Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Họa sĩ Lê Linh: ‘Sẽ không bao giờ có chuyện ngừng làm lịch sử’

Tái xuất với một dự án mới về vương triều nhà Trần, hoạ sĩ Lê Linh tiếp tục theo đuổi đam mê mang lịch sử Việt đến với bạn đọc Việt.

Nguồn ảnh: Travel Mag.

Họa sĩ Lê Linh và Thần Đồng Đất Việt là cái tên không xa lạ đối với những độc giả yêu mến truyện tranh Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua. Những câu chuyện gần gũi mang đậm cảm hứng lịch sử, dân gian cùng hình ảnh bốn nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo đi đã đi vào kí ức tuổi thơ của biết bao bạn trẻ. Sự mến mộ của cộng đồng hâm mộ thể hiện rõ hơn bao giờ hết qua sự ủng hộ bền bỉ dành cho “cha đẻ” của bộ truyện khi những ồn ào về tác quyền diễn ra trong 13 năm qua.

Sự quay trở lại của tác giả Lê Linh sau Thần Đồng Đất Việt vì vậy cũng là thông tin nhiều người chờ đón. Saigoneer đã kết nối với vị hoạ sĩ truyện tranh để nghe anh chia sẻ về những công việc hiện tại, cũng như về dự án mới sắp được ra mắt.

Qua các thông tin được anh cập nhật trên Facebook, có thể thấy anh vẫn đang làm việc rất năng suất trong suốt giai đoạn giãn cách. Anh đã làm gì để trau dồi cảm hứng sáng tác trong thời gian này?

Thực ra, cho dù có dịch hay không thì cảm hứng sáng tác và thái độ làm việc của tôi vẫn nghiêm túc như nhau. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh quá nhiều đau thương mất mát, bản thân muốn chia sẻ nhiều hơn để lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người, nhìn về tương lai tươi sáng cùng nhau vượt qua đại dịch. Hiện tại, tôi đang triển khai nhiều dự án cùng lúc, có cả truyện tranh và hoạt hình. Nội dung từng dự án sẽ được dần tiết lộ theo đúng lộ trình thực hiện của dự án để dành bất ngờ cho người xem. Các bạn cùng đón chờ nhé!

Có thể thấy, lịch sử là đề tài xuyên suốt trong các tác phẩm của anh Lê Linh. Có bao giờ anh nghĩ mình sẽ không viết về lịch sử nữa?

Bức xúc vì tác phẩm lịch sử của nước ngoài phát triển mạnh mẽ nên bản thân tôi luôn quyết tâm theo đuổi đề tài lịch sử. Với kho tàng đồ sộ của Sử Việt thì cho dù làm hết đời và nhiều đời sau nữa cũng vẫn không khai thác hết, nên cá nhân mình sẽ không bao giờ có chuyện ngừng làm lịch sử đâu. Chỉ khi nào ông trời bắt mình dừng thì mình chấp nhận số phận thôi. Hy vọng những thế hệ sau sẽ tiếp tục con đường của mình.

Trên trang cá nhân, anh đã chia sẻ một số thông tin về dự án truyện tranh Trần Triều, lấy cảm hứng từ lịch sử thời nhà Trần. Anh có thể giới thiệu thêm về bộ truyện và tiến độ hiện tại?

Trần Triều là dự án tôi đã ấp ủ nhiều năm qua, tuy nhiên do ảnh hưởng của các dự án thiết kế khác nên việc triển khai khá chậm. Rất may là khi thông tin đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng fan Thần Đồng Đất Việt. Đây là động lực lớn để tôi tập trung cho dự án. Với các dự án, tôi đều đẩy nhanh tiến độ hết mức có thể, tuy nhiên trong giai đoạn giãn cách chưa thể làm việc với các đối tác nên không thể công bố kế hoạch cụ thể. Trước mắt chỉ đang tham khảo ý kiến đóng góp của bạn đọc để bản thảo ngày càng hoàn thiện hơn.

Đây là dự án cá nhân của anh hay hợp tác với nhóm họa sĩ khác?

Muốn tác phẩm nhanh đến tay độc giả cần phải thành lập ê-kíp hỗ trợ cho mình. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu tác giả bắt buộc phải làm hết mọi thứ để tạo nền tảng, định hình phong cách và định hướng sáng tác để các cộng sự có thể hiểu rõ và giúp mình. Tuy vậy, để đào tạo các cộng sự thể hiện đúng ý đồ của mình cũng là một việc rất khó khăn và mất nhiều thời gian.

Khi nhắc tới tác giả Lê Linh, độc giả thường nghĩ tới những người bạn đã gắn bó với tuổi thơ như Tí, Sửu, Dần, Mẹo, v.v. Liệu sẽ có tuyến nhân vật nào như vậy xuất hiện trong Trần Triều?

Mỗi bộ truyện đều có đặc trưng và sự hấp dẫn riêng, vì Tí, Sửu, Dần, Mẹo là nhân vật hư cấu nên tôi có thể phóng tay thoải mái để tạo sự vui nhộn cho tác phẩm. Còn đối với Trần Triều là những nhân vật có thật nên đòi hỏi phải nghiêm túc để thể hiện sự tôn trọng các nhân vật lịch sử, tuy nhiên khả năng sáng tạo là vô hạn, không điều gì là không thể.

Trong những sáng tác trước của anh Lê Linh, những chi tiết dân gian, gần gũi với đời sống đã giúp độc giả dễ tiếp cận hơn với lịch sử. Vậy còn Trần Triều thì sao? Những yếu tố nào sẽ khiến những câu chuyện lịch sử hấp dẫn với khán giả?

Thật khó để nói tác phẩm của tôi hấp dẫn ở điểm nào vì một bộ truyện hay bao gồm nhiều yếu tố. Nhưng từ thời Thần Đồng Đất Việt đến nay, điều được cá nhân tôi chú trọng nhất vẫn là sự gần gũi và chân thật. Chỉ có chân thật mới có thể khiến độc giả đồng cảm, qua đó hiểu được thông điệp mà mình muốn truyền tải.

Có nhân vật, sự kiện nào khiến anh Lê Linh gặp khó khăn trong quá trình tìm hiểu thông tin, tái hiện lịch sử không?

Có những nhân vật có tư liệu khá đầy đủ với các điển tích, giai thoại, v.v. nhưng cũng có những nhân vật hầu như không có gì hoặc có rất ít. Nhiệm vụ của tôi là phải liên kết các sự kiện để bổ sung cho nhau trong quá trình xây dựng cốt truyện, xây dựng nhân vật. Tuy nhiên khó khăn không nằm ở dữ liệu sự kiện mà ở dữ liệu hình ảnh, chủ yếu chỉ dựa vào những cổ vật ít ỏi mà nước ta có được.

So với Thần Đồng Đất Việt, nét vẽ của Trần Triều có vẻ cầu kì và mạnh mẽ hơn. Sự thay đổi phong cách này là do yêu cầu về nội dung, hay do anh muốn làm mới bản thân?

Như đã chia sẻ, với Trần Triều cách thể hiện sẽ trau chuốt, cầu kỳ hơn để biểu hiện sự tôn trọng với những nhân vật lịch sử yêu thích, tạo ra một bộ truyện tranh thực sự giá trị. Đó cũng là yêu cầu mà tôi tự đặt ra cho mình, tạo sự khác biệt với tác phẩm trước.

Gần đây có nhiều dự án truyện tranh của các studio độc lập cũng khai thác về đề tài lịch sử như Tứ Phủ Xét Giả, Long Thần Tướng,.. Anh cảm thấy thế nào về dự án của các bạn trẻ này?

Gần đây các bạn trẻ Việt đã quan tâm đến văn hóa lịch sử nước nhà nhiều hơn, đây là một tín hiệu rất đáng mừng. Đối với các tác phẩm khai thác văn hóa lịch sử, tôi luôn ủng hộ hết mình, mong họ thành công để tạo một mặt bằng chung phát triển lớn mạnh, làm đối trọng với truyện nước ngoài. Tuy nhiên cần loại bỏ các yếu tố ngoại lai để xây dựng đặc trưng riêng cho truyện Việt.

Việc chia sẻ các tác phẩm lên mạng xã hội cũng như con dao hai lưỡi. Các studio độc lập có thể thu hút được lượng tương tác lớn, nhưng cũng có thể kéo theo các vấn đề bản quyền. Anh Lê Linh có những lời khuyên gì về xuất bản tác phẩm online không?

Không gian mạng nếu ta biết tận dụng thì sẽ là hình thức quảng bá cực tốt cho tác phẩm, nhưng cũng đi kèm rủi ro về bản quyền, tác quyền, v.v. Vì vậy trước khi thông tin đến độc giả nên đăng ký tất cả các thủ tục pháp lý cần thiết để bảo vệ tác phẩm, và mong sự tự trọng và ý thức tôn trọng bản quyền của cộng đồng, vì sự phát triển chung của đất nước.

Sau những sự việc gây tranh cãi vừa qua, anh Lê Linh chia sẻ rằng bản thân có hứng thú hơn với các đề tài xã hội. Điều này có ảnh hưởng đến định hướng sáng tác của anh không?

Cho dù khai thác đề tài xã hội thì phong cách và thủ pháp của bản thân vẫn sẽ không thay đổi: hài hước, tự nhiên, gần gũi... Chỉ khác biệt ở nội dung xây dựng trong bối cảnh hiện đại mà thôi.

Liệu trong thời gian tới khán giả Việt sẽ được đón xem một tác phẩm của anh Lê Linh trên màn ảnh?

Bất cứ một tác giả nào cũng mong muốn tác phẩm của mình phát triển với mọi hình thức, và trường tồn với thời gian. Nhưng tương lai khó đoán, chỉ biết làm hết sức mình, còn kết quả thế nào còn tùy thuộc vào khả năng của ta có đáp ứng được mong mỏi của khán giả hay không.

[Ảnh: Trang Facebook của Lê Linh]

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Văn hóa Việt hiện lên đầy táo bạo trong bộ truyện hiện thực huyền ảo 'Tứ Phủ Xét Giả'

Với nét vẽ táo bạo, bộ truyện sắp được phát hành Tứ Phủ Xét Giả sẽ đưa độc giả đến một thế giới truyện tranh huyền bí của những nhân vật và thần thoại lấy cảm hứng từ lịch sử và tín ngưỡng Việt.

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Đại Việt Kỳ Nhân, board game lịch sử mang theo dáng vóc của các anh hùng hào kiệt

Qua những cuộc trò chuyện với đối tác đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc, anh Tô Quốc Nghị nhận ra rằng lịch sử Việt Nam xưa nay vốn hào hùng không thua kém gì các nước bạn, nhưng phương thức tr...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

'Hồi Sóng,' nơi hồi sinh, hồi tưởng và tương tác với tiếng nói bị lãng quên trong hai cuộc Thế chiến

Với chất liệu tiền đề là những bản thu âm xưa thuộc Kho lưu trữ âm thanh của Đại học Humboldt (Berlin, Đức), hai nhà soạn nhạc và nghệ sĩ âm thanh Nhung Nguyễn và Zach Sch đã đem lại một dự án nghệ th...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Dự án minh họa mang tinh hoa nghệ thuật hát bội vào con chữ

“Hát bội làm tội người ta. Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con…” Ấy là lời ca tụng từng lan truyền trong dân gian về vẻ đẹp mê hoặc của những sân khấu hát bội.

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Gặp Tô Đậm, nhóm nghệ sĩ minh họa 'tô màu' cho tuổi thơ trẻ em miền xa

Tô Đậm là một tổ chức phi lợi nhuận nơi các thành viên chuyên xách ba lô lên và đi… vẽ. Với cá nhân tôi, đó là một cái tên thật hay và đẹp. Với Tô Đậm, các tác phẩm họ làm ra không phải dành cho phòng...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Loạt ảnh thú vị về phương tiện đi lại truyền thống mang màu sắc khoa học viễn tưởng

Bạn đã bao giờ tưởng tượng xe máy của mình được gắn thêm... động cơ tên lửa?