Diễn ra tại không gian của Ngõ Art Gallery, triển lãm tranh màu nước “Giấc mơ” là điểm đến của một hành trình mỹ thuật đặc biệt, kéo dài nhiều thập kỷ của người nghệ sĩ với nỗi niềm không dứt hướng về quê hương.
Vincent Monluc là một họa sĩ và nhà sản xuất phim người Pháp gốc Việt. Sinh ra ở Việt Nam vào năm 1952, ông theo gia đình sang Pháp khi 11 tuổi, rồi tiếp tục sinh sống và làm việc tại đây trong những năm tháng trưởng thành. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bordeaux, ông trở thành giáo viên tại một trường học, nhưng vì niềm đam mê mạnh mẽ với nghệ thuật, ông chuyển hướng sang sản xuất phim hoạt hình cho đài truyền hình Pháp và gắn bó với công việc này hơn 35 năm.
Dù dành phần lớn cuộc đời và sự nghiệp ở nước ngoài, Vincent vẫn luôn dành nhiều niềm yêu mến cho quê nhà và mong muốn được trở về để khám phá cội nguồn văn hóa, xã hội và con người của đất nước mà ông giữ sâu trong ký ức.
Sau khi về hưu, Vincent tiếp tục tìm niềm vui trong việc cầm cọ bằng cách chu du khắp nơi để vẽ tranh phong cảnh. Tuy nhiên, dù đặt chân đến bao nhiêu thành phố trên thế giới, trái tim của ông vẫn hướng về mảnh đất hình chữ S. “Tôi vẽ tranh ở Pháp và Mỹ, nhưng nơi tôi mơ về là Việt Nam, quê hương của tôi,” họa sĩ cho biết.
Cuối cùng, Vincent quyết định trở về Việt Nam để hiện thực hóa hoài bão đã đeo đuổi từ lâu. Từ năm 2016, ông lên đường cùng những người bạn làm nghệ thuật và rong ruổi trên khắp các vùng miền đất nước để thực hiện các tác phẩm ký họa và trực họa. Hành trình đã đưa ông đến vô số những khung cảnh đáng nhớ, như đồng quê thơ mộng của Sa Pa, đường phố nhộn nhịp của Sài Gòn, hay phố cổ e ấp của Hội An.
Sau sáu năm, bộ sưu tập hơn 95 tác phẩm của Vincent nay đã được cùng nhau tụ hội và ra mắt công chúng tại triển lãm “Giấc mơ” — cái tên chứa đầy ắp tâm niệm của một người con xa xứ cả cuộc đời. “Tôi biết giấc mơ này luôn ở đó, cựa quậy, chực chờ, sống động giữa nhiều chiều hướng không gian, thời gian. Và tôi nghe rõ, những thanh âm của giấc mơ mình: được trở về Việt Nam, vẽ tranh về Việt Nam,” người họa sĩ cho biết.
“Hội họa giúp tôi hiểu quê hương mình hơn. Bởi khác với chỉ đơn thuần chụp hình hay du lịch, việc vẽ đòi hỏi người họa sĩ phải nhìn từ nhìn góc độ. Vẽ một người thì phải nhìn mười người để chọn ra người đó. Và mỗi cái nhìn đều là một kỉ niệm được ghi sâu trong tâm trí.”
Vincent cho biết, người xem có thể cảm nhận được ở các tác phẩm niềm an yên trong tâm hồn ông từ việc đoàn tụ với đất nước.“Sự hạnh phúc hiện lên trong các nét vẽ, trong cách bố cục họa tiết, trong cách đi màu, và trong những nhân vật và nội dung được chọn.”
Và ở đây, người họa sĩ chọn khắc họa những nét đẹp dung dị nhất, đơn giản đến mức người ta dễ dàng bước qua mà không mảy may đoái hoài. Nhưng qua lăng kính mỹ thuật và cọ vẽ màu nước của Vincent, những chủ thể đó hiện lên với một sức sống khác lạ. Dù là một ông cụ neo đơn ngồi trước mảnh sân vườn, hay một cô bán cá ở chợ Bến Thành — người xem cũng phải dừng lại để tự vấn bản thân về những phong vị thường nhật mà mình đã bỏ lỡ. “Dù biết là bán tranh như vậy không được, nhưng tôi vẫn thích vẽ,” ông nói.
Tất nhiên, tranh vẽ màu nước về Việt Nam không hề hiếm, nhưng tranh của Vincent Monluc là một sự cộng hưởng của những thành tố đặc biệt. Ta có thể thấy trong tranh của ông kỹ thuật chuyên môn và sự lý tính của một người nghệ sĩ được đào tạo tại phương Tây, nhưng cũng có thể thấy cách bắt cảnh, cách rung động trước sự thi vị dân dã vô cùng thuần Việt.
Và trên tất cả là một sự gần gũi và nhân văn làm người xem phải rung động. Ông nói: “Là một người làm mỹ thuật, tất nhiên tôi thích những cái đẹp: ánh sáng đẹp, màu đẹp, v.v. và Việt Nam là một xứ với nhiều thứ như vậy. Nhưng cái tôi quan tâm hơn cả là bức tranh đời sống và con người được lồng ghép trong đó.”
Khi được hỏi về tác phẩm mà ông tâm đắc nhất, Vincent đã phải dành hẳn nhiều phút để ngẫm nghĩ, không phải vì ông không nhớ, mà vì mỗi tác phẩm đều để lại cho người họa sĩ cảm nhận sâu sắc: “Không có cái nào nó hơn cái nào, bởi một khi đã chọn vẽ thì nó đã đặc biệt. Đặc biệt về ánh sáng, về nhân vật, mỗi cái lại đặc biệt một cách khác nhau.”
Tuy nhiên, họa sĩ người Pháp có nhắc đến một loạt tranh mang lại cho ông “luồng cảm xúc mạnh mẽ nhất.” Trong đó, Vincent đã khắc họa lại những khung cảnh tách biệt nhưng có sự liên kết tại Côn Đảo. Bức tranh thứ nhất là một dinh thự từng thuộc về cai ngục người Pháp, bức thứ hai là kiến trúc bên ngoài của nhà tù Côn Đảo.
“Trong bức tranh này, tôi không phải đang vẽ một cảnh, mà là vẽ lại cái hồn của người đã sống và để lại những sự vật ở đây. Tôi tự hỏi: ‘Họ là ai?’ và mường tượng đến khung cảnh ngày xưa trước mắt. Có thể ban ngày, những cai ngục đó sẽ đi làm và đàn áp các tù bình. Họ làm những công việc không thiện lương. Thế rồi, buổi chiều, họ bỏ lại tất cả đề về nhà với vợ con, sống hạnh phúc trong căn biệt thự 4-5 phòng.”
Căn biệt thự lộng lẫy ấy giờ đây đã bị bỏ hoang, Vincent nói. Nhưng số phận của con người, và những sắc thái cuộc sống ẩn chứa trong đó vẫn được thể hiện và lưu giữ trên trang giấy mà người nghệ sĩ tài hoa đã họa lên. Đây cũng chính là tinh thần chung của các tác phẩm tại triển lãm “Giấc mơ” mà Saigoneer cảm nhận được.
Triển lãm “Giấc mơ” của họa sĩ Vincent Monluc hiện đang diễn ra tới hết ngày 26/1/2022, từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, tại Ngõ Art Gallery, Tầng 2 Chung cư Terrace, 21 Võ Trường Toản, Phường Thảo Điền, Quận 2, TP. Thủ Đức.