Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Chàng 'phù thủy tiền lẻ' sáng tạo các mẫu origami độc đáo

Bạn có thể làm được gì với tờ 200VND?

Lúc còn bé, ai trong chúng ta cũng từng dùng mấy mẩu giấy vụn để thỏa sức với trí tưởng tượng: xếp vài cánh máy bay phóng lung tung, thả những con thuyền giấy trôi theo dòng nước, hay “Đông Tây Nam Bắc” để xem ai được “yêu” ai. Khi ta lớn lên, những xấp giấy ấy lại là đại diện cho nỗi lo toan, từ bộ đề cương luyện thi đến chồng sổ sách số liệu.

Vậy nhưng đối với các nghệ nhân origami, chất liệu này dường như chưa bao giờ mất đi sự màu nhiệm, mà còn mở ra một cánh cửa đến thế giới của những kỳ quan tí hon, được tạo nên từ chính đôi bàn tay của con người.

Ở Việt Nam, bộ môn này đã nhận được sự hưởng ứng nhất định từ cộng đồng trong nước, với những nhóm người chơi lên đến chục nghìn thành viên. Cộng hưởng với phong cách từ địa phương, một nhánh mới của origami đã ra đời là money origami, tức origami được gấp từ những các tờ tiền mang mệnh giá thấp.

Tuy nhiên, sự phát triển của loại hình nghệ thuật gấp tiền giấy Việt Nam chỉ mang tính cục bộ, nên ít được bạn bè thế giới biết đến. Nhận ra điểm riêng biệt này, một tác giả trẻ người Việt đã giới thiệu tác phẩm của mình đến mọi người thông qua kênh Youtube LQD Money Origami.

Với kho nội dung lên đến 100 video và thu hút khoảng một triệu lượt xem, LQD Money Origami là nơi nghệ nhân Liên Quốc Đạt chia sẻ kho tàng các tác phẩm đã thực hiện, cũng như hướng dẫn chi tiết từng bước để tạo nên chúng. Các thiết kế của anh có sự đa dạng về độ khó cũng như chủ đề, trải dài từ những loài động vật quen thuộc như gấu, sư tử đến các nhân vật phim truyện như Tôn Ngộ Không. 

Chia sẻ với Saigoneer, Quốc Đạt cho biết tình yêu của anh với nghệ thuật gấp giấy bắt nguồn từ khi anh còn ngồi trên ghế nhà trường. Lớn lên khi chưa có những trò chơi điện tử hiện đại, anh tự tìm niềm vui bằng việc xếp giấy thủ công qua các sách hướng dẫn cho trẻ em. Thú vui này trở thành một niềm đam mê khi anh trưởng thành và trở thành một nhà nghiên cứu động vật.

“Khi mình đi khảo sát trong rừng, trong người chỉ mang theo một ít dụng cụ và chiếc ví. Những lúc nghỉ chân không biết làm gì, mình lại lấy ít tiền lẻ ra để loay hoay ‘gấp chơi,’” Quốc Đạt cười nói. Cứ mỗi lần anh “gấp chơi,” một sản phẩm thật lại được ra đời, số lượng các thiết kế bằng giấy của anh cũng tăng lên. Với 200 mẫu origami trong tay, chàng trai quyết định tìm đến YouTube như một kênh lưu trữ kỉ niệm của mình.

“Ban đầu mình mở kênh Youtube chỉ để ghi lại cách thực hiện mỗi tác phẩm, vì mình không nhớ và cũng không vẽ nổi diagram (bản hướng dẫn) cho bao nhiêu đó thiết kế.” May mắn thay, mỗi chiếc video của Đạt lại nhận được bình luận động viên từ các bạn bè trên khắp thế giới.

Kho lưu trữ của Quốc Đạt từ đó trở thành một thư viện chia sẻ, với các thiết kế mới được đăng tải đều đặn hàng tuần trong suốt hai năm.“Nó làm mình thấy vui, vì khi mình làm được gì đó đẹp, mình cũng muốn thấy người khác yêu thích nó và làm được như mình.”

Để sáng tác một thiết kế mới, Quốc Đạt bắt đầu bằng việc tìm cảm hứng từ những sở thích cá nhân, có thể là một bộ phim hoạt hình, hoặc một quyển truyện tranh: “Dạo gần đây mình có xem lại bộ Godzilla, nên liền gấp ra hai mẫu Godzilla và Ghidorah cho nóng.”

Quá trình tạo ra một thiết kế có thể mất từ một ngày đến 2, 3 tuần, tuỳ vào mức cảm hứng “nhiều thì nhanh, ít thì chậm” của tác giả. Quốc Đạt tự nhận xét rằng các công đoạn đều rất kỹ thuật, bắt đầu từ việc phân tích cấu trúc và tỉ lệ của mẫu vật, tạo khuôn và các bộ phận cơ bản, sau đó “gấp đi gấp lại đến khi nào đẹp thì thôi.”

Đặc biệt, các thiết kế của Quốc Đạt không đòi hỏi phải sử dụng các loại giấy origami chuyên dụng như kami, washi, mà có thể dùng những tờ tiền giấy Việt Nam với mệnh giá 200-5,000 đồng.

Nói về quyết định này, Quốc Đạt cho biết anh muốn vinh danh và giới thiệu nghệ thuật gấp tiền giấy Việt Nam đến người xem quốc tế, cũng như tạo điều kiện để bất kỳ ai cũng có thể tìm hiểu bộ môn origami, dù không có vật liệu chuyên dụng hay tay nghề cao.

“Các mẫu origami hiện tại thường khá phức tạp cho người mới bắt đầu vì có thể lên đến hàng trăm bước. Ngược lại, một tờ tiền thì không thể nào gấp quá 50 lần, nên mình dùng nó để đơn giản hoá các thiết kế. Hơn nữa, tiền giấy là chất liệu cơ bản nhất, nếu gấp được bằng tiền thì bất kỳ loại giấy nào khác — cuốn lịch, quyển tập, thậm chí tờ vé số — cũng áp dụng được.”

Bên cạnh đó, các thiết kế bằng tiền giấy có thể được kẹp gọn trong ví, nên người gấp có thể luyện tập ở bất cứ nơi đâu. “Bạn không phải chạy về nhà tìm cuộn giấy 60x60 để gấp. Chỉ cần có chiếc ví trong người, thì đi rừng rú công tác như mình vẫn ngồi xếp origami được.”

Quốc Đạt tiết lộ, thiết kế mà anh tâm đắt nhất không phải là một nhân vật từ bộ phim nào, mà là một chú rùa biển Việt Nam từ một sự cố "đụng hàng." "Ban đầu mình chỉ muốn gấp một mẫu rùa đơn giản, như sau đó phát hiện rằng tác phẩm của mình lại giống hệt tác phẩm của [nghệ nhân origami] Linh Sơn ở thân, đầu, cổ, mai. Hoá ra bạn ấy cũng gấp từ giấy chữ nhật và có phần base [cấu trúc cơ bản] giống mình.  Vậy là mình quyết định nâng cấp chú rùa của mình để phần vẩy trên mai trùng với lớp hoa văn trên tờ tiền. Lúc gấp xong mình cũng không ngờ có thể dùng tờ tiền nhỏ để gấp được mẫu hoàn thiện như vậy."

Nói về những dự định tương lại, Liên Quốc Đạt cho biết anh hy vọng có thể tập hợp được các sáng tác tiền giấy của các tác giả khác ở Việt Nam, từ đó thực hiện một tuyển tập về bộ môn này để lan rộng cho các khán giả quốc tế.

Bên cạnh đó anh cũng mong origami sẽ được giảng dạy ở các cấp bậc trường học, và được nhìn nhận không chỉ như một bộ môn nghệ thuật, mà còn như một "bô môn khoa học" giúp trẻ em, người chơi phát triển toàn diện về cả tư duy hình học lẫn tư duy mỹ thuật.

[Ảnh sử dụng trong bài do nhân vật cung cấp]

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

'In Art We Trust,' triển lãm tranh cổ động hướng tới nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới

Tuần vừa rồi, triển lãm tranh cổ động "In Art We Trust" đã diễn ra tại không gian của Viện Goethe Hà Nội. Triển lãm do Heritage Space và Ơ Kìa Hà Nội tổ chức nhằm giới thiệu các tác phẩm tranh cổ động...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Chơi xuân Nhâm Dần đúng điệu với bộ bài minh họa '54 sắc thái Dần'

Trong văn hóa của người Việt, Tết đánh dấu sự khởi đầu của năm mới Âm lịch, cũng như một chu kỳ mới của cuộc sống.

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Các nền tảng trực tuyến mở ra hướng đi mới cho triển lãm nghệ thuật trong nước giữa đại dịch

Cho đến tháng 2/2020, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) vẫn nhộn nhịp tổ chức các hoạt động triển lãm nghệ thuật của các nghệ sĩ trong và ngoài nước, trong đó có triển lãm "Tỏa 3" do Đỗ Tườ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Dự án minh họa mang tinh hoa nghệ thuật hát bội vào con chữ

“Hát bội làm tội người ta. Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con…” Ấy là lời ca tụng từng lan truyền trong dân gian về vẻ đẹp mê hoặc của những sân khấu hát bội.

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Nghe lời thì thầm của rừng ngập mặn qua triển lãm nhiếp ảnh nghệ thuật của Chiron Duong

Vượt khỏi khuôn khổ của một sự kiện nghệ thuật đơn thuần, triển lãm “Midnight in the Mangroves -  Đêm Trong Rừng Ngập Mặn” giáo dục người xem về vẻ đẹp và tầm quan trọng của các cánh rừng ngập mặ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Nghệ sĩ graffiti Tấn Lực và câu chuyện 'minh oan' cho nghệ thuật đường phố

Ra đời từ đường phố, graffiti về bản chất mang trong mình sự tự do, phóng khoáng. Nhưng cũng như chiếc trụ điện ngoài phố, graffiti dễ bị gắn lên vô số các nhãn mác, cùng với đó là những cách hiểu chư...