Người nghệ sĩ đâu thể phản ánh cuộc sống nếu họ không sống?”
Thuộc thế hệ rapper đời đầu, Táo (tên thật là Võ Hồ Thanh Vi) theo đuổi rap và âm nhạc từ năm 2010. Theo rap khi chỉ vừa 20, Táo đã cho ra đời một lượng đĩa đơn đáng kể, với những cái tên nổi bật như 'Morphine,' 'Tâm Thần Phân Liệt,' hay '2 5.' Năm 2019, Táo cho ra mắt album đầu tay “Đĩa Than” sau 3 năm ấp ủ, với sự phối hợp của sáu producer lớn nhỏ, trong đó có Astronormous và Teddy Chilla.
Khi nói đến rap Việt, nhạc của Táo là những dòng flow chắc tay và không hoà lẫn với mặt bằng chung. Các đĩa đơn thành công thời gian đầu như 'Tâm Thần Phân Liệt' hay 'Morphine' rơi vào thể loại horrorcore — thể loại rap mang màu khá tối và tập trung bộc bạch những ẩn uất của con người.
Khi một nghệ sĩ lần đầu có hit, họ thường sẽ phải đối mặt với cái bóng mà bản hit tạo ra. Táo không phải là ngoại lệ. Suốt 10 năm đầu hoạt động, người ta hầu như chỉ biết đến anh qua những nỗi tức tưởi, căm phẫn của 'Tâm Thần Phân Liệt,' hay cơn đau dằn xé của 'Morphine.' Nhạc của Táo dần bị bao trùm với những tính từ như “buồn man mác, ma mị, kinh dị,” kèm cái mác “nghệ sĩ của những nỗi buồn” cho anh.
Táo theo đuổi horrorcore như một dự án nhỏ với concept kinh dị, và để nỗi u sầu làm thứ chủ đạo. Nhưng anh chưa bao giờ muốn truyền đi thông điệp nào tiêu cực, hay cổ suý cho những thứ mình đề cập trong nội dung. Táo cũng chưa bao giờ muốn bó buộc mình vào một thể loại nhạc hay chủ đề nào, bởi nó dễ đặt người nghệ sĩ khuôn khổ — điều rất dễ khiến sức sáng tạo trở nên cạn kiệt.
Điều này thôi thúc Táo làm nhiều thứ khác nhau hơn. “Đĩa Than” ra đời từ những nỗi bi quan của người gặp vấn đề tâm lý, với gam màu buồn thấm đẫm vào điệu hip-hop pha jazz, cùng giọng nam trung da diết. Đây cũng chính là album hạ màn cho thập kỷ của Táo với tư cách là một rapper. Một năm sau, Táo ra mắt đĩa đơn 'Blue Tequila' thuộc EP "Y?” và bắt đầu một danh xưng mới: người làm nhạc Táo.
Hành trình đi tìm bản ngã âm nhạc mới cho phép Táo bắt đầu thử nghiệm nhiều hơn các giác quan. Anh tìm đến nhiều thực hành nghệ thuật khác như vẽ tranh, nhiếp ảnh, nấu nướng… cốt để tập luyện sự nhạy bén và cảm nhận điểm đặc biệt trong từng thực hành. Táo chọn không công khai những tác phẩm khác mình thực hiện; anh để riêng cho bạn bè, người thân đang thật sự quan sát mình.
Song, càng lúc ta lại càng thấy rõ sự chín muồi trong âm nhạc của Táo, điển hình là qua từng đĩa đơn của EP “Y?.” 'Blue Tequila' vẽ ra một bối cảnh từ món rượu nền quen thuộc. 'Tương Tư' đặt để thêm nhiều ý tưởng vào thời trang, với bộ trang phục chủ đề được may riêng. Gần đây nhất là 'Red Rum' — một bữa tiệc có rượu, nước hoa, thời trang, saxophone và múa đương đại. Trên cả, mỗi ca khúc còn đi kèm một bài thơ và một bức hoạ từ các thơ sĩ và hoạ sĩ đương thời.
Tuy kết hợp nhiều thứ, Táo xem các thực hành này là cách để sống, không để làm nghề. “Nếu làm nghệ thuật chỉ vì nghệ thuật, mình lại không thể hoà vào cuộc sống. Mình chỉ muốn đứng một bên để quan sát cuộc sống, khiến bản thân trở nên mâu thuẫn. Người nghệ sĩ đâu thể phản ánh cuộc sống nếu họ không sống?”
Không ít nghệ sĩ mở rộng phạm vi sáng tạo của mình để rồi dần trở nên lan man trên con đường mình chọn; họ sáng tạo ở nhiều lĩnh vực, nhưng không cái nào thật sự chạm đến đỉnh cao. Táo lưu tâm điều này, và giữ cho mình danh xưng “người làm nhạc” thay vì “nghệ sĩ.” Anh phải luôn tự nhắc nhở rằng việc mình đi chụp ảnh, vẽ tranh, hay tìm hiểu về nước hoa sau cùng cũng chỉ để phục vụ và làm dày âm nhạc của mình.
Tính liên ngành nghệ thuật trong EP “Y?” không phải là hành trình gầy dựng của riêng Táo. Concept của “Y?” được thai nghén như một hạt mầm, rồi được vun đắp từ nhiều nghệ sĩ khác, với những thực hành và lĩnh vực riêng. Họ là những hoạ sĩ, đạo diễn, nhạc công, nhà thiết kế, nghệ sĩ nước hoa và vũ công, những người cầm nắm ý tưởng của anh và biến chúng thành những tiếng nói của riêng mình.
Và chính những thực hành kể trên đã giúp Táo kết hợp với các nghệ sĩ khác. Anh dùng những kiến thức cơ bản để giao tiếp với những người chuyên nghiệp hơn, và thấy được vừa đủ quá trình mà không chung chạm nhiều vào tác phẩm.
“Phải thử qua những lĩnh vực khác, mình mới biết bản thân sẽ không thể nào làm được như một người có chuyên môn. Điều này giúp mình hạ cái tôi xuống, giao phó toàn bộ cho nghệ sĩ, và chỉ tập trung hoàn thiện âm nhạc của mình. Đây cũng là cách để mình tập tin người khác, vì trước đây việc làm nhạc của mình chỉ diễn ra một cách đơn độc, vỏn vẹn trong một căn phòng.”
Khi một tác phẩm được giao thoa bởi nhiều lĩnh vực, nó sẽ mang nhiều cánh cửa để khán giả tiếp cận hơn mà không cần một bối cảnh cụ thể. Riêng với “Red Rum,” ta có thể được dẫn lối từ bất kì thứ gì: men rượu nồng, giai điệu linh hoạt của alto sax, nốt hương đầu của nước hoa hay chuyển động mềm mại của cánh tay.
Tiếp tục hành trình này, Táo vẫn đang rục rịch chuẩn bị cho một buổi triển lãm sắp đặt với các tác phẩm nghệ thuật thuộc khuôn khổ EP “Y?.” Anh muốn khán giả của mình không chỉ được nghe; họ còn phải được ngắm nhìn, hít thở và trải nghiệm.
Khi được hỏi về tương lai của sự giao thoa trong nghệ thuật, Táo cho rằng đây sẽ là điều tất yếu phải xảy ra. Nghệ thuật gắn liền với văn hoá, và nó phát triển khi văn hoá phát triển. Những loại hình thể nghiệm mà ta đang thấy hiện tại là sự học hỏi và lồng ghép từ văn hoá nước ngoài; nếu không có sự đáp đền tiếp nối, văn hoá sẽ dễ dậm chân tại chỗ.
Quan niệm là vậy, Táo chia sẻ bản thân đôi lúc vẫn cảm thấy chùn bước trước áp lực từ bản thân và khán giả. “Nhưng mình tin rằng cái gì mới cũng cần thời gian để làm quen. Sự phát triển của Internet cũng là cơ hội để nhạc Việt chạm đến các loại hình thể nghiệm hơn. Có khi ở Việt Nam đã có người làm rồi, nhưng họ đang đợi đến khi tìm thấy cộng đồng của mình. Bạn cứ chờ mà xem.”