Sài·gòn·eer

Khu gia binh thương nhớ trong ký ức Hà Nội xưa

Nhớ về Hà Nội, là nhớ về vùng đất nghìn năm văn hiến, nơi lưu giữ dáng dấp của con người Việt Nam xưa. Từng ngõ ngách trong lòng thủ đô đều khiến lòng người bồi hồi mỗi khi đi tới. Bởi lẽ, nơi ấy vừa giữ gìn những thời khắc mưa bom đạn lạc, vừa giữ gìn thời khắc bình yên, thường nhật. Và trong lòng thủ đô, tồn tại một không gian vô cùng đặc biệt, đã góp phần làm một Hà Nội có nhịp sống chậm rãi trong sự phát triển không ngừng của đất nước. Nơi ấy được gọi với cái tên là “khu gia binh.”

Khu gia binh chứng kiến những buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội

Khái niệm khu gia binh được ra đời vào những năm 1960 - 1980, thời điểm đất nước đang gồng mình trước cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đây được xem là hệ quả của Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết vào năm 1954. Khi ấy, đất nước bị chia thành hai miền tại vĩ tuyến thứ 17, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Quảng Trị. Trong nỗi đau thương xa cách, nhiều gia đình đã phải di tản khỏi nơi mình từng sống với nhiều lý do khác nhau.

Trong tình cảnh đó, Mặt trận Việt Minh đã phát động chiến dịch kêu gọi đồng bào “tập kết ra Bắc” nhằm tập trung lực lượng xây dựng miền Bắc, đồng thời chuẩn bị lực lượng giải phóng miền Nam. Vì đất nước mới vực dậy sau chiến tranh, cơ sở vật chất bị tàn phá nặng nề, nhân dân còn thiếu thốn nơi để sinh sống, nhà nước đã tiến hành cho thành lập các khu tập thể hay còn gọi là khu cư xá, khu chung cư, khu gia binh với mức phí rẻ. Tuy nhiên, để được ưu tiên sắp xếp nơi ở, bản thân người dân phải có sự đóng góp nhất định đối với đất nước như số năm cống hiến, thành tích công tác, v.v.

Kiến trúc khu gia binh tham khảo nhiều từ kiến trúc khrushchevka của Liên Xô. Khrushchevka thường chỉ có tối đa 5 tầng
vì nếu cao hơn sẽ phải có thang máy, do đó ta cũng rất hiếm khi thấy nhà tập thể cũ ở Việt Nam cao hơn mức này.

Khu gia binh, một biểu hiện của "khu tập thể" thời bao cấp, là mô hình học hỏi từ kiến trúc của Liên Xô cũ. Sau cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1920, nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới ra đời và ảnh hưởng đến nước ta. Khu gia binh là minh chứng cho khát vọng đi lên xã hội chủ nghĩa, hướng đến cái chung và bài trừ chủ nghĩa cá nhân. Như một lẽ tự nhiên, cấu trúc này nhanh chóng trở thành một nét đặc thù của văn hóa miền Bắc bấy giờ bởi lối sống hướng về cộng đồng sẵn có của người dân. 

Các khu gia binh còn hay được gọi thân thương bằng cái tên “quân khu.” Tuy nhiên, đó chỉ là danh xưng truyền miệng. Để được công nhận là “quân khu” chính thức, cần phải có sắc lệnh từ Bác Hồ. Vào những năm 60-70, Việt Nam chỉ có 6 quân khu được thành lập chính thức, gồm Quân khu Việt Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc, Tả Ngạn, Hữu Ngạn và Quân khu 4. Việc “tự phong” mạnh mẽ nhất là từ các cô cậu thanh thiếu niên, những đứa trẻ trong xóm nhằm thể hiện lòng tự hào xen lẫn chút kiêu hãnh đối với bạn bé khu vực khác. Dù chẳng giấy tờ chính thức nào ghi nhận nhưng tên gọi quen thuộc ấy vẫn đi vào đời sống, sản sinh ra những "đặc khu" tự phát nổi tiếng như "quân khu" Nam Đồng, "quân khu" Khâm Thiên, v.v.

Một lát cắt đời sống thời bao cấp

Về mặt kiến trúc, các khu gia binh chia sẻ nhiều điểm tương đầu với mô hình mikrorayons (tiểu khu) và khrushchevka (chung cư tập thể) của Liên Xô. Các dãy tòa nhà ở đây thường được xây song song, với các căn hộ có diện tích tương đối giống nhau, không gian mở và nhiều ánh sáng tự nhiên. Thay vì xây dựng bằng gạch truyền thống, các kiến trúc sư sử dụng cột bê tông đổ tại chỗ cùng tấm tường và sàn bằng bê tông cốt thép đúc sẵn (pre-fab) – kỹ thuật không khác biệt nhiều so với các khu nhà ở châu Âu.

Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn thời chiến, những hạng mục hạ tầng như cầu thang, nước máy, điện và nhà vệ sinh vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Kiến trúc đồng bộ nhằm tối ưu việc phân bố dân cư cũng hay bị gọi là "rập khuôn," một màu. Song khi so với mặt bằng chung ngày ấy, cơ sở vật chất "văn minh" của những khu gia binh vẫn là ước mơ của một thế hệ người Hà thành ngày ấy.

Nếp sống nông thôn lẫn thành thị ở khu gia binh.

Trong hồi ký Quân khu Nam Đồng, tác giả Bình Ca phác thao khu gia binh nơi ông lớn lên qua những đặc điểm nổi bật sau: các gia đình sẽ sống chung với nhau trong mỗi tòa được đánh số thứ tự “nhà 1,” “nhà 2,” “nhà 3” và mỗi nhà sẽ có khoảng 4 tầng, mỗi tầng có 9 căn. Cư dân thường được sắp xếp ở theo đơn vị làm việc. Không hẳn nhà nào thì chơi với nhà nấy, cư dân “nhà 1” cũng có thể thân với các hộ khác trong “nhà 2.” Chẳng hạn, lũ trẻ sẽ gặp nhau ở trường cấp III Đống Đa, hoặc lê la ở những quán nước vỉa hè, sân bóng vào những buổi chiều tan tầm.

Mỗi căn nhà ở quân khu Nam Đồng thời điểm ấy đều có chuồng gà, và có bồn chứa nước bằng vỏ tên lửa hoặc bể nước cỡ lớn cho việc sinh hoạt. Đây được xem là một biểu hiện đặc sắc “nông thôn hóa” thành thị. Những nếp sống của người dân nông thôn vẫn còn được giữ gìn, bảo lưu dẫu họ đang sống trong thành thị phồn hoa. Mặt khác, những dấu ấn của đời sống thành thị cũng tác động lại họ. Khu gia binh Nam Đồng đã trang bị cho con em hai sân bóng để có thể rèn luyện sức khỏe, thi thoảng tổ chức các cuộc thi thể thao nhằm tăng tính gắn bó các thành viên trong khu. 

Đời sống sinh hoạt còn nhiều khó khăn, nên người dân nơi đây phải tìm cách chi tiêu tiết kiệm, họ chia sẻ từng không gian như gian bếp, nhà vệ sinh,... họ giữ gìn cẩn thận từng món đồ cho hàng xóm, cho người thân trong gia đình như đồ sĩ quan, đồ bồ đội được “cha truyền con nối.” “Thời buổi chiến tranh, các ông bố bà mẹ bận trăm công nghìn việc, mấy khi ngó ngàng đến con cái. Đấy là chưa kể nhiều gia đình có bố, và đôi khi có cả mẹ bận trăm công nghìn việc đi chiến trường biền biện, vài năm mới về, hay thậm chí không bao giờ trở về, dù muốn cũng chẳng có cơ hội dạy con,” Bình Ca bồi hồi kể lại.

Cha mẹ đi công tác thường xuyên, trẻ em ở khu gia binh lớn lên từ những va chạm với môi trường xung quanh.

Ở Hà Nội có rất nhiều khu gia binh lớn nhỏ, giữa các khu này đôi khi xảy ra xung đột. Những xung đột này thường xuất phát từ tính cách mạnh mẽ, can trường của những đứa trẻ nơi đây vì chúng là con nhà lính, thấy việc xấu là không thể đứng yên mà nhìn. Tuy nhiên, vì chưa thực sự phát triển về suy nghĩ, chúng thường giải quyết mâu thuẫn bằng "nắm đấm," bằng bạo lực. Có thể kể đến những xung đột "khét tiếng" ngày xưa giữa khu gia binh Nam Đồng và Lý Thường Kiệt, cũng như các khu khác như khu 3B Phố Ông Ích Khiêm, khu 1A Phố Hoàng Văn Thụ, và khu 28A Phố Điện Biên…

Dù cha mẹ làm trong quân đội, những đứa trẻ lớn lên trong khu gia binh không bị quản lý nghiêm ngặt. Chúng trưởng thành qua sự va chạm với môi trường xung quanh, đặc biệt là ở trường học, qua các mối quan hệ bạn bè, thầy cô, và đôi khi cả "kẻ thù." Những va chạm này mang lại nhiều bài học quý báu, giúp chúng lớn lên về thể chất và tinh thần. Trong thời chiến, khi có lúc phải di tản đến nơi khác, những đứa trẻ lại tiếp xúc với nhiều kiểu người và nền văn hóa khác nhau. Dẫu thiếu vắng sự quan tâm từ bố mẹ, những đứa trẻ vẫn ý thức được niềm tự hào khi là con nhà lính và luôn mang trong mình bản sắc riêng biệt của khu gia binh.

Nơi nuôi dưỡng những trái tim nghệ sĩ 

Dù là nơi cư trú của những gia đình nhà binh, nhà lính, nhưng đời sống sinh hoạt của người dân ở đây không chỉ xoay quanh các vấn đề chính trị. Khu gia binh là cái nôi nuôi dưỡng những tâm hồn yêu nghệ thuật, những nghệ sĩ tài ba phục vụ kháng chiến, và trở thành một miền ký ức đẹp trong tâm trí những đứa trẻ lớn lên trong đó. Họ sáng tác những ngôi nhà đã nhiều năm tuổi, phủ một lớp sơn vàng cổ kính, với lớp cửa sổ sơn màu nâu gỗ mang dấu ấn thời gian.

Khu gia binh nuôi dưỡng nhiều thế hệ nghệ sĩ.

Đặc biệt, khu gia binh Lý Nam Đế tại khu nhà số 4, hiện là Trụ sở Tạp Chí Quân Đội, từng là nơi làm việc của nhiều nhà văn lớn như Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn, Lê Lựu, và Trần Đăng Khoa. Trong những năm tháng mưa bom bão đạn đầy căng thẳng, và cả khi hòa bình vừa lập lại, đất nước vẫn tồn tại những khó nghèo, thì văn học như một thứ tưới tắm tâm hồn họ, để tiếp tục vươn lên trong đời sống nhiều mất mát. Văn học nghệ thuật cũng trở thành một thứ vũ khí sắc bén để họ chiến đấu, bằng cách kêu gọi, thúc giục tinh thần nhân dân.

Bình Ca từng kể với giọng văn đầy tự hào: “Một trong những đặc điểm khác biệt giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và quân đội nước khác trên thế giới là họ có riêng một quân đội nghệ thuật của mình. Họa sĩ có Quang Thọ, Nguyễn Nghiêm. Nhạc sĩ có Thuận Yến, Văn An, Nguyễn Đức Toàn. Nhà văn có Hữu Mai, Đỗ Chu, Hồ Phương, Hải Hồ…” Tất cả khiến cho người ta mỗi khi nhắc về khu gia binh, là nhớ về những con người hết mực cống hiến cho đất nước trên nhiều lĩnh vực.

Khu gia binh chỉ còn là dĩ vãng?

Chiến tranh khép lại, thời gian trôi qua, những đứa trẻ và lớp người từng sống trong khu gia binh dần rời xa. Những căn nhà đổi chủ, thay màu sơn, có lẽ chỉ còn là ký ức trong những ai đã lớn lên ở đó. Một số căn nhà vẫn hiện diện, nhưng đã khoác lên diện mạo mới, hòa mình vào nhịp phát triển sôi động của đất nước, không còn giữ dáng vẻ ngày trước. Những nghề truyền thống không còn được cha truyền con nối, bởi đất nước thay đổi và cần nhân lực cho những ngành nghề mới, trong khi những đứa trẻ có cơ hội theo đuổi điều chúng yêu thích.

Ở thời bình, khu gia binh trở thành nơi sống của nhiều quân nhân đã về hưu. Cũng có nơi bị giải thể và chỉ còn được lưu giữ trong ký ức của những người từng sống ở đó.

Khi nhắc về kỷ niệm ở quân khu, những sấp người lớn lên ở đó không chỉ nhớ về những năm tháng đầy biến động, những lần phải di dời vì tình hình đất nước, hay những trò nghịch ngợm cùng bạn đồng trang lứa. Họ còn nhớ về gia đình nhỏ có cha mẹ làm trong quân đội—dù tất bật, ít gặp gỡ, nhưng vẫn luôn gắn bó keo sơn, bền chặt. Họ yêu những hy sinh của cha mẹ để phụng sự Tổ quốc, từ đó góp phần làm cho Hà Nội thêm nghĩa tình, thêm dạt dào nỗi nhớ thương. Ai nấy đều có những ký ức riêng, nhưng nhớ mãi là thứ kỷ niệm chung khi cùng sống dưới mái nhà khu gia binh và chứng kiến những thay đổi trọng đại của đất nước.