Là một người con đất Sơn La, mess. (tên thật là Vũ Phương Thảo) hoạt động với vai trò ca sĩ và DJ/nhà sản xuất âm nhạc tại Sài Gòn. Được tiếp cận với âm nhạc từ sớm, tuổi thơ của Thảo gắn liền với những buổi học đàn organ và buổi biểu diễn ở nhà thiếu nhi. Chơi nhạc trở thành một thói quen không bỏ của cô.
Đến năm 2015, 2016, khi lo-fi bắt đầu tấn công nền âm nhạc Việt Nam, Thảo bắt đầu tự mày mò cách đánh nhạc trên máy tính. Năm 2017, Thảo gặp Dustin NGO trên SoundCloud, nửa còn lại của bộ đôi ANNAM — một dự án nhạc thể nghiệm kết hợp electro, văn hoá dân gian và nghệ thuật đương đại. Lúc này, Thảo hoạt động với cái tên THDC. Có nhiều khoảnh khắc khiến Thảo nhận ra âm nhạc là thứ dành cho mình. Một trong những khoảnh khắc ấy rơi vào lần diễn của ANNAM tại HUB Collective Hà Nội.
Âm nhạc của mess. là sự chơi đùa giữa những giai điệu của quá khứ và hiện tại. Các âm thanh quen thuộc của nhạc truyền thống được đặt để vào không gian phổ quát của nhạc điện tử, tạo ra giai điệu bẻ cong thời gian, vừa cũ vừa mới. Và nhờ sự không giới hạn của nhạc thể nghiệm, các giai điệu lắm lúc trở nên khó đoán và dễ tạo bất ngờ.
Album đầu tay, “Fearless,” là dòng electro thể nghiệm hoà lẫn nhạc dân tộc vô cùng tinh tế. Trong mắt Thảo, chất liệu âm nhạc dân gian là những thứ luôn hiện diện trong đời sống của người Việt. Không khó để chúng ta nghe thấy những lời ca quan họ, tiếng sáo, tiếng đàn tranh. Nhạc điện tử cũng thế. Với người trẻ, hầu như mọi bài hát sau này là những âm thanh của thời đại số, với sự góp sức của các phần mềm sản xuất âm nhạc.
Cảm nhận rõ sự hiện diện của hai dòng nhạc trong đời sống, Thảo có thể kết nối với chúng một cách tự nhiên, đồng thời kết hợp chúng mà không gặp quá nhiều khó khăn. Nhưng mỗi sự kết hợp không hề mang vẻ ngoài xoàng xĩnh, mà là sự trau chuốt về cấu trúc và từng lớp âm thanh. Để làm được việc này, Thảo liên tục nghiên cứu về văn hoá đằng sau nhạc dân gian, ưu tiên tính nhạc của mỗi nhạc cụ và giá trị thời gian của chúng trong đời sống, tập tục của người dân. Việc này cũng đòi hỏi nhiều nhẫn nại, vì các tài liệu về văn hoá âm nhạc dân gian còn khá lẻ tẻ, dàn trải và chưa xác đáng.
Song sau cùng, Thảo vẫn luôn ưu tiên việc cảm nhận và đi tìm nốt nhạc “đúng” cho mỗi bài hát. “Với mình, khi chọn mỗi chất liệu cho một bài hát, mình phải cảm thấy từng nốt nhạc ‘vừa’ với ý tưởng mà mình đang suy nghĩ đến. Mình ưu tiên yếu tố cảm xúc hơn việc đặt nặng về lý thuyết, và mỗi giai điệu, mỗi nhạc cụ mang đến cho mình những cảm cảm xúc vô cùng đa dạng,” Thảo chia sẻ.
Khi làm nhạc, Thảo chỉ cần nhất ba thứ. Trước nhất là cảm xúc, thứ mang đến cảm hứng để đánh được nốt nhạc đầu tiên. Tiếp đến là mục đích — phải biết mình đang làm nhạc vì điều gì. Cuối cùng là sự bền bỉ, thứ giúp mình tiếp nối các nốt nhạc tiếp theo cho đến khi hoàn thiện một bài nhạc.
Và tất nhiên, Thảo cũng cần đi tìm chất liệu để trau dồi vốn liếng âm nhạc của mình. Việc tìm về những chất liệu truyền thống là một thực hành rất tốt, bởi kiến thức về âm nhạc với cô cũng giống như mở rộng một vòng tròn. Việc đi ngược về thật ra sẽ giúp ta tiến xa hơn. Và sự trường tồn của nhạc truyền thống là minh chứng cho giá trị của chúng. Càng tiếp cận với những thứ cũ thì những thứ mới được tạo ra sẽ mang tính lưu trữ cao hơn rất nhiều.
Lưu tâm điều này, Thảo luôn nghĩ về tính bền vững của một bài hát mỗi khi sáng tác. Các bản nhạc phòng thu không chỉ được đầu tư về âm thanh mà còn về giá trị của bản nhạc qua thời gian. Làm sao để một bài hát tồn tại được lâu? Người nghe sẽ cảm thấy gì, nhận được gì khi nghe? Âm thanh tác động đến tai họ như thế nào?
Nhưng những câu hỏi ấy đều nằm ngoài tâm trí của Thảo khi trên sân khấu. Với các buổi diễn live, Thảo chọn tập trung vào các âm thanh, vào bản thân mình và sự hoà nhịp của khán giả. Những âm thanh lúc này sẽ không còn nhiều bó buộc — chúng trở thành những bản ứng tác theo dòng cảm xúc vô thức của người nghệ sĩ, tạo ra sự đồng điệu rất nhịp nhàng và tự nhiên trong khán phòng.
Dù là chơi nhạc một mình hay với một ai đó, mỗi buổi live là một trải nghiệm rất khác và đều để lại một kí ức rất khác với Thảo. Cô xem việc này như một cách thiền định, bởi âm nhạc và các thao tác giúp cô tập trung hoàn toàn vào thực tại và những điều đang diễn ra xung quanh.
“Bản thân nhạc dân gian cũng có rất nhiều sự ứng tấu. Nghệ sĩ đờn ca tài tử ngày xưa không theo khuôn mẫu để chơi đàn, mà sử dụng vô thức để đưa đàn đi từ nốt này đến nốt khác. Mình luôn cố gắng để vô thức dẫn lối âm nhạc khi diễn live; nhưng nhận thức vẫn phải là cái nền giữ chân mình lại để mình có thể an toàn vùng vẫy trong âm thanh.”
Sự cân bằng giữa vô thức, tiềm thức và nhận thức của một người nghệ sĩ cũng là thứ mà Thảo quan tâm khi làm nghề. Khi biểu diễn một bài hát hoặc một tác phẩm, nghĩa là ta đang cho ca khúc, tác phẩm đó một cõi sống riêng. Khi đó, người nghệ sĩ tách mình ra để sống lại phiên bản cũ với những cảm xúc cũ của mình. Việc này giống như đọc một quyển nhật ký, nhưng thay vì cảm xúc chuyển thành lời văn, chúng chuyển thành tần số.
Thảo thường hay xem và nghe lại những lần diễn cũ của mình như một thực hành quan sát. Cô quan sát sự vô thức của quá khứ bằng nhận thức của hiện tại, và dần hình thành một giới hạn cho riêng mình mỗi khi lên sân khấu. Với Thảo, sống lại một khoảnh khắc cũ có nhiều rủi ro. Nghệ sĩ sẽ dễ nương theo cảm xúc và để chúng dẫn lối.
Để vô thức tạo ra giai điệu là một điều tất yếu, nhưng Thảo luôn nhớ rằng bản thân của quá khứ là thứ không còn tồn tại. Phải biết giữ phần ít còn lại của mình để kiểm soát và biết điểm dừng.
Cũng vì điều này, Thảo còn là nhà đồng sáng lập của VNDTOWN, hãng đĩa âm nhạc với mong muốn bảo vệ và củng cố tư duy làm nghề. Dự án này giúp Thảo quan sát kĩ hơn vấn đề nói trên ở nghệ sĩ âm nhạc, đặc biệt là lứa nghệ sĩ trẻ. Theo cô, hiện tại người trẻ có nhiều điều kiện và môi trường để trở thành một nghệ sĩ. Nhưng sáng tác, biểu diễn không chỉ là làm việc với âm thanh mà còn là làm việc với cảm xúc.
Khi một nghệ sĩ trẻ bước vào nghề với một tâm lý chưa vững vàng, họ sẽ dễ sa đà vào bản nhạc, vào khán giả mà vô tình đánh mất bản thân mình. Nó cũng có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khoẻ tâm lý, bởi ngày nay chúng ta còn chịu những áp lực vô hình từ mạng xã hội và truyền thông. Đây cũng là khía cạnh mà Thảo và VDNTOWN đang cố gắng tôi rèn cho lứa nghệ sĩ trẻ, giúp bảo vệ nghệ sĩ không chỉ ở các vấn đề pháp lý hay bản quyền.
"Mình xem việc làm nhạc là một nghề, và nghề nào thì cũng có những mặt trái của nó. Nhưng mình mong rằng các bạn nghệ sĩ sẽ không bỏ quên sức khoẻ tinh thần vì nó liên quan mật thiết đến cả đời sống và công việc. Phải luôn thành thật với chính mình, và đặt ra những mục tiêu thực tế. Hãy bước vào công việc này với một tư duy lành mạnh, và hãy luôn nhớ mình ở hiện tại là ai."