Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Văn Hóa » Sài Gòn ơi, hẹn gặp lại một ngày nắng khi đại dịch lắng xuống nhé

Sài Gòn ơi, hẹn gặp lại một ngày nắng khi đại dịch lắng xuống nhé

Vì một lý do nào đó, những hoạt động mà tôi chối từ bấy lâu nay bỗng hiện lên như một thước phim hoài niệm trong những ngày "work from home" (làm việc từ xa). 

Tôi là một người Sài Gòn, theo mọi phương diện định nghĩa. Như cư dân của những thành phố triệu hộ khẩu khác, tôi có một mối quan hệ nửa yêu nửa ghét với nơi mình sống. Đôi khi, nửa ghét ấy nhiều hơn một chút, nhất là vào độ 6 giờ chiều mỗi ngày, khi tôi rời văn phòng để hòa mình vào dòng xe đang lưu thông. Trong cái nóng của khói xả từ ống bô xe cộ và tiếng ồn từ mọi phương hướng, tôi thường bóp tay ga không dè chừng để mau lượn bánh về nhà. 

Chỉ khi nhịp sống của thành phố chững lại hẳn vì đại dịch và việc đặt chân ra đường cũng trở nên xa xỉ, tâm trí của tôi mới trôi lại những nơi chốn quen thuộc mà tôi đã vô tình bỏ quên trong cơn bận rộn. Trong sự tiếc nuối, tôi sẽ kể về những nơi tôi muốn thăm và những điều muốn làm ở Sài Gòn vào một ngày đẹp trời khi dịch không còn.

Hóng gió ở Hồ Con Rùa

Ảnh: Alberto Prieto.

Đối với tôi, sự hiện diện của Hồ Con Rùa là một phép màu. Giữa khu vực trung tâm thành phố nơi mỗi tấc đất là một tất vàng, có một ốc đảo nơi niềm vui lẫn Wi-Fi đều miễn phí. Cấu trúc bê-tông lừng lững này đã tồn tại từ những năm 1970, mang trên mình những dấu vết rõ rệt của thời gian. Không chỉ là điểm giao vật lý giữa các đường Võ Văn Tần-Trần Cao Vân-Phạm Ngọc Thạch, đây còn là điểm kết nối các thế hệ và tầng lớp xã hội. Ở đây có người trẻ và người già, người Việt và người ngoại quốc, người ngồi chễm chệ trên băng ghế và người mỏi bước tìm cho mình một chỗ an tọa.

Không rõ là do lối kiến trúc độc đáo của công trình, hay vì vẻ ngoài quá đỗi đối lập của nó so với những hàng quán hiện đại xung quanh, mà khi tôi đặt chân đến Hồ Con Rùa, tôi luôn cảm thấy như mình vừa bước vào một không gian tách biệt, vừa mở vừa an toàn đến lạ.

Ảnh: Nghĩa Nguyễn qua Unsplash.

Thuở còn là sinh viên, tôi và hội bạn thường gọi nhau đến đây vào những ngày cuối tuần (và cả những ngày trong tuần khi chúng tôi cúp học). Đều đặn như một thói quen, chúng tôi ngồi ngay ngắn trên những lối đi trên mặt hồi nhân tạo, vừa kể chuyện vừa bày biện “bàn tiệc.”

Ngạn ngữ có câu “tiền không mua được hạnh phúc,” nhưng ở đây với 100.000 VND, người ta có thể mua được một vài thứ tương tự: một ly trà tắc to, một phần bắp xào hay một túi bánh tráng trộn nhiều trứng cút bị vài đôi đũa túm tụm tranh giành. Những món quà vặt chẳng phải tinh hoa ẩm thực, cũng chẳng đủ để no, nhưng đủ để làm "miếng trầu" mở đầu những câu chuyện về tuổi trẻ của chúng tôi dưới khung trời nhỏ bé.

Chạy xe dọc bờ kè Sài Gòn

Ảnh: Alberto Prieto.

Trong mắt tôi, khoảng không gian với cái tên cục mịch “bờ kè” lại là nét mềm mại nhất, đẹp nhất trong cấu trúc vuông vức của thành phố. Đây là tên gọi thân mật mà tôi và nhiều người dành cho hai con đường song song Hoàng Sa-Trường Sa chạy dọc con kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Khác với sự xô bồ thường thấy ở những tuyến đường nối dài khác, bờ kè có một sự thong thả và yên ả thường trực. Mọi sự di dịch ở đây diễn ra nhẹ nhàng hơn, hệt như cách dòng nước thuận theo tự nhiên mà chảy ra sông lớn.

Có lẽ vì sự êm đềm này mà tôi ưu ái đường bờ kè hơn tất thảy mọi con đường ở Sài Gòn. Từ ngày đầu tiên biết chạy xe đến lúc trở thành một cô "ninja lead" chính hiệu, mỗi tuần tôi lại dành chút thời gian để rong ruổi trên cung đường uốn lượn vì đủ lý do: đôi khi vì thất tình, đôi khi vì trì hoãn. Đội mũ bảo hiểm, nhấc chân chống rồi chạy ở tốc độ 25km/h là vừa đủ để thấy cuộc sống bình dị hiện ra hai bên: những cặp đôi từ thủ thỉ đến cãi nhau chí chóe trên yên xe, và những chú chó thoát khỏi vòng tay của chủ để lăn lóc trên bãi cỏ.

Ảnh: Alberto Prieto.

Tấp nập trên vỉa hè là những xe hàng rong thơm phức, nơi người trẻ túm tụm trên những chiếc ghế đẩu đỏ và xanh, vừa xì xụp vừa thấp thỏm chờ một thế lực đến nhắc nhở. Và trong những mảng sân của các khu tập thể cũ bên kia đường, các cụ già tập chăm chỉ tập dưỡng sinh, đánh cầu lông hay lắc lư trên những chiếc máy thể hình công cộng, v.v.

Ảnh: Alberto Prieto.

Những chiều dạo chơi không muốn về nhà trên con đường bờ kè thênh thang làm tôi nhớ đến một khúc hát của Mademoiselle:

Có một chiều tôi đi theo anh. 
Loanh quanh loanh quanh đi khắp phố phường
Thì thầm đọc tên những con đường, 
Gió lùa qua mái tóc, xem nắng nhuộm vàng trên hàng cây già.

Tất nhiên, việc mang xe ra chạy ở bờ kè vào lúc này không vi phạm quy định gì. Nhưng trong giai đoạn giãn cách xã hội, bờ kè cũng mất đi một phần sức sống của nó.

Đọc sách ở thư viện thành phố

Ảnh: Alberto Prieto.

Nếu như khu trung tâm thành phố là một giai điệu náo nhiệt thì Thư viện Khoa học Tổng hợp sẽ là nốt trầm nhất. Công trình này dường như đã bị lãng quên trong ký ức của nhiều người Sài Gòn khi những tòa nhà đồ sộ với dáng vẻ hào nhoáng hơn mọc lên xung quanh.

Tuy vậy, ánh hào quang của Thư viện không nằm ở danh tiếng mà ở các chương lịch sử thú vị của nó. Có thể gọi đây là một di tích lịch sử vì được xây dựng trên nền của một thư viện cũ thời Pháp thuộc. Đến những năm 1970, khi những viên đá granite cuối cùng được đặt xuống để hoàn thành công trình, Thư viện khoác lên vẻ ngoài mới mang phong cách kiến trúc hiện đại (modernist architecture), thể hiện rõ sự giao thoa giữa tinh thần hiện đại cách tân và những nét truyền thống của văn hóa Việt.

Ảnh: Lee Starnes.

Sau 50 năm dưới nắng gió của Sài Gòn, vẻ ngoài của Thư viện đã phần nhiều nhuốm màu thời gian khiến công trình trông càng hoài cổ. Tôi đã từng vì e dè vẻ ngoài già cỗi này mà ngại đặt chân đến nơi đây, cho đến khi tình cờ phát hiện ra rằng đằng sau những bức tường nghiêm nghị ấy thực chất là một khoảng không gian dịu dàng và trong veo. 

Khi đến đây, tôi thường hay chọn cho mình một chỗ ngồi ở phòng đọc chính, nơi tôi tin là không gian xinh đẹp nhất của Thư viện. Hình ảnh những bộ bàn ghế gỗ từ những thập niên cũ kết hợp với ánh sáng tự nhiên từ khung cửa sổ khiến khung cảnh phòng đọc như bước ra từ một bộ phim của Trần Anh Hùng — đẹp đẽ và tĩnh lặng. Mọi điều tôi làm, dù là đọc những trang tài liệu khô khan hay chạy nước rút cho một dự án, cũng trở nên “dễ thở” và nên thơ hơn khi diễn ra trong căn phòng này.

Thư viện được sinh ra để làm không gian chung, nhưng mỗi người đến đây đều có những chủ đích riêng. Đầu tiên phải kể đến những “thanh niên nghiêm túc” thực sự đến đây với chí hướng học tập, trong tay hay cầm tựa sách self-help của một doanh nhân thành đạt. Những "kẻ muộn màng," trong đó có tôi, thường bị bắt gặp với một bộ đề cương và một bài tập sắp hết hạn. Những tâm trí lơ đễnh trôi về miền cực lạc trong cơn buồn ngủ, và những cặp đôi bẽn lẽn hẹn hò nhưng chẳng dám nắm tay. Muôn hình, muôn vẻ và muôn sắc trạng, chúng tôi ngồi cùng nhau thật gần trong khoảng thực tại im lặng.

Ảnh: Lee Starnes.

Hiện tại vì giãn cách xã hội, Thư viện Khoa học Tổng hợp đã phải tạm khép cổng sau nhiều thập niên hoạt động. Nhưng tôi biết sau tất cả, Thư viện sẽ trở lại làm vườn ươm tri thức cho người Sài Gòn và chào đón tôi cũng như những bạn đọc yêu quý không gian này.

Hẹn hò ở một quán cà phê

Hành lang đầy nắng ở Cafe Nhà Phạm. Ảnh: Lê Thái Hoàng Nguyên.

Có bao nhiêu cuộc hẹn bị lỡ của người Sài Gòn là ở một quán cà phê? Có lẽ không ai trong chúng ta có thể nhớ được. Việc đi cafe ăn sâu vào trong nếp sống và thói quen của người Sài Gòn đến mức họ dùng lời rủ rê đi cafe làm cả câu mở đầu và kết thúc một cuộc hội thoại. Đó là một thú vui đơn giản, không đòi hỏi người mời lẫn người được mời phải suy nghĩ hay tính toán nhiều, bởi khắp xung quanh thành phố là vô số các hàng quán dịch vụ, luôn sẵn sàng phục vụ chúng ta với mọi mức giá và thức uống.

Góc nhỏ ấm cúng ở Cafe Tokyo Moon trong phố Nhật Lê Thánh Tôn. Ảnh: Mervin Lee.

Việc đi cafe với tôi là mà sự thân mật dành riêng cho những những người bạn lâu năm, hoặc một đối tượng hẹn hò mà tôi đặc biệt quý mến. Những cuộc hẹn cafe của tôi cũng vì vậy mà rất khác biệt — ồn ào và vồn vã khi gặp hội bạn thân, ấm áp và ngại ngùng khi gặp người thương. Ngoài những cá nhân này, trước những ngày giãn cách xã hội, tôi lại không phải là người quá quen thuộc với “tập tục” quốc dân. Đầu tiên vì bản thân tôi không uống cà phê, thứ hai vì tôi không quá hảo những hoạt động xã hội yêu cầu con người ta phải ngồi đối diện với nhau thật lâu trong một khuôn viên chật hẹp. 

Ngồi ngoài ban công của The Hidden Elephant, phóng mắt nhìn sang Chợ Bến Thành. Ảnh: Alberto Prieto.

Thế nên, chỉ khi đại dịch xảy đến và những quán thân quen phải khép cửa, tôi mới thực sự quý trọng những cơ hội bị bỏ lỡ. Tự nhủ lòng khi dịch qua đi, sẽ ghé thăm các quán ruột bảy ngày liên tiếp. Đó là một quán cafe dị biệt trong khu tập thể cũ, hay một quán nhỏ xinh nép mình trong khu phố Nhật, và không gian tĩnh lặng sau những hành lang vắng. Nhưng dù ở đâu, tôi biết dư vị của món đồ uống vào ngày gặp lại cũng sẽ vô cùng ngọt ngào.

Bài viết liên quan

Khôi Phạm

in Văn Hóa

Nắng mưa trên xe đẩy trái cây, món ăn vặt lâu đời nhất nhì Sài Gòn

Thế giới tự nhiên kỳ diệu rất phong phú những cách thu hút ánh nhìn: công đực xòe chiếc đuôi cánh quạt lung linh, từng chiếc lông vũ họa tiết đôi mắt như lúng liếng mời chào công cái; bạch tuộc đốm xa...

in Văn Hóa Ẩm Thực

Tôi đi tìm lại hương vị ‘lãng quên’ của Sài Gòn sau mùa giãn cách

Sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội, Sài Gòn đã chính thức lấy lại nhịp sống và bước vào những ngày “bình thường mới.” Đây cũng là dịp đánh dấu lần đầu tiên tôi bước ra khỏi nhà sau bốn tháng d...

Khôi Phạm

in Snack Attack

Tản mạn về trà đá, vị cứu tinh của người Việt trong những ngày hè oi ả

Nếu như cà phê sữa đá là thứ không thể thiếu vào những buổi sáng lười biếng, thì một bình trà đá mát lạnh chính là lời hứa hẹn cho những bữa ăn ngon hết sảy.

in Văn Hóa

Về nghe hát bội: sự kiện đưa nghệ thuật cổ truyền đến gần với Gen Z

Trước dòng chảy mạnh mẽ của du nhập văn hóa, các câu chuyện đáng buồn về sự mai một của các loại hình sân khấu truyền thống có lẽ không phải là một chủ đề quá mới mẻ. Tuy nhiên nỗ lực bảo tồn văn hóa ...

in Công Nghệ

5 sáng chế made-in-Vietnam hỗ trợ 'điện-đường-trường-trạm' phòng, chống COVID-19

Giữa giai đoạn phòng chống dịch COVID-19 căng thẳng nhất, hàng loạt các sáng tạo công nghệ made-in-Vietnam đã được ra mắt, không chỉ hỗ trợ hiệu quả các nhân viên tuyến đầu chống dịch, mà còn giú...

in Văn Hóa

Liệu thói quen chen hàng của người Việt có thể được giải thích bằng thuyết trò chơi?

Ở Việt Nam, khó mà tìm được một hàng người xếp hàng thẳng thắn ngay ngắn ở nơi công cộng. Tất nhiên ta vẫn sẽ thấy cảnh tượng này ở một số nơi như ngân hàng hay quầy nhập cảnh tại sân bay. Nhưng phần ...

Đồng Sáng Tạo

in Giáo Dục

Các trường quốc tế tập trung hơn vào sức khỏe tinh thần của học sinh

Nếu học sinh không được chăm sóc về tinh thần và cảm xúc, các em sẽ khó phát huy hết tiềm năng trong cả việc học ở trường lẫn giao tiếp ngoài xã hội.

in Ăn & Uống

Saigon Café quốc tế hóa trải nghiệm buffet cho thực khách

Là một trong những nơi phục vụ buffet hải sản đẳng cấp nhất thành phố, nhà hàng Saigon Café tại Sheraton Saigon Hotel & Towers đang hướng đến mục tiêu nâng tầm danh tiếng của mình bằng cách mở rộng th...

in Resort

Vì sao Phú Quốc là điểm đến hàng đầu cho gia đình vào mùa Tết 2022

Không khó hiểu vì sao Phú Quốc, thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, là điểm đến yêu thích hàng đầu trong nước vào bất kể thời điểm nào trong năm: những triền biển hoang sơ ngập nắng, hải sản tươi sốn...

in Ăn & Uống

Thiết kế ‘nhìn yêu ngay’ của tặng phẩm đầu năm A Night On Earth: Khi một nét vẽ dụng công hơn ngàn lời chúc tụng

Gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ với hai gam màu tương phản, thiết kế hộp quà A Night On Earth là sáng tạo của nhà minh họa-thiết kế Erica Dorn cho phiên bản whisky giới hạn vừa ra mắt dịp năm mới. Không...

in Resort

Đón một mùa Tết cổ truyền đầy mới mẻ tại Four Seasons The Nam Hai

Nói đến Tết là nói tới những phong tục cổ truyền đặc sắc. Phong vị xuân khó có thể trọn vẹn nếu bỏ qua cách “ăn Tết,” “lễ Tết,” và “chơi Tết” truyền thống, được hình thành và lưu giữ cả ngàn đời nay. ...

in Dịch Vụ

Với Homebase, mọi ước mơ sở hữu nhà chung cư, nhà đất hay đất nền đều nằm trong tầm tay

Ở Việt Nam, nhà đất luôn là một trong những lựa chọn đầu tư được quan tâm nhất, nhưng cũng là lựa chọn phức tạp và dễ gặp trở ngại nhất. Nhưng giờ đây, người mua nhà có thể giảm thiểu nhiều rủi ro và ...