Ở một nào nào đó quá lâu, người ta sẽ dễ rơi vào “hiệu ứng ếch luộc.”
Trong cuộc sống, hiệu ứng ếch luộc mô tả tình huống khi một cá nhân hay cộng đồng vì quá quen thuộc với môi trường sống mà không nhận ra những thay đổi và sự kiện đang diễn ra xung quanh.
Nếu dân số Việt Nam là 100 triệu chú ếch, thì có lẽ chúng ta đang bơi lội trong một nồi nước hầm vĩnh viễn, mỗi ngày lại được thêm chút này chút kia những gia vị chẳng liên quan đến nhau, trộn đều, sôi âm ỉ, và cho ra đời những tô canh với hương vị mới toanh mỗi ngày.
Từ việc chị em “hóa trang” thành “ninja” hàng ngày, đến việc chúng ta ăn liên hoan bằng cách trải giấy báo ra sàn, cuộc sống ở Việt Nam được tạo nên bởi những điều độc-lạ-trở-nên-hiển-nhiên với các chú ếch dửng dưng đã sống ở đây quá lâu. “Hiệu ứng gà luộc” — cụm từ có thể dùng để miêu tả phong cách của nghệ sĩ minh họa Galuocad (Gà Luộc Art & Design) — chính là lời hồi đáp đến hiệu ứng ếch luộc.
Qua góc nhìn và thể hiện nghệ thuật của Galuocad, mỗi chuyển động của thế giới xung quanh đều là một khoảnh khắc đặc biệt. Mọi sự vật, sự việc thường nhật đều có thể “remix” để mang một màu sắc và dáng vẻ mới. Các chủ thể như anh trai đôn chề, bánh chưng kawaii, poster phim Trần Anh Hùng, một đồi chè ở Phú Thọ xuất hiện thật ngẫu nhiên và tưởng như không có điểm chung, nhưng đều là những “gia vị” làm nên sự thập cẩm đặc trưng của (nồi) nước Việt Nam, được Galuocad tri ân qua tác phẩm của mình.
Đứng đằng sau Galuocad là Dếch, một anh chàng người Anh U30 đã sống tại Hà Nội và Sài Gòn gần 10 năm. Với Dếch, vẽ là thú vui giữ anh “bình tâm” sau những giờ làm việc văn phòng.
“Có một số vấn đề cá nhân đã thúc đẩy mình chuyển đến đây. Mình chưa bao giờ cảm thấy thoải mái ở Anh. Tâm hồn mình không được yên bình. Đến một lúc nào đó, mình cảm thấy như cần phải thay đổi đột ngột để tìm lại chính mình. Mình đã tìm thấy điều đó tại Việt Nam,” Dếch chia sẻ với Saigoneer.
Dếch tự nhận xét rằng phong cách của mình “thiếu tính nhất quán.” Anh thực hiện các tác phẩm bằng tranh sơn dầu, sơn nước và cả công cụ digital. “Mình làm bất cứ điều gì khiến mình thích hoặc vui vào thời điểm đó [...] Mình thích lấy những yếu tố từ các tác phẩm quen thuộc và biến tấu chúng, đặt chúng vào một bối cảnh khác.”
Một lợi thế của Dếch chính là khả năng sử dụng tiếng Việt tương đối thuần thục. “Ngôn ngữ và văn hóa không thể tách rời; chúng tác động lẫn nhau,” anh chia sẻ. Việc học tiếng Việt đã mở ra cánh cửa cho anh khám phá về những đặc điểm văn hóa và xã hội của Việt Nam.
Nhưng tại sao là Gà luộc mà không phải Gà rán hay Gà quay Art & Design? Với Dếch, nghệ thuật là cách để thấu hiểu cuộc sống xung quanh mình, và hình ảnh con gà “khỏa thân” trên bàn thờ tóm gọn rất nhiều thứ về ẩm thực, niềm tin, và cuộc sống ở Việt Nam nói chung. Cũng như khi ta nhìn vào các tác phẩm của Galuocad, dù có những yếu tố phá cách, nhưng vẫn nhận ra ngay rằng “đây là một bức tranh Việt Nam.”
“Việt Nam giàu truyền thống, văn hóa và vẻ đẹp ngôn ngữ. Cuộc sống hàng ngày ở đây có nhiều chi tiết rất thú vị. Có vô vàn thứ để quan sát. Khi cần tìm cảm hứng, mình chỉ cần nhìn xung quanh, việc biến cuộc sống nơi đây thành nghệ thuật cũng giúp mình hiểu nó hơn.”