Cho đến tháng 2/2020, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) vẫn nhộn nhịp tổ chức các hoạt động triển lãm nghệ thuật của các nghệ sĩ trong và ngoài nước, trong đó có triển lãm "Tỏa 3" do Đỗ Tường Linh đồng giám tuyển, một sự kiện tụ hội nhiều tác phẩm đặc sắc của lớp nghệ sĩ từ các nước đang phát triển.
Thế nhưng, không lâu sau đó, các hoạt động kinh doanh, văn hóa, nghệ thuật trên toàn thành phố Hà Nội bị tạm ngưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh ấy, những người hoạt động nghệ thuật buộc phải tách rời những gì thân thuộc nhất với mình: không gian trưng bày và khán giả yêu nghệ thuật.
Không khuất phục trước hoàn cảnh, An Nguy, một giám tuyển khác tại VCCA, hiểu rằng đây là lúc cô cần phải tìm một giải pháp sáng tạo. Sau khi tham khảo ý kiến của các đồng nghiệp trong giới, An đã dùng nền tảng trực tuyến như Zoom để tiếp tục các dự án của mình. Một trong số đó là chuỗi workshop online được cô thực hiện với Trung tâm Nghệ thuật Hoa Tâm.
“Những người hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ, giám tuyển, đơn vị tổ chức và khán giả dường như trở nên gắn kết hơn nhờ các hình thức tương tác trực tuyến trong thời kỳ đại dịch,” An Nguy chia sẻ.
Trong bối cảnh các phòng trưng bày và bảo tàng tại Hà Nội phải đóng cửa trong một thời gian dài từ khi dịch bệnh bùng phát, ngành nghệ thuật cũng buộc phải thích nghi và có những bước tiến phù hợp với tình hình thực tế. Nhờ vào các giải pháp công nghệ, nhiều tác phẩm nghệ thuật đã được số hoá, các buổi trưng bày nghệ thuật trực tuyến cũng được đẩy mạnh, giúp một lượng khán giả lớn tiếp cận với văn hoá nghệ thuật Việt Nam.
Qua các hoạt động trực tuyến, các đơn vị tổ chức đã giải quyết được những vấn đề nhức nhối muôn thuở như chi phí tổ chức và công tác bảo quản tác phẩm, đồng thời tạo ra một không gian thưởng thức nghệ thuật toàn cầu với lượng tác phẩm đồ sộ thuộc nhiều chủ đề khác nhau. Tính hiệu quả của giải pháp này thể hiện rõ ở lượng người xem online không ngừng tăng lên, tạo điện kiện để người yêu nghệ thuật chiêm ngưỡng những tác phẩm ít được biết đến trước đó.
“Các nền tảng trực tuyến như Facebook, Instagram và các trang web cho phép khán giả quốc tế và các tổ chức trong và ngoài nước tiếp cận với nghệ thuật Việt Nam một cách dễ dàng và sâu rộng hơn,” An Nguy cho biết. “Đặc biệt là với những ai không thể đến Việt Nam, họ vẫn có thể tìm kiếm thông tin, nghiên cứu và thưởng thức các tác phẩm ở đây.”
Những nghệ sĩ như Hà Đào, đồng sáng lập của Không gian Nhiếp Ảnh Matca — một trung tâm nghệ thuật phi lợi nhuận tại Hà Nội, cũng tận dụng thời điểm này để phát triển các nội dung số, chọn lựa đề tài và thông điệp phù hợp, cũng như nghiên cứu cách thức trình bày trên website của mình.
“Cũng như các tổ chức nghệ thuật khác trong thời điểm này, chúng mình chuyển trọng tâm sang các hoạt động trực tuyến, đặc biệt là sản xuất nội dung trên trang web và mạng xã hội,” Hà Đào cho biết. Bản thân Đào cũng vừa tổ chức chuỗi workshop của riêng cô thông qua không gian nghệ thuật trực tuyến.
“Vì hầu hết các hoạt động offline đều dừng lại, chúng mình đã có cơ hội hoàn thiện và ra mắt trang web của nhóm vào đầu tháng 4 qua,” cô chia sẻ.
Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm của Việt Nam từ lâu đã đặt ra thách thức đối với việc bảo quản các tác phẩm nghệ thuật. Trong quá khứ, nhiều tác phẩm đã bị hư hại dưới tác động của nhiệt độ cao, nấm mốc hay côn trùng. Nhưng ngày nay, công nghệ kỹ thuật số cho phép các nghệ sĩ lưu trữ và sao chép các tác phẩm của mình để bảo quản lâu dài.
Chị Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Ưu điểm của kho lưu trữ kỹ thuật số và thư viện trực tuyến là các tác phẩm và tài nguyên nghệ thuật đều được bảo đảm an toàn, nguyên vẹn để phục vụ cho công tác của những người làm giáo dục hay tổ chức nghiên cứu.”
Tuy nhiên, việc số hóa các bộ sưu tập cũ của nhiều nghệ sĩ Việt Nam vẫn gặp không ít trở ngại như thiếu hụt ngân sách, nhân lực và kỹ thuật cần thiết. Nhưng giờ đây, quy trình số hóa nghệ thuật ở các nước đang phát triển đã trở nên dễ dàng hơn nhờ có những nền tảng trực tuyến miễn phí như Facebook và các phần mềm nguồn mở để vẽ tranh 3D, tranh VR (thực tế ảo), triễn lãm và các tour tham quan trực tuyến.
Việc số hóa các tác phẩm văn hóa và nghệ thuật ở Việt Nam đã diễn ra suốt 10 năm qua nhưng không có nhiều tiến triển, chủ yếu là những dự án nhỏ do các bảo tàng thực hiện với sự tài trợ từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, với nhu cầu số hoá nội dung cao như hiện nay, có thể thấy Việt Nam chưa có đủ tài nguyên để xây dựng nền tảng nghệ thuật và văn hóa trực tuyến.
Trước đại dịch, các nghệ sĩ trong nước phải phụ thuộc nhiều vào những nguồn tư liệu online của phương Tây để nghiên cứu, chia sẻ và giảng dạy. Nhưng với cú hích từ đợt giãn cách xã hội, họ đã chú trọng đến việc dùng internet để lưu giữ kho tàng nghệ thuật và văn hoá đương đại của Việt Nam.
Các tổ chức nghệ thuật phi chính phủ như Không gian Nhiếp ảnh Matca, VCCA và Manzi đang tích cực khởi xướng các giải pháp số hóa và trưng bày nghệ thuật trực tuyến để mở rộng nguồn tài nguyên nghệ thuật số Việt Nam. Qua việc thử nghiệm các ứng dụng, công nghệ AI, thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR), những tổ chức nghệ thuật độc lập này đã có nhiều đổi mới trong cách thức mang nội dung số hóa đến với công chúng.
Manzi Art Space là nơi đi đầu trong việc sử dụng các công nghệ này, một ví dụ tiêu biểu là dự án “Into Thin Air” được hỗ trợ bởi công nghệ AR. “Into Thin Air” là một dự án nghệ thuật công đồng được Manzi Art Space khởi xướng và giám tuyển từ năm 2014 và diễn ra lần đầu vào năm 2016. Dự án biến các địa điểm công cộng tại Hà Nội thành không gian trưng bày nghệ thuật mà khán giả có thể tham quan ngay qua chiếc smartphone.
Hai trong số các tác phẩm của “Into Thin Air” có thể dùng làm ví dụ điển hình cho khả năng tạo lập không gian trưng bày nghệ thuật của công nghệ kỹ thuật số, đó là 'A way to preserve' (tạm dịch: Một cách để bảo tồn) của Nguyễn Huy An tại Công viên Thống Nhất, và 'Từ dưới nhìn lên' của Nguyễn Oanh Phi Phi tại không gian Chợ Hôm. Cả hai đều là những tác phẩm sắp đặt kỹ thuật số trên không gian thực.
Trong quá trình chuyển đổi này, các nghệ sĩ cũng cần phải cân nhắc xem nền tảng hay công nghệ nào là phù hợp nhất với tác phẩm của họ. Nhiều nghệ sĩ lựa chọn đăng tải các tác phẩm của mình lên Youtube để tận dụng tính năng tương tác của nền tảng này. Qua đó, họ có thể vừa giới thiệu tác phẩm vừa giao lưu với khán giả. Nhiều nghệ sĩ khác chọn cách trưng bày tác phẩm trên các trang web, thậm chí thiết kế triển lãm nghệ thuật ở định dạng 3D.
Bước chuyển đổi mới nhất của xu hướng này chính là có những tác phẩm đã được tạo ra trực tiếp bằng công nghệ số và trên nền tảng trực tuyến nhờ sử dụng các công nghệ AI và Machine Learning (máy học). Điển hình như nghệ sĩ âm thanh Nguyễn Hồng Nhung (Nhung Nguyễn), cô đã tạo một website và thực hiện nghệ thuật âm thanh của mình ngay trên nền tảng Bandcamp và các ứng dụng trên điện thoại di động.
Nhung Nguyễn cũng đã số hóa tác phẩm nghệ thuật bằng ảnh và video, cũng như tạo ra hệ thống lưu trữ trên Google Drive và Dropbox.
Nhiều nghệ sĩ cho biết, việc trưng bày nghệ thuật online ban đầu chỉ là một giải pháp tạm thời, nhưng cuối cùng lại giải quyết được những đề lâu ngày trong giới nghệ thuật, như các hạn chế của cuộc triển lãm offline. Nhờ hình thức trực tuyến họ có thể dễ dàng giới thiệu nghệ thuật Việt Nam đến khán giả thế giới, từ đó làm mới những định kiến xưa cũ về văn hoá Việt Nam.
“Chúng ta cần đưa các tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam đến với khán giả quốc tế vì nền nghệ thuật Việt Nam đang có bước phát triển mạnh mẽ,” trích lời Claire Driscoll, đồng sáng lập và giám đốc của Work Room Four. “Khi chưa thể vươn ra thế giới, nghệ thuật Việt Nam vẫn sẽ bị xem là 'ao làng' dưới cái nhìn lạc hậu từ thời thực dân.”
Cũng có ý kiến cho rằng đại dịch chỉ đóng vai trò thúc đẩy cho một xu hướng vốn đã được phát triển từ trước đó. Hà Đào cho biết cô luôn ưu tiên các hoạt động online, bản thân Matca khi mới thành lập vào năm 2016 cũng là một tạp chí nhiếp ảnh online. Cô tin rằng việc sử dụng các nền tảng trực tuyến là phương thức tiết kiệm và khả thi nhất với những người làm nghệ thuật tại Việt Nam.
“Các nền tảng trực tuyến giúp nghệ sĩ tương tác với lượng khán giả đã có và thu hút thêm khán giả mới bằng việc sử dụng hashtag, SEO, số lượt yêu thích, bình luận và chia sẻ trên mạng xã hội,” Hà Đào nói. “Theo các dữ liệu thống kê, đối tượng người xem của bên mình hầu hết là người Việt từ 18 đến 34 tuổi, một số ít là từ các nước Đông Nam Á khác, và các nước nói tiếng Anh như Mỹ, Anh hay Úc.”
Hà Đào xem tạp chí online của mình là một “kho lưu trữ mở” về lịch sử phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam và Đông Nam Á, và ai cũng có thể truy cập và thưởng thức. Mục tiêu của cô là nâng cao nhận thức và khuyến khích trao đổi về nhiếp ảnh Việt Nam, cũng như cung cấp không gian trưng bày nghệ thuật cả online và offline cho các nhiếp ảnh gia. Hà Đào và nhóm của cô đã thực hiện điều này bằng nhiều sự kiện offline, nhưng thường xuyên hơn vẫn là các hoạt động online trên trang web của nhóm.
“Trang web của Matca là một trong rất ít những địa chỉ để tìm hiểu về nhiếp ảnh ở Việt Nam. Vì vậy, web được thiết kế 'mở' nhất có thể để ai cũng có thể truy cập," Hà chia sẻ.
Với hướng đi này, cộng đồng nghệ sĩ Việt đang dần thay đổi ấn tượng về nghệ thuật, văn hóa Việt Nam trong mắt khán giả quốc tế. Từ những tác phẩm nằm yên trong viện bảo tàng, ít được công chúng và bạn bè quốc tế biết đến, đến những không gian trưng bày trực tuyến đầy thu hút với người Việt trẻ và người yêu nghệ thuật khắp bốn phương.
[Ảnh đầu bài: Một không gian nghệ thuật tại Hà Nội /Ảnh do nhân vật tham gia phỏng vấn cung cấp]
Bài báo được đăng lần đầu trên Southeast Asia Globe, bản chuyển ngữ được đăng lại trên Saigoneer thông qua sự hợp tác với Southeast Asia Globe.
Emma Duester là giảng viên Khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Hà Nội. Cô cũng đang quản lý một dự án nghiên cứu về việc số hóa các tác phẩm nghệ thuật và văn hóa ở Việt Nam.