Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » 'Hồi Sóng,' nơi hồi sinh, hồi tưởng và tương tác với tiếng nói bị lãng quên trong hai cuộc Thế chiến

Với chất liệu tiền đề là những bản thu âm xưa thuộc Kho lưu trữ âm thanh của Đại học Humboldt (Berlin, Đức), hai nhà soạn nhạc và nghệ sĩ âm thanh Nhung Nguyễn và Zach Sch đã đem lại một dự án nghệ thuật với các tác phẩm mãn nhãn, dù cảm quan chủ đạo ở đây là thính giác thay cho yếu tố thị giác thường thấy ở những triển lãm thông thường.

Bước vào không gian trưng bày của Sàn Art, nơi “Hồi Sóng” vừa kết thúc vào ngày 18/12 vừa qua, bạn đọc sẽ không bắt gặp những tấm tranh sơn dầu đa sắc, các bức tượng điêu khắc kỳ công, hay các kênh video chiếu phim thử nghiệm. Vỏn vẹn trên hai, ba kệ trắng nhỏ là những chiếc máy mp3 cầm tay, các cuốn tư liệu và thông tin tham khảo đi kèm dự án.

Điểm nhấn duy nhất ở không gian có phần khiêm tốn của Sàn Art — nơi kết hợp hai căn phòng nhỏ trong một khu chung cư hiện đại tọa lạc tại quận 4 — là hai chiếc máy nghe radio cổ điển đặt đối xứng nhau trên hai bục sơn trắng. Ném tầm nhìn xa hơn, sự tối giản tuyệt đối của toàn bộ không gian trưng bày như được tô điểm hay khỏa lấp phần nào nhờ dàn khung cửa kính lớn mở ra ban công thoáng đãng.

Đối mặt với một tình huống ẩn chứa sự ngạc nhiên đầy lý thú, khơi gợi sự dấn thân thuần tính ở người thưởng lãm, tôi đã chọn cầm theo chiếc máy mp3 và cuốn tư liệu tham khảo ra ngồi ở ban công Sàn Art — dù bên trong có băng ghế để bạn đọc nghỉ chân — và bắt đầu hành trình vén mở tấm sương mờ bao quanh dự án của Nhung Nguyễn và Zach Sch.

Lưu trong mảnh thiết bị bé hơn lòng bàn tay là năm tập tin âm thanh với độ dài đa dạng, từ 3, đến 5, đến 10 phút. Đây cũng chính là một phần của các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày: hai chiếc radio cổ ở không gian chính để thay cho tranh, điêu khắc, video, hay trình diễn — bởi trong bối cảnh lịch sử nghệ thuật đương đại thế giới, với "sự gia tăng mạnh mẽ của các cuộc triển lãm lấy âm thanh làm trung tâm kể từ những năm 1980, [...] cũng giống như bất kỳ phương tiện thị giác nào, âm thanh có khả năng trở thành kênh cung cấp thông tin, kích hoạt cho trải nghiệm thẩm mỹ cũng như chính trị, điều mà Hồi Sóng mong muốn làm nổi bật," theo thông tin từ sách tư liệu dự án.

Tác giả Nhung Nguyễn là một nghệ sĩ âm thanh trẻ gốc Hà Nội với bề dày sáng tác, triển lãm và trình diễn trên nhiều hình thái và biểu đạt thẩm mỹ khác nhau; Zach Sch, song song với các hoạt động sáng tác nghệ thuật độc lập, còn được biết đến là thành viên của ban nhạc Rắn Cạp Đuôi. Dù cả hai nghệ sĩ đều có kinh nghiệm dày dặn trong thực hành và sáng tác âm thanh, yếu tố tạo thành tính nguyên bản và ấn định độ cảm thấu đa chiều của “Hồi Sóng” nằm ở chính chất liệu lịch sử mà hai bạn này đã dày công nghiên cứu, lật tìm và hồi sinh.

Nội dung ẩn chứa trong chiếc máy mp3 là các đoạn thu âm giọng nói, câu chuyện của các tù binh, lính tòng quân thuộc địa châu Phi và Việt Nam bị quân đội Pháp cưỡng chế khỏi quê hương để tham gia hai cuộc Thế chiến, nơi họ bị bóc lột dưới vai trò công nhân nhà máy hay binh lính trên chiến trường. Những đoạn thu âm này vốn thuộc dự án nghiên cứu ngôn ngữ và dân tộc học của các nhà khoa học châu Âu vào đầu thế kỷ 20, được cất giữ và bảo tồn tại Kho lưu trữ âm thanh của Đại học Humboldt, được số hóa vào thập niên 1990. Hai nghệ sĩ đã có cơ hội tiếp cận, lắng nghe và tìm hiểu các bản thu này vào hai năm trước.

“Những đoạn thu âm này đã lay động tâm trí tôi một cách sâu sắc,” Nhung Nguyễn cho hay. “Cá nhân tôi luôn bị thu hút bởi những câu chuyện và mảnh ghép lịch sử gắn liền với chiến tranh. Những đoạn thu âm trong Kho lưu trữ của Đại học Humboldt đã gợi mở và thôi thúc trong tôi mong muốn đem những tư liệu bị lãng quên về những người lính và nhân công Việt Nam đa phần bị cưỡng ép tham gia vào hai cuộc thế chiến đến rộng rãi hơn với với công chúng thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật.”

Không chỉ đơn thuần phát lại các đoạn thu âm kể trên, Nhung Nguyễn và Zach Sch đã lồng ghép vào đó lời dẫn thuật bối cảnh lịch sử, con số thống kê, khảo cứu chính trị–văn hóa giá trị. Hai nghệ sĩ đã kết hợp với đội ngũ gần 25 người trong tư cách hoạt động độc lập hay đến từ Viện Goethe, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản, Quỹ Nguyễn Thiện Đạo, trường Đại học Humboldt tại Berlin và Sàn Art (những tổ chức hỗ trợ tài chính cho dự án), trong công tác nghiên cứu, biên dịch, thiết kế, hỗ trợ kỹ thuật và tư liệu để làm nên một trải nghiệm hoàn chỉnh cho công chúng thưởng lãm.

Nhưng trên hết, đan xen và hòa quyện với những giọng nói và chất liệu lịch sử kể trên là làn nhạc âm ỉ, ưu tư và đau đáu mà Nhung Nguyễn và Zach Sch sáng tác. Đó là một thứ chất nền xúc tác giúp chạm đến hay cảm hoá tâm tưởng người đối diện khi lắng nghe và mường tượng về những thước phim trần trụi mà trong đó, nhân vật chính là những con người đã từng sống, những cuộc đời dẫu chịu ách cam chịu nơi đất khách nhưng tâm hồn và trái tim luôn khắc khoải về miền đất quê hương, gia đình và cội nguồn.

“Sự kết nối giữa Nhung và tôi ở dự án này đến từ niềm đam mê chung về những chiều kích và chiều sâu mà âm thanh có thể gợi mở,” Zach Sch chia sẻ. “Cùng nhau nghiên cứu và sáng tác dựa trên nguồn tư liệu đáng quý này không khác gì bạn đang thực hiện một bộ phim tài liệu, bởi những đoạn thu âm này không chỉ có tuổi đời hơn 100 năm mà gần như gắn liền với giai đoạn khởi nguyên của công nghệ truyền âm vốn bắt đầu từ cuối thế kỷ 19. Nhưng dẫu đó là âm thanh hay âm nhạc, tôi luôn xem vai trò của mình không khác gì một họa sĩ, một kiến trúc sư, nhà khảo cổ học hay nhân chủng học, bởi đây chính là những ‘mạch dẫn’ giá trị để tôi khai phá và đào sâu vào những chủ đề, lĩnh vực về văn hóa vốn luôn khiến tôi tò mò và hứng thú.”

Căn tính của một dân tộc là gì? Bạn đọc hẳn sẽ có câu trả lời cụ thể của riêng mình. Ở đây, tôi chỉ muốn gợi nhắc đến thứ xúc cảm trong lòng khi bạn bỗng nghe được và nhận ra một giọng nói, một thanh âm, một nét luyến láy dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng, khi thấy mình đang chu du, sinh sống hay học tập nơi đất khách quê người.

Bồi hồi, xúc động, nhưng cũng có chút gì lạ lẫm. Đó cũng chính là cảm xúc khi ở “Hồi Sóng,” cầm trên tay chiếc máy mp3 và nhìn ra khung cảnh hiện đại trước mắt nơi ban công Sàn Art, tôi lắng nghe tiếng ngâm thơ của ông Nguyễn Văn Tấu:

Nhất thanh đô thị khí
Ngũ phúc lòng tường vân
Tôi xin dẫn Phan Trần hai họ
Nhời nguyền ước, nhời nguyện ước thế nào ?
Nhời nguyền ước đinh ninh gắn bó
Dẫu ai mà sinh đặng gái giai
Một nghìn năm xin ai chớ quên ai
Ghi tâm quạt nhời thề non nước
Tới năm sau, tới năm sau thế nào ?
Tới năm sau nước Tề có loạn.
Nường Kiều Vân lánh mặt đi tu
Chàng Phan Sinh tới cảnh thăm cô
Nhác trông thấy hễ nàng tiên hạ giới
Có thơ rằng, có thơ rằng thế nào ?
Có thơ rằng:
Rường cột khen ai khéo dựng lên
Đức tối linh người đương bảo hộ
Dưới mừng già trẻ phú thọ đa
Dân đâu đấy kể thái thường vô vũ
Ngồi ngắm chứ ví huê đèn nhật tình bây giờ còn chi đó dãi phiền cùng hoa.

Cuốn sách tư liệu dự án cho hay: “Ông xuất thân là một nông dân ở Nam Định. Ông bị bắt giam tại trại tù Halbmondlager tại Đức, trong giai đoạn Thế chiến Thứ nhất. […] Giọng nói của ông được thu lại vào ngày 19/17/1918, khi ông 35 tuổi. […] Trong bản thu này, ông tấu hát một phần tóm tắt và bình luận tác phẩm 'Phan Trần Truyện.' Tác phẩm này vốn là truyện thơ Nôm bình dân dài 936 câu, không rõ tác giả.”

Trang “Hồ sơ PK 1398 – Tờ khai về tù binh” về ông Nguyễn Văn Tấu trong sách tư liệu dự án.

Ngoài giọng nói của ông, tôi và bạn còn có thể biết gì nhiều hơn về một con người đã khuất, với tình cảnh cuộc đời quá tách biệt và điều duy nhất gắn kết ông — một dấu chấm bé nhỏ như hạt cát trong cơn bão bủa vây của lịch sử — với chúng ta ngày nay là dòng máu người Việt, biết sử Việt, yêu văn Việt và nói tiếng Việt?

Trong tài liệu mà “Hồi Sóng” thu thập và cung cấp, tất cả những điều còn lại về ông Nguyễn Văn Tấu chỉ vỏn vẹn trong trang giấy “Tờ khai về tù binh” không vượt quá khổ A4, với những mục thông tin mang tính thống kê, và có chăng, không thể nào nói lên được bao nỗi niềm chất chứa trong tiếng ca mà ông — như bao tù nhân và đối tượng nghiên cứu khác — đã buộc phải truyền tải vào những đoạn ghi âm mang danh nghĩa "nghiên cứu khoa học."

Trọng tâm của dự án sắp đặt “Hồi Sóng” là bộ đôi hai chiếc radio cổ. Khán giả được khuyến khích tự tay vặn chỉnh nút rà tần số FM trên hai chiếc máy radio để đến và nghe được nội dung âm thanh mà Nhung Nguyễn và Zach Sch đã chuẩn bị.

Vậy nhưng, “quãng đường” để đến “vạch đích” tất yếu sẽ bị xen lẫn hay nhiễu sóng bởi những chương trình phát thanh mà các đài radio Việt Nam đang phát sóng ở thời điểm đó: VOV Giao thông, phát nhạc theo yêu cầu, quảng cáo, chuyên mục tìm kiếm bạn tâm giao, v.v. Ở đây, khán giả và không gian vật lý của Sàn Art trở thành một phần không thể thiếu của tác phẩm khi đem lại yếu tố tương tác ngẫu hứng cùng ảnh hưởng âm học từ các tác nhân bao quanh ở thời điểm trải nghiệm.

Tính ngẫu nhiên của tác phẩm sắp đặt còn đến từ các khả năng có thể xảy ra khi các lớp âm thanh ở mỗi radio nối tiếp hoặc đè lên nhau nhờ kỹ thuật sound collage, cắt ghép các mẩu âm thanh từ tư liệu lưu trữ và thiết kế âm thanh của mỗi nghệ sĩ.

Cùng là âm thanh, giọng nói, nhưng liệu chúng ta có thể xâu chuỗi lại tất cả và định hình nên giá trị cốt lõi của bản thân, cội nguồn và cuộc sống? Tất cả những yếu tố trên đòi hỏi sự tham gia mang tính tương tác và hành động cởi mở ở người thưởng lãm.

Nhưng trên hết là góc nhìn, cảm quan và suy ngẫm cá nhân về sự hiện diện và tái hình dung những thuộc tính đặc thù, căn bản và quan trọng về ý nghĩa của âm thanh — không chỉ trong từng khoảnh khắc ở đời sống quanh ta, mà còn gắn liền với tiếng nói cá nhân và dân tộc xuyên suốt dòng chảy biến động, phức tạp và dễ bị lãng quên của lịch sử nếu ta không trân trọng, gìn giữ và học hỏi.

Hay như Nhung Nguyễn chia sẻ: “Âm thanh ẩn chứa trong nó một sức mạnh lớn lao. Điều làm nên sự khác biệt giữa âm thanh so với hội họa hay nhiếp ảnh chính là khoảnh khắc khi bạn nhắm mắt, tâm trí bạn vẫn có thể mường tượng một thế giới hay ký ức mà âm thanh có thể gợi nhớ, cùng với đó là những tiếng động và giai điệu dù muốn hay không, đôi tai bạn vẫn đón nhận từ thế giới xung quanh. Đối với tôi, âm thanh chính là sự tự do.”

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

'In Art We Trust,' triển lãm tranh cổ động hướng tới nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới

Tuần vừa rồi, triển lãm tranh cổ động "In Art We Trust" đã diễn ra tại không gian của Viện Goethe Hà Nội. Triển lãm do Heritage Space và Ơ Kìa Hà Nội tổ chức nhằm giới thiệu các tác phẩm tranh cổ động...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

'SKINFORVACCINE': Bộ sách ảnh bán nude chụp qua Zoom để gây quỹ vaccine

Sách ảnh nghệ thuật SKINFORVACCINE là dự án gây quỹ vaccine tại Việt Nam, được thực hiện bởi hai nhiếp ảnh gia Lâm Nguy và Điện Thu. Các bức ảnh chân dung được chụp hoàn toàn online với sự tham gia củ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Các nền tảng trực tuyến mở ra hướng đi mới cho triển lãm nghệ thuật trong nước giữa đại dịch

Cho đến tháng 2/2020, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) vẫn nhộn nhịp tổ chức các hoạt động triển lãm nghệ thuật của các nghệ sĩ trong và ngoài nước, trong đó có triển lãm "Tỏa 3" do Đỗ Tườ...

Khôi Phạm

in Natural Selection

Lêkima: Loài hoa gắn liền với người nữ anh hùng Võ Thị Sáu

Câu chuyện về hoa lêkima có lẽ là ví dụ tiêu biểu cho mô típ “một phút huy hoàng” sau mấy trăm năm tồn tại “le lói.” Có thể nói màn xuất hiện ngắn ngủi trong câu chuyện về người nữ anh hùng dân tộc Võ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Nghe lời thì thầm của rừng ngập mặn qua triển lãm nhiếp ảnh nghệ thuật của Chiron Duong

Vượt khỏi khuôn khổ của một sự kiện nghệ thuật đơn thuần, triển lãm “Midnight in the Mangroves -  Đêm Trong Rừng Ngập Mặn” giáo dục người xem về vẻ đẹp và tầm quan trọng của các cánh rừng ngập mặ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Nghệ thuật vĩnh cửu trong tranh của họa sĩ gốc Việt Ann Phong

Có hai thứ khiến người Việt lớn tuổi ở Little Saigon bối rối: nghệ thuật và ẩm thực sáng tạo, bởi chúng lạ lẫm đến mức phản cảm. Một sự lạ lẫm vượt ngoài sức chịu đựng của họ. 

Đồng Sáng Tạo

in Giáo Dục

Các trường quốc tế tập trung hơn vào sức khỏe tinh thần của học sinh

Nếu học sinh không được chăm sóc về tinh thần và cảm xúc, các em sẽ khó phát huy hết tiềm năng trong cả việc học ở trường lẫn giao tiếp ngoài xã hội.

in Ăn & Uống

Saigon Café quốc tế hóa trải nghiệm buffet cho thực khách

Là một trong những nơi phục vụ buffet hải sản đẳng cấp nhất thành phố, nhà hàng Saigon Café tại Sheraton Saigon Hotel & Towers đang hướng đến mục tiêu nâng tầm danh tiếng của mình bằng cách mở rộng th...

in Resort

Vì sao Phú Quốc là điểm đến hàng đầu cho gia đình vào mùa Tết 2022

Không khó hiểu vì sao Phú Quốc, thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, là điểm đến yêu thích hàng đầu trong nước vào bất kể thời điểm nào trong năm: những triền biển hoang sơ ngập nắng, hải sản tươi sốn...

in Ăn & Uống

Thiết kế ‘nhìn yêu ngay’ của tặng phẩm đầu năm A Night On Earth: Khi một nét vẽ dụng công hơn ngàn lời chúc tụng

Gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ với hai gam màu tương phản, thiết kế hộp quà A Night On Earth là sáng tạo của nhà minh họa-thiết kế Erica Dorn cho phiên bản whisky giới hạn vừa ra mắt dịp năm mới. Không...

in Resort

Đón một mùa Tết cổ truyền đầy mới mẻ tại Four Seasons The Nam Hai

Nói đến Tết là nói tới những phong tục cổ truyền đặc sắc. Phong vị xuân khó có thể trọn vẹn nếu bỏ qua cách “ăn Tết,” “lễ Tết,” và “chơi Tết” truyền thống, được hình thành và lưu giữ cả ngàn đời nay. ...

in Dịch Vụ

Với Homebase, mọi ước mơ sở hữu nhà chung cư, nhà đất hay đất nền đều nằm trong tầm tay

Ở Việt Nam, nhà đất luôn là một trong những lựa chọn đầu tư được quan tâm nhất, nhưng cũng là lựa chọn phức tạp và dễ gặp trở ngại nhất. Nhưng giờ đây, người mua nhà có thể giảm thiểu nhiều rủi ro và ...