Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Màn Ảnh » Review: Nước mắt sau lớp hóa trang tuồng cổ trong 'Đoạn Trường Vinh Hoa'

Phim kết thúc, đâu đó trong phòng chiếu vang lên những tiếng thổn thức nhè nhẹ. Mắt còn ngân ngấn nước, chắc hẳn nhiều khán giả tới thưởng thức bộ phim ngày hôm ấy vẫn không khỏi ngạc nhiên rằng một bộ phim tài liệu về chủ đề tưởng như đã rất thân thuộc như cải lương lại có sức lay động mạnh mẽ đến như vậy.

Đọc bản tiếng Anh của bài viết ở đây.

Đầu tháng 11, phim tài liệu Đoạn Trường Vinh Hoa (The Glorious Pain) được công chiếu ở Sài Gòn tại Viện Trao đổi văn hoá Pháp (IDECAF). Khán phòng đông kín người tới xem đến từ mọi ngả đường, mọi lứa tuổi. Bộ phim tài liệu là dự án tâm huyết của đạo diễn Lê Mỹ Cường và người bạn đồng hành Thanh Nguyễn. Cả hai cái tên có thể không còn lạ lẫm trong giới sản xuất truyền thông, nhưng bộ phim đánh dấu hành trình đầu tiên của cả hai vào thể loại phim tài liệu điện ảnh trực tiếp (direct cinema), với mong muốn mang đến những thước phim trần trụi, trung thực để khắc hoạ một cách chân thực nhất cuộc đời của những người nghệ sĩ cải lương tuồng cổ miền Tây.

Vì khán giả tới quá đông, buổi công chiếu ở IDECAF thậm chí phải cáo lỗi với hàng chục người xem vì không đủ ghế.

Để thực hiện Đoạn Trường Vinh Hoa, hai đạo diễn trẻ dành nhiều tháng trời lăn lộn cùng những người nghệ sĩ trên sân khấu cũng như sau cánh gà trong những chuyến lưu diễn của đoàn cải lương Phương Ánh để có thể ghi lại những khoảnh khắc và chi tiết đời thường nhất. Kết thúc quá trình quay phim, Cường chắt lọc từ 100 giờ quay tư liệu xuống còn hơn 30 giờ để tiếp tục làm việc với người dựng phim. Sản phẩm cuối cùng là 50 phút phim đầy cảm xúc, đưa người xem đến với sân khấu cải lương qua những trích đoạn đặc sắc, những buổi “nhậu” sảng khoái, và cả những khoảnh khắc đời tư của gia đình những người nghệ sĩ, đôi lúc tưởng như quá thầm kín để có thể đưa lên màn ảnh. Cô đào chính một thời, nghệ sĩ Phương Ánh, nay là bà bầu của cả đoàn, chính là điểm nhấn cảm xúc của cả bộ phim, cùng với con gái bà là nữ nghệ sĩ Phương Anh (chị Hai), con rể và cháu ngoại của bà.

Nghệ sĩ Phương Ánh lui về hậu trường làm người dẫn đầu gánh hát.

Tiếp cận nghệ thuật với một tâm thế cởi mở là cách lý tưởng nhất để có thể thưởng thức những tác phẩm mà người nghệ sĩ đã dày công sáng tạo nên. Thú thật là tôi đến dự buổi công chiếu với những giả định sẵn có về cải lương và về cả đoàn làm phim. Ở Sài Gòn, ngay cả khi bạn không xem cải lương, chắn hẳn có ai đó mà bạn quen — ông bà của bạn, một người hàng xóm, hoặc dì chủ tiệm tạp hoá gần nhà — sẽ luôn mở cải lương cho chạy suốt cả tối, dù có khi chỉ mở lên để đấy thôi. Là một đứa con thành phố, tuổi thơ của tôi vẫn còn lưu dấu tiếng ca luyến láy của nghệ sĩ Kim Tử Long và Thanh Kim Huệ, mặc dù ngày ấy chẳng hiểu hay nhớ được những lời họ ca là gì.

Cải lương là bộ môn nghệ thuật sân khấu biểu diễn đậm chất Nam bộ, hoà quyện vời đời sống tinh thần của biết bao thế hệ già trẻ Việt Nam ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh lân cận. Vì vậy, tôi không khỏi có chút nghi ngờ khi biết được đoàn làm phim đến từ Hà Nội. Trên thực tế, hơn ai hết Cường ý thức được rất rõ bất lợi này của bản thân. Cường chia sẻ trong buổi giao lưu sau buổi công chiếu rằng việc một thân một mình đến mảnh đất miền Tây đầy lạ lẫm này chỉ với một chút hiểu biết ít ỏi về cải lương làm anh không khỏi cảm thấy bị “ngợp.” Cường quyết định làm điều tốt nhất mà anh có thể nghĩ ra lúc đó: mời Thanh Nguyễn tham gia cùng mình. Vào thời điểm đó, công việc của Thanh chủ yếu liên quan tới nhiếp ảnh và anh cũng chưa hề có kinh nghiệm làm phim tài liệu, nhưng anh đã đồng ý liền và lên đường bay vào nam ngay đêm hôm đó.

Đạo diễn Lê Mỹ Cường chú tâm quay một phân cảnh sau cánh gà.

Được chứng kiến thành quả lao động sáng tạo của Cường và Thanh, những định kiến ban đầu đã tan biến, giờ đây tôi tin rằng họ đã không chỉ vượt qua được trở ngại đó, mà còn biến nó trở thành thế mạnh cho mình. Lao đầu vào một đề tài mới mẻ không bị bó buộc bởi những niềm tin giả định từ trước, hai nhà làm phim trẻ đã có thể tiếp cận cải lương tuồng cổ bằng những góc nhìn mới mẻ và không bị rơi vào lối mòn của kịch bản kể chuyện đã có. Những ngày đầu khi Cường và Thanh bày tỏ sự hứng thú và ngỏ ý muốn được quay phim, các thành viên trong đoàn Phương Ánh cũng hình thành cho riêng họ những giả định về hai chàng trai.

Cường cho biết, bản thân những người nghệ sĩ cũng không xa lạ gì với việc lên hình, bởi đã có biết bao kênh truyền hình, phóng viên tìm đến họ để làm những phóng sự ngắn về cải lương rồi lại nhanh chóng rời đi. Qua nhiều năm, họ đã trở nên “điêu luyện” trong nghệ thuật giao tiếp với truyền thông, biết cách tô vẽ cho câu trả lời của mình, thậm chí còn chủ động gợi ý cho Cường và Thanh nên thực hiện phỏng vấn vào lúc nào và như thế nào cho tốt. Phải mất một vài tháng, sau khi chứng kiến hai kẻ cứ kiên trì lẽo đẽo đi theo đoàn ngày này qua ngày khác, họ mới dần nhận ra rằng hai nhà làm phim đang theo đuổi một thể loại ghi hình rất khác biệt với trước đây.

Các thành viên đoàn cải lương đang chuẩn bị trước một đêm diễn ở sân đình.

Để theo đuổi phong cách tài liệu điện ảnh trực tiếp với đặc trưng là không dàn xếp hay lên kịch bản trước, Cường và Thanh dành một vài tháng đầu tiên chỉ để tạo mối kết nối với các nhân vật trong gánh hát — mà cũng chính là một đại gia đình — phá vỡ bức tường ngăn cách những con người ở đằng trước và sau ống kính. Và nỗ lực ấy đã được đền đáp: những gì chúng ta được chứng kiến trên màn ảnh là một chuỗi không gián đoạn hình ảnh thu lại từ máy quay về những khoảnh khắc gắn kết ở bên trong đoàn cải lương, đại gia đình Phương Ánh. Tôi không thể nào quên một khoảnh khắc trong Đoạn Trường Vinh Hoa, sau khi chị Hai, đào chính của gánh hát, kết thúc một lớp diễn dài trên sân khấu. Chị lao vào khu vực nghỉ phía sau cánh gà, tháo bỏ lớp hoá trang lấp lánh, bật cây quạt con và nằm xuống nghỉ, hơi thở của chị nặng nề và ánh mắt chị đầy mệt mỏi. Nó tưởng chừng là một cảnh quay hết sức giản dị, nhưng chính sự đơn giản của nó lại hé lộ khoảnh khắc mong manh hiếm thấy và gần như đối nghịch hoàn toàn với một chị Hai đầy mạnh mẽ, quyết đoán được thể hiện ở phần đầu của bộ phim.

Các nghệ sĩ trang điểm trước khi ra sân khấu.

Nếu như không có sự thân thuộc, tự nhiên ấy của nhân vật trước ống kính, mà hai nhà làm phim đã thiết lập nên từ đầu, người xem có thể sẽ không bao giờ được chứng kiến những thước phim quý giá khắc hoạ nỗi nhọc nhằn mà những người nghệ sĩ phải chịu đựng để được đứng sân khấu cải lương. Xuyên suốt bộ phim, Đoạn Trường Vinh Hoa hiếm khi ghi nhận sự có mặt của chiếc máy quay hoặc sử dụng đến hình thức phỏng vấn, trừ hai khoảnh khắc quan trọng mà dường như chứa đựng trong đó toàn bộ sức nặng của cả bộ phim — chính là hai đoạn phỏng vấn bà bầu Phương Ánh. Phần lớn bộ phim xảy ra theo đúng diễn biến đời thực, với sự biên tập tối thiểu hay chỉnh sửa từ cả người làm phim lẫn nhân vật, một điều mà tôi hết sức trân trọng. Nó cho phép người xem được tự do diễn giải và có những đánh giá của riêng mình về những sự kiện đang được trải bày ra trước mắt mình. Một khoảnh khắc rất đáng yêu khác trên phim là khi cô Phương Ánh phá vỡ bức tường thứ tư* bằng việc gọi Cường — lúc này vẫn đang quay phim — bằng chính tên của anh để nhờ bê giúp một thùng đồ vật dụng sân khấu; cô Ba còn tự giễu việc mình sai vặt mấy “anh VTV” như “người ở.”

Tại buổi chiếu mở màn ở Sài Gòn, Lê Mỹ Cường (giữa) và Thanh Nguyễn (phải) chia sẻ rất nhiều mẩu chuyện xảy ra trong quá trình làm phim.

Cao trào của bộ phim đến một cách bất ngờ và ào ạt, như một “cú đấm” thẳng vào mặt. Cường thành thật chia sẻ rằng đó hoàn toàn là một sự trùng hợp, khi mà anh được biết về gánh hát vào đúng thời điểm để có thể chứng kiến khoảnh khắc định mệnh khi biến cố xảy ra. Dù sao đi nữa, biến cố ấy và những gì xảy đến sau đó ghi dấu một cách mạnh mẽ lên nghệ sĩ Phương Ánh, gia đình của bà, và khiến người xem chúng ta phải bật khóc. Tôi sẽ không tước mất của bạn đọc niềm vinh dự được tự mình chứng kiến đoạn kết ấy bằng việc viết về nó ở đây; bạn hãy ra rạp và đặt ngay một tấm vé cho mình.

Đoạn Trường Vinh Hoa đã đạt được rất nhiều thứ vượt trên cả kỳ vọng ban đầu là giúp đưa một nền nghệ thuật đang dần bị mai một đến với đông đảo công chúng; nhưng đối với cá nhân tôi, bộ phim là một thành công đầy ấn tượng, đã phá bỏ hoàn toàn những giả định từ tất cả các bên liên quan. Giả định của những nghệ sĩ cải lương về những người làm phim khi lần đầu gặp gỡ đã dần dần biến mất sau nhiều tháng sinh hoạt, làm việc và gắn kết cùng nhau. Chính cô Phương Ánh đã thể hiện sự trìu mến của mình với Cường và Thanh tại buổi công chiếu. Mỗi người xem đến với buổi chiếu phim chắc hẳn cũng mang trong mình những giả định sẵn có về “cải lương.” Dù trước khi xem phim, tôi cũng biết rằng trong xã hội hiện đại này, những người nghệ sĩ cải lương đã phải vật lộn rất nhiều để vừa kiếm sống, vừa giữ lửa cho niềm đam mê của mình, nhưng Đoạn Trường Vinh Hoa đã cho tôi thấy những gì tôi hiểu về nỗi nhọc nhằn của họ còn hết sức nông cạn.

Hình ảnh tương phản giữa sân khấu hoành tráng và cảnh xuề xòa phía sau cánh gà.

Tôi vốn luôn ngưỡng mộ những nét “vinh hoa” của cải lương — phục trang lung linh, nốt luyến láy rất "mùi" cuối mỗi câu ca vọng cổ được ngân lên thanh thoát, sân khấu rực rỡ ánh đèn, và nhiều hơn thế nữa — nhưng “đoạn trường” thì chưa bao giờ được khắc hoạ sống động và chân thực được như trong Đoạn Trường Vinh Hoa. “Đoạn trường” không chỉ là nỗi trăn trở vô hình khi rạp ít khách hay đoàn thiếu người nối nghiệp, nó còn là nỗi đau thể xác dần dần cắt vào da thịt, kiệt quệ dần sau mỗi buổi diễn muộn, sau mỗi bữa cơm không kịp ăn, sau mỗi tháng lương không đủ để mua đồ bồi bổ. Như lời đạo diễn phim chia sẻ tại buổi công chiếu, câu chuyện được phơi bày qua bộ phim tài liệu này đặc biệt không chỉ bởi vì cái cách các chi tiết dần dần được hé lộ — dù hành trình phi thường của gánh hát Phương Ánh thực sự là một câu chuyện đáng được kể và được xem — mà còn bởi vì cách bộ phim chạm đến vấn đề "nhức nhối" của người làm nghệ thuật ở Việt Nam. Còn rất nhiều người nghệ sĩ cải lương vẫn đang ngày ngày chống chọi với bệnh tật và nghèo đói để có thể giữ nghề. Đó cũng là những vấn đề chung không chỉ của cải lương mà còn của nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn và thủ công truyền thống khác đều đang rất cần được chúng ta quan tâm và gìn giữ.

Nhiều khán giả không cầm được nước mắt khi xem phim.

Chúng ta không khỏi chạnh lòng khi nghĩ tới nền phim tài liệu ở nước ta, một thể loại khá kén người xem và do đó cũng có ít cơ hội được đến với khán giả đại chúng ở rạp. Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu rất khả quan trong nhưng năm gần đây khi nhiều dự án phim tài liệu có thực lực, từ Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng cho tới Đi tìm PhongĐoạn Trường Vinh Hoa, đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ cả giới chuyên môn lẫn khán giả bình dân. Về Đoạn Trường Vinh Hoa, phim đã đi gần hết quãng đường hai tuần của mình tại các rạp BHD trên toàn quốc với doanh thu 100 triệu tính tới thời điểm bài viết được đăng. Như ekip đã thông báo trước đó, số tiền này sẽ được trao cho đoàn cải lương Phương Ánh và để thực hiện các hoạt động để bảo tồn nghệ thuật cải lương tuồng cổ. Đây có thể là một con số khiêm tốn khi so với các phim bom tấn khác, nhưng nó thể hiện một niềm yêu thương nồng ấm của khán giả không những đối với cải lương, mà còn đối với tấm lòng của những nhà làm phim thật sự có tâm để ghi lại những câu chuyện tưởng như quá đời thường để có thể được xuất hiện trước ống kính hào nhoáng.

*“Bức tường thứ tư” là một quy ước trong nghệ thuật biểu diễn, để chỉ bức tường vô hình ngăn cách giữa người nghệ sĩ/diễn viên và khán giả.

Đoạn Trường Vinh Hoa đang được chiếu tại các rạp thuộc cụm BHD trên toàn quốc từ 13 tới 26 tháng 11 trước khi lên sóng truyền hình quốc gia. Thông tin đặt vé ở đây.

Bài viết liên quan

in Màn Ảnh

Tháng 2 này, lễ hội điện ảnh Nhật Bản chiêu đãi khán giả Việt với 20 phim xuất sắc

Trong hai tuần cuối tháng 2 này, khán giả Việt sẽ được chiêu đãi đại tiệc điện ảnh với 20 “món ngon” đến từ xứ sở hoa anh đào trong khuôn khổ Liên hoan phim Nhật Bản trực tuyến 2022.

in Màn Ảnh

Hành trình vực dậy tình yêu điện ảnh của đạo diễn trẻ Lê Lâm Viên

Năm 12 tuổi, Lê Lâm Viên lần đầu tiên được trải nghiệm cảm giác xem phim tại rạp chiếu bóng. Ngay lập tức, cậu bé thấy mình như được “dịch chuyển” đến một chiều không gian khác — một thế giới mà kể từ...

in Màn Ảnh

Lớp Mơ Phim: Lớp học cảm thụ cho dân ghiền phim và hơn thế nữa

Vào đầu tháng 12 vừa qua, sự kiện Phá án cùng phim do dự án giáo dục Lớp Mơ Phim điều phối đã được diễn ra dưới sự tài trợ của Lãnh sứ quán Hoa Kỳ. Là một người yêu nghệ thuật, khi đọc dòng quảng bá “...

in Màn Ảnh

Phim hài lãng mạn về Việt Nam do Netflix sản xuất chuẩn bị bấm máy quay

Lấy bối cảnh ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Hội An và Hà Giang, A Tourist's Guide to Love sẽ là bộ phim quốc tế đầu tiên được quay ở Việt Nam từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

in Màn Ảnh

Từ 'Anh em nhà bác sĩ' đến Netflix: Phim Hàn là sợi dây gắn kết mẹ và tôi

Rất lâu trước khi series Squid Game của Netflix trở thành hiện tượng xuyên lục địa, đưa truyền hình Hàn Quốc lên bản đồ thế giới, khán giả châu Á, đương nhiên có cả Việt Nam, đã bị mê hoặc bởi hàng lo...

in Màn Ảnh

Đạo diễn Charlie Nguyễn làm phim về cuộc đời huyền thoại tình báo Phạm Xuân Ẩn

Cuộc đời của vị tướng tình báo nổi tiếng nhất Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn, sắp được kể lại trên màn ảnh rộng.