Để viết một bài phỏng vấn nghệ sĩ nào đó, công thức của tôi khá đơn giản: kể về cách họ đến với âm nhạc, kèm theo một nhận định về nghề hoặc ngành. Sẽ luôn có một câu chuyện nào đó về nghệ sĩ mà báo chí muốn bạn tin — dù nó đến từ chính nghệ sĩ hay người viết báo. Câu chuyện của Rắn Cạp Đuôi lại là một thứ gì đó khác, bởi chính những thành viên cũng… không biết đầu đuôi của nó là gì.
Nếu để bắt đầu từ cái tên, ta có thể quay về khoảng năm 2012, khi Đỗ Tấn Sĩ — người sáng lập và bassist của band — lần đầu biết đến ouroborous. Đây là khái niệm về vòng luân hồi vĩnh cữu, bắt nguồn từ Ai Cập cổ với hình tượng một con rắn hoặc rồng tự ăn đuôi mình. Thấy ấn tượng với khái niệm này, Sĩ tìm tên tiếng Việt rồi đặt cho dự án âm nhạc cá nhân. Rắn Cạp Đuôi từ đó ra đời.
Nhưng Rắn Cạp Đuôi (RCĐ) chỉ bắt đầu thành hình khi Sĩ biết đến Phạm Thế Vũ, guitarist của band, vào năm 2014. Khi ấy, cả hai đều là thành viên của cộng đồng fan Coldplay Việt Nam. Cả hai gặp nhau và có buổi jam đầu tiên vào năm 2015. Năm 2016, Vũ từ Hà Nội chuyển vào Sài Gòn và tập trung hoạt động cùng RCĐ. Không lâu sau, họ gặp Zach Sch trong một lần diễn mở màn cho triển lãm. Cũng không lâu sau, Zach thay tay trống cũ và trở thành một trong những người đảm nhận phần sản xuất chính cho RCĐ.
Rắn Cạp Đuôi cũng nhiều lần “thay da” với các thành viên mới cũ, chỉ có Sĩ, Vũ và Zach là bộ ba nòng cốt của nhóm. Sở dĩ, từ “collective” trong tên của RCĐ nghĩa là “tập thể sáng tạo,” chỉ những cá thể hoạt động chung dưới một cái tên, đồng thời vẫn có thể thực hiện các dự án cá nhân. Đến hiện tại, RCĐ còn có Spencer Nguyễn, guitarist không biết chơi guitar; và Trần Uy Đức, vocalist và là thành viên mà nhóm tự nhận đã “lôi kéo và bắt gia nhập.”
Năm 2018, collective ra mắt album phòng thu đầu tiên, "Đẹp Trai Chết Hết." Đây là nỗ lực đầu tiên của RCĐ trong việc cùng sáng tác và thu lại âm thanh của mình. Các bài hát chỉ được chơi và thu lại một lần, và phần mô tả đính kèm trích đoạn từ các chuyên trang phê bình nước ngoài (có vẻ như cho vui vì trong đó có điểm 10/10 từ Pitchfork). Đây cũng là năm mà RCĐ hoạt động tích cực nhất, với hai album khác, bao gồm "Trẻ Em Tồi Tệ," album được Sĩ cho là album mang màu sắc rõ nhất của cả nhóm với nhiều yếu tố nhạc điện tử nhất của cả nhóm. Album được thu tại Đà Lạt, và cả nhóm đã quyết định sẽ không bao giờ chơi lại album này lần nữa.
Các album của Rắn Cạp Đuôi hầu hết đều mang màu chủ đạo là noise và electro, kết hợp đa dạng các thể loại âm nhạc trên thế giới, bao gồm cả K-pop. Nói ngắn gọn, rất khó để một người có thể phân tích âm nhạc của RCĐ. Thay vào đó, một người vẫn có thể lột tả nhạc của RCĐ, bởi họ tập trung thể hiện cảm xúc qua phím nhạc thay vì truyền tải những thông điệp nhất định. Ví dụ như "Occidentis et Inferno," album live ứng tấu của nhóm tại Yoko Cafe đầu năm 2018 trình diễn song song với những thước phim về cháy rừng tại California.
Bởi cảm xúc là thứ chủ quan, diễn live có lẽ là thứ làm nên Rắn Cạp Đuôi nhất. Hệt như các album đã phát hành, các buổi diễn live của Rắn Cạp Đuôi cũng không hề có trật tự nào. Không thứ tự bài, không đầu, không đuôi. Tất cả nghe như một cuộc đối đáp giữa các thành viên: đôi lúc thì cùng nói, đôi lúc lại nói leo, đôi lúc lại là cãi vả.
Nhưng khi đã thật sự lắng nghe và “cưỡi” những lớp âm thanh, ta sẽ nhận ra mình đã chìm vào âm nhạc của RCĐ tựa lúc nào. Ta gần như nghe được tâm trí của từng thành viên — họ giao tiếp bằng nhạc cụ của mình: từ những nhịp trống dẫn dắt, nốt bass âm ỉ, tiếng guitar xiên vẹo, và đôi lúc là tiếng thét của Trần Uy Đức. Và không dễ để rời tai khỏi mỗi set diễn, không phải vì nhạc lên xuống khó đoán, mà bởi điểm chuyển giao giữa các bài hát là gần như vô hình.
Trước mỗi set diễn, mọi người sẽ cùng nhau tập qua vài lần, chủ yếu là để làm quen với năng lượng và cảm xúc của nhau. Cả nhóm đều tin rằng một nghệ sĩ sẽ ứng tấu tốt chỉ khi họ đã quen với lối chơi của bạn diễn, dù ngẫu hứng hay không. Và đâu đó trong sự ngẫu hứng này, họ luôn biết cách lèo lái nhau đến điểm cuối cùng. Đôi lúc, điểm cuối cùng là khi tất cả đều thấm mệt; lúc khác, điểm cuối cùng là điểm khởi đầu cho một set đánh mới toanh (nếu sức người và thời gian cho phép).
Cũng chính sự biệt lập ở mỗi cá nhân đã giúp nhóm mang một màu sắc khác lạ và khó đoán, dù là đứng riêng hay chung: Zach với kiến thức về nhạc cổ điển, Vũ cùng sự nhạy cảm trước nhạc truyền thống, hay Sĩ với thế mạnh ở nhạc đương đại và indie pop.
Rắn Cạp Đuôi có lẽ là một trong những ban nhạc noise tại Việt Nam được biết đến nhiều nhất ngoài Việt Nam. Tính thể nghiệm và nhiễu âm trong âm nhạc chưa chạm được số đông người nghe trong nước, nhưng lại được ưa chuộng bởi các nhóm thính giả theo thể loại avant-garde tại Nhật, Hàn, Đức, hay Úc.
“Bài phê bình của Pitchfork chủ yếu chỉ khơi sự tò mò của thính giả Việt Nam với tụi mình. Rắn Cạp Đuôi thời điểm đấy nhận được vài cuộc phỏng vấn và vài người nghe mới. Nhưng cũng không đọng lại gì đáng kể so với độ dày truyền thông mà mọi người thấy. Tụi mình diễn đủ lâu để quen với việc thấy người ta ra về giữa show rồi. Việt Nam thời điểm này chưa phải là thị trường phù hợp, nên tụi mình cũng không nghĩ nhiều.”
Tuy chưa có nhiều tiềm năng tại thị trường nước nhà, Rắn Cạp Đuôi vẫn tin rằng sự bền bỉ của mình sẽ một ngày được tiếp nối. Nhạc noise, thể loại nhạc kết hợp đa dạng các giai điệu và tạp âm, là thứ nhạc thoạt nghe tưởng dễ chơi, nhưng sự tận tâm trong sản xuất và khả năng đưa ra được đúng thứ nghệ sĩ muốn truyền tải là một thử thách lớn. RCĐ nhận thức rõ điều này, và mong rằng các thế hệ nghệ sĩ sau này cũng sẽ hiểu được điều tương tự.
Bắt đầu là những thanh thiếu niên, Rắn Cạp Đuôi tự nhận thấy sự thay đổi trong âm nhạc của mình. Rõ nhất phải kể đến là cách nhóm tập trung trau chuốt các lớp âm thanh. “Trước đây thì tụi mình có ít thiết bị nên phải ứng biến và xoay sở để sáng tạo. Sau này có tiền để mua các thiết bị tốt hơn, âm thanh của RCĐ cũng được cải thiện rõ rệt.”
Thấm thoát đã được 10 năm, nhưng Rắn Cạp Đuôi dường như chẳng có lý do gì để dừng lại. Âm nhạc của nhóm như một cách để họ nghĩ và nói lên cảm xúc của mình. Có lẽ vì vậy mà lắm lúc nhóm chẳng chơi lại những bài nhạc họ đã làm ra. Nhưng sự vô thuỷ vô chung này lại tạo ra những lát cắt thú vị từ người nghệ sĩ.
Để viết về Rắn Cạp Đuôi không hề dễ. Bởi sẽ luôn có một câu chuyện nào đó về nghệ sĩ mà báo chí muốn bạn tin. Nhưng tôi nghĩ rằng, câu chuyện thú vị nhất sẽ được viết ra nếu ai đó chạy theo những show diễn của Rắn Cạp Đuôi: qua âm thanh, ta sẽ chứng kiến được sự biến đổi và lớn lên trong tâm trí của mỗi thành viên. Chừng nào họ còn chơi nhạc, câu chuyện sẽ vẫn còn tiếp diễn.
Và khi được hỏi về những thứ phải đánh đổi để duy trì Rắn Cạp Đuôi suốt 10 năm qua, mọi người đều trả lời:
[Ảnh trong bài viết được cung cấp bởi nhân vật.]