Bộ phim hoạt hình Raya và Rồng thần cuối cùng của Disney ra mắt vào tháng 3 vừa qua đã giới thiệu được nét đẹp văn hóa Á Đông đến với khán giả toàn cầu. Raya là công chúa mang trong mình dòng máu Đông Nam Á đầu tiên trong lịch sử 98 năm của hãng phim Walt Disney và còn là một công chúa với cá tính vô cùng khác biệt.
Đọc bản gốc tiếng Anh của bài viết do diaCRITICS thực hiện tại đây.
Ngay từ phân cảnh đầu tiên, ta thấy cô công chúa nhỏ sử dụng một cặp gậy tre (baston), vũ khí đặc trưng của môn võ Arnis đến từ Philippines. Xuyên suốt bộ phim, Disney đã lồng ghép rất nhiều chi tiết thú vị nhằm tôn vinh sự đa dạng của văn hóa Đông Nam Á. Phóng viên của diaCRITICS đã có dịp trò chuyện trực tuyến với biên kịch Quí Nguyễn, người đã góp phần viết nên câu chuyện của Raya, để tìm hiểu về quá trình làm phim và trải nghiệm của anh với tư cách là một biên kịch người Mỹ gốc Việt.
Đầu tiên, anh có thể cho biết cơ duyên nào đã đưa anh đến với Raya và Rồng thần cuối cùng cũng như nguồn cảm hứng để làm bộ phim này xuất phát từ đâu?
Về cơ bản thì quá trình làm một bộ phim ở Disney sẽ diễn ra như sau: khi các nhà làm phim có được một ý tưởng, họ sẽ bắt đầu công việc nghiên cứu kỹ lưỡng về bối cảnh lịch sử-văn hóa xoay quanh ý tưởng đó.
Khoảng sáu năm trước, một nhóm các nhà làm phim và họa sĩ hoạt hình của Disney đã đến Đông Nam Á để tìm kiếm ý tưởng. Họ bị thu hút bởi văn hóa địa phương và tìm được nguồn cảm hứng cho câu chuyện tiếp theo của mình.
Tôi nghĩ những yếu tố đã thu hút họ bao gồm: 1) Nền văn hóa ít được xuất hiện trên màn ảnh rộng phương Tây, và chưa từng làm bối cảnh cho câu chuyện nào của Disney; 2) Họ muốn kể một câu chuyện hào hùng về loài rồng, cụ thể là hình tượng thần rồng Naga trong văn hóa Đông Nam Á.
Mọi chuyện bắt đầu từ đó. Và theo tôi nghĩ, một nguồn cảm hứng khác chính là những khác biệt trong câu chuyện về người anh hùng của Đông Nam Á so với phương Tây. Ở phương Tây, đó là câu chuyện về một người hoặc một nhóm người mang sứ mệnh bảo vệ cộng đồng. Còn ở Đông Nam Á, hình ảnh người hùng chính là cộng đồng: “Cùng nhau, chúng ta sẽ giải cứu thế giới, vì chúng ta chính là thế giới ấy.” Tinh thần này đã truyền cảm hứng cho Disney và họ muốn thể hiện nó trong tác phẩm của mình.
Sáu năm trước, Disney đã bắt đầu xây dựng thế giới của bộ phim mà khán giả biết tới qua cái tên Kumandra. Trước tiên, họ tạo hình nhân vật, phác thảo khung cảnh thiên nhiên và công trình kiến trúc. Đây chính là phép màu của Disney. Khi bộ phim đã được phát triển trong bốn năm rưỡi. Tức là cách đây một năm rưỡi, cơ hội tham gia đã mở ra với tôi, Don Hall, và Carlos López Estrada. Chúng tôi đã rất vui mừng. Với cá nhân tôi đây là cơ hội để tôi góp sức mình vào câu chuyện nữ anh hùng mang dòng máu Đông Nam Á mà tôi chưa từng được thấy trên màn ảnh. Hơn nữa, tôi cũng muốn gửi tặng câu chuyện này cho các con của mình.
Trong quá trình làm việc, Don là người dẫn dắt nhóm, dựng nên khung xương cho câu chuyện. Việc này hoàn toàn phù hợp vì anh ấy là một nhà làm phim dày dạn kinh nghiệm. Còn Carlos và tôi là người mới, nên chúng tôi giữ vai trò “đắp thịt đắp da” cho câu chuyện. Tôi nghĩ đó là sự kết hợp tuyệt vời giữa nhân lực nòng cốt của Disney và những màu sắc mới mẻ như tôi và Carlos. Chúng tôi thường đề xuất những ý kiến như “Này, tôi cảm thấy chi tiết này rất quan trọng,” hay là “Anh nghĩ làm theo cách này thì sao?” Và như thế câu chuyện dần dần được hoàn thiện. Nhưng đối với tôi, đây còn là cơ hội mang dấu ấn cá nhân với tư cách là một người Mỹ gốc Việt, muốn tuổi thơ của con mình có những người hùng thú vị như thế.
Anh có thể kể về hành trình làm phim và viết kịch bản của bản thân trước khi tham gia bộ phim này?
Tôi xuất thân là biên kịch sân khấu. Tôi có một công ty kịch nghệ mang tên Vampire Cowboys, tại đây chúng tôi tạo ra những nhân vật siêu anh hùng lấy cảm hứng từ những người không bao giờ dám nghĩ mình sẽ trở thành siêu anh hùng. Chúng tôi có những anh hùng là phụ nữ, là người thuộc cộng đồng LGBTQIA và người da màu. Từ nền tảng đó, tôi bước vào lĩnh vực truyền hình và điện ảnh, cuối cùng là tham gia Chương trình Biên kịch của Marvel Studios.
Trước khi hợp tác với Disney, tôi đã viết nhiều kịch bản về các anh hùng nên không cảm thấy bỡ ngỡ. Trong số đó, nhiều nhân vật là người Châu Á và sử dụng kiếm. Với Raya, tôi đã được đóng góp nhiều vào nhiều khâu từ giọng nói của nhân vật, âm thanh, cảm giác và tông điệu hài hước của bộ phim. Bộ phim là công sức chung của hơn 450 con người. Trong đó, rất nhiều điểm nhấn văn hóa và câu chuyện cá nhân được đóng góp bởi đồng nghiệp của tôi là Adele Lim, biên kịch của bộ phim Crazy Rich Asians.
Trong bộ phim này, tôi cũng đã được thể hiện tình yêu của mình dành cho các siêu anh hùng. Cốt lõi của Raya và Rồng thần cuối cùng là một bộ phim siêu anh hùng hay phim hành động. Điều đó thật tuyệt vời, vì Raya hoàn toàn có năng lực làm Avenger phải không nào? Raya giỏi võ, lại còn sở hữu thanh kiếm của riêng mình. Tôi tin rằng nếu đặt cô ấy cạnh Góa phụ đen hay bất kỳ siêu anh hùng nào khác thì cô công chúa này cũng không hề kém cạnh.
Với mô tả đó, có lẽ bạn nghĩ rằng câu chuyện sẽ có kết cục giống như hầu hết những bộ phim siêu anh hùng khác, đó là các anh hùng sẽ hiệp lực đánh bại kẻ xấu. Nhưng cái hay của Raya chính là sự bứt phá khỏi mô típ quen thuộc và khiến khán giả bất ngờ khi cho họ thấy sức mạnh thực sự của cô gái lại không nằm ở nắm đấm hay đường quyền mà thể hiện qua hành động của sự cảm thông và lòng dũng cảm. Cô ấy đã chủ động bước tới bên người được xem là kẻ thù của mình, và chọn cách tin tưởng dù không có lý do gì để tin, cô đã nói: “Này, chúng ta hãy cùng nhau cứu thế giới.”
Đó là hành động mà tất cả những người bình thường không có siêu năng lực như chúng ta, đều có thể làm được. Điều khiến tôi cực kỳ phấn khích về bộ phim đó là chúng ta có thể liên hệ bản thân với câu chuyện. Giống các bộ phim Disney khác mà tôi yêu thích, như Zootopia nói về định kiến xã hội, và Big Hero 6 nói về nỗi đau mất người thân, Raya cho phép tôi kể cho con mình nghe về khoảng thời gian mà chúng ta đang sống. Trong câu chuyện, sự sống của người dân Kumandra đang bị đe dọa bởi Druun. Còn trong thực tại, chúng ta đang bị đe dọa bởi đại dịch COVID-19.
Đồng thời, tôi cho rằng, trong thời điểm nạn kỳ thị người Mỹ gốc Á đang diễn ra phức tạp thì cần có những câu chuyện như vậy để giúp chúng ta có thêm sức mạnh và giúp con cái của chúng ta xây dựng được niềm tin rằng chúng cũng có thể trở thành anh hùng.
Việc viết kịch bản phim điện ảnh có gì khác với viết kịch bản sân khấu anh từng làm trước đây?
Nhiều người đã rất ngạc nhiên khi biết tôi làm việc tại Disney, vì tôi thường viết về siêu anh hùng. Văn phong của tôi khá sắc, vì thế các fan của tôi đã rất ngạc nhiên khi tôi viết về một nàng công chúa Disney và không dùng những ngôn từ nhạy cảm.
Công việc sân khấu đòi hỏi sự phối hợp cao độ nhưng làm việc ở Disney thì sự phối hợp ấy còn cao hơn gấp nhiều lần. Tôi chưa từng chứng kiến mức độ phối hợp ấy khi còn làm ở sân khấu. Đối với phim truyền hình, kịch sân khấu, và cả phim chuyển thể, công việc của biên kịch là ngồi một góc và viết kịch bản, rồi đưa kịch bản cho đạo diễn để họ làm thành bộ phim. Người biên kịch chỉ cung cấp bản thảo. Thế nhưng, ở Disney, quá trình làm việc diễn ra rất lâu, và kịch bản luôn được chỉnh sửa. Xuyên suốt mỗi công đoạn, tôi luôn được làm việc với các họa sĩ, đạo diễn và diễn viên lồng tiếng. Tôi cũng đóng vai trò tư vấn võ thuật và làm việc trực tiếp với các họa sĩ để biên đạo các cảnh chiến đấu.
Đạo diễn xong việc thì tôi mới xong việc, vì vậy không có cái kiểu bàn giao công việc “Này, kịch bản đây, tôi xong rồi nhé.” Công việc ấy vô cùng thử thách vì tôi phải tham gia sâu vào quá trình nhiều hơn tưởng tượng. Nhưng đó cũng là một trải nghiệm khiến tôi vô cùng hài lòng vì toàn bộ các khâu đều có sự đóng góp của mình.
Hơn 450 nhân sự trong dự án phim này, mỗi biên kịch, họa sĩ, nhà thiết kế đều đặt một phần tâm hồn mình vào bộ phim. Vì vậy, mỗi nhân vật trong phim đều là con của hơn 450 người cha người mẹ. Điều đó khiến bộ phim trở nên thật tuyệt vời. Chúng tôi thực hiện một tác phẩm có thể vượt qua thử thách của thời gian và sẽ còn được đón nhận trong 10, 20, 30 năm nữa, và tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều trẻ em ước mơ trở thành anh hùng. Điều tuyệt vời là để thực hiện mục tiêu này, chúng tôi phải hợp sức với nhau, giống như thông điệp của bộ phim. Không một nghệ sĩ nào có thể thực hiện điều này một mình.
Anh có nói đến việc bộ phim sẽ vượt qua thử thách của thời gian, vậy anh nghĩ dấu ấn văn hóa Đông Nam Á ấy sẽ như thế nào trong 10 năm hay 20 nữa?
Đây là lần đầu tiên tôi làm một bộ phim của Disney, nhưng tôi biết rất rõ những bộ phim của Disney có sức ảnh hưởng văn hóa mạnh mẽ. Giống như Người đẹp và Quái vật, Aladdin, Vua Sư Tử và Nữ hoàng băng giá, vốn đã trở thành một phần của nền văn hóa toàn cầu mà tất cả chúng ta đều biết tới. Tôi thấy rất vui vì mình có thể tham gia một bộ phim có sức ảnh hưởng đến xã hội, và còn góp phần tôn vinh nền văn hóa Đông Nam Á.
Thường thì lũ trẻ nhà tôi khi xem những nhân vật siêu anh hùng trên màn ảnh đều thấy không giống mình. Vì thế nên khi chơi trò đóng vai, chúng chỉ có thể tự gọi mình là “Người nhện châu Á”, “Captain America châu Á” hay “Báo đen châu Á.” Tôi muốn tạo ra một nhân vật mà các con tôi có thể nói “Ồ, mình chỉ cần là Raya thôi." Lúc đó thì những người bạn màu da khác sẽ muốn đóng vai cô ấy.
Cách đây vài ngày, tôi đã có được kỷ niệm thú vị trong quá trình làm phim. Khi bộ phim ra mắt, chúng tôi chia sẻ với gia đình một người bạn, tất cả họ đều là người da trắng. Những đứa trẻ đang chơi ngoài sân đều tranh nhau ai sẽ là Raya và Namaari. Chúng còn toàn là bé trai. Lũ trẻ đã muốn trở thành những người hùng không cùng giới tính và sắc tộc với mình. Điều này sẽ trở thành một kỷ niệm tuyệt vời trong tuổi thơ của các con tôi, khi mà chúng nói rằng “Con muốn được giống như cô ấy.” Tôi đã muốn được nói như thế khi còn nhỏ và giờ đây tôi có thể nhìn thấy con mình làm điều đó nên thấy vô cùng hạnh phúc. Hy vọng rằng bộ phim này sẽ khơi dậy ước mơ làm người hùng của các con.
Về lâu dài, tôi hy vọng rằng 20 năm nữa, sẽ có thêm nhiều bộ phim như Raya và Rồng thần cuối cùng ở Hollywood, với nhân vật trung tâm là người châu Á. Thật tuyệt vời khi chúng tôi được là người mở đường cho những điều tốt đẹp như vậy diễn ra trong tương lai. Chẳng ai muốn làm người tiên phong rồi chẳng có ai nối bước cả. Tôi muốn xem nhiều bộ phim do Kelly Marie Trần đóng chính, không chỉ phim này mà nhiều phim khác nữa. Và tôi cũng mong đợi sự xuất hiện của nhiều người như Kelly Marie Trần.
Là người Mỹ gốc Á, cụ thể là gốc Việt, bạn sẽ không dễ nhận được sự ủng hộ từ gia đình khi muốn theo đuổi nghệ thuật. Mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu có một tấm gương thành công trong cộng đồng của mình. Bởi vì đó là câu hỏi mà bố mẹ tôi thường hỏi khi tôi nói mình muốn trở thành một biên kịch. Bố mẹ hỏi: "Con thử kể tên một biên kịch gốc Việt ở đây xem?" Và tôi đã trả lời: “Con không biết” và thế là bố mẹ tôi kết luận rằng: “Bởi vì chúng ta không sinh ra để làm biên kịch.”
Khi nhắc lại chuyện này thì rất gần đây thôi bố mẹ tôi đã nói: “À, bố mẹ nhớ đã hỏi con rất nhiều lần. Hãy kể tên người nào đó. Và giờ thì người đó chính là con."
Và bây giờ nếu bạn biên kịch trẻ nào gặp hoàn cảnh tương tự, tôi tin các bạn sẽ nói: “Có đấy, anh Quí đó làm được thì con làm được” hay “chị Kelly đã làm được thì con cũng có thể làm được.” Vì vậy, giá trị của bộ phim này đối với tôi thực sự rất quan trọng. Nhưng một lần nữa, tôi không muốn là người đầu tiên và duy nhất. Tôi muốn trở thành một trong những người đầu tiên của một danh sách viết mãi không ngừng, và tôi hy vọng khoảnh khắc này thật sự có ý nghĩa như vậy.
Anh có lời khuyên nào dành cho những người trẻ Mỹ gốc Việt hoặc gốc Đông Nam Á muốn làm nghệ thuật nói chung và trở thành biên kịch hoặc một nhà sản xuất sân khấu nói riêng?
Tôi có cùng một lời khuyên dành cho họ. Tôi thực sự tin rằng chỉ có hai điều bạn cần phải có để có thể trở thành một nghệ sĩ và sống được bằng lao động nghệ thuật. Một thứ bạn có thể kiểm soát được và thứ còn lại thì bạn phải cố gắng làm việc để đạt được. Đó là sự bền bỉ và ngôn ngữ cá nhân.
Sự bền bỉ là thứ mà bạn phải kiểm soát. Chỉ cần không bỏ cuộc. Bạn luôn nỗ lực. Với mỗi cái lắc đầu mà bạn nhận được, hãy cố gắng thay đổi nó. Cố gắng bám lấy nó. Làm việc chăm chỉ và trở nên tốt hơn mỗi ngày.
Điều còn lại là ngôn ngữ cá nhân, vốn khó đạt được hơn. Có những người có được nó khi chỉ mới bắt đầu và đó là những người bạn luôn ngưỡng mộ. Nhưng bạn quên rằng, ngoài một cá nhân thiên tài ra thì có hàng trăm người phải dành nhiều năm trời để tìm ra ngôn ngữ và cách kể chuyện riêng.
Điều tôi muốn nói cụ thể với một người Việt trẻ tuổi hay một người Mỹ gốc Việt ước mơ có được sự nghiệp trong ngành này đó là: Cần tìm ra câu chuyện mà chỉ bản thân mình mới kể được. Điều khiến mọi người muốn được nghe câu chuyện của bạn là sự độc đáo không chỉ đến từ văn hóa mà còn là cái chất riêng của bạn.
Câu chuyện mà chỉ bạn mới có thể kể là gì? Có phải là điều đến từ chính cuộc sống của bạn không? Có phải là thứ bạn đam mê đến điên cuồng không? Hay những ý tưởng mà chỉ có bạn mới có thể hình dung được? Đó là gì? Nếu bạn có thể tìm ra nó, nếu bạn có thể tìm ra câu chuyện đó thì có thể đó chính là tấm vé để bạn bước vào ngành công nghiệp này.
Tất cả chúng ta đều có những câu chuyện như vậy. Mỗi người trong chúng ta đều có. Nhưng, việc cần làm là lục tìm bên trong mình để thấy được câu chuyện ấy và kể nó ra.
Nội dung cuộc phỏng vấn đã được giản lược.
Bài phỏng vấn do Eric Nguyễn thực hiện được đăng tải lần đầu trên diaCRITICS và được chuyển ngữ và đăng lại trên Saigoneer, thông qua sự hợp tác giữa Saigoneer và diaCRITICS.