Con đường Huỳnh Tấn Phát ở quận 7 chạy dọc theo sông Sài Gòn suốt chiều dài cả chục ki-lô-mét và lúc nào cũng tấp nập người xe như phần lớn các con đường ở thành phố. Nhưng khi đi qua cây cầu nằm trên đường Phạm Hữu Lầu bắc qua Rạch Đĩa thì bạn sẽ thấy như vừa về tới một vùng thôn quê yên bình.
Lời của Ban biên tập: Những bức ảnh này được thực hiện vào tháng 5/2021 trước khi Sài Gòn thực hiện giãn cách xã hội.
Khi đến đây, người bạn đi cùng hỏi tôi có muốn ghé thăm một ngôi chùa đặc biệt nằm gần con đường lớn này không. Tôi đồng ý và thế là chúng tôi đi vào một con hẻm nhỏ, bề ngang chỉ đủ cho một chiếc xe máy đi qua, và người ngồi trên xe chỉ cần dang tay ra là với tới các sạp hàng bán rau quả hai bên đường. Sau mấy vòng xe đầy thử thách, tôi đến được cây cầu dẫn vào ngôi chùa. Một người bán vé số đội nón lá gật đầu và vẫy tay chào tôi ở chân cầu.
Chùa Huyền Trang nằm biệt lập trên cồn đất ở giữa một cái ao nhân tạo. Một chiếc cầu nhỏ bắc ngang qua ao để nối cồn đất với bờ, dọc hai bên thành cầu là hai bức tượng rồng vàng uy nghi tráng lệ. Ở giữa khuôn viên là pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát được bao quanh bởi cây xanh rợp bóng tạo nên một không gian thanh tịnh và trầm mặc.
Chùa có chánh điện rộng rãi, nhìn các phía đều thấy tượng Phật cùng bàn thờ với đầy đủ đồ cúng và hoa. Phía sau bức tượng Phật Thích Ca là vòng đèn hào quang luôn phát ra ánh sáng neon chớp tắt rồi chốc chốc lại đổi màu.
Ngôi chùa được Thượng Tọa Thích Truyền Tứ xây dựng và khánh thành vào tháng 3/2009. Cảm nhận của tôi về thầy Tứ là một người hòa nhã và độ lượng. Tôi có vinh dự được mời vào chỗ của thầy để uống trà và trò chuyện về khởi đầu của chùa Huyền Trang.
“Thầy sinh ra ở một vùng quê nghèo khó phía Nam Đồng bằng sông Cửu Long. Từ nhỏ, thầy đã phải đi làm để phụ giúp gia đình,” thầy Tứ chia sẻ. "Thầy hiểu nỗi vất vả và cô đơn của những người kém may mắn. Vì thế sau khi xuất gia, thầy dành hết tâm huyết để làm việc thiện, giúp đỡ trẻ mồ côi và người già, cũng như những người đang gặp khó khăn."
Tôi ghé thăm chùa ngay trước thời điểm đợt dịch COVID-19 mới nhất bùng phát và may mắn được mời tham dự lễ cúng nhỏ trước Đại lễ Phật Đản.
Thầy Tứ thường xuyên làm việc với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ TP. HCM để tổ chức các đợt cứu trợ cho Phật tử của chùa và cả những người có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước. Từng học qua y thuật, thầy cũng đã mở một cơ sở trị liệu nhỏ trong chùa và mời chị Thường, một chuyên viên trị liệu đã được cấp phép, đến chữa bệnh cho người dân xung quanh chùa.
Trong bữa cơm chay thanh tịnh, tôi được nghe thầy Tiến chia sẻ về con đường tu tập của mình, và cũng được biết thầy rất tích cực sử dụng các mạng xã hội phổ biến hiện nay. "Thầy xuất thân trong một gia đình tri thức ở Bắc Ninh, vốn là cái nôi của Phật giáo Việt Nam," thầy Tiến kể. “Thầy có duyên được biết đến lời dạy của Phật và từ đó giác ngộ rồi phát nguyện xuất gia để tu tập và hành đạo.”
Tôi cũng hỏi rằng việc thầy sử dụng nhiều ứng dụng mạng xã hội có mâu thuẫn với giáo lý đạo Phật không thì thầy trả lời: “Thật ra là ngược lại! Ở thời đại này, internet và mạng xã hội giúp thông tin của mình đến được với nhiều người hơn, thầy hiểu điều này và học cách tận dụng nó để truyền bá nét đẹp văn hóa Phật giáo của Việt Nam tại chùa Huyền Trang.”
Khi đi dạo quanh khuôn viên ngôi chùa, tôi nhìn thấy rất nhiều mèo hoang, lớn nhỏ đều có. Người bạn đi cùng tôi nói rằng anh ấy cố tình đưa tôi đến đây vì biết tôi là một người nuôi mèo, nên sẽ cảm mến ngôi chùa này nhiều hơn khi biết đây là mái ấm cho nhiều chú mèo hoang. Luôn có tình nguyện viên thay phiên nhau mang thức ăn đến cho bầy mèo và đưa chúng đi gặp bác sĩ thú y khi cần. Thấy mọi người tự tay cho mèo ăn và chăm sóc những bé mèo con mới sinh, tôi vô cùng xúc động. Ngoài ra, ở đây còn có vài chú chó, rùa và cá ở trong ao, và một con vịt lớn, tất cả đều được nhà chùa và tình nguyện viên ân cần chăm sóc.
Nói chuyện với hai trong số những tình nguyện viên thường xuyên đến đây, tôi được biết họ đều có nuôi mèo ở nhà, nhưng vẫn dành một phần thời gian sau giờ làm việc để phụ chăm sóc những chú mèo hoang ở chùa. Anh Châu đã đến đây vào mỗi buổi sáng hơn năm năm qua còn Thảo thì đã tham gia tình nguyện được khoảng ba năm. Khi tôi hỏi vì sao họ lại nhận trách nhiệm này, Thảo trả lời rằng: “Mình từng đến chùa để cầu có được sức khỏe tốt hơn. Khi được chư Phật phù hộ cho tăng phước tăng thọ, mình cũng muốn làm gì đó để tỏ lòng biết ơn.”
Ban đầu, chúng tôi định tìm hiểu về một đề tài rộng hơn, nhưng sau đó lại bị cuốn hút khi biết thêm nhiều khía cạnh trong cuộc sống ở ngôi chùa này. Dù với vai trò phục vụ nhu cầu tâm linh của con người hay trong công tác thiện nguyện cho cộng đồng Phật tử địa phương và trên khắp đất nước, hoặc là nơi cưu mang động vật vô chủ, đó đều là những hành động nhân ái tốt đẹp theo giáo lý của Phật giáo mà Thầy Tứ cùng các sư thầy và tình nguyện viên tại chùa Huyền Trang đã và đang hết lòng thực hiện.