Chúng ta đều muốn có thứ mình không thể có. Thứ mà mình chỉ nhìn được nhưng không chạm được. Thứ đong đưa trước
mặt nhưng lại ở ngoài tầm với, giống như quả táo ngon lành đang lủng lẳng trên cành, chỉ cách chiếc lưỡi đang thè ra
của con hươu cao cổ một vài phân.
Đó là tôi trong trận đại dịch COVID-19. Ban công căn hộ tôi đang ở nhìn qua Sở thú thành phố, mỗi sáng sớm tôi ngó mấy con voi chui ra từ chỗ trú để ăn bữa cỏ ngọt đầu tiên trong ngày. Tôi thường bị đánh thức lúc ba giờ sáng bởi tiếng kêu của mấy con công, thứ âm thanh nửa như mèo ngao nửa như tiếng thét, lại có phần nghe như như tiếng cuốc bổ vào đá làm vỡ tan tành một viên kim cương. Sở thú là nơi ưa thích của tôi ở Sài Gòn, và trong suốt một tháng rưỡi, tôi chỉ trân trối nhìn nó mà không thể ghé qua.
Rảo bước qua Sở thú có nghĩa là bị tấn công bởi sự kỳ quái của vương quốc loài vật; bị lôi qua các lục địa, qua các hệ sinh thái và những giai đoạn tiến hóa; và đau lòng biết bao khi nhìn thấy một con voi đong đưa cái đầu khiến nhiều người nhầm tưởng nó đang vui vẻ nếu họ không hiểu đó là biểu hiện của căng thẳng và thống khổ; ta sẽ đau lòng vì những cái chuồng tàn nhẫn; đau lòng vì vô số bằng chứng cho thấy con người đã hủy hoại thiên nhiên như thế nào, và vì thế mà đau lòng khi thấy ai đó lấy việc đi Sở thú làm vui.
Rảo bước qua Sở thú có nghĩa là bị tấn công
bởi vương quốc
loài vật
Sở thú Sài Gòn không chỉ là một sở thú mà còn là vườn bách thảo đúng với tên gọi chính thức là Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Nơi đây có đến 125 loại động vật và 260 loại thực vật, và là một trong những sở thú lâu đời nhất trên thế giới. Được cho phép xây dựng năm 1864 và mở cửa đón khách từ năm 1867, dự án này là một trong vô số những cách thực dân Pháp rút tỉa tài nguyên xứ Nam Kỳ. Rodolphe Alphonse Germain, một bác sĩ thú y quân đội, phụ trách chăm lo động vật, và Jean-Baptiste Louis-Pierre nghiên cứu về thực vật, nhưng cả hai đều làm việc với mục tiêu chung là vắt kiệt tài nguyên của Việt Nam. Lúa gạo, cao su, thuốc phiện, cà phê, rượu, tình dục, và gia vị: Nếu đây là những thứ được lấy làm nền tảng cho việc xây dựng một thuộc địa, thì làm sao mà Sở thú có thể khang trang được chứ?
Sở thú hôm nay có gì thay đổi? Hơn 150 năm qua, Sở thú Sài Gòn đã biến thành nơi giải trí cho mọi gia đình, trung tâm giáo dục và bảo tồn, nhưng vấn đề tài chính vẫn là mối lo muôn thuở. Độc giả còn nhớ trong phim Cú và Chim Sẻ, sở thú vì túng quẫn đã phải bán đấu giá con voi yêu quý? Hãy nhìn khu trò chơi tạp nham và sơ sài kia xem: nào là thuyền phao, nhà bơm hơi, đu quay, cầu trượt nước, mấy trò đu quay, dịch vụ mát xa chân trong hồ cá, quán cà phê có phục vụ xúc xích, bắp rang, phở, Pepsi, khoai tây chiên. Chỉ vì nỗi lo kinh tế, đã có bao nhiêu cây đã ngã xuống, bao nhiêu hoa đã bật rễ để dọn chỗ cho những trò giải trí hoa hòe này?
Sở thú áp dụng nhiều cách để tăng doanh thu nhưng lại có những chính sách kinh doanh khiến tôi khó hiểu. Chẳng hạn như khách tham quan chỉ phải trả 10.000 đồng để mua vài quả chuối cho linh dương kudu. Tôi biết là họ mua sỉ ngoài chợ, nhưng giá này vẫn chỉ bằng một nửa giá tôi mua ngoài đường, mà vẫn ngon lành không kém. Thế là tôi thường mua vài trái, ăn phần ruột rồi quẳng phần vỏ cho mấy bạn linh dương.
Chuyện đâu đã hết. Từ nhà tôi đến văn phòng tòa soạn Saigoneer, Sở thú là một đường tắt lý tưởng; yên tĩnh, nhiều bóng râm, và nếu có dư thì giờ tôi sẽ nhẩn nha quanh chuồng báo đốm, như Apollinaire đã nói: “Nếu cạn nguồn cảm hứng, bạn hãy đi kiếm một con báo đốm mà nhìn.” Để có thể đi đường tắt thường xuyên, phải tính đến tài chính, tôi cần một thẻ ra vào có giá trị một năm. Giá vé hàng ngày 50.000 đồng cho 9 phút đi ngang sở thú tuy là rẻ mạt, nhưng lâu ngày cộng lại cũng thành một khoản khá lớn. Thế là tôi liên hệ với văn phòng Sở thú để giải thích trường hợp của mình và gợi ý xin trả 2 triệu một năm để có thể ra vào tùy nghi. Số tiền này tương đương 40 lần vào cửa — tính ra chưa tới 1 lần một tuần. Nghĩ là họ kẹt tiền, tôi đã tưởng họ sẽ vồ vập chụp lấy đề nghị này, nhưng tôi đã bị từ chối thẳng thừng.
Tới đây, cần nói đến những thứ có thể nhìn thấy rành rành trước mắt: động vật trong Sở thú không được nuôi giữ trong điều kiện tốt nhất. Chuồng chật chội khá nhiều rác, lạnh lẽo, nền xi-măng loang lổ nước tiểu, không có gì làm cho chúng hứng thú, lại thường khi bị chọc phá bởi khách ghé thăm. Người ta có thể quy chụp rằng đây là cách đối xử phi đạo đức? Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, so với các sở thú khác trên thế giới, nó tệ hại hơn đến mức nào? Xét về khía cạnh đạo đức, có lẽ chúng ta có đủ lý do để yêu cầu giải thể tất cả sở thú trên thế giới, và sẵn sàng đáp lại những lập luận phản đề kiểu như “tự nhiên vốn đã khốc liệt và đẫm máu” (Tennyson). Nhưng nếu không có sở thú, nhiều động vật có nguy cơ tuyệt chủng sẽ đi về đâu? Khi số lượng động vật hoang dã ngày càng thưa thớt và môi trường sống của chúng đang mất dần vì con người khai thác thiên nhiên quá mức, thì chẳng phải cần có nơi nuôi nhốt và giúp chúng duy trì sinh sản để không bị tuyệt chủng? Than ôi, có vẻ như sở thú là nơi các loài vật ít bị đối xử tàn nhẫn nhất rồi.
Bài viết sẽ không đề cập tới Bảo tàng Lịch sử và Đền Hùng trong cùng khuôn viên với cùng tâm thái khi bỏ qua những vấn đề về đạo đức của khái niệm sở thú nói chung. Thay vào đó, người viết sẽ tập trung vào những lý do khiến người ta yêu thương nơi này. Chúng ta phải cảm nhận được cái đẹp trong cái xấu xí chứ!
Sở thú Sài Gòn đôi khi còn được gọi là lá phổi của thành phố, vì có nhiều cây xanh cung cấp dưỡng khí. Với hiện trạng nhiều con đường bị đốn sạch cây thì khi được tản bộ trong không gian rợp bóng nơi đây, ta sẽ tìm thấy cảm giác yên bình vô cùng gần gũi thân quen như thuở còn bé thường nằm trên ngực cha, cảm nhận được lồng ngực nhịp nhàng lên xuống theo từng hơi thở.
Có đi Sở thú, bạn nên ghé qua nhà ươm trồng lan để cảm nhận lời thơ Roethke đã viết: “Tất cả các loài hoa đều có ánh sáng ẩn sâu bên dưới rễ của chúng.” Tại sao từ “luống hoa” trong tiếng Anh lại là “flowerbed” nhỉ? Nghe không hay ho chút nào. Hoa đâu có ngủ, chúng luôn kêu gào bằng thứ ngôn ngữ mà chúng ta không hiểu được: hãy thụ phấn cho tôi, thụ phấn, thụ phấn. Thế nhưng nếu ta hỏi rằng hoa có quan tâm đến sự chiêm ngưỡng của con người hay không thì chúng sẽ chẳng trả lời đâu.
Sở thú cũng là bảo tàng của nghệ thuật xén cây tỉa cành theo đủ hình dạng, từ hình vuông hình tròn đến hình người và những ký tự La Mã cổ đại, với số lượng tác phẩm nhiều đến mức ta chẳng nhận ra sự vô lý của chúng. Kỳ quặc hơn, người ta còn tạo ra bản sao của những loài vật đang hiện hữu tại đây. Vì sao người ta muốn ngắm một con nai vạn niên thanh trong khi có thể thấy một con nai bằng xương bằng thịt chỉ cách đó vài mét? Chưa kể cành lá thì tua tủa, khung kẽm thì lòi ra ngoài, làm hỏng đi nét thanh lịch của cái cây và cả con vật làm mẫu. Thực vật là thực vật. Động vật là động vật. Kết hợp hai thứ đó lại thì được gì chứ?
Ồ! Nét đẹp của hươu cao cổ. Loài vật cao nhòng duyên dáng này có thể tự liếm sạch đôi tai của mình và chẳng bị chóng mặt nhờ lực bơm máu mạnh mẽ của trái tim nặng đến 12kg. Tìm hiểu về nguồn gốc cái tên của hươu cao cổ trong các ngôn ngữ khác nhau cũng rất thú vị. Khi lần đầu xuất hiện tại Paris, nó được miêu tả là có thân hình của lạc đà (camel) và lớp da của báo đốm (leopard), vì thế người Pháp ghép tên của hai loài vật ấy để tạo thành cái tên khoa học kỳ lạ của hươu cao cổ là Giraffa camelopardalis. Cách gọi trong tiếng Việt có lý hơn một chút, mặc dù hươu cao cổ thực chất không phải là một loài hươu. Trong khi đó, những người Nhật đầu tiên nhìn thấy loài vật này đã nhầm nó với Kirin (Kỳ Lân), linh vật có sừng và vảy rồng trong truyền thuyết, và vì thế cũng gọi nó là Kirin luôn. Hai trăm năm sau, giới doanh nhân cụng ly bằng bia Kirin mà không biết cái tên này là để vinh danh một con vật xuất thân từ Châu Phi hay một vị thần thời cổ đại.
Bọn linh cẩu thường bị gieo tiếng ác là kẻ thâm hiểm chuyên ăn xác thối. Hemingway từng gọi chúng là “thứ ăn thịt thây ma, thứ chuyên rình bắt mấy con bê, thứ cạp đùi cấu vế, thứ chờ lúc người ta ngủ ban đêm rồi cắn nát bét mặt mũi người ta ra, thứ có tiếng tru chi mà buồn thảm, thứ rình mò các lều trại, thứ hôi hám, thứ thô lỗ, thứ có bộ hàm nhai rào rạo ba cái mớ xương thừa của bọn sư tử bỏ lại, thứ bụng phệ nhão, thứ thường nhảy cà tưng trên những cánh đồng nâu xỉn.” Bọn này đóng vai phản diện trong các phim của hãng Disney, co rúm trước mấy con sư tử, chờ vớt vát mấy mẩu xương mẩu sụn bỏ mứa, nhưng thực tế chưa chắc đã như vậy. Những người thợ săn bách phát bách trúng làm giảm thiểu đến 2/3 khẩu phần của chúng, mà dẫu cho có sai sự thật, ăn xác chết thì có gì ghê gớm đâu! Xã hội loài người được thiết lập trên nền tảng không muốn giết con gì mình ăn, ăn thì ăn chứ giết thì không giết.
Bạn thấy gì nơi mấy con hà mã? Loài ngựa nước khổng lồ hay trồi đầu lên mặt nước, trông giống như chiếc lá cây hoa súng kỳ dị màu xám. Một con vật nguy hiểm đầy đe dọa? Một loài động vật chán phè? Tôi thì thấy ở chúng biết bao là tiềm năng! Vấn nạn lục bình ở sông Sài Gòn ai cũng biết rồi đấy, và loài hữu nhũ này sẽ nhanh chóng ăn sạch! Vậy hãy lùa chúng xuống các con sông và kênh của thành phố để chúng tiêu diệt loài thực vật mọc tràn lan này. Và nếu chúng sinh sản vượt vòng kiểm soát vì được ăn uống thả ga, ta có thể săn chúng để phục vụ cho các quán nhậu; thịt được ướp nước mắm, thì là, me chua và húng tây sẽ ngon hết biết.
Ông Địa, ông thần đất mập mạp vui vẻ thường đi cùng các đám múa lân và giữ gìn nhà cửa bình an, canh gác địa phận nơi có bàn thờ của mình. Lần tới có đi Sở thú bạn nên thắp một nén hương và cúng một quả chuối nhé (mua theo cách đã đề cập ở phần trên). Làm như vậy thì lỡ như các vị phụ trách phát triển đô thị có đến phá dỡ Sở thú, ông Địa sẽ đứng phắt dậy đập hỏng xe ủi đất, bẻ nát cần cẩu và làm tắt ngúm mấy cái máy trộn bê-tông.
Đi Sở thú đâu cần phải xem thú hay chơi các trò chơi. Sao không vô đó uống bia, đọc sách? Nghĩ mà xem, bạn chỉ cần mua bia ở cửa hàng tiện lợi và tận dụng không gian xanh hiếm hoi này của thành phố, thật là uổng nếu không làm như tôi nói. Nhớ có lần bị mắc mưa, tôi đã làm như vậy. Còn gì lãng mạn hơn là ngồi ở hàng hiên nghe mưa rơi lộp độp trên mái như âm thanh từ một nhạc cụ bộ gõ, chiêu từng ngụm bia Jasmine IPA và đọc Mary Oliver: “Dù bạn là ai, dù bạn đơn độc đến mấy, cuộc đời này dành riêng cho trí tưởng tượng của bạn, mời gọi bạn như loài ngỗng trời, vừa khắc nghiệt vừa lý thú — nó luôn khi báo cho biết bạn đang ở đâu trong cõi càn khôn vạn vật.”
Bàn về những khoảnh khắc lãng mạn thì Sở thú Sài Gòn là nơi lý tưởng để hẹn hò. Có lẽ còn là địa điểm tuyệt nhất thành phố là đằng khác! Những lối đi mát rượi, những góc khuất, và vô số những thứ kỳ thú để gợi ý cho cuộc trò chuyện, nhưng yếu tố trữ tình lớn nhất thì không gì khác chính là vòng đu quay, nơi ta có khoảnh khắc riêng tư khi lơ lửng trên không trung. Người ngồi trên đu quay được đắm mình trong ánh hoàng hôn dịu dàng, có thể nhìn thấy ánh đèn nhấp nháy xa xa từ đô thị Thủ Thiêm trù phú, sà-lan trôi xuôi dòng sông Sài Gòn như một chiếc áo trượt khỏi vai. Nhưng mà hành trình đu quay kết thúc lúc 4 giờ chiều, khi mặt trời hãy còn là một viên sỏi thận chói chang ngự trên bầu trời. Liệu trong các buổi họp về việc lắp đặt nó, người ta có nghĩ đến điều này không nhỉ?
Và một vài câu hỏi khác:
1. Nếu ai đó muốn kết liễu đời mình (vốn là điều không nên làm), thì nhảy vào chuồng của loài thú nào là tốt nhất? Rắn, cọp, sấu, vượn?
2. Động vật nào đáng giá nhất trong Sở thú? Tôi cho rằng để trả lời câu hỏi này ta cần làm sáng tỏ việc liệu săn bắn trái phép có được đưa vào phép tính không, và như vậy sừng tê giác, xương cọp để làm cao hổ cốt, mật gấu có được đưa lên bàn cân? Việc dễ dàng tóm cổ mấy con tê tê giải thích vì sao chẳng có con nào trong sở thú.
3. Sẽ có bao nhiêu con thú đi tìm tự do nếu chúng biết cách tẩu thoát? Những cái hố quá cạn, kẽm hàng rào quá mỏng, mái chuồng quá ọp ẹp động tới là sập. Ta đang nhìn chú mày đây, tê giác: bọn bây hỗn độn chen chúc nháo nhào cả lên trong những cái hào cạn nước! Hãy trèo qua và chạy xuống đường Nguyễn Huệ mà quậy, mà xách động quần chúng, bởi nơi đó trước đây là của tụi bây mà, phải không?
Nếu đã được cho phép, thì việc những con thú đi ra khỏi chuồng đâu gọi là tẩu thoát nữa, đúng không? Lập luận này chính xác đối với bọn voọc bạc. Mấy con nhỏ nhất chẳng những có thể mà còn được phép chui qua các chấn song rồi leo trèo lên những cây sai quả bên trên chuồng của chúng. Không chỉ thế, tôi còn thấy chúng lảng vảng quanh chuồng hươu cao cổ cách đó vài mét. Trời, thật tội nghiệp cho cái ngày chúng lớn lên và khi cố lèn người qua song sắt thì bị kẹt lại… Rõ ràng là tự do bị mất đi còn gây đau đớn hơn cả thứ tự do chưa hề có được.
Bàn đến chuyện này chớ quên lũ cò vạc. Một số thì bị nhốt trong chuồng, số khác lại được phép bay tự do và tắm nắng trên gờ tường của tòa nhà Petrolimex hào nhoáng cuối con đường, ban đêm chúng ngủ trên nóc chiếc chuồng đang nhốt đồng loại của mình. Tôi không biết họ dùng tiêu chuẩn gì quyết định chú chim nào được tự do và chú chim nào bị giam cầm, hay là chẳng có tiêu chuẩn gì sất. Đời thật bất công. Đơn giản thế đấy, nhưng đúng là như vậy. Mà thôi cần chi đến căn cớ.
Có một loài chim không thể trốn ra khỏi chuồng là đà điểu đầu mào. Chúng được nhốt ở một nơi không lưới bọc, không trần chắn, không gì cả ngoại trừ những thanh sắt cao hơn 20 mét. Ôi, thật là tàn bạo khi đối xử như vậy với loài chim không thể bay. Loài chim nặng 50kg này có vảy ở chân giống y đúc loài Khủng long Bạo chúa. Không biết vì sao mà các nhà khoa học phải mất quá lâu để hiểu ra chim chính là hậu duệ của khủng long trong khi có những bằng chứng hiển nhiên như loài đà điểu đầu mào này đây.
Tuy nhiên Sở thú Sài Gòn đã không quên loài khủng long. Để tỏ lòng tôn kính với các bức tượng khủng long được tạc hồi giữa thế kỷ 19 đặt trong các công viên ở Anh, Sở thú Sài Gòn đã dựng một bầy khủng long bằng xi-măng cốt sắt rồi nhét chúng vô một góc um tùm cây lá ở ngay trước cổng. Vốn đã mất cân đối về giải phẫu học và có các kiểu tạo dáng rất ư là vô lý, trông chúng càng thêm khôi hài khi vôi vữa trên cơ thể rơi rụng tơi tả.
Tuy vậy đó chưa phải là những bức tượng
kỳ quái nhất trong sở thú.
*Tuy không phải tượng, nhưng hình vẽ Robert Downey Jr. cũng khá ngộ. Thật đấy, khi người ngôi sao điện ảnh bị bắt phê ma túy ngồi tù trong thập niên 90 của thế kỷ trước, chắc hẳn ông không thể nào ngờ là hình ảnh của mình được dùng để trang trí cho một trò chơi trong công viên ở Việt Nam.
Nếu tôi được cho cơ hội tạo tác một bức tượng để đặt trong Sở thú, tôi sẽ lấy hình mẫu là hai chú nhân viên đang hái khế kia. “Để ăn với món chả rươi,” họ vừa nói vừa biếu tôi một trái ăn cho vui. Sở thú có rất nhiều nhân viên, rất dễ nhận ra họ nhờ bộ đồng phục có in hàng chữ “Sở thú Sài Gòn” trên lưng áo. Ta thường thấy họ đang quét lá, tỉa cành, xúc phân, hoặc đơn giản chỉ ngồi chơi, phì phèo thuốc lá. Họ làm việc trong môi trường sực nức mùi hương và nóng nực với đồng lương khiêm tốn, vậy mà ai nấy đều trông khá vui vẻ. Làm nhân viên sở thú vừa là công việc lao động tay chân ngoài trời trong thời tiết nóng hầm hập, vừa vướng phải cách quản lý rườm rà và cứng nhắc, ai trong chúng ta có đủ sức chịu đựng làm một nghề như vậy? Vì thế, tâm trạng vui vẻ của họ quả đã mang đến cho tôi nhiều cảm hứng. Tôi sẽ tạc một bức tượng dành cho họ.
Bọn khỉ cứ ra vào chuồng tùy ý thế kia chắc là sống thoải mái lắm. Nhưng chính đám mèo hoang mới là sướng. Mấy chục con sinh sống ngay trong Sở thú, vào cuối tuần, khoảng chiều chiều khi đã thưa khách, Sở thú còn đông mèo hơn cả người.
Bọn mèo lượn lờ nhàn tản qua các tầng cây thấp, vồ bắt chuột, đùa giỡn với nhau trên những bãi cỏ đã được tỉ mẩn cắt xén, nếu cả gan, chúng sẽ đến cạnh một vị khách để có được một cái xoa đầu. Chế độ ăn của chúng chủ yếu là số chuột bắt được, lượng đồ ăn thừa moi được trong thùng rác, và đồ ăn cướp được từ các con thú khác. Ngoài ra, tôi còn biết có một chị tên Hồng Tuyết Mai đã cho chúng ăn trường kỳ 15 năm nay. Mấy con mèo này đúng là những con vật may mắn nhất Sài Gòn! Ăn uống phủ phê, yên thân không phải sợ tai nạn giao thông, tha hồ ngao du giữa thiên nhiên cùng với dòng họ nhà chúng. Đâu phải ai sống trong thành phố này cũng được hưởng phúc như vậy.
Mấy con mèo mà tôi thích nhất sống gần các chuồng khỉ. Một gia đình mèo nheo nhóc có đám miêu con đã lớn lên thấy rõ trong thời gian đóng cửa vì đại dịch, chúng là một bầy đủ mọi sắc lông cùng một mẹ mèo dào dạt yêu thương, khi thấy đứa con nào tọc mạch về sự hiện diện của tôi, bà từ mẫu liền lập tức nhào tới ngoạm lấy gáy nó và cắp đi chỗ khác.
Có lần tôi chứng kiến một mẹ mèo nghênh ngang vênh váo vào chuồng một con vượn sau khi dễ dàng lèn người qua chấn song. Vô đó để trộm bữa ăn tối của người ta? Hay để tìm chỗ trú an toàn lỡ khi có con vật săn mồi đang rình rập bên ngoài chuồng? Cũng có thể mẹ mèo đang dùng cái chuồng làm đường tắt để đi đâu đó, mà cũng có thể nàng ta khoái cái bóng râm trên nền xi măng mát mẻ.
Các em mèo này có biết mình đang sống quá thảnh thơi không? Hay lòng biết ơn là một tình cảm chỉ có ở con người? Có lẽ tại vậy mà tôi mê thích cái Sở thú: Nó khiến ta cảm thấy hàm ơn biết bao. Biết ơn Sài Gòn, biết ơn cây cỏ và thiên nhiên, biết ơn cái thế giới kỳ cục không kể xiết nhưng rất đỗi thân yêu nơi mình đang sống, biết ơn sự tử tế và niềm vui có được từ những người không quen, biết ơn tự do mình đang hưởng thụ và lạc thú mình loay hoay đi tìm. Tôi dám cam đoan rằng khắp thành phố này không có nơi nào hơn được Sở thú để ta tìm đến và suy ngẫm về tất cả phước hạnh của bản thân, dù nó nhỏ bé nhường nào, và từ đó khơi gợi lòng biết ơn vô biên.