Vào đầu tháng 12 vừa qua, sự kiện Phá án cùng phim do dự án giáo dục Lớp Mơ Phim điều phối đã được diễn ra dưới sự tài trợ của Lãnh sứ quán Hoa Kỳ. Là một người yêu nghệ thuật, khi đọc dòng quảng bá “đây là một trải nghiệm phim mới,” tôi đã muốn tham gia ngay lập tức, tò mò không biết cái "mới" của họ là gì.
Không chỉ rèn luyện kỹ cảm thụ phim
Tôi có dịp tham gia một số sự kiện chiếu phim cộng đồng và kịch bản thông thường sẽ diễn ra như sau: MC giới thiệu chương trình, sau đó một bộ phim sẽ được bật lên chiếu, cuối cùng sẽ có một phần thảo luận ngắn rồi khán giả đi về. Ngoài nhu cầu tìm hiểu thêm về phim nói riêng và nghệ nói chung, tính kết nối là một trong những lý do ra đời của những sự kiện kiểu vậy. Tuy vậy, trên thực tế, độ tương tác của khán giả trong các sự kiện này không được cao, rời rạc và dễ rơi vào tranh cãi nếu không được điều phối hợp lý.
Thực ra, Phá án cùng phim có thể coi là một buổi chiếu phim, nhưng đúng hơn thì nên gọi là một buổi "thử làm thám tử." Bởi lẽ khán giả sẽ không được xem trọn vẹn bộ phim một cách bình thường, mà chỉ được xem những trích đoạn phim mô tả về một vụ án, sau đó sẽ đóng vai một thám tử đi thu thập dữ liệu để tìm ra hung thủ gây ra tội ác. Như vậy khán giả không chỉ đến đó ngồi xem xong là về, mà sự kiện đã được thiết kế để người xem tương tác với tác phẩm. Tại phần thảo luận, khán giả còn được dẫn dắt thảo luận chủ đề tin giả (fake news) vốn gây ảnh hưởng lớn tới thế giới trong các năm qua, từ đó suy nghĩ sâu hơn về vấn đề. Một giá trị khác mà cá nhân tôi thu nạp được sau buổi chiếu phim còn là khám phá thêm về bản thân và những người bạn mới bởi việc lựa chọn ai là hung thủ có thể phản ánh lối suy nghĩ và tư duy vấn đề của từng người. Từ một trải nghiệm cứ ngỡ thụ động, nhưng dưới sự điều phối của Lớp Mơ Phim đã trở nên chủ động và mới mẻ hơn rất nhiều. Sau trải nghiệm khá lạ này, tôi tò mò tìm hiểu mô hình của đơn vị tổ chức và được giới thiệu gặp Thành Trung — đồng sáng lập dự án.
Trung chia sẻ về ý nghĩa của lớp Phá án phim: “Trong thời kỳ nhiễu loạn thông tin hiện nay, chúng ta đang dần chuyển dịch từ việc chủ động đi tìm thông tin sang việc thụ động tiếp nhận. Việc này dễ dàng làm chúng ta hạ thấp tấm khiên bảo vệ mình và để những thông tin không đúng sự thật xâm nhập. Nhóm quyết định làm sự kiện này với mục đích để mọi người có thêm cơ hội rèn giũa tư duy phân tích khi đón nhận thông tin, tránh sa đà vào những nguồn thông tin vô căn cứ, có thể tạo ra những mối nguy cho chính bản thân mình, gia đình hoặc xã hội.”
Là một người làm nghề thẩm định phim và có thâm niên hơn 10 năm trong mảng điện ảnh và nghệ thuật, Trung luôn muốn tìm ra những phương cách mới để sử dụng chất liệu phim nhằm truyền tải những thông điệp này theo hướng giải trí, tương tác, khiến khán giả dễ dàng ghi nhớ hơn. "Ai cũng đã từng xem phim và hiểu các thông điệp của nó," anh chia sẻ. "Do vậy phim là một phương thức tuyệt vời để Lớp Mơ Phim truyền tải các thông điệp đa ngành tới cộng đồng vì các sự kiện cộng đồng của nhóm không phải chỉ dành cho những người mê phim, mà luôn cố gắng mở rộng ra bên ngoài thế giới phim, tới những vấn đề xã hội ở nhiều ngành khác nhau."
Đây không phải là lần đầu tiên Lớp Mơ Phim đem tới những sự kiện “kỳ cục” này tới cộng đồng. Trước đó, chuỗi sự kiện Triết học bom tấn đã được tổ chức tới bốn lần ở Sài Gòn và Hà Nội, đào sâu vào tính triết học trong các bộ phim bom tấn mà đôi khi khán giả có thể bỏ qua, xem nhẹ. Hay như khóa cảm thụ phim Lim dim — một khóa học ngắn hạn hướng dẫn khán giả đi tìm những lớp ý trên phim và đi sâu vào trong tâm trí người làm phim — cũng được xây dựng theo phong cách mới để mọi đối tượng khán giả dễ dàng đón nhận và vận dụng.
Dự án giáo dục hướng tới cộng đồng
Lớp Mơ Phim là một dự án giáo dục nghệ thuật độc lập mới được thành lập tại Sài Gòn đầu năm 2020 dưới sự góp sức của hai người trẻ. Trong đó, Thành Trung là một trong những cây bút chuyên về phim đầu tiên ở Việt Nam (từ năm 2008 dưới bút danh Trung Rwo), từng dành học bổng của Quỹ Ford để tham dự khóa học Nghiên cứu Phim. Đồng hành với anh là Ngọc Linh, dày dặn kinh nghiệm giảng dạy và thiết kế khóa học. Nhóm đã tổ chức nhiều buổi chiếu phim, thảo luận theo nhiều format khác nhau, đồng thời thường xuyên tổ chức khóa học cảm thụ phim Lim dim. Chia sẻ về ý tưởng thành lập, Trung tâm sự: “Trong những buổi tán gẫu với bạn bè, đôi khi chủ đề xoay về một bộ phim nào đó và mình thấy nhiều bạn cảm thấy bối rối khi không hiểu vì sao bạn bè mình lại chê bai những bộ phim mà mình thích, hoặc ngược lại là khen ngợi những phim mà mình thấy dở. Do đó, mình suy nghĩ đến việc mở một khóa học nho nhỏ về cảm nhận phim để tất cả mọi người dù theo ngành phim hay không cũng có thể 'đọc vị' các bộ phim và hiểu hơn về gu phim của mình cũng như của người khác.”
Tò mò, tôi đã quyết định tham gia vào khóa học Lim dim để hiểu hơn về những sự mới mẻ mà Lớp Mơ Phim có thể đem tới. Thông thường, khi học ở phổ thông và đại học, các thầy cô sẽ đứng ở vị trí trung tâm của lớp và giảng những điều thú vị trong sách và ngoài xã hội mà họ biết, sau đó các học sinh, sinh viên sẽ ghi chép và làm bài tập. Nhưng, trải nghiệm học tập ở khóa học Lim dim lại hoàn toàn khác bởi người học mới là trung tâm của buổi học, chứ không phải thầy cô! Rất nhiều hoạt động tương tác diễn ra trong lớp; người hướng dẫn khóa học không cố gắng áp đặt những câu trả lời tới người học, mà chỉ khơi dậy điều đó mà thôi. Tự bản thân người học như mình có thể chủ động tìm ra đáp án dưới sự hướng dẫn. Cá nhân tôi thấy bất ngờ khi tư duy, suy nghĩ của bản thân về nghệ thuật và cuộc sống thay đổi sau mỗi buổi học, từ trân trọng hơn công sức của những người làm nghề.
Ngọc Linh chia sẻ: “Ở vị trí người làm chương trình, mình luôn tâm đắc với triết lý giáo dục kiến tạo (constructivism). Theo đó, mỗi người đều có một hành trang trải nghiệm, hiểu biết độc đáo khác nhau và tất cả chúng ta sẽ cùng nhau khám phá, đóng góp để ghép được bức tranh toàn cảnh của bài học. Vì thế, phương pháp hướng dẫn áp dụng trong khoá Lim dim và mọi sự kiện của nhóm sẽ là khám phá có chỉ dẫn (guided discovery). Phương pháp này biến người học từ những người nghe thụ động trở thành người chủ động tìm ra lời giải cho vấn đề được đưa ra, tin tưởng hơn vào bản thân và những nhận định vốn đã rất hay ho của mình.”
Sau sự thành công của khóa học cảm nhận phim, Trung và Linh sẽ tiếp tục mang đến những khóa học mới mẻ, vừa mang tính giải trí vừa bổ ích tới mọi người trong năm 2021. Linh chia sẻ: “Quan trọng nhất vẫn là việc nắm được gốc rễ của vấn đề. Bên cạnh những khóa chuyên sâu hơn cho các bạn yêu phim, Lớp Mơ Phim sẽ còn hướng đến những lĩnh vực khác trong cuộc sống để mọi người có thể tiếp cận những tư duy mới để từ đó linh hoạt hơn, tự chủ hơn và dễ thích nghi hơn trong thời đại nhiều đổi thay này.”
"Ngoài ra, Lớp Mơ Phim mong sẽ làm được những buổi cảm nhận nghệ thuật đầu tiên cho những nhóm trẻ em gặp khó khăn về nhận thức, hay có hoàn cảnh khó khăn. Tụi mình mong nghệ thuật sẽ được thể hiện vai trò của nó hơn nữa, đó là xoa dịu và truyền cảm hứng cho tất cả mọi người trong cuộc sống dù họ là ai, đến từ đâu. Dù đã có kinh nghiệm làm việc với trẻ em, nhưng đây vẫn sẽ là một khó khăn và thách thức mới với nhóm."
Dù theo đuổi mô hình giáo dục nghệ thuật mới mẻ hoàn toàn mới lạ, dự án lại nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ cộng đồng bạn trẻ. Khóa học được thiết kế thông minh với trọng tâm vào cảm thụ nghệ thuật văn minh và tính kết nối cộng đồng. Trong tương lai, nếu Lớp Mơ Phim "ăn nên làm ra," tôi cũng không lấy làm bất ngờ vì những sự kiện của nhóm không chỉ dành riêng cho người yêu thích môn nghệ thuật thứ 7 mà còn là tọa độ kết nối những người có tư duy cởi mở — mà cả hai đối tượng này đều không phải là thiểu số ở Sài Gòn.