Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Triển lãm điêu khắc mới của Vy Trịnh đưa ta phiêu lưu cùng 'ON DA DREAM'

Những thanh ruy băng kim loại vừa cứng rắn vừa mềm mại như tia sáng, tràn lan, di chuyển và chiếm mọi ngõ ngách của khoảng không gian trống: lên xuống, trái phải, và vô vàn phương hướng. Qua một chuỗi những tác phẩm điêu khắc mới và sắp đặt phản hồi không gian, Vy Trịnh đã làm mờ ranh giới giữa khung cảnh đường phố và không gian triển lãm.

Trải dài khắp ba tầng lầu của Galerie Quynh, triển lãm cá nhân “ON DA DREAM” của Vy Trịnh, do Thái Hà giám tuyển, trưng bày những tác phẩm điêu khắc mới và sắp đặt phản hồi không gian. Đường phố không phải là nơi chỉ để đi qua, mà còn là nơi để người nghệ sĩ mượn những chất liệu thô sơ có sẵn và tạo nên tác phẩm. Trong lời giám tuyển, nghệ sĩ mài nhẵn, nắn cong, cuộn tròn, đánh bóng và thêm thắt sự lấp lánh cho những vật liệu mà cô tìm được: từ khung xe máy đến khung quạt và dây điện. Giấc mơ qua tác phẩm của cô luôn “bám chắc lên mặt đường và luôn lăn bánh với tốc độ tối đa.”

Tác phẩm ‘Chandelier’ (Đèn chùm) (2024) được tạo nên từ những vật liệu tìm thấy và trang trí với ruy băng kim tuyến và dây hạt cườm chằng chịt vào nhau, xuất hiện ở ngay lối vào triển lãm. Dây động cơ và cao su chụp dây điện thường được sử dụng cho mục đích dẫn điện để tạo ra ánh sáng, và điều đặc biệt trong tác phẩm này là Vy Trịnh đã biến những chất liệu dẫn điện này thành nguồn ánh sáng.

Không gian triển lãm ON DA DREAM tại Galerie Quynh (Tầng trệt). Ảnh được cung cấp bởi Galerie Quynh.
Chandelier (Đèn chùm), 2024. Dây động cơ, cao su chụp dây điện, đầu nối dây điện, con tán, keo dán, ruy băng kim tuyến, dây hạt cườm và dây rút. Kích thước khoảng: 420 cm, Ø 120 cm.

Khi tiếp tục di chuyển vào bên trong, người xem bắt gặp ‘DREAM’ (2024) - một tác phẩm đánh dấu xuất phát điểm của tên và câu chuyện triển lãm, cũng như giao điểm giữa các tác phẩm. Khung xe của chiếc Honda Dream bám chắc trên mặt đất và những thanh kim loại luồn lách và uốn lượn trong không gian, như những người lái xe máy di chuyển qua mọi ngóc ngách nẻo đường ngoài đời thực. Tác phẩm cũng hé lộ cho ta sự quan trọng của những chiếc xe máy trong xã hội đương đại Việt Nam, khi chiếc Honda Dream từng là ước mơ của vào nhiêu hộ gia đình và cá nhân trong thời kỳ Đổi Mới những năm 1990.

DREAM, 2024. Khung xe Honda Dream, sắt la, sắt tròn, khung sắt tự chế tạo, đồng thau, hàn the, decal xe Dream và lồng quạt Senko. Kích thước khoảng: 157 × 230 × 208 cm. Ảnh được cung cấp bởi Galerie Quynh.

Điêu khắc của Vy Trịnh có điều gì đó luôn luôn chuyển động, và luôn luôn biến đổi. Điều quan trọng ở đây không phải là “tác phẩm hoàn chỉnh", mà quá trình của sự “trở thành" chính là bản thân của tác phẩm. Nghề hàn thường được xem là một nghề lao động chân tay đòi hỏi rất nhiều sự cẩn trọng và tỉ mỉ, nhưng lại không được coi trọng như một phương pháp tạo nên tác phẩm nghệ thuật. Streetlight 1 (2024) và Streetlight 2 (2024) đã bắt được khoảnh khắc lướt qua của những tia sáng bắn tung toé đủ chiều. Khung cảnh này thường được thấy ở những tiệm sửa xe máy hoặc đâu đó trên đường phố. Với những thanh kim loại từ một điểm trọng tâm nổ tung ra mọi phía, nghệ sĩ đã biến những chất liệu này thành tác phẩm mà ta có thể nhìn và cảm nhận được ở mọi khoảnh khắc “hiện tại" trong đời.

Streetlight 1 (Đèn đường 1), 2024. Phanh đĩa xe máy, sắt tròn, dây hạt bi mạ niken, bông tuyết trang trí, ruy băng lụa, ruy băng voan và keo dán. Kích thước khoảng: 152 × 200 × 195 cm.
Streetlight 2 (Đèn đường 2), 2024. Phanh đĩa xe máy, sắt tròn, dây hạt bi mạ niken, bông tuyết trang trí, ruy băng kim tuyến và dây kẽm ánh kim. Kích thước khoảng: 145 × 150 × 138 cm.

Sự hiện diện của những quyển lịch trắng đen trên tường của mỗi căn phòng là một điểm nhấn quan trọng, và điều này cho phép người xem tương tác trực tiếp với triển lãm. Lịch xé thường được tìm thấy trong những tiệm sửa xe, nhưng những tờ lịch trong triển lãm này bao gồm thông tin và chi tiết của triển lãm được viết bởi giám tuyển Thái Hà. Thay vì để cho phòng tranh đưa cho người xem từng tờ brochure, người xem tự chủ động xe từng tờ lịch và từ từ đọc theo cách của mình, và từ đó hiểu sâu hơn về triển lãm. Việc thu thập một phần nhỏ của triển lãm và mang theo mình về nhà cũng có nghĩa là bản thân triển lãm vẫn chưa kết thúc trong không gian vật lí này, nhưng nó vẫn tiếp diễn kể cả khi người xem đã ra về.

Tại phần cuối của triển lãm, ‘Knock Sensor’ (Cảm biến kích nổ) (2024) giống như những dòng năng lượng như đang muốn nổ tung, dù đang bị giới hạn bởi không gian. Những dòng năng lượng mạnh mẽ này được làm từ những khung sắt tự chế tạo, nổ tung và tràn lan khắp nơi và thậm chí vượt qua khỏi lối vào căn phòng. Tác phẩm điêu khắc sắp đặt phản hồi không gian này không chỉ là đơn thuần là một tác phẩm để cho người xem tận hưởng nó, mà bản thân nó đang tức thời tiến đến và bao quanh người xem.

Không gian của Knock Sensor (Cảm biến kích nổ), 2024. Điêu khắc phản hồi không gian.Sắt la, khung sắt tự chế tạo, đồng thau, hàn the, dây hạt bi mạ niken, ruy băng voan, ruy băng lụa và dây hạt cườm. Kích thước sắp đặt tùy thuộc không gian. Ảnh được cung cấp bởi Galerie Quynh.

Những vật dụng thường ngày và hàng hóa chiếm lấy mọi không gian trước nhà mặt phố và lề đường, người lái xe máy chạy qua từng ngõ ngách đến đường phố lớn, và di chuyển vô vàn phương hướng. Khi ngày bắt đầu nhường chỗ cho màn đêm dần kéo đến, những ánh sáng nhấp nháy và lấp lánh bắt đầu xuất hiện dần trên phố. Cảnh tượng này làm ta tự hỏi: ánh sáng có ý nghĩa gì trong cuộc sống đô thị này, tại sao sự dịch chuyển vật lí và dịch chuyển xã hội lại quan trọng, và điều gì tạo nên những giấc mơ?

Ánh sáng thường được xem là một yếu tố cần thiết để dẫn đường qua ngày và đêm, nhưng nó cũng đóng góp cho cái đẹp chốn thành thị và những thành tựu về phát triển đô thị. Và rồi xuất hiện sự tồn tại của dòng người luôn luôn di chuyển và luồn lách khắp nơi với những ước mơ dịch chuyển. Qua mọi ngõ ngách của cuộc sống, ánh đèn đường nhấp nháy cho ta khả năng nhìn (Vision) trong lúc ta chạy trên giấc mơ (Dream) một cách mãnh liệt và vững vàng, để tiến đến tương lai (Future) đầy sự thịnh vượng và ổn định.

Triển lãm “ON DA DREAM” bởi Vy Trịnh hiện đang được diễn ra tại Galerie Quynh đến hết ngày 21/09/2024. Thông tin chi tiết có thể được tìm thấy trên trang Facebook tại đây.

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Tử Mộc Trà, nghệ sĩ sắp đặt kể chuyện văn hóa bằng lớp lang chất liệu

Tử Mộc Trà, tên thật là Phạm Thùy Dương, là một nữ nghệ sĩ 9x sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Hành trình theo đuổi nghệ thuật của cô được nuôi dưỡng bởi thiên cảm cá nhân, truyền thống gia đình và trải n...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Chuyến du hành ngược thời gian qua triển lãm cá nhân của họa sĩ Lưu Công Nhân

Buổi triển lãm cá nhân đưa người xem vào chuyến du hành thời gian đến thế giới của cố họa sĩ Lưu Công Nhân. Từ những bức vẽ màu nước đến những bức tranh khổ lớn, xấp tài liệu cũ, và cả chiếc máy đánh ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Cùng Van Gogh đi dạo ở Sài Gòn qua bộ sưu tập pop art của Trần Trung Lĩnh

Những đường cọ xoắn ốc và gam màu tươi sáng trong các tác phẩm của Van Gogh có lẽ là một trong những phong cách nghệ thuật dễ nhận biết nhất của giới hội họa. Vậy sẽ thế nào nếu những kỹ thuật lừng da...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Cùng nhau tập thể (dục) qua tuần lễ nghệ thuật du hành Nổ Cái Bùm 2024

Diễn ra tại Đà Nẵng và Hội An vào tháng 8/2024, tuần lễ du hành nghệ thuật Nổ Cái Bùm 2024 trở thành nơi nhiều nghệ sĩ trưng bày tác phẩm của mình, thu hút được nhiều sự chú ý của đông đảo người tham ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Nhìn thế giới đầy hỗn loạn qua triển lãm 'Hồn và Thể của Huyền Thoại' của Mahdi Abdullah

Bằng cách nào một người nghệ sĩ có thể chuyển hóa nỗi ám ảnh thành những tác phẩm nghệ thuật mạnh mẽ để kể câu chuyện của chính mình và bao nhiêu con người khác? Những tác phẩm của Mahdi Abdullah chín...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Severine Phương Trần đưa người xem vào thế giới 'Sắc màu' qua triển lãm cá nhân đầu tiên

Bước vào triển lãm đầu tiên tại Sài Gòn của Severine Phương Trần, người xem được khám phá thế giới tràn ngập màu sắc và cảm xúc của họa sĩ. Để tận hưởng tác phẩm, cách hay nhất là để đứa trẻ bên trong...