Tại Việt Nam, Hà Nội có thể coi là thủ phủ nghệ thuật, hội tụ nhiều loại hình biểu diễn trong đó có kịch nói — một lọai hình nghệ thuật biểu diễn kết tinh tài hoa, bác học, và lịch lãm. Tôi vẫn nhớ như in những ngày thơ ấu được bố chở lên bờ hồ ăn kem Tràng Tiền rồi ghé Nhà hát Lớn xem kịch. Gia đình tôi chẳng làm nghệ thuật mà vẫn làm khách quen của sân khấu trong suốt 20 năm.
Một thế kỷ tinh hoa hội tụ
Trải qua 100 năm thăng trầm, kịch nói Hà Nội xứng đáng là chứng nhân lịch sử kể từ thời Pháp thuộc cho tới thời đại bùng nổ công nghệ số.
Nhớ lại thuở ban đầu, loại hình thoại kịch theo chân Đế quốc Pháp du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 19. Tuy vậy, những vở diễn lúc đó đều chỉ là phỏng dịch từ văn học Châu Âu và phải tới năm 1921 thì mới có vở kịch đầu tiên cộp mác Việt Nam, do tác giả Vũ Đình Long sáng tác.
Xuyên suốt những năm 1930, Hà Nội bước vào thời kỳ Âu hóa cũng là khi giới kịch nghệ thăng hoa với hàng loạt tác phẩm chất lượng, vừa đậm chất văn hóa dân tộc, vừa không xa rời cái nôi thi vị, học hỏi từ nghệ thuật Pháp. Thời gian này, nhóm văn sĩ Tự Lực văn đoàn chính là những nghệ sĩ tiên phong trong việc thể nghiệm hình thức văn nghệ mới, tập trung vào bình luận xã hội và chất lãng mạn đương thời. Đây cũng là nhóm sân khấu chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam, hoạt động dưới nhiều quy định về tổ chức, thương mại, bản quyền và quản lý. Năm 1942, nhà văn Thế Lữ, thành viên của Tự Lực Văn Đoàn, thành lập Ban kịch Thế Lữ tại Hải Phòng, thu hút nhiều nghệ sĩ tên tuổi và xuất sắc thời bấy giờ, chẳng hạn như Khái Hưng, Lưu Hữu Phước, Vi Huyền Đắc, v.v. từ đó đặt dấu mốc quan trọng cho quá trình chuyên nghiệp hóa kịch nói ở phía Bắc.
Những tưởng kịch nói chỉ là thú vui quen thuộc của giới thượng lưu thì sau Cách mạng Tháng Tám, loại hình này bỗng trở thành “món ngon” đại chúng nhờ vai trò truyền bá chính tư tưởng chính trị. Trong những ngày chiến tranh khói lửa, kịch nói Hà Nội giữ tiếng nói quan trọng và mỗi người nghệ sĩ đều trở thành chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Hầu hết tác phẩm ra mắt trong thời kỳ này đều lấy cảm hứng từ cuộc kháng chiến toàn dân và sự hy sinh anh dũng, thay lời động viên tích cực từ thủ đô lên chiến khu Việt Bắc.
Giai đoạn 1970–1990 chứng kiến hoạt động nhộn nhịp và tích cực của sân khấu đương đại, với không chỉ lượng khán giả đông đảo mà còn cho ra đời những tên tuổi gạo cội của kịch nói Việt, như nhà văn Lưu Quang Vũ, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Kim Cương v.v. Lúc này, lứa nghệ sĩ thừa hưởng tư tưởng hiện đại đã đủ sức chiếm lĩnh sân khấu bằng những kịch bản sâu sắc, khai thác mạnh vào tâm lí xã hội Việt Nam, thẳng tay đề cập đến nhiều mặt trái xung quanh thời kỳ Đổi Mới.
Một thức quà của Hà Nội
Trước những thắc mắc của tôi về tính cầu kỳ của kịch nghệ Hà Nội, diễn viên Ngô Minh Hoàng đến từ Nhà hát kịch Việt Nam đã có lời giải thích: “Có thể hiểu nôm na và đơn giản nhất rằng, sân khấu kịch như thể là một món ăn tươi sống. Khi khán giả được xem trực tiếp một vở kịch, tất cả mọi thứ diễn ra trên đó đều là cảm xúc thật, xuyên suốt, không có cắt xén, và cũng không có lỗi sai nào được phép xuất hiện. Người diễn viên buộc phải tập luyện nhuần nhuyễn chứ không đơn giản là được quay hình lại như trên phim trường truyền hình, điện ảnh.”
Nhà hát Lớn Hà Nội được coi là thánh đường của nghệ thuật sân khấu thủ đô. Ảnh: Chi Phạm.
Nguyễn Quang Vũ, sinh viên năm cuối ngành Báo chí, cho biết tên của cậu chính là một sự tri ân đặc biệt đến nhà thơ-nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, một trong những cây bút tài năng bậc nhất làng kịch nói. Thừa hưởng tình yêu kịch nghệ của gia đình, Vũ tâm sự: “Từ nhỏ, mình rất hay được bố mẹ dẫn đi xem kịch tại Nhà hát Tuổi Trẻ, nơi thường xuyên diễn lại các vở kịch kinh điển của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ. Theo mình thì kịch của ông gói gọn hết nét đẹp của người Hà Nội luôn, từ cách nói chuyện, cách mỉa mai cho tới từng thói quen tật xấu. Nói chung, để thấy rõ linh hồn Hà Nội thì nên xem thử một vở kịch trên phố cổ, bạn sẽ ấn tượng mãi không quên đấy!”
Có một hương vị rất riêng khi nói đến kịch nói Hà Nội. So với phong cách thoải mái, hài hước của sân khấu Sài Gòn, thì sân khấu Hà Nội đôi khi hàn lâm hơn và nghiêm túc hơn hẳn, mang đậm phong vị cổ điển. Có người cho rằng kịch miền Bắc khó xem, khó cảm nhưng thưởng thức lâu rồi lại nghiện. Giống như ly cà phê đen vậy, trong cái đắng có ngọt, và trong vị ngọt chưa bao giờ hết mùi đắng.
100 năm nhìn lại, người yêu sân khấu kịch Hà Nội hẳn sẽ nhớ mãi không quên loạt tác phẩm huyền thoại: Tôi Và Chúng Ta, Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt, Hà Nội Đêm Trở Gió, Lũy Hoa, Ăn Mày Dĩ Vãng, Bỉ Vỏ, Nàng Sita, Lời Thề Thứ 9 v.v. Tất cả đều đại diện cho tính cách chung của người Hà Nội: cầu kỳ, nhạy cảm với thời cuộc, lại ít nhiều mang trong mình cái tôi châm biếm.
“Mỗi vở kịch, nhanh thì có thể dàn dựng trong khoảng vài chục ngày, chậm thì lên tới vài tháng hoặc cả năm trời,” Hoàng chăm chú kể về công việc của mình, không quên chỉ ra lối làm việc cầu toàn tại sân khấu kịch Hà Nội. Theo anh, kịch Hà Nội ít khi nào diễn xuất ứng biến mà luôn yêu cầu diễn viên thuộc thoại 100%, chưa kể là cần một khoảng thời gian tìm hiểu, sống như nhân vật để mang lại màn trình diễn chân thật nhất.
Đằng sau thương hiệu kịch nói Hà Nội là những nghệ sĩ và khán giả tâm huyết. Tình yêu nghệ thuật của họ là yếu tố quan trọng giúp sân khấu kịch mãi sáng đèn. Chẳng hạn như câu chuyện của biên kịch trẻ Nguyễn Công Đức. Chàng trai mới 21 tuổi nhưng đã có trong tay dăm ba kịch bản đầu tay thú vị, mơ ước không ngừng về một ngày chuyển thể chúng lên sân khấu.
“Ở kịch sân khấu, mình được nói ra những điều mà người ta né tránh, những điều tôi thấy nhiễu nhương, bát nháo trong xã hội đương đại. Nếu tiểu thuyết và truyện ngắn mang tính tự sự thì kịch luôn chứa đựng mâu thuẫn. Đi xem kịch còn là môn nghệ thuật tổng hòa: hội họa, trang trí sân khấu, nhạc kịch, lời thoại văn học, v.v.” Đức chia sẻ về đam mê viết kịch.
Tuy vậy, làm thế nào để “thức quà” kịch nói giữ nguyên độ “ngon” ở thời điểm hiện tại vẫn là câu hỏi khó trả lời. Dù lửa nghệ thuật trong lòng nghệ sĩ cháy rực thì đó vẫn là số ít so với xu thế sống vội của khán giả năm 2021.
Thương lắm ánh đèn sân khấu
Người xưa xem kịch để chứng tỏ đẳng cấp thanh lịch; ở hiện tại người ta lại đến rạp hát để hoài cổ về một niềm vui xa vắng. Dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hoạt động biểu diễn lại ngày càng trở nên trì trệ vì giãn cách xã hội. Nhiều nhà hát phải đóng cửa, nhiều vở diễn phải hoãn do dịch, nguồn thu nhập bị ảnh hưởng trầm trọng, thậm chí nhiều nghệ sĩ còn không có lương tháng.
Khó khăn chồng chất là vậy mà NSƯT Trần Lực, vị đạo diễn-diễn viên kỳ cựu của sân khấu Việt, vẫn lạc quan không ngừng: “Sân khấu không bao giờ chết cả, quan trọng chúng ta có khiến khán giả cần phải tới sân khấu xem hay không. Trong thời gian ở nhà, tôi có thời gian để đọc nhiều kịch bản và biên tập lại để hòa hợp phong cách của LucTeam [nhóm kịch do NSƯT Trần Lực sáng lập]. Tôi dựng lại nhiều vở cũ, nhưng bằng phương pháp ngôn ngữ sân khấu ước lệ sẽ tạo ra những sự hấp dẫn mới.”
Trước phương án livestream trực tuyến buổi diễn, NSƯT Trần Lực trăn trở: “Nhưng cái khó của sân khấu là tính tương tác giữa khán giả với nghệ sĩ, nếu chỉ quay rồi đăng lên thì chỉ như những tiểu phẩm thông thường. Sân khấu còn có tính ước lệ, có những điều mà chỉ đến rạp khán giả mới có thể cảm nhận được. Nếu xem qua online, khán giả không thể tưởng tượng, không thể hòa vào hơi thở, động tác, lời thoại và suy nghĩ của nhân vật trên sân khấu. Vậy làm thế nào để sân khấu online chạm tới trái tim khán giả? Tôi vẫn đang nghĩ tới điều này rất nhiều.”
Chứng kiến phong độ giảm sút của sân khấu kịch Hà Nội, nam diễn viên Ngô Minh Hoàng không khỏi buồn lòng: “Hiện nay có quá nhiều kênh giải trí và vé xem kịch thì không hề rẻ. Có bạn trẻ còn lầm tưởng và đánh đồng kịch với thể loại cải lương, tuồng, chèo. Đó thật sự là điều đáng buồn với những người làm nghề như tôi. Bởi kịch nói không chỉ mang lại cảm xúc đặc biệt mà còn dạy ta nhiều bài học nhân văn, vậy nên làm sao để truyền thông thêm về vở diễn vẫn là một vấn đề khó.”
Nghe đến đây, tôi cũng thoáng lo sợ về một tương lai bất định của kịch nói. Hơn lúc nào hết, sân khấu thủ đô vẫn nên được sáng đèn để duy trì nét văn hóa kiều diễm. Quá khứ huy hoàng ngủ lại phía sau rồi, dù chói lọi đến mấy thì ta vẫn phải đề cao tính sáng tạo và đột phá. Nhân thời điểm kịch nói Hà Nội mừng sinh nhật 100 năm tuổi, thật mong nghệ thuật sân khấu có thể tiếp tục “cháy vé" như những ngày xưa thương mến. Hay ít nhất là để Hà Nội không mất đi một "thức quà" ngon.