Đứng giữa dòng chảy hối hả của thế giới hiện đại với vô số luồng văn hóa ngoại lai, vẫn có bộ phận giới trẻ ngày nay yêu thích những nét đẹp văn hóa nghệ thuật truyền thống. Sự yêu thích ấy không chỉ dừng ở lòng mến mộ mà còn thể hiện qua những hoạt động gìn giữ, bảo tồn thiết thực, thậm chí phát triển đến quy mô tổ chức phi lợi nhuận, góp phần lan tỏa những nét đẹp ngàn đời đó.
Nằm ngoài khuôn khổ chương trình giáo dục chính quy, gần đây xuất hiện một số tổ chức "bởi người trẻ, vì người trẻ" cung cấp nền tảng trực tuyến cho những sáng kiến bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa có nguy cơ mai một. Điều giúp các nhóm bạn trẻ này gắn bó và duy trì hoạt động chính là mối quan hệ cộng sinh giữa sáng tạo và tiếp nhận: các tổ chức truyền cảm hứng về các giá trị nhân văn cho cộng đồng, và khán giả là nguồn động lực cho những dự án ngày càng phát triển.
Trong dòng chảy ấy, Trường Ca Kịch Viện là một tổ chức văn hóa nghệ thuật được thành lập vào đầu năm 2020, gồm 30 bạn trẻ nhiệt huyết, ở độ tuổi rất trẻ từ 17 đên 20, đến từ mọi miền trên cả nước (chủ yếu ở Hà Nội) với mối quan tâm lớn dành cho nghệ thuật và văn hoá dân gian. Dự án này ứng dụng nhân văn số vào việc bảo tồn văn hóa thông qua những nền tảng trực tuyến như Facebook và website. Thông qua các kênh truyền thông này, nhóm bạn trẻ tổng hợp và phổ biến kiến thức về các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống như rối nước, chèo, tuồng, cải lương, hát xẩm, dân ca quan họ Bắc Ninh, chầu văn... tới đông đảo tầng lớp thanh thiếu niên. Cho tới thời điểm hiện tại, với hơn 2.900 lượt theo dõi fanpage, mỗi bài viết đạt từ 100 đến 300 lượt thích, tổ chức đang tạo nên những ảnh hưởng tích cực cho cộng đồng và nhận được ủng hộ lớn từ đối tượng khán giả trẻ.
Chinh phục khán giả trẻ qua sáng tạo thị giác
Mỗi ngày, thế hệ Z — những người trẻ sinh ra giai đoạn 1996-2005, hay còn được gọi là "những đứa trẻ thời đại chấm com" — tiêu thụ một khối lượng thông tin khổng lồ nên ấn tượng thị giác là yếu tố quyết định sự quan tâm ban đầu của họ ở mọi lĩnh vực, đặc biệt là với các thông tin văn hóa nghệ thuật. Bản thân là những người trẻ và nắm bắt được đặc điểm tâm lý này, các bài viết do nhóm thực hiện hầu hết rất thu hút về mặt thị giác, từ những kho hình ảnh lưu trữ cổ về những buổi biểu diễn nghệ thuật thời xưa cho tới những poster được thiết kế rất cá tính theo tư duy thẩm mỹ hiện đại.
Về bộ nhận diện của dự án, đại diện Trường Ca Kịch Viện cho biết cảm hứng chủ đạo đến từ chất liệu sơn mài và tranh khắc gỗ dân gian, với tông màu trầm thể hiện bề dày lịch sử và nét cổ kính. Nhìn qua loạt poster mà nhóm thực hiện, có thể thấy rõ những yếu tố hình ảnh truyền thống được bố cục gọn gàng, mang dấu ấn hiện đại với việc sử dụng linh động và sáng tạo mẫu typography. Đại diện nhóm trẻ cho biết việc lồng ghép giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại trong khâu thiết kế một mặt thể hiện tinh thần của dự án — “tạo sự kết nối giữa công chúng đương đại với tính cổ điển của các loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian,” đồng thời tôn vinh lịch sử vàng son của các loại hình nghệ thuật sân khấu này.
Ngoài ra, giao diện website chỉn chu, dễ theo dõi, bắt mắt là một điểm cộng lớn của Trường Ca Kịch Viện. Điều ngạc nhiên là toàn bộ phần lập trình và thiết kế web đều do một thành viên sáng lập của nhóm thực hiện. Hiện tại, website có ba mục chính: Thể loại, Triển lãm, Bài viết. Trong đó, người xem có thể di chuyển từ mục “Thể loại” để nắm kiến thức cơ bản về bảy loại hình nghệ thuật biểu diễn sân khấu cổ truyền sang không gian “Triển lãm” để ngắm nhìn và lắng nghe những bộ sưu tập hình ảnh-video trực quan, rồi đào sâu những ngõ ngách, tiêu điểm văn hóa cùng những “Bài viết” được đầu tư về nội dung.
Những khó khăn của người trẻ
Trò chuyện với Urbanist về khó khăn khi khai thác mảng đề tài vừa rộng vừa sâu này, đại diện nhóm vô cùng tự tin cho biết: “Không có giới hạn nào cho tuổi tác và sự cống hiến," dù cho bạn thuộc thế hệ nào, theo đuổi đam mê không bao giờ là quá sớm hay quá muộn. Điều quan trọng là cách bạn hiện thực hóa nó và lan truyền những giá trị nhân văn, tích cực.
Tuy nhiên, nhóm cũng không phủ nhận những thách thức người trẻ gặp phải trong quá trình nghiên cứu về văn hóa truyền thống. Thực hành (đọc, nghe, viết, xem, nói, làm) văn hóa nghệ thuật là một chủ đề lạ lẫm và hạn chế trong giáo dục bậc phổ thông. Chính bản thân các bạn học sinh cũng chưa chưa cọ xát nhiều với vấn đề các em theo đuổi. Có thể nói, Trường Ca Kịch Viện bắt đầu chỉ với đam mê của tuổi trẻ và bản năng thích ứng nhanh với thời đại mới.
“Nghệ thuật hóa trang mặt nạ Tuồng” là một trong những triển lãm nhóm tâm đắc nhất trong quá trình nghiên cứu, vì các bạn được học hỏi, kết nối với nhiều nghệ sĩ gạo cội.
Trong quá trình nghiên cứu, khó khăn lớn nhất là truy nguồn kiến thức giữa hàng vạn thông tin đáng tin cậy lẫn không xác thực trên Internet. Ngoài ra, do chủ trương dựa vào yếu tố thị giác nhằm trực quan hóa kiến thức, dự án cũng phần nào bị giới hạn bởi bản quyền hình ảnh trong các bài viết và triển lãm của họ. Bên cạnh đó, vì còn học phổ thông và đại học, các thành viên cũng phải hạn chế thời gian và không gian đầu tư cho dự án, không tránh khỏi những khó khăn khi trao đổi và xây dựng những hướng đi mới. Tuy nhiên, chính nhờ những thách thức này mà các thành viên trong nhóm có cơ hội kết nối và nhận sự hỗ trợ từ những người nghệ sĩ gạo cội trong nghề: “Trường Ca Kịch Viện rất may mắn có được sự quan tâm và giúp đỡ từ các cô chú nghệ sĩ, các đơn vị hoạt động nghệ thuật, các nguồn thông tin đáng tin cậy. Họ luôn hỗ trợ dự án hết mình, cung cấp những thông tin độc đáo, đời thường, điều mà rất khó tìm kiếm từ trên Internet. Ở đây, Trường Ca Kịch Viện sẽ đề cập tới bác Mai Văn Lùng, nghệ sĩ Tuyết Mai, nghệ nhân Rối Nước Nguyễn Đăng Dung, Viện Hàn Lâm Thông tin Khoa học Xã hội, v.v.”
Được biết, hiện tại ban điều hành dự án hoạt động theo hình thức nhiệm kì, mỗi nhiệm kì sẽ là một đội ngũ mới và nhiệm kì đầu tiên của Trường Ca Kịch Viện sẽ dự kiến được kết thúc vào cuối năm nay. Bật mí về những kế hoạch sắp tới, nhóm chia sẻ đang hợp tác với một số bạn trẻ khác để thực hiện chuỗi bài viết mới về nghệ thuật Tuồng. Dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Để tìm đọc thêm những bài viết, nghiên cứu của Trường Ca Kịch Viện, bạn đọc có thể truy cập website và fanpage của nhóm.