Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Đánh thức trải nghiệm đa giác quan qua triển lãm 'Trong hư vô, cái hiện hữu'

Ta ngước lên, nhìn xuống, sang trái rồi phải, đi theo một dòng năng lượng vô hình nhưng mãnh liệt trong bóng tối, rồi soi kĩ từng tác phẩm như thể chúng là những vật thể sống. Để cảm nhận được trải nghiệm đa giác quan này, nên chậm rãi dành thời gian với từng tác phẩm với sự tập trung cao độ, mà không cần tìm ngay một định nghĩa có sẵn. Hãy để trí tưởng tượng tự do, và đón nhận mọi cảm xúc và ký ức trỗi dậy bên trong ta.

“Trong hư vô, cái hiện hữu” là một triển lãm nhóm được tổ chức bởi Nguyễn Art Foundation, giới thiệu các tác phẩm của Oanh Phi Phi, Lêna Bùi, Nguyễn Thúy Hằng và Linh San. Được giám tuyển bởi Bill Nguyễn, triển lãm lần theo những nhân tố cảm quan và sự nhạy cảm giác quan vốn tồn tại trong chất liệu nghệ thuật, qua đó khám phá khả năng tiềm ẩn mà quá trình vật chất biến đổi có thể tác động lên lãnh địa của việc trải nghiệm nghệ thuật.

Bằng lối tiếp cận độc đáo, sự cải tiến và thử nghiệm với nhiều chất liệu khác nhau của mỗi nghệ sĩ, những tác phẩm tranh, điêu khắc, và những ngôn từ như vô hình trở thành những vật thể sống. Thay vì đưa ra lời giải thích cho từng tác phẩm, giám tuyển khuyến khích người xem sử dụng giác quan của mình, cùng với sự tập trung và trí tưởng tượng để đón nhận sự tồn tại của những tác phẩm một cách trọn vẹn nhất.

Khi bước vào không gian triển lãm, điều đầu tiên ta bắt gặp là một phòng thí nghiệm, với những “lăng kính sơn mài” đưa chúng ta quay ngược thời gian trở về khởi nguyên của sự sống. Tác phẩm điêu khắc - sắp đặt ánh sáng ‘Thạch Thư' (2011 - đang tiếp diễn) của Oanh Phi Phi đưa chúng ta vào thế giới tưởng tượng của những tế bào dưới lăng kính hiển vi, cũng như vũ trụ vĩ đại được nhìn qua kính viễn vọng. Tách ra khỏi phương pháp vẽ nhiều lớp sơn ta truyền thống trên tấm vóc, nghệ sĩ tạo nên nhiều lớp “da sơn mài," với dải hoa văn sơn mài được vẽ trên tấm kính, được phóng đại trên một tấm màn qua các máy chiếu sáng.

Oanh Phi Phi. ‘Thạch Thư,’ 2011 – đang tiếp diễn. Kính, sơn ta, bột màu, nhôm, inox, gỗ bần, vải aramid, nhựa, vàng, bạc, lá nhôm, thép.

Oanh Phi Phi. “Thạch Thư”, 2011 – đang tiếp diễn. Kính, sơn ta, bột màu, nhôm, inox, gỗ bần, vải aramid, nhựa, vàng, bạc, lá nhôm, thép.

‘Những gì chẳng thể chia lìa’ (2024) xuất hiện trong hình dạng cơ thể con người, tượng trưng cho ba thế hệ phụ nữ khác nhau của cùng một huyết thống: bản thân nghệ sĩ, mẹ của cô, và con gái của cô. Thời gian cứ thế trôi qua, cơ thể con người liên tục trưởng thành và úa tàn, sống rồi chết đi. Những lớp lang sơn mài trên tấm áo giáp như thời gian bị đọng lại, như “vỏ giờ không ruột, giáp giờ không xác, người giờ không danh,” theo như lời văn được viết cho triển lãm.

Oanh Phi Phi. ‘Những gì chẳng thể chia lìa.’ Sơn ta trên sợi carbon và sợi kevlar nhựa epoxy tổng hợp.

Để bước vào không gian những tác phẩm của Lêna Bùi và cảm nhận nó một cách trọn vẹn nhất, điện thoại nên được gác qua một bên, và giày ta nên được tháo dỡ trước khi bước chân vào. Ta để chân trần chạm đất và đưa ta đi theo những đường đứt gãy giữa các tác phẩm, mắt ta chăm chú nhìn từng chi tiết và màu sắc, và tai ta tập trung nghe những âm thanh mờ nhạt từ nhiều phía. Ta tìm thấy mình đứng giữa thứ mà cơ thể ta đang chứa đựng, những gì cơ thể ta đang cảm nhận từ thế giới bên ngoài, và thế giới tâm linh nằm ngoài tầm kiểm soát của ta. ‘Xung điện số 1,’ ‘Vũ trụ số 2’ và những tác phẩm tranh lụa như ‘Hệ tuần hoàn số 3’ thể hiện những sự sống ở bên trong chúng ta: những tế bào nhân lên, mạch máu chạy liên tục, nhịp tim đập thình thịch, và dòng năng lượng dường như vô tận lan truyền khắp cơ thể ta.

Lêna Bùi. ‘Xung điện số 1.’ Mực và màu nước trên lụa và giấy lưu trữ.
Lêna Bùi. ‘Vũ trụ số 2.’ Thảm len 200 nút dệt tay, sắp đặt âm thanh.

Lêna Bùi. ‘Hệ tuần hoàn số 3.’ Mực và màu nước trên lụa và giấy lưu trữ.

Trong căn phòng cuối cùng, cơ thể của ‘Vũ trụ số 1,’ được làm từ thảm len và nút dệt tay, nổi lên khỏi mặt đất và nhìn thẳng lên ‘Ánh sáng' trên trần nhà. Khi ngước lên nhìn, ta thấy những hình ảnh chuyển động của đám côn trùng lượn lờ quanh đốm sáng lớn rực rỡ, và trong phút chốc dần bị thay thế bởi những khung cảnh khác. Sau khi quan sát tất cả những gì xảy ra bên trong cơ thể con người và tự nhiên, có lẽ ta đã đi đến giây phút cuối của vòng đời: thanh lọc và buông bỏ, sự sống và cái chết, phân hủy và tái tạo. Rồi một lần nữa, một vòng đời mới lại bắt đầu.

Lêna Bùi. ‘Vũ trụ số 1,’ 2021. Thảm len, 200 nút dệt tay. 190 x 120 cm.

Lêna Bùi. ‘Ánh sáng.’ Video, màu, âm thanh.

Di chuyển đến không gian triển lãm tiếp theo, ta bắt gặp nhiều hơn những tác phẩm điêu khắc trong hình dáng nhân loại và phi nhân loại, ngôn từ không thể nói ra, những ký ức sống, hoài niệm và thời gian lắng đọng trong tĩnh lặng. Chuỗi tác phẩm ‘Những chiến binh’ của Nguyễn Thúy Hằng bao gồm những nhân vật nửa người nửa thú, đứng và xoắn vặn hướng lên và hướng ngược xuống từ trần nhà, như thể chúng đang lang thang trong vô định không chốn nương thân. Sự cứng cáp của những nhân vật bằng sắt được bao bọc bởi sự mềm mại của vải, giống như da thịt với nhiều nếp nhăn đã sống qua nhiều hỗn loạn trong cuộc đời. Ta chưa rõ được họ đến từ kiếp này hay vẫn còn vương vấn từ kiếp trước, nhưng thấy được rõ sự ra đi nhưng không có cập bến, thiếu cảm giác thuộc về và luôn có khát vọng về một nơi khác.

Nguyễn Thúy Hằng. ‘The Warriors.' Vải xô, sắt, màu acrylic. Kích thước đa dạng (7 tác phẩm tổng cộng).

Nguyễn Thúy Hằng. ‘Những chiến binh.’ Vải xô, sắt, màu acrylic. Kích thước đa dạng (7 tác phẩm tổng cộng).

‘Chén khổ' và ‘Ghế' được tạo nên hầu hết từ hai chất liệu chính với tính chất trái ngược nhau: sự mỏng manh của giấy bản có thể bị rách, và sự cứng cáp và thô ráp của gỗ. Trong khi các chiến binh sắt bọc vải, với vẻ ngoài vừa nghiêm nghị vừa khơi gợi, lang thang trong vô định, thì hai tác phẩm điêu khắc trên vẫn đứng im. Tuy vậy, sự tĩnh lặng của chúng bộc lộ được một năng lượng tâm linh mạnh mẽ đâu đó, và từng lớp chất liệu dưới tác phẩm điêu khắc chứa đựng đầy khoảng thời gian đã trôi và những ký ức bị quên lãng.

Nguyễn Thúy Hằng. ‘Chén khổ.’ Tủ gỗ, giấy bản, bạc lá, côn trùng, sơn acrylic.

Nguyễn Thúy Hằng. ‘Ghế.’ Ghế gỗ, giấy bản, bạc lá, sơn acrylic.

Với nền tảng văn học, Linh San sử dụng chất liệu gốm để tạo nên những tác phẩm gần với vật dụng thường ngày gợi lên nhiều ký ức. Trong ‘những đêm,' bao gồm 1,096 mảnh “giấy” được làm từ gốm, nghệ sĩ trải ra những lá thư tưởng tượng của những lời không thể nói ra. Mỗi hình dáng thể hiện trạng thái khác nhau của từng mảnh giấy gốm: phẳng, gấp, cuộn tròn, chồng chất lên nhau, và nhàu.

Linh San. ‘những đêm.’ Nhiều kích thước.

Theo như lời giám tuyển, “đất phải bị đốt đi thì gốm mới được sinh ra.” Chất liệu gốm thử thách từng li từng tí sự kiên nhẫn của người nghệ sĩ, khi đất sét luôn luôn được nhào rồi nặn cho đến khi nó đạt đến trạng thái như mong muốn, rồi được đưa vào lò nung. Đây là kết quả của quá trình lao động tâm huyết, cũng như minh chứng cho sự nhẫn nại, chăm chút và thời gian đã dành ra.

Linh San. ‘những đêm.' Sứ Bát Tràng. Nhiều kích thước.

Trong không gian kín tĩnh lặng và gần như tối hoàn toàn, ba phần của tác phẩm gốm ‘Ôm #1: Cổ này tay nọ’ treo lơ lửng trong không trung. Những dải đất sét mang hình dáng cổ và tay áo của chiếc áo trước kia mẹ cô thường mặc để làm ruộng. Để nhìn rõ từng phần, người xem cần phải dùng đèn pin và tập trung nhìn những miếng “vải" làm bằng gốm, với những đường chỉ thật sự tỉ mỉ dần dần lộ ra khi ánh sáng mờ chậm rãi rọi qua.

Linh San. ‘Ôm #1: Cổ này tay nọ.’ Sứ Bát Tràng. Nhiều kích thước.

Thời gian trôi qua, vật chất có thể thay đổi hoặc tự phân hủy, con người đến một lúc nào đó cũng sẽ già đi và tan biến khỏi cõi đời này. Bằng cách nào để ta có thể lưu trữ được sự hoài niệm và thời gian đã mất? Làm sao để ta biến những ký ức bị lãng quên thành một thứ gì đó hữu hình và vĩnh cửu, có thể được nhìn thấy, nghe thấy, và chạm vào? Bóng tối bao trùm lấy không gian triển lãm khiến cho chúng ta tập trung hơn vào sự im lặng, những hiện diện vô hình, và những điều ta chưa biết ở trước mắt. Giữa vòng tuần hoàn của sự sống và cái chết, tiêu vong và vĩnh cửu, sự cứng cáp và mềm mỏng, xa và gần, quá khứ và hiện tại, ta luôn mòn mỏi tìm kiếm tàn tích nào đó của những ký ức đã ra đi mãi mãi.

Không gian triển lãm “Trong hư vô, cái hiện hữu” tại Nguyễn Art Foundation (EMASI Nam Long).

“Trong hư vô, cái hiện hữu” hiện đang được trưng bày tại 2 địa điểm của Nguyễn Art Foundation tại EMASI Vạn Phúc và EMASI Nam Long, kéo dài đến tháng 2/2025. Thông tin chi tiết về việc đặt hẹn, giờ mở cửa và chương trình cộng đồng có thể được tìm thấy trên trang Facebook tại đây.

 

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Chuyến du hành ngược thời gian qua triển lãm cá nhân của họa sĩ Lưu Công Nhân

Buổi triển lãm cá nhân đưa người xem vào chuyến du hành thời gian đến thế giới của cố họa sĩ Lưu Công Nhân. Từ những bức vẽ màu nước đến những bức tranh khổ lớn, xấp tài liệu cũ, và cả chiếc máy đánh ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Cùng Van Gogh đi dạo ở Sài Gòn qua bộ sưu tập pop art của Trần Trung Lĩnh

Những đường cọ xoắn ốc và gam màu tươi sáng trong các tác phẩm của Van Gogh có lẽ là một trong những phong cách nghệ thuật dễ nhận biết nhất của giới hội họa. Vậy sẽ thế nào nếu những kỹ thuật lừng da...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Khám phá thế giới tranh sơn mài truyền thống qua triển lãm cá nhân của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt

Làm thế nào để một họa sĩ gìn giữ và tiếp nối di sản của sơn mài truyền thống qua nhiều thế hệ? Qua triển lãm cá nhân lần này, họa sĩ Nguyễn Xuân Việt thể hiện sự thành thạo và hiểu biết rộng lớn, cũn...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Cùng nhau tập thể (dục) qua tuần lễ nghệ thuật du hành Nổ Cái Bùm 2024

Diễn ra tại Đà Nẵng và Hội An vào tháng 8/2024, tuần lễ du hành nghệ thuật Nổ Cái Bùm 2024 trở thành nơi nhiều nghệ sĩ trưng bày tác phẩm của mình, thu hút được nhiều sự chú ý của đông đảo người tham ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Nhìn thế giới đầy hỗn loạn qua triển lãm 'Hồn và Thể của Huyền Thoại' của Mahdi Abdullah

Bằng cách nào một người nghệ sĩ có thể chuyển hóa nỗi ám ảnh thành những tác phẩm nghệ thuật mạnh mẽ để kể câu chuyện của chính mình và bao nhiêu con người khác? Những tác phẩm của Mahdi Abdullah chín...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Triển lãm điêu khắc mới của Vy Trịnh đưa ta phiêu lưu cùng 'ON DA DREAM'

Những thanh ruy băng kim loại vừa cứng rắn vừa mềm mại như tia sáng, tràn lan, di chuyển và chiếm mọi ngõ ngách của khoảng không gian trống: lên xuống, trái phải, và vô vàn phương hướng. Qua một chuỗi...