“Lúc đó, tôi đang theo học thạc sĩ chương trình Viết sáng tạo và nghĩ đơn giản rằng tham gia MasterChef có thể sẽ giúp mình có thêm trải nghiệm để viết.”
Vào thời điểm ấy, Christine Hà không hề biết rằng quyết định tham gia MasterChef Mỹ, một cuộc thi nấu ăn đầy cạnh tranh và nổi tiếng với những màn đánh giá gay gắt của giám khảo Gordon Ramsay, sẽ mang đến cho cô nhiều thứ hơn là một trải nghiệm hữu ích để làm nguồn cảm hứng viết văn. Tuy nhiên, dự định ban đầu của Christine cũng thành sự thực: chiến thắng tại MasterChef mang lại cho Christine Hà một hợp đồng xuất bản sách và cô đã cho ra mắt cuốn sách Recipes From My Home Kitchen: Asian and American Comfort Food (tựa tiếng Việt: Nấu ăn bằng cả trái tim: Những món ăn Á-Mỹ từ góc bếp yêu thương của tôi). Tác phẩm đầu tay của Christine đã lọt vào danh sách bestseller của New York Times.
Gia đình của Christine là người Bắc di cư vào Nam sau hiệp định Geneva 1954. “Vì gia đình gốc Bắc nên chúng tôi ăn phở theo kiểu Bắc, sợi phở to hơn, có thêm vài loại rau thơm và cách nêm nếm cũng có chút khác. Bà tôi còn thường làm ra những chiếc bánh chưng cỡ đại vào dịp Tết,” cô chia sẻ.
Vào ngày 29/4 năm 1975, cha của Christine, khi ấy vẫn còn đang theo đuổi mẹ cô, nhận thấy cần phải rời Việt Nam càng sớm càng tốt. Ông vội vàng đến hỏi cưới mẹ cô và họ nhanh chóng đi tìm một con tàu hải quân của Mỹ. Trải qua một hành trình dài từ Philippines đến trại tị nạn ở Guam, di chuyển qua Pennsylvania đến Chicago rồi đến nam California (nơi Christine chào đời), cuối cùng gia đình cô dừng lại và định cư ở Houston, Texas khi Christine được hai tuổi.
18 năm sau, cô gái trẻ Christine bỗng mất đi thị lực do bệnh viêm tủy thị thần kinh (NMO), một chứng viêm rối loạn tự miễn hiếm gặp. Đó cũng là lúc cô mới làm quen với việc nấu nướng. Trong thời gian học thạc sĩ ngành Viết sáng tạo, bạn trai của Christine (và hiện là chồng của cô) là anh John Suh đã giúp cô lập một trang blog và đặt tên là The Blind Cook.
Năm 2012, ban tổ chức MasterChef đã liên hệ với Christine để mời cô tham gia vòng sơ tuyển của mùa 3. Lúc đó, cô nghĩ cái tên Gordon Ramsay “nghe quen quen.” John và bạn bè của Christine đều nhiệt tình ủng hộ cô tham gia để cộng đồng hiểu hơn về khả năng của những người khiếm thị. Còn Christine thì chỉ đơn giản coi đây là cách để có thêm trải nghiệm và cảm hứng cho việc viết lách.
Christine gác lại bài luận văn và tham gia vòng sơ tuyển của MasterChef. Đề thi của vòng này là trình bày một món ăn thể hiện câu chuyện cuộc đời của thí sinh. “Với tôi, việc tìm lại những công thức nấu ăn của mẹ là một hành trình bất tận,” cô chia sẻ. Mẹ của Christine qua đời năm cô 14 tuổi trước khi có cơ hội dạy cô cách nấu ăn hay ghi lại các công thức của mình cho con gái. Vì thế kể từ khi học đại học, Christine đã có một chuỗi những thử nghiệm và thất bại trong nỗ lực tìm lại hương vị của những món ăn mẹ nấu năm nào. Cô chia sẻ thêm: “Tôi chọn thịt kho vì đó là món hồi bé tôi thường ăn nhất. Lúc nào cũng có một ít trong tủ lạnh ở nhà."
“Tôi chọn thịt kho vì đó là món hồi bé tôi thường ăn nhất. Lúc nào cũng có một ít trong tủ lạnh ở nhà."
Trong vòng thi đầu tiên trước ban giám khảo, Christine cũng đã nấu một món ăn Việt Nam đặc trưng khác là cá kho tộ. Khôi Phạm, phó tổng biên tập của Saigoneer, đã từng nói trong một podcast của Saigoneer: "Tôi nghĩ Christine Hà là một trong những thí sinh mà tôi yêu thích nhất vì cô ấy có sự gắn bó với cội nguồn của mình. Món ăn ở vòng thi đầu tiên của Christine thực sự là một món ăn rất Việt Nam. Nếu bạn xem các chương trình dạy nấu món Âu thì hẳn bạn đã thấy đầu bếp thường thái phi lê thịt cá, còn Christine thì cắt khúc theo kiểu Việt Nam. Cô ấy thậm chí còn không bài trí kiểu cách nữa." Món cá kho tộ của Christine có độ cân bằng mặn ngọt hoàn hảo và gây được ấn tượng với ban giám khảo, từ đó đưa cuộc đời cô sang một trang mới.
Có lẽ cái tên Christine Hà trở nên quen thuộc hơn với nhiều độc giả của Saigoneer khi cô trở thành giám khảo của MasterChef Việt Nam (Vua Đầu Bếp) mùa 3 năm 2015. Vai trò này khiến cô trở thành cựu thí sinh đầu tiên trở thành giám khảo chính thức và là một trong số ít nữ giám khảo của MasterChef toàn cầu. Christine nhớ lại: “Tôi cảm thấy thật tuyệt khi từ một người thí sinh trở thành giám khảo và hướng dẫn các thí sinh.”
Trí Phan, Á quân MasterChef Việt Nam mùa 1, chia sẻ: “Câu chuyện của chị ấy giúp mình nhận ra điều quan trọng nhất khi nấu ăn chính là hương vị. Kể từ đó, mình bắt đầu chú trọng hơn vào việc kết hợp hương vị sao cho hài hòa, [thay vì] cứ cho nhiều thứ vào một món ăn chỉ để làm nó trông hấp dẫn.”
So với MasterChef Mỹ thì MasterChef Việt Nam ‘giống mà không giống.' Christine cho biết: “Rất nhiều thử thách mô phỏng các thử thách trong phiên bản Mỹ, nhưng có nhiều nét khác biệt. Một ví dụ là thử thách nấu ăn cho quân đội. Tôi từng thực hiện thử thách này với tư cách thí sinh, nhưng căn cứ quân sự giữa hai nước thì rất khác nhau, rồi các loại thực phẩm trong kho nguyên liệu có rất nhiều loại cá và động vật có vỏ mà tôi chưa nghe nói bao giờ vì chúng là đặc sản địa phương." Một điểm nữa là theo quy định của Công đoàn Lao động ở Mỹ, đội ngũ sản xuất chương trình chỉ làm việc sáu ngày một tuần, do đó việc quay MasterChef Mỹ kéo dài đến ba tháng; trong khi đoàn Việt Nam có thể làm việc liên tiếp bảy ngày một tuần và hoàn thành chương trình chỉ trong một tháng.
Là một Việt Kiều, Christine còn phải đối mặt với một thách thức nữa, đó là từ nhỏ đến lớn cô chỉ nói tiếng Việt khi ở nhà với gia đình. “Khi đến với MasterChef Việt Nam, vốn tiếng Việt của tôi trở thành một trở ngại rất lớn. Không chỉ có những từ lóng mới mà cả cách nói chuyện trên truyền hình cũng phải khác." Christine và tôi đều là Việt Kiều ở Houston và học cùng ngành đại học. Vì thế, tôi có thể đoán, Christine chỉ biết đến phong cách nói chuyện lịch sự và trang trọng như thế qua chương trình Paris by Night vốn luôn được mở lên trong tất cả các buổi họp mặt gia đình của người Việt từ cuối những năm 1980.
“Khi lớn lên, tôi không thực sự sống cùng gia đình để bồi dưỡng vốn tiếng Việt của mình. Nên khi lần đầu về Việt Nam, tôi cảm thấy tiếng Việt của mình đã bị mai một đi nhiều. Lúc đó, tôi đi du lịch với chồng mình, John, anh là người Mỹ gốc Hàn, không bị khiếm thị và không biết tiếng Việt. Còn tôi biết tiếng Việt nhưng không thể nhìn thấy gì. Vì vậy, anh ấy phải đánh vần tất cả các biển hiệu và tôi phải nhắc anh ấy đọc cả các thanh điệu và dấu chữ, nếu không tôi sẽ không thể biết được nghĩa. Rồi cũng tự nhiên như việc đi xe đạp — kỹ năng tiếng Việt của tôi dần tốt hơn.”
Khi tôi hỏi Christine về những món ăn Việt Nam khiến cô ấy ngạc nhiên nhất, cô đã có câu trả lời giống như tôi khi mới chuyển đến Sài Gòn: những món ăn vặt lề đường mới. “Ở Mỹ, thức ăn Việt Nam mà chúng tôi có là những món mà cha mẹ chúng tôi mang theo [vào cuối những năm 1970], và chỉ dừng lại ở đó. Giờ đây, thế hệ trẻ đã cho ra đời những món ăn mới như bánh tráng trộn và bánh tráng nướng. Đó là những thứ thực sự thu hút tôi."
Các món ăn đường phố đầy sáng tạo và văn hóa nhậu đã truyền cảm hứng cho Christine và John mở nhà hàng đầu tiên năm 2019. Họ đặt tên cho nhà hàng là The Blind Goat, có nghĩa là Con Dê Mù vì Christine tuổi Mùi. Nhà hàng nằm trong khu Bravery Chef Hall ở Houston, giữa nhiều mô hình hàng quán ẩm thực thú vị khác (họ cũng có dự định chuyển nhà hàng sang một khu riêng). The Blind Goat bao gồm một khu bếp mở với khoảng mười lăm chỗ ngồi xung quanh giống như một quán bar. Đây là nơi đầu tiên mọi người có thể thưởng thức tay nghề của Christine và các món ăn nổi tiếng của MasterChef, chẳng hạn như món Rubbish Apple Pie, được lấy cảm hứng từ chiếc bánh táo của McDonald's nhưng thêm vị hoa hồi và gừng theo kiểu Việt Nam trong nhân bánh rồi rưới nước mắm thắng đường lên trên mặt bánh.
Cũng chính tại đây, Christine và John đã có “duyên kỳ ngộ” với Tony Nguyễn, đầu bếp trưởng kiêm đồng sở hữu nhà hàng Saigon House và là người sau này trở thành đối tác kinh doanh của Christine. Không lâu sau khi The Blind Goat mở cửa, Tony đến giới thiệu bản thân với hai vợ chồng và họ đã tìm thấy sự đồng cảm khi chia sẻ về những nhọc nhằn trong việc chế biến các món ăn Việt Nam. Tony đã đề nghị phụ giúp khâu sơ chế nguyên liệu tại The Blind Goat để họ không phải bỏ món trứng cuộn của Christine ra khỏi thực đơn. Những cuộc trò chuyện và trao đổi cứ thế tiếp diễn. Christine nhận xét: "Chúng tôi có nền tảng giống nhau và hóa ra cũng có cùng triết lý về ẩm thực Việt: đó là những món ăn tuyệt vời của cha mẹ chúng tôi, nhưng chúng tôi muốn làm cho món ăn đó trở nên hiện đại hơn và mang phong vị Houston."
Trong vòng vài tháng sau đó, họ tìm thấy một mặt bằng có giá thuê tốt và vào tháng 1/2020, Christine, John và Tony đã ký hợp đồng thuê địa điểm đó để mở nhà hàng Xin Chao. “Hợp tác kinh doanh cũng giống như một cuộc hôn nhân. Dù hai bên không biết rõ về nhau, nhưng bạn sẽ không biết kết quả sẽ thế nào cho đến khi bạn thử.” Xin Chao có quy mô lớn hơn và được chăm chút hơn The Blind Goat, với thực đơn gồm các món Việt hiện đại và phong phú, có phục vụ tequila và cocktail nước mía.
Một họa sĩ ở Houston là Caroline Trương, đã thực hiện những bức tranh tường đầy màu sắc cả bên trong và bên ngoài nhà hàng. Tại đây có chỗ ngồi rộng rãi ngoài trời với những chiếc bàn ăn màu xanh dương tươi sáng, đây quả là giải pháp cứu nguy cho việc kinh doanh khi mà Xin Chao đã không thể mở cửa cho đến tháng 9/2020 vì nước Mỹ vẫn phải thực hiện nhiều hạn chế đối với việc ăn uống trong nhà hàng giữa đại dịch. Không gian bên trong bao gồm những chiếc bàn gỗ kiểu dáng đẹp mắt, mang âm hưởng đương đại giống như thực đơn của họ.
Nói về thực đơn của nhà hàng, sự khác nhau trong khẩu vị của hai người cộng sự đã mang đến nhiều lựa chọn phong phú. “Khẩu vị của Tony rất mạnh mẽ. Anh ấy thích thịt hun khói và thích dùng thịt bò và thịt lợn. Còn tôi thì hoàn toàn ngược lại. Tôi thấy càng đơn giản lại càng hay và khi nêm nếm cho món ăn, tôi có nguyên tắc là phải tạo ra được sự cân bằng tinh tế. Tôi thích hương vị thanh nhẹ và thường sử dụng thịt gà và hải sản,” Christine cho biết. Và cũng giống như bất kỳ cuộc hôn nhân tốt đẹp nào “chúng tôi bổ sung và thử thách lẫn nhau."
Bánh Phở Sườn Bò Hun Khói (Smoked Beef Rib Flat Rice Noodles) của Xin Chao là một trong những món ăn đại diện cho cả bản sắc Texas (sườn bò hun khói) và Việt Nam của Christine (bánh phở). Ảnh: Tâm Lê.
Bạn có thể tìm hiểu thêm và cập nhật thông tin về Christine, nhà hàng The Blind Goat và Xin Chao. Và bạn cũng có thể bắt gặp hình ảnh của cô trên bao bì túi bắp rang bơ Uncle Jax American Gourmet. Là một fan cuồng của các loại snack, Tâm Lê tôi đây muốn chia sẻ với độc giả đang đọc bài viết này rằng Uncle Jax (vị phô mai cheddar Wisconsin hoặc vị hỗn hợp giữa phô mai và caramel đều được) là thương hiệu snack ngon nhất hiện có ở Việt Nam.
Đồ họa: Phan Nhi, Phương Phan.
Ảnh bìa: Jessie Trần.
Minh họa: Patty Yang, Hannah Hoàng.
Ănthology là series về hành trình của ẩm thực Việt trên bản đồ thế giới. Tên series là sự kết hợp giữa anthology, từ tiếng Anh mang ý nghĩa tuyển tập, và động từ ăn. Thông qua series, Saigoneer mong muốn giới thiệu đến độc giả những nhân vật và quán ăn ngoài lãnh thổ nước ta đang làm mới món Việt bằng những nguyên liệu và cách chế biến mới lạ, góp phần ghi tên Việt Nam vào bức tranh ẩm thực quốc tế. Bạn có câu chuyện ẩm thực muốn kể, hãy gửi ý tưởng về cho Saigoneer qua hòm thư contribute@saigoneer.com.