Sài·gòn·eer

Back Ăn & Uống » Ănthology » Từ Sài Gòn đến Texas: Nhà hàng BBQ di động mang hương vị châu Á đến thế giới ẩm thực Texas

Nếu chú rùa Crush từ series phim Finding Nemo bước ra ngoài đời sống dưới hình dáng một chàng trai người Việt tuổi đôi mươi, cậu ấy nghe sẽ rất giống Andrew Ho, nhà đồng sáng lập và chủ sở hữu của Pinch Boil House và Curry Boys BBQ.

 

 

Một người Việt lớn lên ở Texas

Lúc đó, húng tôi đang ngồi phía ngoài cửa tiệm màu hồng của Andrew, là cái nôi của những công thức BBQ tuyệt đỉnh ở Texas. Chúng tôi vừa trò chuyện, vừa cười rôm rả ôn lại những kỉ niệm đáng nhớ khi lớn lên trong cộng đồng người Việt ở Houston.

Bằng chất giọng trầm ấm và chậm rãi, Andrew hỏi tôi: “Vậy ngày xưa nhà cậu hay đi ăn ở đâu? Quán Sinh Sinh hay quán Tan Tan?” Như bạn có thể thấy, là người Việt sinh sống ở nước ngoài, đôi khi chúng tôi chỉ có đúng hai lựa chọn khi muốn cùng gia đình ra ngoài dùng bữa.

Chúng tôi may mắn vì được sinh ra ở Houston, thành phố có dân số người Việt lớn thứ ba ở Mỹ (hai thành phố dẫn đầu là Orange County và San Jose ở California). Ngày còn bé, Andrew hay được cha mẹ chở đến Bellaire (khu người Việt ở Houston) và được thỏa sức thưởng thức những món ăn Việt như bò lá lốt, bánh xèo, và mì xào giòn. Nhưng đây chỉ là vào những ngày cuối tuần. Cuộc sống thường nhật của Andrew ở vùng ngoại ô Houston là một câu chuyện rất khác.

“Lúc còn đi học cấp hai và cấp ba, tôi luôn nghĩ mình phải hoà đồng và tránh xích mích hết mức có thể,” giọng anh trầm xuống. “Trường của tôi có rất ít người châu Á...Tôi luôn thấy mình lạc lõng.” Không chỉ trông khác các bạn học của mình, Andrew còn phải chịu những định kiến về chủng tộc đã tồn tại cả 150 năm nay — rằng người châu Á có vóc dáng thấp bé và thể lực yếu đuối: “Tôi rất thích chơi bóng rổ, nhưng không biết làm thế nào để được mọi người chấp nhận. Dường như tôi phải thuyết phục các huấn luận viên rằng người châu Á không phải là gánh nặng cho đội tuyển. Và đôi khi, tôi thực sự cảm thấy mình là gánh nặng.”

“Dường như tôi phải thuyết phục các huấn luận viên rằng người châu Á không phải là gánh nặng cho đội tuyển. Và đôi khi, tôi thực sự cảm thấy mình là gánh nặng."

May mắn thay, những nỗi lo ấy biến mất khi Andrew theo học tại The University of Texas, ngôi trường cũ mà tôi và Christine Hà theo học. Tại đây, anh bắt đầu phát huy những truyền thống của cộng đồng người Việt, như tổ chức tiệc tôm hùm đất (crawfish) kiểu Việt-Cajun, đúng theo phong cách của người Việt ở Houston.

Món tôm hùm đất hảo hạng của Andrew đã mê hoặc không ít thực khách, trong đó có Sean Wen, nhà đồng sáng lập và đồng sở hữu của Pinch Boy House. Mọi người khuyên Andrew rằng anh nên mở một cửa tiệm ở gần trường, nhưng anh đã lắc đầu. “Không phải là tôi không muốn đâu, nhưng mà tôi có quá nhiều khoản chi phí để lo, như tiền học đại học. Nếu được, tôi đã mở một gian hàng nho nhỏ ở ngã giao đường 26th và Guadalupe.”

Những bữa tiệc tôm hùm đất mà Andrew tổ chức thời học đại học.

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp ngành Truyền thông Doanh nghiệp, Andrew làm ở bộ phận chăm sóc khách hàng cho một công ty dầu khí ở Houston, nơi cha anh cũng từng làm việc. Không lâu sau đó, vì muốn thay đổi cuộc sống, Andrew đã quyết định nghỉ việc để đi dạy tiếng Anh ở Thái Lan. Tất nhiên, cha mẹ của Andrew không hài lòng về quyết định của con mình. 

“Gia đình tôi rất sốc vì tôi muốn chuyển đến châu Á. Họ nói, 'Con đang làm gì thế? Con đang có công việc ổn định. Con vừa tốt nghiệp đại học. Con mới đi làm được vài năm.’” Nhưng với Andrew, chàng trai chưa bao giờ được khám phá thế giới bên ngoài nước Mỹ, đây là cơ hội có một không hai.

Khi sở thích trở thành đam mê

Sau một năm giảng dạy tại Phitsanulok, Thái Lan, một thành phố nằm giữa Chiang Mai và Bangkok, Andrew quyết định sẽ về Việt Nam vài tháng để tìm hiểu gia đình nhà nội ở Sài Gòn. Vài tháng ấy kéo dài thành một năm rưỡi khi anh “nhảy việc” từ giáo viên Tiếng Anh sang quản lý Quán Ụt Ụt, một chuỗi nhà hàng thịt nướng kiểu Mỹ tại Sài Gòn.

Trong lúc hàn huyên, tôi và Andrew hồi tưởng lại chuyện ăn ốc ở đường Vĩnh Khánh, quận 4 và mì hoành thánh gần Chợ Lớn, quận 5 (Chúng tôi còn dùng ống hút để húp nước dùng!). “Tôi sống ở Cô Bắc và Đề Thám, chỉ cách Bùi Viện hai con phố. Mà hồi đó, Bùi Viện chưa ‘sầm uất’ như bây giờ đâu,” Andrew vội phân bua. “Khu phố đó có đến tận sáu quán bò lá lốt và bốn quán bánh xèo, nên khi đói chúng tôi không phải lo...”

Bước ngoặt sự nghiệp của Andrew là khi anh đến quán Cafe Zoom — toạ lạc ở ngã giao Đề Thám và Trần Hưng Đạo. "Đó là tụ điểm của các giáo viên nước ngoài. Mỗi đêm, 30 người chúng tôi sẽ hẹn nhau ở đó." Dần dần, Andrew kết bạn với một vị khách người Mỹ, anh Mark Gustafson.“Tôi đã thấy Mark vào lần đầu tiên đi ăn Quán Ụt Ụt. Khi gặp lại anh ấy, tôi liền bảo 'Hôm nọ tôi đã thấy anh ở Quán Ụt Ụt. Thật là tình cờ.’ Và anh ấy trả lời ‘Thật ra đó là quán của tôi.’” Mark chính là bếp trưởng và một trong ba người đồng sáng lập của Quán Ụt Ụt.

Andrew cùng bạn ở quán Cafe Zoom.

Andrew kể tiếp, “2-3 tháng sau đó, Mark hỏi tôi rằng ‘Này, anh có phải là giáo viên phải không? Mọi việc thế nào?’ Và tôi trả lời: 'Cũng ổn thôi, nhưng tôi và bạn tôi [Sean] đang cố gắng mở một nhà hàng. Hiện giờ chúng tôi đang mở cửa hàng pop-up, những khi về Mỹ chúng tôi sẽ mở một xe bán đồ ăn.' Rồi Mark đáp lại: ‘Anh bạn, chúng tôi đang cần một người Việt Kiều để quản lý nhà hàng Ụt Ụt và làm cầu nối giữa nhân viên người Việt và quản lý người nước ngoài. Anh thấy sao?'"

Từ đó, Andrew chính thức bắt đầu tích luỹ kinh nghiệm trong lĩnh vực F&B: “Tôi tham gia vào thời điểm thử thách nhất, vì lúc này họ đang xây dựng quán BiaCraft đầu tiên và Quán Ụt Ụt thứ hai ở Thảo Điền, cũng là quán lớn nhất của họ.” Ngoài công việc toàn thời gian ở Quán Ụt Ụt, Andrew còn hỗ trợ quản lý, điều hành và chăm sóc khách hàng tại hostel mà anh đang ở. “Đó quả thực là một trải nghiệm ấn tượng.”

“Đó quả thực là một trải nghiệm ấn tượng.”

Sau tám tháng làm việc tại Quán Ut Ụt và ba năm ở Đông Nam Á, Andrew cảm thấy đã đến lúc phải quay trở về Texas và cùng người bạn Sean thực hiện ước mơ — mở một nhà hàng chuyên về món tôm hùm đất. “Lúc đó, tôi đang suy nghĩ về các lựa chọn công việc khác nhau, tôi có thể tiếp tục dạy tiếng Anh ở các nước Tây Âu chẳng hạn. Trong thâm tâm, tôi biết rằng nếu chúng tôi không thực hiện ước mơ bây giờ, nó sẽ không bao giờ trở thành sự thật.”

Từ gian hàng nhỏ đến ước mơ ẩm thực lớn

Nhưng trước rời Việt Nam, Andrew có một kỷ niệm để đời. Vào tháng 12/2012, một vụ cháy lớn đã diễn ra ở tòa nhà phía bên kia đường, ngay đối diện hostel anh ở thời điểm đó. "Chúng tôi thấy khói đen bốc ra từ ô cửa sổ," Andrew chia sẻ câu chuyện với AsiaLIFE, "tôi đọc được trên Facebook rằng đám cháy diễn ra ở Quán Ụt Ụt và hình ảnh đầu tiên hiện lên là những đứa trẻ tôi biết sống quanh khu vực đó, và không do dự tôi chạy ngay xuống dưới." Andrew hoãn lại kế hoạch về Mỹ để giúp khoảng 30 hộ gia đình bị ảnh hưởng xây xửa lại nhà cửa. Anh đã giúp gây quỹ được khoảng 150 triệu VND.  

Andrew và Sean đoàn tụ vào tháng 3/2016 tại San Antonio, Texas, đúng vào mùa đánh bắt tôm hùm đất. Hai ngày sau, đôi bạn đã mở gian hàng tôm hùm đất Việt-Cajun đầu tiên của mình. Khác với Houston, San Antonio là thành phố mang đậm nét văn hoá Mexico và không có nhiều nhà hàng quảng bá ẩm thực Việt Nam.

Trên thực tế, số người châu Á của San Antonio chỉ bằng ⅓ của Houston, nhưng đây lại chính là lý do khiến anh chàng Sean, chàng trai người Mỹ gốc Đài Loan, muốn đặt nhà hàng của anh và Andrew ở thành phố này. Nhiệt huyết và đam mê của Sean là điều không phải bàn cãi và còn loa tỏa tới những người xung quanh anh. 

“Nếu ai cũng biết đến văn hoá châu Á thì không phải rất ‘đỉnh’ sao! Đó là một trong những động lực để chúng tôi bắt đầu hành trình này. Có thể mọi người sẽ nghĩ ‘nhà hàng thì liên quan gì đến văn hoá,’ nhưng nếu bạn cố gắng hết sức, bạn thực hiện nó một cách khéo léo […]thì cách nào cũng cách tốt để thúc đẩy văn hoá của chúng ta, để người châu Á có thể tự hào về chính mình, để họ thấy được rằng người châu Á thật ngầu, đồ ăn châu Á thật ngon."

"Nếu bạn cố gắng hết sức, bạn thực hiện nó một cách khéo léo thì cách nào cũng cách tốt để thúc đẩy văn hoá châu Á, để người châu Á có thể tự hào về chính mình."

Sau hai năm rưỡi với gian hàng lưu động, Andrew và Sean quyết tâm đưa ước mơ ẩm thực của mình lên một tầm cao mới với Pinch Boil House, một nhà hàng hải sản lấy cảm hứng từ ẩm thực Đông Nam Á. Menu có sự góp mặt của nhiều món ăn được truyền cảm hứng từ thời gian Andrew ở Việt Nam. “Chúng tôi có món sốt cà ri dừa, có công thức giống hệt món ốc len xào dừa. Lúc còn ở Việt Nam, tôi đã trả tiền để một người bán ốc dạy tôi làm tất cả các món ốc mà anh ấy bán.”

Khám phá vũ trụ ẩm thực châu Á với Curry Boys BBQ

Hai nhà sáng lập của Curry Boys BBQ: Andrew Ho và Sean Wen. Ảnh: Tam Le.

Dần dần, menu của Pinch Boil House được mở rộng. Với sự tham gia của những đầu bếp tài năng, quán không chỉ phục các món hải sản mà cả những món ăn quen thuộc như cơm. Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, hai nhà sáng lập đã ca ngợi không ngớt vị đầu bếp người Lào của họ: “Món cà ri Panang đã khiến chúng tôi phải ngất ngây khi được thử lần đầu.” Không lâu sau, món cà ri ấy đã mau chóng trở thành một trong những món ăn được yêu thích nhất trong thực đơn.

Nhưng cà ri Penang của Pinch Boil House không phải là món châu Á duy nhất thịnh hành lúc bây giờ. Cùng lúc này, Khói Barbecue (một nhà hàng thịt nướng kiểu Việt-Texas ở Houston do Don và Theo Nguyen điều hành) đang phát triển món sườn bò hun khói Panang. Ở bờ Tây nước Mỹ, Eem PDX (một nhà hàng ở Portland, Oregon) đang lan toả ẩm thực Thái qua các món phục thịt nướng Thái Lan và cocktail nhiệt đới. Lúc này, Andrew và Sean bắt đầu nhen nhóm ý tưởng hợp tác với anh Andrew Samia, bếp trưởng của của South BBQ.

Các món cơm của Curry Boys BBQ. Ảnh: Trang Facebook của Curry Boys BBQ.

Thế rồi đại dịch xảy đến vào tháng 3/2020, khiến vô số nhà hàng trên thế giới chao đảo. Doanh thu của Pinch Boil House và South BBQ đều sụt giảm nghiêm trọng, và cả hai đành phải đóng cửa trong nhiều tháng liền. Thế nhưng, trong cái rủi lại có cái may. Lúc này, ba người bạn Andrew Samia, Andrew Ho và Sean Wen cuối cùng cũng có cơ để thử nghiệm với các công thức mới. Đến tháng 5 và tháng 6/2020, họ cùng nhau mở các gian hàng lưu động để mang những món ăn này đến thực khách.

Với các công thức đặc trưng, kết hợp hương vị của BBQ Texas với cà ri Đông Nam Á, Andrew và Sean đã nhanh chóng chinh phục được khẩu vị của các khách hàng. Chỉ sau vài tháng, họ đã thành lập Curry Boys BBQ — một cửa tiệm nhỏ màu hồng trên đường St. Mary — một khu phố náo nhiệt và giàu văn hoá với nhiều quán bar, xe thức ăn và nhạc sống, nằm ở trung tâm thành phố San Antonio. 

Từ khi mở cửa, Curry Boys House ngày nào cũng đắt hàng "như tôm tươi," cho thấy các foodie Texas đang thực sự đón nhận các món ăn của họ. Nhưng riêng với với cộng đồng người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương ở San Antonio, sự tồn tại của Curry Boys BBQ còn mang một tầng nghĩa khác. “Ai cũng yêu thích Curry Boys, nhưng người châu Á lại có vẻ đặc biệt cảm kích. Họ hay nói với tôi, ‘Cảm ơn anh rất nhiều vì đã tạo ra nơi này. Chúng tôi hay dắt bạn bè của mình đến đây, ” Andrew chia sẻ.

"Bây giờ ai cũng muốn thử món ăn châu Á! Bây giờ người châu Á là 'ngầu' nhất!"

Món ức bò xong khói của Curry Boys BBQ (món yêu thích của Andrew Ho); mì sốt tỏi ớt lạnh (món yêu thích của tôi); món salad rau thơm và dưa leo; món bánh flan. Ảnh: Tam Le.

Sean nói: "Đó là cảm giác tuyệt vời nhất trên đời. Chúng tôi có nhiều hoài bão khi thành lập nhà hàng, nhưng không dám nghĩ rằng chúng sẽ trở thành sự thật. Khi bạn có được sự công nhận... từ những người cùng màu da với bạn, từ những người cùng cộng đồng với bạn. Cảm giác ấy thật tuyệt vời, thật khiêm nhường. Chúng tôi có thể cảm nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng người Mỹ gốc Á. ”

Tôi tự hỏi, cậu bé Andrew học cấp hai đam mê chơi bóng bàn năm ấy sẽ cảm thấy thế nào khi nghe phiên bản trưởng thành của mình tự hào nói: "Bây giờ ai cũng muốn thử món ăn châu Á! Bây giờ người châu Á là 'ngầu' nhất!"

Ănthology là series về hành trình của ẩm thực Việt trên bản đồ thế giới. Tên series là sự kết hợp giữa anthology, từ tiếng Anh mang ý nghĩa tuyển tập, và động từ ăn. Thông qua series, Saigoneer mong muốn giới thiệu đến độc giả những nhân vật và quán ăn ngoài lãnh thổ nước ta đang làm mới món Việt bằng những nguyên liệu và cách chế biến mới lạ, góp phần ghi tên Việt Nam vào bức tranh ẩm thực quốc tế. Bạn có câu chuyện ẩm thực muốn kể, hãy gửi ý tưởng về cho Saigoneer qua hòm thư contribute@saigoneer.com.

Bài viết liên quan

in Ănthology

Câu chuyện về Minh Tsai, người sáng lập thương hiệu đậu hũ danh tiếng nhất nước Mỹ

Chỉ mới 20 năm về trước, thị trường tiêu dùng nước Mỹ vẫn còn xem đậu hũ là một loại thực phẩm nhạt nhẽo, vô vị, chỉ phù hợp để làm nguyên liệu chay thay thế thịt. Có người còn tin rằng món ăn này rất...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Sống lại chương vàng son của âm nhạc hải ngoại qua album nhạc thập niên 80

Sinh ra từ sự náo nhiệt và màu sắc của những năm 80s, một làn sóng âm nhạc mới đã trở thành biểu tượng  cho cả một thế hệ người Việt, để rồi dần rơi vào quên lãng khi đạt đến đỉnh cao thành công. Phải...

in Ănthology

Ba người đàn ông, hai con đường, một ước mơ nâng tầm rượu Việt

Lần đầu tiên tôi mua rượu là từ hướng dẫn viên Giàng Thị Lang khi đi du lịch Sa Pa. Khi đó chúng tôi đang ở trong một bản người Dao Đỏ, nơi có truyền thống nấu rượu gạo nổi tiếng. Đêm đó tôi nhận được...

Khôi Phạm

in Ăn & Uống

Hẻm Gems: Thưởng thức 'quốc hồn quốc túy' của Malaysia, cơm gà nasi lemak chuẩn vị ngay giữa Sài Gòn

Khi nhìn vào bàn ăn thịnh soạn vừa gọi tại quán Makiucha, với tám món ăn Malaysia đầy hương vị và màu sắc được anh nhiếp ảnh gia sắp xếp khéo léo, tôi bỗng thấy nhớ những khu ăn uống tập trung mà mình...

in Ăn

Hẻm Gems: Tìm về hương vị xứ Quảng với tô mì 2 trong 1

Trên con dốc nghiêng nối liền quận Bình Thạnh và Phú Nhuận có một góc nhỏ lưu giữ hương vị của xứ Quảng qua bát mì 2 trong 1.

in Ăn

Hẻm Gems: Ấm bụng mùa mưa cùng phá lấu nướng Đài Loan ở quận 5

Người ta hay đùa rằng Sài Gòn có hai loại thời tiết liên tục xoay tua — mùa “khô queo” và mùa “ướt nhẹp.” Trong đó, mùa “ướt nhẹp” thường đỏng đảnh với tiết trời rét lạnh, làm người ta không thể không...