Buổi triển lãm cá nhân đưa người xem vào chuyến du hành thời gian đến thế giới của cố họa sĩ Lưu Công Nhân. Từ những bức vẽ màu nước đến những bức tranh khổ lớn, xấp tài liệu cũ, và cả chiếc máy đánh chữ được trưng bày, các tác phẩm lần lượt đưa người xem về từng thời kỳ trong sự nghiệp nghệ thuật của ông.
“Một thoáng Lưu Công Nhân” (A Glimpse of Lưu Công Nhân) được chọn lọc bởi giám tuyển Hùng Nguyễn và giám tuyển Bùi Thị Phương Thảo (Lân Tinh Foundation) và tổ chức bởi Annam Gallery. Nơi đây trưng bày hơn 35 tác phẩm màu nước và sơn dầu của cố họa sĩ Lưu Công Nhân (1929-2007). Triển lãm bao gồm các tác phẩm màu nước của ông từ những năm 2000, tranh chân dung phụ nữ và tranh khỏa thân từ những năm 1990, phong cảnh phố cổ Hội An từ 1984-1985, tranh trừu tượng với ảnh hưởng phương Tây đầu thập niên 1970, và những tác phẩm tranh hiện thực về con người và phong cảnh thời chiến tranh của những năm 1950 và 1960.
Giữa bối cảnh nghệ thuật hiện đại Việt Nam, Lưu Công Nhân đã trở thành một cái tên quen thuộc với những nhà sưu tập và người yêu nghệ thuật. Là một cựu sinh viên Khoá Kháng Chiến (1950-1954) giảng dạy tại chiến khu Việt Bắc của Trường Mỹ thuật Việt Nam, ông đã học tập dưới sự dẫn dắt của cố danh họa Tô Ngọc Vân (1906-1954). Trong những năm đầu tiên, ông đã sớm bộc lộ tài năng của mình qua những bức ký họa thực tế và đạt đến đỉnh cao kỹ thuật trong việc sử dụng màu nước.
Triển lãm bắt đầu với một chuỗi những tác phẩm màu nước từ những năm 1990 đến những ngày cuối cùng của ông tại Đà Lạt vào đầu thập niên 2000, khi ông gặp nhiều khó khăn với việc vẽ tranh khổ lớn do sức khỏe suy yếu. Những chủ đề chính trong tranh bao gồm cảnh thiên nhiên, chân dung phụ nữ, và tĩnh vật hoa. Một vài người xem sẽ cho rằng những tranh màu nước của ông quá đơn giản hoặc tối giản. Tuy nhiên, sự điêu luyện về màu sắc và bút pháp của ông được phản ánh rõ rệt, và điều này thể hiện được sự đam mê và nhịp đập trái tim của một người họa sĩ thực thụ. Sự hòa hợp giữa bầu không khí yên bình và cảnh vật sinh động như đang tồn tại cùng lúc trong tranh của ông.
Di chuyển dần vào bên phía bên trong của không gian triển lãm, người xem sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm sơn dầu khổ lớn của Lưu Công Nhân từ những năm 1950 đến 1970. Dù cuộc sống những năm chiến tranh đầy khắc nghiệt và khó khăn, với tư cách là một trong những họa sĩ được hưởng biên chế nhà nước, ông đã có được sự tự do trong việc tiếp cận các tài liệu mỹ thuật nước ngoài, thực họa vẽ ngoài trời, và đi khám phá nhiều địa điểm ở Việt Nam. Vì vậy, sự đa dạng trong phong cách vẽ tranh và những ghi chép về nghệ thuật trong suốt sự nghiệp của ông hiện ra rất rõ. Ông đã không ngừng trau dồi kiến thức và thử nghiệm nhiều phương pháp khác nhau để tạo nên ngôn ngữ nghệ thuật của riêng mình.
Trong giai đoạn này, chủ đề chính trong những tác phẩm hiện thực của ông bao gồm con người và phong cảnh thời chiến. Đây có lẽ là giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp của ông trong việc tả thực phong cảnh thành thị, làng xóm, thiên nhiên, phụ nữ thời chiến, cảnh hành quân,...
Nghệ thuật trừu tượng cũng là một điểm nhấn trong hội họa của ông trong giai đoạn nghiên cứu và thực hành tại xưởng vẽ ở rừng Thác Bà (trong khoảng năm 1970-1972). Trong thế giới nghệ thuật trừu tượng tồn tại những thú vui mà người nghệ sĩ khó tìm thấy được ở nghệ thuật hiện thực, có lẽ điều này đã thôi thúc ông khám phá và thử nghiệm nó. Sự chắc chắn và điêu luyện trong bút pháp, mảng màu, bố cục và hình dáng được thể hiện rõ ràng qua các tác phẩm của ông trong giai đoạn này. Sau một thời gian, Lưu Công Nhân đã dần dần rời khỏi thế giới trừu tượng và quay lại vẽ những điều “thật” trong góc nhìn của mình.
Khi nhìn lại tổng thể của triển lãm một lần nữa, từ những tác phẩm đời đầu cho đến những tác phẩm cuối cùng, người xem có thể hình dung được Lưu Công nhân đã bắt đầu hành trình hội họa của mình với việc vẽ hiện thực với nhiều chất liệu khác nhau, đưa mình vào khám phá nghệ thuật trừu tượng, tập trung vào vẻ đẹp của chân dung và khỏa thân phụ nữ. Cuối cùng ông quay lại vẽ hiện thực với cảm hứng từ những điều xung quanh với phong cách điềm đạm và tối giản hơn cho đến những ngày cuối cùng.
Quay lại không gian chính của triển lãm, người xem sẽ thấy một chiếc máy đánh chữ nổi bật ở ngay giữa căn phòng. Chiếc máy đánh chữ này đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc đời của Lưu Công Nhân, và ông đã sử dụng nó để viết thư từ gửi cho bạn bè và người thân. Ngoài việc vẽ tranh, ông cũng thường xuyên trao đổi nhiều ý tưởng sâu sắc và ý tưởng về nghệ thuật và những phẩm chất cần phải có của một người nghệ sĩ. Điều này đã làm cho cuộc sống tinh thần của ông trở nên phong phú hơn, và tạo cơ hội cho sự biểu hiện và ngẫm nghĩ cá nhân qua câu chữ và ngôn ngữ thị giác của riêng mình. Trên hai mặt của chiếc máy đánh chữ đều có chân dung của người phụ nữ kèm theo chữ ký của Lưu Công Nhân. Chiếc giá đỡ được được phủ đầy bằng những dòng chữ viết tay của ông, cùng với chữ “Vẽ là sống" đã nói lên được ý nghĩa của triển lãm này.
Triển lãm “Một thoáng Lưu Công Nhân” hiện đang diễn ra tại Annam Gallery và kéo dài đến ngày 04/08/2024. Thông tin chi tiết có thể được tìm thấy trang Facebook tại đây.