mình, khi có cơ hội thử thách mình với những phương thức biểu đạt mới, Cường không ngần ngại. Thổi khèn trong Show của Đen là một thử nghiệm như vậy. Khi nhận lời mời từ anh Long Nguyễn, Giám đốc âm nhạc “Show của Đen,” Cường băn khoăn, khèn là nhạc cụ rất đặc trưng của người H'Mông, chưa từng nghĩ sẽ kết hợp được với một thể loại hiện đại như rap.

Nhưng những hoài nghi đã tan biến ngay sau 30 giây solo khèn trên sân khấu trong sự tán thưởng của hàng chục nghìn khán giả. “Chưa đầy một phút trên sân khấu với chiếc khèn H'Mông thổi cho bài ‘một triệu like’ và ‘Đi Theo Bóng Mặt Trời’ mà em sướng điên cả người. Lần đầu tiên em được đứng chung sân khấu lớn với một nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng như Đen Vâu trước hàng chục ngàn khán giả,” Cường cho rằng đây là bước ngoặt để mình cháy hơn với nghệ thuật.

Ly Mí Cường cùng Đen Vâu biểu diễn ca khúc ‘Đi Theo Bóng Mặt Trời’ tại hòa nhạc "Show của Vâu 2024

Văn hóa là dòng chảy, luôn giao thoa, biến đổi và chịu sự chi phối bởi nhiều yếu tố. “Thế hệ trẻ chúng em sinh ra trong một thời đại mà văn hoá bản địa còn thực hành ít, lại chịu tác động của các nền văn hoá bên ngoài. Việc giữ gìn tiếp nối các thực hành văn hoá cần cái tâm vững của người trẻ. Đó là điều em đau đáu.”

Cho nên, theo Cường, việc sáng tạo các hình thức biểu đạt mới trên nền tảng sử dụng các di sản truyền thống là cách giúp văn hóa bản địa tiếp cận khán giả đương đại. Quan niệm nghệ thuật là tiếng nói cá nhân, Cường ủng hộ quan điểm nghệ sĩ cần sự tự do thử nghiệm. Nhưng để làm được điều đó, Ly Mí Cường nhận định, những nghệ sĩ theo hướng khai thác chất liệu dân gian cần có sự nghiên cứu nghiêm túc và tôn trọng văn hoá bản địa để sáng tạo một cách đúng mực, tránh tình trạng chiếm dụng văn hoá.

Không chỉ dừng lại việc gửi gắm tình yêu văn hóa H'Mông trong tác phẩm, Cường còn muốn lan tỏa sự tự tin, tự hào trong cộng đồng người trẻ H'Mông. “Trước đây, em mang trong mình nỗi tự ti là người dân tộc thiểu số. Khi xuống Hà Nội, em gặp anh Hoàng Anh, nhà sáng lập của Lên Ngàn. Em được truyền cảm hứng về tình yêu với văn hoá truyền thống từ anh. Đồng thời, khi tìm hiểu về cội nguồn, về văn hoá H'Mông và tiếp xúc với những dòng chảy văn hóa khác nhau, trong em không còn chỗ cho sự tự ti bởi sự tự hào đã lớn gấp trăm ngàn lần. Em nhận thấy Việt Nam thật đa dạng, mỗi dân tộc có những nét đẹp tinh thần riêng. Em càng tự hào khi em là người H'Mông giữa một đất nước đa sắc,” Cường bộc bạch.

Ly Mí Cường ủng hộ quan điểm nghệ sĩ cần sự tự do sáng tạo, nhưng cần có sự nghiên cứu nghiêm túc và tôn trọng văn hóa bản địa.

Đến nay, Cường không coi việc giữ gìn văn hoá bản địa là đam mê mà là sứ mệnh: “Mọi thứ cứ tự nhiên đẩy em về phía trước, như thể cuộc đời mách bảo ‘Hãy làm việc này đi’, thì mình, bằng tất cả tình yêu và sức trẻ, đáp lại ‘Thế thì mình phải theo thôi!’” Tổ chức các hoạt động về văn hoá H'Mông như biểu diễn nghệ thuật, toạ đàm, workshop…khiến Cường “được sống” vì nhìn thấy nỗ lực của người trẻ H’Mông trên hành trình giữ gìn, tiếp nối di sản tổ tiên để lại.

Ngoài việc sáng lập và điều hành cộng đồng H'Mông Culture của sinh viên H’Mông tại Hà Nội, gần đây, Cường còn triển khai dự án “Nốt Si” nhằm thúc đẩy, truyền cảm hứng lan tỏa tình yêu âm nhạc truyền thống cho các em nhỏ H’Mông ở Hà Giang. Trong tương lai gần, Cường dự định mời các nghệ nhân dạy sáo, khèn cho trẻ em ở quê nhà Lũng Phìn. “Cách bảo tồn văn hóa tốt nhất là thực hành nó,” Cường nói.

Bài viết liên quan

Paul Christiansen

in Quãng 8

Gặp Mixed Miyagi, chàng rapper hoà quyện bản sắc miền Tây và văn hoá hip-hop Mỹ

"Miền Tây sông nước tao ngắm cánh đồng xanh / Buổi sáng là thức dậy để đi cày mà làm ăn / Trên đời này thành công là siêng năng / Không có giống mấy thằng chó, có chút tiền rồi kiêu căng."

in Quãng 8

Khi quan họ, bolero gặp disco trong vũ trụ nhạc remix của Olivier Flora

Qua thời gian, tiếng kèn saxophone mở đầu ca khúc ‘Careless Whispers’ của George Michael đã trở thành một hiện tượng internet, không chỉ vì lời ca hay tiếng hát, mà còn do những chiếc meme khó đỡ sinh...

Khôi Phạm

in Quãng 8

Limebócx, bộ đôi Hà Nội đọc thơ Nguyễn Khuyến trên nền nhạc điện tử

Bò gặm cỏ rau ráu, đôi uyên ương rối tung tăng trên nước, ván bài tam cúc ma mị, nàng thơ ngổ ngáo mặc áo tứ thân đi giày bata, mâm cơm đạm bạc. Đây chỉ là một vài hình ảnh lập lòe trong tâm trí khán ...

in Uống

Ngõ Nooks: Nhâm nhi giai điệu Jazz tại câu lạc bộ Long Waits

Tự xưng là một câu lạc bộ jazz “be bé,” Long Waits là nơi tụ hội của nhiều giấc mơ với những hình hài khác nhau, mang đến cho Hà Nội một trải nghiệm jazz hiện đại mà duyên dáng.

in Quãng 8

mess. — 'Mỗi tác phẩm là một cõi sống riêng'

Là một người con đất Sơn La, mess. (tên thật là Vũ Phương Thảo) hoạt động với vai trò ca sĩ và DJ/nhà sản xuất âm nhạc tại Sài Gòn. Được tiếp cận với âm nhạc từ sớm, tuổi thơ của Thảo gắn liền với nhữ...

in Quãng 8

Gặp gỡ hooligan., chủ nhân 'người Việt 100%' của bản hit 'To the Moon'

Gần đây, ca khúc ‘To The Moon,’ với ca từ ngọt ngào, giai điệu êm ái, dễ cảm và đặc biệt là vibe âm nhạc đậm chất quốc tế, đã trở thành hiện tượng mới trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến.