"Nổ Cái Bùm" là một tuần lễ nghệ thuật đương đại mang tính du hành do Đào Tùng (Nest Studio), Nguyễn Thị Thanh Mai, Trương Thiện, Hoàng Ngọc Tú (Mơ Đơ) và giám tuyển Lê Thiên Bảo (Symbioses) khởi xướng vào năm 2020 tại Huế.
Với tinh thần cởi mở và mong muốn kết nối cộng đồng yêu nghệ thuật trên khắp mọi miền đất nước, mỗi phiên bản Nổ Cái Bùm sẽ do một hoặc nhiều nhóm nghệ sĩ sẽ xung phong tổ chức tại một thành phố khác nhau ở Việt Nam.
Năm 2022, được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, nhóm nghệ sĩ Sao La và Hoàng Anh (Hey! Storm) đã đứng ra thực hiện phiên bản Nổ Cái Bùm 2022 với tên gọi "Đà Lạt Mộng Mơ." Sự kiện được dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 1/4 đến 5/4/2022 tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Nổ Cái Bùm được hình thành từ nhu cầu tinh thần của nghệ sĩ. Khi được trao cơ hội để sum vầy và thảo luận, họ có thể tạo ra một khí quyển sinh động, kích thích tinh thần sáng tạo và lôi cuốn thêm nhiều khán giả. Cũng qua đó, ban tổ chức hy vọng có thể khiến người xem cảm thấy hứng thú và gần gũi hơn với các hoạt động nghệ thuật của nước nhà.
Đà Lạt Mộng Mơ năm nay tập trung hơn 100 nghệ sĩ và người làm sáng tạo. Trong đó, hơn 57% các tác phẩm được thực hiện dưới hình thức âm nhạc/trình diễn thể nghiệm và video; 66% nghệ sĩ là những người trẻ dưới 35 tuổi và chưa có nhiều dịp được tiếp cận công chúng.
Đặc biệt, Đà Lạt Mộng Mơ còn quy tụ được các tác phẩm truyền thống như tuồng cải lương Bóng Người Xưa do nghệ sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc đạo diễn/biên tập và kịch bản; vở kịch Giấc mơ người coi chim do Tây Phong đạo diễn, và hàng loạt các bộ phim mới của các nhà làm phim thuộc nhiều thế hệ, ở trong và ngoài nước như: Síu Phạm, Phạm Văn Nhận, Phạm Hoàng Minh Thy, Lê Bình Giang, v.v.
Đà Lạt Mộng Mơ hứa hẹn là một sân chơi để các nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ khác nhau cùng đến để giao lưu và học hỏi. Tại đây, các nghệ sĩ thuộc Gen Z sẽ có cơ hội được trực tiếp gặp gỡ và trưng bày cùng những người đi trước như Nguyễn Trinh Thi, Ưu Đàm Trần Nguyễn, Nguyễn Mạnh Hùng, Võ Trân Châu; cũng như kết nối nghệ thuật với các nhà nông nghiệp, nghiên cứu văn chương và sinh học thông qua các hoạt động điền dã, tọa đàm. Những liên kết đa ngành này là điểm nối giữa tri thức với kinh nghiệm, giữa lý thuyết với thực hành.
Đồng thời, ban tổ chức tạo đã tạo ra một tấm bản đồ nghệ thuật để hướng dẫn người xem "du hành" qua bảy không gian trưng bày tại các địa điểm: Nhà triển lãm Đà Lạt, Đại học Đà Lạt, Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Hội văn học Nghệ thuật, Không gian nghệ thuật Stop and Go, Không gian nghệ thuật Youi’s và Studio Phố Bên Đồi.
Lịch trình của năm ngày lễ hội còn vô cùng phong phú với nhiều hoạt động thể thao, workshop, trò chuyện nghệ thuật và sinh thái, biểu diễn âm nhạc điện tử, cải lương, múa đương đại, chiếu phim và kịch diễn ra rải rác tại khắc các địa điểm di tích khác như: Rạp 3 Tháng 4, Cung Thiếu Nhi Lâm Đồng và TTVH Nghệ Thuật Tỉnh Lâm Đồng (Dinh Tỉnh Trưởng).
Độc giả Saigoneer muốn tham dư và tìm hiểu thêm về chương trình có thể theo dõi trang Facebook của Nổ Cái Bùm tại đây.