Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Quãng 8 » Hồ Trâm Anh và tiếng lòng thống thiết của tâm hồn thành thị say thiên nhiên

Ngay khi buổi phỏng vấn giữa tôi và Hồ Trâm Anh vừa chớm bắt đầu, một cơn mưa phùn nhẹ chợt bay ngang bầu trời xám não nề Sài Gòn. Sợ tiếng tí tách của mưa làm nhiễu cuộc gọi nên tôi vội mở lời xin lỗi trước, nhưng Trâm Anh cười xòa, phân trần rằng ôi, trời Hà Nội cũng vậy.

Thời tiết nhuốm màu trầm buồn ở cả Sài Gòn và Hà Nội hóa ra lại rất phù hợp để chúng tôi chuyện trò về album đầu tiên của Hồ Trâm Anh, “The Poetry of Streetlights” (tạm dịch: Ý thơ của những cột đèn). Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cô tìm đến con đường âm nhạc qua SoundCloud, ngôi nhà đầu tiên cho những chiếc nhạc tự sáng tác, tự hát. Vài sáng tác của Trâm Anh, như bài “hát ru” chậm rãi ‘Ngủ,’ nhận được rất nhiều tình cảm của người nghe. Năm 2019, cô ra mắt EP đầu tiên, “Low,” bộ ba bài hát vẽ nên bức tranh mùa đông tĩnh mịch, bi ai bằng tiếng đàn piano đầy mộng tưởng. Gần đây nhất, tháng 9 năm nay đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của Hồ Trâm Anh, với sự ra đời của album tiếng Anh gồm 11 bài.

Trước khi album ra mắt, người ta thường liên tưởng nhạc của Hồ Trâm Anh với chiếc dương cầm. Ảnh: Marilyn.

Với “The Poetry of Streetlights,” Hồ Trâm Anh không rũ bỏ hoàn toàn màu sắc cô độc đã từng thấm nhuần EP “Low” và những single trước. Thay vì vậy, cô phát triển thế giới cảm xúc trong “Low,” dệt nên nhiều lớp lang mới, gầy dựng nhiều âm sắc mới, và hơn hết, đem vào đó nhiều phong cách âm nhạc mới mẻ hơn. Album mới, bằng âm thanh hào sảng và đầy tính không gian, dắt người nghe men theo chuyến hành trình xuyên thiên nhiên nguyên sơ như chưa từng bị con người làm vấy bẩn, đôi lúc tung hoành trên trời cao rộng, đôi lúc đầm mình xuống biển sâu.

“Hồi xưa, mình hay có thói quen đi bộ buổi tối với ánh đèn đường, lúc đấy đường cũng vắng rồi. Nó giúp mình thư thái đầu óc, cho mình một không gian để suy nghĩ về nhạc mà mình sắp viết,” Trâm Anh nói về cảm hứng đặt tên album. “Trong dịch, lúc đấy đường sá vắng tanh, cho nên mình mới tự hỏi ‘nếu mọi người đi đâu hết thì có vấn đề gì nhỉ?’ Mình tưởng tượng ra một thế giới trống rỗng như thế.”

Hồ Trâm Anh tự nhận rất yêu thiên nhiên dù là "gái thành phố."

Tự nhận là một người khá khép kín, Hồ Trâm Anh thường tìm đến bình yên bằng cách đi tản bộ dọc Hồ Gươm và Hồ Tây, đọc sách, rồi hí hoáy viết ra những gì bật lên trong đầu khi đọc; nhưng hơn tất cả, âm nhạc đến với cô sớm nhất, qua những buổi học piano thuở nhỏ. Dĩ nhiên, ở cái tuổi lăng xăng ngồi yên không được mười phút, cô bé Trâm Anh ngày ấy cũng chưa nhận thức hết được chất nghệ sĩ khi thả mình theo những phím đàn. Đến năm lớp 6–7, cô bỏ hẳn piano, nhưng quyết định ấy cũng đưa đẩy mối duyên với âm nhạc sang một trang khác, qua bản nhạc đầu tiên cô viết. “Mình nghĩ là bỏ học chả nhẽ không chơi đàn nữa, dù mình vẫn tập luyện những bài hát cổ điển song song vào đấy, tự nhiên nghĩ rằng ‘ơ thế nếu mình tự chơi nhạc của mình thì sao nhỉ,’ nên cứ thử,” cô hồi tưởng. “Nó thành ra một thứ mình thấy thú vị. Lúc đấy chả nghĩ gì cả, cứ viết cho vui thôi.” Từ từ, thú vui be bé ấy lớn dần lên, và đến năm 2014 khi Trâm Anh vào đại học thì “không thể sống thiếu nhạc được.”

“Mình vẫn viết [nhạc], nhưng mình muốn bài hát của mình có người nghe. Mình muốn có thể đứng được trên sân khấu là một diễm phúc,” Trâm Anh kể với tôi về giây phút âm nhạc trở nên quan-trọng-hơn-hết trong cô. Bẵng đến 2016, cô và các bạn đại học thành lập ban nhạc The Veranda, một nhóm những tâm hồn đồng điệu chơi tá lả các món âm nhạc, từ alternative, dream pop cho đến shoegaze. Ba năm sau, The Veranda cũng tan, và Hồ Trâm Anh lại tìm về với nguyên bản: bằng một EP đầu tay với âm thanh piano xuyên suốt.

Tiếng gọi thiên nhiên thống thiết của kẻ “kí sinh đô thị”

Album “Streetlights” ra đời với sự giúp sức của LP Club qua mô hình giúp đỡ các nghệ sĩ độc lập sản xuất sản phẩm vật lý. Phần âm nhạc do Hồ Trâm Anh và bạn bè thân thiết trong nghề đảm nhận; tất cả đều trải qua một quá trình thu âm, mix, chỉnh sửa thâu đêm vì lịch làm việc của các thành viên rất bận. Nguyễn Ngọc Uyên, cô bạn đại học của Trâm Anh, góp sức bằng series tranh vẽ tay, đặc biệt là bìa album phong thái Leonid Afremov vẽ chiếc đèn đường sáng rực rỡ trong bầu trời tĩnh mịch và cành cây lá đong đưa. Nét cọ hào sảng, gam màu nhiệt thành, sự tương phản rõ rệt giữa ánh sáng và bóng tối — tất cả như món khai vị báo hiệu cho người nghe về một album cũng đầy biên độ cảm xúc như thế.

Tranh: Nguyễn Ngọc Uyên.

“The Poetry of Streetlights” mang cái tên lấy cảm hứng từ cơ sở hạ tầng đô thị, nhưng không vì vậy mà ta nên nhầm rằng đây lại là một bản tụng ca về vẻ mỹ miều của thành phố. Hoàn toàn ngược lại, tác phẩm là tiếng lòng của tâm hồn thành thị nhớ thiên nhiên, rảo bước dưới đèn đường nhưng không khỏi mơ về trời xanh diệu vợi. Album mở đầu bằng hai bài ‘Haze’ và ‘Mansloughing,’ và vô tình hay cố ý, cả hai đều đem đến âm sắc mênh mông, như bức tranh đầy chuyển động thoăn thoắt trong bầu khí quyển. Khi viết lời, Trâm Anh cũng sử dụng nhiều hình ảnh thiên tiên, như “celestial divine” (vị thần thiên thể), hay “freedom on the cloud nine where Shangri-La begins” (tự do nơi chín tầng mây, chốn tọa lạc của Shangri-La). Hai sáng tác ‘Feel the Flow’ và ‘Along the Lines’ thì lại thấm đẫm yếu tố nước trong phần phối khí, lấp lánh như mặt hồ đêm và chảy róc rách như mưa rào trên hiên nhà.

Hồ Trâm Anh bày tỏ rằng mình rất yêu thiên nhiên, mặc dù “mang tiếng là gái thành phố.” Chủ đề này nhanh chóng đưa buổi phỏng vấn đi hơi lạc đề thành buổi than vãn, vì chúng tôi, hai kẻ “kí sinh đô thị,” đều thấy thành phố ngột ngạt. “Chỗ nhà mình ở khá là chật hẹp, không nhìn được ra bầu trời, chỉ có một khoảnh trời rất là nhỏ,” cô kể. “Bây giờ mình đang ngồi ngay dưới cửa sổ này, ngoái ra ngoài để xem bầu trời nó to chừng nào, nhưng thật ra nó rất là bé.” Cũng trớ trêu thay, bầu trời là một trong những chủ thể nổi bật nhất trong album “Streetlights.” Trâm Anh cũng không biết bơi, nhưng lại rất thích nước. Nói cho cùng, chẳng phải ước mơ về những thứ ta đang thiếu là tính cách cơ bản của con người sao?

Xuyên suốt album, phần lời hát toát ra sự phóng khoáng của một linh thần cây cỏ, không ngừng chuyển động, thoắt ẩn thoắt hiện khắp trời, sông, mây, nước.

Rising within the sun / Holding out reaching for love
Let's go on a one-way ride / Surfing the tide
— Radio Ecstatic

“Có bao giờ bạn cảm thấy như mình đang đạt được một trạng thái rất yên bình và thông suốt trong suy nghĩ, khi mình chỉ cần lắng mình một chút thôi, không nói gì cả, không làm gì cả, chỉ nghe âm thanh chảy vào tai, xong nhìn trời, đôi khi vẫy vùng trong nước? Khi mình làm thế thì suy nghĩ của mình trở nên thông suốt một cách kì lạ, cảm thấy mình hiện diện ở khắp mọi nơi,” Trâm Anh giải thích về mối liên kết của bản thân với thiên nhiên. “Mình rất thích trạng thái như vậy. Ở thành phố thì không bao giờ đạt được trạng thái như thế, nên mình đành phải tìm đến âm nhạc như là một cách giải tỏa.”

Nhiều người hâm mộ nhận xét rằng hình ảnh này trong bìa album trông rất giống Ô Quan Chưởng ở Hà Nội. Tranh: Nguyễn Ngọc Uyên.

Các bài hát trong album “Streetlights” ít nhiều đóng vai trò như sự giải thoát, sự xoa dịu cho tâm hồn, nhưng cũng có không ít góc khuất hé lộ nứt gãy trong các mối quan hệ. Ví dụ như trong ‘Minefield,’ khi câu từ lời hát như đang trách móc một chủ thể ngôi thứ hai không tên nào đó:

What did I do to deserve your silence
What do I lack so that you stay indifferent
to my emotions
Now we're disconnected
All I've seen is we're walking through a minefield
— Minefield

The debris of my past haunts me
The echoes of timeless fear
Falling back in my bed
How I cannot see an escape
— Nightingale

Nếu như thế giới tự nhiên được trân trọng, mong đợi trong album, thì các tương tác người-người — dẫu được đề cập rất manh mún — thường hiện lên trong lời hát với nhiều khoảng cách, nhiều trăn trở. Tuy nhiên, phần lời với phép ẩn dụ dày đặc và cách kể chuyện không đi vào chi tiết là một quyết định có chủ đích của Hồ Trâm Anh. “Rất nhiều người khi viết lời bài hát có một cách tiếp cận mang tính trực diện hơn, viết rất thẳng, từ ngữ có sao thì ý nghĩa vậy thôi,” cô giải thích. “Đôi khi mình muốn thoát ra khỏi nghĩa tường minh của nó. Mình rất thích cho khán giả một không gian để họ tự tưởng tượng, tự suy xét, họ sẽ diễn giải được nghệ thuật một cách cởi mở hơn. Nó không còn chỉ là thông điệp của mình nữa, nó là của cả mình và khán giả.”

Tranh: Nguyễn Ngọc Uyên.

Làm nhạc indie: việc nặng, lương không cao

Đây là lần thứ hai Hồ Trâm Anh mắc COVID-19 trong năm nay, cô phân trần với tôi bằng chất giọng nghẹt mũi đặc trưng của người cúm; chúng tôi quyết định phỏng vấn không video. Lần này, dù hơi lừ đừ, cô vẫn khá ổn. Dẫu sao đi nữa, đối với một chuyên viên thông dịch cho Bộ Ngoại Giao như Hồ Trâm Anh, cảm cúm truyền nhiễm là thứ “bệnh nghề nghiệp” khó có thể tránh khỏi. Hằng ngày, cô phải đi công tác liên miên, cả ngoài nước và các tỉnh thành, tiếp xúc với nhiều người, và, cũng buồn thay, không có nhiều thời gian rỗi dành cho việc sản xuất album nhạc.

“The Poetry of Streetlights” mang cái tên lấy cảm hứng từ cơ sở hạ tầng đô thị, nhưng không vì vậy mà ta nên nhầm rằng đây lại là một bản tụng ca về vẻ mỹ miều của thành phố.

Đương nhiên, việc “The Poetry of Streetlights” cuối cùng cũng được trình làng cho khán giả là cái thở phào không gì bì được. “Mình vẫn đùa với bạn bè là đây là đứa con tinh thần mà mình đẻ mãi không ra,” Trâm Anh hóm hỉnh nói. Hầu hết các bài hát trong album đều được viết khá lâu trong suốt quá trình cô làm nghệ thuật những năm qua, nhưng ê-kíp chỉ bắt tay vào thu âm vào tháng 1 năm nay nhân lúc đối tác công việc chính của Trâm Anh còn nghỉ Giáng Sinh, Tết Dương Lịch. Phòng thu chỉ mở trong tuần, nên cô và các cộng sự chỉ có thể dành các buổi tối khi đi làm về để sản xuất — gặm qua loa ổ bánh mì rồi thu đến 10–11 giờ khuya.

“Bạn có biết cảm giác như vừa đọc xong cuốn sách và tự dưng cảm thấy hơi buồn vì đã đi qua một hành trình?” cô vừa kể vừa hoài niệm về quãng thời gian đó — vừa áp lực thời gian, vừa nhiều khó khăn trong việc xếp lịch, và cả những bất đồng về mặt nghệ thuật. Nhưng cuối cùng, tất cả thách thức, cả bánh mì khô queo và những buổi thu âm thâu đêm, đều xứng đáng, vì chúng đã “làm cuộc sống có ý nghĩa.”

Ê kíp làm album đêm. Từ trái sang: Hồ Trâm Anh, Cao Lê Hoàng (drummer), Hà Đăng Tùng (Đờ Tùng: producer, mixing engineer), Nguyễn Quang Ba (engineer: studio Kiên Quyết).

Đằng sau niềm hân hoan ngày “Streetlights” chào đời, Hồ Trâm Anh và nhóm sản xuất cũng đứng trước một băn khoăn chỉ người làm nhạc trong thời đại “người người stream nhạc, nhà nhà nghe chùa” mới phải đối mặt: có nên tải album lên các nền tảng trực tuyến không? Quyết định cuối cùng là không, vì nhiều lý do khác nhau mà khuôn khổ một bài viết phỏng vấn nghệ sĩ như thế này khó có thể truyền tải hết. Nhưng tựu trung, Hồ Trâm Anh bày tỏ mong ước được làm nhạc ngoài ảnh hưởng của “nền công nghiệp âm nhạc,” vốn luôn xem thành quả lao động nghệ thuật như một món hàng (bạn đọc hứng thú với chủ đề này có thể tìm đọc bài viết của Hồ Trâm Anh trên blog cá nhân). “Streetlights” hiện tại chỉ được bán dưới dạng vật lý và stream qua website riêng của Hồ Trâm Anh.

Ảnh: Mai N. Phạm.

“Nếu hỏi mình cách đây khoảng vài tuần thì mình sẽ nói là không,” Trâm Anh thú nhận khi tôi hỏi cô có an yên với hướng đi này không. “Mình cũng có chút sốt ruột, không biết quyết định đưa ra có đúng đắn không, hay là lại tự đẩy mình vào chỗ chết, tự làm nên hàng rào giữa mình với khán giả. Nhưng trên thực tế mình không có ý định đấy. Mình thật sự rất mừng và quý trọng những người có nghe nhạc mình và có cảm thấy kết nối cảm xúc với nhạc của mình. Bây giờ sau tất cả, đặc biệt là sau bài post vừa rồi, mình thấy đó là một lựa chọn đúng đắn, vì đã cân đong tất cả các yếu tố trong phương trình này rồi, nên đó là một sự lựa chọn mà mình cảm thấy sẵn sàng.”

Tôi quyết định mua album của Hồ Trâm Anh theo tiêu chí “mình thích thì mình mua thôi” mà không suy nghĩ gì nhiều. Và chỉ sau vài ngày, LP Club đã gửi kiện hàng nho nhỏ từ Hà Nội vào. Nhưng tận đến lúc đang hí hửng bóc lớp xốp bong bóng, tôi mới bàng hoàng nhận ra mình không có cách nào nghe đĩa — xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Acer đã ra quyết định cắt đầu đĩa CD-ROM khỏi laptop. Tôi đồ rằng đây không phải là vấn đề hiếm đối với các fan âm nhạc khác, đặc biệt trong bối cảnh album mới thậm chí được phát hành trong bao rỗng chỉ có mã tải nhạc. Ở Mỹ, vào năm 2020, các nền tảng trực tuyến chiếm 83% thị phần tiêu thụ âm nhạc, trong khi đĩa vật lý chỉ đạt 9%. Về phần tôi, cuối cùng tôi đành phủi bụi chiếc laptop cũ thời 2017 đang thành hóa thạch trong tủ, và rip thành công album bằng iTunes (cũng là một hóa thạch sống khác). Không thể chối cãi rằng đây đúng là một phương thức khá nhiêu khê, nhưng có trải qua, tôi mới được sống lại “tuổi thơ dữ dội” ngày trước: mùi giấy bìa album thơm nức mũi, ngồi rị mọ gõ từng tựa bài hát, tìm kiếm file album cover đẹp nhất, rồi cuối cùng tải hết vào iPod để được nghe lần đầu tiên.

Ảnh: Nguyễn Duy Anh, Marilyn.

Quyết định quay lưng với streaming của Hồ Trâm Anh kì thực không phổ biến hay được lòng nhiều người, tuy nhiên, đối với một người làm nhạc đã xác định từ đầu mục đích cất tiếng hát không phải vì muốn giàu có hay nổi tiếng gì, đây có lẽ là một bước đi đúng. Những con track trong “The Poetry of Streetlights” chắc sẽ không xuất hiện trong các playlist được thuật toán xào nấu hết sức chiến lược để lôi kéo người nghe, nhưng những thính giả lâu nay đã tìm được sự đồng điệu trong nhạc của Trâm Anh chắc cũng không lăn tăn gì trước khi quyết định mua đĩa, để ủng hộ nghệ sĩ mình mến mộ.

“Rất nhiều bài hát trong này viết ra cũng lâu rồi, lúc mình mới ra trường, mình mong những người nghe trong lứa tuổi mình có thể tìm được những cảm xúc, băn khoăn của tuổi trẻ trong đó, và có cảm thấy yên lòng được hơn chút nào cũng tốt,” Hồ Trâm Anh chia sẻ. “Chỉ cần khán giả nghe và cảm thấy gì thì đối với mình, đó đã là thành công lớn rồi và album đã hoàn thành sứ mệnh, mình không yêu cầu gì hơn.”

Hồ Trâm Anh sẽ tổ chức liveshow riêng để ra mắt album "The Poetry of Streetlights" tại Hanoi Rock City vào ngày 13/11/2022. Xem thông tin về show và cách mua vé ở đây.

Bài viết liên quan

in Quãng 8

Từ rapper tới ca-nhạc sĩ: Minh Đinh và các phép thử để tìm thấy bản thân

Hành trình tự mày mò từ một rapper thành ca-nhạc sĩ của Minh Đinh là câu chuyện đại diện cho nỗ lực đa dạng hóa bản thân của những nhân tố đa-zi-năng trong làng indie Việt.

in Quãng 8

Thành Đồng: 'Mình chỉ là người bình thường viết nhạc'

Lấy cảm hứng từ những điều đơn giản trong cuộc sống hàng ngày, Thành Đồng đem đến cho người nghe sự gần gũi, chân thực và đậm chất tự sự trong từng bài hát của mình.

in Quãng 8

Dòng nhạc 'sáu người cùng chơi' của The Flob

The Flob, ban nhạc với sáu chàng trai còn ngồi trên ghế giảng đường, đã chọn âm nhạc để biến tuổi trẻ của mình thành những trang giấy đáng nhớ nhất trong cuộc đời.

Paul Christiansen

in Quãng 8

Gặp Mixed Miyagi, chàng rapper hoà quyện bản sắc miền Tây và văn hoá hip-hop Mỹ

"Miền Tây sông nước tao ngắm cánh đồng xanh / Buổi sáng là thức dậy để đi cày mà làm ăn / Trên đời này thành công là siêng năng / Không có giống mấy thằng chó, có chút tiền rồi kiêu căng."

in Quãng 8

Gặp gỡ hooligan., chủ nhân 'người Việt 100%' của bản hit 'To the Moon'

Gần đây, ca khúc ‘To The Moon,’ với ca từ ngọt ngào, giai điệu êm ái, dễ cảm và đặc biệt là vibe âm nhạc đậm chất quốc tế, đã trở thành hiện tượng mới trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến.

in Quãng 8

Hành trình của Táo: Người làm nhạc và kẻ đi gieo mầm

Người nghệ sĩ đâu thể phản ánh cuộc sống nếu họ không sống?”