Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Cùng nhau tập thể (dục) qua tuần lễ nghệ thuật du hành Nổ Cái Bùm 2024

Cùng nhau tập thể (dục) qua tuần lễ nghệ thuật du hành Nổ Cái Bùm 2024

Diễn ra tại Đà Nẵng và Hội An vào tháng 8/2024, tuần lễ du hành nghệ thuật Nổ Cái Bùm 2024 trở thành nơi nhiều nghệ sĩ trưng bày tác phẩm của mình, thu hút được nhiều sự chú ý của đông đảo người tham gia trong nước và quốc tế. Từ không gian bảo tàng đến quán bar hoặc quán cafe, từ bờ biển đến sân khấu – tất cả đều có thể trở thành không gian triển lãm, đàm thoại, chiếu phim và trình diễn.

Nổ Cái Bùm (NCB) là một tuần lễ nghệ thuật đương đại mang tính du hành được giám tuyển bởi các nghệ sĩ tại Việt Nam. Lễ hội được khởi xướng bởi Đào Tùng (Nest Studio), Nguyễn Thị Thanh Mai, Trương Thiện, Hoàng Ngọc Tú (Mơ Đơ) and giám tuyển Lê Thiên Bảo (Symbioses) tại Huế vào năm 2020. Mùa thứ hai của NCB “Đà Lạt Mộng Mơ 2022” được tổ chức bởi nhóm nghệ sĩ Sao La và Hoàng Anh (Hey ! Storm).

Mùa thứ ba năm nay “Nổ Cái Bùm 2024: Tập thể (dục) / Collectivity-in-(act)ion” được đồng tổ chức bởi A Sông, MORUA và Symbioses, diễn ra tại Đà Nẵng và Hội An vừa rồi từ 22 - 28 tháng 8/2024. Với sự góp mặt của hơn 100 nghệ sĩ và tập thể nghệ thuật từ ba miền đất nước, tuần lễ bao gồm hơn 20 sự kiện đa dạng về hình thức: triển lãm, sắp đặt, trình chiếu phim, trình diễn, múa & sân khấu thể nghiệm, âm nhạc truyền thống kết hợp đương đại, workshop, tọa đàm, giải đấu hip-hop và tour nghệ thuật, đặc biệt tập trung giới thiệu những (nhóm) nghệ sĩ đến từ khu vực miền Trung.

Bàn tròn “Từ tinh thần bằng hữu đến Nổ Cái Bùm” với các nghệ sĩ khách mời tham gia trò chuyện: Nguyễn Thị Thanh Mai (đồng sáng lập và tổ chức NCB mùa 1, Huế), và Nguyễn Kim Tố Lan (tổ chức NCB mùa 2, Đà Lạt), buổi trò chuyện được điều phối bởi Lê Thiên Bảo. Ảnh: Xuân Hạ.

Lấy khái niệm “tập thể" làm xuất phát điểm, ban tổ chức NCB 2024 nhấn mạnh việc làm sao để nhiều cá nhân từ nhiều nơi khác nhau, với cách tiếp cận và mục đích khác nhau có thể hợp tác cùng nhau để tổ chức một tuần lễ nghệ thuật lớn. Chữ “dục" trong “giáo dục" khuyến khích người tham gia suy nghĩ về cách mà các nhóm tập thể nghệ sĩ làm việc ở Việt Nam. “Tập thể dục" cần có sự chuyển động và tương tác với nhau, và đây là yếu tố quan trọng của một tập thể. Việc tổ chức các chương trình cộng đồng ở nhiều địa điểm khác nhau sẽ khuyến khích người tham gia di chuyển giữa hai thành phố, tạo cơ hội cho nhiều sự gặp gỡ, xây dựng tình bằng hữu mới, và tăng cường mối quan hệ giữa những người tổ chức, nghệ sĩ, và người tham gia trong nước và quốc tế.

Khán giả tham gia ngày khai mạc Nổ Cái Bùm 2024. Ảnh: Mood Food.

Tuần lễ nghệ thuật bắt đầu với các buổi triển lãm, trình diễn, đàm thoại và sự kiện chiếu phim ở Đà Nẵng. Triển lãm “Qua Ngày Đoạn Tháng” tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng được giám tuyển bởi Duyên Lê và Bảo Hân Nguyễn. Với nhiều chất liệu khác nhau qua các tác phẩm tranh, sắp đặt và nhiếp ảnh, triển lãm khuyến khích người xem ngẫm nghĩ về mối quan hệ giữa con người và những yếu tố phi con người trong đề tài gia đình, liên tưởng đến không gian trong nhà và những vật dụng thường ngày nhuốm đầy ký ức. Thời gian trôi qua và xã hội luôn luôn thay đổi, ta tự hỏi điều gì còn vương vấn, điều gì thay đổi, và điều gì sẽ bị bỏ lại trong quá khứ.

Tác phẩm của nghệ sĩ Mi Fa tại triển lãm “Qua Ngày Đoạn Tháng” tại Bảo Tàng Mỹ Thuật Đà Nẵng, đồng giám tuyển bởi Duyên Lê và Bảo Hân Nguyễn. Ảnh: Mood Food.

Triển lãm “Nhà,” giám tuyển bởi Nguyễn Văn Tôn và Nóte Flood tại Cá Chuồn Space. Ảnh: Nguyễn Văn Tôn.

Cùng lúc đó, hai phần của triển lãm “Nhà” diễn ra tại Cá Chuồn Space và tầng trên của Bar Đồ Yêu (Đà Nẵng). Được giám tuyển bởi Nguyễn Văn Tôn và Nóte Flood, câu chuyện triển lãm xoay quanh câu hỏi được đặt ra: “Khi nào một tập thể những người xa lạ có thể trở thành như một gia đình?” Mỗi nghệ sĩ tự đưa ra định nghĩa và góc nhìn của mình về sự gắn kết với “nhà," bản chất của sự kết nối, và ý nghĩa của gia đình trong sự biến đổi của cuộc sống đương đại.

Nằm trong cùng không gian với “Nhà" tại Bar Đồ Yêu, buổi mở xưởng của Trần Quỳnh Nhi (Nhiditu) được tổ chức bởi AirHue, trưng bày những tác phẩm được phát triển trong quá trình lưu trú của nghệ sĩ. Bên cạnh đó, các tác phẩm nhiếp ảnh của Mắt Bét cũng đồng thời được trưng bày. Buổi mở xưởng cũng đi kèm cùng buổi gặp gỡ trò chuyện giữa các nghệ sĩ có tác phẩm trong không gian triển lãm và khách tham quan.

Tác phẩm video “Ảo thật” (Fanstatiscal Real) của Trần Quỳnh Nhi (Nhiditu), được bảo trợ bởi AirHue Program, thuộc sự kiện Open Studio tại Bar Đồ Yêu. Ảnh: AirHue.

Trưng bày tác phẩm “Năm mới, con xin chúc” bởi nghệ sĩ Mắt Bét, thuộc sự kiện Open Studio tại Bar Đồ Yêu. Ảnh: Mắt Bét.

Buổi chiếu phim và workshop tại Cá Chuồn Space cũng thu hút rất nhiều sự chú ý từ người xem bản địa và nước ngoài. “Câu chuyện cá chuồn” chọn lọc và bao gồm những tác phẩm phim ngắn bởi Duy Nguyễn, Koa Phạm, Trà My Hickin, Thuỳ-Trang Nguyễn, and Ái-Như Võ. Được giám tuyển bởi Thao Ho (DAMN*) và Lưu Bích Ngọc từ Berlin, buổi workshop tạo cơ hội cho cuộc trao đổi giữa những người tổ chức và người tham gia, xoay quanh nhiều đề tài được phản ánh qua các tác phẩm như di dân, di trú và danh tính,...

Sự kiện workshop và trình chiếu “Câu chuyện cá chuồn,” giám tuyển bởi Thao Ho (DAMN*) và Lưu Bích Ngọc. Ảnh: Mood Food.

Ngày dần dần trôi qua, càng nhiều người tham dự tiến đến gần bờ biển và ngồi bệt xuống những tấm chiếu đến tối muộn để cùng nhau thưởng thức buổi chiếu phim.

“Ngọn nước ngầm” được giám tuyển bởi Phạm Nguyễn Anh Tú, bao gồm phim ngắn của Nguyễn Thị Thanh Mai, Sylvia Schedelbauer, Lêna Bùi, Bjorn Melhus và Huỳnh Công Nhớ. Các tác phẩm men theo “những dòng lịch sử bị lãng quên, về sự chuyển dịch, về đức tin và mất mát, về những xung đột, ám ảnh và sự khai phóng,” và có sự đối thoại với nhau. Trong đêm tiếp theo, “Cinema CNN#4: Đi mô đi miết…” trình chiếu phim ngắn của Đàm Quang Trung, Nguyễn Lê Hoàng Phúc, Quế (Nguyễn Đức Hùng), Trương Minh Quý, Việt Vũ và Hà Đào. Được giám tuyển bởi Mai Huyền Chi và Duy Lê, buổi chiếu phim xoay quanh chủ đề “dịch chuyển,” với cảm hứng từ sự thay đổi về tính chất và trạng thái của các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống chung quanh, và được tiếp nối bởi buổi thảo luận giữa giám tuyển, nghệ sĩ và người điều phối.

Buổi trình chiếu “Ngọn nước ngầm,” giám tuyển bởi Phạm Nguyễn Anh Tú. Ảnh: Tống Khánh Hà.

Sự kiện trình chiếu và thảo luận “Cinema CNN#4: Đi mô đi miết…,” giám tuyển bởi Mai Huyền Chi và Duy Lê. Ảnh: Mắt Bét.

Dành cho những ai tìm kiếm một góc tĩnh lặng giữa tuần lễ nghệ thuật sôi nổi, “Trạm Đọc” đóng vai trò như một “thư viện" chung. Bộ sưu tập này được lựa chọn và chuẩn bị bởi Air Hue, Liên Phạm, 3 năm Studio và Bay Library, trưng bày sách, tạp chí và ấn phẩm hiếm từ nghệ sĩ trong và ngoài nước. Hầu hết các ấn phẩm nghệ thuật này không còn có sẵn để đọc, tải về hoặc mua từ bên ngoài, nên bộ sưu tập nhằm mục đích mang chúng đến gần công chúng hơn.

“Trạm Đọc” bởi AirHue, Liên Phạm, 3 năm Studio, Bay Library. Ảnh: Tống Khánh Hà.

Tiếp tục đến ba ngày cuối của tuần lễ nghệ thuật, người tham gia sẽ thấy mình di chuyển nhiều hơn nữa giữa các địa điểm trong Hội An, với nhiều buổi trao đổi, sắp đặt tương tác, thăm xưởng nghệ sĩ, nghệ thuật trình diễn, múa và sân khấu từ những nhóm nghệ sĩ đến từ miền Trung.

Tại quán cà phê và art workshop Rainbow Garden, sắp đặt tương tác “Cờ Ạt Cờ" được tạo ra bởi nghệ sĩ Trần Thảo Miên và nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tú Hằng, cho phép nhiều người tham gia chọn nhân vật cho mình, phân tích những tình huống được đặt ra trong khung cảnh nghệ thuật, và trao đổi cách giải quyết và chiến lược cùng nhau. Buổi nói chuyện “Làm Nhóm Nhóm Làm” được tổ chức bởi nghệ sĩ và tác giả Ethan Philbrick và điều phối bởi Anh Vo, giới thiệu ấn phẩm mới của anh “Group Works: Art, Politics, and Collective Ambivalence” (tạm dịch: “Làm Nhóm: Nghệ Thuật, Chính Trị, và Mâu Thuẫn Tập Thể”). Philbrick đưa đến cho khán giả nhiều góc nhìn về thử nghiệm nhóm, tập trung vào những cá nhân nghệ sĩ, và tác phẩm quan tâm đến quá trình cấu tạo nhóm hoặc cộng đồng.

Sắp đặt tương tác “Cờ Ạt Cờ,” nghệ sĩ Trần Thảo Miên, tại Rainbow Garden, Hội An. Ảnh: Chip.

Thảo luận sách “Làm Nhóm Nhóm Làm,” diễn giả Ethan Philbrick, điều phối bởi Anh Vo, tại Rainbow Garden, Hội An. Ảnh: Lâm Hiếu Thuận.

Buổi thăm xưởng của nghệ sĩ Hoàng Thanh Vĩnh Phong, được dẫn dắt bởi giám tuyển Lê Thiên Bảo, là một chương trình độc đáo trong chuỗi sự kiện này. Xưởng của nghệ sĩ nằm ẩn trong một góc yên tĩnh của thành phố Hội An, nơi mà anh sống và làm việc thầm lặng trong suốt hơn hai thập kỷ nay. Đây là một cơ hội hiếm có để những khách tham quan bước qua xưởng, nhìn tận mắt những chất liệu được sử dụng, và trò chuyện cùng nghệ sĩ. Anh cũng chia sẻ về từ những ngày đầu học mỹ thuật, hành trình nghệ thuật của mình, và cách anh thử nghiệm với chất liệu sơn mài trên những tác phẩm khung giường nổi bật.

Thăm xưởng Nghệ sĩ Hoàng Thanh Vĩnh Phong. Ảnh: Lâm Hiếu Thuận.

Lấy cảm hứng từ môi trường xung quanh mình, nhiều gương mặt nghệ sĩ mới đã phát triển các tác phẩm trình diễn của mình bằng việc sử dụng những chất liệu gắn liền với câu chuyện của chính mình. Họ thể hiện góc nhìn của mình, tạo ra một khung cảnh tưởng tượng mới, và đôi lúc tương tác trực tiếp với người xem.

Qua những chuyển động, cử chỉ ngôn từ hoặc phi ngôn từ, diện mạo, âm thanh và sự tương tác, những nghệ sĩ trình diễn phản hồi chính những khó khăn của mình và vấn đề xã hội đang tồn tại. Trong trình diễn “Đô thị,” Nguyễn Xuân Thành phản ánh thực tại về những gốc rễ và trái tim của Nha Trang giờ đã bị phá hủy. Những điều quý giá từng tồn tại ở thành phố biển nay đã bị thay thế bởi những thứ sầm uất để bắt kịp với thời đại – là kết quả đô thị hóa và du lịch.

Trình diễn “Đô thị,” Nguyễn Xuân Thành, tại An Nhiên Farm — Triêm Tây, Điện Bàn, Quảng Nam. Ảnh: An Tran.

Trong một tình huống khác khi con người ta cần thoát ra khỏi sự khó chịu và tù túng, Tâm Đỗ đã đem sức sống mới đến một lò gạch cũ bị bỏ hoang giữa đồng ruộng, và biến nó thành một khung cảnh tưởng tượng “Nhà gạch bay.” Nghệ sĩ trình diễn bước xuống từ lò gạch cũ và mang theo mình một khối bong bóng, dần dần tiến đến gần đám đông người xem, mời họ tham gia cùng mình, và đọc to một bài thơ để kết thúc buổi trình diễn.

Trình diễn “Nhà Gạch Bay,” nghệ sĩ Tâm Đỗ, tại Lò Gạch Cũ Duy Xuyên, Hội An. Ảnh: Lâm Hiếu Thuận.

Một điểm nhấn khác của tuần lễ nghệ thuật là sự kết hợp của loại hình múa và sân khấu thể nghiệm, âm nhạc truyền thống và đương đại, và cả buổi đấu hip-hop diễn ra ở nhiều nơi tại Hội An. Hầu hết các chương trình lần này đều được phát triển từ những dự án có sẵn và vẫn đang tiếp diễn. Qua ngôn ngữ chuyển động, những người nghệ sĩ tìm lối qua sự phức tạp giữa thực hành thực hành cá nhân và nhóm, và rút ngắn khoảng cách giữa truyền thống và đương đại.

(Trái) 05. Biểu diễn “Nếu không nhớ thì sẽ quên, sẽ quên…,” nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Anh, Khang Nguyễn, Alex Phước Chương, chương trình lưu trú MÚA RỨA 2023, tại Nhà Biểu diễn Nghệ thuật Cổ truyền, Hội An. Ảnh: Nguyễn Ngọc Hải (Hải Ô).
(Phải) Biểu diễn “Ka Lén Hát Nhảy,” nhóm nghệ sĩ Kim-Kim Hà-Genbou-Haki-Mai Linh-Zenky, tại AVANA Vietnam Art Residence, Hội An. Ảnh: Nguyễn Ngọc Hải (Hải Ô).

Ban tổ chức đã đặt một bước đi quan trọng năm nay bằng việc đưa văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm đến với công chúng, và giới thiệu nhóm nghệ sĩ Chăm Hagait Ni. Diễn viên múa Vạn Huyền đưa đến người xem câu chuyện của nhân vật chính Kau trong “Gilaong” (Hướng), với những câu hỏi về nguồn gốc thất lạc của mình, và hành trình đi tìm nguồn cội và kết nối với bản thân. Trong buổi trình diễn múa và âm nhạc “Mai - Marai,” có một cuộc đối thoại tồn tại truyền thống và đương đại, và mỗi nghệ sĩ mang theo trong mình những ký ức thiêng liêng, kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai với nhau.

Biểu diễn “Gilaong” (Hướng), nghệ sĩ Vạn Huyền, Đại Khang, Ngọc Hữu Saranai, Thuận Ngọc Hòa, chương trình lưu trú MÚA RỨA 2024, tại Nhà Biểu diễn Nghệ thuật Cổ truyền, Hội An. Ảnh: Nguyễn Ngọc Hải (Hải Ô).

Biểu diễn âm nhạc và múa Chăm “Mai - Marai,” nhóm nghệ sĩ Hagait Ni, tại Rạp Chiếu phim thuộc Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Lâm Hiếu Thuận.

Mỗi phiên bản của NCB đều được tổ chức ở những thành phố khác nhau, và đồng tổ chức bởi những nhóm nghệ sĩ khác nhau. Theo lời của Xuân Hạ (Giám đốc Sáng tạo và Nhà tổ chức xuất của NCB 2024, Đà Nẵng / Sáng lập A Sông Collective): “Nổ Cái Bùm không chỉ là một sự kiện nghệ thuật, nó là một tập thể lớn bao gồm nhiều cá nhân và các tập thể nhỏ.” Tinh thần tập thể (dục) không chỉ tồn tại giữa những người tham gia, mà còn được thể hiện qua cách mà các nhóm nghệ sĩ tổ chức NCB từ năm 2020. Bằng việc tạo cơ hội cho nhiều thế hệ nghệ sĩ và người hoạt động nghệ thuật từ nhiều nơi đến với nhau, tuần lễ nghệ thuật đã tạo điều kiện cho những cuộc trao đổi mở rộng, nơi mà mọi người tự do thể hiện chính mình, học hỏi thêm nhiều góc nhìn, xây dựng tình bằng hữu mới và cộng đồng.

Ngô Thanh Phương và Red (Giám đốc Sáng tạo và Nhà tổ chức của NCB 2024, Hội An / Đồng sáng lập MORUA) cũng đã nói rằng: “Nổ Cái Bùm là một nỗ lực bền bỉ của cộng đồng nghệ thuật tại Việt Nam, trong việc duy trì kết nối, duy trì chuyện trò, duy trì thử nghiệm dựa trên nền tảng nguồn lực sẵn có của từng địa phương.” Sự tham gia của các nghệ sĩ, giám tuyển, đối tác doanh nghiệp, nhà tài trợ, đông đảo tình nguyện viên và người tham gia đều thiết yếu trong chuỗi sự kiện này. Để kết luận, tuần lễ nghệ thuật NCB đóng vai trò rất quan trọng trong việc giới thiệu và truyền sức mạnh cho khung cảnh nghệ thuật các vùng miền ở ngoài hai thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thông tin và tổng kết của “Nổ Cái Bùm 2024: Tập thể (dục) / Collectivity-in-(act)ion” có thể được tìm thêm trên trang Facebook tại đây. NCB năm nay đã kết thúc, nhưng tinh thần lễ hội vẫn còn đây!

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Tử Mộc Trà, nghệ sĩ sắp đặt kể chuyện văn hóa bằng lớp lang chất liệu

Tử Mộc Trà, tên thật là Phạm Thùy Dương, là một nữ nghệ sĩ 9x sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Hành trình theo đuổi nghệ thuật của cô được nuôi dưỡng bởi thiên cảm cá nhân, truyền thống gia đình và trải n...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Cùng Van Gogh đi dạo ở Sài Gòn qua bộ sưu tập pop art của Trần Trung Lĩnh

Những đường cọ xoắn ốc và gam màu tươi sáng trong các tác phẩm của Van Gogh có lẽ là một trong những phong cách nghệ thuật dễ nhận biết nhất của giới hội họa. Vậy sẽ thế nào nếu những kỹ thuật lừng da...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Triển lãm điêu khắc mới của Vy Trịnh đưa ta phiêu lưu cùng 'ON DA DREAM'

Những thanh ruy băng kim loại vừa cứng rắn vừa mềm mại như tia sáng, tràn lan, di chuyển và chiếm mọi ngõ ngách của khoảng không gian trống: lên xuống, trái phải, và vô vàn phương hướng. Qua một chuỗi...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Chuyến du hành ngược thời gian qua triển lãm cá nhân của họa sĩ Lưu Công Nhân

Buổi triển lãm cá nhân đưa người xem vào chuyến du hành thời gian đến thế giới của cố họa sĩ Lưu Công Nhân. Từ những bức vẽ màu nước đến những bức tranh khổ lớn, xấp tài liệu cũ, và cả chiếc máy đánh ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Nhìn thế giới đầy hỗn loạn qua triển lãm 'Hồn và Thể của Huyền Thoại' của Mahdi Abdullah

Bằng cách nào một người nghệ sĩ có thể chuyển hóa nỗi ám ảnh thành những tác phẩm nghệ thuật mạnh mẽ để kể câu chuyện của chính mình và bao nhiêu con người khác? Những tác phẩm của Mahdi Abdullah chín...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Tuổi thơ 'dữ dội' của 8X 9X tái hiện qua bộ tranh minh họa đồ chơi

Cùng với sự phát triển của công nghệ, niềm vui của trẻ em dường như ngày càng bị giới hạn trong không gian điện tử. Trước sự áp đảo của các game điện thoại như Temple Run, Pokemon GO, hay những tựa ga...