Lần đầu thử nghiệm với chất liệu sơn mài, các tác phẩm của họa sĩ Trần Lâm Bình đã khắc họa một góc nhìn mới lạ về cuộc sống trong thời kỳ đại dịch và hình ảnh con người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Không giới hạn bản thân trong những đề tài và kỹ thuật vẽ quen thuộc, tranh sơn mài của Lâm Bình mời gọi người xem suy ngẫm về những câu hỏi có chiều sâu và mở ra cái nhìn đầy trắc ẩn của người họa sĩ. Anh dùng nét vẽ của mình để kể những câu chuyện về con người cô đơn nhưng vẫn mong có được tình yêu, đau khổ nhưng không từ bỏ hy vọng, tìm kiếm bản ngã nhưng không tách mình khỏi cộng đồng, vươn ra thế giới nhưng không mất đi bản sắc dân tộc.
Những bức tranh khổ lớn "bất thường" đã cho thấy tham vọng sáng tác của chàng họa sĩ. Cách anh xử lý sơn mài đã khiến chất liệu truyền thống này trở nên mới lạ mà vẫn không làm mất đi tinh thần Việt.
Lâm Bình chia sẻ: “Tôi không có ý tạo ra sự đột phát nào, mà chỉ muốn đóng góp cách thể hiện của mình vào dòng tranh này.” Một trong những đóng góp đó là việc sử dụng nhiều loại màu vẽ công nghiệp có nhũ ánh kim để tạo sự tương phản với những gam màu nhuần nhị của sơn mài truyền thống. Thế giới cảm xúc phong phú của người họa sĩ hiện lên qua các tác phẩm nhiều màu sắc, bề mặt có chỗ thô nhám có chỗ láng mịn, và cấu trúc phức tạp với các mảng sáng tối đan xen lẫn nhau. Họa sĩ Lê Võ Tuân đã nhận xét rằng cách tiếp cận này của Lâm Bình đã mang đến một góc nhìn mới mẻ cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện nay.
Lâm Bình bắt đầu theo đuổi hội họa từ khi theo học tại Đại học Mỹ thuật Huế, một môi trường vẫn còn lưu dấu những ảnh hưởng của mỹ thuật hiện đại Pháp. Sau đó anh tiếp tục việc học tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội (hiện nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Tôi hỏi rằng việc được đào tạo chính thống có giúp định hình phong cách nghệ thuật của anh không? Lâm Bình không ngần ngại trả lời rằng việc học ở trường đại học giúp anh có được nền tảng cơ bản, nhưng điều khiến anh tận tụy làm nghệ thuật đến tận bây giờ là vì anh cảm thấy mình có nghĩa vụ cống hiến cho nền hội họa nước nhà.
Chàng họa sĩ sinh ra ở Quảng Bình, trong một gia đình không có ai có đam mê hay theo đuổi nghệ thuật. Khi quyết tâm lựa chọn con đường này, không ít lần anh đã phải tranh cãi với bố mẹ cho đến khi có được sự ủng hộ của họ. Anh chia sẻ: “Tôi không nghĩ rằng mình bị ảnh hưởng bởi một phong cách nghệ thuật truyền thống nào. Cứ khi có ý tưởng mới xuất hiện, tôi sẽ chọn một chất liệu để thể hiện ý tưởng đó. Chất liệu thì có thể thay đổi còn ngôn ngữ truyền tải thì luôn là tôi thôi. Tôi vẫn đang nỗ lực để tạo dựng dấu ấn riêng của mình."
Những bức tranh sơn mài được ra mắt lần này là thành quả sau hai năm miệt mài sáng tạo, khoảng thời gian anh tự cô lập mình trong một studio nằm ở ngoại ô Huế và làm việc từ lúc 6 giờ sáng cho đến khoảng 10 giờ tối. Bên cạnh tranh sơn mài, Lâm Bình còn chế tạo hai cây đèn dầu kích thước lớn được làm bằng gỗ và có kiểu dáng truyền thống. “Chúng thể hiện ngọn lửa bên trong đã giúp tôi tiếp tục và chiếu sáng hành trình sáng tạo,” anh nói. Không bàn đến vẻ đẹp của chúng, hai cây đèn dường như có khả năng gợi lên cho người xem một nỗi buồn khó tả.
‘Tình Thời Covid’ là lời phản hồi của anh khi đại dịch xảy ra. Bức tranh chứa đựng những hình ảnh quen thuộc với mọi người trên khắp thế giới: những cuộn giấy vệ sinh, khuôn mặt ưu tư của hai lãnh đạo đứng đầu Mỹ và Trung Quốc vào lúc đó. Hình ảnh của Lâm Bình và bạn gái anh cũng xuất hiện trên nền của bức tranh, lúc ngồi cách biệt hay lúc trao nhau nụ hôn qua chiếc khẩu trang. Tuy nhiên, có vẻ như bức tranh không được tạo ra từ một ý định rõ rệt mà là cái nhìn đa chiều của tác giả về một thời kỳ bất thường trong lịch sử nhân loại. Đó là cách anh cố gắng lý giải thế giới bên ngoài đầy hỗn loạn.
'Thiếu Nữ Và Khẩu Trang' là một bức tranh khác thể hiện sự buồn bã của người nghệ sĩ trước việc người phụ nữ và vẻ đẹp của họ không có nhiều cơ hội tỏa sáng trong thời kỳ đại dịch. Bức tranh đậm nét Việt với hình ảnh người thiếu nữ duyên dáng trong tà áo dài, chúng ta nhìn thấy khuôn mặt xinh đẹp của nàng nhưng rồi nó bị chiếc khẩu trang y tế che đi. Không giống với bức tranh phía trên, ‘Thiếu Nữ Và Khẩu Trang’ chứa đựng niềm hy vọng của tác giả khi anh vẽ rất nhiều trái tim xung quanh cô gái và viết tặng nàng những lời khích lệ đầy yêu thương.
‘Thẩm Mỹ Viện’ tuy không thuộc đề tài đại dịch nhưng cũng diễn tả nỗi tiếc thương và hoài niệm của họa sĩ cho vẻ đẹp tự nhiên của người phụ nữ bằng một ngôn ngữ rất mạnh mẽ. Anh không thích nhìn thấy xu hướng làm đẹp hiện nay và ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ ảnh hưởng xấu đến cách nhìn nhận về cơ thể phụ nữ. Anh không hề ngần ngại sử dụng hình ảnh khỏa thân để truyền tải thông điệp của mình. ‘Nỗi Lòng' góp phần bộc bạch tình yêu quý anh dành cho phụ nữ và khao khát thể hiện cái tôi bên trong của mỗi người. Anh vẽ cô bạn của mình ở nhiều dáng vẻ khác nhau để cho thấy ranh giới mong manh và bất định giữa thế giới bên ngoài và thế giới nội tâm của cô.
Còn ở 'Mưu Sinh,' Bình bày tỏ lòng trắc ẩn đối với những người lao động trên đường phố. Đường vẽ màu sáng nối giữa các nhân vật mà ta thường thấy trong tranh của anh dường như tạo ra mối liên kết giữa những con người thuộc các tầng lớp khác nhau. Cộng đồng là nền tảng của đời sống xã hội mà ở đó anh vừa là thành viên vừa là người quan sát nó. Thông điệp của anh cũng là tâm sự của bao người cùng làm nghệ thuật. Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã từng khen ngợi Lâm Bình là người nhạy cảm và tranh của anh rất có chiều sâu cảm xúc.
'Giấc Mơ Hoàng Đế' có lẽ là tác phẩm chứa đựng nhiều tham vọng nhất của anh. Dù tên gọi của bức tranh có thể khiến người ta nghĩ về ông hoàng ở thế kỷ 21 nhưng Lâm Bình vẽ bức tranh khổ lớn này là để thể hiện lịch sử và bản sắc văn hóa Việt Nam. Lối vẽ siêu thực trong tranh cho thấy sự tiếp nối giữa các gia đình hoàng gia cuối cùng của triều Nguyễn và thế hệ của người trẻ như anh. Dòng thời vẫn chậm rãi chảy trôi và không bao giờ dừng lại. Kiên định và nhìn về tương lai, Lâm Bình mong muốn tiếp tục chủ đề này với nhiều tác phẩm hơn nữa. “Tôi sẽ thực hiện ba đến bốn dự án liên tiếp trong vài năm tới,” anh chia sẻ.
“Tôi đã từng đến nhiều nơi ở châu Âu và châu Mỹ, nhưng vẻ đẹp của Huế vẫn luôn cho tôi nhiều cảm hứng vẽ tranh hơn cả. Trong bức tranh này, tôi cố gắng truyền tải bản sắc văn hóa của người Việt và sự kiên cường của dân tộc trước mọi khó khăn. Chúng ta chỉ có thể sẵn sàng chào đón tương lai khi biết tôn trọng quá khứ,” Lâm Bình chia sẻ đầy tâm huyết. Cái hồn của bức tranh là lòng yêu nước. Các hình ảnh trong ‘Giấc Mơ Hoàng Đế’ nối tiếp nhau như dòng nước chảy, nước chảy tạo thành sông, và con sông uốn quanh mảnh đất mà cha ông ta đã sinh sống qua bao đời — ta gọi mảnh đất và dòng nước ấy là Đất Nước.
Saigoneer hy vọng sớm được nhìn thấy họa sĩ Trần Lâm Bình tiếp tục kể câu chuyện của mình qua các tác phẩm tiếp theo.
Để xem thêm các tác phẩm của Trần Lâm Bình, bạn đọc có thể truy cập trang web của họa sĩ tại đây.