Trong bối cảnh các chương trình hỗ trợ làng nghề, cộng đồng văn hoá tại Việt Nam đang bị cắt giảm, làm thế nào để tiếp tục bảo tồn và lưu giữ bản sắc dân tộc và các giá trị văn hóa? Zó, một dự án doanh nghiệp xã hội nằm ở ven đô thành phố, hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển làng nghề giấy thủ công, là một câu chuyện thuyết phục về mô hình và vai trò của các doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam.
Ẩn mình trong khu Phố cổ, nằm sát đường tàu là một cửa hàng nhỏ mà nếu nhìn lướt qua, ta dễ nhầm tưởng với một cửa hàng đồ lưu niệm thông thường. Nhưng thực ra, cửa hàng đơn sơ, giản dị và có phần không mấy nổi bật này là một trong số ít nơi còn bày bán các sản phẩm giấy dó - một loại giấy thủ công truyền thống lâu đời của dân tộc. Ra đời năm 2013, dự án Zó nhằm mục tiêu giúp đỡ các làng nghề đang phụ thuộc các chính sách hỗ trợ, từng bước giúp bà con ổn định về kinh tế bằng chính những giá trị, di sản văn hóa vốn có.
Đến thăm ngôi làng Suối Cỏ nhỏ nhắn, bình yên, được bao bọc bởi núi rừng, sông nước tỉnh Hòa Bình, chúng tôi bắt gặp hình ảnh chị Nguyễn Thị Hương thức dậy từ sáng sớm, thoăn thoắt thủ công thực hiện các công đoạn làm giấy. Tất cả những nguyên liệu chị dùng đều là những sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên của địa phương. Giấy dó mịn, xốp, nhẹ được làm từ hỗn hợp vỏ cây dó trộn với nước và chất kết dính tự nhiên. Để thêm màu, chị tự làm chất nhuộm thiên nhiên làm từ hoa và lá cây chàm.
Kỹ thuật làm giấy dó đòi hỏi sự khéo léo, chính xác với tốc độ nhanh, mạnh, dứt khoát. Chính vì vậy, trong làng chỉ còn duy nhất một người có đủ kỹ năng để thực hiện quy trình phức tạp này. Đầu tiên, vỏ cây dó được nghiền nát, ủ trong nồi hơi đến khi đủ mềm để giã nhuyễn thành bột. Sau đó, với động tác lanh lẹ và chuẩn xác, người làm giấy trải đều khối bột lên trên mặt phẳng bằng tre. Khi bột nghỉ cũng là lúc chất liệu kết dính tạo nên hình hài sơ khai của giấy. Để có được tờ giấy mỏng và dẻo dai, nghệ nhân tiếp tục dùng sức ép chặt miếng giấy để vắt kiệt nước thừa trong mảng bột. Cuối cùng, nghệ nhân khéo léo tách giấy khỏi khuôn và đem phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.
Có thể nói, “học làm giấy thủ công chỉ mất một tháng, nhưng để làm thành thục và lành nghề có thể mất tới hơn mười năm”, chị Hồng Kỳ - trưởng ban dự án Zó chia sẻ với chúng tôi.
Nghề làm giấy dó cần đầu tư tâm huyết và thời gian như thế nên trong làng, không còn mấy người trẻ nối dõi nghề truyền thống. Lớp thanh niên trong làng, cũng vì cơm áo gạo tiền, đổ xô đi làm cho nhà máy sản xuất quần áo ở khu công nghiệp kế cận. Người dân phấn khởi có thu nhập ổn định nhưng đồng hành với niềm vui đó, là nỗi lo sợ lụi tàn một nghề truyền thống lâu đời.
Dù đã có lịch sử hình thành từ triều đại nhà Lý thế kỷ thứ 13, câu chuyện duy trì làng nghề cũng đã gặp rất nhiều trắc trở. Kể từ những năm 1990, rất nhiều làng xóm nhỏ ở Việt Nam đã nhận được các chương trình hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế. Cũng do đó, bà con cũng không còn mặn mà với việc sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ nữa. Nhận thấy giá trị văn hoá lịch sử của làng nghề này có nguy cơ mai một, nhiều tổ chức đã chung tay hỗ trợ để gìn giữ một nét đẹp văn hoá của Việt Nam. Vào đầu những năm 2000, Viện nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI), một tổ chức phi chính phủ do Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập, đã can thiệp và hỗ trợ để làng nghề ở Hoà Bình có một chỗ đứng vững chắc hơn.
Tuy nhiên, cũng như các chương trình hỗ trợ khác, vị trí và vai trò của VIRI càng ngày càng thu hẹp. Năm 2008, các hộ dân trong làng đã có nguồn thu tài chính ổn định hơn. Khi mà các tổ chức hỗ trợ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh khôi phục giá trị nghề cổ truyền, cũng là lúc dân làng đối mặt với thử thách lớn hơn: Phải làm gì, ăn gì khi hết kinh phí tài trợ?
▪
Thực tế là thu nhập của các hộ dân làng Suối Cỏ đã tăng đáng kể trong những năm qua, nhưng mức tăng này mới chỉ bằng 50% mức tăng ở các vùng ngoại ô lân cận. Vậy làm thế nào để cộng đồng nông thôn bắt nhịp cùng sự phát triển nhanh chóng mặt ở Hà Nội và Hồ Chí Minh? Và liệu có thể cùng lúc hiện đại hoá, đô thị hoá mà vẫn giữ vững những giá trị văn hoá, lịch sử không?
Câu trả lời chính là các doanh nghiệp xã hội. Chị Hồng Kỳ giải thích: “doanh nghiệp xã hội là các tổ chức phi chính phủ (NGOs) ở một tầm cao hơn. Sau chiến tranh, các tổ chức phi chính phủ đến Việt Nam viện trợ và giúp người dân cải thiện đáng kể đời sống. Đến nay, xét thấy tình hình đất nước có nhiều biến chuyển tích cực về kinh tế, chính trị, mức sống trung bình cao hơn thì các tổ chức đã và đang dần rút vốn. Trong thời gian tới, doanh nghiệp xã hội tiếp nối và phát triển ở một mức độ cao hơn.”
Nhận thấy vai trò quan trọng của doanh nghiệp xã hội đối với sự phát triển quốc gia, năm 2014 chính phủ đã tiến hành sửa đổi Bộ Luật Doanh Nghiệp để bảo vệ quyền và nghĩa vụ của các tổ chức lấy mục tiêu phát triển bền vững làm nền tảng, đồng thời bổ sung định nghĩa về cụm từ “doanh nghiệp xã hội". Nhà nước luôn “động viên, khích lệ và hỗ trợ tối đa sự phát triển của các doanh nghiệp xã hội”. Theo hiến pháp nhà nước Việt Nam, các doanh nghiệp xã hội khởi nghiệp có quyền gọi vốn, thu hút đầu tư và nhận tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để chi trả cho các khoản chi phí vận hành và hành chính.
Khác với các tổ chức NGOs thường là nhà tài trợ duy nhất trong các dự án trước kia, Zó là sự thay thế hoàn hảo, phù hợp với thời đại mới. Người sáng lập Zó, chị Trần Hồng Nhung, cũng là người có nhiều năm kinh nghiệm vận hành một tổ chức phi chính phủ mà nay đã rút vốn về nước.
“Với nhiều năm làm việc trong các tổ chức phi chính phủ, tôi đã thấu hiểu bài học cần câu và con cá, hơn ai hết tôi hiểu cộng đồng muốn phát triển bền vững phải có đủ công cụ. Thay vì viện trợ, ta cần hướng dẫn và giúp người dân làm giàu bằng chính nghề gia truyền, khi đó sự thay đổi mới thực sự rõ rệt.”
Ngắm nghía các sản phẩm đa dạng làm từ giấy dó như sổ tay, lịch, đèn ngủ đến vòng cổ tại gian hàng Zó, chúng tôi đánh giá ở một mức độ nào đó, bước đầu của dự án trong việc khôi phục một giá trị văn hóa đặc sắc đã thành công. Song song với sự phát triển và mở rộng, Zó luôn hướng tới cân bằng giữa doanh nghiệp và giá trị xã hội, vạch rõ ranh giới giữa mục đích kinh doanh và đạo đức nghề nghiệp. Chị Hồng Kỳ nói thêm: “Chúng tôi luôn đau đáu suy nghĩ giữa hai thái cực: mở rộng quy mô doanh nghiệp và tác động của doanh nghiệp tới cộng đồng và môi trường xung quanh. Nếu tận dụng quá đà công nghệ hiện đại vào làm giấy sẽ vô hình chung đại trà hoá sản phẩm của mình, và chúng tôi muốn tránh rơi vào vết xe đó.”
Zó đang dự tính nhân rộng quy trình sản xuất giấy thủ công sang Đà Bắc, một huyện nhỏ thuộc Hoà Bình vào năm tới. Tuy nhiên, khi được hỏi rằng liệu thế hệ trẻ ở đó có hứng thú theo học và làm nghề này không, chị Hồng Kỳ cũng không tránh khỏi những hoài nghi. Thực tế, đâu đó vẫn có những người trẻ hứng thú và chủ động tìm về những giá trị cổ truyền. Trong một chuyến công tác định kỳ tới thăm làng Suối Cỏ, chúng tôi may mắn được đồng hành với ba sinh viên đại học. Từ thành phố, họ lặn lội tới miền xa để tìm hiểu thêm về giấy dó, từ đó tìm cách thổi hồn cho giấy thông qua nghệ thuật đương đại. Những người trẻ này, khi được tận mắt chứng kiến quá trình làm giấy, đã vô cùng vui thích và đăng tải hình ảnh các công đoạn làm giấy lên trang Instagram cá nhân.
Những người trẻ này, lần đầu quan sát quy trình làm giấy thủ công, nên hứng thú âu cũng là lẽ phải. Những người trong Zó, lại có cách mê giấy thi vị và trầm lặng hơn. Chị Nhung chia sẻ: “chạm tay vào giấy dó giống như chạm vào thiên nhiên vậy, những tưởng như giấy cũng có hồn. Giấy dó giúp mình thấu hiểu con người mình, biết lắng nghe tâm hồn mình và khuấy động suy tư về cách sống; giấy dó nhắc nhở chúng ta biết trân trọng hơn giá trị của đồ vật, thứ mà trong xã hội hiện đại đã không ít người lãng quên.”
Chị cũng nói thêm: “Cũng may nhận nhức cộng đồng ngày nay đã thay đổi nhiều. Con người có ý thức hơn trong việc sử dụng nguồn tài nguyên hữu hạn. Nên chúng ta phải nắm lấy cơ hội này để cùng nhau biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn.”
[Ảnh bìa: Dự án Zó]