Làm thế nào để một họa sĩ gìn giữ và tiếp nối di sản của sơn mài truyền thống qua nhiều thế hệ? Qua triển lãm cá nhân lần này, họa sĩ Nguyễn Xuân Việt thể hiện sự thành thạo và hiểu biết rộng lớn, cũng như là đam mê vô hạn của ông với sự nghiệp vẽ tranh sơn mài.
“Nguyễn Xuân Việt: Người giữ lửa cho sơn mài” là một triển lãm cá nhân của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt. Diễn ra tại Eight Gallery, triển lãm trưng bày 58 tác phẩm sơn mài và sơn dầu được vẽ trong khoảng năm 1980 đến 2022.
Nguyễn Xuân Việt không phải là một cái tên xa lạ trong cộng đồng mỹ thuật Việt Nam. Ông được biết đến nhờ việc cống hiến hơn nửa cuộc đời và năng lực sáng tạo của mình để vẽ tranh sơn mài truyền thống. Thấy rõ được sự đam mê của ông đối với chất liệu đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn và tỉ mỉ này, nhà sưu tập tranh Trần Hậu Tuấn gọi ông là “người giữ lửa cho sơn mài,” một người họa sĩ xem sơn mài như tín ngưỡng của mình.
Sinh ra tại Nakhon Phanom (vùng đông bắc Thái Lan), Nguyễn Xuân Việt (1949) trở về Việt Nam một mình từ khi còn rất trẻ để tham gia vào chiến trường miền Nam, học tại trường Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội và trường Đại học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh, và rồi trở thành học trò của danh họa Nguyễn Gia Trí (1908 - 1933) một năm sau khi thống nhất đất nước.
Điều đầu tiên mà ta bắt gặp khi bước vào phòng tranh là những tác phẩm sơn mài khổ lớn bắt mắt. Đề tài chính của những tác phẩm được trưng bày bao gồm phong cảnh, sinh hoạt và chuyển động của con người, và thiên nhiên. Sen (2004) là một tác phẩm tiêu biểu trong căn phòng này, với đường nét và màu sắc rất chi tiết và uyển chuyển. Tác phẩm được tạo nên nhờ sự kết hợp giữa sơn mài truyền thống và chất liệu như vỏ trứng, làm nổi bật lên được kết cấu và sức sống của tác phẩm.
Nhiều tác phẩm của Nguyễn Xuân Việt, bao gồm những tác phẩm trong triển lãm này và kể cả những bộ sưu tập khác, thường xoay quanh đề tài đức tin. Khá nhiều dòng tôn giáo được thể hiện qua các tác phẩm: câu chuyện Phật Đản sinh, đêm Giáng sinh, chân dung của những bức tượng trong đền Ấn giáo, sinh hoạt của con người ở đền Angkor Wat, và chân dung của người phụ nữ Hồi giáo. Khi được hỏi về sự đa dạng tôn giáo trong tác phẩm của mình, vị họa sĩ đề cập đến nguồn cảm hứng từ di tích của những ngôi đền cổ. Hầu hết những tác phẩm nổi tiếng liên quan đến tôn giáo được vẽ bằng chất liệu sơn dầu. Điều này khiến cho họa sĩ muốn thử nghiệm với sơn mài, với mục đích truyền tải đến nhiều người xem từ nhiều văn hoá và tín ngưỡng khác nhau.
Di chuyển lên tầng trên của phòng tranh, ta sẽ thấy một loạt tranh sơn dầu phong cảnh, khỏa thân và chân dung. Đây là một yếu tố khá bất ngờ trong triển lãm cũng như từ phía họa sĩ, vì bình thường ông được biết đến với thực hành vẽ sơn mài. Họa sĩ đã sáng tác những tác phẩm sơn dầu này trong thầm lặng, và dường như chưa từng trưng bày cho công chúng. Hầu hết các tác phẩm trong triển lãm lần này được vẽ và lấy cảm hứng từ chuyến đi Paris của ông từ năm 1999 đến năm 2000.
Ngoài cảm hứng về tranh phong cảnh, chân dung và tôn giáo, vẽ trừu tượng là một điểm nổi bật trong sự nghiệp nghệ thuật của Nguyễn Xuân Việt. Tuy ông không phải là người họa sĩ đầu tiên vẽ trừu tượng với sơn mài truyền thống, nhưng sự kiểm soát về chất liệu, đường nét và dòng chảy không giới hạn của màu sắc, kèm theo kỹ thuật vẽ lâu năm làm các tác phẩm trở nên đặc biệt theo phong cách riêng của ông. Họa sĩ đã nhận định rằng ông không có ý định vẽ một điều gì đó cụ thể, và đơn giản chỉ theo đuổi tự do sáng tạo của riêng mình. Có lẽ vì điều này mà người xem sẽ cần phải dùng trí tưởng tượng của mình để cảm nhận. Xem tranh sơn mài trừu tượng của Nguyễn Xuân Việt giống như bước vào một điều sâu thẳm nào đó chưa từng được khai phá.
Triển lãm không chỉ trưng bày tranh sơn mài, mà còn bao gồm cả nhiều ấn phẩm được chuẩn bị bởi chính họa sĩ. Trong suốt thời gian theo học và trợ lý cho danh họa Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Xuân Việt đã luôn luôn ghi chép lại lời của thầy nói về phương pháp vẽ và những nhận định của ông về sự sáng tạo. Khi ông nhận ra rằng hầu như không ai thật sự hiểu rõ về sơn mài trong những năm 1980, ông đã sưu tầm lại tất cả những ghi chép và tài liệu nghiên cứu quan trọng, đồng thời nhấn mạnh lịch sử sơn mài truyền thống, cũng như tầm quan trọng và khả năng của nó trong nghệ thuật nước nhà.
Ấn phẩm Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo cùng với ba phiên bản đang được trưng bày, ghi chú lại những ý tưởng quan trọng của người thầy danh họa, cũng như tài liệu quan trọng về sơn mài và sơn ta. Ngoài ra, tuyển tập thơ Thời gian biển khơi được viết bởi chính Nguyễn Xuân Việt, thể hiện câu chuyện xuất thân của mình, những hoài niệm về nơi chốn quê hương, thế giới quan, và trải nghiệm cá nhân qua những chuyến đi. Nếu như lật qua từng trang sách, người xem sẽ thấy được sự tương đồng giữa những câu thơ và tác phẩm trong triển lãm, thể như chúng bổ trợ cho nhau và liên hệ mật thiết với nhau.
Ngoài sự thành thạo và tỉ mỉ được thể hiện qua từng bức tranh, có một giá trị thời gian luôn nằm ẩn ở đâu đó trong những tác phẩm của Nguyễn Xuân Việt. Màu sắc trong tác phẩm phong cảnh của họa sĩ không quá đậm hay quá rực rỡ, và trên bề mặt luôn có một vài mảng màu tối của sự cũ kĩ nhất định. Những yếu tố này thể hiện vết tích của thời gian, khi tác phẩm sống qua nhiều năm tháng theo một cách trọn vẹn nhất. Là người giữ lửa cho sơn mài, Nguyễn Xuân Việt đang tiếp tục duy trì di sản nghệ thuật Việt Nam quan trọng từ người đi trước để lại, và gìn giữ tiếp nối cho những thế hệ sau. Sơn mài truyền thống đã trở thành ngôn ngữ thị giác của ông. Với một niềm tự hào, đây chính là phương pháp độc đáo mà ông sử dụng để đối thoại với thế giới.
“Nguyễn Xuân Việt: Người giữ lửa cho sơn mài” hiện đang được trưng bày tại Eight Gallery đến ngày 29/09/2024. Thông tin chi tiết có thể được tìm thấy qua trang Facebook tại đây.