Dòng chảy âm nhạc truyền thống của Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm hình thành và phát triển, trong đó có những phân nhánh đã đi qua mọi vùng miền của đất nước, và cũng có những phân nhánh đã vượt qua biên giới, hòa vào biển rộng để đến với nước bạn phương xa.
Trong bối cảnh văn hóa luôn thay đổi, mối quan tâm của công chúng dành cho âm nhạc truyền thống cũng không giống như trước. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho những người nghệ sĩ của loại hình này: làm sao để bảo tồn di sản bản địa, hòa nhịp với cuộc sống hiện đại và vững vàng tiến đến tương lai.
Nhóm nghệ sĩ Đàn Đó đến từ Hà Nội vẫn luôn miệt mài với sứ mệnh nghiên cứu và bảo tồn di sản âm nhạc của dân tộc, đồng thời mang những âm điệu cổ xưa đến với khán giả qua các sáng tác đương đại.
Đàn Đó là một trong số ít những nghệ sĩ trong nước theo đuổi âm nhạc truyền thống, vì thế sự kiện “Đó là ở đâu–Đó là ở đây. (DLOD DLOD)” năm 2020 của nhóm là một cơ hội hiếm để công chúng khám phá loại hình nghệ thuật này. Sự kiện diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại (VCCA) và bao gồm các hoạt động hội thảo, triển lãm và biểu diễn đa dạng.
Được thành lập vào năm 2012, Đàn Đó đã phát triển được bộ nhạc cụ riêng cho mình sau một thời gian dài miệt mài học hỏi, khám phá và thử nghiệm. Các nghệ sĩ cũng không ngừng cải thiện kỹ thuật biểu diễn của mình để nâng cao khả năng truyền tải âm nhạc qua mỗi tác phẩm. Cách đây vài tuần, Saigoneer có dịp gặp gỡ anh Trần Duy Hưng, đồng sản xuất của dự án, và hỏi anh về bộ nhạc cụ của Đàn Đó. Anh bảo: “Tôi cũng không biết phải giải thích thế nào...Đây, để tôi chỉ cho” rồi mở cho chúng tôi xem một đoạn video trên điện thoại. Trong video, buổi biểu diễn bắt đầu với một sân khấu trống.
Sau đó, chúng tôi nhìn thấy nhạc sĩ Nguyễn Đức Minh ngồi xuống trong tư thế bắt chéo chân, gác một ống tre dày lên cổ chân, và nhẹ nhàng đặt tay lên đấy. Ống tre ấy chính là chiếc đàn đó độc đáo được đặt thành tên nhóm, bề mặt đàn đã được xử lý và mài nhẵn, thân đàn được cắt theo chiều dọc thành các thanh tre có độ dài khác nhau, khẽ rung lên theo ngón tay người gảy đàn. Các nốt nhạc thuộc mọi cung bậc sẽ nhẹ nhàng đan vào nhau tạo nên những hòa âm dày và đục hơn; lớp lớp hòa âm nối nhau kết thành một giai điệu nhịp nhàng êm ái.
Chiếc đàn là một trong những sáng tạo của nhạc sĩ Nguyễn Đức Minh cùng các thành viên trong nhóm là Đinh Anh Tuấn, Trần Kim Ngọc và Nguyễn Quang Sự. Bên cạnh đàn đó còn có những chiếc trống chum làm từ cái chum gốm ta dùng để hứng nước, miệng trống được bọc một lớp cao su dày để khi gõ vào sẽ tạo ra âm thanh trầm và vang. Nhóm đã chọn những chất liệu thường gặp trong âm nhạc và đời sống của người Đông Nam Á để làm nổi bật bản sắc dân tộc trong các sáng tác và màn trình diễn của mình.
“Từ thời xa xưa, tre đã có mối liên hệ mật thiết với đời sống và văn hóa các nước Đông Á, từ những việc lớn nhất đến việc nhỏ nhất. Tre được dùng để làm nhà, ghế, giường, đũa, thậm chí là tăm xỉa răng. Cây tre có một vị trí quan trọng trong cuộc sống của người Việt xưa,” họa sĩ Nguyễn Đức Phương chia sẻ trong bộ phim tài liệu về nhóm được trình chiếu tại DLOD DLOD. Mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại ấy chính là nguồn cảm hứng để Đàn Đó tiếp tục khám phá nghệ thuật, nghiên cứu âm nhạc trên quy mô lớn hơn và tìm ra những câu chuyện đan kết các yếu tố văn hóa, truyền thống và di sản, từ đó định hình bản sắc Việt dựa trên cuộc sống thường nhật giản dị và chân phương.
Cả nhóm gặp nhau cách đây hơn 10 năm khi nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh có dịp làm quen với giám đốc nghệ thuật Nguyễn Nhất Lý và được anh mời tham gia dàn dựng chương trình xiếc đương đại “Làng tôi” khi ấy đang rất được khán giả đón nhận. Hai tuần sau đó, anh Đức Minh tham gia diễn xuất trong chương trình và bắt đầu chuẩn bị cho buổi công diễn tại Paris. Đó là lúc anh gặp anh Kim Ngọc, Anh Tuấn và Quang Sự. Dần dần, họ trở thành đồng nghiệp và bạn bè quá suốt ba năm lưu diễn tại nhiều sân khấu nghệ thuật và không gian văn hóa khắp châu Âu.
Khi trở về Hà Nội, bốn người quyết định tiếp tục thực hành nghệ thuật cùng nhau và tìm cách phát triển kỹ năng của mình. Nhóm tiếp cận sâu hơn với cội nguồn văn hóa dân tộc Việt bằng cách khám phá các yếu tố nghệ thuật, thẩm mỹ truyền thống từ các nhạc sĩ thuộc nhiều dân tộc anh em khác. Trong thời gian này, nghệ sĩ thị giác Nguyễn Đức Phương đã trở thành thành viên thứ năm của Đàn Đó. Anh kể rằng nhóm đã “bịt mắt vào rừng” để tìm đến các chất liệu tự nhiên vốn giàu tính biểu tượng và giá trị sử dụng. Nghệ sĩ Đinh Anh Tuấn giải thích: “Chúng tôi ngầm hiểu rằng mình muốn tìm một âm thanh thật đẹp, hồn nhiên và trong lành. Nhóm đã kiên trì tìm kiếm và không dừng lại cho đến khi hài lòng.”
Đứng giữa những rặng tre xanh cao vút, thân cành san sát và quấn lấy nhau từ gốc đến ngọn, chỉ cần nhắm mắt lại là bạn có thể nghe được những hòa âm giàu chất nhạc. Tiếng lá tre xào xạc khi đung đưa trong ánh nắng mặt trời và ánh lên sắc xanh tươi sáng, tiếng lách cách và kẽo kẹt vang lên khi thân cây uốn mình theo làn gió.
Con người cũng góp phần vào bản hòa âm ấy với lưỡi dao sắc bén cắt vào thân cây hình trụ rỗng, đều đặn theo nhịp điệu riêng. Sau một lát, từng khóm lá ủ rũ rơi xuống, phát ra một tiếng “thịch” khi đáp thẳng xuống bụi rậm phía dưới. Rồi, tiếng dao sắc bén xén bớt cành nhánh cứ thế xào xạc từng hồi lan dần vào vòm vây. Những thanh âm tự nhiên ấy, cùng với những giá trị sâu sắc của chất liệu tre, đã truyền cảm hứng cho Đàn Đó theo đuổi nghệ thuật của theo phương thức của riêng mình.
Ở Hà Nội không có nhiều sự kiện để công chúng tiếp cận với các công trình nghiên cứu âm nhạc sâu rộng, vì thế Đàn Đó đã nỗ lực tổ chức DLOD DLOD để có thể giới thiệu với khán giả càng các tác phẩm của mình. Nhà sản xuất Trần Duy Hưng chia sẻ: “Tôi xem nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh diễn lần đầu tại Liên hoan Nhạc mới Hà Nội năm 2013, nhưng tôi không biết về nhóm của anh cho đến khi họa sĩ Nguyễn Đức Phương cho tôi xem tranh anh vẽ về nhóm.”
Sau đó, Nguyễn Đức Phương đã tiếp tục hợp tác với Đàn Đó trong một chương trình lưu trú và buổi hòa nhạc do Hội đồng Anh Việt Nam phối hợp với Phù Sa Lab tổ chức. Nỗ lực ấy đã dẫn đến sáng kiến về chương trình nghệ thuật quy mô lớn SEAPHONY X FAMLAB với sự tham gia của hơn 40 nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế.
Với phong cách sáng tác và kỹ năng biểu diễn ấn tượng, Đàn Đó đã tạo ra một cộng đồng của riêng mình. “Nhóm đã có những tác phẩm và màn biểu diễn thực sự xuất sắc trong những năm qua,” anh Duy Hưng nói với Saigoneer. Nhưng chính sự tận tâm và cống hiến của Đàn Đó đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng anh. “Mức độ tập trung và chăm chỉ của nhóm thật đáng nể phục. Từ năm 2012 đến năm 2014, gần như mỗi ngày họ đều đến phòng thu để chế tạo chiếc đàn đó và các nhạc cụ khác, đồng thời không ngừng thử nghiệm và sáng tác. Họa sĩ Nguyễn Đức Phương cũng chăm chỉ vẽ các bản phác thảo và chân dung, tự mình thực hiện các thí nghiệm để tạo ra loại bột vẽ có màu sắc và kết cấu đúng ý nhất.”
Nguyễn Đức Phương là người đã sưu tầm hơn 1.000 loại đất từ khắp nơi ở Hà Nội và trên cả nước. Anh hỏi những người thợ xây tại các công trường để lấy đất khi họ đang đào móng, hoặc tự tay gom đất sét đỏ bên bờ Sông Hồng. Sau đó anh thử nghiệm các mẫu đất trong nhiều tháng trước khi dùng chúng để vẽ tranh; phần còn lại được thu gom và để dành cho sau này. Bộ sưu tập phong phú ấy như một kho lưu trữ giá trị và độc đáo của họa sĩ. Đối với Đức Phương, đất không chỉ là chất liệu mà còn có giá trị lịch sử quan trọng. Anh nghiên cứu chất liệu đất trong khi các nhạc sĩ của Đàn Đó nghiên cứu chất liệu tre; và xuyên suốt quá trình sáng tạo này là sự truyền cảm hứng qua lại giữa nhạc và tranh.
Những bức tranh của họa sĩ Đức Phương mang đến nét dịu nhẹ cho chương trình triển lãm. Quy mô của các tác phẩm rất khác nhau, có những bức dài nhiều mét, chiều cao nối từ sàn đến trần, cũng có những bức chỉ là vết khắc tỉ mỉ trên mảnh gốm vỡ. Trên nền tranh màu đất đỏ, các nhân vật có tạo hình giản đơn như các nét vẽ trong hang động cổ xưa, nhưng lại hiện lên sinh động và biểu đạt được tinh thần khoáng đạt, hồn nhiên, dí dỏm của Đàn Đó.
Các bức vẽ mở ra một nơi chốn không bị giới hạn bởi ranh giới của thời gian và không gian, nơn khán giả nhìn thấy Đàn Đó những hình ảnh đối lập như khi hoạt động lúc tĩnh tại, khi làm việc lúc nghỉ ngơi, khi chiêm ngưỡng tượng nhà mồ lúc nghịch một chiếc tai nghe... Có một niềm vui tràn ra từ mỗi khung hình, mang theo hơi ấm tỏa ra từ màu sắc chất liệu vẽ — đó là niềm vui của mồ hôi công sức dành cho đam mê nghệ thuật.
Trong không gian mở ấy, có một cấu trúc bằng gỗ chạm trổ cầu kỳ với những thanh tre nhọn hoắc đang đung đưa nhẹ nhàng như cỏ lau bên bờ sông. Đối diện nó là bộ nhạc cụ thủ công của nhóm nghệ sĩ, được xếp đều trên tấm vải màu nâu cam. Với trang phục màu trắng và nâu đơn giản, nhóm nghệ sĩ ngồi thành một vòng tròn bao quanh các nhạc cụ, ánh mắt họ chạm nhau và toát lên niềm vui, nụ cười bừng nở trên môi rồi nhẹ nhàng thu lại. Hít thở một hơi thật sâu, họ để sẵn đôi bàn tay phía trên nhạc cụ, chuẩn bị một sự tập trung cao độ, và bắt đầu biểu diễn.
[Ảnh trong bài viết do VCCC cung cấp.]