Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Gặp Tô Đậm, nhóm nghệ sĩ minh họa 'tô màu' cho tuổi thơ trẻ em miền xa

Tô Đậm là một tổ chức phi lợi nhuận nơi các thành viên chuyên xách ba lô lên và đi… vẽ. Với cá nhân tôi, đó là một cái tên thật hay và đẹp. Với Tô Đậm, các tác phẩm họ làm ra không phải dành cho phòng tranh, bảo tàng hay một phiên đấu giá, mà là những bức tranh tường tô điểm trường tiểu học ở những vùng đất có hoàn cảnh đặc biệt trên khắp Việt Nam.

Thư viện trường tiểu học Vĩnh Hy (Ninh Thuận) với các hình vẽ mang chủ đề biển và san hô. Ảnh: Mắt Bét. 

Cuộc trò chuyện của Saigoneer với May và Na, hai thành viên đại diện cho Tô Đậm, bắt đầu không như những cuộc phỏng vấn khác: May mở danh sách “10 câu hỏi làm quen” chuẩn bị sẵn trên điện thoại, bảo tôi chọn ra một con số ngẫu nhiên để bạn hỏi và tôi trả lời. Cứ thế luân phiên, câu hỏi mà May bắt trúng là: “Ai là người ảnh hưởng nhất đến bạn trong cuộc đời?” Câu trả lời là mẹ; người trao lời khuyên khi bạn mới tập chạy xe máy rằng: “Như việc quay xe, việc gì con làm trong đời cũng nên có cái thế, một trục xoay vững vàng.” Đến lượt Na, câu hỏi là: “Nếu tiền không quan trọng, bạn sẽ làm gì mỗi ngày dù không được trả lương?” Na trả lời: “Mình sẽ dành thời gian cho gia đình, là điều cần có đầu tiên. Sau đó là du lịch, cũng là điều cần có. Và phần quan trọng nhất là mỗi ngày thức dậy, mình sẽ không nghĩ bản thân phải làm cái này, cái kia, mà sẽ phụ thuộc vào việc hôm nay mình muốn làm gì.” 

Hành lang trường tiểu học Vĩnh Hy, dự án mới nhất của Tô Đậm. Ảnh: Mắt Bét.

Câu chuyện về Tô Đậm cứ thế dần gợi mở. Thành lập từ năm 2017, dự án vẽ đầu tiên của nhóm là ở trường tiểu học Mã Đà, phân hiệu C3 (Đồng Nai), nơi mọi người có dịp tiếp xúc với những đứa trẻ, mà theo lời kể, "chỉ im lặng đứng cạnh mình vẽ chung." Có những em tự xác định sẽ khó theo học lên cấp hai, cấp ba vì hoàn cảnh gia đình. “Thay cho sự hoạt náo thường thấy ở trẻ nhỏ, các em học sinh tại đây lại có vẻ trầm lắng, mang trong mình những nỗi buồn riêng,” Na chia sẻ.

“Nếu như chẳng thể khiến cuộc đời một con người thay đổi một cách lớn lao, thì mình có thể biến khoảng thời gian mà các em theo học ở ngôi trường tiểu học này trở thành điều gì đó đẹp nhất,” May tiếp lời. “Bọn mình hy vọng, sau khi khi ra đời và bươn chải, các em sẽ có dịp nhìn lại và biết rằng, ngôi trường của mình là duy nhất.” 

Sau bốn năm hoạt động, Tô Đậm đã thực hiện 6 dự án vẽ trường học tại An Lạc Thôn, Huyện Kế Sách, Tỉnh Sóc Trăng; mái ấm Lạc Quang, Quận 12, TP. HCM; buôn Jang Lành, Huyện Buôn Đôn, Tỉnh Đắk Lắk; gần đây nhất là Vĩnh Hy, Huyện Ninh Hải, Tỉnh Ninh Thuận.

Mỗi dự án đến với nhóm thường thông qua những chuyến đi khảo sát cá nhân, đề xuất hay gợi ý khác nhau từ nhiều nguồn. Đối với riêng Na, mọi điều cô gái mong muốn — gia đình, trải nghiệm du lịch, sự tự do — đều được tìm thấy ở Tô Đậm: Đây là nơi những tình nguyện viên hay nghệ sĩ đóng góp công sức với sự hồn nhiên, vô tư sẵn có; Tô Đậm đi đến đâu thì xem như là đi du lịch đến đấy, đã may mắn ngắm những bầu trời sao đẹp nhất trong đời, và cả những khoảnh khắc không thể quên khi bình minh lên; không ai xem Tô Đậm là hoạt động thương mại, bị tác động bởi yếu tố ngoại cảnh, cũng như không phải là điều gì đấy phục vụ cho mục tiêu cá nhân.

Câu thành ngữ trong tiếng Raglai mang ý nghĩa “Biển trời, đất trời” của các em học sinh ở trường Cầu Gãy (Vĩnh Hy, Ninh Thuận). Ảnh: Mắt Bét. 

Với mỗi dự án, Tô Đậm đều hợp tác với các nghệ sĩ minh họa trẻ khác nhau. Nhóm thường xuyên tổ chức những chuyến đi tiền trạm để nghệ sĩ có thể đến tìm hiểu, thực nghiệm và từ đó sáng tác nên những bức vẽ kể nên câu chuyện riêng của từng vùng đất. Quá trình tô vẽ sẽ diễn ra vào hai dịp cuối tuần với khoảng 50 người: tuần đầu tiên nhóm sẽ phóng tranh lên tường với những đường nét chính; tuần thứ hai là để tô màu và hoàn thiện tranh. Bên cạnh những đóng góp từ việc kêu gọi cộng đồng nhằm đáp ứng chi phí xử lý bề mặt tường, giàn giáo và màu sơn, v.v. các bạn tình nguyện viên thường tự dành ra một khoản tiền nhỏ khoảng 200.000–600.000 đồng cho việc thuê xe di chuyển và ăn ở vào dịp cuối tuần. Song song đó, nhóm cũng hay tổ chức những buổi workshop dạy vẽ, cùng nhau chơi đùa và sáng tạo với các em học sinh ở các địa phương.

Quá trình vẽ và hoạt động tại Vĩnh Hy, Ninh Thuận. Ảnh: Mắt Bét.

Hoạt động tại trường tiểu học Y Jut, phân hiệu Jang Lành. Ảnh: Tô Đậm.

Lys Bùi, nghệ sĩ minh họa vốn sinh sống và việc tại New York (Mỹ), là người đã tham gia vào dự án vẽ trường tiểu học Vĩnh Hy trong tháng 4 vừa qua. Vốn theo dõi Tô Đậm từ những ngày đầu, Lys đã tự tìm đến nhóm với mong muốn chung tay góp sức cho một dự án cộng đồng, khi dịch bệnh kéo dài quãng thời gian cô về thăm nhà trong gần một năm qua. Nếu như công việc hàng ngày hay những triển lãm trước đây đòi hỏi Lys sáng tác trên máy tính và làm việc online, thì với Tô Đậm, đây là lần đầu tiên cô sơn vẽ cùng mọi người trên các bức tường khổ lớn.

“Cả nhóm dậy từ rất sớm, ăn sáng xong là bắt tay ngay vào vẽ, đến trưa thì tiết trời ở đấy rất nắng và nóng,” Lys cười bảo. “Thế nhưng ai ai cũng chuyên tâm và chủ động trong phần việc của mình. Dù lặng lẽ nhưng mọi người luôn nhiệt tình, sẵn sàng lăn xả và san sẻ với nhau khi cần. Dư âm còn đọng lại sau chuyến đi là điều mình không thể nào quên, khiến bản thân trưởng thành hơn rất nhiều.” Được hỏi liệu cô có hợp tác với Tô Đậm vào những dự án sau, Lys bảo: "Mình sẽ tham gia trong tư cách hỗ trợ tô vẽ, để dành cơ hội đó cho các bạn nghệ sĩ khác. Mình nghĩ họa sĩ nào cũng nên có một lần đi tô với Tô Đậm."

Trường tiểu học Cầu Gãy, Ninh Thuận với bức vẽ khắc họa chiếc cầu mà các em hàng ngày đi học. Ảnh: Mắt Bét.

Ở mỗi ngôi trường, mỗi vùng đất, Tô Đậm đều nhận được sự chào đón và hỗ trợ nhiệt thành từ các thầy cô hiệu trưởng, giáo viên, các anh chị làm công tác xã hội ở vùng và ngay cả người dân địa phương. Có những lúc bà con xung quanh tò mò đến xem, có khi trường mẫu giáo ngay cạnh bên cũng muốn trường của mình “được vẽ đẹp như thế.” Hay ở An Lạc, bác hàng xóm kế bên từng bảo với nhóm: “Lúc tụi con mới qua vẽ [nét] thôi, chồi ôi, người ta nói quá trời luôn. ‘Tụi nó vẽ cái gì mà xấu hoắc vậy!’ Nhưng sau khi tác phẩm đã hoàn thiện, mọi người bắt đầu đồn lên, đồn ra tới đầu đường, rằng ‘Ở trong con đường này có một cái trường rất đẹp, đẹp lắm nha!”

“Bọn mình luôn tin nghệ thuật là một phần của đời sống,” May chia sẻ. “Tô Đậm muốn ‘lôi’ nghệ sĩ ra khỏi nhịp sống thường ngày, đưa họ tới nơi nào đó khác thành thị để tiếp xúc gần với trẻ con và người dân nông thôn. Ngược lại, mọi người sẽ có cơ hội thấy được những cái đẹp, những cái đáng quý và những điều cần trân trọng ở mỗi vùng đất qua góc nhìn và nét vẽ của nghệ sĩ.” Na tiếp lời: “Đó cũng là lý do Tô Đậm xem những gì bọn mình đang làm là mural art, một phương thức nghệ thuật gần gũi với đại chúng, là món quà dành cho người dân ở đó, cho các bạn nghệ sĩ và cả những ai chưa đặt chân đến vùng đất đó bao giờ.”

Trường tiểu học An Lạc Thôn ở Huyện Kế Sách, Tỉnh Sóc Trăng với các hình vẽ lấy cảm hứng dựa trên thế giới tưởng tượng của các em học sinh. Ảnh: Sin Lê.

Trong tương lai, Tô Đậm mong rằng mô hình hoạt động sẽ được lan rộng, ở mỗi nơi sẽ có một trạm khác nhau, với những thành viên chuyên trách cho từng dự án riêng biệt, cùng nhau hỗ trợ về con người, kinh nghiệm và thời gian.

Ở thời điểm hiện tại, Tô Đậm vẫn đang đi từng bước. Sau dự án đầu tiên, mọi người tham gia đều tự hào, cảm thấy trưởng thành và yêu thương nhau nhiều hơn. Các thành viên nhóm từng sợ phép màu ấy sẽ khó được lặp lại. Nhưng khi quyết định tiếp tục theo đuổi những dự án sau này, họ nhận ra mỗi hành trình vẫn luôn là điều gì đó thật đẹp, được nâng niu mãi về sau. Mỗi bức vẽ ở đây không thuộc về riêng ai, mà là phương tiện giúp gắn kết người với người, giúp điểm tô quãng đời học sinh của các em nhỏ và cả những ai muốn tìm kiếm một góc nhìn mới, một quan điểm sống khác giúp làm nên ý nghĩa cuộc đời.

Nhóm vẽ Tô Đậm tại Vĩnh Hy. Ảnh: Trần Phương Anh.

Bài viết liên quan

Khôi Phạm

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Bộ tem minh họa thời trang 'Cô Ba Sài Gòn' qua nét vẽ của cô họa sĩ Hà Nội

Khi bàn về quá trình phát triển của thời trang Việt Nam, ta không thể không nhắc tới tà áo dài hiện đại và hàng loạt những thiết kế áo dài khác xuyên suốt chiều dài lịch sử. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Dạo quanh Sài Gòn qua 100 bức vẽ góc phố của họa sĩ người Philippines

Sau hai năm rưỡi sinh sống và làm việc tại Sài Gòn, Daniel Ansel Tingcungco, một họa sĩ minh họa người Philippines, đã cho ra mắt bộ tác phẩm gồm 100 bức vẽ về 100 góc thân quen của thành phố. Dự...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Việt Nam tí hon thân thương qua series minh họa 'Phố Trong Hộp'

Dự án “Phố Trong Hộp” ra đời khi Khánh Băng, một sinh viên năm hai tại Đại học Đà Lạt, bắt đầu lồng ghép những góc phố bình dị của Việt Nam vào bên trong thân các lon sữa đặc và nước giải khát "cộp má...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

'Vietnam Retropunk': Dự án minh họa mang vũ trụ máy móc vào giữa lòng phố cổ

Những chú robot và cỗ máy tinh vi xuất hiện giữa khung cảnh phố phường cổ kính — quá khứ và tương lai đã bắt tay nhau như thế qua thế giới của “Vietnam Retropunk."

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Những điều 'vi diệu' thường nhật trong đời sống Việt qua tranh minh họa của Galuocad

Ở một nào nào đó quá lâu, người ta sẽ dễ rơi vào “hiệu ứng ếch luộc.”

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Tuổi thơ 'dữ dội' của 8X 9X tái hiện qua bộ tranh minh họa đồ chơi

Cùng với sự phát triển của công nghệ, niềm vui của trẻ em dường như ngày càng bị giới hạn trong không gian điện tử. Trước sự áp đảo của các game điện thoại như Temple Run, Pokemon GO, hay những tựa ga...