Ký ức của chúng ta được làm từ chất liệu gì?
Nếu phải ví von, những kỷ niệm thời thơ ấu có lẽ giống như thân gỗ lâu năm hay tảng đá khoáng — vững chắc, bền bỉ, làm nên cốt lõi của một con người. Những dạo yêu đương thì như cuộn len mềm — có thể là chiếc chăn giữ ấm, nhưng cũng dễ rối tung khi lỡ buông tay.
Còn những ký ức hàng ngày thì sao?
Có những ký ức mỏng manh như bánh tráng vậy.
Chúng nhỏ nhặt, thô sơ và thường bị lãng quên vì chẳng ai chú ý. Dù vậy, với Jamie, nhà thiết kế đằng sau dự án strangevisuals, những lát cắt thường nhật ấy không kém phần quan trọng. Chúng cũng có sức nặng riêng và xứng đáng được lưu giữ trên những chất liệu thể hiện được sự độc bản của mình.
Dự án strangevisuals giống như một kênh lưu trữ ký ức của riêng Jamie, lấy phương tiện chính là những tấm bưu thiếp làm bằng giấy dó và bánh tráng, trên đó in những hình ảnh được Jamie chụp lại ngẫu nhiên từ những sinh hoạt thường ngày hay những chuyến đi xa. Qua các tấm bưu thiếp, người xem có thể theo chân Jamie vào một buổi đi chợ mua rau, làm bạn với chó mèo bốn phương, hay nheo mắt nhìn những chi tiết hay ho trong một tòa nhà cũ kỹ nào đó.


Bưu thiếp từ giấy dó và bánh tráng.
Ý tưởng về strangevisuals bắt đầu từ một thước phim tài liệu Jamie xem về giấy dó. Trong đó, người làm phim nói giấy dó không còn “hợp thời” vì cần nhiều công đoạn thủ công, khó bắt kịp tốc độ sản xuất và tiêu dùng hiện tại. Thế nhưng, Jamie lại bị cuốn hút bởi sự tỉ mỉ và đa tầng lớp của chất liệu này, vì nó đồng điệu với cách cô nhìn thế giới. Đó là để thấy được vẻ đẹp thường nhật, trước hết phải học cách quan sát chậm rãi và chú tâm để nhận ra những lớp lang ẩn mình trong mọi thứ.



Giấy dó là chất liệu của sự chậm rãi.
Việc chọn bưu thiếp làm hình thức biểu đạt cũng đến một cách tự nhiên với tác giả: “Mình thích nhìn ký ức của mình nằm gọn trên một chất liệu [...] vừa đủ để cầm trên tay.” Trùng hợp, khổ giấy bưu thiếp phổ biến, 15x10cm, lại rất vừa vặn cho mục đích này. Jamie cũng thích tên gọi của bưu thiếp trong tiếng Anh, postcard, vì tiền tố post mang hàm nghĩa “sau này” — đúng với tinh thần “cất giữ kỷ niệm để nhìn lại” của strangevisuals.


Mặt trước in hình chụp và mặt sau để ghi lời nhắn.
Jamie cho biết, rất nhiều nhà in đã từ chối hợp tác vì các chất liệu chủ đạo của dự án không phù hợp với quy trình sản xuất hàng loạt như giấy trắng. Thế rồi, dựa trên kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, cô tự mua máy in và mày mò công thức cho riêng mình. “[Lúc đó] Jamie không biết chắc chắn mình làm được hay không, có người mua hay không. Nếu bể kế hoạch thì Jamie buồn lắm. Cũng may là không bể,” cô nói.
Sau giấy dó, Jamie tiếp tục thử nghiệm với bánh tráng, theo cô giải thích ngắn gọn là “tò mò vào một tối ăn bún đậu.”
Những loại bánh tráng khác nhau được Jamie thử nghiệm.
Trên mỗi chất liệu, ký ức hiện ra theo một cách khác nhau. Giấy dó thấm màu rất tốt, làm mực lan tỏa trên mặt giấy, khiến cảnh vật trở nên mềm mại, mờ ảo hơn. Còn bánh tráng thì có bề mặt bóng, giống giấy in ảnh, làm chi tiết trở nên sắc nét hơn. Một chất liệu như tấm gương soi về quá khứ, còn chất liệu kia thì gợi mở tương lai.


Trên mỗi chất liệu, ký ức hiện ra theo một cách khác nhau.
Sử dụng chất liệu lạ nên Jamie cũng gặp vài chuyện dở khóc dở cười. Một lần gửi sản phẩm đi nước ngoài, bên vận chuyển đã gọi hỏi cô: “Cái này ăn được không?” vì không biết điền vào ô “tài liệu” hay “thực phẩm.” Jamie phải ký giấy cam kết thì “xấp bánh tráng” đó mới được thông quan cùng các bưu thiếp khác. “Đừng ăn bánh tráng đã in nhé, đau bụng đó,” Jamie nói.
Lưu ý: Không được ăn bưu thiếp.
Bưu thiếp của strangevisuals khác với những tấm bưu thiếp thông thường vì chúng không có chủ ý ghi lại điều gì đặc biệt. Người xem có thể cảm nhận rõ sự ngẫu hứng trong mỗi khung hình, và đôi khi phải khựng lại tự hỏi: “Tại sao lại chụp cái này?” hay “Liệu tác giả có ẩn ý gì không?”
Jamie nói, cô chỉ giơ máy chụp và không nghĩ ngợi gì thêm “để cảm ơn khoảnh khắc đó đã đến với mình.” Liệu khoảnh khắc ấy có thú vị về mặt thị giác không? Liệu nó có truyền tải thông điệp nào đó không? Câu trả lời không quan trọng lắm. Điều quan trọng nhất là khoảnh khắc ấy sẽ không bao giờ quay lại. Ánh nắng chiều rồi sẽ đổi góc xuyên qua tán lá. Chú mèo sẽ nằm vắt vẻo ở một tư thế khác. Cái đẹp của sự hữu hạn và của strangevisuals nằm ở đó.
Mong muốn của Jamie dành cho strangevisuals là đặt chân tới nhiều đất nước và nền văn hoá khác nhau, tiếp tục sưu tầm và thử nghiệm với nhiều chất liệu, ghi lại thế giới theo nhịp điệu lạ kỳ vốn có của nó. Và nếu có thể gửi một tấm bưu thiếp cho chính mình trong quá khứ, Jamie bảo: “Sẽ chọn một tấm bản thân cười thật khả ố và không viết gì. Jamie của quá khứ, hiện tại, và tương lai, đều luôn thấy cuộc sống này thật là đã.”




Chợ Lớn trên giấy dó.




Hà Nội trên bánh tráng Tây Ninh.




Phú Yên trên giấy dó.
[Ảnh: strangevisuals]