“Hát bội làm tội người ta. Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con…” Ấy là lời ca tụng từng lan truyền trong dân gian về vẻ đẹp mê hoặc của những sân khấu hát bội.
Hát bội, hay còn gọi là hát bộ, hát tuồng, là một loại hình nghệ thuật sân khấu có xuất xứ từ thời Trần, vốn là các tiết mục trình diễn cho vua chúa và quan thần trong những buổi tiệc cung đình, về sau được phổ biến với dân chúng và trở nên thịnh hành trong văn hoá Việt.
Vào giai đoạn vàng son, các gánh hát bội từng lưu diễn ở khắp các sân khấu Trung- Nam Bộ, thu hút người xem bởi những đặc tính nghệ thuật riêng biệt như lối diễn xuất mang tính cường điệu hóa, với kỹ thuật “nói lối” — xen lẫn nói với hát, đòi hỏi một chất giọng to, cao và rõ. Ngoài ra, phục trang người nghệ sĩ thể hiện rõ nét những đặc điểm của nhân vật, thiện ác phân định rõ ràng.
Trong nhịp sống hiện đại, các sân khấu hát bội dường như mất đi ánh hào quang do thị hiếu thay đổi của khán giả. Hình thức ca-vũ-nhạc dân gian cũng mang tính ước lệ và tượng trưng cao, khiến người xem ngày nay cảm thấy khó khăn trong việc cảm thụ.
Mong muốn góp phần bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống này, một sinh viên năm tư tại Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM đã thực hiện dự án mang tên "Bội Tự," bao gồm bộ typography (thiết kế font chữ) và vẽ minh họa.
"Bội Tự" hiểu theo nghĩa nghệ thuật hát bội thể hiện qua ký tự.
Yếu tố thứ nhất là typography, được thể hiện qua một bộ font lấy cảm hứng từ hát bội. Trong đó có sự tương phản mạnh giữa các nét thanh đậm; các nét móc nhọn kéo dài có hình dáng tương tự lông chim trĩ được dùng trong trang phục biểu diễn.
Yếu tố thứ hai là vẽ minh hoạ, được cách điệu theo hình dạng của chữ cái để lồng ghép những hình ảnh đặc trưng của hát bội như đạo cụ, lễ phục, sân khấu, v.v.
Chia sẻ với Saigoneer, Nguyễn Phương Vy, tác giả của dự án cho biết mình chọn hát bội vì đây là loại hình biểu diễn vô cùng ấn tượng về thị giác, tổng hợp đa dạng và công phu các lĩnh vực nghệ thuật như diễn xuất, vũ đạo.
“Có đợt đoàn hát bội về trường mình biểu diễn, được trực tiếp chứng kiến từ quá trình dựng sân khấu, hóa trang và xem các nghệ sĩ biểu diễn cũng như sinh hoạt giới thiệu loại hình này, đã tạo động lực để mình thực hiện dự án càng lớn,” hoạ sĩ trẻ nhớ lại những trải nghiệm đã thôi thúc mình đến với "Bội Tự."
Để bắt đầu dự án, Phương Vy đã nghiên cứu các khái niệm hát bội khác nhau lần lượt theo bảng chữ cái alphabet, sau đó thu thập hình ảnh tương ứng với khái niệm đó và phác họa.
“Sau khi phác họa trên giấy, mình dùng máy để vector hóa, chỉnh sửa, lên màu, rồi dàn layout và chắt lọc nội dung. Font chữ cũng được mình phác họa tay và lên máy, sau đó căn chỉnh khoảng cách và xuất font,” Vy chia sẻ về quá trình sáng tạo kỳ công.
Theo Phương Vy, khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện dự án là những hạn chế về nguồn tư liệu. Để có thể khắc hoạ chính xác nhất “cái hồn” của nghệ thuật hát bội, hoạ sĩ trẻ đã tìm đến những công trình kỳ cựu như Sổ Tay Thưởng Thức Hát Bội của Huỳnh Ngọc Trảng, Nghệ Thuật Sân Khấu Hát Bội của Lê Văn Chiêu, cũng như lắng nghe những chia sẻ của NSƯT Hữu Danh, một tượng đài trong lĩnh vực hát bội.
Phương Vy cũng bật mí rằng, trong 22 bức hoạ, ba chữ cái mà Vy tâm đắc nhất là S, Y và U, vì đó là những chữ được cách điệu dựa trên những hình ảnh mà chính tay Vy chụp tại các buổi biểu diễn hát bội.
Tìm hiểu thêm về bộ môn nghệ thuật này qua những hình ảnh của "Bội Tự" sau đây:
Xem phiên bản đầy đủ của "Bội Tự" và các dự án khác của Nguyễn Phương Vy tại đây.
[Ảnh: Nguyễn Phương Vy/Behance]